Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ năm 03 tháng 02 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Campuchia: ASEAN không mời ngoại trưởng Myanmar dự hội nghị 

    Reuters 

    Ngoại trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin đón Thủ tướng Campuchia Hun Sen ở Naypyitaw, Myanmar, 7/1/2022.

    Ngoại trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin đón Thủ tướng Campuchia Hun Sen ở Naypyitaw, Myanmar, 7/1/2022. 

    Campuchia cho biết hôm thứ Năm 3/2 rằng một đại diện phi chính trị của Myanmar được mời tham dự hội nghị cấp bộ trưởng của khu vực vào cuối tháng này, trong khi ngoại trưởng của chính quyền quân sự không được mời.

    Campuchia hiện là chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á. Khối này đã gây bất ngờ hồi cuối năm ngoái khi cấm chính quyền Myanmar tham gia các hội nghị quan trọng do không tuân thủ kế hoạch hòa bình đã thỏa thuận với khối.

    Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tìm đưa chính quyền Myanmar tham gia trở lại, và ông cho biết ông muốn mời các nhà lãnh đạo Myanmar lại dự các cuộc họp của khối có 10 thành viên.

    Nhưng các nước thành viên ASEAN đã không đạt được đồng thuận về việc mời Ngoại trưởng Wunna Maung Lwin trong bối cảnh kế hoạch hòa bình thiếu tiến triển, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry cho biết.

    Chum Sounry nói với Reuters: “Trong thời gian này, chúng tôi khuyến khích Myanmar có đại diện tham dự cuộc họp ở cấp độ phi chính trị thay vì để trống ghế”.

    Campuchia sẽ tổ chức cuộc họp của các bộ trưởng vào ngày 16 và 17/2.

    Myanmar đã rơi vào khủng hoảng kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử cách đây một năm, với khoảng 1.500 dân thường thiệt mạng trong cuộc đàn áp của quân đội nhằm vào các đối thủ, theo số liệu do văn phòng nhân quyền Liên hợp quốc nêu ra.

    Quân đội ở nông thôn cũng đang giao chiến trên nhiều mặt trận với các nhóm ủng hộ dân chủ đã chuyển sang đấu tranh vũ trang, ngoài ra còn có các lực lượng dân tộc thiểu số.

    Campuchia cho biết trong một tuyên bố hôm 2/2 rằng họ "quan ngại sâu sắc" về các báo cáo cho biết nạn bạo lực tiếp diễn và tình hình nhân đạo xấu đi ở Myanmar.

    "Các quốc gia thành viên ASEAN nhấn mạnh đến sự cấp bách của việc phải chấm dứt ngay bạo lực và tất cả các bên phải kiềm chế tối đa", vẫn theo tuyên bố.

    Nhưng vẫn còn có sự chia rẽ về vấn đề này và ông Hun Sen đã gặp nhà lãnh đạo quân sự Min Aung Hlaing ở Myanmar vào ngày 7/1, một chuyến đi khiến một số nước láng giềng trong khu vực lo ngại rằng nó có thể bị hiểu nhầm rằng chính quyền Myanmar được công nhận.

    Ông Hun Sen trong thời gian gần đây chịu áp lực phải buộc ông Min Aung tuân theo thỏa thuận hòa bình ASEAN, và một số nước thành viên yêu cầu rằng nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi, người đang bị xét xử, phải được trả tự do và được phép tham gia vào tiến trình hòa bình.

    (Reuters)

    Hoa Kỳ thông báo gởi quân sang Đông Âu để trấn an các đồng minh

    Các binh sĩ Mỹ tại căn cứ Fort Bragg (bang North Carolina) sẵn sàng lên đường đi châu Âu. Ảnh chụp tại căn cứ Fort Bragg, ngày 22/11/2021, nhân chuyến thăm của tổng thống Joe Biden. AP - Evan Vucci 

    Hôm qua, 02/02/2022, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thông báo gởi thêm 3.000 quân đến Đông Âu để bảo vệ các nước thành viên khối NATO « chống lại mọi cuộc tấn công », trong lúc Pháp và Đức gia tăng nỗ lực ngoại giao để thuyết phục Nga rút quân khỏi vùng biên giới Ukraina. 

    Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

    “Việc triển khai quân này là nhằm cho thấy Hoa Kỳ sẵn sàng cho mọi tình huống, kể cả những tình huống bất ngờ nhất. Lầu Năm Góc nói họ không biết Nga đang có những kế hoạch gì, nhưng ghi nhận là Matxcơva có rất nhiều khả năng hành động, ngoài khả năng đưa quân xâm lăng Ukraina.

    Như vậy là 3.000 binh lính sẽ được gởi đến các quốc gia Đông Âu thành viên của khối NATO. 1.000 trong số này, hiện trú đóng ở Đức, sẽ được điều động sang Rumani, quốc gia có chung biên giới với Ukraina và là một trong những quốc gia mà Nga đòi khối NATO phải rút quân. 2.000 binh lính khác sẽ rời nước Mỹ, cụ thể là từ căn cứ Fort Bragg ở North Carolina. Một phần trong số này sẽ được gởi sang Đức và sang Ba Lan. Đội quân được triển khai ở Ba Lan là các đơn vị tác chiến bộ binh thuộc sư đoàn không vận 82, sẵn sàng được điều động trong vòng một hoặc hai ngày. Nói cách khác, đây là một lực lượng phản ứng nhanh trong số các đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội Hoa Kỳ.

    Lầu Năm Góc nhấn mạnh đây không phải là triển khai quân thường trực, mà lực lượng này có thể được điều chỉnh tăng thêm hoặc giảm bớt. Mặt khác, lực lượng 8.500 quân được đặt dưới tình trạng báo động vào tuần trước sẽ vẫn ở lại Mỹ, không có gì thay đổi. Một điểm quan trọng khác, đó là các binh lính được gởi đến châu Âu sẽ không được triển khai trên lãnh thổ Ukraina, quốc gia không phải là thành viên khối NATO.

    Trong trường hợp Nga xâm lăng Ukraina, Hoa Kỳ dự trù ban hành các trừng phạt kinh tế. Các biện pháp này hiện đang được hai phe Cộng Hòa và Dân chủ ở Quốc Hội Mỹ cùng chuẩn bị, cho dù những thành phần theo Donald Trump vẫn chỉ trích kịch liệt. Nhà Trắng cáo buộc những nhân vật này là những cái loa tuyên truyền của Nga. ».

    Tổng thống Pháp và thủ tướng Đức có thể sớm đi Nga 

    Theo thông báo của Nhà Trắng, trong một cuộc điện đàm hôm qua, tổng thống Joe Biden và tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết sẽ phối hợp phản ứng của hai nước trước sự hiện diện của quân Nga ở biên giới Ukraina. Trong cuộc điện đàm này, tổng thống Macron đã không loại trừ khả năng đích thân đến Nga để tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.

    Thủ tướng Đức Olaf Scholz tối qua cũng thông báo là sau chuyến thăm Hoa Kỳ này 07/02, ông sẽ sớm đến Matxcơva để hội đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin để tìm cách giải tỏa khủng hoảng Ukraina. Về phần tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, hôm nay ông đến Kiev để cố làm trung gian hòa giải giữa đồng minh Ukraina và nước Nga nhằm tránh một cuộc xung đột có thể sẽ gây tác hại cho Thổ Nhĩ Kỳ.

    Khủng hoảng Ukraina : Báo chí tiết lộ nội dung Mỹ và NATO trả lời các đòi hỏi của Nga

    Các binh sĩ Ukraine kiểm tra xe tăng tại một đơn vị quân đội gần Kharkiv, Ukraina, ngày 31/1/2022. AP - Andrew Marienko 

    Nhật báo Tây Ban Nha El Pais ngày 02/02/2022, được AFO trích dẫn, đã tiết lộ Mỹ và NATO đã đề nghị Nga thảo luận về việc kiểm soát vũ khí và các biện pháp để tái lập lòng tin, nhằm gạt bỏ nguy cơ Nga xâm lược Ukraina. Các đề nghị này được ghi trong thư trả lời cho Nga vào cuối tháng trước. Bộ Ngoại Giao Mỹ gián tiếp xác nhận tính chính xác của tin bị lộ trong lúc Matxcơva duy trì áp lực với Washington và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.   

    Giữ thái độ mơ hồ và duy trì áp lực với phương Tây  bằng mọi phương tiện đang có trong tay : đó là chiến lược của Nga trên vấn đề Ukraina vào thời điểm này, sau tiết lộ của báo El Paris hôm qua. 

