Header Ads

  • Breaking News

    Alexander Dugin nói về ‘sự cáo chung của lịch sử’ và cuộc chiến của Putin với trật tự tự do. Phần 1

    Phần 1

    Bài dài nên được chia làm 2 phần.


    Độc giả Việt Nam đã biết đến Alexander Dugin qua bài giới thiệu sơ khởi về ông, đăng trên BBC Việt ngữ. Quả thật, để hiểu thêm về mặt địa chiến lược quanh cuộc chiến đang xảy ra tại Ukraine, không thể không biết đến Alexander Dugin và luận thuyết của ông, với tư cách nhà lý luận và nền tảng lý luận cho tư tưởng và đại chiến lược Đại Nga.

    Với vai trò như vậy, mới đây, Alexander Dugin đã đáp trả Francis Fukuyama, sau khi học giả này công khai nhận định rằng Nga chuẩn bị thất trận. Với một tiểu luận không quá dài, Dugin một mặt thanh toán học thuật với Fukuyama nói riêng và chủ nghĩa tự do nói chung, một mặt tái xác định những luận điểm chính quanh đại chiến lược Đại Nga. Thậm chí, ông không úp mở về cuộc đấu hạt nhân như một cách để ngăn phương Tây can thiệp giúp Ukraine.

    Bản dịch này nhằm cung cấp thêm thông tin nguyên bản của một bên “tham chiến”, để bạn đọc, qua đó, truy tầm lại các vấn đề học thuật, và có nhận định cho riêng mình về những gì liên quan, cũng như về chính Alexander Dugin.

    Luận đề sự cáo chung của lịch sử

    Nhìn từ quan điểm ý thức hệ, thế giới vẫn đang sống dưới cái bóng của cuộc tranh luận có từ những năm 1990, giữa Francis Fukuyama và Samuel Huntington. Bất kỳ phê phán nào nhắm vào các luận đề của hai tác giả đều không khiến cho tầm quan trọng của chúng suy suyển đi, khi mà thế lưỡng nan vẫn còn nguyên, và hơn thế, vẫn là nội dung chính yếu của bối cảnh chính trị và hệ tư tưởng trên thế giới này.

    Xin được nhắc lại, liên quan đến sự sụp đổ của khối Hiệp ước Warsaw và sau đó là Liên bang Xô viết, triết gia chính trị người Mỹ Francis Fukuyama đã đưa ra luận điểm về “sự cáo chung của lịch sử“. Nó đặt trên cơ sở cho rằng, trong thế kỷ 20 – và đặc biệt là sau thất bại của chủ nghĩa phát xít – logic của lịch sử đã được quy giản thành cuộc đối đầu giữa hai hệ tư tưởng: chủ nghĩa tự do phương Tây và chủ nghĩa cộng sản Xô Viết. Tương lai, và theo đó là ý nghĩa của lịch sử, phụ thuộc vào kết quả của cuộc đối đầu này.

    Và nay, theo Fukuyama, tương lai ấy đã đến, ở thời điểm mà Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, và những người theo chủ nghĩa tự do, vốn thừa nhận uy quyền tối cao của ý thức hệ phương Tây sẽ lên nắm giữ quyền lực ở Moscow. Từ đấy mà có luận đề “sự cáo chung của lịch sử”. Theo Fukuyama, lịch sử là lịch sử của các cuộc chiến tranh (nóng và lạnh), đối đầu và xung đột. Trong nửa sau thế kỷ 20, tất cả các cuộc xung đột và chiến tranh được quy giản thành sự đối đầu giữa phương Tây tư bản và tự do chủ nghĩa, với phương Đông cộng sản. Khi phương Đông sụp đổ, các mâu thuẫn biến mất. Chiến tranh chấm dứt (theo cách Fukuyama nghĩ). Và theo đó, lịch sử kết thúc.


