Header Ads

  • Breaking News

    Lê Nguyễn – Nhắc chuyện một năm qua

    Đời có những trùng hợp thú vị. Nhớ ngày 14.4.2021, mình viết bài “Kẻ ly hương quý tộc” đề cập đến những du khách, du học sinh, thương nhân, bị nàng covid cầm chân trên xứ người và đã được ưu ái dành cho những chuyến bay “nhân đạo” hay “giải cứu” với chi phí trọn gói cao gấp 5 đến hơn 10 lần chi phí của một chuyến bay quốc tế thông thường. Ai có đủ điều kiện để đáp ứng lòng nhân đạo, nhiệt tình giải cứu của cơ quan tổ chức chuyến bay thì được đoàn tụ, đề huề trăng gió với gia đình, bè bạn; ai không muốn được giải cứu thì có thể phấn khởi gia nhập vào làng “Việt kẹt” trên đất Mỹ.

    Chẳng ngờ một năm sau, đúng vào ngày 14.4.2022, báo chí Việt Nam loan tin một viên chức cao cấp Bộ Ngoại giao, nói cụ thể hơn, là một ông Thứ trưởng Bộ này bị sờ gáy để điều tra về hành vi nhận hối lộ liên quan đến những chuyến bay trên. 

    Người xưa có nói một câu không thể sai được: “thì giờ là tiền bạc”. Từ những chuyến bay nhân đạo và giải cứu đầu tiên đến nay, chừng như đã gần hai năm trôi qua, với hàng mấy chục ngàn người được “giải cứu”, trung bình 5.000 USD cho mỗi người, thì những nhà “quý tộc ly hương” đã hân hoan chi trả hàng trăm triệu đô la!

    Bao nhiêu trong khoản tiền khổng lồ đó lọt vào túi ông Thứ trưởng, các viên chức lãnh đạo Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, các công ty tư nhân tổ chức chuyến bay charter, các chủ khách sạn ế ẩm vì đại dịch và các cơ quan có thẩm quyền duyệt xét nọ kia ? 

    Điều đáng nói ở đây là mọi việc chỉ xảy ra với các viên chức cao cấp Bộ Ngoại giao khi hàng chục ngàn Việt kẹt đã tự giải cứu mình bằng con đường vòng vèo qua ngả Campuchia, khi ngành hàng không dân dụng Việt Nam không còn tận dụng được thế độc quyền nữa, và phải mở rộng không phận cho hàng không quốc tế ùa vào, tất nhiên với những chi phí chỉ bằng 1/8-1/10 khi trước.

    Trong cuộc sống, bài học nào cũng phải trả giá, tiếc rằng với bài học “nhân đạo” và “giải cứu” này, cái giá phải trả cao quá. Nó tính bằng mồ hôi nước mắt của không ít gia đình nhịn ăn nhịn mặc để có tiền cho con cháu kiếm cái chữ ở nước ngoài, đến khi tốt nghiệp hay xong học kỳ, không còn tiền thuê phòng trọ, phải sống vất vưỡng đầu đường xó chợ, làm cu li để kiếm sống qua ngày. 

    Người xưa nói “sát nhất miêu, cứu vạn thử”, nay ngũ miêu đang lên thớt, nhưng thử cũng có còn đâu, chúng tự giải cứu gần hết rồi! Thôi thì chép miệng mà bảo với nhau rằng “muộn vẩn còn hơn không”!

    Cuối cùng, xin cảm ơn ông bạn già Nguyễn Khắc Nhượng đã nhắc lại một chuyện mà mình tưởng như đã quên mất rồi.

    ***

    KẺ LY HƯƠNG QUÝ TỘC (bài năm 2021)

    Dịch Covid-19 năm 2020 làm phát sinh một thành phần người Việt lưu cư bất đắc dĩ ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều nhất có lẽ là ở Mỹ, với nhân số hàng chục ngàn người, gồm doanh nhân, khách du lịch, du học sinh, sinh viên ….

    Trong hơn một năm qua, nhiều người may mắn được hồi hương, song nghe đâu cái giá cho sự đoàn tụ với gia đình không hề nhẹ. Nhẹ nhất như trường hợp cô cháu họ của tôi, sau gần 6 tháng kẹt lại, được người quen biết giúp đỡ về mặt thủ tục (giúp đỡ thế nào không rõ), mua được vé và chỉ phải tốn tiền vé 60 triệu đồng (tương đương 2.600 USD) cho một chuyến bay trở về nước, được cách ly miễn phí trong một doanh trại quân đội ở miền Bắc, được thu xếp ở trong một căn phòng dành cho cấp sĩ quan, có cả máy lạnh. So với trùng trùng lớp lớp những người đang ngóng cao cổ chờ tin tức về một ngày về thuận lợi thì cô phải được kể là người thuộc thành phần đẻ bọc điều. 

