Header Ads

  • Breaking News

    Chiến tranh Việt Nam : Chiến thắng Phượng Hoàng 1972

    Tháng 4 năm 2022

    Tháng 4 năm 1972, tại căn cứ Phượng  Hoàng ( Pedro) Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa đã đối trận với xe tăng T54 của Nga và T59 của Trung Cộng, cùng với  một Trung Đoàn tùng thiết quân chính quy Bắc Việt. Và ta đã thắng.

    Ngày tháng này 50 năm về trước, Miền Nam Việt Nam đã có một quân đội  hào hùng, can đảm, sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ nước Việt Nam Cộng Hòa . 

    Với sự chỉ huy tài tình của các cấp Chỉ Huy QLVNCH nói chung và TQLC nói riêng, các chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, không ngại tiếc thân, để chiến thắng ngay trận đầu tiên của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, tại  căn cứ  Phượng Hoàng.

    Ta  đã phải đối trận với xe tăng T-54 của Nga và T-59 của Trung cộng, cùng với  một Trung Đoàn tùng thiết quân chính quy Bắc Việt. Và ta đã thắng.

    Chiến thắng Phượng Hoàng

    1-Diễn tiến trận đánh tại Căn Cứ Phượng Hoàng 

    Ngày 30-3-1972. Cộng sản Bắc Việt xua ba Sư Đoàn quân chính quy ( 30.000  ) và những đơn vị yểm trợ của chúng vượt qua vùng Phi Quân Sự nhằm mục đích tiến đánh Quảng Trị. Số xe tăng T-54 lên  tới khoảng  200 chiếc.

    Căn Cứ Ái Tử nằm phía  tây thị xã Quảng Trị và cách khoảng năm cây số đường chim bay. Từ căn cứ này hướng về phía tây nam 8 cây số là căn cứ Phượng Hoàng ( Fire Support Base Pedro ). Đi xa hơn một chút nữa là thung lũng Ba Lòng.

    Sau khi Tiểu Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến thành công trong việc chặn bước tiến của quân Bắc Việt ở Đông Hà, Trung Tá  Ngô Văn Định đã điều động tiểu đoàn 3 dời về Ái Tử .

    Một tin tình báo cho biết rằng Bắc Việt sẽ tấn công với xe tăng từ hướng Tây vào căn cứ Phượng Hoàng. Nếu căn cứ này bị mất thì thị xã Quảng Trị sẽ bị lâm nguy.

    Chiều ngày 8/4 1972, Trung Tá  Ngô Văn Định, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến, hạ lệnh cho Tiểu Đoàn 6 di chuyển tới căn cứ này và cho chỉ thị về vị trí đóng quân và cách phối trí lực lượng: 

    Cánh A, do Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Đỗ Hữu Tùng, đóng trên một đồi cao phía Đông Bắc căn cứ. Cánh B do Tiểu Đoàn Phó là Đại Úy Nguyễn Văn Sử chỉ huy. Một Đại Đội vào bên trong căn cứ, và Đại Đội kia đóng cách căn cứ một cây số về hướng đông. Chỉ có một Trung Đội tức là trên dưới 30 người trấn ở phía Tây, lập một tiền đồn trên một đồi  nhỏ.

    Tới nơi các chiến sĩ Tiểu Đoàn 6 lập tức đào hầm hố chuẩn bị. Một bãi mìn chống chiến xa giữa Trung Đội tiền đồn và căn cứ được thiết lập.

    Đêm 8/4, chỉ có một nửa vầng trăng lờ mờ soi trong bầu trời lạnh. Các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến ôm súng chờ.

    Suốt đêm hôm đó căn cứ Phượng Hoàng bị pháo kích. Phần lớn là với đại bác 130 ly của Bắc Việt mới nhận được từ Liên Xô. Những khẩu đại bác này chúng đặt ở trong vùng Phi Quân Sự. Nòng của đại bác này dài, bắn ra những viên đạn nặng tới 74 lb và đi xa được tới 27 cây số. ( So sánh: đại bác 105 mm Howitzer của Mỹ cấp cho bên ta, bắn đạn nặng 35 lb, đi tới 11 cây số ).

    Tờ mờ sáng ngày 9-4-1972 các vị trí của Thủy Quân Lục Chiến bắt đầu bị tác xạ bởi đại bác 100mm và đại liên nữa, từ xe tăng T-54 của Bắc Việt. Hai chiếc T-54 đầu tiên xuất hiện từ hướng tây. Chỉ vài phút  sau, 7 chiếc nữa tiếp theo rồi cứ thế tăng lên thêm. Chúng di chuyển với tốc độ 15 miles một giờ.Tức là chỉ có  4 phút là đã tiến được 100 thước. 

