Header Ads

  • Breaking News

    Đào Tăng Dực - Macron, Le Pen, Putin và vị trí đảng CSVN trong quang phổ chính trị


    Cuộc bầu cử tổng thống Pháp ngày 24 tháng 4 vừa qua kết thúc, đem lại chiến thắng cho TT Emmanuel Macron với khoảng 58,2% số phiếu vòng 2 và Marine Le Pen với khoảng 41,8%. Ông Macron được giới bình luận chính trị nhận xét là có khuynh hướng trung hòa, chủ trương:

    1. Củng cố cho khối NATO;

    2. Giúp cho Ukraine chống lại LB Nga;

    3. Một nước Pháp đa văn hóa và đa chủng tộc và,

    4. Giữ Pháp như một thành phần cấu trúc lãnh đạo cho Liên Hiệp Âu Châu.

    Bà Le Pen được giới bình luận chính trị nhận xét là có khuynh hướng cực hữu, chủ trương:

    1. Pháp rút ra khỏi NATO;

    2. Đến gần với LB Nga và hòa giải với LB này;

    3. Giới hạn hoặc chấm dứt di dân vào Pháp và,

    4. Giảm thiểu vai trò của Pháp trong Liên Hiệp Âu Châu. Ông Macron tố cáo bà muốn rút nước Pháp ra khỏi Liên Hiệp này và bà đã chối bỏ cáo buộc đó trong cuộc tranh luận tiền bầu cử.

    Trên bình diện chính trị học, nếu chúng ta định vị chủ trương của các chế độ chính trị khác nhau trên thế giới, trong phạm vi một quang phổ chính trị (political spectrum) thì chúng ta sẽ hình dung các điểm mốc chính như sau:

    a. Đầu bên trái là các đảng phái cực tả (như các đảng cộng sản),

    b. Đầu bên phải là các đảng phái cực hữu (như các đảng phát xít và quốc xã) và

    c. Ngay chính giữa là các đảng phái trung hòa giữa 2 cực (như đảng La France En Marche của TT Macron và nhiều chính đảng khác trên thế giới tự do).

    d. Các chính đảng khuynh tả (nhưng không phải cực tả) tại Pháp như đảng Xã Hội Pháp được định vị giữa điểm cực tả và trung hòa.

    e. Các chính đảng khuynh hữu Pháp như Liên Hiệp cho một Phong Trào Quần Chúng (Union pour un Movement Populaire hay UMP) gọi tắc là người Cộng Hòa (Les Republicains) được định vị giữa điểm cực hữu và trung hòa.

    f. Đảng của bà Marine Le Pen là Rassemblement National (National Rally) được gọi là cực hữu và sẽ định vị rất gần cực điểm của hữu khuynh trên quang phổ chính trị.

    g. Các chính đảng tại Hoa Kỳ (hữu khuynh như Cộng Hòa và tả khuynh như Dân Chủ), Tại Vương Quốc Thống Nhất Anh (hữu khuynh như Bảo thủ và tả khuynh như Lao Động) hoặc tại Úc (hữu khuynh như Tự Do và tả khuynh Lao Động) đều có thể được định vị trên quang phổ chính trị này tùy theo chủ trương và đường lối của mỗi chính đảng.

    Một các tổng quát, trên bình diện chính trị học, “khuynh tả” chủ trương tái phân phối của cải (wealth redistribution) hầu tạo ra sự bình đẳng xã hội và “khuynh hữu” chủ trương sáng tạo thêm của cải (wealth creation). Tiến trình sáng tạo của cải này có khuynh hướng đưa đến sự tập trung tài nguyên vào tay một số cá nhân hay tập thể và tạo ra nhiều bất bình đẳng xã hội.

    Thông thường tại các quốc gia dân chủ, các chính đảng ít khi chủ trương cực tả hay cực hữu mà yếu tố trung hòa (qua thuế lũy tiến hoặc hệ thống y tế hoàn vũ hoặc trợ cấp xã hội) thường giúp các chính đảng được lòng dân và đắc cử như trường hợp TT Macron vừa qua tại Pháp.

    Các câu hỏi đặt ra là:

    1. Tại sao Marine Le Pen (cực hữu) lại gần gũi và ủng hộ Vlademir Putin, trên nguyên tắc phát xuất từ Liên Xô và thừa hưởng di sản cực tả của Liên Xô?

    2. Tại sao đảng CSVN lại công khai đứng về phía Putin cùng với CSTQ và CS Bắc Hàn? Có phải vì họ đều có khuynh hướng cực tả hay không?

