Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 22 tháng 3 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Các biện pháp trừng phạt có tác dụng gì không

    Trừng phạt là những hình phạt mà nước này áp dụng lên nước khác nhằm chặn nước đó hành động hung hăng hoặc vi phạm luật pháp quốc tế.

    Các biện pháp trừng phạt thường nhắm vào nền kinh tế của một nước.

    Tuy nhiên, không phải lúc nào biện pháp này cũng đem lại hiệu quả mong muốn.

    BBC tìm hiểu về bốn ví dụ trong đó các quốc gia đã áp những hình biện pháp trừng phạt lên nước khác, và hiệu quả của những biện pháp đó.

    Hoa Kỳ trừng phạt Hà Lan, 1948-1949

    Sau Thế chiến II, Đông Ấn Hà Lan (nay là Indonesia) tìm cách giành độc lập từ

    Hà Lan. Khi Hà Lan bắt giữ các lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi độc lập, Hoa Kỳ đã tạm ngưng viện trợ hậu chiến cho Hà Lan

    Nền kinh tế Hà Lan oằn mình và mối đe dọa sẽ bị thêm các lệnh trừng phạt nữa đã buộc Hà Lan phải đồng ý trao trả độc lập cho Indonesia vào 1949.

    Quốc tế trừng phạt Iran, từ 1979 đến nay

    Hoa Kỳ, LHQ và các nước khác đã trừng phạt Iran trong nhiều năm vì chương trình hạt nhân của nước này và vì Iran ủng hộ các nhóm khủng bố. 

    Lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến kinh tế của Iran phải gánh chịu, nhưng nước này vẫn vượt qua được, một phần vì họ đã quen với việc bị áp lệnh trừng phạt trong suốt hàng chục năm, nhưng cũng bởi Iran có nền kinh tế đa dạng với nhiều ngành công nghiệp khác nhau và có các đối tác thương mại khác, như Trung Quốc, nước vẫn tiếp tục làm ăn buôn bán với Iran.

    Quốc tế trừng phạt Nam Phi, thập niên 1960-1990

    Hàng chục nước đã trừng phạt Nam Phi về chủ nghĩa apartheid, với chính sách phân biệt chủng tộc. 

    Áp lực kinh tế là yếu tố chính trong việc thả ông Nelson Mandela khỏi nhà tù và kỳ bầu cử dân chủ đa sắc tộc được tổ chức vào năm 1994.

    Quốc tế trừng phạt Venezuela, từ 2014 đến nay 

    Hoa Kỳ, EU và các nước khác đã trừng phạt các cá nhân như Tổng thống Maduro về tội tham nhũng và lạm quyền.

    Cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế ở Venezuela đã kéo dài nhiều năm.

    Lạm phát tại đây tăng 800.000% trong năm 2019, và đại dịch Covid-19 làm mọi sự tồi tệ thêm, nhưng Tổng thống Maduro vẫn chưa lui bước.

    Do đó, trừng phạt không phải luôn đem lại kết quả mong muốn, nhưng khi chưa có chiến tranh nổ ra thì các biện pháp trừng phạt vẫn là công cụ ngoại giao quyền lực nhất mà một quốc gia có thể áp dụng.

    Nga: Các quan hệ với Mỹ tiến gần tới tuyệt giao sau bình luận của ông Biden 

    22/3/2022 

    Reuters 

    Tổng thống Mỹ Joe Biden.

    Tổng thống Joe Biden. 

    Bộ Ngoại giao Nga ngày 21/3 nói đã triệu Đại sứ Mỹ John Sullivan đến để nói là những bình luận của Tổng thống Joe Biden về Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đẩy các quan hệ song phương đến bờ sụp đổ.

    Tổng thống Biden nói trong tuần trước là ông Putin là một “tội phạm chiến tranh” vì đã gởi hàng chục ngàn binh sĩ vào Ukraine.

    “Những tuyên bố như vậy từ tổng thống Mỹ, không xứng đáng là một chính khách cao cấp, đặt các quan hệ Nga-Mỹ trên bờ gián đoạn,” bộ nói trong một tuyên bố.

    Trước đó Điện Kremlin mô tả bình luận là “nhục mạ cá nhân” chống ông Putin.

    Bộ cũng nói với ông Sullivan là những hành động thủ nghịch chống Nga sẽ nhận được “những đáp ứng quyết liệt và mạnh mẽ.”

    Nga đã gởi hàng chục ngàn quân vào Ukraine ngày 24/2 mà Nga gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” để làm sụt giảm khả năng quân sự của nước láng giềng Ukraine ở phía nam và loại trừ những người mà Nga gọi là các phần tử theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm.

