Header Ads

  • Breaking News

    Ngô Khôn Trí – Chính sách viện trợ của Hoa Kỳ


    Giao tranh giữa Ukraine và Nga vẫn còn đang tiếp diễn. Tại những thành phố lớn, quân đội Ukraine kiên cường trấn thủ nhờ vào số vũ khí và lương thực được viện trợ. Quân đội Nga dường như ngừng chiến thuật tấn công thọc sâu, chuyển qua thế bao vây và sử dụng tên lửa phá hủy kho vũ khí, nhiên liệu, phi trường của Ukraine.

    Trước tình hình này Tổng thống Ukraine Zelensky kêu gọi Mỹ và các nước châu Âu viện trợ quân sự không giới hạn. Trên thật tế, viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine trong lúc này mang tính quyết định sự tồn vong của chính phủ Ukraine do vì kim ngạch viện trợ của Mỹ cao nhất và Mỹ sở hữu nhiều loại vũ khí hiện đại mà Ukraine rất cần. Tuy rằng Mỹ đã hứa sẽ viện trợ Ukraine nhưng việc Mỹ tuyên bố không gửi quân tham chiến trực tiếp, từ chối gửi máy bay chiến đấu và thiết lập vùng cấm bay theo đề nghị của Ukraine và kim ngạch viện trợ phải được Quốc hội Mỹ chấp thuận. Những điều này nói lên sự viện trợ của Mỹ cho Ukraine có giới hạn.

    Ngày 10/3/2022, Thượng viện Mỹ đã chính thức thông qua dự luật với 63 phiếu thuận và 31 phiếu chống, về gói chi tiêu 1.500 tỉ USD, trong đó dành 782 tỉ USD cho chi tiêu quốc phòng.

    Ngày 11/3/2022, Tổng thống Biden đã ký vào một gói chi tiêu khẩn cấp bao gồm 13,6 tỷ đô la Mỹ viện trợ cho Ukraine . Khoảng một nửa số tiền (6,8 tỷ đô) đã được Quốc hội phê duyệt trong hai ngày trước đó, là dành cho các mục đích quân sự. Bao gồm 3,65 tỷ đô la cho việc chuyển giao và bán vũ khí cho Ukraine và 3 tỷ đô la khác để hỗ trợ thêm quân đội Hoa Kỳ ở châu Âu.

    Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Chuck Schumer nhấn mạnh: “Chúng tôi giữ lời hứa sẽ hỗ trợ Ukraine trong đối phó với cuộc xung đột hiện nay, cũng như nhằm hỗ trợ về nhân đạo”.

    Ngày 12/3, chỉ một ngày sau khi T/t Biden ký gói chi tiêu, Nhà Trắng thông báo hỗ trợ quân sự ngay lập tức 200 triệu USD cho Ukraine. Nó bao gồm vũ khí nhỏ và vũ khí chống tăng và phòng không từ các kho dự trữ quốc phòng của Hoa Kỳ.

    Qua những lời phát biểu của Tổng thống Biden, chúng ta thấy rằng Hoa Kỳ có chính sách viện trợ rất rõ ràng là sẵn sàng viện trợ nhưng không tham chiến. Đạo luật Trung lập được Quốc hội phê chuẩn vào năm 1939 do bởi sau Thế chiến Thứ nhất, chính phủ cũng như người dân Mỹ cực kỳ cảnh giác khi tham gia vào một cuộc xung đột quốc tế gây nhiều tốn kém. Ngay cả khi các chế độ phát xít như Đức Quốc xã dưới thời Adolf Hitler có hành động gây hấn ở châu Âu vào những năm 1930, nhiều nghị sĩ trong Quốc hội đã thông qua một loạt luật hạn chế cách Hoa Kỳ có thể phản ứng. Hoa Kỳ chủ trương trung lập trong thời chiến.