    Trung Đội tiền đồn ở trong tình trạng rất lâm nguy. Vũ khí họ có trong tay là LAW ( Light anti-tank Weapon ) M72. Đây là loại súng chống chiến xa, có thể bắn tới tối đa là 300 m .

    Suốt đêm hôm trước Trung Tá Ngô Văn Định và Cố Vấn John Easley đã thảo ra kế hoạch yểm trợ  hỏa lực cho việc phòng thủ căn cứ Phượng Hoàng. Pháo binh của Thủy Quân Lục Chiến đã sẵn sàng.

    Xe tăng địch có bộ đội tùng thiết đi theo để bảo vệ. Số lượng lính Bắc Việt này lên tới một Trung Đoàn ( nghĩa là cả ngàn đứa ).

    Ngay khi đoàn xe tăng và lính  Bắc Việt bắt đầu xuất hiện và khởi sự tấn công,  Lữ Đoàn Trưởng hạ lệnh Tiểu Đoàn 1 đi tiếp viện. Thiếu Tá Nguyễn Đăng Tống Tiểu Đoàn Trưởng, điều động Cánh B do Đại Úy  Đoàn Đức Nghi, Tiểu Đoàn Phó,với hai Đại Đội tác chiến 12 thiết vận xa 113 và 8 chiến xa M48, xuất phát  từ Ái Tử  đi tiếp viện.

    Đây là lần đầu tiên Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến đối diện với xe tăng Bắc Việt. Trước hỏa lực dữ dội của đoàn xe tăng và bộ đội tùng thiết, những chiến sĩ Trung Đội tiền đồn bị sát hại hoặc bị nghiền nát dưới những sợi dây xích.

    Sĩ Quan tiền sát pháo binh trong vị trí của cánh A  trên ngọn đồi cao, gọi pháo binh lập tức tác xạ  trên đội hình của cộng sản Bắc Việt. Tiểu Đoàn 3 pháo binh của Thiếu Tá Trần Thiện Hiệu đã yểm trợ Tiểu Đoàn 6 vô cùng chính xác và hữu hiệu. Hai loại đạn đại bác được xử dụng: loại nổ chậm để phá hủy xe tăng, và loại nổ chụp để diệt Trung Đoàn bộ đội tùng thiết. Bọn này bị chết rất nhiều bởi đạn đại bác nổ chụp, tan tác như đàn vịt, bỏ chạy, trốn trong những khu rừng kế cận.

    Nhưng hai chiếc T-54 đã chồm lên, vượt qua được hàng rào căn cứ và tác xạ phá hủy những vị trí  phòng  thủ. Các Thủy Quân Lục Chiến thuộc cánh B anh dũng chống trả. Dần dần bị núng  thế, phải tản mác, rút lui về những đồi nhỏ hay bụi cây quanh  đó. Xe tăng đuổi theo, nhưng một chiếc trúng mìn nổ tung.

    Ngày hôm đó, rất nhiều mây mù.Trần mây rất thấp. Một số khu trục cơ A1-Skyraider của Không Quân Việt Nam đang vần vũ trên không phận. Chợt mây tản đi, bầy ra một lỗ trên bầu trời. Các phi công nhào xuống, đánh bom xuống đám xe tăng địch. Một chiếc máy bay trúng đạn phòng không từ T-54, rớt xuống. Đại Úy phi công Trần Thế Vinh hy sinh.

    Xe tăng T-54 của giặc Bắc, hơn một nửa đã bị trúng mìn hoặc bị đại bác phá hủy. Nay lại thêm một số nữa bị trúng bom.

    Số xe tăng còn lại nháo nhào, đội hình hỗn loạn.

    Chạy tứ tán. 

    Quay đầu. 

    Phóng tới .

    Đứt xích ,

    Tung Lên. 

    Biến thành những trái cầu lửa. Chẳng còn biết phương hướng tới lui gì nữa. Mỗi chiếc tự tìm đường thoát.

    Tuy nhiên, hai chiếc xe tăng đầu tiên vẫn tiếp tục phóng tới hướng đồi cao của cánh A. Khi còn cách bộ chỉ huy này 300m thì chiếc xe tăng tiến trước bùng phát nổ. Nó đã trúng phải mìn chống chiến xa mà Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến đã gài chiều 8/4. Chiếc thứ nhì chạy vòng qua chiếc xe trước, cố tiếp tục. Nhưng không biết vì sao,  khi gần tới nơi nó quay đầu lại và chạy đi.

