Header Ads

  • Breaking News

    Phương Tây tuyên chiến kinh tế để 'đánh quỵ Nga', giá dầu lên 113 USD/thùng

    Ngày 28/02, châu Âu mở cuộc chiến kinh tế tàn khốc đánh vào Nga.


    Nguồn hình ảnh, EPA/Chụp lại hình ảnh,

    Đồng rouble mất giá khủng khiếp vì cấm vận của Phương Tây

    Chỉ trong vòng 24 giờ, Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, và Ngân hàng Trung ương nước này mất quyền kiểm soát 2/3 số dự trữ ngoại tệ 630 tỷ USD.

    Nhưng các diễn biến tiếp theo cho thấy tầm vóc của cuộc chiến kinh tế này sâu rộng ra sao.

    Nó ngay lập tức gây hại cho Nga, và sau là làm rung chuyển các nền kinh tế khác, như một đối đầu toàn diện trong Chiến tranh Lạnh, trên nền cuộc chiến nóng ở Ukraine.

    Đầu tiên và các cú chặn, bắt, cấm phi cơ, tàu Nga.

    Hôm 02/03, Hoa Kỳ cấm mọi phi cơ dân sự của Nga bay vào không phận của họ, sau khi hàng không Nga bị cấm bay sang hơn 30 nước.

    Tàu dầu Louie của Nga đi từ Primorsk có lịch cập cảng vào Milford Haven, xứ Wales, bị Anh cấm vào.

    Tập đoàn vận tải biển toàn cầu Maersk nói họ sẽ ngưng nhận đơn đặt hàng (bookings) đến Nga và từ Nga.

    Công ty hàng hải Hapag-Lloyd của Đức tạm ngưng bookings của Nga...Các hãng K Group, S Group, Nestle, Alko cũng tẩy chay Nga.

    Nhưng đó là những chuyện nhỏ.

    Ở tầm rộng hơn, các 'ông lớn' của kinh tế thế giới nay đồng loạt vào cuộc.

    ExxonMobil và Boeing vừa gia nhập danh sách các đại công ty ra tay trừng phạt Nga vì cuộc xâm lăng ở Ukraine.

    ExxonMobil nói sẽ rút khỏi joint venture nhiều tỷ USD với Rosneft, còn Boeing tuyên bố ngưng mọi hoạt động ở Nga.


    Nguồn hình ảnh, Reuters

    Các hãng thẻ tín dụng Visa và Mastercard xác nhận họ chặn các tổ chức của Nga dùng chế độ thanh toán của họ.

    Trong ngành dầu khí, chỉ sau một vài hôm, BP, Equinor, Shell đều nói họ cắt quan hệ với đối tác Nga.

    Các báo tài chính ở London nói chưa rõ hàng tỷ USD tiền của BP trong cổ phiếu dầu khí Nga sẽ được kế toán đặt vào mục thua lỗ, hay xử lý bằng hình thức nào khác.

    Nhưng sự "đồng lòng" được các sếp ngành dầu khí giải thích là "lúc này cần lý do đạo đức hơn là lợi nhuận".

    Hôm 01/03, tiền rouble chỉ còn trị giá bằng đồng Afghani và sẽ còn mất giá nữa và đến ngày 02/03 thị trường chứng khoán Nga phải đóng cửa tiếp.

    Đêm hôm trước, Tổng thống Vladimir Putin tung ra một loạt quyết định ràng buộc các nhà xuất khẩu Nga phải chia sẻ gánh nặng tiền tệ, và cấm chuyển ngân (ngoại tệ) ra nước ngoài.

    Chỉ ngăn chiến tranh hay muốn đánh quỵ Nga trong nhiều năm?

    Chủ tịch Ủy ban châu Âu vừa nói thẳng rằng EU sẽ cắt nguồn 'tài trợ chiến tranh' (war's financing) của Nga.

    Kho "lương thảo chiến tranh" ông Putin tích cóp qua bán dầu khí từ nhiều năm qua được chia ra, giữ bằng USD, euro, các đồng tiền châu Âu, tiền RMB của Trung Quốc và bằng vàng.

    Nhưng Anh Mỹ và các định chế tài chính quốc tế đã dùng "nuclear option" (kịch bản hủy diệt) với Nga sau khi ông Putin đơn phương dọa dùng tên lửa hạt nhân "ngăn ai dám can thiệp chống Nga ở Ukraine".

    Ngay lập tức, Ngân hàng Trung ương Nga không còn chìa khóa mở toàn bộ dự trữ ngoại tệ 630 tỷ USD của mình và chỉ còn trong tay 1/3 giá trị số tiền đó, bằng vàng và tiền Trung Quốc.