     Thông tín viên đài RFI từ Matxcơva Anissa El jabri phân tích :   

    « NATO và điện Kremlin cùng không muốn bình luận về thông tin rò rỉ và đây không phải là lần đầu tiên phương pháp này được sử dụng. Trong ngành ngoại giao, nguyên tắc giữ kín những thư từ trao đổi giờ đây không còn được tôn trọng nữa, nhưng về thực chất vụ để lộ thông tin này không gây ngạc nhiên. Về phía phương Tây, có hai đề xuất liên quan đến các biện pháp kiểm soát vũ khí và tái lập lòng tin.  

    NATO cũng như là Hoa Kỳ đã gạt bỏ yêu cầu quan trọng nhất của Matxcơva liên quan đến từ chối mở rộng thêm liên minh quân sự. Đây tiếp tục là một cuộc đối thoại giữa hai người điếc, cho dù là hôm Thứ Ba vừa qua, tổng thống Vladimir Putin có để ngỏ khả năng những cuộc đối thoại khác sẽ diễn ra. Nguyên thủ Nga cũng muốn chứng minh rằng trong cuộc đo sức lần này, ông không đơn thương độc mã vì ngày mai tổng thống Putin sẽ đến Bắc Kinh dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông. Điện Kremlin thông báo Trung Quốc sẽ ủng hộ Nga một cách rõ ràng, qua « một bản tuyên bố chung về quan hệ quốc tế trong một thời đại mới, đặc biệt là trong vấn đề an ninh ». Đây là cách để thể hiện sự gần gũi giữa Matxcơva với Bắc Kinh đồng thời là một thông điệp gửi đến Washington rằng Kremlin không để Mỹ và Trung Quốc đối thoại tay đôi và gạt nước Nga sang bên lề ».   

    NATO: Nga điều 30.000 quân tập trận ở Belarus, phía bắc của Ukraine 

    Reuters 

    Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại tổng hành dinh của khối ở Brussels, Bỉ, 12/1/2022.

    Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại tổng hành dinh của khối ở Brussels, Bỉ, 12/1/2022. 

    NATO cho biết Nga đã tăng tốc triển khai quân tới Belarus, nước láng giềng phương bắc của Ukraine, trong những ngày gần đây và dự kiến sẽ có 30.000 quân ở đó tham gia cuộc tập trận chung trong tháng này.

    Cuộc tập trận Nga-Belarus, kéo dài đến ngày 20/2, tạo cơ hội cho Moscow tăng cường lực lượng gần Ukraine vào thời điểm mà Mỹ và Anh nhiều lần cảnh báo rằng Moscow có thể chuẩn bị cho chiến tranh.

    Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết đến nay Nga đã điều tổng cộng 115.000 quân đến gần biên giới Ukraine.

    Nga phủ nhận chuyện họ có kế hoạch xâm lược Ukraine và mô tả cuộc tập trận Quyết tâm của Đồng minh với Belarus là cuộc diễn tập về đẩy lùi hành động xâm lược từ bên ngoài. Nga không tiết lộ quy mô lực lượng của họ ở đó nhưng cho biết họ sẽ rút quân sau cuộc tập trận.

    Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Trong những ngày qua, chúng tôi đã chứng kiến nhiều lực lượng quân sự Nga di chuyển vào Belarus”.

    Ông nói thêm: “Đây là đợt triển khai lớn nhất của Nga ở đó kể từ sau Chiến tranh Lạnh, và dự kiến bao gồm 30.000 lính chiến” cũng như binh lính thuộc lực lượng đặc biệt Spetsnaz, máy bay chiến đấu SU-35, hệ thống phòng không S-400 và tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

    Hãng thông tấn Interfax cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến Belarus hôm 3/2 để thị sát các binh sĩ Nga và Belarus, và dự kiến gặp nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko.

    Mỹ và NATO đã bác bỏ yêu sách của Nga đòi cấm Ukraine gia nhập NATO cũng như đòi rút các lực lượng và hệ thống vũ khí của khối đồng minh này khỏi Đông Âu. Đồng thời, Mỹ và NATO bày tỏ sẵn sàng thảo luận về các biện pháp kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 1/2 nói rằng phương Tây đã tảng lờ các mối quan tâm chính của Nga và cáo buộc Hoa Kỳ đang cố gắng dụ Nga rơi vào một cuộc chiến, nhưng ông Putin nói rằng Nga vẫn muốn đối thoại.

