Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Lê – Nội chiến và hòa giải dân tộc kiểu ...Mỹ.


    Tượng đài tướng Robert E. Lee tại Richmond, bang Virginia

    Mỗi đất nước, mỗi dân tộc, có những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, song bản chất của chiến tranh chỉ có một. Đó là núi xương sông máu, mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, hận thù chồng chất hận thù. Còn nếu là nội chiến thì tình hình còn thê thảm hơn, anh em cùng một nguồn cội, một tổ tiên, chỉa súng bắn nhau, kẻ chiến thắng hỉ hạ cười vui, người thua cuộc cúi đầu câm lặng.

    Nhưng cuộc nội chiến ở Mỹ thập niên 1860 mang một dáng dấp khác, vì cuối cùng đã kết thúc không với những trại tù binh, trại cải tạo, không có những người Mỹ liều mình với Tử thần để đào thoát ra nước ngoài, mà chỉ có tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sự xí xóa của kẻ thắng với người bại, cùng chung sức tái thiết để sớm đưa nước Mỹ trở thành một cường quốc.

    Giữa thế kỷ 19, phần lớn các tiểu bang phía Nam nước Mỹ sống về nông nghiệp, với những đồn điền trồng bông vải rộng lớn. Loại hoạt động này cần nhiều nhân công và truyền thống sử dụng người nô lệ da đen đã ăn sâu vào đời sống xã hội từ thời tổng thống đầu tiên của nước Mỹ là Georges Washington còn là một chủ nô với hàng ngàn nô lệ phục vụ tại trang trại của ông.

    Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1860, ứng cử viên đảng Cộng hòa Abraham Lincoln đắc cử. Ông là người cương quyết chống lại việc bành trướng chế độ nô lệ trên nước Mỹ. Trước lễ tấn phong Lincoln dự kiến diễn ra vào ngày 4.3.1861, bảy tiểu bang sử dụng nhiều nô lệ tại các đồn điền trồng bông vải tuyên bố thành lập Liên minh (Confederacy), về sau có thêm 4 tiểu bang nữa gia nhập.

    Hội nghị giữa chính phủ Lincoln và tổ chức Liên minh nhằm tìm một giải pháp dung hòa bị thất bại. Liên minh phía Nam cử Jefferson Davis lên làm tổng thống và ngày 12.4.1861, quân đội của họ dưới quyền tư lệnh của tướng Robert E. Lee bắt đầu tấn công đồn Sumter của chính quyền liên bang tại South Carolina. Cuộc nội chiến bắt đầu. Phía Liên minh hi vọng là chiến tranh sẽ ảnh hưởng nặng đến các nước châu Âu đang cần thỏa mãn nhu cầu về bông vải nhập từ Mỹ, khiến họ sẽ can thiệp, buộc chính quyền liên bang nhượng bộ. Song không nước nào can thiệp, mặt khác chính quyền của tổng thống Jefferson Davis cũng không được nước nào công nhận.

    Năm 1864, tổng thống Lincoln cử tướng Ulysse S. Grant làm tư lệnh đạo quân phương Bắc. Bất lợi về chính trị, ngoại giao cùng những thất bại trên nhiều mặt trận khiến cho Liên minh phương Nam không xoay chuyển được tình thế.

    Chỉ trong 4 năm, cuộc nội chiến đã gây ra tổn thất chung hơn 600 ngàn binh sĩ của cả hai phía, nhiều cơ sở hạ tầng ở các tiểu bang phía Nam bị phá hủy.

    Tháng 4.1865, Liên minh phương Nam rơi vào tình thế tuyệt vọng, tướng Tư lệnh Robert E. Lee quyết định đầu hàng để tránh thêm tổn thất. Ngày 7.4.1865, ông viết thư cho tướng Grant, Tư lệnh đạo quân phương Bắc, ngỏ ý muốn kết thúc chiến tranh. Grant đích thân viết thư trả lời, hoan nghênh đề nghị của Lee, và cuối cùng cả hai thỏa thuận gặp nhau vào sáng ngày 9.4.1865 tại ngôi nhà của một cư dân tên Wilmer McLean ở làng Appomattox Courthouse.

    10 giờ sáng ngày hẹn, tướng Lee đến trước trong bộ quân phục thẳng thớm, dáng điệu đường bệ, bên hông lủng lẳng thanh trường kiếm. Còn tướng Grant thì sau một đêm bị đau đầu dữ dội, ông đến nơi hẹn trong bộ quân phục xốc xếch, giày và quần bị dính bùn, thậm chí có tài liệu còn ghi rằng trên hai cầu vai áo của ông, chỉ còn lại một bên có cấp bậc thiếu tướng, còn cầu vai bên kia, chẳng có gì!

    Vị tướng thắng trận (Grant) và tướng thua trận (Lee) chẳng lạ gì nhau. Họ từng chiến đấu chung trong cuộc chiến Mexico-Mỹ những năm 1846-1848, nay tuy kẻ thắng người bại, song vẫn dành cho nhau sự tương kính. Grant và Lee, mỗi người ngồi cạnh một chiếc bàn nhỏ, cách nhau chừng 3 mét. Họ nhìn nhau, chưa vội đi vào vấn đề chính mà cùng nhắc lại những kỷ niệm trong cuộc chiến với Mexico. Hồi lâu sau, Lee yêu cầu Grant thảo văn kiện chấp nhận sự đầu hàng của Liên minh phương Nam. Grant đích thân ngồi thảo văn kiện này, nội dung có ít nhất ba điều khoản quan trọng:

    - Sĩ quan, binh sĩ thua trận để lại vũ khí, trọng pháo, tài sản công, sẽ có sĩ quan của tướng Grant tiếp nhận và gìn giữ.