    Chỉ trì hoãn chứ không từ bỏ

    Thực tế, luận thuyết “sự cáo chung của lịch sử” đã đặt nền tảng cho toàn bộ hệ tư tưởng và thực tiễn của chủ nghĩa toàn cầu và toàn cầu hóa. Nó vẫn là cẩm nang hướng dẫn cho giới tự do chủ nghĩa phương Tây cho đến ngày hôm nay. Nó là ý tưởng được ủng hộ bởi George Soros, Klaus Schwab, Bill Gates, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg, Barack Obama, Bernard Henri Levy, Hillary Clinton và… Joe Biden.

    Giới tự do thú nhận rằng, không phải mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ từ những năm 1990. Chủ nghĩa tự do và phương Tây phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau, cùng với những thách thức mới (một Hồi giáo chính trị hóa, sự trỗi dậy mới của nước Nga và Trung Quốc, chủ nghĩa dân túy – bao gồm chính nội tại nước Mỹ dưới dạng thức Trump và chủ nghĩa Trump, v.v…). Những kẻ chủ trương toàn cầu hóa được thuyết phục rằng, cáo chung của lịch sử phần nào bị trì hoãn, nhưng nó là tất yếu và sẽ sớm xảy ra. Joe Biden, kẻ tin theo chủ nghĩa toàn cầu, đã chiến thắng trong cuộc bầu cử (hẳn không thật sòng phẳng) với cái khẩu hiệu về một “nỗ lực sống còn mới”, nhằm biến sự cáo chung của lịch sử thành hiện thực. Nó mang ý nghĩa bảo đảm cho sự thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa tự do trên phạm vi toàn cầu (“Build Back Better” thì cũng giống như là “Trở lại toàn cầu hóa lần nữa, và lần này thành công hơn”). Chủ trương đó cũng được công bố bởi Klaus Schwab, người sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, với tôn chỉ là cuộc “Tái thiết vĩ đại” [Great Reset] của một chiến lược hành tinh.

    Fukuyama, và luận đề của ông ta, không phải đã khấu trừ bớt sự cáo chung ấy, mà đơn giản là việc thực thi nó được hoãn lại, một cách hoàn hảo về tư tưởng theo cách nhìn tổng thể của thế giới quan tự do. Trong 30 năm qua, chủ nghĩa tự do tiếp tục ngấm vào xã hội: trong công nghệ, các quá trình văn hóa xã hội, sự lan rộng của chính trị về giới (LGBTB +), giáo dục, khoa học, nghệ thuật, truyền thông xã hội, văn hóa xóa sổ (cancel culture) v.v… Và điều này không chỉ đúng với các quốc gia phương Tây, mà ngay cả các xã hội “khép hờ” [semi-closed societies] như các quốc gia Hồi giáo, Trung Quốc hay Nga, cũng thế.

    Tái xuất các nền văn minh

    Cũng trong những năm 1990, một tác gia người Mỹ khác, Samuel Huntington, đã phản bác Fukuyama với một biện giải khác về thời khắc lịch sử đương thời. Fukuyama là đại diện trung thành của chủ nghĩa tự do, một người chủ trương chính phủ thế giới, phi quốc gia hóa và phi chủ quyền hóa các quốc gia dân tộc. Huntington, trái lại, tuân thủ truyền thống của chủ nghĩa hiện thực, tức là công nhận chủ quyền như là nguyên tắc cao nhất trong các quan hệ quốc tế. Nhưng khác với các nhà hiện thực chủ nghĩa khác, giải thích nền chính trị thế giới trong khuôn khổ các quốc gia-dân tộc, Huntington tin rằng, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, với sự sụp đổ của khối phương Đông và Liên Xô, sẽ không là sự cáo chung của lịch sử, mà các tác nhân mới sẽ xuất hiện và cạnh tranh lẫn nhau trên phạm vi hành tinh. Ông gọi đó là “các nền văn minh” và tiên đoán về sự xung đột giữa chúng trong bài báo nổi tiếng của mình.

