Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ năm 07 tháng 4 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Điện Kremlin lấy làm lạ về việc Mỹ trừng phạt các ái nữ của ông Putin 

    07/04/2022 

    Reuters 

    Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.

    Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. 

    Hôm 7/4, Điện Kremlin cho biết họ rất bối rối về quyết định của Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các con gái đã trưởng thành của Tổng thống Nga Vladimir Putin, mô tả động thái này là một phần của sự điên cuồng trên quy mô lớn của phương Tây đối với Nga, theo Reuters.

    Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ hôm 6/4 đối với Moscow vì can thiệp quân sự vào Ukraine nhằm vào các ngân hàng và giới tinh hoa của Nga, bao gồm cả hai con gái của ông Putin là Katerina và Maria, những người mà các quan chức Mỹ tin rằng đang che giấu sự giàu có của cha họ.

    Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Tất nhiên, chúng tôi coi những biện pháp trừng phạt này là bước gia tăng quan điểm hết sức điên rồ về việc áp đặt các chế tài”.

    Ông Peskov nói rằng Điện Kremlin không thể hiểu tại sao các con gái của ông Putin lại bị nhắm mục tiêu như vậy.

    Ông nói: “Đây là điều khó hiểu và khó giải thích. Thật đáng tiếc, chúng tôi phải đối phó với những người phản đối như vậy.”

    Bà Katerina Tikhonova, con gái của Putin, là một giám đốc điều hành công nghệ có công việc hỗ trợ chính phủ Nga và ngành công nghiệp quốc phòng của nước này, theo chi tiết trong gói trừng phạt của Mỹ được công bố hôm 6/4.

    Bà Maria Vorontsova, một người con gái nữa của ông Putin, là lãnh đạo các chương trình do chính phủ tài trợ đã nhận được hàng tỷ đôla từ Điện Kremlin cho nghiên cứu di truyền học và được đích thân ông Putin giám sát, Hoa Kỳ cho biết.

    Từ trước đến nay, ông Putin luôn giữ kín cuộc sống riêng tư của mình và gia đình. Điện Kremlin thường bác bỏ các câu hỏi về chuyện này, với lý do quyền riêng tư của ông.

    Moscow: Các nước sẽ “chịu hậu quả” nếu bỏ phiếu loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/04/UN-assembly.jpg

    Ngày 6/4, Reuters trích dẫn một bản ghi chú cho hay, Nga đã cảnh báo các nước tại Liên Hợp Quốc (LHQ), việc bỏ phiếu thuận hoặc bỏ phiếu trắng đối với việc Mỹ muốn đình chỉ Moscow tham gia Hội đồng Nhân quyền sẽ được coi là một “cử chỉ không thân thiện”, có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc cho quan hệ song phương.

    Hôm 4/4, Hoa Kỳ đã có động thái ngăn cản Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ), khi Bộ Ngoại giao tuyên bố sẽ thu thập bằng chứng về tội ác chiến tranh được cho là đã diễn ra ở Ukraine.

    Đại hội đồng LHQ gồm 193 thành viên sẽ bỏ phiếu về vấn đề này trong ngày 7/4.

    Theo quy định, nếu 2/3 đa số thành viên bỏ phiếu – không tính phiếu trắng – có thể loại bỏ một quốc gia khỏi Hội đồng Nhân quyền, khi nước này vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng và có hệ thống.

    Phái bộ của Nga tại Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước “lên tiếng phản đối nghị quyết chống Nga” này. Hiện chưa rõ có bao nhiêu nước nhận được bức thư của Nga.

    Nội dung bức thư nêu rõ: “Điều đáng nói là không chỉ hành động (bỏ phiếu thuận) ủng hộ cho một sáng kiến như vậy, mà cả việc bỏ phiếu trắng hoặc không tham gia bỏ phiếu cũng sẽ được coi là một cử chỉ không thân thiện.”

    “Ngoài ra, vị thế của mỗi quốc gia cũng sẽ được xếp đặt lại khi tính đến việc phát triển quan hệ song phương với Moscow, cũng như ở những vấn đề quan trọng khác đối với quốc gia đó trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc.”

    Phái bộ của Nga tại Liên Hợp Quốc từ chối bình luận về bức thư nói trên vì nó không được công khai. Hội đồng Nhân quyền có tổng cộng 47 thành viên, mỗi thành viên có nhiệm kỳ 3 năm. Nga hiện đang ở năm thứ hai của nhiệm kỳ 3 năm.

