Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 16 tháng 3 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Đệ nhất phu nhân Ukraine gửi thông điệp tới thế giới

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/03/ba-zelensky.jpg

    Bà Olena Zelenska 

    Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska hôm Chủ Nhật vừa qua thông qua ABC News đã gửi thông điệp tới thế giới, đặc biệt là nước Mỹ.

    Bà Zelenska đã không thể gặp trực tiếp hoặc nói chuyện qua điện thoại với ABC News vì những lo ngại về an ninh, nhưng bà viết: “Tôi đoán thông điệp của tôi rất giống với thông điệp của toàn thế giới. Chỉ hai từ đơn giản: Dừng chiến”.

    Bà Zelenska nói với ABC News: “Như tất cả phụ nữ tại Ukraine, bây giờ tôi lo lắng cho chồng mình”.

    Bà Zelenska lấy ông Volodymyr Zelensky từ 18 năm trước. Bà viết: “Mỗi buổi sáng trước khi gọi cho ông ấy, tôi cầu nguyện mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Tôi cũng biết ông mạnh mẽ và cam chịu thế nào. Ông có thể chịu đựng mọi thứ, đặc biệt khi ông bảo vệ người dân và những gì ông yêu mến”.

    Bà Zelenska nói về Tổng thống Nga Vladimir Putin và những người ủng hộ ông ta tại Điện Kremlin, thảo luận về việc “liệu ông Putin và những người ủng hộ ông có cảm xúc con người bình thường và chân thành”.

    “Tự vấn bản thân những câu hỏi này và bạn sẽ hiểu sự khác biệt của các quan điểm đối với chiến tranh”, bà Zelenska viết.

    “Hôm nay, đất nước và người dân chúng tôi phải trả giá rất đắt vì sự im lặng và lưỡng lự liên quan đến vấn đề này. Hôm qua, những người phải trả giá rất đắt là những phụ nữ và trẻ em vô tội tại bệnh viện phụ sản ở Mariupol. Chúng tôi đã mất hơn 71 trẻ em bởi vì cuộc chiến tranh do Nga gây ra, đó là nạn diệt chủng người dân Ukraine”, bà Zelenska viết cho ABC News.

    Bà Zelenska viết thêm: “Hơn nữa, hàng triệu người đang hứng chịu đau thương tại Mariupol, Kharkiv, Irpin, Sumy và các thành phố khác. Họ không có nước sạch, thực phẩm và thuốc. Những người lính Nga đang ngăn chặn hoạt động viện trợ nhân đạo. Chúng ta cần ngăn chặn hành vi đó. Khi nói ‘chúng ta’, ý tôi là toàn thế giới”.

    Bà Zelenska đã kêu gọi “người dân Mỹ, châu Âu và toàn thế giới” hãy buộc các vị lãnh đạo của nước họ phải chịu trách nhiệm vì “hàng thế kỷ qua chỉ im lặng quan sát”.

    “Các vị lãnh đạo đã đánh mất cơ hội được tôn trọng. Nhưng các bạn thì chưa đánh mất điều đó!”, bà Zelenska viết. “Hôm nay, những quyết định sống còn được đưa ra tại những văn phòng của nhân dân, bởi những người CÁC BẠN đã bầu họ làm lãnh đạo đất nước mình. Chính CÁC BẠN là người đã trao và giữ quyền hành động theo nguyện vọng của mình. Và khi họ không hành động, thì họ sẽ khiến con cháu các bạn chết – chính CÁC BẠN là người trao cho họ quyền này”.

    “Mỗi ngày của cuộc chiến đấu của chúng tôi làm gia tăng cái giá mà Ukraine phải trả cho sự đảm bảo những giá trị này”, bà Zelenska viết. “Chắc chắn, trong cuộc chiến của cả đất nước, chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn và rắn rỏi hơn. Tôi mong muốn các chế tài mà Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt lên Nga cũng đạt được điều tương tự: mạnh mẽ hơn và cứng rắn hơn”.

    “Chúng tôi yêu cầu NATO hãy đóng cửa bầu trời của chúng tôi theo nguyện vọng của tất cả người dân Ukraine, hoặt ít nhất NATO hãy cung cấp cho chúng tôi máy bay quân sự để chúng tôi có thể tự bảo vệ bầu trời của mình”, bà Zelenska viết.