    Huntington đã tiếp tục như sau: Phe tư bản chủ nghĩa và phe xã hội chủ nghĩa không được tạo ra từ khoảng không của các bản thiết kế ý thức hệ trừu tượng, mà chính trên nền tảng văn hóa và văn minh xác định của các dân tộc và vùng lãnh thổ khác nhau. Nền tảng này đã được hình thành từ rất lâu trước khi khởi sinh cái hiện đại tính phương Tây và các hệ tư tưởng giản hóa luận thái quá của nó (với những chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa dân tộc). Và khi cuộc tranh luận về các hệ tư tưởng hiện đại chấm dứt (như đã xảy ra với sự triệt tiêu một trong hai cái cuối: chủ nghĩa cộng sản), từ bên dưới lớp định dạng bề mặt, những đường nét sâu xa của các nền văn hóa, tôn giáo và văn minh cổ đại sẽ nổi lên.


    Kẻ thù thật và giả của chủ nghĩa tự do toàn cầu

    Tính đúng đắn của Huntington đặc biệt rõ ràng vào đầu thế kỷ 21, khi phương Tây đối đầu với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Tại thời điểm đó, bản thân Huntington đã chết trước khi ông có thể tận hưởng chiến thắng lý thuyết của mình. Còn Fukuyama thì thừa nhận là đã vội vã khi tuyên bố về những kết thúc cuối cùng, và thậm chí còn thúc đẩy quan điểm về “chủ nghĩa phát xít Hồi giáo”, mà khi đánh bại nó sẽ thật sự dẫn đến “cáo chung của lịch sử”, chứ không phải là cái cáo chung trước kia. Với điều đó, ông ta đã sai một lần nữa.

    Và không chỉ liên quan đến Hồi giáo chính trị hóa. Đạo Hồi đã chứng tỏ là họ quá đa dạng trên thực tế, đến mức không thể liên kết thành một lực lượng duy nhất đương đầu với phương Tây. Điều đó, trong chừng mực, đã giúp ích cho các chiến lược gia phương Tây thao túng hiểm họa Hồi giáo và yếu tố chính thống Hồi giáo, nhằm biện minh cho sự can thiệp của mình vào đời sống chính trị ở các xã hội Hồi giáo Trung Đông hay Trung Á. Nhưng “hiểm họa” đó không thể đại diện cho sự thách thức thật sự về ý thức hệ.

    Còn nghiêm trọng hơn rất nhiều [so với “hiểm họa” Hồi giáo], là việc Nga và Trung Quốc theo đuổi một quyền tối thượng trên thực tế. Nhưng lần này cũng vậy, Moscow hay Bắc Kinh đều không đối lập với những kẻ tự do chủ nghĩa và toàn cầu chủ nghĩa, theo nghĩa của bất kỳ hệ tư tưởng cụ thể nào (đặc biệt, từ khi chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc công nhận chủ thuyết tự do kinh tế sau những cải cách của Đặng Tiểu Bình). Họ là hai nền văn minh đã phát triển lâu đời trước cái hiện đại tính. Chính Huntington đã gọi họ là văn minh Chính thống giáo (Cơ đốc giáo phương Đông) trong trường hợp Nga, và văn minh Khổng giáo trong trường hợp Trung Quốc. Ông hoàn toàn đúng đắn khi nhận ra sự gắn kết đến các văn hóa tâm linh thâm sâu ở Nga và Trung Quốc. Các nền văn hóa thâm sâu này đã nhận biết chính mình ngay khi cuộc đối đầu ý thức hệ giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng sản kết thúc với thắng lợi trên bề mặt, chứ không phải thắng lợi thực chất (!), cho giới chủ trương toàn cầu. Chủ nghĩa cộng sản mất đi nhưng văn minh phương Đông, văn minh Âu-Á thì không.

