Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 01 tháng 4 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Tổng thống Zelensky cảnh báo quân Nga sẽ tấn công cả miền nam Ukraina

    Một con đường bị oanh kích tại thành phố cảng Mariupol, Ukraina, ngày 31/03/2022. REUTERS - ALEXANDER ERMOCHENKO 

    Theo nguồn tin của AFP ngày 01/04/2022, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cảnh báo rằng quân đội Nga đang tái triển khai lực lượng và chuẩn bị mở các cuộc tấn công mạnh mẽ vào miền nam Ukraina, bao gồm cả thành phố Mariupol, đang bị bao vây từ nhiều ngày qua. 

    Trong khi đó, chuyên gia Philippe Gros của Qũy Nghiên cứu Chiến lược Pháp nêu câu hỏi về việc Nga tập trung tấn công vào khu vực Donbass (ở phía đông) :

    Chúng ta thấy đúng là có các hoạt động tái triển khai, và điều này có thể thấy trên các hình ảnh, nhưng liệu đây có phải là một sự thay đổi thực sự dồn lực lượng về phía mặt trận Donbass hay không ? Cho đến nay, chưa có gì chứng minh cho điều này.

    Ngay cả khi về lô gích, quân Nga tìm cách tập trung nhiều hơn vào mặt trận Donbass, đặc biệt là ở sườn phía trái hệ thống phòng thủ của Ukraina, tức là thung lũng Donetsk, nhưng đồng thời, vẫn theo lô gích này thì quân Nga cũng không được co cụm lại quá nhiều để còn có thể kìm giữ lực lượng Ukraina và qua đó, ngăn cản quân đội Ukraina tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ của họ ở Donbass, bởi vì những gì chúng ta đang thấy, đó là những cuộc di chuyển quân, rút lui từng phần, nhưng điều này cũng có thể là để bổ sung lực lượng và chúng ta không thấy có cuộc rút quân ồ ạt nào để có thể chứng minh rằng quân Nga từ bỏ hoàn toàn vị trí. Không có nguồn tin nào đề cập đến vấn đề nói trên, vì vậy đây chỉ là việc tái triển khai bán phần mà thôi.

    Cũng tại Ukraina, hôm qua 31/03, cơ quan phụ trách năng lượng Energoatom cho biết trên mạng xã hội Telegram và được AFP trích dẫn, thông báo, quân đội Nga đã rời khỏi nhà máy điện hạt nhân Chernobyl cùng với một số tù binh thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia của Ukraina mà đã họ bắt từ ngày 24/02.

    Nhìn sang Hoa Kỳ, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc John Kirby hôm qua cũng cảnh báo rằng việc Nga tập trung nỗ lực tấn công vào Donbass có thể sẽ dẫn đến một cuộc xung đột "kéo dài".

    Điện Kremlin: Nga sẽ không dừng cung cấp khí đốt cho châu Âu từ ngày 1/4 

    01/4/2022 

    Reuters 


    Gazprom của Nga vẫn cung cấp khí đốt cho châu Âu từ 1/4 cho đến ít nhất là giữa tháng.

    Gazprom của Nga vẫn cung cấp khí đốt cho châu Âu từ 1/4 cho đến ít nhất là giữa tháng. 

    Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc Nga đòi thanh toán bằng đồng rúp sẽ ảnh hưởng đến các hợp đồng có quy định thanh toán vào cuối tháng 4 và tháng 5, và Nga sẽ không dừng cung cấp khí đốt cho châu Âu vào thứ Sáu 1/4.

    Hôm 31/3, Tổng thống Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh quy định việc thay đổi đồng tiền dùng để giao dịch, các chính phủ châu Âu gọi việc này là hành vi vi phạm hợp đồng không thể chấp nhận được.

    "Liệu có phải điều này có nghĩa là nếu không có xác nhận thanh toán bằng đồng rúp, thì nguồn cung cấp khí đốt sẽ bị cắt từ ngày 1/4 không? Không phải như thế, sắc lệnh không phải như vậy", ông Peskov nói với các phóng viên.