    Bà Zelenska cũng bày tỏ một thông điệp đặc biệt tới phụ nữ Ukrainie, bà viết: “Các bạn đang giữ mạng sống trong các hầm ngầm tránh bom, an ủi bọn trẻ bằng những bài hát ru, trong khi máy bay Nga tiếp tục quần thảo các thành phố Ukraine yên bình”. Bà cũng viết thêm rằng: “Tôi ngưỡng mộ sức mạnh của các bạn. Sức mạnh đó trở nên rắn rỏi hơn cả búa thép”.

    Đệ nhất phu nhân Ukraine cũng nhấn mạnh phụ nữ tại Mỹ hãy giúp đất nước bà. “Tôi kêu gọi các bạn, những người phụ nữ tại Mỹ, và yêu cầu các bạn hãy giúp đỡ phụ nữ và trẻ em Ukraine đã chạy trốn chiến tranh và đang tìm nơi trú ẩn trong đất nước các bạn” bà Zelenska viết. “Những ngày này, khi chúng tôi đang chiến đấu dũng cảm vì tự do cho Ukraine, cho châu Âu và cho toàn thế giới, thì mọi hành động tốt đẹp và nhân văn là rất quan trọng”.

    Như Ngọc (Theo Daily Wire)


    Thủ tướng 3 nước EU: Ba Lan, CH Séc và Slovenia đã tới thăm Kiev bất chấp giao tranh dữ dội

    VNTB – Thủ tướng 3 nước EU: Ba Lan, CH Séc và Slovenia đã tới thăm Kiev bất chấp giao tranh dữ dội

    Hiếu Bá Linh (Tổng hợp)

     “Chuyến thăm của quý vị tới Kyiv vào thời điểm khó khăn này là một bằng chứng hùng hồn về sự ủng hộ mà chúng tôi đánh giá rất cao”. – Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky

     https://twitter.com/i/status/1503834223848869902

    Chuyến đi này đã được lên kế hoạch trong nhiều ngày, nhưng lộ trình là tuyệt mật: một phái đoàn từ ba nước EU đã đi qua Ukraine bằng tàu hỏa. Tối ngày 15/3 phái đoàn đã đến Kyiv – trong lúc thủ đô Ukraine vẫn đang bị Nga nỗ lực tấn công.

    Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, phát biểu trong cuộc tiếp đón dưới sự chứng kiến của nhiều phóng viên báo chí quốc tế: “Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Phó Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski, Thủ tướng Cộng hòa Séc Piotr Fiala và Thủ tướng Slovenia Janez Jansa, chuyến thăm của quý vị tới Kyiv vào thời điểm khó khăn này là một bằng chứng hùng hồn về sự ủng hộ mà chúng tôi đánh giá rất cao“.

    Quyết định cho chuyến thăm này đã được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh của các nguyên thủ quốc gia và chính phủ EU ở Versailles, Pháp, vào thứ Sáu tuần rồi. Chuyến thăm được phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch Hội đồng EU, ông Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban EU, bà Ursula von der Leyen. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và chính phủ Mỹ cũng đã được thông báo về chuyến đi này.

    Chính phủ Warsaw trước đó đã thông báo, chuyến thăm này nhằm đảm bảo với Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyj và Thủ tướng Denys Schmyhal về sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU) đối với Ukraine. 

    Tại Kyiv, bốn chính trị gia không chỉ muốn nói chuyện với Tổng thống Zelensky mà còn với Thủ tướng Ukraine, ông Denys Shmyhal. Phái đoàn sẽ trình bày một gói hỗ trợ rộng rãi cho Ukraine.

    Thủ tướng Ukraine Denys Schmyhal ca ngợi chuyến đi của các đồng nghiệp. “Sự dũng cảm của những người bạn thực sự của Ukraine“, Schmyhal viết trên Twitter. Việc ủng hộ Ukraine và thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt chống lại Nga sẽ được thảo luận trong cuộc nói chuyện.

    Thủ tướng CH Séc Fiala cũng nói: “Mục đích của chuyến thăm là để nhắc lại sự ủng hộ rõ ràng của toàn thể Liên minh châu Âu đối với chủ quyền và độc lập của Ukraine“.

    Cánh phía đông của EU thúc giục cánh phía tây hỗ trợ Ukraine nhiều hơn

     

    Người phát ngôn chính phủ Ba Lan cho biết, đây là một chuyến đi đầy rủi ro, các chuyên gia quân sự đã phân tích kỹ lưỡng tình hình an ninh và kết luận rằng “chuyến thăm này cần phải diễn ra“.  Nó được coi là một biểu tượng mạnh mẽ của sự hỗ trợ.