    Một  số xe tăng T-54 khác,vẫn vượt qua được căn cứ Phượng Hoàng, chạy lên hướng đông bắc, về phía Ái Tử. Rất nhiều chiếc bị trúng mìn chống chiến xa, bị phá hủy hoặc trở thành bất khiển dụng. Xe tăng Bắc Việt lại hỗn loạn thêm một lần nữa. Chúng quay đầu chạy đủ hướng chỉ mong sao thoát khỏi hệ thống hơn 500 trái mìn chống chiến xa mà Trung Tá Ngô Văn Định đã chỉ thị cho Tiểu Đoàn 1 gài từ chiều 8/4, trên các đường mà chiến xa  có thể xử dụng để tiến tới căn cứ Ái Tử, hay thị xã Quảng Trị.

    Quân ta bắt đầu chiếm lại thế thượng phong.

    Tiểu Đoàn 1, với  M113  và M48  đã tới nơi và khai hỏa.  Bấy giờ Pháo Binh tiếp tục tác xạ. Trung Đoàn bộ đội tùng thiết không thể nào ở lại để tìm cách bảo vệ đoàn xe tăng Bắc Việt được nữa, nên phải rút lui về hướng tây nam, tức là thung lũng Ba Lòng.

    Đoàn xe tăng T -54  của Bắc Việt đại bại. Những chiếc còn lại lần lượt bị hạ hết  bởi hỏa lực của M48, đại bác của pháo binh và bởi cả các LAW M 72  mà các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến cầm tay xử dụng nữa.

    Trong cuốn “ Cuộc tấn công dịp lễ Phục Sinh,Việt Nam 1972 ”, xuất bản năm 1985 ( The Easter Offensive,Vietnam 1972 ), Trung Tá Turley đã viết rất rõ ràng ở trang 240 như sau: 

    Không một chiếc xe tăng nào thoát khỏi bị phá hủy hay bị bắt sống

    ( Not a single tank escaped destruction or capture )

    ------

    Chiến tích lẫy lừng này cũng đã được diễn tả trong bài thơ  dưới đây: 

    Chiến thắng Phượng Hoàng

    ( Trận đánh xe tăng tại căn cứ Pedro ngày 9/4/72 )

    Y Sĩ Thiếu Tá Trần Xuân Dũng

    Trận thế đang lan rộng khắp vùng

    Ngày đêm Việt cộng pháo lung tung

    Gia tăng áp lực quanh Ái Tử

    Tàn sát dân trong sự hãi hùng.

    Tháng 4 ngày 8, chiều rung

    Tiểu Đoàn 6, chuyển hướng vùng Pedro

    Thủy Quân Lục Chiến nhấp nhô

    Áo rằn ri lại lao vô chiến trường.

    Lộ 5-5-7, phục bên đường

    Đạn súng lên nòng, nấp dưới sương

    Một nửa  trăng mù, đêm lạnh chiếu

    Thâu canh, hỏa  tiễn nhoáng thê lương.

    Đồi cao quan sát tỏ tường

    Cánh A, Đông Bắc trấn phương giặc tràn

    Cánh B: căn cứ Phượng Hoàng

    Giao thông hào nối dọc ngang hố hầm.

     

    Ngày 9, bình minh đạn nổ rần

    Tiếng xe tăng địch máy vang rân

    Đạn xô, ép gió ào trên má

    Thép khối, giờ đây đối ngực trần.

    Máu sôi sát Cộng nhập thần

    Đêm qua chờ giặc, nay hân hoan mừng

    Dương tay súng nhỏ từng từng

    Bắn xe tăng địch ven rừng hướng Tây.

    Bảy chiếc bon bon chạy tới đây

    Trời u ám quá, thấp trần mây

    Bốn phương tám hướng quanh trời đạn

    Lính Cộng dàn theo tiến sát dầy.

    Anh em ta giữa trùng vây

    Trên thân thể máu ướt nhầy vết thương

    Máu ra, nhưng vẫn can trường

    Máu theo đầu đạn vọt luôn tới thù.

     Góc trời một thoáng hết âm u

    Đất, đá, sỏi bay lửa  mịt mù

    Đại bác bên ta đồng tác xạ

    Trung đoàn Việt Cộng: tội trời tru.

    Giặc bỏ  nhau chạy vù vù

    Như ong vỡ tổ vào khu rừng gần

    Mấy trăm xác đã phơi trần

    Đứa may tạm sống, tấm thân khó về.

    Trung đội tiền đồn, thuộc cánh B

    Xe tăng giặc nghiến, thảm thương ghê !

    Người hy sinh nát trong lằn đạn

    Kẻ mất chân, thấy chết chẳng nề.

    Bộ binh giặc hết đi kề

    Hai mươi tăng địch nhất tề xông lên

    Hai xe nghiền nát rào bên

    Vào trong căn cứ nghiến lên đỉnh đồi.