    Một báo Anh sáng 01/03 cho rằng kinh tế Nga đang trên đà sụp đổ, và đã trở lại năm 1998. Có ý kiến nói kinh tế Nga sẽ bị đánh gục, tụt lùi 30 năm là ít.

    Chính giới châu Âu từng lo là trừng phạt mạnh thì Nga sẽ ngả về Trung Quốc.

    Theo tôi tìm hiểu thì tâm lý dư luận tại châu Âu nay coi Putin chọn theo Trung Quốc thì để ông ấy sống với Trung Quốc, tiêu tiền reminbi.

    Vladimir Putin đã giúp châu Âu khỏi băn khoăn khi bay sang Bắc Kinh dự Thế vận hội Mùa đông và tỏ ra là "được Trung Quốc hỗ trợ" nếu bị cấm vận, tuy Trung Quốc không nói thế.

    Cá nhân ông Putin nay bị trừng phạt tài chính, bị loại khỏi các chức như Chủ tịch Danh dự Liên đoàn Judo Quốc tế.

    Hội World Taekwondo cũng tước đai đen 9 đẳng tặng cho ông năm 2013.


    Nguồn hình ảnh, Getty Images/Chụp lại hình ảnh,

    CLB West Ham ủng hộ nhân dân Ukraine

    Phong trào tẩy chay ông Putin và nước Nga của ông nay lan ra trong hàng chục môn thể thao, tổ chức, câu lạc bộ trên thế giới (xem thêm bài tiếng Anh: Which sports are Russians banned from?)

    Trong Thế Chiến II, Thụy Sĩ giữ vị thế trung lập và để cho Đế chế của Hitler tiếp tục kinh doanh, giao dịch ngân hàng. Nhưng hôm 28/02, Thụy Sĩ công bố bỏ quy chế trung lập về tài chính và phong tỏa tài sản của chính phủ Nga.

    Quyết định vô tiền khoáng hậu này loại chính giới Nga, kể cả các oligarch từng 'hét ra lửa, mửa ra khói' khỏi các ngân hàng châu Âu.

    Hôm trước BBC News Tiếng Việt có bài về "những người bạn Đức của ông Putin", gồm cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroeder, làm cho Gazprom.

    Tin mới nhất cho hay nhân viên người Đức của văn phòng ông Schroeder đồng loạt bỏ việc, tẩy chay ông (xem thêm).

    Người châu Âu khi đã "bừng tỉnh", họ làm rất quyết liệt, không sợ "đói khổ", sợ mất job.

    Các khoản hàng trăm tỷ USD của nhiều ngân hàng, đại công ty Nga để ở châu Âu đã bị tịch biên.

    Nghe nói Anh và EU có kế hoạch đem các khoản đó "trả cho Ukraine" sau chiến tranh.

    Hôm 01/03, Tổng thống Joe Biden nói "Putin chưa biết điều gì sắp xảy đến với ông ta" và dùng ngôn từ ý thức hệ, lên án "chế độ độc tài" sẽ bị tự do đánh bại.

    Lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ đứng lên vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh các biện pháp của chính phủ Biden đánh vào ông Putin.

    Có thể nói bất kể chiến sự ở Ukraine những ngày tới diễn ra ra sao - quân Nga có thể thắng trên chiến trường - nhưng khi dùng phương án tổng quát này, Phương Tây đã quyết hạ cấp cường quốc của Nga.

    Giá dầu thô Brent sáng 02/03 lên 113 USD/thùng, rồi giảm xuống đôi chút. Các chỉ số chứng khoán châu Âu đều xuống nhưng người ta có vẻ sẵn sàng chịu trận.

    Trong vụ ủng hộ Ukraine, trừng phạt Nga, lãnh đạo ngoại giao EU Josep Borrell nói "đây là vấn đề sinh tử" và "Putin vi phạm về căn bản nguyên tắc cùng chung sống" nên châu Âu phải ra quyết định.

    Nhà báo kỳ cựu của BBC John Simpson có bình luận ông Putin có thể sẽ kéo Nga "trở lại thời Liên Xô", không phải ở cương vị đại cường mà là trở về nền kinh tế tồi tàn.

    Có phải ông Putin đã tính sai?

    Có thể nói việc ông Putin tại vị đã không còn nằm trong tính toán của Phương Tây.