    Lại có trường hợp ngược lại, được biết có người sau khi đăng ký danh sách với cơ quan hữu trách thì bị “kẻ xấu” lợi dụng, gợi ý bao lo trọn gói với chi phí hơn 8.000 USD cho một chuyến trở về! Gần đây, có lẽ để “cạnh tranh lành mạnh” với những kẻ chuyên làm việc phi pháp, lợi dụng nhu cầu trở về nước của hầu hết những người kẹt lại tại Mỹ để vòi tiến, một số tổ chức dịch vụ trọn gói từ Mỹ về Việt Nam được phép hoạt động công khai như Du lịch Mỹ, Bayou … với chi phí một chuyến về dao động từ 5.500 USD đến gần 6.000 USD, bao gồm các loại phí như:

    - Công văn nhập cảnh Việt Nam (!)

    - Vé máy bay từ Mỹ về Việt Nam 

    - Chi phí ăn ở, cách ly tại khách san 3 sao trong 15 ngày (cách ly mỗi người 1 phòng riêng )

    - Chi phí xe vận chuyển từ sân bay đến địa điểm cách ly

    - Chi phí test covid 2 lần tại Việt Nam

    -Bảo hiểm covid

    (trích Bayou)

    Là người bị kẹt lại nước Mỹ hơn một năm nay, mình thử đưa ra một vài ý kiến nho nhỏ như sau:

    * Đáng nói nhất là giá vé may bay, từ khi có những “chuyến bay nhân đạo” bắt đầu vào giữa năm 2020, trung bình 60 triệu đồng/người, tương đương 2.600 USD, nghe nói sau này chỉ có lên chứ không xuống. Lý do được nêu ra về giá vé nhân đạo này là hãng hàng không VN phải xách máy bay không đi rước người Việt về. Trên thực tế, chẳng có chuyến bay chiều Việt-Mỹ nào trống không hết, vì còn có những người nước ngoài, người Mỹ gốc Việt, người Việt có thẻ xanh … cần trở về Mỹ, trở về nhà cửa họ ở đó. Mà cho dù có phải xách máy bay chiều Việt-Mỹ trống không đi nữa, con số 2.600 USD có cần phải xem lại không?

    Trong tình trạng bình thường, với các hãng bay thương mại quốc tế, giá vé khứ hồi Việt-Mỹ khoảng 1000 USD – 1.200 USD là đã có lời cho họ rồi, sao ta “nhân đạo” bằng cách tăng hơn gấp đôi giá vé khứ hồi của họ cho chỉ một chuyến bay về?

    * Về chi phí cách ly, từ sự cách ly có chọn lựa – khách sạn, trung tâm cách ly có phí , doanh trại miễn phí - nay người trở về chỉ được ở trong khách sạn từ 3 đến 5 sao, với giá chi trả hơn 2 triệu đồng/ngày! Không có sự chọn lựa nào hết! Họ đã bất đắc dĩ trở thành những “nhà quý tộc ly hương”, trong khi thân nhân của họ có nhu cầu di chuyển trong nước, chỉ cần ở một nhà nghỉ chưa tới 200 ngàn đồng một ngày đêm, cũng đủ chăn êm nệm ấm, ti vi, máy lạnh, toilet cá nhân, vậy mà họ đã bỏ nhà đi cả năm trời, bỏ bê trách nhiệm với gia đình, sống cù bơ, cù bất, nay nỡ lòng nào ngồi chểm chệ trong khách sạn 3-4 sao, cơm bưng nước rót, để phải chi trả hơn 2 triệu đồng/ ngày! Họ vô tình trở thành những nhà quý tộc sống nhởn nhơ trên sự bần hàn, cần kiệm của thân nhân mình!