    “Việc Nga ngang nhiên và công khai đe dọa các quốc gia bỏ phiếu loại họ khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc chỉ là bằng chứng thêm cho thấy Nga cần phải bị đình chỉ ngay lập tức,” bà Olivia Dalton, phát ngôn viên phái bộ Mỹ tại Liên Hợp Quốc đưa ra phản hồi về lời cảnh báo của Moscow.

    Kể từ khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua hai nghị quyết tố cáo và lên án Nga, với lần lượt 141 và 140 phiếu ủng hộ. Về phía Moscow, họ khẳng định chỉ là đang tiến hành “hoạt động đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa Ukraine.

    Đáng chú ý, Nga vẫn luôn phủ nhận việc tấn công dân thường ở Ukraine. Ngày 5/4, Đại sứ Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia của Nga nhấn mạnh, trong khi Bucha nằm dưới sự kiểm soát của Nga, “không một người dân thường nào phải chịu bất kỳ hình thức bạo lực nào”.

    Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trước đây từng đình chỉ một quốc gia khỏi Hội đồng Nhân quyền. Tháng 3/2011, các nước thành viên LHQ đã nhất trí loại Libya ra khỏi cơ quan này vì hành vi bạo lực của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo lúc đó là ông Muammar Gaddafi nhàm vào những người biểu tình.

    Minh Ngọc (Theo Reuters)

    Liên Hiệp Quốc biểu quyết về việc khai trừ Nga khỏi Hội Đồng Nhân Quyền

    Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Linda Thomas-Greenfield, phát biểu trước Hội Đồng Bảo An, New York, Hoa Kỳ, ngày 5/4/2022. REUTERS - ANDREW KELLY 

    Chiều ngày 07/04/2022, tại New York, 193 thành viên Liên Hiệp Quốc tham gia cuộc họp biểu quyết về đề xuất của Mỹ loại Nga ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền. Quân đội Nga bị cáo buộc chà đạp nhân quyền « một cách trắng trợn và có hệ thống » khi tấn công thường dân Ukraina. Cuộc họp của Liên Hiệp Quốc diễn ra sau khi những hình ảnh khủng khiếp tại Bucha được công bố, gây chấn động.  

    Để có hiệu lực, dự thảo nghị quyết của Hoa Kỳ phải được 2/3 trong số 193 thành viên Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thuận. Hãng tin Anh lưu ý, phương Tây tin tưởng là sẽ đạt được số phiếu tối thiểu này để tạm thời khai trừ Liên Bang Nga ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ.

    Theo lời đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Linda Thomas-Greenfield, đây là một thông điệp mạnh mẽ cảnh cáo Matxcơva không thể vừa đánh trống vừa thổi còi, vừa vi phạm các quyền cơ bản của con người, nhưng đồng thời vẫn có tiếng nói trong Hội Đồng Nhân Quyền.

    Vẫn theo Reuters, trước giờ biểu quyết, phía Matxcơva đã trực tiếp đe dọa các nước thành viên trong định chế đa quốc gia này : quyết định bỏ phiếu thuận để khai trừ Nga và kể cả trong trường hợp không tham gia cuộc biểu quyết chiều nay, sẽ được hiểu như một hành động « không thiện cảm » với nước Nga và kèm theo đó là những hậu quả trong bang giao với Matxcơva.

    Từ khi Nga đưa quân xâm lược Ukraina, Liên Hiệp Quốc đã hai lần thông qua nghị quyết, với đa số áp đảo, lên án Nga tấn công Ukraina và đòi điện Kremlin rút quân khỏi nước láng giềng. Nga hiện là một trong số 47 thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền. Nhiệm kỳ ba năm của Hội Đồng Nhân Quyền khóa này hiện đã bước sang năm thứ nhì. 

    Trung Quốc cảnh báo về biện pháp mạnh mẽ nếu bà Pelosi thăm Đài Loan

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/04/1542391.jpg

    Trung Quốc hôm thứ Năm (7/4) cảnh báo rằng họ sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới thăm Đài Loan. Bắc Kinh nói một chuyến thăm như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ Trung – Mỹ. Trung Quốc đưa ra tuyên bố như vậy sau khi truyền thông đưa tin bà Pelosi sẽ thăm Đài Loan vào Chủ Nhật (10/4).