    Thắng lợi ở thế giới ảo

    Những kẻ ủng hộ cáo chung của lịch sử không dễ dàng chấp nhận thất bại của họ. Họ bị cuốn vào những mô hình ý-thức-hệ-cuồng-tín về toàn cầu hóa và chủ nghĩa tự do đến mức không thể thấy bất kỳ tương lai nào khác, ngoại trừ sự cáo chung của lịch sử. Vì vậy, họ đã càng ngày càng cố chấp hơn, gắn với phiên bản ảo của nó. Nếu điều gì không thật, hãy khiến cho nó trông như thật, và mọi người sẽ tin là thật. Về bản chất, một thứ chính trị kiểm soát tâm trí đang được đặt cược vào, thông qua các nguồn lực thông tin toàn cầu, công nghệ mạng, sự quảng bá những tiện ích mới và sự phát triển cố kết người-và-máy. Đây chính là công cuộc “Tái thiết vĩ đại” được công bố bởi kẻ tạo lập Diễn đàn Davos, Klaus Schwab, và được Đảng Dân chủ Hoa Kỳ cùng Joe Biden bám riết vào. Bản chất của chính sách này là: nếu những người chủ trương toàn cầu hóa không kiểm soát được thực tế, họ phải hoàn toàn thống trị thế giới ảo. Họ sở hữu tất cả các nền tảng công nghệ mạng, giao thức, máy chủ, v.v… Do đó, dựa vào ảo giác điện tử toàn cầu và sự kiểm soát toàn bộ đối với ý thức, họ đã bắt đầu tạo ra một hình ảnh về thế giới mà ở đó, lịch sử đã kết thúc. Chỉ là một hình ảnh, không gì hơn. Nhưng cái đuôi mới thực sự quyết định con chó có ve vẩy hay không.

    Như thế, Fukuyama vẫn duy trì được vai trò quan trọng của mình, nhưng không còn là một chuyên gia phân tích, mà với tư cách của một tay quản lý về PR trên phạm vi toàn cầu, đang ngoan cố áp đặt những quan niệm bị bác bỏ bởi phần lớn nhân loại.

    Lần này, chủ nghĩa tự do biến thành thứ gì đó thật sự hung hãn và quả thật cực quyền.

    “Cuộc chiến của Putin với trật tự tự do”

    Đánh giá của Fukuyama về chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vì thế có vài điểm hay ho. Thoạt nhìn, dường như trong trường hợp này, phân tích của ông ta hoàn toàn không liên quan khi chỉ đơn giản lặp lại những luận điệu chống Nga sáo rỗng thường thấy của phương Tây, vốn chẳng có gì mới mẻ hay đủ thuyết phục chính họ – chỉ là thứ báo chí bài Nga. Nhưng xem xét kỹ hơn, bức tranh sẽ thay đổi phần nào, dù có lờ đi những cái đặc sắc nhất – lòng căm thù Nga, căm thù Putin đến điên cuồng, và tất cả những lực lượng nào đối đầu với cáo chung của lịch sử hay nhận biết giải thuật tư duy của ông ta – phản ánh dòng chính của lối tư duy phổ biến của giới tinh hoa toàn cầu chủ nghĩa.

    Ở bài báo đăng trên Financial Times, Fukuyama nêu ra luận điểm chính, ở ngay tiêu đề “Cuộc chiến của Putin với trật tự tự do”.[2] Và luận đề này, tự nó, đã hoàn toàn chính xác.

    Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là động lực quyết định để thiết lập nước Nga như một nền văn minh, như một cực tối thượng của một thế giới đa cực. Nó vừa vặn đến hoàn hảo với luận thuyết của Huntington, nhưng hoàn toàn trái ngược với “cáo chung của lịch sử” của Fukuyama (hay “xã hội mở” của Popper và Soros – đó là lý do tại sao cụ Soros lúc này đang vô cùng điên tiết).

    Vâng, đây chính xác là “cuộc chiến với trật tự tự do”.

    Tầm quan trọng then chốt của Ukraine

    Tầm quan trọng của Ukraine đối với việc phục sinh nước Nga, với tư cách một quyền lực hoàn toàn độc lập của thế giới, đã được xác lập rõ ràng bởi các thế hệ các nhà địa chính trị Anglo-Saxon, từ nhà sáng lập khoa học này, là Mackinder, đến Brzezinski. Sớm hơn, nó được phát biểu như sau: không có Ukraine – Nga không là một đế chế, có Ukraine – nó là một đế chế. Nếu thay thế thuật từ “nền văn minh” hay “cực của thế giới đa cực” cho “đế chế”, thì ý nghĩa sẽ còn minh bạch hơn.

