Header Ads

  • Breaking News

    Hàn Lam - “Làm thêm giờ” để đủ sống

     


    Người lao động được làm thêm giờ không quá 60 giờ/tháng và không quá 300 giờ/ năm, trừ một số trường hợp.

    Không quá 300 giờ một năm

    Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

    Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm, trừ các trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

    Dưới đây là ghi nhận ý kiến đa chiều của các bên sử dụng lao động và người lao động:

    “Mức thu nhập ngoài giờ làm chính thức của công ty chiếm khoảng 40%, với lại ví dụ bây giờ một ngày tôi làm 8 tiếng thì về nhà trọ tôi cũng đâu có làm gì đâu. Giữa về nhà trọ với ở đây, môi trường làm cũng thoải mái nên ngồi làm thêm 4 tiếng nữa để có thêm thu nhập” – nhóm công nhân là lao động đến từ tỉnh Vĩnh Long đang làm việc ở khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức, nói.

    “Tăng giờ làm thêm doanh nghiệp luôn luôn đồng ý và mong muốn điều này. Doanh nghiệp sẵn sàng tăng thêm ngày nghỉ phép từ 10 ngày trong 1 năm lên 20 ngày thì việc đó sẽ bù lại”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh – ông Trần Việt Anh cho biết.

    Theo ông Việt Anh, quyết định nới trần giờ làm thêm lên 60 giờ mỗi tháng được thông qua vừa là giải pháp hỗ trợ đời sống người lao động, vừa giúp các doanh nghiệp bố trí lại các hoạt động sản xuất kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

    Nhu cầu có thật

    Tuy nhiên theo ông Zhang Jian Hua, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Goertek Vina, thì, “với công ty tôi, lên 300 giờ không có ý nghĩa nhiều vì chúng tôi đã được phép làm thêm như vậy rồi. Nếu tăng được từ 40 lên 60 giờ/ tháng thì chúng tôi thấy sẽ thấy linh hoạt hơn. Công nhân và lãnh đạo nhà máy mong muốn tăng nhiều hơn nữa vì bây giờ công ty nào không có làm thêm giờ, nhiều công nhân bỏ việc”.

    Công nhân Nguyễn Ngọc Thúy làm việc ở khu công nghiệp Suối Dầu cho rằng việc tăng ca là tăng thêm thu nhập nên tùy theo nhu cầu kinh tế của mỗi người. Bản thân bà đang nuôi 3 con nên bà không ngại ngần thêm việc. “Tôi thường tăng ca khoảng 2 giờ, tuy nhiên các bộ phận khác có thể hơn. Nhờ tăng ca lương tôi được khoảng 8 triệu đồng/tháng, nếu không chỉ được hơn 5 triệu đồng” – bà Thúy cho biết.

    Còn với công nhân Phạm Thị Hoài thì thời gian tăng ca ở công ty cố định 1 giờ 30 phút. “Chúng tôi tan ca lúc 16 giờ nên thêm từng đó thời gian tăng ca nữa ra về là phù hợp. Nếu không có thêm khoản lương tăng ca thì thu nhập của tôi cũng chưa được 5 triệu đồng/tháng” – bà Hoài nói.

    Tăng tối đa 400 giờ mỗi năm?

    Góc nhìn khác, ông Bạch Thăng Long, Phó giám đốc Tổng công ty May 10, đề xuất tăng lên 60 giờ mỗi tháng, tối đa 400 giờ mỗi năm bởi “90% lao động muốn làm thêm giờ”.

    Ông Long lý giải, sau Tết lao động ồ ạt trở thành F0, F1 khiến nguồn nhân lực khủng hoảng trầm trọng. Bình quân mỗi lao động nghỉ từ 10 đến 14 ngày để điều trị, tương đương với việc doanh nghiệp mất đi 80 đến 112 tiếng làm việc. Vì thế, các nhà máy phải tăng ca, dồn nhân công các dây chuyền để làm những đơn hàng gấp. Dự kiến đến cuối tháng 3 này nhà máy mới có thể ổn định khi công nhân lần lượt khỏi bệnh. Đặc thù ngành may chưa tính ảnh hưởng của dịch cũng có thời gian cao điểm cần làm thêm liên tục, như nửa cuối năm hoặc giáp Tết.

    Thu nhập bình quân của công nhân May 10 là 8,5 triệu đồng mỗi tháng và tăng lên khoảng 10 triệu nếu tăng ca, là “mức chấp nhận được”. Năng suất lao động của công nhân khi làm thêm cũng không đạt được như bình thường, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ thêm bữa ăn ca, ăn phụ để đảm bảo sức khỏe. “Không ai muốn làm thêm giờ và không phải ngành nào cũng có thể làm thêm cả năm, song điều này là cần thiết, áp dụng thời gian ngắn hạn theo mùa vụ”, ông nói.

    Theo quy định hiện hành, giờ làm thêm được khống chế ở mức 40 giờ/tháng và không quá 200 giờ/năm.

    Chủ sử dụng lao động khi tổ chức làm thêm giờ phải được người lao động đồng ý, bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% giờ làm việc bình thường trong ngày. Nếu áp dụng giờ làm việc bình thường theo tuần, thì tổng thời gian làm việc lẫn làm thêm không quá 12 giờ/ngày và không quá 40 giờ/tháng.

    Bộ Luật Lao động chỉ mở rộng khung giờ làm thêm tối đa 300 giờ/ năm cho một số ngành nghề, như sản xuất gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giày, chế biến nông lâm, thủy sản, sản xuất và cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước, diêm nghiệp, điện, điện tử.

    https://vietnamthoibao.org

    Không có nhận xét nào