    Fuji News Network (FNN) hôm thứ Năm (7/4) dẫn các nguồn tin riêng, tuyên bố rằng bà Pelosi sẽ dẫn đầu một phái đoàn Mỹ tới thăm Nhật Bản vào thứ Sáu (8/4) và sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào Chủ Nhật (10/4) để thảo luận về điều phối phản ứng với cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine. Theo FNN, bà Pelosi sau đó sẽ di chuyển tới Đài Loan, vì bà quan ngại về việc Trung Quốc có thể dùng vũ lực “thay đổi nguyên trạng” Đài Loan trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.

    Bà Pelosi được cho là ban đầu đã có kế hoạch thăm Hàn Quốc sau Nhật Bản, nhưng chuyến thăm Seoul đã bị hủy để ưu tiên Đài Bắc.

    Cũng trong ngày 7/4, tờ UDN đưa tin rằng phái đoàn của bà Pelosi đã lên lịch đến Đài Loan vào Chủ Nhật (10/4).

    Theo Taiwain News, bà Pelosi và các thành viên khác trong đoàn đang kín tiếng về chuyến công du châu Á lần này và họ chưa đưa ra thông báo công khai về chuyến thăm Đài Loan. Tháp tùng bà Pelosi lần này khả năng có ông Gregory W. Meeks, Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Hạ viện Mỹ.

    Ông Gregory W. Meeks năm ngoái đã bày tỏ mong muốn tới thăm Đài Loan. Hồi tháng 12/2021, ông đã loan báo kế hoạch dẫn đầu một phái đoàn lưỡng đảng của Hạ viện Mỹ tới thăm Đài Loan vào tháng 1/2022, kết hợp trong một chuyến công du châu Á, tuy nhiên chuyến thăm này đã bị hủy vì đại dịch COVID-19 và các vấn đề liên quan đến lịch trình làm việc.

    Theo Reuters, văn phòng của bà Pelosi chưa trả lời câu hỏi liên quan đến chuyến thăm Đài Loan. Theo thông lệ chuẩn, các phái đoàn Mỹ trong những năm gần đây đã tránh loan báo công khai các chuyến thăm Đài Loan cho đến ngày họ đặt chân tới quốc đảo dân chủ, điều đó nhằm mục đích làm giảm thiểu sự phản đối ngoại giao và cản trở từ Bắc Kinh.

    Chính phủ Đài Loan cũng chưa lên tiếng xác nhận về chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi.

    Tuy nhiên, từ những thông tin trên truyền thông, phía Trung Quốc đã lên tiếng phản ứng gay gắt. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 7/4 nói với báo giới rằng Bắc Kinh cực lực phản đối tất cả các hình thức tương tác chính thức giữa Mỹ và Đài Loan, và Washington nên hủy chuyến công du của bà Pelosi.

    Ông Triệu nói thêm rằng bất kỳ chuyến thăm chính thức nào của Mỹ tới Đài Loan sẽ phải chịu hậu quả. Ông không nêu chi tiết về các hậu quả này.

    Chủ Nhật (10/4) là ngày kỷ niệm 43 năm Mỹ ký thành luật Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Đạo luật này định hướng các mối quan hệ Mỹ – Đài Loan khi hai bên không có quan hệ ngoại giao chính thức, và trong đó cũng đảm bảo cam kết Mỹ sẽ cung cấp cho Đài Loan phương tiện để tự vệ.

    Lần gần nhất một chủ tịch Hạ viện Mỹ đương chức tới thăm Đài Loan là năm 1997, khi đó ông Newt Gingrich (Đảng Cộng hòa) đã gặp Tổng thống Đài Loan Lee Teng-hui tại Đài Bắc.

    Bà Pelosi là chính trị gia Mỹ có thâm niên chỉ trích Trung Quốc, đặc biệt về vấn đề nhân quyền. Hồi tháng Một, bà Pelosi đã họp trực tuyến với Thủ tướng Đài Loan William Lai khi ông này kết thúc chuyến thăm Mỹ và Honduras.

    Hải Đăng 

    Châu Âu săn tìm mua than trên toàn cầu trước khi lệnh cấm nhập khẩu từ Nga có hiệu lực

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/04/ntdvn_gettyimages-595929216.jpeg

    Xe tải đang đổ than khai thác được từ các mỏ than ở Price, Utah, Mỹ, ngày 26/8/2016. (Ảnh: George Frey / Getty Images 

    Các nước châu Âu đang tăng cường mua than từ khắp nơi trên thế giới trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đề xuất cấm nhập khẩu than từ Nga và nguồn cung khí đốt bị thắt chặt.

