Header Ads

  • Breaking News

    Lynn Huỳnh - Việt Nam mạnh dạn ‘gật đầu’ với Mỹ về “đối tác chiến lược”


    Việt Nam có vẻ đang công khai hóa hơn chính sách đối ngoại của mình

    Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 21-4, trả lời câu hỏi về việc đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper tuyên bố muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam thành đối tác chiến lược, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ thời gian qua phát triển tốt đẹp.

    Sau 27 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước đã có bước tiến dài trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị Việt Nam.

    Trên cơ sở đó, Việt Nam mong muốn và sẵn sàng hợp tác với chính quyền của Tổng thống Joe Biden thúc đẩy quan hệ 2 nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, vì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới cũng như vì lợi ích của 2 nước và nhân dân 2 nước, bà Hằng nhấn mạnh.

    Một ngày trước đó, tại buổi họp báo diễn ra chiều 20-4, trả lời báo chí về vấn đề hỗ trợ an ninh hàng hải, đại sứ Mỹ tại Việt Nam khẳng định Mỹ cam kết tăng cường năng lực để giúp việt Nam đảm bảo an ninh hàng hải và nâng cao năng lực nhận thức hàng hải. Một trong những nỗ lực nổi bật này là trong những năm vừa qua Mỹ đã cung cấp 2 tàu tuần tra cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

    “Đây là minh chứng rõ ràng cho mối quan tâm của chúng tôi trong việc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải. Chúng tôi đã sẵn sàng chuyển giao tàu tuần tra thứ 3 cho Việt Nam và đang trong quá trình thảo luận với Chính phủ Việt Nam”, ông Knapper nói.

    Về quan hệ hai nước, đại sứ Mỹ cho rằng hai nước đã mở rộng mối quan hệ, phát triển quan hệ hợp tác trên tất cả các khía cạnh thương mại, đầu tư, năng lượng, giao lưu văn hóa, giao lưu giữa nhân dân 2 nước và quan hệ giữa 2 nước đã phát triển theo cách mà bản thân ông cũng không hình dung được trong 15 năm trước đây.

    Đại sứ Mỹ cũng nhấn mạnh, nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ lên đối tác chiến lược không chỉ là ưu tiên của cá nhân ông mà còn là ưu tiên của chính quyền Mỹ. Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris trong chuyến thăm đến Việt Nam năm ngoái đã nhấn mạnh ý muốn của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ Việt Nam – Mỹ.

    Đại sứ Knapper cũng cho rằng đã đến lúc hai nước nâng cấp quan hệ vì đã gần 10 năm trôi qua kể từ khi hai nước trở thành đối tác toàn diện.

    Tin tức liên quan đến chuyện nâng tầm đối tác, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên hôm 21-3 khẳng định với Đại sứ mới của Mỹ tại Hà Nội, Marc Knapper, rằng Việt Nam sẽ hợp tác hiệu quả với Hoa Kỳ để đạt mục tiêu nâng quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước lên một tầm cao mới.

    Lời khẳng định nói trên được Bộ trưởng Diên đưa ra khi tiếp Đại sứ Knapper, người mới nhậm chức hồi tháng 1 năm nay.

    Trong một phiên điều trần hồi tháng 7 năm ngoái tại Thượng viện Mỹ, ông Knapper cam kết sẽ nỗ lực hết mình để đưa mối quan hệ với Việt Nam từ đối tác toàn diện lên chiến lược.

    Đầu tư và thương mại là một trong 4 lĩnh vực mà theo ông Knapper, người được Tổng thống Joe Biden đề cử vị trí đại sứ Mỹ tại Hà Nội thay ông Daniel Kritenbrink, cho rằng Mỹ và Việt Nam cùng chia sẻ lợi ích khi nói tại buổi điều trần ở Washington DC. Ba lĩnh vực khác bao gồm an ninh, giải quyết hậu quả sau chiến tranh, và giao lưu nhân dân.

    Mỹ là nước lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh khi Trung Quốc có các hành động “bắt nạt” Việt Nam và các nước láng giềng trên Biển Đông trong những năm gần đây cũng như trở thành nước trợ giúp vắc-xin chống Covid-19 lớn nhất cho Việt Nam với gần 40 triệu liều kể từ khi đại dịch bắt đầu cách đây hơn 2 năm.

    Nhớ lại dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ (1995-2015), ông Lê Công Phụng – cựu Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ; cựu Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam, nguyên Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về biên giới, lãnh thổ với Trung Quốc, có nhận định đáng chú ý như sau (trích):

    “Về an ninh chính trị, hai bên đã đạt được một bước tiến lớn. Hai nước đã đạt tới mức là đối tác hợp tác toàn diện. Nhưng đó chỉ là cái tên gọi thôi, còn điều cốt lõi là hai nước đã từ mối quan hệ đối địch mà trở thành đối tác toàn diện, hợp tác ngày càng có hiệu quả.

    Về hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ, mối quan hệ này phát triển tương đối thuận, nhưng không nhanh. Về phía Mỹ, họ muốn đẩy mạnh hơn nữa, chẳng hạn như họ sẵn sàng mời sĩ quan quân đội Việt Nam sang đào tạo, chi tiền cho mình đào tạo. Mình hoan nghênh ý tưởng của họ, nhưng lúc đầu chỉ đưa được một số sĩ quan quân y sang thôi.

    Tại sao vậy? Là vì Việt Nam không ở trong cái thế muốn làm gì thì làm, vẫn phải cảnh giác, với Mỹ một phần và các nước khác một phần, để Việt Nam khỏi bị rơi vào thế kẹt. Trong chuyện này Việt Nam vẫn phải tính lợi đến đâu và bất lợi đến đâu.

    Tóm lại, trong 20 năm vừa rồi, chúng ta đã giải quyết được căn bản những khác biệt giữa Mỹ và Việt Nam, và hai nước đang hiểu nhau rất nhiều, sâu sắc, đa dạng và trên cơ sở chia sẻ lợi ích. Hai bên cũng xác định được cái gì còn khác biệt, thì định hình và khoanh lại vào để từng bước xử lý. Đặc biệt trong 20 năm qua, giữa Mỹ và Việt Nam không hình thành các khác biệt thêm, và đó là điểm được chúng tôi đánh giá cao”…

    Bên lề ở cả hai cuộc họp báo kể trên, một nhà báo ở trong nước lâu nay vẫn đang cộng tác với trang Việt Nam Thời Báo có nhận xét rằng vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, tuy không quá quan trọng hoặc không được nhắc nhiều dưới thời Tổng thống Trump, nhưng lại là vấn đề nhạy cảm đối với chính quyền ngài Biden và từng là một điểm trong chiến dịch tranh cử của ông.

    “Sẽ là tín hiệu tích cực cho điều chỉnh cách hiểu về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam khi Hà Nội đạt thỏa thuận về đối tác chiến lược với Hoa Kỳ” – vị nhà báo chia sẻ hy vọng trước thềm Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII của Đảng sẽ diễn ra trong vài tuần lễ tới đây.

    Không có nhận xét nào