    * Về phương thức cách ly cũng thế. Hiện nay, Mỹ và nhiều nước phương Tây đã áp dụng chính sách “hộ chiếu vắc-xin” (vaccine passport), dành nhiều sự dễ dãi cho cư dân trong nước đã tiêm đủ liều vắc xin di chuyển từ bang này sang bang khác hay từ trong nước ra ngoải nước, việc áp dụng một thể thức xét nghiệm, cách lý xơ cứng ở Việt Nam đẻ ra nhiều chi phí không đáng có. Hãy tưởng tượng một người đã tiêm đủ liều lượng vắc-xin, theo giới y học thế giới, khả năng miễn nhiễm đến hơn 95%, vậy mà sau khi test tại điểm đi và điểm đến không có biểu hiện bệnh lý nào, lại phải cách ly 15 ngày trong khách sạn sang trọng, có một cái gì đó … là lạ ở đây!

    * Phải nói thật lòng là các tổ chức dịch vụ “bao trọn gói” từ 5.500 USD đến gần 6.000 USD cho một chuyến trở về nước vẫn còn có triển vọng làm ăn dài dài, vì trong số người đang bị kẹt lại ở Mỹ, có ít nhất hai thành phần dư khả năng đáp ứng, một là các chủ doanh nghiệp đang có nhu cầu về nước gấp để giải quyết công việc của doanh nghiệp, hai là các du học sinh, sinh viên là con cái của các quan chức giàu có trong xã hội. Với họ, 5 hay 10 ngàn đô la chỉ là một hạt thóc trong cái bồ thóc giữa nhà họ.

    Song với những thành phần khác, những người sang Mỹ thăm thân nhân, bè bạn, những du học sinh, sinh viên sang Mỹ thuê nhà trọ, đi học bằng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ họ vốn là những phó thường dân, những viên chức, cán bộ đã về hưu, nhịn ăn, nhịn mặc, dành dụm từng đồng bạc để con cái của mình có được một tương lai, vấn đề sẽ khác hơn rất nhiều.

    Tôi biết một người quen là cán bộ về hưu, con gái hết khóa học, kẹt lại hơn một năm trời nay, tiền thuê nhà trọ, tiền ăn trở thành một gánh nặng trên lưng. Mừng cho cô bé đã tìm được một chân bồi bàn để đắp đỗi qua ngày, chờ một ngày mai tươi sáng, nếu không, không biết thân gái dặm trường, số phận của cô sẽ ra sao. Ở Mỹ, hầu như ai chịu khó bỏ sức lao động ra kiếm cơm cũng có cơ hội tìm được một việc làm lương thiện, từ bỏ báo, giao hàng, làm bồi bàn đến đi cắt cỏ mướn… 

    Đến nay, những ai được cấp visa thông thường của cơ quan lãnh sự Mỹ, đã kẹt lại Mỹ hơn 1 năm, đều trở thành kẻ lưu cư bất hợp pháp. May mà xã hội Mỹ là một trong những xã hội nhân văn trên thế giới, chính quyền Mỹ không áp dụng thủ đoạn “đục nước béo cò”, lợi dụng việc phải chứa chấp những kẻ lưu cư bất hợp pháp để làm khó dễ hay vòi tiền họ. Trái lại nước Mỹ còn dành cho họ sự chăm sóc cần thiết, mà việc tiêm vắc-xin miễn phí, không phân biệt đối xử với họ, là một minh chứng rõ nét.

    Về phía chính quyền Việt Nam, được biết theo một nguồn tin từ Bộ Y tế, các đơn vị công nghệ thông tin đang “hoàn thành hệ thống hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật”, để thích ứng với việc triển khai “hộ chiếu vắc-xin” như nhiều nước đang thực hiện. Cũng theo nguồn tin trên, trong ba thành phần được xét nhập cảnh Việt Nam, ưu tiên 1 dành cho những người đang mắc kẹt ở nước ngoài và đã tiêm vắc-xin. 

    Tuy nhiên, nguồn tin được một tờ báo trích dẫn không đề cập gì đến việc áp dụng những khoản phí hợp lý, vừa với túi tiền của đại đa số những người này. 

    Dù sao, cũng có thể xem đó là chút ánh sáng le lói cuối đường hầm, còn đường hầm này rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu, chỉ thời gian mới đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.

    Bài viết này cũng là câu trả lời gián tiếp, đáp tạ tấm lòng ưu ái của những bằng hữu đã thường xuyên thăm hỏi và mong mỏi một ngày gặp lại nhau bên tách cà phê nồng ấm lòng người.

    Lê Nguyễn

    14.4.2021

    https://www.facebook.com/lenguyenpd/posts/3860128577418423

    TIN NGÀY 14.4.2022 CỦA BÁO TUỔI TRẺ

    https://tuoitre.vn/bat-thu-truong-bo-ngoai-giao-to-anh...

    FB Lê Nguyễn


    Không có nhận xét nào