    Ông cho biết sắc lệnh sẽ ảnh hưởng đến các khoản thanh toán từ nửa cuối tháng 4 và Gazprom sẽ làm việc với khách hàng của họ để thực hiện các quy định mới.

    Ông Peskov nói rằng Nga có thể từ bỏ sắc lệnh về thanh toán bằng đồng rúp tại một thời điểm nào đó nếu tình hình thay đổi, nhưng "trong điều kiện hiện tại, đồng rúp là lựa chọn thích hợp và đáng tin cậy nhất đối với chúng tôi".

    Khi được hỏi về việc truyền thông Đức đưa tin là Đức có thể quốc hữu hóa một số công ty con của Gazprom, ông Peskov nói rằng đó sẽ là một hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

    Ông cho biết Nga đã chứng kiến "các hành động xã hội đen" liên quan đến việc chiếm đoạt tài sản của Nga.

    (Reuters)

    Nga bị nghi ngờ đánh phá các kho dự trữ lương thực của Ukraina

    Một kho lúa mì ở làng Luky, phía tây Ukraina. Ảnh chụp ngày 25/03/2022. AP - Nariman El-Mofty 

    Những hình ảnh do chính phủ Mỹ thu thập cho thấy dường như nhiều kho dự trữ lương thực ở phía đông Ukraina bị tàn phá. Hoa Kỳ nói có những thông tin khẳng định quân đội Nga tàn phá một cách có hệ thống các cơ sở dự trữ này của Ukraina. 

    Hãng tin Reuters ngày 01/04/2022 cho biết đã nhìn thấy hai hình ảnh đen và trắng chụp những tòa nhà dài hình chữ nhật nằm ở phía đông Ukraina, còn nguyên vẹn trong tháng Giêng, rồi những mái nhà bị hư hại, được chú thích bằng dòng chữ « vết đạn pháo » trong tháng Ba. 

    Một quan chức Mỹ giải thích, « ít nhất có sáu kho dự trữ lúa mì đã bị các cuộc tấn công ( của Nga) phá hủy vào cuối tháng Ba ».

    Cũng theo nguồn tin này, việc Nga đánh phá các kho hạt của Ukraina – vựa lúa thứ tư trên thế giới – có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho nguồn cung lương thực toàn cầu. « Những thiệt hại do Nga gây ra nhắm vào những xi-lô trữ hạt là một bằng chứng rõ nét về cách thức mà cuộc chiến của Putin tác động trực tiếp đến thường dân Ukraina và đe dọa an ninh lương thực thế giới. » 

    Quan chức Mỹ này cảnh báo, « với các nước châu Phi và Trung Đông – những nước nhập khẩu lúa mì chính của Ukraina, việc phá hủy các kho dự trữ lương thực và các cơ sở cất trữ có nguy cơ dẫn đến tình trạng khan hiếm và leo thang giá cả tại những nền kinh tế yếu kém. » 

    Còn theo AFP hôm nay, phía Nga tố cáo Ukraina tấn công bằng trực thăng một « kho dầu » ở thành phố Belgorod, phía tây nước Nga, cách biên giới với Ukraina 40km.  

    Trên tài khoản Telegram, thống đốc vùng Belgorod, Viatcheslav Gladkov còn cho biết thêm hai nhân viên nhà kho đã bị thương. Bộ Tình Trạng Khẩn Cấp Nga cho biết điều động 170 lính cứu hỏa để dập lửa.  

    AFP nhắc thêm một chi tiết, hôm thứ Tư, 30/3, một tiếng nổ vang lên tại một kho đạn của vùng Belgorod, nhưng chính quyền Nga không giải thích rõ nguyên nhân sự cố.  

    Belgorod cách 80 km ở phía bắc Kharkiv – thành phố lớn của Ukraina bị quân Nga tấn công từ đầu cuộc chiến. 

    Ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh Ukraine lên các nước đang phát triển

    Khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng 2, giá các hàng hóa cơ bản quan trọng như lúa mì và dầu đồng loạt tăng vọt. Giá cao khiến các nền kinh tế mới nổi phải chao đảo.

    Chi phí đắt đỏ gây áp lực lên tỷ lệ lạm phát (vốn đã cao) và làm các nền kinh tế chảy máu ngoại tệ mạnh. Điều này làm khó khăn thêm chồng chất cho các hộ gia đình và chính phủ vốn đã điêu đứng trong đại dịch. Người ta tính được rằng ảnh hưởng của cuộc chiến lên nguồn cung hàng hóa cơ bản toàn cầu có thể đẩy khoảng 40 triệu người trên thế giới vào cảnh nghèo cùng cực.

    Hóa đơn lương thực leo thang làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư vào Ai Cập, nước nhập khẩu tới 2/3 lượng lúa mì tiêu thụ, buộc nước này phải cầu viện IMF. Còn ở Sri Lanka, quân đội đã phải triển khai để đối phó với các cuộc bạo động vì xếp hàng mua nhiên liệu. Ngân hàng Thế giới ước tính hàng chục quốc gia có thể không trả được nợ trong vòng 12 tháng tới. Và ngay cả ở các nước có thể trả nợ, tăng trưởng sẽ chậm, lạm phát cao trong khi người dân không hài lòng.

    Phương Tây và Nga cùng ve vãn Ấn Độ

    Ấn Độ tiếp tục quan ngại trước bạo lực ở Ukraine và giữ thái độ trung lập. Một loạt các cuộc đàm phán ngoại giao trong tuần này có thể thay đổi lập trường đó của họ. Vào thứ Năm, ngoại trưởng Anh Liz Truss đã đến thăm Delhi để nhấn mạnh “tầm quan trọng của hợp tác sâu sát giữa các nền dân chủ.” Một ngày trước đó, nhà ngoại giao cấp cao của Đức Jens Plötner cũng đến thăm và đưa ra một thông điệp tương tự. Còn Mỹ nói Ấn Độ nên “đứng về lề phải của lịch sử.”

    Tuy nhiên, có thể Điện Kremlin mới là bên thuyết phục được nước này. Vào thứ Sáu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ gặp Subrahmanyam Jaishankar, người đồng cấp Ấn Độ. Họ sẽ thảo luận về cuộc chiến – cũng như cách Ấn Độ có thể tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách mua dầu Nga bằng một cơ chế đồng rúp-rupee. Mỹ nói một thỏa thuận như vậy là “vô cùng đáng thất vọng.” Nhưng với việc Nga chấp nhận hạ giá dầu xuống mức 35 USD/thùng, phương Tây có thể sẽ không có nhiều tiếng nói.

    Trung Quốc và EU họp thượng đỉnh trong bối cảnh quan hệ khó khăn

    Các nhà lãnh đạo của hai trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ họp online vào thứ Sáu. Trong khi Trung Quốc muốn nối lại một hiệp ước đầu tư đang đóng băng và ký các hiệp định hải quan, châu Âu lại muốn thảo luận về Ukraine.

    Các nhà lãnh đạo EU hết sức tức giận khi Chủ tịch Tập Cận Bình không lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Thay vào đó, Trung Quốc ca ngợi “những nỗ lực ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn” của Nga ở Ukraine. EU dự kiến sẽ cảnh báo Trung Quốc không gửi vũ khí cho Nga hay giúp nước này né tránh trừng phạt.

    Ukraine không phải là vấn đề duy nhất phủ bóng lên mối quan hệ hai bên. EU đã trừng phạt các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương; trong khi Trung Quốc trả đũa tương ứng đối với các nhà lập pháp và nhà ngoại giao EU. Hiện Trung Quốc đang siết chặt Litva bằng một cuộc tẩy chay thương mại, sau khi họ cho phép Đài Loan mở đại sứ quán. Hiệp định thương mại có lẽ chỉ là vấn đề thứ yếu vào lúc này.