    Muốn trả lời các câu hỏi trên chúng ta phải hiểu rõ chủ trương của các đảng phái cực tả (như các đảng cộng sản) hoặc chủ trương của các đảng phái cực hữu (như các đảng Phát Xít hoặc Quốc Xã). Một cách vắn tắt, những nét chính của cực tả và cực hữu là như sau:

    1. Cực Tả: Độc tài Cộng Sản (Communist dictatorship)

    a. Xuất phát từ Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (The Third International hay Comintern)

    b. Theo chủ nghĩa Mác Lê (Marxism-Leninism)

    c. Độc đảng

    d. Tiêu diệt mọi đối lập

    e. Kiểm soát xã hội dân sự (Civil society)

    f. Kiểm soát kinh tế

    g. Kiểm soát nhà nước (the state, government)

    2. Cực Hữu: Độc tài Phát Xít (độc tài cá nhân trị-Fascism)

    a. Độc tài

    b. Đàn áp hoặc tiêu diệt đối lập

    c. Kiểm soát xã hội dân sự

    c. Kiểm soát nhà nước (the state- government)

    d. Kiểm soát kinh tế

    3. Cực Hữu: Chủ nghĩa quốc xã (Nazism tức National Socialism)

    a. Một hình thức Phát xít và thêm vào những yếu tố khác như tiếp theo

    b. Kỳ thị Do Thái (antisemitism)

    c. Kỳ thị chủng tộc (da trắng thượng đẳng) (white supremacy)

    d. Thanh lọc chủng tộc (Eugenics)

    Sau khi phân tách các yếu tố cấu tạo như trên, chúng ta nhận xét ngay rằng, nếu loại trừ 2 yếu tố (a) Xuất phát từ Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (The Third International hay Comintern) (b) Theo chủ nghĩa Mác Lê (Marxism-Leninism) thì các chế độ cộng sản lập tức trở thành các chế độ Phát Xít và nếu như thêm vào yếu tố chủng tộc hoặc quốc gia cực đoan (như LB Nga và CSTQ) thì sẽ không khác gì chế độ quốc xã của Hitler cả.

    Khi loại ra các yếu tố (a) và (b) nêu trên, NHƯNG VẪN GIỮ CÁC YẾU TỐ KHÁC TỪ (c) ĐẾN (g) thì các đảng CS không còn đeo đuổi chủ trương tái phân phối của cải hầu đem lại công bằng xã hội nữa và định vị của họ trên quang phổ chính trị phải đổi trục từ cực tả sang cực hữu và đứng chung hàng ngũ với các đảng phái Phát Xít và Quốc Xã.

    Điều này cũng giải thích tại sao đảng CSVN lại ủng hộ không những cho CSTQ và Bắc Hàn, mà ủng hộ luôn cho nhà độc tài Putin. Lý do là vì, từ khi Liên Bang Xô Viết cáo chung, trừ những năm cải tổ dân chủ dưới quyền Boris Yelsin, Putin đã biến LB Nga trở thành một chế độ Phát Xít công an trị, cai trị bỡi một guồng máy mật vụ khổng lồ và những tay chân tài phiệt (oligarchs) hút máu nhân dân, làm giàu phi pháp cho họ và cho cá nhân Putin.

    Từ lâu lý tưởng tái phân phối của cải và bình đẳng xã hội đã cáo chung trong tâm thức của Putin và bè lũ.

    Một hiện tượng tương tự cũng xảy ra tại Trung Quốc và Việt Nam với những cải tổ kinh tế thị trường, đưa đến sự tập trung tư bản vào một số đảng viên hoặc tay chân của đảng và hố sâu giữa người dân và các tay tư bản đỏ còn tệ hại gấp trăm lần tình trạng tại các quốc gia tư bản tây phương. Bắc Hàn tuy không có cải tổ kinh tế nhưng sự bất công xã hội giữa đảng viên như một giai cấp cai trị và nhân dân như một giai cấp bị trị còn tệ hại hơn nữa.
    Tóm lại từ lâu lý tưởng bình đẳng xã hội đã rời xa tâm thức của các đảng CS này, như đã xảy ra tại LB Nga vậy.

    Chính vì thế câu trả lời cho 2 vấn nạn nêu trên vô cùng rõ rệt và hợp lý:

    1. Tại sao Marine Le Pen (cực hữu) lại gần gũi và ủng hộ Vlamemir Putin, trên nguyên tắc phát xuất từ Liên Xô và thừa hưởng di sản cực tả của Liên Xô?

    Lý do là vì tự trong bản chất Marine Le Pen là cực hữu và Putin cũng là hiện thân của một mô hình nhà nước Phát Xít cực hữu, thâm chí còn bản chất Quốc Xã vì chủ trương quốc gia cực đoan Đại Nga nữa.

    2. Tại sao đảng CSVN lại công khai đứng về phía Putin cùng với CSTQ và CS Bắc Hàn? Có phải vì họ đều có khuynh hướng cực tả hay không?

    Lý do là vì sau khi buông bỏ lý tưởng bình đẳng xã hội, các đảng CS hiện nguyên hình là các đảng Phát Xít hoặc Quốc Xã cực hữu. Khi họ đứng chung với Putin, không phải vì Putin thừa hưởng di sản cực tả của LBXV, cũng không phải vì họ muốn thiết lập một sự thăng bằng địa chính trị quá thiên về tây phương, mà chính vì trong bản chất họ đồng thanh tương ứng với bản chất phát xít của chế độ độc tài cực hữu Phát Xít Putin.

    Không có nhận xét nào