Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ năm 10 tháng 3 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Chiến tranh Ukraina : Quân đội Nga siết chặt vòng vây, tiến đến sát Kiev

    Cảnh xe tăng bị phá hủy bên ngoài Brovary, ngoại ô thủ đô Kiev, Ukraina, trong một đoạn video gửi đến Reuters ngày 10/03/2022. AZOV HANDOUT via REUTERS - AZOV HANDOUT 

    Quân Nga đang tiếp tục chiến dịch tấn công ở Ukraina, siết chặt vòng vây thủ đô Kiev, đồng thời mở các mặt trận tấn công vào các thành phố Izioum, Petrovske, Hrouchouvakha, Sumy, Okhtyrka, cũng như tại các vùng Donetsk và Zaparojie. 

    Một nhà báo của AFP tại Ukraina cho biết quân Nga ngày càng tiến nhanh và tiến sát đến thủ đô Kiev từ phía bắc và đông bắc. Cách nay 5 ngày, quân Nga còn ở cách Kiev 100 km về phía đông bắc, nhưng đến hôm qua, 09/03/2022, đoàn xe tăng của Nga chỉ còn cách Kiev 15 km, gần Brovary. Một người dân ở Brovary cho AFP biết quân Nga đã chiếm được 2 làng cách đó vài km.

    Sáng nay, những đám khói bốc lên ở Skybyn, cách Kiev chưa đầy 1 km về phía đông. Tuyến đường đã bị cắt đứt. Quân đội Ukraina cảnh báo quân Nga có thể bắt đầu oanh kích thành phố vào bất cứ lúc nào. Trong khi đó, chính quyền vùng Sumy cho biết có 2 phụ nữ và một thiếu niên 13 tuổi đã thiệt mạng trong một cuộc oanh kích vào Velyka Pysarivka vào đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay.

    Về tình hình di tản thường dân, phó thủ tướng Irina Verechtchouk cho biết Ukraina hôm nay mở 7 hành lang nhân đạo để di tản những người dân đang bị mắc kẹt trong các vùng chiến sự, trong đó có một hành lang nhân đạo từ thành phố cảng Mariupol, miền đông nam Ukraina. Reuters dẫn lời nhà chức trách thành phố Sumy sáng nay cho biết các cuộc di tản đã bắt đầu ở miền đông bắc Ukraina sau một lệnh ngừng bắn.

    Còn trong ngày hôm qua, tổng thống Ukraina Zelensky thông báo ít nhất 35.000 thường dân đã được di tản khỏi nhiều thành phố đang bị vây hãm. Nhưng một lần nữa, chính quyền Ukraina lên án quân đội Nga hôm qua vẫn cản trở nỗ lực di tản thường dân Ukraina ở nhiều thành phố, bất chấp cam kết của Matxcơva về việc tôn trọng lệnh ngưng bắn quanh 6 hành lang nhân đạo.

    Phó tổng thống Harris thăm Ba Lan, Mỹ bác đề nghị chuyển Mig-29 cho Ukraina

    RFI

    Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki (P) chào đón phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại thủ đô Vacxava, Ba Lan, ngày 10/03/2022. AP - Saul Loeb 

    Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm nay 10/03/2022 bắt đầu thăm Ba Lan, trước khi sang Rumani. Chuyến đi của bà Harris nhằm bày tỏ sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ba Lan, nước láng giềng của Ukraina, vài ngày sau khi ngoại trưởng Antony Blinken thăm và hứa sẽ trợ giúp Bucarest đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo do chiến tranh. 

    Tuy nhiên, mới đây hai bên có bất đồng về việc chuyển giao chiến đấu cơ Mig-29 cho Ukraina. Hoa Kỳ bác hẳn đề nghị của Ba Lan đưa các phi cơ này sang một căn cứ quân sự ở Đức để chính phủ Mỹ chuyển cho Kiev, cho rằng giải pháp này có quá nhiều rủi ro.

    Từ Vacxava, thông tín viên Sarah Bakaloglou tường trình :

    « Trong chương trình thảo luận giữa bà Kamala Harris với thủ tướng và tổng thống Ba Lan, có cam kết của Hoa Kỳ sát cánh với các đồng minh NATO, và việc trừng phạt Nga vì đã xâm lăng Ukraina. Chuyến đi này cũng nhằm bày tỏ sự ủng hộ Ukraina, nhất là về quân sự. 