    Hôm 3/2, Điện Kremlin một lần nữa cáo buộc Washington làm gia tăng căng thẳng sau khi Hoa Kỳ cho biết họ sẽ điều thêm gần 3.000 binh sĩ tới Ba Lan và Romania. Lầu Năm Góc cho biết mục đích là để gửi ra một "tín hiệu mạnh mẽ" tới ông Putin và thế giới rằng "NATO thật quan trọng với Hoa Kỳ và khối này cũng quan trọng với các đồng minh của chúng tôi".

    (Reuters)

    Trung Quốc tìm cách gia tăng uy thế trên biển với “các đội tàu đánh cá” trang bị vũ khí

    Ngân Hà

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/02/chinese-fleet.jpg

    Trung Quốc tìm cách gia tăng uy thế trên biển với “các đội tàu đánh cá” trang bị vũ khí 

    Trung Quốc vẫn duy trì việc neo đậu tại vùng nước tranh chấp ở biển Đông thông qua các đội tàu đánh cá quy mô với hàng trăm tàu thuyền, một việc làm kiên quyết để thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà nước này lập kế hoạch sẽ bao phủ toàn cầu vào năm 2049.

    Vào tháng 3/2021, Philippines đã kêu gọi chú ý tới một đội tàu Trung Quốc đang chiếm cứ Rạn San hô Đá Ba đầu, nơi cả Trung Quốc và Philippine đều tuyên bố chủ quyền. Lực lượng đặc nhiệm quốc gia Biển Tây Philippines đã thông báo về hơn 200 tàu dân quân biển Trung Quốc neo đậu tại đó.

    Ngư dân Philippines đã nhiều thế hệ phụ thuộc vào vùng biển giàu có quanh Đá Ba đầu để kiếm sống. Họ hiện đang ở nơi tuyến đầu có tầm quan trọng quyết định tới cuộc xung đột quốc tế.

    “Đó là vùng biển của riêng chúng tôi, nhưng thay vì đánh bắt cá, chúng tôi rất sợ phải quay trở lại đó vì ai đó có thể tấn công chúng tôi,” Diomesio Cabacungan, một ngư dân tại cảng Sisiman, Philippines nói với Đài châu Á Tự do. “Họ cố gắng bắn vào chúng tôi. Họ đã bắn ba lần,” ông nói.

    Một tờ báo do Bộ Quốc phòng Cộng hòa Philippines xuất bản đã bày tỏ quan ngại lớn về sự có mặt của những tàu thuyền này.

    “Đây là một hành động khiêu khích rõ ràng nhằm quân sự hoá khu vực,” Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, tuyên bố. “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngừng hành động xâm phạm này và lập tức triệu hồi các tàu thuyền đang vi phạm quyền hàng hải và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi.”

    Các quan chức Trung Quốc thừa nhận sự hiện diện của các tàu thuyền nhưng tuyên bố chúng chỉ trú tránh thời tiết xấu, hoàn toàn phủ nhận sự hiện diện của một đội tàu đánh cá có vũ trang.

    Hình ảnh vệ tinh từ Maxar Technologies cho thấy tàu thuyền Trung Quốc đã neo đậu quanh rạn san hô từ tháng 12 và không rời đi trong hơn ba tháng.

    “Tôi cho rằng đó là một âm mưu kéo dài để xem Philippines sẽ làm gì,” Rockford Weitz, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Hàng hải Đại học Tufts, nói với Newsweek.

    Ông Weitz nhận định vụ việc tại Đá Ba đầu là bằng chứng đáng tranh luận về việc lực lượng phòng vệ biển Trung Quốc bắt đầu nhận ra tiềm năng của họ, một mối đe dọa thực tế đối với Mỹ và các nước ở biển Đông.

    “Không có cuộc xung đột vũ trang nào. Nhưng họ đã hiện diện, họ phớt lờ mọi mệnh lệnh. Họ tạo nên mối lo ngại,” ông Weitz nói. “Về bản chất, họ gửi đi thông điệp, chúng tôi ở đây, và chúng tôi có vô số tài sản để ở đây vĩnh viễn.”

    Trung Quốc có cả lực lượng phòng vệ biển lẫn đội tàu đánh cá thương mại lớn nhất thế giới. Là nước tiêu thụ hải sản hàng đầu thế giới, Trung Quốc có lý do chính đáng để đầu tư vào các tàu thuyền đánh cá của họ.

