Header Ads

  • Breaking News

    Trần Vũ - Đông Dương 1993


    Trong lịch sử xâm thực giữa các đế quốc và thuộc địa, có lẽ chưa có mâu thuẫn nào mãnh liệt, đẫm máu mà cũng đầy ám ảnh, đam mê lẫn luyến tiếc bằng va chạm Việt-Pháp.

    Trong quá khứ khi những thuyền buôn Tây Âu đổ xuống bến cảng Đà Nẵng không chỉ có thánh kinh, hàng hoá, thuốc đạn... mà còn có cả một khái niệm mới: Đông Dương. Đông Dương dưới mắt thương buôn và các giáo sĩ châu Âu mang ý nghĩa của một thị trường duy nhất còn sót và bị khép kín. Nhưng đối với Nho sĩ, Sĩ phu, Quan lại Việt Nam, L´Indochine lại hoàn toàn mới mẻ. Trải nhiều ngàn năm dựng nước, trí thức Việt chỉ biết tới một khái niệm duy nhất: Quốc Gia, Đại Cồ Việt, Đại Ngu, Đại Việt, Đại Nam hay vương quốc An Nam đều là tên gọi của khái niệm đó. Đông Dương được triều đình Huế hiểu là những vùng đất đã, đang và sẽ chịu Nam tiến.

    Mâu thuẫn Việt-Pháp nhanh chóng xuất phát từ từ xung khắc khái niệm ấy. Một bên xem là thị trường, tức tự do buôn bán, tự do truyền đạo, và trong đó Việt Nam chỉ là một trong ba thị trường. Và một bên xem là đất đai linh thiêng, đất hương hoả của tổ phụ; "tự do buôn bán'' hay "tự do quảng bá đạo" nghịch ý Thiên Tử là xúc phạm.

    Kể từ 1860, mâu thuẫn trở nên gay gắt, bùng nổ thành chiến tranh khi phía Pháp ý nghĩa Đông Dương ban đầu cũng biến đổi - từ thị trường chuyển sang thuộc địa - với tên gọi mới: L´Indochine Française. Một trăm năm sau ngày hoàng đế Louis Philippe gởi những chiến thuyền đầu tiên bắn phá cảng Đà Nẵng, và 80 năm liền kể từ khi quân đoàn viễn chinh đầu tiên của Napoléon đệ tam sang Đông Dương là một chuỗi xung đột với liên tiếp những phong trào nổi dậy của hoàng gia, lẫn sĩ phu, nông dân Việt. Nhưng dưới bất kì tên gọi nào: Phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du, hay phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Mặt Trận Việt Minh... cũng chỉ là sự đối kháng của Việt Nam chống lại khái niệm Đông Dương-Thuộc địa, áp đặt từ chính giới Pháp.

    *
    Trong số những gương mặt lớn của lịch sử Pháp, đã đến Đông Dương trong quá khứ, có lẽ Leclerc là người trông thấy trước sự tan rã không thể phản hồi của thực tế thuộc địa. Việc tiếp xúc rồi thương thuyết với chính phủ kháng chiến khiến Leclerc gặp nhiều chỉ trích. Với cao ủy D´Argenlieu đó là hành động đầu hàng nhục nhã. Nhưng với riêng Leclerc, khi nhận sứ mệnh "tái lập trật tự và bảo vệ quyền lợi Pháp" [1] tại Viễn Đông, giải pháp cấp thời rất đơn giản: Tái lập trật tự phương thức nào nhanh cho bằng đình chiến? Và bảo vệ quyền lợi của Pháp cách nào hiệu quả hơn chính những người kháng chiến đang đe doạ quyền lợi ấy đứng ra đảm bảo? Trong tâm trí Leclerc, nước Pháp chỉ có thể hiện diện được lâu dài trong một Đông Dương ổn định. Sự tin tưởng của Leclerc đưa đến Thoả ước Sơ bộ [2] ngày 6.3.1946 (Convention préliminaire Franco-Vietnamienne du 6 Mars 1946).