    Nhưng vài giờ trước khi lên đường, một hồ sơ nhạy cảm đã đặt ra, đó là các chiến đấu cơ Mig-29 của Ba Lan mà Kiev yêu cầu được cung cấp. Để không phải can dự trực tiếp vào cuộc xung đột, Vacxava muốn giao cho Mỹ, rồi sau đó Washington hoặc NATO chuyển cho Ukraina. Về phía Hoa Kỳ lại muốn rằng quyết định gởi máy bay cho Ukraina phải được chính phủ Ba Lan đưa ra, và bác bỏ đề nghị của Vacxava. 

    Theo văn phòng tổng thống Ba Lan, vụ này không làm nguội lạnh quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ba Lan. Lúc bà Kamala Harris sắp sang Ba Lan, Vacxava nhắc nhở rằng liên minh giữa hai nước rất chặt chẽ, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Phía Ba Lan nhấn mạnh mục tiêu chính là bảo đảm an ninh cho Ukraina, nhưng cũng lo cho an ninh của chính họ. 

    Khoảng 10.000 quân nhân Mỹ đã hiện diện tại Ba Lan và hôm qua Hoa Kỳ thông báo gởi thêm hai dàn hỏa tiễn phòng không Patriot mới. »

    Ngoại trưởng Nga-Ukraine đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ

    Mọi năm, hàng triệu người Ukraine và Nga sẽ dành kỳ nghỉ của họ tắm nắng và uống rượu cùng nhau ở Antalya, thị trấn nghỉ mát bên bờ biển lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Năm nay, ngoại trưởng Nga và Ukraine sẽ gặp nhau tại đây vào thứ Năm để đàm phán hòa bình.

    Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, Mevlut Cavusoglu, sẽ đón tiếp Sergei Lavrov của Nga và Dmytro Kuleba của Ukraine. Vị trí của ông giữa hai người phản ánh quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột cho đến nay. Là một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp máy bay không người lái cho Ukraine, nhưng tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan cũng không muốn làm mất lòng người bạn Vladimir Putin của mình.

    Cuộc xâm lược Ukraine đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản. Hiện đàm phán vẫn tiếp diễn. Nhưng ba vòng đàm phán – hai trong số đó được tổ chức tại Belarus, một đồng minh của Nga – đã không có kết quả. Đây sẽ là cuộc đàm phán hòa bình cấp cao nhất kể từ đầu cuộc chiến. Ngay cả việc hai bên bắt tay nhau đã là một chiến thắng.

    Sắp công bố kết quả bầu cử ở bang lớn nhất Ấn Độ

    Trong tháng qua, 150 triệu cử tri bang Uttar Pradesh đã tham gia cuộc bầu cử cấp địa phương lớn nhất thế giới. Thứ Năm này kết quả sẽ được công bố. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo sẽ tiếp tục nắm quyền, dù với thế đa số nhỏ hơn.

    Chiến thắng cho BJP sẽ là một thành tích đáng kể, nhất là đặt trong bối cảnh đại dịch và khó khăn kinh tế. Trong hơn 30 năm qua chưa có đảng nào thắng được hai nhiệm kỳ nghị viện bang liên tiếp. Thủ lĩnh của BJP ở Uttar Pradesh, linh mục Hindu Yogi Adityanath, được xem như người kế nhiệm của thủ tướng Narendra Modi.

    BJP cũng có khả năng giành được ba trong số bốn bang nhỏ hơn đã tổ chức bầu cử, và sẽ chỉ thua ở Punjab. Đó là vì đa số người Sikh ở bang này luôn bác bỏ quan điểm chính trị của BJP. Nhìn chung, phần lớn Ấn Độ vẫn nằm trong tầm kiểm soát của BJP.

    Lạm phát Mỹ có thể tăng vì lệnh cấm nhập dầu Nga

    Khi tuyên bố cấm nhập khẩu dầu của Nga, tổng thống Joe Biden đã thừa nhận giá dầu sẽ tăng. Hiện giá đã cao từ trước. Giá xăng dầu danh nghĩa đang ở mức cao kỷ lục, trung bình 4,17 USD một gallon, tăng hơn 20% trong một tháng qua. Lệnh cấm sẽ còn đẩy giá lên cao hơn nữa.

    Kết quả là lạm phát tăng. Dữ liệu công bố vào thứ Năm dự kiến cho thấy chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 7,9% trong năm tính đến tháng 2, và các nhà kinh tế dự đoán lạm phát sẽ đạt 8% trong tháng 3 trước khi hạ nhiệt vào tháng 4. Tin tốt là ngoài dầu, giá cả ở Mỹ phần lớn không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng Ukraine.

    Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã hứa sẽ “có các bước đi thận trọng” trước những bất ổn gần đây. Ngân hàng trung ương có kế hoạch tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào ngày 16 tháng 3, với một vài đợt nữa trước khi hết năm.

    Chữ “Z” trở thành biểu tượng ủng hộ chiến tranh ở Nga

    Chữ cái cuối cùng của bảng chữ cái Latin đã trở thành biểu tượng ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Một số giả thuyết cho rằng chữ “Z” được khắc trên hông xe tăng Nga là viết tắt của “zapad” (“phía tây” trong tiếng Nga) hoặc là tên của tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky. Song các nhà phân tích quân sự cho rằng chữ “Z” giúp Nga phân biệt quân của mình với quân của Ukraine.

    Bộ máy tuyên truyền của đất nước đã biến “Z” thành biểu trưng không chính thức cho cuộc chiến. Mạng truyền hình Nga RT rao bán áo phông in hình chữ “Z”. Và vào ngày 5 tháng 3, một vận động viên thể dục dụng cụ Nga đã gắn biểu tượng này trên áo khi đứng cạnh một người Ukraine tại cuộc thi ở Qatar. Một nhà tế bần trẻ em thậm chí xếp các bệnh nhân theo hình chữ Z để chụp ảnh.

    Trước đây biểu tượng này chưa từng gắn liền với chế độ của Vladimir Putin. Các quan chức đã mượn nó để thể hiện lòng trung thành với nhà lãnh đạo, và nó ngày càng được sử dụng để đe dọa những người chống lại ông.

    Tình báo Mỹ phân tích chi phí “tiền máu” tăng từng ngày của Putin

    Lê Tây Sơn

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-1239035941-1280x853.jpg

    Giới chức tình báo và an ninh Hoa Kỳ tường trình trước Ủy ban Tình báo Hạ viện – trái sang: Giám đốc FBI Christopher Wray, Giám đốc NSA Paul Nakasone, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Avril Haines, Giám đốc CIA William Burns và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân đội Scott Berrier; Washington DC, ngày 8 Tháng Ba 2022 (ảnh: Kent Nishimura/Los Angeles Times via Getty Images) 

    Cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin xem cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine là “cuộc chiến không thể thua”, vì vậy, khả năng ông ta leo thang xâm lược mà không quan tâm đến sinh mạng dân thường là điều sẽ xảy ra.

    Điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện ngày 8 Tháng Ba, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (Director of National Intelligence), bà Avril Haines cho biết tình báo Mỹ đánh giá Putin là kẻ “khó có thể bị nản lòng trước những thất bại mà quân đội Nga đang phải đối mặt ở Ukraine”. Nhận xét này là có cơ sở. Nhiều dấu hiệu cho thấy ông ta đang tăng gấp đôi qui mô “chiến dịch quân sự đặc biệt” để ngăn Ukraine gia nhập NATO.

    Giám đốc CIA William Burns nói: “Putin đã phát động cuộc xâm lược với quyết tâm thống trị và kiểm soát Ukraine dựa trên loạt giả định là chắc chắn sẽ thành công do sức đối kháng của Ukraine yếu; các đồng minh châu Âu như Pháp và Đức “không thích rủi ro”; được Trung Quốc “bảo đảm các biện pháp trừng phạt không thể gây tổn thương cho nền kinh tế Nga”; và quan trọng hơn là quân đội của ông ta đủ sức mạnh để giành chiến thắng nhanh chóng với chi phí tối thiểu. Dĩ nhiên, Putin đã sai và cái sai được chứng minh trong thực tế!”.

    Cộng đồng tình báo đã ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện để trình bày các nguy hiểm về an ninh toàn cầu trong năm 2022, trong đó tập trung vào động cơ dẫn đến cuộc xâm lược đẫm máu của Nga vào Ukraine và tác động của các lệnh trừng phạt sâu rộng do Mỹ và phương Tây đưa ra. Cuộc điều trần năm nay được xem là đánh giá công khai nhất quan điểm của Mỹ về cuộc chiến tồi tệ do Putin gây ra ở quốc gia láng giềng Ukraine. Giám đốc CIA Burns nói trước Ủy ban: “Cuộc xâm lược là quyết định thuần tuý cá nhân của Putin được hình thành bằng sự kết hợp giữa tham vọng và sự nuối tiếc về một nước Nga cũ trong nhiều năm qua”.

