Header Ads

  • Breaking News

    Hoàng Việt – Ukraine :Cập nhật tình hình chiến sự Donbass


    Ngày 20/4, Nga yêu cầu các tay súng Ukraine đang cố thủ ở Mariupol đầu hàng trong bối cảnh Moskva triển khai đợt tiến công quyết định trên chiến trường miền Đông. Động thái này đã buộc chính phủ các nước phương Tây cam kết hỗ trợ thêm về quân sự cho Kiev.

    Hàng nghìn lính Nga được yểm trợ bằng pháo binh và rocket đang tiến quân vào cuộc chiến mà giới chức Ukraine gọi là “Trận chiến tại Donbass”. Trước đó, lực lượng Nga đã chiếm đóng thành phố Kreminna.

    Cuộc tấn công 8 tuần qua của Nga đang kéo dài hơn so với dự kiến trong bối cảnh Moskva chưa thể chiếm đóng các thành phố lớn nhất, buộc họ phải tập hợp lại lực lượng và bao vây các vùng biệt lập. Tuy nhiên, cuộc tấn công được cho là lớn nhất nhằm vào một quốc gia châu Âu kể từ năm 1945 này đã khiến gần 5 triệu người phải sơ tán và nhiều thành phố chìm trong đống đổ nát.

    Ngày 19/4, Mykhailo Podolyak, một cố vấn tổng thống của Ukraine, cho biết quân Nga đã tấn công nhà máy thép Azovstal – thành lũy trọng yếu còn lại ở Mariupol – bằng loại bom phá boongke. Trên mạng xã hội Twitter, cố vấn Podolyak viết: “Thế giới đang chứng kiến cuộc tàn sát trẻ em và vẫn giữ im lặng”. Tuy nhiên, Reuters chưa thể xác thực được thông tin này.

    .

    Sau khi gửi tối hậu thư yêu cầu đối phương đầu hàng, Bộ Quốc phòng Nga cho biết không có bất kỳ binh lính Ukraine nào chịu hạ vũ khí và Moskva đã gửi một yêu cầu mới. Các chỉ huy Ukraine đã thề không đầu hàng. Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh: “Các lực lượng vũ trang Nga, trên cơ sở các nguyên tắc nhân đạo, một lần nữa đề nghị các tay súng của tiểu đoàn quốc gia cùng các lực lượng ủy nhiệm nước ngoài ngừng chiến dịch quân sự và hạ vũ khí từ 14h00 ngày 20/4 (giờ Moskva)”.

    Trong khi đó, Mỹ, Canada và Anh tuyên bố sẽ gửi thêm các vũ khí tới Ukraine. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho họ thêm đạn dược, cùng nhiều hình thức hỗ trợ quân sự khác”, đồng thời cho biết Mỹ đang chuẩn bị các lệnh trừng phạt mới.

    Nhiều nguồn tin cho hay trong vài ngày tới, dự kiến Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố một gói viện trợ quân sự mới với quy mô tương tự gói 800 triệu USD hồi tuần trước.

    Còn Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi các bên ngừng bắn nhân đạo trong 4 ngày vào cuối tuần, thời điểm diễn ra lễ Phục sinh của Chính thống giáo, để tạo điều kiện cho người dân sơ tán và tiếp nhận viện trợ.

    Các thành phố bị chiếm đóng

    Ukraine cho biết sau đợt tấn công mới đây, quân đội Nga đã chiếm đóng thành phố Kreminna – một trung tâm hành chính với 18.000 dân ở Luhansk, một trong hai tỉnh tại vùng Donbass.

    .

    Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận “một giai đoạn mới của chiến dịch này đang được bắt đầu”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigy cho biết nước này đang triển khai kế hoạch “giải phóng” Donetsk và Luhansk, vốn là các tỉnh mà Moskva yêu cầu Kiev trao trả cho các lực lượng ly khai thân Nga.

    Sau khi bị các lực lượng Ukraine đẩy lùi hồi tháng 3, Nga đã dồn quân về phía Đông để phục vụ chiến trường Donbass. Nước này cũng triển khai nhiều đợt tấn công tầm xa nhắm vào các mục tiêu khác, trong đó có thủ đô Kiev. Tuy nhiên, Nga vẫn cần cung ứng cho các binh lính ở các vùng đã chiếm đóng. Ukraine đã có nhiều đợt phản công gần Kharkov nhắm vào các trang bị hiện đại của Nga, dường như nhằm cắt nguồn tiếp tế.

    Hy vọng đàm phán mong manh

    Hãng Interfax đưa tin ở Mariupol, nơi xảy ra cuộc chiến tàn khốc nhất và thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất, khoảng 120 dân thường sống gần nhà máy thép Azovstal đã rời đi thông qua các hành lang nhân đạo. Việc chiếm đóng thành công Mariupol sẽ giúp kết nối vùng lãnh thổ ly khai thân Nga với Bán đảo Crimea, vốn bị Nga sáp nhập từ năm 2014.