    Ủy ban châu Âu hôm thứ Ba (05/04) đã đề xuất các biện pháp trừng phạt mới lên Moscow, bao gồm lệnh cấm mua than từ Nga và lệnh cấm các tàu Nga vào các cảng của EU.

    Trong khi đó, không ai biết chắc chắn về tương lai của việc vận chuyển khí đốt từ Nga sang EU sau khi Điện Kremlin yêu cầu người mua phải thanh toán cho công ty khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga bằng đồng rúp.

    Vào tháng 3, các nước châu Âu đã nhập khẩu tổng cộng 7,1 triệu tấn than nhiệt – được sử dụng trong sản xuất điện và nhiệt, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất kể từ tháng 03/2019, theo số liệu từ công ty môi giới tàu biển Braemar ACM.

    Nhà phân tích Mark Nugent của Braemar cho biết: “Mặc dù trong tháng 3, các chuyến tàu chở than từ Nga đến châu Âu vẫn tiếp tục duy trì ở mức trước chiến tranh, nhưng dòng than đổ vào châu Âu đã xuất hiện thay đổi”.

    Cụ thể, nhập khẩu than nhiệt từ Colombia vào EU đạt 1,3 triệu tấn trong tháng 3, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Nhập khẩu từ Mỹ trong tháng 3 đạt tổng cộng 809.000 tấn, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái và ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2019.

    Nhập khẩu từ Nam Phi cũng tăng với 287.000 tấn cập cảng vào tháng 3 so với không có lô hàng nào trong tháng 3/2021.

    Tổng lượng nhập khẩu than nhiệt từ Úc vào EU là 537.000 tấn trong quý đầu tiên của năm nay, so với không có lô hàng nào vào cùng kỳ năm 2021.

    Tuy nhiên, Indonesia và Úc, cùng các nhà xuất khẩu than hàng đầu thế giới, đã đạt đến giới hạn sản lượng và khó có thể đáp ứng thêm nhu cầu từ EU nếu khối này cấm nhập khẩu than của Nga.

    Dữ liệu của Braemar cũng cho thấy, trong tháng 3, EU đã nhập khẩu 3,5 triệu tấn than nhiệt của Nga – mức cao nhất hàng tháng kể từ tháng 10/2020.

    Tập đoàn nhập khẩu than của Đức VDKi vào hôm thứ Tư tuyên bố Đức có thể tìm được các lựa chọn thay thế cho than nhập khẩu từ Nga vào mùa cao điểm, nhưng sẽ phát sinh các vấn đề kỹ thuật và làm tăng chi phí.

    Chi Anh

    Thổ Nhĩ Kỳ sắp chuyển giao phiên toà Khashoggi cho Ả Rập Saudi

    Phiên toà vụ giết Jamal Khashoggi có thể sẽ chỉ kéo dài được hết phiên xét xử tiếp theo. Trong gần hai năm qua, một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã xét xử 26 người Ả Rập Saudi vì vai trò trong vụ giết nhà báo này ở Istanbul hồi năm 2018. Nó chỉ mang tính biểu tượng khi hầu hết các nghi phạm đều bị truy tố vắng mặt. Song tổng thống Recep Tayyip Erdogan lại cam kết làm cho ra nhẽ. Ông thậm chí tuyên bố vụ sát hại Khashoggi là sự kiện “có ảnh hưởng” nhất ở đất nước ông trong thế kỷ 21 sau vụ 11/9.

    Giờ đây mọi sự đã khác đi. Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý chuyển phiên tòa sang Ả Rập Saudi, đồng nghĩa nó sẽ chìm vào quên lãng. Thứ Năm này toà chắc chắn sẽ chấp nhận chuyển giao vụ kiện, qua đó tạo ra một bước tiến lớn trong quan hệ song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Saudi. Ông Erdogan tin rằng hợp tác với người Ả Rập sẽ giúp ích cho nền kinh tế đang khủng hoảng của Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là khi đồng lira mất giá tới 61%, cao nhất trong 20 năm qua. Công lý, như mọi khi ở Trung Đông, không thể so với địa chính trị.

