Header Ads

  • Breaking News

    Hà Giang cảnh báo người dân không lại gần hàng rào có điện của Trung Quốc





    Sáng 9/4, ông Nguyễn Xuân Toàn, Chủ tịch UBND xã Bát Đại Sơn xác nhận, đã có văn bản gửi Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã về việc cảnh báo người dân không lại gần hàng rào thép gai thuộc địa phận Trung Quốc.

    “Sau khi Bộ đội biên phòng có ý kiến hướng dẫn, xã đã có văn bản gửi ban quản lý các thôn trên địa bàn để cảnh báo. Hiện nay các vấn đề liên quan đến hàng rào thép gai được đồn biên phòng phụ trách”, ông Toàn nói với VietNamNet.

    Trong văn bản nêu trên, xã Bát Đại Sơn cho biết, phía nước bạn có lắp đặt hệ thống điện dây không bọc dài khoảng 200m và gần biển cảnh báo “điện cao áp nguy hiểm”. Việc lại gần có thể “gây nguy hiểm đến tính mạng con người và gia súc tại khu vực biên giới”, văn bản nêu.


    Xác nhận với VietNamNet, một lãnh đạo UBND huyện Quản Bạ cho biết, việc hàng rào có điện được phát hiện khoảng một tuần nay. Khu vực hàng rào nằm sâu bên trong lãnh thổ Trung Quốc. Việc lắp điện bước đầu được xác định là ngăn chặn người dân nhập cảnh trái phép.

    “Việc lắp đặt trên không vi phạm nhưng gây nguy hiểm cho người dân. Các đơn vị liên quan đang làm việc để khuyến cáo nước bạn bỏ đi để đảm bảo an toàn”, lãnh đạo huyện Quản Bạ cho biết.

    Xã Bát Đại Sơn có diện tích 44,10km2, dân số là 3.330 người (thống kê năm 2019), mật độ dân số đạt 76 người/km2. Xã được chia thành 9 thôn Sán Trồ, Pải Chư Phìn, Na Quang, Na Cạn, Lao Chải, Cốc Méo, Thào Chư Phìn, Xà Phìn, Mố Lùng.

    Các chuyên gia nước ngoài chỉ ra một lý do việc xây dựng tường rào

    Theo Sputniknews, Trung Quốc đã xây tường rào ở biên giới với Việt Nam và Myanmar. Từ năm 2012 đến năm 2017, Tân Hoa xã đưa tin cho hay một hàng rào sắt cao 4,5m với thép gai, camera an ninh đã được dựng lên suốt 12km theo sông Ka Long, dọc theo biên giới với Việt Nam. Việc xây dựng vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Và giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và bang Shan ở phía bắc Myanmar, xuất hiện hàng rào dài 659 km trong thời kỳ đại dịch. Chính quyền Trung Quốc nói việc này được thực hiện để bảo vệ chống lại Covid-19, cũng như ngăn chặn việc buôn lậu hàng hóa, ma túy và buôn người.


    Các chuyên gia nước ngoài chỉ ra một lý do khác của việc xây dựng bức tường ngăn cách giữa Trung Quốc và Việt Nam: ngăn chặn lao động Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Theo báo chí Việt Nam, hàng chục ngàn công nhân lành nghề Trung Quốc đã sang Việt Nam hợp pháp trong những năm gần đây. Tuy nhiên, một số đáng kể trong đó không muốn dính líu đến thủ tục giấy tờ và thích sử dụng con đường bất hợp pháp.

    Nhiều người chỉ trích tin rằng bức tường biên giới mà Trung Quốc xây dựng cũng nhằm vào những người bất đồng chính kiến. Theo chuyên gia về Việt Nam, giáo sư Úc Carlisle Thayer, mục tiêu của Trung Quốc là hạn chế dòng chảy ra khỏi đất nước không chỉ của những người thất nghiệp mà còn của cả những người mà Trung Quốc muốn giữ lại.

    Ấn phẩm có uy tín The Diplomat viết, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) giáp với Việt Nam, Myanmar và Lào từ lâu đã trở thành lối thoát cho người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và những người xin tị nạn khác tới phương Tây, cũng như hành lang cho những người tị nạn rời Bắc Triều Tiên.

    Không có nhận xét nào