    Cho đến thời điểm đó, không ai có thể trách Leclerc thiếu tài thao lược quân sự. Khi tháng 10 năm 1945 bước chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất, nắm trong tay chỉ vỏn vẹn chiến đoàn thiết kị của đại tá Massu một đơn vị kết hợp từ Sư đoàn 2 Kị binh danh tiếng (2ème D.B.) và một trung đoàn tiền phương thuộc Sư đoàn 9 Thuộc địa (9ème D.I.C.), Leclerc đã nhanh chóng tái kiểm soát những trục giao thông huyết mạch ở các tỉnh lị miền Tây và trên cao nguyên Darlac. Giống như khi vào giải thoát Paris, Strasbourg, tiến vào Berchtesgaden, Leclerc không bao giờ do dự khi đổ bộ xuống vịnh Bắc Việt trước sự hiện diện của quân đội Trung Hoa. Nhưng như đã viết, Leclerc trông thấy trước lịch sử. Quân đoàn viễn chinh cho dù thiện chiến, chỉ có thể thắng các trận đánh, không thể chiến thắng một dân tộc. Thoả ứơc ngày 6.3.1946 công nhận quyền tự trị của Việt Nam trong liên bang Đông Dương thuộc Liên Hiệp Pháp, là bước đầu trao trả cho Đông Dương khái niệm khởi thủy: Thị trường thay Thuộc địa.

    Nhưng trông thấy trước lịch sử không có nghĩa là chuyển hoán, biến đổi hay tái tạo được lịch sử. Leclerc đơn độc trước thời đại. Bất lực trước chính sách đối ngoại cứng rắn của De Gaulle qua D´Argenlieu. Cô đơn trước tham vọng hiếu chiến của Valluy, tiêu biểu cho hàng tướng lãnh Pháp cần một chiến thắng để xóa nhoà thảm bại Đệ nhị Thế chiến xẩy ra năm 1940. Biến cố Hải Phòng cuối năm 46 đưa đến tan vỡ toàn diện giữa Việt-Pháp [3] . Những năm theo sau, quân đội Pháp cố gắng chống đỡ khái niệm Thuộc địa, và Mặt trận Việt Minh nỗ lực khôi phục ý niệm quốc gia thiêng liêng đã có từ bốn ngàn năm trước.

    *
    Tháng hai 93 vừa qua, Tổng thống đương nhiệm Pháp François Mitterrand đến Đông Dương, mở ra một dấu mốc mới của lịch sử. Nhưng lạ lùng thay, đoạn diễn văn quan trọng, được nhắc đi nhắc lại, trích dẫn qua nhiều phương tiện truyền thông: "Je suis ici pour clore un chapitre. Et plus encore pour en ouvrir un autre" [4] (Tôi đến đây để đóng lại một chương sử, và hơn thế nữa, để mở ra một chương mới), lại rất gần giống và mang nhiều âm hưởng của diễn văn De Lattre tại Vĩnh Yên nửa thế kỉ trước. Ngày 19.4.1951 trước đại diện Việt Nam là Trần Văn Hữu, tướng De Lattre đã tuyên bố: "Je suis venu ici pour accomplir votre indépendance, et non pour la limiter" [5] (Tôi đến đây để hoàn thành nền độc lập của các bạn, không phải để giới hạn nền độc lập đó). Cả hai diễn văn đều cùng mang một ý chí, chu toàn một sứ mệnh: "hoàn thành nền độc lập của Việt Nam" - cùng một lúc De Lattre từ bỏ chế độ thuộc địa Đông Dương; "mở một chương sử mới" - Francois Mitterrand khẳng định quyết tâm xoá bỏ mọi mâu thuẫn khơi nguồn từ chế độ thuộc địa đó.