    Mũ xanh, súng vẫn nẩy liên hồi

    Hầm hố không còn, chết cũng thôi !

    Bên dưới giao thông hào đã nát

    Thân ta, thép địch đánh tay đôi.

    Hố cá nhân, sụp xuống ngồi

    Dưới gầm tăng địch chờ thời đứng lên

    Xích xe cuốn sát bên trên

    Cầm tay hỏa tiễn phóng liền phía đuôi.

    Xuất sắc bên ta có một người

    Nhẩy lên nóc sắt, với gan trời

    Chĩa M-16 trên đầu giặc

    Bắt sống xe còn ánh thép tươi.

    Phăng phăng hai chiếc nối đuôi

    Cùng nhau nhắm hướng phía đồi chỉ huy

    Chiếc đầu phát nổ tức thì

    Tung như cầu lửa giữa khi bất ngờ.

    Trong vòng khoảng cách ngắn đơn sơ

    Kế hoạch bên ta đã sẵn chờ

    Mìn chống chiến xa gài buổi trước

    Phừng lên, Việt cộng chết còn mơ !

    Chiếc sau lách lẹ, sững sờ

    Xoay vòng pháo tháp cuốn cờ chạy luôn

    Nhiều xe khác chạy như cuồng

    Đã sa trận thế mìn đương sẵn sàng.

    Tiểu Đoàn " Quái Điểu " vốn ngang tàng

    Trên thiết vận xa, đánh nhịp nhàng

    Xuất phát phản công từ Ái Tử

    T-54 địch cháy thành than.

    Đội hình rối loạn dọc ngang

    T-55, cuống chạy quàng chạy xiên

    Chiếc lui, đụng chiếc tiến lên

    Chiếc ngang, vùng chạy như điên hướng rừng.

    Ngay kia một chiếc mới vừa tung

    Xích đứt văng lên lúc lửa bùng

    Kế cận nhiều xe liền đổi hướng

    Cũng thành cầu lửa giữa không trung !

     Bộ binh Cộng chạy tứ tung

    Rời nơi ẩn nấp, nhắm vùng Tây Nam

    Đứa may chưa chết: đầu hàng

    Đứa xui đền tội, xác tan văng đầy.

    Bốn trăm hai chục giặc banh thây

    Căn cứ Phượng Hoàng: chiến thắng đây !

    Trọn tiểu đoàn tăng từ Bắc Việt:

    Hăm ba khối thép cháy đen dầy ! 

    Y Sĩ Thiếu Tá Trần Xuân Dũng

    2- Vài chi tiết đặc biệt. 

         a - Một chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến đang núp mình trong một hố cá nhân thì một xe tăng T-54 tràn tới. May thay, trời xui đất khiến, hai lằn xích của chiếc xe tăng lăn qua hai bên miệng cái hố, hơn hai thước rồi chợt ngừng lại.

    Người chiến sĩ cọp biển liền  nhô mình nhẩy lên mặt đất, rồi lập tức phóng chân nhẩy lên nóc xe tăng. Thấy nắp xe tăng đang mở, Anh liền chĩa súng M16 xuống đầu mấy tên lính Bắc Việt bắt rời khỏi xe. Tài xế và  3 tên nữa phải tuân theo.Thế là anh em Thủy Quân Lục Chiến bắt sống được chiếc xe tăng T-54 này.

         b-Trong cuốn sách “ Thép và Máu ” của Đại Tá Thiết Giáp Hà Mai Việt, xuất bản năm 2005, Ông đã viết ở trang 112 như sau: 

    Khoảng 5 giờ sáng ngày 9-4-1972, Chi Đoàn 2/20 M48 Chiến Xa đang phòng vệ và giữ an ninh phía tây và cổng sau căn cứ Ái Tử thì Chi Đoàn này được lệnh tiếp viện Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến tại căn cứ Phượng Hoàng, đang bị chiến xa và bộ binh địch tấn công và xâm nhập căn cứ. Lúc 6  giờ sáng, với 7 chiến xa M48, Chi Đoàn 2/20 Chiến Xa  rời Ái Tử để tiến tới một cao điểm ở phía đông nam căn cứ Phượng Hoàng.

    Sau khi bố trí và quan sát, Chi Đoàn phát hiện 3 chiến xa T-54 Bắc Việt đang bố trí trước căn cứ. Sáu chiến xa M48 thuộc 2 Chi Đội liền khai hỏa nhưng không bắn trúng đích. Thấy vậy,Trung Sĩ Nhất Tuấn, Hạ Sĩ Quan hành quân, trên chiến xa thứ 7, lập tức khai hỏa, bắn cháy 1 chiến xa T-54 đầu tiên,và ngay sau đó, với 2 phát đạn 90 ly kế tiếp, Trung Sĩ Tuấn đã tiêu diệt 2 chiếc T-54 còn lại.