    Taliban lại đàn áp phụ nữ

    Taliban đang dần dần trở về mô hình cai trị trước đây trong giai đoạn nắm quyền 1996 đến 2001. Luật của họ khi ấy quy định người phạm tội ngoại tình bị ném đá đến chết trong khi phụ nữ không che kín toàn thân sẽ bị đánh đập. Song hai thập niên qua Afghanistan đã thay đổi nhiều. Giờ đây nhiều phụ nữ có bằng cấp, với gần 30% công chức là nữ tại thời điểm trước khi Taliban nắm chính quyền vào tháng 8 năm ngoái.

    Tháng trước, Taliban đã đảo ngược quyết định cho phép nữ giới học trung học, đúng vào ngày đầu tiên trở lại trường. Ngoài ra phụ nữ còn bị cấm đi đường dài mà không có nam giới đi kèm, bên cạnh một loạt những quy định cấm đoán khác.

    Việc các chính sách được công bố một cách vô trật tự cho thấy có sự chia rẽ giữa phe cứng rắn và phe thực dụng trong Taliban. Hy vọng duy nhất của phụ nữ Afghanistan là các lệnh cấm hà khắc sẽ được bãi bỏ nhanh như cách chúng được công bố.

    Còn ba ngày nữa đến bầu cử tổng thống Pháp

    Khi còn ba ngày nữa là bước vào vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Pháp ngày 10 tháng 4, thăm dò dư luận đang cho thấy một cuộc đua sít sao. Mô hình dự báo của The Economist vẫn đặt người đương nhiệm Emmanuel Macron ở vị trí dẫn đầu, với tỉ lệ cơ hội bốn trên năm. Nhưng xác suất này đã giảm đáng kể trong hai tuần qua. Một phần năm cơ hội còn lại, theo mô hình của The Economist, thuộc về nhân vật dân tuý-dân tộc chủ nghĩa Marine Le Pen.

    Pháp sẽ tổ chức vòng hai giữa hai ứng viên cao điểm nhất vòng một vào ngày 24 tháng 4. Chính trị gia cực tả Jean-Luc Mélenchon là ứng cử viên duy nhất còn lại có cơ hội lọt vào vòng trong, mặc dù ông chỉ đang đứng thứ ba. Trong tuần này ông Mélenchon đã tổ chức mít tinh đồng thời ở 12 thành phố, bằng việc phát trực tiếp hình ảnh ba chiều lên sân khấu. Nhưng thời gian không đứng về phía ông. Vào nửa đêm ngày 9 tháng 4, Pháp sẽ bắt đầu cấm mọi hoạt động thăm dò dư luận và vận động tranh cử. Mục đích là để cho cử tri có thời gian suy nghĩ về lựa chọn của họ mà không bị làm phiền.

    Tổng thống Orban của Hungary cho biết ông đã yêu cầu ông Putin áp dụng lệnh ngừng bắn ở Ukraine 

    https://etviet.com/wp-content/uploads/2022/04/ukraine-war-1200x674-1.jpg

    Nhân viên Bộ Tình huống Khẩn cấp thu thập bom mìn sau khi Nga rút khỏi khu vực, ở Bucha, Ukraine, trong bức ảnh tĩnh được chụp từ video được tải lên một trang web truyền thông xã hội hôm 04/04/2022. (Ảnh: Bộ Tình huống Khẩn cấp ở tỉnh Kyiv/Tài liệu phát qua Reuters) 

    Hôm thứ Tư (06/04), Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết ông đã nói chuyện rất lâu với Tổng thống Nga Vladimir Putin và yêu cầu ông thông báo một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine. 

    Ông Orban cho biết ông đã mời Tổng thống Putin tham dự các cuộc đàm phán tại Hungary với các tổng thống của Ukraine và Pháp cũng như thủ tướng Đức. Ông nói rằng phản ứng của ông Putin là “tích cực”, nhưng nhà lãnh đạo Nga nói rằng điều này sẽ kéo theo các điều kiện. 

    “Tôi đã đề nghị với Tổng thống Putin rằng ông ấy nên tuyên bố ngừng bắn ngay lập tức,” ông Orban nói trong một cuộc họp báo, đồng thời cho biết chính ông Putin là người đã gọi điện cho ông. Ông cho biết các nhà lãnh đạo Âu Châu vẫn chưa được thông báo về đề nghị này. 

    Ông Orban cho biết các cuộc đàm phán mà ông đề xướng ở Budapest nên tập trung vào một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, vì các cuộc đàm phán hòa bình sẽ mất nhiều thời gian hơn. 