    Các nhà khoa học chính trị tại Cộng hòa Séc đánh giá chuyến đi là một tín hiệu quan trọng.  Cho đến nay, Paris và Berlin là những tiếng nói quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của EU, Petr Bohacek từ tổ chức nghiên cứu AMO của Praha nói với hãng tin CTK.  Tuy nhiên, trong một thời gian dài, họ đã quá khoan dung và dễ chịu đối với Nga.  

    Josef Mlejnek thuộc Đại học Charles ở Praha cho biết: “Cánh phía đông của EU nên thúc giục cánh phía tây hỗ trợ Ukraine nhiều hơn, bao gồm cả hỗ trợ quân sự“.  Theo đánh giá của ông, một chiến thắng đối với Tổng thống Nga Putin sẽ để lại những hậu quả không thể lường trước được.

    _____________

    Tham khảo:

    https://www.spiegel.de/ausland/ukraine-krieg-regierungschefs-von-polen-tschechien-und-slowenien-erreichen-kiew-a-e4cf2959-ce9d-4fcc-b209-fb02cdd11e09

    https://www.welt.de/politik/ausland/article237563161/Regierungschefs-von-Polen-Tschechien-und-Slowenien-mit-Zug-nach-Kiew-gereist.html 

    Cuộc chiến Ukraine gây chia rẽ Chính thống giáo, khiến Thượng phụ Nga bị cô lập 

    16/3/2022 

    Reuters 

    Đức Thượng phụ Nga Kirill trong một buổi lễ ở Điện Kremlin

    Đức Thượng phụ Nga Kirill trong một buổi lễ ở Điện Kremlin  

    Sự hậu thuẫn hoàn toàn của Đức Thượng phụ Nga Kirill cho hành động xâm lược Ukraine đã chia rẽ Giáo hội Chính thống giáo trên toàn thế giới và khơi mào cuộc nổi loạn nội bộ mà các chuyên gia cho là chưa từng thấy.

    Đức Thượng phụ Kirill, 75 tuổi, đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, xem cuộc chiến này là tường thành trước phương Tây mà Ngài xem là suy đồi, nhất là do phương Tây chấp nhận đồng tính luyến ái.

    Ngài và ông Putin có chung tầm nhìn về ‘Russkiy Mir’, hay ‘Thế giới Nga’ vốn liên kết sự thống nhất tâm linh với việc mở rộng lãnh thổ nhắm vào nước thuộc Liên Xô cũ.

    Điều mà Putin coi là sự khôi phục chính trị, Đức Thượng phụ Kirill coi là cuộc thập tự chinh.

    Nhưng Ngài đã khơi mào phản ứng dữ dội ở trong nước cũng như ở các Giáo hội nước ngoài có liên hệ với Tòa Thượng phụ Moscow.

    Tại Nga, gần 300 thành viên Chính thống giáo của nhóm các Linh mục Nga vì Hòa bình đã ký một thư ngỏ lên án ‘các mệnh lệnh giết người’ được thực thi ở Ukraine.

    Trong số 260 triệu tín hữu Chính thống giáo trên thế giới, khoảng 100 triệu đang ở Nga và những tín hữu nước ngoài gắn kết với Moscow. Nhưng chiến tranh đã làm căng thẳng mối quan hệ.

    “Kirill chỉ đơn giản làm mất uy tín Giáo hội,” Mục sư Taras Khomych, giảng viên cao cấp về thần học tại Đại học Liverpool Hope và là thành viên của Giáo hội Công giáo Byzantine của Ukraine, cho biết. “Nhiều người muốn lên tiếng ở Nga nhưng sợ hãi,” ông nói với Reuters.

    Ukraine có khoảng 30 triệu tín đồ Chính thống giáo. Họ thuộc Giáo hội Chính thống Ukraine dưới Tòa thượng phụ Moscow (UOC-MP) và hai Giáo hội Chính thống giáo khác, một trong số đó là Giáo hội Chính thống giáo Ukraina độc lập.