    Số chiến xa địch nằm trong căn cứ thấy tình hình nguy ngập,vội vã phân tán.

    Một chiến xa T-59 lén nấp sau một Conex lớn đã bị Trung Sĩ Tuấn phát hiện và bắn trúng vào khẩu đại liên trên pháo tháp. Xa đội T-59 hoảng hốt, thi nhau bỏ chạy nhưng cũng không thóat khỏi lưới lửa của dàn đại liên 50 trên chiến xa M48. Chiếc T-59 nói trên,máy vẫn còn nổ, tài xế của Chi Đoàn 2/20 Chiến xa lái về hậu trạm, sau được đem về triển lãm tại Huế và Sàigòn.

    3- Phần kết luận.

    Nỗi căng thẳng lúc ban đầu, trước hỏa lực dữ dội của đoàn xe tăng T-54 Bắc Việt và của cả một Trung Đoàn bộ đội tùng thiết, vẫn không hề làm giảm tinh thần chiến đấu của anh em Thủy Quân Lục Chiến, từ hàng Binh Sĩ và Hạ Sĩ Quan, lên đến cấp Sĩ Quan. Đại Úy Nguyễn Văn Sử, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 6, và Đại Úyy Đoàn Đức Nghi, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 1, trong quyền hạn và trách nhiệm phụ trách cánh B của Tiểu Đoàn mình, đã hoàn thành nhiệm vụ  một cách xuất sắc.

    Trong cuốn “ Cuộc tấn công dịp lễ Phục Sinh,Việt Nam 1972 ”, xuất bản năm 1985 ( The Easter Offensive,Vietnam 1972. )

    Trang 239: Đại Úy Al Nettleingham đã quan sát những kế hoạch hành động trong Lữ Đoàn 258 và Trung Tâm hành quân. Sau đó kể lại : 

    Tôi nghĩ rằng tất cả chiến tích thành công đã đẩy lùi cuộc tấn công đều thuộc về Trung Tá Định. Ông đã đặt tay vào tất cả mọi tình huống suốt thời gian. Ông biết rõ trong tay  Ông có những gì và đem chúng  ra xử dụng vào những lúc sinh tử.

    Ông ta là một cấp chỉ huy với đầy  đủ ý nghĩa của chữ này. Những Sĩ Quan dưới quyền đặt hết tin tưởng vào Ông và vào những sự phán đoán của Ông. Ông là mẫu người tiêu biểu nhất về sự  biết quyết định và tài năng quân sự mà tôi được biết .

    Trang 241: Trung Tá Turley, trưởng toán Cố Vấn nói thêm:

     Quân Bắc Việt đã tiến đánh với một Trung Đoàn  bộ binh và một Tiểu Đoàn xe tăng và đã bị đánh bại hoàn  toàn. 23 xe tăng đã bị phá hủy hay bị bắt sống. Hơn 420 tên địch bị giết, trong khi Thủy Quân Lục Chiến và Thiết Giáp chỉ có 66 thương vong.

    Và quan trọng hơn  nữa, là mặc dầu các Cố Vấn Mỹ có mặt trong trận đánh, nhưng  việc thiết lập kế hoạch phòng ngự  và thực hiện cuộc phản công  mỹ mãn đã hoàn toàn  do lực lượng Việt Nam. Họ tự lực hoàn tất và vị Chỉ Huy của Thủy Quân Lục Chiến đã chứng tỏ rằng quân Bắc Việt có thể bị đánh bại.

    ………

     

    Vị Chỉ Huy trong trận đánh này là Trung Tá Ngô Văn Định, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến. 

    Chiến Thắng Phượng Hoàng.