    Đến đây, câu hỏi đặt ra: De Lattre có thật tâm? Chính sách đối ngoại Pháp thay đổi cơ bản? Chấp nhận một thể chế mới cho Đông Dương mà mới một năm trước hãy còn quyết liệt chối từ? Nếu thật sự như vậy, dấu mốc mới của lịch sử phải ấn xuống ngày 17.12.1950 khi De Lattre sang Đông Dương, để "hoàn thành nền độc lập của quý quốc". Nếu đúng, sẽ không thiếu những nghi ngờ hôm nay về nhu cầu đeo đuổi chiến tranh từ phía Việt Minh. Nhưng thực tế quá khứ có những diễn giải riêng.

    Khác với Leclerc sáu năm trước, De Lattre đến Đông Dương trong những giờ phút khó khăn đen tối nhất. Không phải ngẫu nhiên mà diễn văn "Hoàn thành nền độc lập" chỉ được De Lattre soạn thảo sau khi đã tuyên bố trước các sĩ quan cấp úy: "Je suis venu en Indochine pour vous sauver, mes lieutenants et capitaines, car c´est vous qui vous faites tuer. Je serais maintenant sans cesse auprès de vous. C´en est fini avec les abandons. Le Tonkin sera tenu! Nous maintiendrons! Vous serez commandés! [6] " (Tôi sang Đông Dương vì các anh, những trung úy và đại úy, bởi chính các anh là những người đổ máu. Tôi sẽ luôn sát cánh cùng các anh. Chấm dứt những cuộc di tản. Bắc Kì sẽ được bảo vệ! Chúng ta sẽ tử thủ! Các anh sẽ được chỉ huy!) De Lattre không được ủy nhiệm "tái lập trật tự và bảo vệ quyền lợi" như Leclerc trước đây, nhưng được gởi sang Đông Dương để cứu vãn tình hình quân sự quá bi đát sau thảm bại đường số 4 Thuộc địa (tuyến đường biên giới Cáo Bắc Lạng). De Lattre đến Đông Dương để tìm chiến thắng; và chỉ có một lối thoát duy nhất: Chiến thắng quân sự trước các binh đoàn chủ lực Việt Minh đang dổ dồn xuống vùng châu thổ sông Hồng, uy hiếp nặng nề Hà Nội.

    Để hiểu lối thoát duy nhất, sự tình cờ của lịch sử cũng khiến Mitterrand (quyền bộ trưởng chính phủ năm 1950) đã cảnh giác De Lattre trước ngày lên đường: "La politique vis-à-vis de Bao Dai est maintenant trop engagée pour vous laisser une suffisante liberté d´action. Il y un an ou deux, c´était autre chose. Aujourd´hui trop de choses sont définies et fixées. Il est trop tard pour fonder: la page n´est plus blanche." [7] (Giải pháp Bảo Đại đã bám rễ quá sâu khiến Đại tướng có đủ tự do hành động. Cách đây một hai năm là chuyện khác. Nhưng hôm nay quá nhiều cam kết cần được tôn trọng. Đã quá trễ tràng để tạo lập một chính sách mới: trang sử không còn trắng nữa.) De Lattre như thế mất hẳn khả năng thương thuyết với Mặt trận Việt Minh, để chỉ còn một lối thoát quân sự duy nhất: chiến thắng.

    Nhưng một chiến thắng quân sự luôn đòi hỏi giành lại quyền chủ động chiến trường. Sự chủ động đó chỉ có thể đạt được bằng cách gia tăng quân số. Trước tiềm lực yếu kém của mẫu quốc, De Lattre không còn chọn lựa nào khác ngoài việc thành lập quân đội bản xứ, thay thế cho những tiểu đoàn Lê dương bỏ nhiệm vụ phòng thủ để kết hợp thành các liên đoàn lưu động... Do đó, diễn văn "Hoàn thành nền độc lập " đọc trước đại diện Trần Văn Hữu, chỉ là giải pháp cấp thời, bức thiết, giúp tạo dựng một quân đội bản xứ thân Pháp. Có thể tự trong thâm tâm, De Lattre ao ước thật sự một nền độc lập cho Việt Nam, nhưng định mệnh ngắn ngủi của ông tại Đông Dương không cho phép De Lattre dự phóng một tương lai xa. De Lattre đến Đông Dương để tìm chiến thắng, và đạt được chiến thắng. Vĩnh Yên, Mao Khê, Mao Trạch, Ninh Bình, Nghĩa Lộ...cũng như Phủ Nho Quan, Phủ Tổng Hoà, Phủ Lạng Thương, Thất Khê, Đồng Khê dưới thời Carpentier, De Lattre chỉ viết tiếp trang sử dở dang mà Mitterrand đã cảnh giác: không còn trắng nữa. Sau De Lattre, Salan rồi Narvarre chép tiếp những địa danh khác: Hoà Bình, Nà Sản, Lai Châu, An Khê, Điện Biên Phủ...