    Các lực lượng Ukraine đã kháng cự mạnh mẽ chống lực lượng Nga; và phương Tây áp đặt những chế tài sâu rộng lên Moscow trong một nỗ lực buộc Nga rút quân.

    Trong khi đó Ngũ Giác Đài ngày 21/3 cáo buộc các lực lượng Nga phạm tội ác chiến tranh tại Ukraine và nói sẽ giúp thu thập bằng chứng về những tội phạm này, vào lúc cáo buộc Điện Kremlin tiến hành những cuộc tấn công không phân biệt trong khuôn khổ của một chiến lược cố ý trong cuộc xung đột.

    “Chúng tôi chắc chắn thấy được rõ ràng là các lực lượng Nga đã phạm các tội ác chiến tranh và chúng tôi đang giúp thu thập chứng cứ về việc này,” phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby nói trong một cuộc họp báo.

    Cũng vào ngày 21/3, môt tòa án ở Moscow gán công ty Meta là một “tổ chức cực đoan”, giữ nguyên một vụ kiện của các công tố viên nhà nước Nga cấm các hoạt động của Meta trên lãnh thổ Nga.

    Nhưng tòa án nói quyết định này không áp dụng cho dịch vụ tin nhắn WhatsApp, thay vào đó chú trọng đến Instagram và Facebook, vốn đã bị cấm.

    Meta không trả lời ngay yêu cầu bình luận, nhưng luật sư của công ty nói tại tòa án sáng sớm ngày 21/3 là công ty không chấp nhận những hành động cực đoan và chống lại bệnh sợ Nga.

    Nga cấm Facebook vì hạn chế tiếp cận truyền thông Nga trong khi Instagram bị chặn sau khi Meta nói sẽ cho phép người dùng truyền thông xã hội tại Ukraine được đưa lên những thông điệp thúc đẩy bạo động chống ông Vladimir Putin và binh sĩ mà Moscow gởi vào Ukraine trong tháng trước.

    Kể từ đó Meta thu hẹp những hướng dẫn cấm kêu gọi giết chết một nguyên thủ quốc gia, và nói những hướng dẫn của họ không bao giờ giải thích như là cho phép bạo động chống Nga một cách tổng quát.

    Tổng thống Mỹ kêu gọi các công ty tự bảo vệ trước các cuộc tấn công mạng của Nga

    Ảnh tư liệu: Trước trụ sở Bộ Chỉ huy mạng Hoa Kỳ tại Fort Meade, bang Maryland, Hoa Kỳ, 06/06/2013. AP - Patrick Semansky 

    Trong một thông cáo báo chí, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm qua 21/03/2022 đã kêu gọi các công ty Mỹ tự bảo vệ, chống lại các cuộc tấn công mạng mà Nga có thể tiến hành để trả đũa các trừng phạt của phương Tây nhắm vào Matxcơva do xâm lăng Ukraina. 

    Từ Miami, thông tín viên David Thomson cho biết thêm :

    Joe Biden nói với các công ty Mỹ rằng tự bảo vệ mình tốt hơn trước các cuộc tấn công mạng của điện Kremlin là một “nghĩa vụ yêu nước”. “Nga có thể đang chuẩn bị hành động chống lại chúng ta, nước này có nguồn lực tin tặc đáng kể, nên điều này sẽ xảy ra”, tổng thống Mỹ cảnh báo.

    Đây không phải là một mối đe dọa mới nhưng cảnh báo mới này được đưa ra sau các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Nga. Nhà Trắng cho biết rằng dữ liệu của các cơ quan tình báo liên tục thay đổi : những cuộc tấn công mạng này nhằm gieo rắc sự hỗn loạn trong cuộc sống hàng ngày và là một phần trong cẩm nang chiến lược của Nga. Và các cuộc tấn công này chủ yếu nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng chủ yếu do tư nhân vận hành.

    Năm ngoái, Washington tố cáo các tin tặc có liên quan đến điện Kremlin dính líu đến một số cuộc tấn công tống tiền trên mạng : cuộc tấn công nhắm vào công ty Colonial Pipeline đã làm cho đường ống dẫn dầu lửa lớn nhất nước phải ngưng hoạt động hoặc cuộc tấn công chống tập đoàn sản xuất thịt JBS đã gây ra việc đóng cửa các lò mổ lớn và mỗi lần như vậy thì đều phải trả cho các tin tặc vài triệu đô la tiền chuộc.