    Căn cứ Phượng Hoàng ( Pedro ) như 1 tiền đồn ngăn chặn sự tiến quân của địch từ thung lũng Ba Lòng ( VC từng gọi là chiến khu Ba lòng ) cách căn cứ Ái Tử khoảng 6 Km về phiá Tây. BCH/LÐ tăng cường cho TÐ6 một xe ủi đất để tổ chức phòng thủ.
    TÐ6 (-) ở vị trí cao cách căn cứ Phượng Hoàng 1 Km về hướng Bắc. Cánh B TÐ6 ( 2 ÐÐ)( Ðại Úy Nguyễn Văn Sử TÐP) bố trí hướng Ðông Nam cách căn cứ Phượng Hoàng 1 Km. 1 ÐÐ phòng thủ căn cứ Phượng Hoàng. Phối trí quân của TÐ6 tránh thiệt hại và tổn thất cho TÐ khi địch pháo kích vào căn cứ Phượng Hoàng vì thế 2 Sĩ quan cố vấn TÐ6 ở với TÐ6 (-).
    Theo tin tình báo, tình hình Ðịch rất nặng nề có khả năng tấn công có chiến xa ( Trung Ðoàn 203 ) và pháo yểm trợ.
    Chiều ngày 8 tháng 4 năm 72, Trung Tá LÐT tăng phái 1 đơn vị công binh gồm CB/TQLC và CB của Quân Ðoàn cho TÐ1/TQLC để đặt một bãi mìn CCX. Hơn 500 quả mìn được đặt trên đường từ hướng Tây Nam dẫn vào căn cứ Ái Tử để chặn đường tiến quân của CX địch. BCH/LÐ và cố vấn Mỹ đã phối hợp hoả lực yểm trợ chu đáo, để ý đến những đường tiến sát. Sẵn sàng các yếu tố hoả lực khi cần tác xạ ngay.
    Ðêm 8 rạng 9 tháng 4 VC pháo kích rải rác suốt đêm vào khu vực TÐ6, có cả đại bác không giật
    Lúc 6giờ 30 sáng, TÐ6 báo cáo về LÐ đich tấn công và TÐ6 đã sẵn sàng chiến đấu.
    Lực lương Pháo của CSBV chắc không đủ để pháo cùng một lúc vào căn cứ Phượng hoàng và căn cứ Ái Tử, thành thử khi chúng tấn công vào TÐ6 và căn cứ Phượng Hoàng BCH/LÐ không bị pháo kích. Sau đó TÐ6 và cố vấn Mỹ phát giác có tiếng máy nổ của chiến xa địch. TÐ6 chỉ được trang bị M72 CCX cho từng cá nhân. TÐ3/PB/TQLC( Thiếu Tá Trần Thiện Hiệu TÐT ) đã yểm trợ thật chính xác và hữu hiệu. Trận mưa pháo bằng đạn nổ chụp của TÐ3/PB đã phá vỡ đội hình của lực lương BB tùng thiết của VC. Không biết vì lý do gì 2CX dẫn đầu đi cách xa với đoàn chiến xa sau có BB tùng thiết của VC tiến gần hàng rào phòng thủ của căn cứ Ái Tử. Ðụng phải bãi mìn CCX phát nổ nên 2CX phải dừng lại không tiến được vào căn cứ Ái Tử. Trung Tá Lữ Ðoàn Trưởng ra khỏi TTHQ để lệnh thẳng cho Ðại Úy Chi Ðoàn Trưởng chiến xa M48 (Ðại Úy Hà Mai Khuê ) dàn đội hình tiến quân để cản chiến xa địch. Trong khi đó Trung Tá LÐP (Ðỗ Ðình Vượng ) bình tĩnh điều động các đơn vị tại TTHQ. Lực lượng địch có khoảng 30 CX tham chiến, ½ số này đã bị mìn và PB tiêu diệt. Mấy phi tuần F4 của TQLC/HK có đến yểm trợ nhưng vì thời tiết xấu nên trở ngại phải rời vùng Thời tiết quang đãng dần, nên không quân VN yểm trợ rất hữu hiệu và chính xác tiêu diệt chiến xa địch. Trong lúc các phi công hăng xay diệt chiến xa địch, khoảng 10 giờ sáng 1 chiếc A1 bị phòng không 23 ly từ chiến xa địch bắn hạ. Ðại Úy Phi công Trần Thế Vinh hy sinh. Nhưng không tìm được xác mặc dù TÐ1/TQLC được lệnh cố gắng tìm.


    Ðịch tiến quân bằng 2 cánh:
    - 1 tiến chiếm căn cứ Phượng Hoàng TÐ6/TQLC
    - 2 tiến chiếm căn cứ Ái Tử nơi BCH/Lữ Ðoàn. Tuy nhiên nhờ sự yểm trợ hữu hiệu của TÐ3/PB/TQLC, không quân VN và bãi Mìn CCX, chiến xa địch bị tiêu diệt và BB tùng thiết của địch bị tan rã đội hình vì đạn nổ chụp của pháo binh.
    Ðến lúc này chi đoàn 2/20 CX M48 vẫn chưa xuất phát đội hình ngăn chặn chiến xa địch mặc dầu Trung Tá LÐT đã ra ngoài TTHQ ra lệnh thẳng cho Chi Ðoàn Trưởng

