Header Ads

  • Breaking News

    Ts. Phạm Đình Bá - Đại học Huế có ngủ quên trong “cuộc di dân lịch sử” ở Huế?


    Hệ thống tường thành mặt phía tây được đắp bằng đất gia cố xây gạch vồ. Ảnh: Võ Thạnh

    Tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục thực hiện dự án di dời các hộ dân trong di tích Kinh thành Huế và xây dựng khu tái định cư Bắc Hương Sơ để di dời các hộ dân nầy.[1] Theo đó, tỉnh sẽ di dời, giải phóng mặt bằng của 4.201 hộ.

    Dự án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2019-2021) hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực di tích Kinh thành Huế gồm thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ, với 2.938 hộ. Giai đoạn 2 (từ năm 2022-2025) hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực các di tích Hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài, với 1.263 hộ.

    Cổng Thông Tin Thành Phố Huế gọi dự án trên là “cuộc di dân lịch sử” và đưa tin rằng dự án “về đích” giai đoạn 1 đúng tiến độ vào cuối năm 2021.[2] Trải qua nhiều năm, Đại Học Huế có vẻ như không có tiếng nói gì để đóng góp chuyên môn nghiên cứu hoặc chuyên môn chính sách vào việc lập kế hoạch và thực hiện dự án quan trọng nầy.

    Tôi có thể lầm lẫn, nhưng hầu như không thể tìm thấu dữ liệu gì khi bạn dùng Google hay Google Scholar để thẩm định đóng góp tiềm năng của các nhà nghiên cứu từ Đại Học Huế vào “cuộc di dân lịch sử” ở thành phố nầy. Điều nầy là đáng ngạc nhiên, khi tính đến năng lực nghiên cứu của trường đại học và tầm quan trọng của dự án đối với cuộc sống của người dân Huế. Hơn nữa, về mặt khoảng cách, trường Đại Học là gần trong khoảng đi bộ đến Kinh thành Huế và văn phòng tỉnh đảng ủy Huế.

    Đánh giá trước khi tái định cư và lập lại các đánh giá nầy sau khi tái định cư là cơ hội hiếm có để thu thập dữ liệu về kinh nghiệm cư trú và sự hài lòng của dân cư ngụ xuyên qua chuyển đổi. Lấy ví dụ, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Quản lý và Chính sách Công, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc điều tra những thay đổi trong trải nghiệm nhà ở của những người thuê nhà gần đây đã chuyển đến các dự án nhà cho thuê công.[3] Các nhà nghiên cứu nầy cũng xem xét làm sao những trải nghiệm đó ảnh hưởng đến mức độ hài lòng đối với khu dân cư của những người thuê nhà.

    Kết quả cho thấy rằng sự hài lòng ít được xác định về chính nơi ở. Sự hài lòng phụ thuộc chính là vào cảm giác ổn định, độc lập và an ninh được cải thiện mà nhà cho thuê công mang lại cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Nghiên cứu này đưa ra một góc nhìn vi mô để đánh giá chính sách nhà ở giá cả phải chăng ở Bắc Kinh. Kết quả nầy cũng có thể được dùng để hiểu được trải nghiệm cư trú của những người thuê nhà giá rẻ ở các nước đang phát triển.

    Sự mở rộng nhanh chóng của các chương trình nhà ở giá rẻ tại các thành phố ở nhiều nước trong thập kỷ qua đã thu hút sự quan tâm ngày càng tăng của giới nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực khác nhau, như quản lý đô thị, chính sách xã hội và chính sách kinh tế, cũng như những ngành khác. Đặc biệt có giá trị là những nghiên cứu đánh giá hiệu quả của các chính sách hay chương trình nhà ở trợ cấp dưới góc độ của các gia đình ảnh hưởng bởi sự chuyển đổi.

    Các nghiên cứu về chính sách cư trú có thể được thực hiện theo nhiều góc độ khác nhau. Ví dụ như các nghiên cứu xuất phát từ góc độ vĩ mô, tập trung vào sự phát triển và chính trị của việc thiết kế chính sách nhà ở giá rẻ ở cấp quốc gia hoặc việc triển khai và lựa chọn các dự án nhà ở giá rẻ ở cấp địa phương.

    Các tài liệu hiện có về sự hài lòng của người dân đối với nhà ở giá rẻ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, chủ yếu tập trung vào kinh nghiệm sau tái định cư. Những nghiên cứu này thường điều tra mức độ mà các đặc điểm nhà ở và khu vực lân cận hiện tại có thể liên hệ đến mức độ hài lòng của cư dân nhà ở công cộng. Một số nghiên cứu khác đã đánh giá hiệu quả của các chương trình nhà ở giá rẻ, mặc dù chúng hầu hết là các phân tích dựa trên dự án về khả năng chi trả và khả năng tiếp cận dịch vụ công.

    Trải nghiệm về nhà ở trước khi chuyển đổi có thể hình thành nên những kỳ vọng và sở thích khác nhau, do đó góp phần vào chất lượng cuộc sống chủ quan của những cư dân sau khi chuyển đổi. Bởi vậy khi có cơ hội như “cuộc di dân lịch sử” ở Huế, cần nắm bắt thời điểm và cơ hội để thu thập dữ liệu trước và sau khi chuyển đổi. Có thể nào Đại Học Huế tỉnh dậy và làm việc không?

    Tài liệu:

    1. Quốc Việt. Thừa Thiên - Huế thực hiện di dời các hộ dân ở thượng thành di tích Huế 13/07/2019; Available from: https://baotintuc.vn/xa-hoi/thua-thien-hue-thuc-hien-di-doi-cac-ho-dan-o-thuong-thanh-di-tich-hue-20190713095857952.htm.

    2. Thái Hùng (Văn phòng HĐND – UBND thành phố Huế). "Cuộc di dân lịch sử" - Dự án Di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế “về đích” giai đoạn 1 đúng tiến độ vào cuối năm 2021. 27/10/2021; Available from: https://huecity.gov.vn/Bao-chi-va-truyen-thong-Hue/tid/Cuoc-di-dan-lich-su-Du-an-Di-doi-dan-cu-khu-vuc-1-Kinh-thanh-Hue-%E2%80%9Cve-dich%E2%80%9D-giai-doan-1-dung-tien-do-vao-cuoi-nam-2021.html/pid/26788/cid/236.

    3. Liu, Z. and L. Ma, Residential experiences and satisfaction of public housing renters in Beijing, China: A before-after relocation assessment. Cities, 2021. 113: p. 103148.

    Không có nhận xét nào