    Ông Weitz lưu ý rằng các đội tàu cá thương mại của thế giới, dù là của Trung Quốc, Nga, Mỹ, hay Nhật, đều có khả năng trở thành lực lượng phòng vệ biển. Trung Quốc là một trong những cường quốc đầu tiên vũ khí hoá ngành đánh bắt cá của họ trên quy mô lớn, và nó là một mối quan tâm toàn cầu.

    Trung Quốc đã thực hiện một nỗ lực chiến lược để trang bị cho cộng đồng đánh bắt cá của nước mình các con tàu với thiết bị tiên tiến, có thể trang bị vũ khí, tạo ra một “đội các tàu dân sự được vận hành và tổ chức có khả năng vừa khai thác nguồn tài nguyên biển vừa chiếm giữ các vùng biển tranh chấp,” Jay Batongbacal, phó giáo sư và giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật pháp trên Biển tại Đại học Philippine, nói với Đài Châu Á Tự do.

    Ông Batongbacal giải thích rằng vì Trung Quốc về cơ bản đã làm cạn kiệt tất cả vùng đánh cá ven bờ, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư đáng kể cho đội tàu đánh cá. Việc cung cấp hỗ trợ tài chính để hiện đại hoá các con tàu, cung cấp các thiết bị radio, thiết bị đánh cá và bộ thu tín hiệu GPS là nhằm bảo đảm tàu thuyền có khả năng đánh bắt xa bờ hơn.

    Sức mạnh của đội tàu là không thể phủ nhận. Vì Trung Quốc phủ nhận các con tàu là tàu quân sự, các quan chức Trung Quốc có thể coi bất cứ hành động nào của hải quân nước ngoài hay lực lượng canh gác bờ biển nước ngoài chống lại họ cũng là nhằm tấn công các dân thường Trung Quốc.

    Việc sử dụng các tàu đánh cá quân sự hoá để thực hiện sức mạnh trên biển xa bờ đã trở thành một đặc tính thường xuyên của hoạt động hải quân của Trung Quốc, và nó phù hợp hoàn toàn với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thiết lập Sáng kiến Vành đai và Con đường đầu tiên vào năm 2013 nhằm mở rộng dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lan rộng từ Đông Á tới châu Âu. Sáng kiến hiện bao phủ hơn 70% nước trên thế giới, về cơ bản đang khuếch đại sức ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của Trung Quốc.

    Biển Đông, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và có nhiều ngư trường, là khu vực được săn lùng trong hơn nửa thế kỷ. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều tranh giành tuyên bố chủ quyền trong khu vực, trong khi Trung Quốc cho rằng phần lớn vùng nước khổng lồ thuộc chủ quyền của họ.

    Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền gần 90% biển Đông với “đường lưỡi bò” – một sáng tạo của chính phủ Trung Quốc dù nó vi phạm quyền hàng hải của nhiều vùng đặc quyền kinh tế.

    Bất chấp phán quyết về ranh giới của công ước Hague quyết định rằng những tuyên bố về phạm vi quyền lợi của Trung Quốc tại biển Đông là không có cơ sở pháp lý, có vẻ như những nỗ lực bành trướng của Trung Quốc chưa bị đe dọa. Bắc Kinh vẫn phớt lờ phán quyết, tiếp tục tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ vùng biển là lãnh thổ của họ.

    Nhưng những tuyên bố phi pháp của Trung Quốc về kiểm soát 90% một trong những đại dương đánh cá dồi dào nhất tiếp tục làm trầm trọng và gia tăng căng thẳng khu vực, đồng thời phớt lờ thỏa thuận hàng hải biển quốc tế mà Bắc Kinh là một bên tham gia.

    Ngân Hà (theo Newsweek)

    ĐCSTQ trích ‘nguồn ẩn danh’ nói Mỹ phá hoại Olympic Bắc Kinh

    Đặng Trần

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2021/12/olym-700x366.jpg

    Hình ảnh minh họa về Olympic Bắc Kinh 2022 (ảnh: Từ video của BBC) 

    Một tuần trước khi khai Olympic Bắc Kinh vào ngày 4/2, chính phủ Trung Quốc bắt đầu khiêu khích Hoa Kỳ. Họ cũng đã tăng cường tối đã các biện pháp nhằm ngăn chặn những chỉ trích đối với việc đàn áp nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

    Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, trích dẫn “các nguồn tin ẩn danh” nói rằng Hoa Kỳ đã lên kế hoạch “làm gián đoạn và phá hoại một cách độc ác” Olympic Bắc Kinh bằng cách khuyến khích các động viên chỉ trích hồ sơ nhân quyền của ĐCSTQ.