    Điện Kremlin bác bỏ kế hoạch tấn công mạng nhằm vào Hoa Kỳ 

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu hôm 21/3/2022.

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu hôm 21/3/2022. 

    Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ cảnh báo của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden rằng Nga có thể đang lên kế hoạch tấn công mạng nhằm vào Hoa Kỳ.

    Hôm 22/3, khi được hỏi về bình luận như trên của ông Biden, ông Peskov cho biết: “Liên bang Nga, không giống như nhiều nước phương Tây hay cả Hoa Kỳ, không tham gia vào các vụ cướp bốc ở cấp nhà nước”.

    Ông Biden phát biểu một hội nghị Bàn tròn Kinh doanh hôm 22/3 rằng “tin tình báo mới nhất” cho thấy một cuộc tấn công mạng có thể được lên kế hoạch. Ông kêu gọi các công ty tư nhân đầu tư vào ngành bảo mật của riêng họ để chống lại các cuộc tấn công mạng.

    Ông Biden ám chỉ một cuộc tấn công mạng có thể là phản ứng của Nga đối với các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ áp đặt.

    (Theo AP)

    LHQ: Số người tị nạn Ukraine vượt qua mốc 3,5 triệu

    Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc cho biết hơn 3,5 triệu người đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi Nga xâm lược, vượt qua một cột mốc quan trọng khác trong cuộc di cư dẫn đến cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất của châu Âu kể từ Thế chiến II.

    Hôm 22/3, UNHCR cho biết rằng 3,53 triệu người đã rời Ukraine, trong đó Ba Lan chiếm phần lớn với hơn 2,1 triệu người - tiếp theo là Romania với hơn 540.000 và Moldova với hơn 367.000.

    (Theo AP)

    Nga thuê lính Trung Đông $400/tuần đánh nhau ở Ukraine 

    Nga điều động lính đánh thuê thiện chiến từ Syria và các nước Trung Đông khác vào cuộc xâm lược Ukraine.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-1239242549.jpg

    Thành phố cảng Odessa của Ukraine chuẩn bị đánh xe tăng Nga. Tổn thất trầm trọng khiến Nga phải tuyển mộ lính đánh thuê từ Trung Đông để bổ sung quân số. Ảnh STR/NurPhoto via Getty Images 

    Nga có kế hoạch điều động lính đánh thuê thiện chiến từ Syria và các nước Trung Đông khác vào cuộc xâm lược Ukraine.

    Hãng AP đưa tin, vào ngày 11 Tháng Ba, ông Vladimir Putin đã chấp thuận cho 16,000 “tình nguyện viên” từ Trung Đông được bố trí cùng với các binh sĩ Nga tại chiến trường Ukraine.

    Hiện nay, do cuộc tấn công của quân đội Nga bị sa lầy trầm trọng, số binh lính và cả cấp chỉ huy bị giết, bị bắt làm tù binh, hoặc đào ngũ ngày càng tăng, tinh thần của binh sĩ giảm sút rất mạnh nên Nga phải đẩy nhanh việc tuyển mộ lính đánh thuê nước ngoài để bổ sung.

    Tuy thông báo của ông Putin không nêu rõ Nga sẽ tuyển mộ binh lính từ quốc gia nào ở Trung Đông nhưng một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Moscow tuyển mộ chủ yếu những người Syria từng trải và nhiều kinh nghiệm tác chiến trong cuộc nội chiến kéo dài một thập niên ở quốc gia Bắc Phi này.

    Nga có một dấu ấn quân sự lớn ở Syria. Moscow đã hỗ trợ giữ vững chế độ độc tài của Tổng thống Bashar Al-Assad bằng lực lượng không quân và lính đánh thuê Nga trong gần một thập niên.

    Tờ The Guardian của Anh cho biết, một mẩu quảng cáo tuyển mộ của quân đội Nga đưa ra mô tả công việc chi tiết “các cuộc đột kích quân sự, hoạt động ở nước ngoài và đi đến Ukraine, với mức lương lên tới $3,000 /tháng tùy thuộc vào kinh nghiệm.”

    Ali Jafar Askar, một thành viên 35 tuổi của lực lượng dân quân Iraq Asaib Ahl al-Haq, nói với báo Nikkei Asia của Nhật trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng anh ta được trả $400 một tuần để chiến đấu cùng với quân đội Nga trong cái mà Moscow gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

    Lực lượng dân quân Asaib Ahl al-Haq là một nhóm bán quân sự do người Shia của Iran hậu thuẫn ở Iraq đã tuyên bố thực hiện hơn 6,000 cuộc tấn công chống lại lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Iraq. Do Iran tổ chức và trang bị, tổ chức này bị được Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ định là một nhóm khủng bố vào năm 2020.