    Những đòn trừng phạt, cô lập khủng khiếp này sẽ kéo lùi kinh tế Nga trong nhiều năm, và mục tiêu là để "trừ hậu họa", và ngăn chặn cả khả năng một người khác thay Putin mà vẫn theo con đường của ông.

    Tổng thống Biden nói Putin đã 'misjudged' - tính sai. Vậy ông tính sai ở chỗ nào?

    Quan sát quá trình dẫn tới ngày nổ súng 24/02, tôi thấy ông Putin đã quá "kiên định" với đòi hỏi an ninh cứng của Nga - ta có thể coi chúng chính đáng hay là không, tùy cách nhìn - và ép các đối tác.

    Về ngoại giao thì ông Putin đã buộc những người cố gắng chọn giải pháp mềm bị "hết cửa".

    Trong cả tháng 2 Anh, Pháp, Đức và EU nỗ lực khuyên can Nga giảm căng thẳng với Ukraine nhưng Nga tỏ ra coi thường họ. Ở vị thế chủ nhà, nước Nga xử tệ với khách.

    Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhạo báng công khai Nữ Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Liz Truss khi bà sang thăm Nga để hội đàm.

    Tệ hơn, Tổng thống Putin để Thủ tướng Đức ngồi ở đầu xa của cái bàn dài 4 mét trong Điện Kremlin, "lên lớp" ông Olaf Scholz cả tiếng liền về lịch sử.

    Tổng thống hiền lành dễ mến của Pháp, Emmanuel Macron bay sang cố "cầu hòa" với Moscow cũng bị ông Putin phủi tay, làm bẽ mặt vì ông Macron tin lời Nga mà "hứa sớm" về hòa bình.

    Tự học lịch sử, có lẽ ông Putin quên rằng Olaf Scholz nhã nhặn là con cháu của Friedrich Đại đế, và Nữ hoàng Nga Catherine Đại đế cũng là một công chúa xứ Phổ.


    Nguồn hình ảnh, Getty Images / Chụp lại hình ảnh,

    Thủ tướng Đức Olaf Scholz được Tổng thống Putin đón ở 'chiếc bàn dài' hôm 15/02 trong hội đàm kéo dài nửa ngày làm việc. Các báo Đức nói ông Putin lên lớp về lịch sử với ông Scholz

    Macron có thể yếu một chút, ngây thơ một chút, bị bầu cử rằng buộc, nhưng cũng là con cháu Napoleon, de Gaulle.

    Trong quan hệ giữa người châu Âu với nhau, ông Putin đã nghĩ là họ yếu đuối, phụ thuộc vào dầu khí của Nga nên làm tới.

    Lời dọa 'hạt nhân' của Putin đã khiến Bộ trưởng Pháp Yves-Jean Le Drian phải nhắc để Nga khỏi quên là Pháp và Nato có đầu đạn nguyên tử. Thế nhưng liền sau đó, ông Putin dọa tiếp hai quốc gia hiền hòa Thụy Điển và Phần Lan.

    Lời dọa này theo tôi là giọt nước tràn ly với toàn thể châu Âu. Họ nay đồng lòng, sẵn sàng chịu thiệt hại kinh tế, giá xăng dầu cao để hạ đo ván ông Putin.

    Theo George Freedman viết trên trang Geopolitical Futures (01/03) thì sai lầm lớn nhất của ông Putin là đẩy Đức vào thế bỏ luôn chính sách nhũn nhặn nhiều năm, sẵn sàng chịu thiệt hại kinh tế, để chuyển sang chiến lược tái vũ trang.

    Putin chê cả Lenin và Stalin nhưng quên rằng chiến lược an ninh của các vị tiền bối đó là đẩy nước Đức hung dữ thời đó ra xa, càng xa càng tốt, khỏi biên giới Nga.

    Nga và Phổ từng chung biên giới ở Baltic và sau các cuộc chiến, Liên Xô thành công trong việc lập ra vùng đệm giữa họ và Đức.

    Nay, theo Freedman, một nước Đức tái vũ trang sẽ chỉ còn cách Nga bằng diện tích Ba Lan. Ở điểm gần nhất, từ Đức tới Kaliningrad của Nga là 415 km.

    Địa chính trị châu Âu đã đổi, và ông Putin giúp Phương Tây đoàn kết.

    Các đòn kinh tế sẽ ngấm dần và làm suy yếu Nga lâu dài.

    Giả sử Nga phục hồi được trong những năm về sau thì lại bị bản đồ địa chính trị mới đã hình thành, đầy thách thức ngay trước ngõ.


    Nguyễn Giang

    Không có nhận xét nào