    Ông nói, “Phản ứng là tích cực nhưng Tổng thống Nga nói rằng việc này có điều kiện. Tôi không thể thương lượng để đáp ứng những điều kiện đó — việc này nên là ông ấy và tổng thống Ukraine đồng ý về những điều kiện đó.” 

    Ông Orban, người đã giành được nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp với một chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật (03/04), đã một lần nữa lên án cuộc xâm lược của Nga đối với nước láng giềng Ukraine. Tuy nhiên, cho đến nay ông vẫn kiềm chế trước bất kỳ lời chỉ trích nào về bản thân ông Putin. 

    “Đây là cuộc chiến mà người Nga bắt đầu, họ tấn công Ukraine, và đó là sự xâm lược, đây là lập trường chung của Liên minh Âu Châu và Hungary cũng chia sẻ lập trường đó,” ông nói. 

    Ông Orban cũng cho biết Hungary đã sẵn sàng trả bằng đồng rúp cho khí đốt của Nga, chia rẽ với Liên minh Âu Châu vốn đang tìm kiếm một mặt trận thống nhất để phản đối yêu cầu thanh toán bằng đồng tiền của Moscow. 

    Hàng nóng mới nhất của quân đội Mỹ: Siêu hỏa tiễn HAWC

    Mỹ đã thử thành công hỏa tiễn siêu thanh vào giữa Tháng Ba nhưng giữ im lặng để tránh leo thang căng thẳng với Nga…

    Lê Tây Sơn

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/hawc-rocket-artists-concept-1280x765.jpg

    Hypersonic Air-breathing Weapon Concept – HAWC (DARPA) 

    Theo một quan chức quốc phòng thạo tin nhưng giấu tên, Mỹ đã thử nghiệm thành công một hỏa tiễn siêu thanh mới vào giữa Tháng Ba 2022 nhưng quyết định giữ im lặng trong hai tuần để tránh leo thang căng thẳng với Nga. Quan chức này cho biết: “Vũ khí siêu thanh Hypersonic Air-breathing Weapon Concept (HAWC) được phóng từ máy bay ném bom B-52 cải tiến ở ngoài khơi bờ biển phía Tây là cuộc thử nghiệm thành công đầu tiên phiên bản Lockheed Martin của hệ thống này”.

    Trình tự như sau: Một động cơ đẩy sẽ tăng tốc hỏa tiễn lên độ cao thích hợp; và tại đó, một động cơ phản lực phun khí sẽ kích hoạt và đẩy hỏa tiễn đi với tốc độ siêu âm từ Mach 5 trở lên. Nhưng quan chức trên cung cấp rất ít chi tiết về vụ thử hỏa tiễn, ông chỉ cho biết hỏa tiễn đã bay ở độ cao 65,000 feet và xa 300 dặm. Ngay cả ở đầu cuối thấp hơn (khoảng 3,800 dặm một giờ) của phạm vi siêu âm, một hỏa tiễn bay xa 300 dặm vẫn mất chưa đầy năm phút.

    Vụ thử diễn ra vài ngày sau khi Nga cho biết họ đã sử dụng hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal trong cuộc xâm lược Ukraine, đồng thời tuyên bố nó đã phá hủy một kho đạn dược ở miền Tây Ukraine, khá gần biên giới NATO. Lúc đó, các quan chức Mỹ đã hạ thấp tầm quan trọng của việc Nga sử dụng hỏa tiễn siêu thanh. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết ông không xem việc Nga tuyên bố phóng hỏa tiễn là “yếu tố giúp thay đổi cuộc chơi” tại Ukraine.

    Vài ngày sau, Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài John Kirby nhấn mạnh: “Rất khó để biết lý do chính xác” mục đích chính của Nga khi phóng Kinzhal, vì nó nhắm vào một kho chứa cố định. “Dùng hỏa tiễn siêu thanh để tấn công một kho chứa cũng giống như dùng chiếc búa tạ lớn để hạ gục một cái gì bé tí” – Kirby nói, ám chí chi phí quá đắt của hỏa tiễn siêu thanh nên không thể bắn bừa! Hỏa tiễn Kinzhal đơn giản là phiên bản phóng từ trên không của hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn Iskander của Nga. Nói cách khác, nó là một biến thể của một công nghệ có sẵn chứ không phải là “cuộc cách mạng” vũ khí siêu thanh như nhiều người tưởng.