    Ukraine có ý nghĩa không thể tách rời đối với Giáo hội Chính thống Nga vì nó được coi là cái nôi của nền văn minh Rus, một thực thể thời trung cổ, nơi vào thế kỷ thứ 10, các nhà truyền giáo Chính thống giáo Byzantine đã cải đạo Hoàng thân Volodymyr.

    Tổng Giám mục Kiev Onufry Berezovsky của UOC-MP đã kêu gọi Putin ‘chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến huynh đệ tương tàn’, và một tổng giám mục khác của UOC-MP, ông Evology ở thành phố Sumy miền đông, đã yêu cầu các linh mục dưới quyền ngừng cầu nguyện cho Kirill.

    Đức Thượng phụ Kirill, vốn tuyên bố Ukraine là một phần không thể chia cắt trong thẩm quyền tâm linh của Ngài, đã cắt đứt quan hệ với Bartholomew, Đức Thượng phụ Đại kết ở Istanbul, người đóng vai trò là người đứng đầu trong các thượng phụ ngang hàng trong thế giới Chính thống giáo và ủng hộ quyền tự trị của Giáo hội Chính thống giáo Ukraine.

    “Một số Giáo hội rất tức giận với Kirill về lập trường của ông ấy về chiến tranh đến nỗi chúng ta đang phải đối mặt với biến động trong thế giới Chính thống giáo,” Tamara Grdzelidze, giáo sư nghiên cứu tôn giáo tại Đại học bang Ilia ở Georgia và là cựu đại sứ Gruzia tại Vatican, nói với Reuters.

    Trong một tuyên bố chung, các nhà thần học Chính thống giáo từ các tổ chức bao gồm Trung tâm Nghiên cứu Chính thống của Đại học Fordham ở New York và Học viện Nghiên cứu Thần học Volos ở Hy Lạp đã lên án các nhà lãnh đạo Giáo hội ‘hướng dẫn tín đồ của họ cầu nguyện theo cách khuyến khích thù địch’.

    Lập trường của Đức Thượng phụ Kirill cũng dẫn đến khoảng cách giữa Giáo hội Chính thống Nga và các Giáo hội Thiên chúa giáo khác.

    Quyền Tổng thư ký Hội đồng Giáo hội Thế giới (WCC), Mục sư Ian Sauca, đã viết thư cho Đức Thượng phụ Kirill yêu cầu Ngài ‘can thiệp và hòa giải với chính quyền để ngăn chặn cuộc chiến này’.

    Đức Thượng phụ Kirill trả lời rằng ‘các lực lượng công khai coi Nga là kẻ thù đã đến gần biên giới Nga’ và phương Tây đã thi hành ‘chiến lược địa chính trị quy mô lớn’ để làm suy yếu Nga.

    Lập trường ủng hộ Putin của Đức Thượng phụ Kirill cũng làm đảo lộn mối quan hệ với Vatican.

    Năm 2016, Đức Giáo hoàng Francis trở thành giáo hoàng Thiên chúa giáo La Mã đầu tiên gặp một lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga kể từ cuộc đại ly giáo vào năm 1054.

    Cuộc gặp thứ hai mà cả Đức Giáo hoàng Francis và Đức Thượng phụ Kirill cho biết họ muốn tổ chức trong năm nay là gần như không thể, các chuyên gia cho biết.

    Sự trỗi dậy của một chính sách “ngăn chặn” mới

    Cuộc xâm lược Ukraine đã làm tan vỡ những nỗ lực gần đây của phương Tây nhằm “cài đặt lại” quan hệ với Nga. Thay vào đó, các quan chức và chuyên gia đang xem xét lại chính sách “ngăn chặn” (containment), vốn do George Kennan, một nhà ngoại giao Mỹ trước đây đề ra, với mục tiêu đánh bại Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh mà không cần động binh. Lập luận rằng Nga sẽ chỉ phản ứng theo “logic và luận điệu” của quyền lực, Kennan nói phải áp dụng một “lực đối trọng không thể đánh bại” để đối phó với Nga.

    Một chính sách như vậy sẽ hoạt động như thế nào trong giai đoạn hiện nay? Nhiều học giả cho rằng Mỹ phải tăng chi tiêu quốc phòng. Ukraine nên được cung cấp vũ khí để tiêu hao ý chí và nguồn lực của Nga. Các biện pháp trừng phạt phải mạnh mẽ, trong khi tăng cường liên minh của Mỹ ở Châu Âu và Thái Bình Dương. Đối với những người lo ngại sự kiện Ukraine làm phân tâm khỏi Trung Quốc, các quan chức chính quyền Biden nói việc Nga suy yếu kết hợp với hệ thống đồng minh châu Âu vững mạnh rồi cũng sẽ “mang lại kết quả tốt đẹp” ở châu Á.

