Header Ads

  • Breaking News

    Phạm văn Vĩnh – Ảnh hưởng của cuộc chiến tại Ukraine vào đời sống trên thế giới

    Ngoài đau khổ, tàn phá và khủng hoảng mà Ukraine phải chịu đựng, ngoài hậu quả kinh tế mà người dân Nga phải chấp nhận, cuộc chiến tranh hiện tại cũng ảnh hưởng ít nhiều đến thế giới bên ngoài vì Nga và Ukraine đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu hoá.

    Bài viết này phần lớn căn cứ vào các tài liệu sau đây:

    1.    How War in Ukraine Is Reverberating Across World’s Regions (tạm dịch Cuộc chiến tại Ukraine ảnh hưởng ra sao đến các nơi trên thế giới), bài viết của các tác giả Alfred Kammer, Jihad Azour, Abebe Aemro Selassie, IIan Goldfajn và Changyong Rhee đăng trên trang blog của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày15 tháng 3 năm 2022.

    2.    Ukraine war’s impact on trade and development (tạm dịch Tác động của cuộc chiến Ukraine trên hai lãnh vực thương mại và phát triển), bác cáo của tổ chức Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) phát hành ngày 16 tháng 3 năm 2022.

    3.     Một số tin tức trên các trang báo Âu Mỹ trong những ngày vừa qua

    Hai lãnh vực kinh tế mà Nga và Ukraine đóng góp rất nhiều trên thị trường thế giới là hàng hoá thực phẩm và nhiên liệu. Tính theo tỷ lệ thị trường toàn cầu (thị phần) thì cả hai nước cộng chung lại sản xuất 53% hạt và dầu hướng dương, 27 % lúa mì,  23% lúa mạch, 16% hạt Colza, 14% bắp ngô.

    Nga còn xuất cảng dầu, khí đốt, than và là nước xuất cảng dầu lớn thứ hai trên thế giới, bán ra khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Liên bang Nga cũng còn cung cấp cho toàn cầu chủ yếu về các sản phẩm hoá học gồm phân bón cũng như kim loại và các sản phẩm gỗ.

    Vị trí trên địa cầu của Liên Bang Nga và Ukraine đã tự nhiên biến hai quốc gia này thành chiếc cầu nối liền hai châu Âu, Á.  Không phận Nga trong tình huống hoạt động bình thường là nơi qua lại của 36 quốc gia. Các tuyến thương mại đi qua hai nước giao tranh chắc chắn bị đình trệ hoặc gián đoạn khiến giao thương hàng hoá trở nên phức tạp. Vào năm 2021, đã có khoảng 1,5 triệu containers hàng hoá được chuyển bằng đường xe lửa từ Trung Quốc sang Âu châu. Nếu ngành giao thông này bị gián đoạn thì nhu cầu vận chuyển hàng hoá từ Á sang Âu qua đường biển sẽ tăng thêm từ 5 đến 8 phần trăm trên một hải trình từng  bị nghẽn đọng và đắt đỏ. Các chuyến bay xuyên Âu – Á trước đây thường bay qua không phận Nga, bây giờ phải đổi lộ trình dài hơn. Vì thế phí tổn hàng không sẽ cao hơn, không những cho khách du lịch mà còn ảnh hưởng đến các công ty vận tải.   

    Cuộc chiến Ukraine sẽ có tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu. Kinh tế ở nhiều nơi sẽ bị đình trệ và lạm phát sẽ tăng cao. Ảnh hưởng của cuộc chiến sẽ có thể xẩy ra qua ba hình thức:

    1.    Đầu tiên là giá cả hàng hoá và phí tổn vận tải sẽ tăng cao dẫn tới lạm phát mạnh. Điều này sẽ làm giảm khả năng mua sắm của người tiêu dùng đưa đến sản xuất bị suy thoái.

    2.    Thứ đến là các quốc gia, đặc biệt là các nước láng giềng, sẽ phải đối đầu với sự gián đoạn giao thương, chuỗi cung ứng, chuyển ngân và còn phải giải quyết việc định cư cho biết bao người tỵ nạn chiến tranh.

    3.    Sau cùng là sự mất niềm tin hay do dự của các nhà đầu tư dẫn đến giá cả tài sản bất ổn định, các điều kiện tài chính thêm khó khăn và các nhà đầu tư rất có thể sẽ rút lui khỏi các thị trường đang nổi lên.

    Một số quốc gia Âu châu hiện phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn năng lượng dầu, khí, than do Liên Bang Nga cung ứng. Nếu nguồn nhiên liệu này bị gián đoạn, ảnh hưởng kinh tế của nhiều quốc gia Âu châu sẽ trầm trọng, trong số đó có nước Đức là đầu tầu của nền kinh tế Âu châu. Rất nhiều quốc gia bị lệ thuộc vào thực phẩm đến từ Nga và Ukraine. Các nước bị lệ thuộc nhiều nhất là Thổ Nhĩ Kỳ (25%), Trung Quốc (23%), Ai Cập (22,5%), Ấn Độ (13%), Hoà Lan (9%), các quốc gia Phi châu và các quốc gia kém phát triển. Việt Nam chỉ nhập cảng 2,7%.