    Thử nghiệm mới của Mỹ là một động cơ “air-breathing scramjet” khó và phức tạp hơn. Hỏa tiễn HAWC cũng không có đầu đạn, thay vào đó dựa vào động năng của nó để diệt mục tiêu. Vào thời điểm Mỹ thử nghiệm, Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị cho chuyến thăm các đồng minh NATO ở châu Âu, trong đó có chặng dừng chân ở Ba Lan, nơi ông gặp Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine. Mỹ đã thận trọng không thực hiện các bước hoặc đưa ra các tuyên bố có thể làm leo thang căng thẳng với Moscow một cách không cần thiết.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-956518640-scaled.jpg

    Một chiến đấu cơ MiG-31K mang hỏa tiễn Kinzhal dưới bụng (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency/Getty Images) 

    Mới đây, ngày 1 Tháng Tư, Mỹ cũng hủy vụ thử hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman III để tránh bị Nga hiểu lầm. Nhìn chung, Mỹ thường kín kẽ về các loại vũ khí và thiết bị đưa vào Ukraine, kể cả thời điểm chuyển giao. Không cấp tập và luôn thận trọng. Chỉ trong gói hỗ trợ an ninh $300 triệu mới nhất, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ mới liệt kê các hệ thống và vũ khí cụ thể, giống như kiểu “lộ mật để gây áp lực”. Nhưng vũ khí vẫn được chuyển đi một cách bí mật. Mỹ phản đối chuyển giao máy bay chiến đấu Mig-29 của Ba Lan cho Ukraine thông qua sự chuẩn y gián tiếp của Mỹ vì lo ngại rằng Điện Kremlin có thể diễn giải động thái này có nghĩa là Mỹ và NATO đã chính thức tham gia vào cuộc xung đột. Các quan chức Mỹ giữ im lặng về vụ thử siêu thanh mới nhất cũng vì lý do tương tự. Mỹ không muốn khiêu khích Điện Kremlin và Tổng thống Nga, ngay lúc lực lượng Nga đang bắn phá khắp Ukraine.

    Vụ thử của Mỹ là vụ thử thành công thứ hai đối với hỏa tiễn HAWC, và là vụ thành công đầu tiên phiên bản Lockheed Martin của hệ thống vũ khí này. Tháng Chín 2021, Không quân Hoa Kỳ đã thử nghiệm Raytheon HAWC, chạy bằng động cơ phản lực Northrop Grumman. Theo thông cáo báo chí của Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng (Defense Advanced Research Projects Agency-DARPA), vụ thử đáp ứng được tất cả chỉ tiêu chính, gồm tích hợp và phóng hỏa tiễn, tách hỏa tiễn an toàn khỏi máy bay phóng, tăng tốc và thực hiện hành trình bay.

    Bộ Quốc phòng chỉ cung cấp một ít thông tin chi tiết về chuyến bay chứ không đề cập đến tốc độ bay của hỏa tiễn hay quãng đường di chuyển. Nhưng một tháng sau lần thử nghiệm HAWC đầu tiên thành công này, Mỹ đã chịu thất bại khi thử nghiệm một hệ thống siêu âm khác. Thất bại xảy ra ngay khi các báo cáo cho biết Trung Quốc đã thử nghiệm thành công một phương tiện bay siêu thanh vào mùa Hè và ngay sau khi Nga tuyên bố đã thử nghiệm thành công hỏa tiễn siêu thanh phóng từ tàu ngầm, được đặt tên là Tsirkon. Thông cáo cho biết hỏa tiễn di chuyển với tốc độ lớn hơn Mach 5.

    Mỹ đã đặt trọng tâm vào vũ khí siêu thanh sau các cuộc thử nghiệm thành công của Nga và Trung Quốc trong những tháng gần đây, làm trầm trọng thêm mối lo ngại ở Washington rằng Mỹ đang tụt hậu về một công nghệ quân sự được coi là “tối quan trọng” cho chiến tranh tương lai. Trong ngân sách quốc phòng năm tài chính 2023 (FY23), chính quyền Biden đã dành $7.2 tỷ cho chương trình hỏa tiễn tầm xa, gồm cả hỏa tiễn siêu thanh. Trong một báo cáo năm ngoái, Văn phòng Kiểm toán Chính phủ (Government Accountability Office) xác định có đến 70 dự án liên quan phát triển vũ khí siêu thanh với chi phí gần $15 tỷ từ năm 2015 đến năm 2024.


    Không có nhận xét nào