    Ông J.D.Williams, nhà nghiên cứu chính sách quốc phòng và quốc tế cao cấp tại Rand Corp. nói với Nikkei Asia rằng Nga đang tuyển dụng lính đánh thuê nước ngoài “để hỗ trợ cuộc chiến tranh đô thị và có khả năng trợ giúp cho các hoạt động an ninh sau khi lực lượng chiến đấu thông thường kết thúc nhiệm vụ, đặc biệt là để chống nổi dậy”.

    Tờ Guardian cũng đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga cho biết chiến binh nước ngoài sẽ được tập trung vào khu vực Donbass, miền đông Ukraine.

    Tin tức này được đưa ra trong bối cảnh Nga thất vọng và bất ngờ trước sức chống đối quyết liệt của quân kháng chiến Ukraine; quân đội Nga chịu nhiều tổn thất mà vẫn không tiến lên được. 

    Nỗ lực làm trung gian hòa giải của thủ tướng Israel

    Trong hai tuần kể từ khi thủ tướng Israel Naftali Bennett bay đến Moscow để gặp tổng thống Nga Vladimir Putin, những nỗ lực hòa giải của ông mang lại cả sự hy vọng lẫn hoài nghi.

    Nhiều công dân Israel đã rời khỏi Nga hoặc Ukraine. Và cho đến nay, Israel vẫn giữ quan điểm trung lập khi từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine hay tham gia trừng phạt Nga. Điều này đặt họ vào một vị trí độc nhất thích hợp làm trung gian. Nhưng kiến tạo hòa bình là một công việc không hề dễ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và ông Bennett đã thường xuyên liên lạc và có tin đồn hai ông sẽ sớm gặp nhau. Nhưng trong một bài phát biểu trước Quốc hội Israel vào ngày 20 tháng 3, ông Zelensky lại nói “bạn có thể làm trung gian giữa các quốc gia, song không phải giữa cái thiện và cái ác.” Về phần mình, ông Bennett tuyên bố đàm phán đạt được tiến bộ dù còn tồn tại các vấn đề căn bản. Cho dù các bên có đồng ý đàm phán tại Jerusalem thì vẫn còn một bước dài trước khi ông Bennett được công nhận như một nhà kiến tạo hòa bình.

    Alexei Navalny lại chuẩn bị hầu tòa

    Cho đến nay ông là đối thủ đối lập lớn nhất của tổng thống Nga Vladimir Putin, người luôn tìm cách bịt miệng ông. Năm 2020, Alexei Navalny sống sót sau một vụ đầu độc và nhanh chóng bị bỏ tù ba năm vì những cáo buộc khống. Vào thứ Ba, ông sẽ biết mình còn bao nhiêu năm tù nữa — lần này với cáo buộc tham ô và khinh thường tòa án. Trước đó, trong một phiên toà khác, các công tố viên đã kết án 13 năm tù và hai năm quản chế đối với ông. Các thẩm phán dường như chắc chắn sẽ không khoan hồng.

    “Tội ác” thực sự của ông Navalny là thách thức chế độ Putin và công khai nạn tham nhũng tràn lan của nó. Bản thân ông Navalny vẫn bất chấp. “Các người không thể tống tất cả mọi người vào tù,” ông nói tại phiên tòa gần đây nhất. “Ngay cả khi các người có phán 113 năm, tôi cũng không sợ.” Hiện sức khỏe của ông đang xấu đi sau một thời gian bị giam tại một trại lao động. Mỗi ngày trôi qua ảnh hưởng đạo đức và chính trị của ông càng lớn dần lên.

    Tesla chuẩn bị khai trương nhà máy Berlin

    Tại buổi lễ vào thứ Ba này, người ta sẽ được chứng kiến những chiếc ô tô điện đầu tiên lăn bánh khỏi nhà máy “Giga Berlin” của Tesla. Sự kiện khai trương nhà máy châu Âu đầu tiên của hãng đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của họ nhằm soán ngôi các công ty xe lâu đời của Đức.