    Giá năng lượng tăng mạnh ở Anh

    Vào thứ Sáu, mức trần giá do chính phủ đặt ra đối với các công ty năng lượng sẽ tăng 54%. Điều này khiến hóa đơn năng lượng của 22 triệu trên 28 triệu hộ gia đình Anh tăng mạnh, đẩy nhiều người vào cảnh khó khăn. Tổ chức tư vấn Resolution Foundation ước tính 6,3 triệu gia đình ở Anh sẽ đối mặt “căng thẳng về nhiên liệu” khi phải chi hơn 10% ngân sách cho năng lượng, tăng từ khoảng 2 triệu hộ như hiện nay.

    Mức trần tăng vì giá khí đốt tăng, vốn chiếm tới 40% sản lượng điện và sưởi ấm cho 85% nước Anh. Giá tăng vọt trong những tháng gần đây do nhu cầu từ Trung Quốc tăng trong khi nguồn cung từ Nga bị gián đoạn. Nếu giá vẫn cao, mức trần có thể sẽ lại phải tăng tiếp. Hiện Cơ quan quản lý năng lượng của Anh Ofgem đang yêu cầu điều chỉnh giới hạn giá thường xuyên hơn. Anh muốn phi carbon hóa sản xuất điện từ năm 2035, điều đòi hỏi các khoản đầu tư tốn kém vào cơ sở hạ tầng khí đốt. Chi trả cho các khoản này không ai khác chính là người tiêu dùng.

    Hồng Kông cho phép nhận một số chuyến bay

    Vào thứ Sáu, Hồng Kông sẽ mở cửa lại cho các chuyến bay từ chín quốc gia, bao gồm Mỹ và Anh. Lệnh cấm này được áp dụng trong thời kỳ đại dịch như một biện pháp phòng ngừa theo chính sách “zero-covid” của Hồng Kông. Song đến tháng 2 và tháng 3, lệnh cấm không còn nhiều ý nghĩa nữa vì làn sóng omicron đã lan rộng khắp lãnh thổ. Thế nhưng lý do đằng sau việc mở cửa có thể không chỉ gói gọn trong vấn đề khoa học.

    Hồng Kông đang bị chảy máu chất xám, với luật an ninh hà khắc khiến nhiều người chán nản. Và cư dân cảm thấy mệt mỏi khi trường học liên tục đóng cửa, cách ly kéo dài và việc trẻ em dương tính phải bị tách khỏi cha mẹ. Chỉ trong tháng 2 đã có gần 100.000 người rời đi.

    Hiện một số biện pháp đang được nới lỏng, cho phép người Hồng Kông đi lại dễ dàng hơn. Nhưng việc nối lại các chuyến bay không đồng nghĩa lãnh thổ đã mở cửa lại hoàn toàn. Công dân nước ngoài vẫn bị cấm nhập cảnh trong khi cách ly tại khách sạn tiếp tục được thực hiện.

    Putin dùng khí đốt làm vũ khí, châu Âu chật vật đối phó

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-1387659779.jpg

    Người dân Berlin Đức đi xe đạp với biểu ngữ: “Nói không với xăng dầu và khí đốt của Putin” để phản đối hành động bắt chẹt của nhà lãnh đạo Nga. Ảnh Sean Gallup/Getty Images) 

    Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu người mua nước ngoài trả tiền cho khí đốt của Nga bằng đồng rúp từ ngày mai Thứ Sáu 1 Tháng Tư, nếu không thì nguồn cung sẽ bị cắt giảm. Quyết định của Nga bị các thủ đô châu Âu từ chối và bị Đức cho là “tống tiền”.

    Sắc lệnh mà ông Putin ký ban hành hôm nay Thứ Năm 31 Tháng Ba khiến châu Âu đối mặt với viễn cảnh mất hơn một phần ba nguồn cung cấp khí đốt. 

    Xuất cảng năng lượng, gồm dầu và khí đốt, là vũ khí mạnh nhất của Putin khi ông ta chống lại các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên các ngân hàng, công ty, doanh nhân và cộng sự của Điện Kremlin do hành động xâm lược Ukraine của Nga. 