    *
    13.3.1954 sơn pháo Việt Minh từ những suờn núi phía tây các cứ điểm Anne-Marie, Huguette, Francoise, Claudine bắn trực xạ xuống sân bay Điện Biên Phủ, chấm dứt vĩnh viễn khái niệm Đông Dương-Thuộc địa đã được trì kéo suốt chín năm liền. Việt Nam nhanh chóng rơi vào một cuộc nội chiến mà cường độ khốc liệt chỉ có thể so sánh bằng quyết tâm chiếm hữu chủ thể quốc gia ở cả hai miền Nam Bắc. Tổ quốc miền Nam-Tổ quốc miền Bắc. 20 năm nội chiến chấm dứt, nhưng Đông Dương-thị trường vẫn không được hiểu bởi chính quyền chiến thắng. Đông Dương cho tới mãi tận cuối thập niên 80 vẫn được nhìn một cách truyền thống: là những vùng đất "Nam tiến" hoặc "Tây tiến". Không được xem như là thị trường, nên không có tự do buôn bán và tự do hành đạo.

    Cho đến hôm qua, mâu thuẫn giữa Việt Nam và Pháp, hay rộng hơn nữa, một trong những mâu thuẫn giữa Việt Nam và thế giới vẫn là cái nhìn khác biệt về Đông Dương.

    Phải đợi đến đầu thập niên 90, khái niệm Đông Dương là một thị trường chung, cho cả Việt Nam lẫn quốc tế, và Việt Nam trước nhất tự bản thân cũng là một thị trường, không "thiêng liêng", nhưng cũng không lệ thuộc, mới được giới lãnh đạo - những người kháng chiến cũ - công nhận. Không ứng xử nữa, như vương triều Nguyễn cách đây 150 năm: Nam tiến, khép kín, và phòng ngự. Việt Nam áp dụng vế đầu của khái niệm Thị trường: "Tự do buôn bán". Vế sau "Tự do đạo" vẫn còn bị ngăn cấm. (Đạo ở thế kỉ 20 nên hiểu là học thuật và tư tưởng). Chính vì sự lơ lửng đó, mà chuyến công du chính thức của tổng thống Pháp chịu nhiều chống đối - đặc biệt từ giới chức quân sự và những cựu quân nhân từng tham chiến tại Đông Dương. Tướng De Biré,nguyên trung úy tiểu đoàn 2 Nhảy dù Lê dương (2è B.E.P.) và hội trưởng Hội Ái Hữu Điện Biên Phủ, phê phán nặng nề trên báo Le Figaro: "A quand la légion d´honneur à Giap? On répète la même erreur qu´avec les pays de l´Est: Quand les régimes s'effondrent, on court les secourir!" [8] (Khi nào thì gắn huân chương danh dự cho Giáp? Chúng ta lập lại lỗi lầm đã làm với các nước Đông Âu, khi chế độ sụp đổ, chúng ta chạy chữa!) Dưới một vài khía cạnh nào đó, cùng trước một số nguyên tắc, những công kích của tướng De Biré có thể xem là đúng. Nhưng cũng giống Leclerc nửa thế kỉ trước, François Mitterrand trông thấy lịch sử: Việt Nam không thể tách ra khỏi chuyển động của thế giới. Nuớc Pháp cũng không thể chờ đợi, khi chờ đợi là đánh mất Đông Dương vào tay tư bản Mĩ-Nhật. Nhưng khi nào thì gắn huân chương cho Giáp? Đó là vấn đề của nguyên tắc mà giới quân nhân muốn được tôn trọng. Câu trả lời có lẽ đối với Mitterrand rất giản dị: lịch sử không chỉ có quá khứ, mà tiếp nối bằng tương lai, và trong cả hai chiều thời gian nguyên tắc chỉ là chi tiết, như một chi tiết trên một trang sử. Thứ trang sử không còn trắng nữa.