    Trung tướng Scott Berrier, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng (Defense Intelligence Agency) cho biết: “Cộng đồng tình báo ước tính với độ tin cậy thấp đã có khoảng 2,000 đến 4,000 quân Nga thiệt mạng ở Ukraine kể từ khi Moscow tiến hành cuộc xâm lược vào tuần cuối Tháng Hai”. Tuần trước, Haines nói với các nhà lập pháp: “Việc Putin nâng cao tình trạng sẵn sàng cho các lực lượng hạt nhân là rất bất thường”, và “chúng tôi nghĩ rằng ông ấy chỉ muốn phát đi một thông điệp và hy vọng nó có hiệu quả trong việc ngăn cản NATO can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine. Đó là mục đích chính của lệnh này”. Haines cũng cho biết thêm, trong thông báo đặt các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga trong tình trạng cảnh báo đặc biệt không có thuật ngữ kỹ thuật nào liên quan đến chiến tranh hạt nhân như người ta biết về hệ thống của họ.

    Hiện cộng đồng tình báo Mỹ vẫn tin rằng Putin không hề muốn xung đột trực tiếp với Mỹ. Đây cũng là đánh giá về các mối đe dọa tiềm tàng hàng năm cho an ninh Mỹ do Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (Office of the Director of National Intelligence) công bố vào ngày 8 Tháng Ba. Đánh giá được biên soạn từ Tháng Một 2022 nêu rõ: “Moscow đang tìm kiếm sự đồng thuận với Mỹ trên cơ sở không can thiệp vào các vấn đề đối nội của nhau và Mỹ thừa nhận ảnh hưởng của Nga tại các nước Liên Xô cũ”.

    Theo báo cáo, Moscow xem năng lực hạt nhân của mình là “cần thiết để duy trì khả năng răn đe và đạt được các mục tiêu trong một cuộc xung đột tiềm tàng” trước Mỹ và NATO, đồng thời xem khả năng răn đe bằng vũ khí hạt nhân là “bảo đảm cuối cùng cho vị thế của Liên bang Nga”.

    Ban đầu Nga đánh giá thấp sức mạnh kháng cự của Ukraine nhưng nay đã có sự điều chỉnh. Chính vì thế mà các mục tiêu quân sự cuối cùng của Moscow vẫn chưa rõ ràng, trong đó có câu hỏi: Liệu Nga có tiếp tục theo đuổi kế hoạch qui mô lớn chiếm toàn bộ hoặc phần lớn lãnh thổ Ukraine hay không, khi nó cần nhiều nguồn lực hơn dù quân đội Nga đã linh hoạt hơn trong chiến thuật và cách tấn công để đạt được các mục tiêu. Thực tế chiến trường cho thấy quân Nga bắt đầu hoạt động hết sức liều lĩnh, coi thường sinh mạng dân thường. Các đơn vị Nga tấn công bằng pháo đa nòng và không kích bừa bãi vào các khu dân cư.

    Giám đốc CIA Burns dự đoán vài tuần tới sẽ rất tệ hại với nhiều thương vong dân thường, nếu Moscow bế tắc vì không thể thành lập một chế độ bù nhìn hoặc ban lãnh đạo lâm thời thân Nga trước sự kháng cự kiên cường của quân dân Ukraine. Dân biểu Dân chủ Adam Schiff của tiểu bang California, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện nói với các phóng viên sau phiên điều trần: “Putin đã tính toán sai nghiêm trọng và đang phải đối mặt với một Ukraine hoàn toàn khác với sự tưởng tượng của ông ta. Thực tế này khiến ông ta trở nên tàn bạo”.

    Trong một chiến dịch quân sự mở rộng và kéo dài, lãnh đạo Nga sẽ phải đánh giá lại các mục tiêu của mình, trong tình hình phong trào phản đối cuộc xâm lược tiếp tục tăng trên toàn thế giới và các lệnh trừng phạt do Mỹ và NATO áp đặt bắt đầu phát huy tác dụng. Cuộc khủng hoảng kinh tế mà Nga đang trải qua cũng sẽ trầm trọng hơn do chia rẽ chính trị bên trong nước Nga về quyết định xâm lược mang tính cá nhân của Putin.

    Để chiến thắng, Putin sẽ phải chấp nhận chi phí “tiền máu” tăng từng ngày, đến mức vượt quá sức chịu đựng của cả nền kinh tế lẫn người dân Nga. Bài học này Mỹ đã rút ra được trong quá khứ. Khi nhuệ khí chiến trường giảm, không biết bao giờ mới chiến thắng và nền kinh tế rơi xuống đáy, phản ứng tiêu cực của người dân Nga là điều chắc chắn xảy ra. Và không nhà độc tài nào có thể trụ được trước làn sóng phản đối mạnh mẽ như thế.


    Không có nhận xét nào