    - Kế hoạch phản công
    Trong khi 2 chiến xa địch bị mìn CCX chặn đứng sự tiến quân của CS, Trung tá LÐT xử dụng cánh B/TÐ1 gồm 2 ÐÐ + 1 chi đoàn Thiết Quân Vận M113 (Ðại Úy Ðoàn Ðức Nghi TÐP chỉ huy ) tăng phái 8 CX M48 của chi đoàn 2/20 CX làm lực lương phản công , có Ðại Úy Lawerence Livingston cố vấn trưởng TÐ1 đi cùng.( Trận tái chiếm Thị Xã và Cổ Thành thì Ðại Úy Livingston làm cố vấn trưởng cho TÐ2 Trâu Ðiên., sau này về Mỹ ông lên cấp Thiếu Tướng ( Maj Gen ) )
    Lưc lương phản công xuất phát từ Ái Tử hướng về Phượng Hoàng. Thiếu Tá TÐT/TÐ6 tái phối trí với 2 ÐÐ để tăng cường yểm trợ cho cánh B /TÐ1/TQLC. TÐ3 pháo binh TQLC bắn chặn đường rút lui của địch. Chúng tháo lui chạy về hướng Tây Nam bỏ lại xác chết và thương binh.( Tài liệu từ tù binh bị bắt cho biết Ðịch thuộc Trung Ðoàn 66 Sư Ðoàn 304 và trung Ðoàn 203 CX ) Số chiến xa còn lại làm mục tiêu cho không quân VN, pháo binh và đại bác 90 của CX M48 M72 CCX của TÐ6 (-) và cánh B TÐ1/TQLC. Hai chiếc chiến xa (1 T54 và 1 T59) 1 chiếc bị mìn hư hại nhẹ, một chiếc còn nguyên vẹn, VC trên chiến xa đã bỏ chạy. Chi Ðoàn 2/20 được lệnh của Trung Tá LÐT kéo về Ái Tử. đậu trước TTHQ. Chiếc còn nguyên vẹn và còn chạy được thì được đem về Huế để triển lãm cho dân chúng xem chiến lợi phẩm của LÐ/258/TQLC. Sau thời gian triển lãm ở Huế chiếc chiến xa này được đưa về Saigon triển lãm trước Toà Ðô Chính. Sau đó QLVNCH tặng cho Quân Ðội Hoa Kỳ. Vì trong cuộc chiến tranh Triều Tiên Quân Ðội Hoa Kỳ cũng muốn có 1 chiếc để nghiên cứu nhưng không có cơ hội.

    Cuộc chiến trong khu vực căn cứ Phượng Hoàng đã lắng dịu, nhưng khu vực trách nhiệm của LÐ vẫn còn các hoạt đông của những đơn vị địch, ngày 12 tháng 4 năm 1972 cánh B /TÐ1 được điều động trở về khu vực Ái Tử để sát nhập lại với TÐ. Khi còn cách căn cứ Ái Tử khoảng 2 cây số, phát hiện đơn vị VC đang đào giao thông hào. Mục đích là để bất ngờ tấn công đơn vị này khi về gần đến Ái Tử. Ðược sự yểm trợ hữu hiệu của chi đoàn M113 và pháo binh, cánh B/TÐ1 đã đánh tan lực lượng phục kích của VC ( Ðại Úy Nghi đã tử thương vì loạt đạn đại liên 50 đầu tiên, quân ta làm chủ tình hình, trên 200 VC đã bị giết trong trận này, đơn vị này mới từ bên kia vĩ tuyến 17 vào, vũ khí quân trang quân đụng còn mới nguyên. Ðây là trận đánh đầu tiên với chiến thuật “ Pháo + Xa + BB “ của địch. TÐ6 TQLC đã xử dụng hữu hiệu M72 CCX trang bị cho cá nhân làm cho tinh thần binh sĩ tin tưởng, nâng cao tinh thần chiến đấu các đơn vị TQLC.
    BTTM/TC/CTCT đã gửi văn thư cho các đơn vị trong QLVNCH về hữu hiệu của M72 CCX để nâng cao tinh thần binh sĩ và tưởng thưởng 30 ngàn đồng cho 1 chiếc CX bị bắn hạ. BCH/LÐ/258 TQLC đã báo cáo 30 chiến xa bị loại ra khỏi vòng chiến do Mìn và các đơn vị bắn hạ tại khu vực Ái Tử và Phượng Hoàng ngày 9 tháng 4 năm 72 cho TÐ6 và TÐ3 Pháo binh, và 20 CX tại Bắc cầu Ðông Hà cho TÐ3 và Thiết Ðoàn 20 CX M48. để các đơn vị có ngân khoản tưởng thưởng cho các quân nhân hữu công và ủy lạo các thương binh và gia đình tử sĩ.