    Chắc chắn chính vì trang sử không còn trắng nữa, mà François Mitterrand bày tỏ ước muốn Việt-Pháp cùng mở một trang sử mới.

    Nhưng sự lạ lùng của lịch sử, khiến chính những điều mà bộ trưởng Mitterrand đã cảnh giác De Lattre năm xưa, tái diễn trở lại với chính ông: "L´Indochine pose des problèmes très difficiles. Vous y remettriez en cause votre réputation. Votre fonction risque d´être extrêmement ingrate." (Đông Dương đặt ra những vấn đề cực kì khó khăn. Danh dự của Đại tướng sẽ bị thử thách và có thể được đền đáp bằng những vô ơn.) Đông Dương hai thế kỉ sau,vẫn là một thị trường duy nhất còn sót ở Viễn Đông. Nhưng nếu Mitterrand gặp phải những chống đối, mà ông đã lường trước, không ai có thể nghi ngờ thiện chí của nhà lãnh đạo này: giúp Việt Nam trở thành một thị trường ổn định, mĩ mãn, với tất cả những điều kiện cần và đủ: Tự do buôn bán và tự do tư tưởng. Không phải vì thuần túy thương mãi mà các chuyên gia Pháp đến giúp Việt Nam chấn chỉnh lại hình luật.

    *
    Đông Dương như thế trong năm 1993 đánh dấu một biến cố quan trọng: nhà lãnh đạo tối cao Pháp đích thân thông báo chuyển động mới của lịch sử Đông Dương. Chương sử đẫm máu cũ, nước Pháp -kẻ cựu thù- đã khép. Nhưng chương sử mới, chỉ có thể do chính người Việt tự tạo. Tiếp tục cô lập, nghèo nàn, đớn đau, đẫm máu? Hay tươi sáng? Đòi hỏi sáng suốt và ý thức dân chủ. Trong quá khứ, nếu Việt Nam đã chứng minh với thế giới: nền độc lập của một dân tộc do chính dân tộc đó tự quyết định, tự "hoàn thành" hay chọn lựa, thì vấn đề của chính quyền Việt Nam hôm nay là bắt kịp những trễ tràng mà vương triều Nguyễn đã lỡ làng một trăm năm mươi năm trước.

    12.3.1993





    [1]Histoire d´une Paix Manquée, Sainteny, Amiot- Du Mont, 1953
    [2]Histoire du Vietnam de 1940 à 1952, P. Devillers, Le Seuil, 1952
    [3]Theo "Phúc trình Morlière", tư lệnh Bắc phần năm 1946: Những gây hấn trong biến cố Hải Phòng được chỉ thị trực tiếp bởi Valluy, quyền tư lệnh lâm thời quân đoàn viễn chinh trong thời gian Leclerc vắng mắt.
    [4]Le Monde số ra ngày 9.2.1993
    [5]De Lattre, Jean Luc Barré, Edition Perrin, 1990
    [6]Sđd
    [7]Aux Frontières de l´Union Francaise, Tunisie, Indochine, Lettres, F. Mitterrand, Julliard, 1954
    [8]Le Figaro số ra ngày 9.2.1993

    Nguồn: tạp chí Trăm Con, Canada, số tháng 4.1993



    Không có nhận xét nào