Header Ads

  • Breaking News

    Ngọc Vân - Cần tận dụng tình trạng thiếu lao động do COVID để đòi tăng lương và giảm giờ làm

    VNTB – Cần tận dụng tình trạng thiếu lao động do COVID để đòi tăng lương và giảm giờ làm

    Công nhân Việt Nam có khả năng đấu tranh cho quyền lợi của mình

    Nhân dân lao động là những người chịu nhiều đau khổ thiệt thòi nhất trong cơn đại dịch COVID vừa qua. Họ phải làm việc trong điều kiện ba tại chỗ (1) và không được ưu tiên chủng ngừa trong khi những người đầy tớ của họ, được chích vắc xin Hoa Kỳ, làm việc tại nhà, và đi chơi gôn. Sau đó, họ bị nhốt tại nhà mà không có thu nhập hay được trợ cấp. Dường như chưa thấy nhân dân đủ khổ, mới đây, Quốc Hội Việt Nam lại bồi thêm một cú nữa, cho phép giới chủ được phép bắt buộc công nhân làm việc ngoài giờ đến 60 giờ/tháng. Vì tình trạng thiếu lao động do COVID trong cả nước, vì nhà nước ưu tiên phục vụ nhu cầu của giới chủ và tiếp tay cho họ bóc lột người lao động, công nhân, và toàn thể nhân dân lao động Việt Nam hãy đình công đòi tăng lương, giảm giờ làm.

    Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

    Nhiều người cho rằng đấu tranh với Nhà nước Việt Nam hiện nay, như trứng chọi đá. Lập luận này không phải là không có lý, chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận, nhiều người đã phải chịu những án tù trên 10 năm. Ba trong số những người tù này là thành viên của Việt Nam Thời Báo, ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy, và ông Lê Hữu Minh Tuấn. Gần đây, nhiều người chịu án tù không phải vì viết báo mà chỉ vì chia sẻ những thông tin, quan điểm không được Nhà Nước chấp nhận trên Facebook cá nhân của họ. 

    Tuy vậy, về mặt năng lực, thực tế cũng cho thấy công nhân Việt Nam có khả năng đấu tranh cho quyền lợi của mình. Họ đã tổ chức rất nhiều cuộc đình công trong hàng chục năm nay và trong hầu hết các cuộc đình công, phần lớn các yêu cầu của họ đều được giới chủ đáp ứng. Có những cuộc đình công đã buộc Nhà nước phải nhượng bộ. Cụ thể là cuộc đình công của công nhân hãng Pouyen, phản đổi Luật Bảo Hiểm Xã Hội vào năm 2015. Sau một thời gian công nhân đình công, Quốc Hội đã hủy bộ luật bảo hiểm xã hội mà họ mới thông qua.

    Như vậy, công nhân đã chứng tỏ họ có khả năng đấu tranh. Tại sao công nhân thực hiện được điều này? 

    Nhà nước Việt Nam có hai mục tiêu chính, ổn định chính trị và phát triển kinh tế và hai mục tiêu này gắn liền với nhau. Có ổn định chính trị mới có thể phát triển kinh tế. Có phát triển kinh tế mới có thể ổn định chính trị. Nếu không ổn định chính trị, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút đi, kinh tế sẽ suy thoái. Tình trạng suy thoái kinh tế, đến lượt nó, sẽ làm cho nhân dân bất mãn hơn. Hàng ngày đã phải sống không có tự do, nếu thiếu cơm ăn áo mặc, họ sẽ càng bất mãn. Khi đa số dân chúng phẫn nộ, các phong trào quần chúng có thể nổi lên và khả năng cầm quyền của Đảng Cộng Sản bị đe dọa. Vì vậy, khi công nhân đình công vì quá khổ, nhà cầm quyền thường yêu cầu giới chủ nhượng bộ để xoa dịu họ.

    Tình hình trong nước cũng rất thuận lợi cho việc đấu tranh. Có thể nói, trong vài năm tới nhân dân lao động khó có cơ hội nào tốt hơn. Thứ nhất, nhà cầm quyền và giới chủ đang phải đối diện với tình trạng thiếu lao động vì dịch COVID. Biến chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh và rộng khiến nhiều người bị nhiễm. Và khi bị nhiễm, họ phải nghỉ làm để cách ly. 

    Thứ hai, tỷ lệ tiêm chủng bằng các vắc xin của Mỹ ở Việt Nam thấp. Nhiều người được chủng ngừa bằng vắc xin của Trung Quốc. Do đó, tình trạng nhiễm COVID nặng đến mức phải nghỉ làm hay bệnh nặng cũng cao. Như vậy, tình trạng thiếu lao động ở Việt Nam đang diễn ra trầm trọng. Chính vì vậy mà Quốc Hội mới ra nghị quyết cho phép giới chủ tăng số giờ làm việc ngoài giờ tối đa. Tóm lại, đây là lúc mà Nhà nước và giới chủ cần công nhân, và dễ nhượng bộ công nhân hơn lúc nào hết.

    Tình hình quốc tế cũng đang rất thuận lợi cho việc đấu tranh của nhân dân lao động. Hệ thống cung cấp hàng hóa của thế giới đang gặp nhiều vấn đề trầm trọng. Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu nhiều hàng hóa nhất trên thế giới đang chịu nhiều cơn bùng phát dịch COVID và phải phong tỏa nhiều thành phố, trong đó có Thượng Hải, nơi có hải cảng vận chuyển tới 10% hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. 

    Chiến tranh ở Ukraine cũng làm gián đoạn hệ thống cung cấp hàng hóa của thế giới. Giá dầu mỏ và nguyên liệu tăng cao, gây khó khăn cho nhiều quốc gia nhập khẩu dầu mỏ, trong đó có Việt Nam. Chiến tranh tại quốc gia này cũng gây khó khăn trong việc vận tải đường biển, qua Biển Đen.

    Tình hình lạm phát gia tăng ở Hoa Kỳ có thể cũng sẽ gây nhiều khó khăn cho Việt Nam. Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ mới tăng lãi suất và dự kiến còn tiếp tục tăng nhiều lần trong năm 2022. Khi đó, áp lực lãi suất trong việc trả các khoản nợ của chính phủ Việt Nam, của các doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng theo.

    Có thể vài tháng nữa, khi Trung Quốc kiểm soát được đại dịch, chiến tranh ở Ukraine kết thúc, Việt Nam nhập được nhiều vắc xin của Hoa Kỳ, cơ hội vàng này sẽ không còn nữa.

    Yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm

    Chúng ta muốn có thu nhập đủ sống, muốn có đủ thời gian nghỉ ngơi và lo cho bản thân, gia đình và con cái. Chúng ta không cần thay đổi chế độ. Đảng Cộng Sản Việt Nam có thể cầm quyền, nếu họ đáp ứng được hai điều này cho chúng ta. Do đó, anh chị em công nhân tại các hãng xưởng hãy đòi những điều sau:

    Lương đủ cao để làm 48 giờ/tuần là đủ sống. Nếu có làm ngoài giờ, là để để dành cho những lúc hoạn nạn, để mua nhà, để cho con đi học, v.v.

    Mức tăng lương hàng năm phải bằng hoặc cao hơn mức lạm phát. Anh chị em cũng biết, vật giá mỗi ngày mỗi leo thang và lương tăng không đủ bù giá tăng. Do đó, mức tăng lương hàng năm phải bằng hoặc cao hơn mức tăng giá.

    https://vietnamthoibao.org


    Không có nhận xét nào