    Thế nhưng, sau khi Đức xâm lược Ba Lan vào năm 1939 và chiến tranh toàn diện lại nổ ra ở châu Âu. Tổng thống Roosevelt đã tuyên bố rằng mặc dù Hoa Kỳ giữ thái độ trung lập về luật pháp, nhưng không thể “mọi người Mỹ cũng phải trung lập về mặt tư tưởng ”. Ông đề xuất Chương trình Vay-Thuê (Lend-Lease Program) nhằm hỗ trợ cho Đồng minh.

    Ngày 17/6/1940, Pháp thất thủ, rơi vào tay Đức Quốc xã. Anh gần như đơn độc chiến đấu chống lại Đức trên bộ, trên biển và trên không. Thủ tướng mới của Anh, Winston Churchill, đích thân kêu gọi sự giúp đỡ của Roosevelt, Tổng thống Mỹ đã đồng ý đổi hơn 50 tàu khu trục lỗi thời của Mỹ lấy hợp đồng thuê 99 năm tại các căn cứ của Anh ở Caribe và Newfoundland, nơi sẽ được sử dụng làm phòng không của Mỹ và các căn cứ hải quân.

    Tháng 12 năm đó, với dự trữ vàng và tiền tệ của Anh đang cạn kiệt, Churchill cảnh báo Roosevelt rằng đất nước của ông sẽ không thể trả tiền mặt cho các vật tư quân sự hoặc vận chuyển lâu hơn nữa. Mặc dù gần đây ông đã được bầu lại trên một nền tảng hứa hẹn sẽ giữ nước Mỹ thoát khỏi Chiến tranh Thế giới thứ hai . Roosevelt muốn hỗ trợ Vương quốc Anh chống lại Đức, ông thuyết phục Quốc hội Mỹ rằng việc cung cấp nhiều viện trợ trực tiếp hơn cho Anh là vì lợi ích của quốc gia.

    Vào giữa tháng 12 năm 1940, Roosevelt đưa ra một sáng kiến chính sách mới, theo đó Hoa Kỳ sẽ cho Anh Quốc mượn, thay vì bán, các vật tư quân sự để sử dụng trong cuộc chiến chống lại Đức. Việc thanh toán cho các nguồn cung cấp sẽ được hoãn lại, và có thể bằng bất kỳ hình thức nào mà Roosevelt cho là thỏa đáng.

    Ngày 11/3 1941, Quốc hội thông qua dự luật cho phép tổng thống Hoa Kỳ quyền bán, chuyển nhượng tài sản, cho thuê các loại vũ khí hoặc vật liệu khác nhau cho những quốc gia mà họ đang chiến đấu để bảo vệ cho chính họ và cũng để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ. Để được thông qua, Roosevelt đã thuyết phục Quốc hội cho phép bán quân nhu cho các đồng minh như Pháp và Anh trên cơ sở “cash-and-carry” (trả tiền và mang đi), tức là họ phải trả tiền mặt cho các vật tư do Mỹ sản xuất, sau đó vận chuyển chúng lên tàu của họ.

    Roosevelt nhanh chóng lợi dụng quyền hạn của mình theo luật mới, ra lệnh vận chuyển một lượng lớn thực phẩm và nguyên liệu chiến tranh của Mỹ đến Anh từ các cảng của Mỹ thông qua Văn phòng Quản lý Cho thuê mới. Các nguồn cung cấp được phân tán theo Đạo luật Cho thuê bao gồm từ xe tăng, máy bay, tàu thủy, vũ khí và vật tư xây dựng đường bộ đến quần áo, hóa chất và thực phẩm.

    Trong chiến tranh chống Đức Quốc Xã, Liên Xô đã từng nhận viện trợ qua hình thức cho vay từ Mỹ, Anh và Canada. Các quan hệ kinh tế giữa họ đã được điều chỉnh bằng các hiệp định viện trợ lẫn nhau và được hợp pháp hóa bằng các nghị định thư đặc biệt của Đồng minh, được gia hạn hàng năm. Nghị định thư đầu tiên được ký tại Mátxcơva ngày 1/10/1941; lần thứ hai tại Washington (ngày 6/10/1942); lần thứ ba tại Luân Đôn (ngày 1/9/1943); và lần thứ tư tại Ottawa (ngày 17/4/1945). Nghị định thư thứ tư được bổ sung bởi một thỏa thuận đặc biệt giữa Liên Xô và Hoa Kỳ được gọi là “Chương trình ngày 17/10/1944” (hay “Milepost”), nhằm cung cấp cho Liên Xô sử dụng trong cuộc chiến chống Nhật Bản.