    Ngày 29 tháng 4 năm 1972, LÐ/258/TQLC rời vùng trách nhiệm, bàn giao lại cho LÐ/ 147/TQLC ( Trung Tá Nguyễn Năng Bảo LÐT). BCH/LÐ cùng TÐ3+TÐ6 và TÐ3/PB/TQLC di chuyển về thành nội Huế dưỡng quân. TÐ1 ở lại đặt thuộc quyền chỉ huy của LÐ/147/TQLC
    Chiến thắng trong cuộc HQ Sóng Thần 4/72 của LÐ/258/TQLC đã làm cho CSBV phải suy nghĩ vì đã bị TQLCVN đánh bại, mặc dầu quân BV đông hơn được khối CS trang bị vũ khí tối tân hơn và lại có một hậu phương rất gần. Mặc dù CSBV đã bắt tay với chính quyền Hoa Kỳ trong khi Quân Ðội Hoa Kỳ và Ðồng minh đã quay lưng. Những diễn biến chính trị không làm QLVNCH xuống tinh thần, ngược lại càng chiến đấu quyết liệt.

    Ðại úy Ripley Cố vấn trưởng TÐ3 trong trận Ðồng Hà chứng kiến về gương chiến đấu anh dũng của quân nhân TÐ như sau
    Captain Ripley told a story of the unbelievable fortitude of a young Marine private who had been wounded seven times in four days.He was the same marine I had seen two days before with a serious shrapnel wound in the upper back. Now he was holbling along with his arm around a wounded comrade attempting to move his friend to safety. Both would be dead at day’s end ( Easter offensive Chapter 15 trang 233 )

    Tạm dịch:
    Ðại Úy Ripley đã kể câu chuyện khó tin nhưng đã thật sự xẩy ra như sau: môt binh sĩ trẻ thuộc TÐ3/TQLC đã bị thương 7 lần trong 4 ngày. Hai ngày trước ông ta thấy vết thương sau bả vai, máu còn đang chẩy mà anh ta còn cố gắng di chuyển 1 người bạn bị thương đến chỗ an toàn nhưng cả 2 đã bị chết cùng ngày hôm ấy.

    Cũng như Ðại Úy Cố Vấn Al Nettleingham đã quan sát kế hoạch hành quân của BCH/Lữ Ðoàn 258 ở TTHQ. Ông ta có nhận xét như sau :
    I think the whole credit for repulsing the attack belongs to Colonel Dinh.He had his finger on the situation at all times. He knew what assets he had available and then committed them at the crucial moments. He’s commander in the full sense of the word. His subordinate commanders had great confidence on him, in his judgment. The man presented the best example of decisiveness and military skill that I’ve seen.
    ( Easter offensive Chapter 15 page 239 ) “ First Bluejacket Books printing.1995

    Tạm dịch: Ðại Úy Al Nettleingham đã quan sát kế hoạch phản công của Lữ Ðoàn Trưởng LÐ 258 ở TTHQ. Ông ta nhận xét về Trung Tá Ðịnh LÐT như sau: Cuộc phản công do công lao của Lữ Ðoàn Trưởng rất nhiều. Thuộc cấp đặt hết lòng tin tưởng vào ông và về sự phán xét của ông. Ông ta biều hiện tốt nhất về quyết định và hành động quân sự mà tôi chưa từng gặp ( Chứng kiến )

    Tóm lại với tinh thần chiến đấu rất cao của các Tiểu Ðoàn với sự chỉ huy các cấp sáng suốt và đúng mức với sự làm việc của tất cà quân nhân không biết mệt mỏi đã tạo nên chiến thắng vẻ vang.

    Ngày hôm nay ngồi viết lại trận chiến này để thế hệ mai sau biết rằng cha ông của họ đã chiến đấu rất kiên cường để bảo vệ miền Nam thân yêu và sự hy sinh vô bờ bến cho Ðộc lập Tự Do ở miền Nam Việt Nam. Nhưng vì thế cờ chính trị, một Quân Lực hùng mạnh phải tan rã thật đáng sót xa. Một bài học thật đáng giá cho tất cả Quân Dân Cán Chính của mìền Nam Việt Nam nói riêng và một nỗi buồn cho những Quốc Gia nhược tiểu sống còn nhờ vào sự viện trợ của cường quốc nói chung. Ðánh tan mọi luận điệu sai lầm về QLVNCH của những kẻ phản chiến ở chính trường Hoa Kỳ về cuộc chiến cùa nhân dân miền Nam Việt Nam chống lại sự xâm lược của Cộng Sản Bắc Việt.
    Ðể tưởng nhớ tất cả chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong cuộc bảo vệ Tự Do Dân Chủ cho mìền Nam Việt Nam.

    MX Mai Văn Tấn

    http://www.tqlcvn.org


    Không có nhận xét nào