    Theo Reuters, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh nói trong một email rằng các vận động viên có quyền thể hiện bản thân một cách tự do theo tinh thần và điều lệ Olympic, bao gồm cả việc thúc đẩy quyền con người.

    Email cũng lưu ý rằng chính quyền Trung Quốc tiếp tục “cố gắng đánh lừa công chúng” để “đánh lạc hướng công chúng khỏi hồ sơ nhân quyền tồi tệ của họ.

    Thượng nghị sĩ Jeff Merkley và dân biểu P. McGocate đã cùng nhau gửi một lá thư đề ngày 31 tháng 1 đến Ủy ban Olympic và Paralympic yêu cầu quyền truy cập vào kế hoạch của các tổ chức này để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và thông tin cá nhân của các vận động viên Hoa Kỳ.

    Theo VOA, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tăng cường đàn áp những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động nhân quyền, những bài phát biểu trực tuyến và hạn chế các tài khoản mạng xã hội. Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc đã cảnh báo các vận động viên Olympic rằng nếu họ thực hiện bất kỳ hành động phản đối nào đều có thể bị trừng phạt.

    Theo một báo cáo của New York Times vào ngày 31 tháng 1, những vận động viên tham gia Olympic Bắc Kinh 2022 đã phải trải qua việc kiểm soát an ninh khó khăn nhất trong tất cả các kỳ thế vận hội đã qua. Ngoài việc họ bị giám sắt chặt chẽ về Covid, họ còn bị quản lý chặt chẽ các phát biểu.

    Báo cáo cho biết, nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc và người chiến thắng giải thưởng nhân quyền của EU, ông Hu Jia, cảnh sát buộc ông phải ở nhà. Ông đã được cảnh sát đã đến thăm bốn lần trong tám ngày sau khi ông vào tháng 1 đăng lên Twitter dòng trạng thái chỉ trích các quan chức an ninh nhà nước quấy rối và bắt giữ các nhà phê bình trước Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh. Họ cảnh báo anh rằng nếu ông có những phát biểu như thế, họ sẽ hạn chế quyền đến thăm người mẹ đang bị bệnh của ông

    Báo cáo đã trích dẫn các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc nói rằng các vận động viên tham gia Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh có trách nhiệm lên tiếng chống lại cuộc đàn áp nhân quyền đang gia tăng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, một quan chức của Ủy ban tổ chức Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh cho biết trong nhiều dịp khác nhau, bao gồm trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại được tổ chức bởi Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ, rằng bất kỳ lời nói hoặc hành vi nào chống lại luật và quy định của Trung Quốc sẽ bị trừng phạt.

    Báo cáo cho biết, đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc tổ chức Thế vận hội là một biểu hiện của sự thành công của họ, vì thế lực lượng này không ngần ngại buộc tội tất cả những người công kích họ nhân dịp này.

    Các nhà tài trợ Olympic, nhà quảng cáo và nhà thầu đã cảnh báo nhân viên của họ không nói bất kỳ chủ đề nhạy cảm nào về Bắc Kinh. Một số đội tuyển Olympic mùa đông đã cảnh báo các vận động viên và những người khác không mang theo các thiết bị điện tử của riêng họ, chẳng hạn như điện thoại di động và thay vào đó sử dụng điện thoại di động tạm thời vì sợ bị theo dõi.

    (AFP / NHK) - Mỹ yêu cầu Hội Đồng Bảo An họp khẩn về Bắc Triều Tiên. 

    Cuộc họp kín, dự trù diễn ra ngày 03/02/2022 sau khi Bình Nhưỡng bắn thử một tên lửa mạnh nhất hôm Chủ Nhật 30/01. Tổng thư ký Antonio Guterres cũng lên án vụ thử này. Tuy nhiên, quyết định còn phụ thuộc vào Nga, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên trong tháng Hai của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Nhật Bản, ngoại trưởng Mỹ Blinken lên án những vụ bắn thử tên lửa của Bắc Triều Tiên và tái khẳng định sự hợp tác song phương về hồ sơ này.