    Phương Tây đã đánh cược vào Ukraine như là một lực lượng chống Nga, và vì mục đích này, đã bật đèn xanh và trao công cụ cho chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa bài Nga cực đoan ở Ukraine. Bất kỳ phương tiện nào cũng tốt đẹp để chống lại nền văn minh Chính thống giáo và thế giới đa cực. Song, Putin đã không nhẫn nhịn, và bước vào trận chiến, không phải với Ukraine, mà với chủ nghĩa toàn cầu, với giới đầu sỏ thế giới, với cuộc Tái thiết vĩ đại, với chủ nghĩa tự do, với cáo chung của lịch sử.

    Chính là ở đây, điều quan trọng nhất đã bộc lộ. Chiến dịch quân sự đặc biệt này không chỉ nhắm vào chủ nghĩa quốc xã bài Nga của Ukraine (phi phát xít hóa – cùng với phi quân sự hóa – là mục đích chính) mà còn hơn thế, là chống lại chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa toàn cầu. Rốt cuộc, đó chính là giới tự do chủ nghĩa phương Tây, những kẻ đã biến chủ nghĩa quốc xã ở Ukraine thành hiện thực, ủng hộ nó, vũ trang cho nó và dựng nó chống lại Nga – như một cực mới của thế giới đa cực. Thậm chí Mackinder đã gọi các vùng đất của Nga là “trục địa lý của lịch sử” (cũng là tiêu đề bài báo nổi tiếng của ông). Để lịch sử kết thúc (luận điểm toàn cầu chủ nghĩa, mục tiêu của cuộc “Tái thiết vĩ đại”), trục lịch sử cần phải bị phá vỡ, bị hủy diệt. Nga – với tư cách là một cực, với tư cách là một chủ thể tối thượng, với tư cách là một nền văn minh – đơn giản là không được tồn tại. Thủ đoạn quỷ quyệt của giới toàn cầu chủ nghĩa là làm xói mòn nước Nga theo cái cách đau đớn nhất, ly gián các dân tộc Slav phương Đông (mà thực chất, đều cùng là người Nga), để họ chống lại nhau, và thậm chí, chia rẽ Giáo hội Chính thống Nga, nơi gắn kết họ trong khuôn khổ của cùng một nền văn minh. Vì mục đích này, người Ukraine cần được đặt vào trong ma trận toàn cầu chủ nghĩa. Giới toàn cầu chủ nghĩa đã cố gắng giành quyền kiểm soát ý thức của xã hội với sự hỗ trợ của thông tin tuyên truyền, các mạng xã hội, và một chiến dịch khổng lồ để định hướng tâm lý và ý thức. Hàng triệu người Ukraine đã trở thành nạn nhân của nó trong những thập kỷ qua, và còn theo cách trầm trọng hơn từ sau Maidan năm 2014 và sự trỗi dậy công khai của chủ nghĩa quốc xã giả tạo ở Ukraine. Người Ukraine đã được thuyết phục rằng, họ là một phần của thế giới phương Tây (toàn cầu), và rằng: “Người Nga không phải là anh em, mà là kẻ thù cay nghiệt”. Và chủ nghĩa quốc xã Ukraine, trong một chiến lược như vậy, đã cộng sinh một cách hoàn hảo với chủ nghĩa tự do mà về bản chất, được nó dùng như một công cụ.

    Xin đọc tiếp phần 2

    ———————


    Biên dịch: Lê Doãn Cường |Giới thiệu và hiệu đính: TS. Lê Tuấn Huy

    Chú thích của người dịch:

    [1] Bản nguồn không có ngày xuất bản. Căn cứ vào nội dung, nó có thể được công bố không lâu sau bài Preparing for Defeat của Francis Fukuyama.

    [2] Dugin nhắc đến bài Putin’s war on the liberal order, tại https://www.ft.com/content/d0331b51-5d0e-4132-9f97-c3f41c7d75b3

    [3] Gauleiter: Hàm lãnh đạo cấp vùng của đảng viên Quốc xã Đức. Gauleiter cũng mang nghĩa một quan chức thấp nhưng hành xử kiểu độc tài.


    [5] Psy-op: Psychological operation: chiến dịch tâm lý.

    Không có nhận xét nào