    Kiev và Moskva đã không có cuộc đàm phán trực tiếp nào kể từ hôm 29/3. Hai bên đều đổ lỗi cho nhau về tình hình hiện tại. Cố vấn Podolyak nói: “Thật khó để khẳng định khi nào vòng đám phán tiếp theo sẽ diễn ra bởi phía Nga đang quyết đánh cược vào ‘giai đoạn hai của chiến dịch đặc biệt này’”.

    Trả lời hãng Sputnik, chuyên gia quân sự Alexei Ramm cho biết truyền thông Ukraine và phương Tây đang đưa ra những tuyên bố “điên rồ” về giai đoạn hai của chiến dịch đặc biệt mà Nga tiến hành nhằm giải phóng Donbass. Theo ông, chỉ có thông tin của Bộ Quốc phòng Nga là đáng tin cậy. Ông nói: “Trong cơn cuồng loạn truyền thông này, dù sao chăng nữa tôi vẫn sẽ định hướng vào lập trường chính thức của Nga và thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga. Ở đó có những chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực quân sự, họ hiểu rõ hơn chúng tôi về những gì đang xảy ra. Dữ liệu của họ đáng tin hơn là Zelensky và các phương tiện truyền thông phương Tây”.

    Kẻ khóc, người cười

    Các nước phương Tây, trong đó dẫn đầu là Mỹ, tiếp tục hậu thuẫn mọi mặt cho Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga. Trong bối cảnh hiện nay, chưa thể nói bên nào đạt được mục đích cạnh tranh địa chính trị hay tính toán hơn thiệt từ cuộc xung đột, song những tổn thất về kinh tế đối với Liên minh châu Âu (EU) đã có thể cảm nhận rõ trên nhiều khía cạnh.

    Trong khi đó, tổn thất mà Mỹ phải chịu trong cuộc chiến không quá lớn, mặc dù việc cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga đã gây ra một số khó khăn nhất định. Trái lại, Washington còn có thể hưởng lợi trên các lĩnh vực từ khí đốt, công nghiệp vũ khí cho đến nông nghiệp.

    EU đang đau đầu tính toán những thiệt hại và tổn thất do việc cắt đứt nhiều mối quan hệ về kinh tế và thương mại với Nga, chưa kể đến gánh nặng phải đón nhận người tị nạn Ukraine. Cùng lúc đó, Mỹ vẫn thúc ép các nước EU phải cấm vận hoàn toàn dầu mỏ và khí đốt của Nga. Ngay lập tức, tại Mỹ, các nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng đã nhận ra cửa làm ăn lớn. Họ gia tăng áp lực với chính quyền Biden để có được các nhượng bộ mới trong việc phát triển đầu từ vào các mỏ khai thác khí đá phiến. Theo Le Figaro, các tập đoàn lớn của Mỹ như ExxonMobil và Qatar Energy sẽ đưa vào hoạt động khu khai thác khí đá phiến khổng lồ tại bang Texas vào năm 2024. Như vậy, khoản đầu tư 10 tỷ USD của họ giờ đây đã được bảo đảm sinh lời nhờ các khách hàng châu Âu.

    Mặt khác, cuộc xung đột sẽ khiến EU phải tăng chi tiêu cho quốc phòng. Chỉ ít ngày sau khi chiến tranh nổ ra, Đức đã cam kết tăng mạnh chi tiêu quân sự, hiện đại hóa quân đội. Berlin thông báo mua 35 máy bay tiêm kích F-35 của công ty Mỹ Lockheed Martin để thay thế phi đội Tornado. Ngay cả nhà chế tạo của châu Âu là Airbus – vốn đang làm chủ dự án Eurodrone chế tạo các máy bay không người lái ở độ cao trung bình và có tầm hoạt động xa – mới đây đã thông báo sẽ sử dụng động cơ của Tập đoàn Mỹ General Electric cho sản phẩm nguyên mẫu sắp tới.

    Trong lĩnh vực nông nghiệp, người ta đang nói nhiều đến viễn cảnh khủng hoảng lương thực thực phẩm. Trước khi chiến sự nổ ra, Nga và Ukraine cung cấp 25% nhu cầu lúa mì của thế giới. Lúc này, Nga không bán được lúa mì vì bị trừng phạt, lúa mì của Ukraine thì nằm im trong kho cảng trên Biển Đen. Hậu quả là giá lúa mì tăng 30% từ tháng 1 đến tháng 3.

    Theo giới quan sát, các nhà nông nghiệp Mỹ, vốn được chính quyền Biden trợ giá sản xuất rất lớn, sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường phân phối lương thực thế giới. Năm 2021, nông nghiệp Mỹ đã đạt kỷ lục xuất khẩu 177 tỷ USD nông sản. Nếu xung đột Nga-Ukraine còn kéo dài, chắc chắn danh hiệu “vựa lúa thế giới” sẽ được chuyển cho vùng Trung Tây (Midwest) của Mỹ.

    Không có nhận xét nào