    (Hindustan Times) - Ấn Độ và Liên Hiệp Châu Âu bàn về hợp tác hoạt động hàng hải chung ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. 

    Đây là một trong những nội dung của Đối thoại An ninh Hàng hải Ấn Độ - EU lần thứ hai diễn ra ngày 01/02/2022. Trong thông cáo chung, hai bên cam kết thực hiện một « trật tự hàng hải tự do, cởi mở, bao trùm và dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương » được củng cố bằng việc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Vào tháng 06/2021, Liên Hiệp Châu Âu và Ấn Độ đã tiến hành tập trận hải quân chung ở Vịnh Aden.

    (AFP) - Gần 3 triệu gia cầm bị tiêu hủy vì dịch cúm gia cầm tại Pháp. 

    Theo thống kê ngày 01/02/2022 của bộ Nông Nghiệp Pháp, kể từ khi dịch cúm gia cầm xuất hiện vào tháng 11/2021, Pháp đã phát hiện 328 ổ dịch trong những khu chăn nuôi, trong đó có đến 218 ổ dịch ở vùng Landes, quê hương của món gan ngỗng béo. Đây là đợt cúm gia cầm thứ tư kể từ năm 2015 và tác động chủ yếu đến miền tây nam Pháp.

    (AFP) - Afghanistan : Mở lại đại học công, với vài nữ sinh viên. 

    Các trường đại học công ở Afghanistan hôm nay 02/02/2022 lần đầu tiên đã mở cửa kể từ khi phe Taliban lên nắm quyền vào tháng 8/2021, tại sáu tỉnh Laghman, Nangarhar, Helmand, Nimroz, Farah và Kandahar. Có vài nữ sinh viên được phép đến nghe giảng, nhưng ngồi tách biệt với nam giới. Cho đến nay chỉ có những trường đại học tư được mở lại, cũng tách riêng nam nữ. Nhà cầm quyền cho biết sẽ mở tiếp tại các tỉnh khác vào ngày 26/02. Đây là kết quả cuộc đàm phán cuối tháng Giêng giữa Taliban và các nhà ngoại giao phương Tây tại Genève. Phương Tây đặt điều kiện chỉ giải ngân hàng tỉ đô la viện trợ quốc tế nếu Taliban tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là nữ quyền.

    Lục quân Mỹ cho giải ngũ những ai không chịu chích ngừa COVID 

    Reuters 

    Kiểm tra thân nhiệt binh sĩ thuộc Lục quân Mỹ tại Fort Lee, Virginia., ngày 31/3/2020.

    Kiểm tra thân nhiệt binh sĩ thuộc Lục quân Mỹ tại Fort Lee, Virginia., ngày 31/3/2020. 

    Các binh sĩ từ chối tiêm vaccine COVID-19 sẽ bị giải ngũ ngay, Lục quân Mỹ tuyên bố ngày 2/2 và nói rằng động thái này là thiết yếu để duy trì tính sẵn sàng chiến đấu.

    Lệnh của Lục quân Mỹ được áp dụng cho các binh sĩ chính qui của Lục quân, các binh sĩ Lục quân trừ bị đang hoạt động và các sinh viên sĩ quan trừ phi họ được miễn trừ chích ngừa hay đang chờ được miễn trừ, Lục quân Mỹ loan báo.

    Đây là lệnh mới nhất từ một binh chủng trong quân đội Mỹ, cho các binh sĩ không tiêm chủng rời khỏi quân ngũ giữa đại dịch sau khi Ngũ Giác Đài buộc tất cả binh sĩ phải chích ngừa từ tháng 8/2021.

    Đa số các binh sĩ hiện dịch đã được chích ít nhất một liều vaccine. Gần 79 binh sĩ trong các lĩnh vực phục vụ khác nhau đã thiệt mạng vì virus corona chủng mới.

    “Sự sẵn sàng của Lục quân tùy thuộc vào các binh sĩ sẵn sàng để được huấn luyện, được triển khai, chiến đấu và chiến thắng,” Bộ trưởng Lục quân Chirstine Wormuth nói. “Những binh sĩ không tiêm chủng là nguy cơ của lực lượng và gây phương hại cho tính sẵn sàng chiến đấu.”

    Các binh chủng khác của quân đội Mỹ trong đó có Không quân, đã bắt đầu cho giải ngũ những người không chịu chích ngừa COVID.



    Không có nhận xét nào