    - Sĩ quan bên thua trận được giữ lại vũ khí tùy thân, ngựa và hành trang riêng của mỗi người.

    - Sĩ quan và binh sĩ thua trận được trở về nhà mà không bị quấy rầy bởi các chính quyền thuộc bên thắng trận.

    Chẳng những thế, tướng Grant còn cho các sĩ quan, binh sĩ Liên minh phương Nam được mang hết lừa và ngựa về để tiếp tục việc canh tác tại quê nhà của họ. Khi ông vừa cưỡi ngựa chạy ra khỏi ngôi nhà Mclean, binh sĩ phe thắng trận đang tụ tập quanh đó đã nhảy cẩng lên, hò reo trong nỗi hân hoan tột cùng. Grant lập tức dừng ngựa lại, ra lệnh cho mọi người im lặng và tuyên bố là ông không muốn binh sĩ của mình nhảy múa trên nỗi đau của những người bại trận. Thái độ cao thượng và đầy tính nhân văn đó của ông được lịch sử nước Mỹ ghi nhận và từ đó, mọi người thường nhắc lại với tất cả lòng ngưỡng phục.

    Hai ngày sau nữa, hơn 27 ngàn binh sĩ Liên minh phương Nam dưới quyền của tướng Georges Gordon cũng đầu hàng nốt. Trong buổi lễ chấp nhận sự đầu hàng của họ, người ta chứng kiến một cảnh tượng cảm động: trung tướng Lawrence Chamberlain, đại diện chính quyền liên bang ra lệnh binh sĩ của ông bồng súng chào những người thất trận, đầu hàng, như một cử chỉ nói lên lòng tương thân, tương kính. Trước thịnh tình bất ngờ đó, Gordon cũng ra lệnh binh sĩ của mình bồng súng chào đáp lễ. Hành động của Chamberlain một lần nữa cho thấy tinh thần mã thượng của người thắng trận.

    ****

    Đài tưởng niệm chiến sĩ vô danh trong cuộc nội chiến (Civil War Unknown Monument) là công trình tưởng niệm đầu tiên được dựng lên vào năm 1866 tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington của Mỹ. Nơi đây chứa hài cốt của 2.111 chiến sĩ vô danh của cả hai miền Nam – Bắc Mỹ, phần lớn được phát hiện khi không còn nhận dạng được nữa.

    Tại đài tưởng niệm, người ta đọc thấy những dòng chữ sau: “Bên dưới tảng đá này là hài cốt của 2.111 chiến sĩ vô danh được đưa về từ các chiến trường Bull Run và trên đường dẫn đến Rappahanock, sau khi chiến tranh kết thúc, hài cốt của họ không thể xác định được. Nhưng tên và cái chết của họ được ghi nhận trong văn khố nước Mỹ, và đồng bào của họ vinh danh họ với lòng biết ơn như đối với các liệt sĩ. Cầu mong cho họ yên nghĩ trong sự bình an. Tháng 9.1866 “.

    Những người được vinh danh không phân biệt Bắc-Nam, cho dù họ từng là kẻ thù của nhau khi còn sống, điều này nói lên tính nhân văn đích thực của dân tộc Mỹ từ cách nay gần 160 năm, người chiến thắng không cư xử vô nhân với kẻ chiến bại. Năm 1901, thân nhân của khoảng hơn 260 binh sĩ phía Nam (phe chiến bại) được phép khai quật và cải táng hài cốt họ tại một khu vực rộng 14 ngàn mét vuông ở phía Tây Nghĩa trang Quốc gia Arlington.

    Lễ tưởng niệm binh sĩ thuộc Liên minh phương Nam (Confederate Memorial Day) đã diễn ra lần đầu tiên vào ngày 7.6.1903 và sau nhiều cuộc vận động, quyên góp, ngày 12.11.1912, người Mỹ đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng Đài tưởng niệm Liên minh phương Nam (Confederate Memorial), nhằm tưởng nhớ những người thuộc phe chiến bại đã ngã xuống trên các chiến trường trong cuộc nội chiến Nam-Bắc những năm 1861-1865.

    Đài tưởng niệm nằm trong khu 16 của Nghĩa trang Quốc gia Arlington, được tổng thống Mỹ Woodrow Wilson khánh thành ngày 4.6.1914 và từ đó, khu này tiếp tục dành an táng những cựu chiến binh thuộc Liên minh phương Nam đã từ trần. Ngày nay, nhiều tiểu bang phía Nam của nước Mỹ đều có đài tưởng niệm riêng (Confederate Monument) dành cho những chiến sĩ của họ tham gia đội quân phương Nam trong cuộc nội chiến. Hàng năm, họ được quyền cử hành ngày lễ mà họ gọi là Lễ tưởng niệm Liên minh phương Nam (Confederate Memorial Day) hay Ngày lễ các anh hùng Liên minh phương Nam (Confederate Heroes Day). Đó là hành động hòa giải đích thực của dân tộc Mỹ, cùng nhau quên quá khứ tương tranh để chung lòng xây dựng một đất nước an bình và thịnh vượng.

    Lê Nguyễn

    29.4.2022

    Không có nhận xét nào