    Các hãng thời trang đồng loạt ngừng kinh doanh ở Nga 

    Kết quả năm 2021 tốt đẹp của Inditex sẽ được công bố ​​vào thứ Tư. Nhà bán lẻ thời trang nhanh lớn nhất thế giới, với chuỗi Zara, được hưởng lợi từ việc “mua sắm trả thù” khi người tiêu dùng đẩy mạnh chi tiêu hậu covid-19.

    Nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã khiến công ty Tây Ban Nha, giống như nhiều hãng khác, phải suy nghĩ lại về hoạt động kinh doanh của mình ở Nga – nơi chiếm 8,5% lợi nhuận trước lãi vay và thuế, và là nơi họ thuê 9.000 lao động. Đến nay họ đã đóng cửa 502 cửa hàng và ngừng bán hàng trực tuyến ở Nga. Đối thủ lớn của Inditex, H&M của Thuỵ Điển, cũng tạm thời ngừng kinh doanh ở Nga, tương tự như Levi’s của Mỹ và các nhà sản xuất quần áo thể thao Adidas, Nike và Puma. Động thái này có thể gây ra chi phí dài hạn lẫn ngắn hạn, nếu khách hàng Nga cho rằng họ, chứ không phải chính phủ Nga, đang bị phương Tây trừng phạt.

    “Khoảng khắc Falklands” của Boris Johnson

    Một số nghị sĩ đảng Bảo thủ cho rằng cuộc chiến ở Ukraine mang đến cho thủ tướng Anh Boris Johnson một “khoảnh khắc Falklands” hiếm hoi. Cách nói này đề cập đến tỉ lệ ủng hộ Margaret Thatcher tăng vọt sau cuộc chiến với Argentina vào năm 1982. Đó chắc chắn là lời phóng đại, nhưng cuộc xung đột vẫn mang lại cho ông Johnson một số phao cứu sinh rất cần thiết.

    Chỉ mới hai tháng trước ông hoàn toàn có nguy cơ bị lật đổ sau vụ Partygate – scandal về một loạt các bữa tiệc vi phạm quy tắc Covid-19. Giờ đây nó đã hoàn toàn biến mất khỏi tâm trí của công luận. Tỷ lệ người Anh muốn ông từ chức đã giảm 10 điểm phần trăm kể từ tháng 1 xuống còn 53%, theo hãng thăm dò ý kiến Opinium, trong khi cách biệt giữa Công đảng với đảng Bảo thủ thu hẹp. Song nó có thể không kéo dài lâu, khi chiến tranh đẩy giá dầu và khí đốt tự nhiên lên cao, ngay trước thềm việc tăng thuế vào tháng 4. Chi tiêu hộ gia đình eo hẹp sẽ gây nhiều khó khăn cho ông Johnson.

    Fed đang họp bàn về lãi suất

    Cục Dự trữ Liên bang chắc chắn sẽ tăng lãi suất vào thứ Tư, lần đầu tiên kể từ năm 2018. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp thường kỳ của uỷ ban nghiệp vụ thị trường mở sẽ khởi động một chu kỳ thắt chặt mới nhằm kiềm chế lạm phát, vốn đang ở mức cao nhất bốn thập niên qua.

    Sẽ không có nhiều bất ngờ: giá cả thị trường đều đang đặt xác suất hơn 99% là Fed sẽ tăng lãi suất 0,25%. Do đó, thị trường sẽ tập trung vào tuyên bố sau cuộc họp của chủ tịch Jerome Powell. Họ muốn tìm các manh mối về thời gian và tốc độ Fed rút ngắn các khoản mua trái phiếu khổng lồ trong thời kỳ đại dịch. Họ cũng muốn nghe quan điểm của ông Powell về ảnh hưởng của việc Nga xâm lược Ukraine đối với chính sách tiền tệ. Giá dầu tăng cao dẫn đến lạm phát, trong khi bất ổn tài chính làm tổn hại triển vọng kinh tế. Sẽ rất khó để Fed điều chỉnh giá cả mà không làm suy yếu tăng trưởng.


    Không có nhận xét nào