    Lúa mì là một vấn đề nan giải cho phần lớn các quốc gia Phi châu. Trong những năm từ 2018 đến 2020, trên tổng số lúa mì nhập cảng, Phi châu đã nhập cảng 32% lúa mì từ Nga, 12% từ Ukraine. Các nước Phi châu kém phát triển nhập cảng lúa mì từ Nga và Ukraine lần lượt  là 29% và 10%. Trong số các quốc gia Phi châu, có khoảng 25 quốc gia nhập cảng 33% trên tổng số lượng lúa mì nhập cảng, 15 quốc gia Phi châu khác nhập cảng hơn 50%.

    Ngoài hai lãnh vực thực phẩm và nhiên liệu, hai nước giao tranh còn là nơi sản xuất các sản phẩm hoá học, phân bón, kim loại, các sản phẩm gỗ và đặc biệt phụ tùng dùng trong kỹ nghệ xe hơi, điện tử. Thiếu những sản phẩm này, việc sản xuất ở những quốc gia khác chắc chắn bị đình trệ vì thiếu nguyên liệu hoặc phụ tùng.

    Thêm vào ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu sau dịch Covid-19, các quốc gia bị trực tiếp ảnh hưởng đến thương mại, tài chính và du lịch sẽ phải đối đầu với các áp lực mới. Các quốc gia bị phụ thuộc vào dầu hoả và khí đốt từ Nga sẽ bị thâm hụt tài chính và thương mại. Nói chung phần lớn các quốc gia trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng đến nguồn cung dầu khí vì các quốc gia cung cấp  dầu khí khác không đủ khả năng hay cố tình không muốn tăng sản lượng để bù đắp lượng dầu khí từ Nga. Dầu khí vì thế có khả năng khan hiếm và giá dầu khí tất nhiên sẽ tăng cao.  Ngược lại các quốc gia sản xuất dầu khí sẽ thấy doanh thu của mình tăng thêm.  

    Giá lương thực, nhiên liệu và nguyên liệu thô tăng mạnh có thể đưa đến tình trạng  thất nghiệp và đói kém tại nhiều quốc gia kém phát triển như trường hợp của các quốc gia Phi châu Hạ Sahara (Subsahara), các quốc gia ở châu Mỹ La tinh, các quốc gia ở miền Caucase, khu vực Trung Á và Trung Đông.  Đói nghèo dễ đưa đến xáo trộn xã hội. Ở cấp độ nhỏ thì trộm cắp. Hơn nữa thì Cướp bóc, loạn lạc. Khi mà dân chúng không còn gì để sống, họ sẽ dễ dàng nổi dậy, chống đối. Lịch sử đã cho chúng ta thấy nhiều trường hợp như vậy trong đó có thể kể đến cuộc cách mạng Pháp vào năm 1789 chỉ vì người dân không còn gì để sống. Cuộc “cách mang mùa xuân” tại trung đông vào năm 2010 cũng vì đói nghèo mà ra. 

    Vì giá cả nhiên liêu tăng cao và vì sự gián đoạn của nhiều đường vận chuyển, giá cả vận chuyển tính theo container của một số hàng hoá có liên quan sẽ tăng cao. Theo thống kê của tổ chức UNCTAD đã viết ở trên, 10 loại hàng hoá có độ tăng giá cao nhất là các sản phẩm máy tính, điện tử và quang học (tăng 11,4% cho mỗi container); Sản phẩm nội thất  và các sản phẩm công nghệ khác (10,2%); Hàng dệt, may mặc và sản phẩm bằng da (10,2%); Sản phẩm cao su và nhựa (9,4%); Thuốc men và chế phẩm thuốc (7,5%); Thiết bị điện (7,5%); Thiết bị vận tải khác (7,2%); Xe cơ giới, rờ mọoc và bán rờ mọoc (6,9%); Sản phẩm kim loại chế tạo trừ máy móc và thiết bị (6,8%); Máy móc và thiết bị chưa được liệt kê (6,4%).

    Ngoài các ảnh hưởng tiêu cực như đã viết ở trên, cuộc chiến Ukraine cũng đem lại lợi ích cho một số quốc gia trong đó có các quốc gia sản xuất dầu khí.  Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang lợi dụng tình thế mua ào ạt dầu thô của Nga với giá rẻ. Hoa Kỳ trong những ngày vừa qua đã nhận bán cho nước Đức 35 máy bay chiến đấu F-35, bán cho Bảo Gia Lợi 8 máy bay F-16, bán cho Ba Lan 250 xe tăng Abrams và một trung tâm nguyên tử lực, bán khí đốt hoá lỏng cho Âu châu. Đó là chưa kể các loại vũ khí cần thiết để trang bị cho các máy bay chiến đấu và xe tăng vừa kể. Chỉ cần đáp ứng lượng vũ khí và thiết bị quân sự viện trợ cho Ukraine, kỹ nghệ quốc phòng Hoa Kỳ đang trên đà tăng trưởng cao độ.

    Paris 06/04/2022

    Phạm văn Vĩnh

    https://khoahocnet.com/2022/04/07


    Không có nhận xét nào