    Các hãng ô tô của Đức, dẫn đầu là Volkswagen, thống trị doanh số bán hàng trong nước cũng như trên toàn châu Âu. Nhưng Tesla đang bắt kịp. Doanh số bán hàng ở châu Âu của họ tăng tới 30% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 12, trong khi Volkswagen giảm 30%. Nhà máy mới, với mục tiêu sản xuất 500.000 xe mỗi năm, sẽ đẩy nhanh xu thế này, buộc các đối thủ phải thay đổi chiến lược. Volkswagen đang xây một nhà máy mới với mục đích sản xuất ô tô điện nhanh như Tesla.

    Nhà máy của Tesla sẽ nhấn mạnh các cam kết xanh của Đức và củng cố vị thế của nước này như là vua ô tô của châu Âu. Chắc chắn các quan chức chính phủ muốn các vị khách Mỹ cảm thấy được chào đón — hôm nay thủ tướng Olaf Scholz sẽ gặp ông chủ của Tesla, Elon Musk.

    Các siêu dự án hạ tầng của Mexico vướng nhiều rắc rối

    Quyết định hồi năm 2018 của Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador trong việc hủy bỏ dự án sân bay đang xây dở ở Thành phố Mexico đã khiến chính phủ ông mất trắng ít nhất 185 tỷ peso (9 tỷ USD). Vì vậy có rất nhiều điều đáng nói khi sân bay thay thế nó, mang tên Sân bay Quốc tế Felipe Ángeles, mở cửa vào thứ Hai này. Nó có công suất 19,5 triệu hành khách mỗi năm, bằng 40% công suất của sân bay hiện tại. Hai sân bay sẽ hoạt động song song, qua đó làm cho không phận của thủ đô thêm phần phức tạp, trong khi kết nối hạ tầng mặt đất vẫn chưa hoàn thành. Cho đến nay chỉ mới có bốn hãng hàng không đăng ký khai thác bay.

    Đây là một biểu hiện thường thấy đối với các siêu dự án cơ sở hạ tầng đặc trưng của ông López Obrador —tiêu biểu là nhà máy lọc dầu ở bang Tabasco hay hệ thống đường sắt quanh bán đảo Yucatán. Các dự án này đều thiếu minh bạch, bị đội chi phí và gây ô nhiễm môi trường. Mọi người đều cho rằng Mexico cần đầu tư công nhiều hơn. Nhưng họ cũng cho rằng Mexico sẽ có lợi từ đường sá, trường học và bệnh viện mới hơn là các siêu dự án của tổng thống.

    Liên Hiệp Châu Âu tăng cường khả năng phòng thủ

    Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen (P) và thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez trước cuộc họp các bộ trưởng Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles ngày 21/03/2022. AP - Kenzo Tribouillard 

    Một “la bàn chiến lược” đã được thông qua hôm qua, 21/03/2022, tại cuộc họp giữa các bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao các nước thành viên Liên Hiệp châu Âu (EU) sau 2 năm thảo luận. Các bộ trưởng đã bắt đầu chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, nhưng điều quan trọng nhất là họ đã tiến thêm một bước trong việc củng cố hệ thống phòng thủ chung của châu Âu.  

    Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình : 

    La bàn chiến lược này là định hướng cho nhiều năm về những gì mà châu Âu muốn triển khai để có hệ thống phòng thủ chung. Lãnh đạo ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell coi đây gần như một khoảnh khắc lịch sử với việc áp dụng cái mà ông gọi là "hướng dẫn hành động". 

    Giải pháp cụ thể nhất là thành lập một lực lượng triển khai nhanh gồm 5.000 lính. Trong dài hạn, 27 nước cam kết đạt mức chi cho quân sự tương đương 2% GDP. Theo Josep Borrell, tỷ lệ này hiện nay mới chỉ là 1,5%, tương đương 200 triệu euro, nhiều gấp 4 lần ngân sách quân sự của Nga, nhưng lại không hiệu quả bằng. Người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu nhấn mạnh rằng cuộc chiến ở Ukraina đã gây ra sự thay đổi nền tảng cấu trúc an ninh châu Âu và ngay cả khi "la bàn chiến lược" được tạo ra như một phản ứng trước việc Nga xâm lăng Ukraina, việc định hướng này sẽ có vai trò lâu dài trong chính sách quốc phòng của Liên Hiệp Châu Âu để đối phó với Nga. 

    Publicité

    Châu Âu cũng đã chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới sẽ được phê duyệt tại hội nghị thượng đỉnh vào thứ Năm tới, bởi vì vấn đề ban hành lệnh cấm vận dầu mỏ vẫn chưa được giải quyết. Châu Âu cũng đã tăng gấp đôi ngân sách mua vũ khí cho Ukraina, hiện đã lên mức 1 tỷ euro. 


    Không có nhận xét nào