    Trên cơ sở các tài liệu đó, Liên Xô đã nhận được 18.763 máy bay, 11.567 xe tăng và pháo tự hành, 7.340 xe bọc thép và tàu chở quân bọc thép, hơn 435.000 xe tải và xe jeep, 9.641 khẩu pháo, 2.626 radar, 43.298 đài phát thanh, 548 chiếc chiến đấu. tàu thuyền và 62 tàu chở hàng. 75% hàng hóa còn lại nhập khẩu vào Liên Xô bao gồm thiết bị công nghiệp, nguyên liệu thô và thực phẩm.

    Đến cuối năm 1941, qua Chương trình Vay-Thuê, nước Mỹ đã viện trợ cho hơn 40 nước thuộc phe Đồng Minh một lượng vũ khí và vật tư trị giá 50,1 tỷ USD (tương đương 565 tỷ USD thời giá năm 2018), chiếm 17% tổng chi phí chiến tranh của nước Mỹ thời ấy.Trong đó Anh Quốc nhận 31,2 tỷ USD, Liên Xô : 11,3 tỷ, Pháp : 3,2 tỷ, Trung Quốc : 1,6 tỷ, các nước còn lại : 2,6 tỷ USD.

    Sau khi chiến tranh chấm dứt, tuy rằng mới đầu, từ “Lend-Lease” được định nghĩa là cho vay không lấy lãi và việc trả nợ sẽ bắt đầu 5 năm sau khi chiến tranh kết thúc nhưng Hoa Kỳ không đòi hỏi các nước Đồng minh phải hoàn trả khoản viện trợ mà Mỹ đã trao cho họ vì hiểu rằng không thể so sánh viện trợ vật chất với những hy sinh to lớn về sinh mạng của các lực lượng chống phát xít trên thế giới. Tuy nhiên, các nước Đồng Minh đã trả lại bằng cách cho Hoa Kỳ thuê đất làm căn cứ quân sự, và cung cấp cho quân đội Mỹ đóng ở nước ngoài những khoản tiền với tổng trị giá 8 tỷ USD, một số đã được chuyển đổi thành một hệ thống viện trợ lẫn nhau. Riêng đối với Liên Xô, vào năm 1972, Liên Xô và Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận rằng Liên Xô sẽ trả khoản nợ 722 triệu đô la vào ngày 1/7/2001.

    Tháng 9/1945 Tổng thống Truman tuyên bố chấm dứt Chương trình Vay-Thuê. Sau đó viện trợ Mỹ được chuyển qua “Kế hoạch Marshall” nhằm giúp phục hồi nền kinh tế châu Âu, mở rộng và củng cố nền kính tế tư bản Bắc Mỹ, ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Tây Đức, Anh, Pháp, Bỉ, Ý. Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ,…

    Khi xảy ra xung đột vũ trang, tinh thần chiến đấu rất quan trọng nhưng sức mạnh quân sự đóng vài trò chủ chốt. Chính vì thế Tổng thống Ukraine Zelenskyy đã yêu cầu Mỹ viện trợ không giới hạn. Thế nhưng, cho dù với mục đích nhân đạo, lòng vị tha hay sự hào phóng, việc viện trợ của Mỹ không thể vượt quá giới hạn của nó và phải nằm trong chính sách viện trợ của quốc hội Mỹ.

    Cầu mong cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine sớm có kết quả tốt để chiến tranh sớm chấm dứt. Và Thế chiến không xảy ra.

    Montreal, ngày 27/3/2022

    Ngô Khôn Trí

    Không có nhận xét nào