    Sắc lệnh mà ông Putin ban hành yêu cầu người mua khí đốt của Nga “phải mở tài khoản bằng đồng rúp trong các ngân hàng Nga. Từ các tài khoản này, các khoản tiền thanh toán sẽ được chuyển trả cho các lô khí đốt được giao từ ngày mai”, ngày 1 Tháng Tư. “Nếu các khoản thanh toán như vậy không được thực hiện, chúng tôi sẽ coi đây là một hành vi vi phạm hợp đồng của người mua, và người mua phải chịu tất cả các hậu quả sau đó. Không ai bán cho chúng tôi bất cứ thứ gì miễn phí và chúng tôi cũng sẽ không làm từ thiện – nghĩa là các hợp đồng hiện có sẽ bị đình chỉ,” ông Putin nói trong phát biểu trên truyền hình Nga.

    Đáng chú ý là tất cả các hợp đồng hiện có về mua bán khí đốt giữa các nước châu Âu và Nga đều quy định đồng tiền thanh toán là đồng euro châu Âu. Nếu có một hành vi vi phạm hợp đồng thì đó là Nga – người bán – đã đơn phương thay đổi điều khoản về đồng tiền thanh toán mà không có sự bàn bạc hay đồng thuận của người mua. Các công ty và chính phủ phương Tây bác bỏ mọi hành động đơn phương thay đổi hợp đồng cung cấp khí đốt của họ sang một loại tiền thanh toán khác. Các nhà điều hành cho biết sẽ mất nhiều tháng hoặc lâu hơn để thương lượng lại các điều khoản.

    Hiện vẫn chưa rõ liệu trên thực tế có cách nào để các công ty nước ngoài tiếp tục mua khí đốt của Nga mà không phải sử dụng đồng rúp để thanh toán hay không

    ***

    Tại các thủ đô châu Âu, các chính phủ và các công ty năng lượng đang thảo luận ráo riết với nhau tìm biện pháp đối phó với đòn năng lượng đột ngột của Putin.

    Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và cũng phụ thuộc nhiều nhất vào Nga – đã khởi động một kế hoạch khẩn cấp, có thể dẫn đến việc phân bổ khí đốt theo đầu người trong thời gian tới. Khi cuộc xâm lược Ukraine bùng ra, chính phủ Đức đã bất ngờ quyết định dừng dự án đường ống Nord Stream II trị giá $11 tỷ dẫn khí đốt của Nga sang Đức để phản đối.

    Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nói Pháp đang phối hợp với Đức chuẩn bị cho khả năng dòng khí đốt từ Nga sẽ bị ngưng lại trong những ngày tới, song ông không bình luận về quyết định của Tổng thống Nga Putin.

    Ý đang liên hệ với các đồng minh châu Âu để đưa ra phản ứng cứng rắn với Nga. Chính phủ Ý cho biết nguồn dự trữ khí đốt của nước này cho phép các hoạt động kinh tế được tiếp tục ngay cả trong trường hợp Nga cắt đứt nguồn cung cấp. 

    Theo cơ chế do Putin chỉ định, người mua là công ty nước ngoài phải mở một tài khoản đặc biệt tại ngân hàng Gazprombank – nhánh tài chính của tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom. Ngân hàng Gazprombank sẽ thay mặt người mua khí đốt để mua đồng rúp rồi chuyển đồng rúp sang tài khoản của bên bán, tức là tập đoàn Gazprom, khi đơn hàng được thực hiện.

    Hãng tin Reuters cho biết việc thanh toán cho lượng khí đốt được giao trong Tháng Tư có thể bắt đầu vào nửa cuối Tháng Tư hoặc đầu Tháng Năm; điều đó có nghĩa là dòng khí đốt từ Nga có thể sẽ không bị tắt ngay lập tức. 

    Quyết định của Putin về việc thanh toán bằng đồng rúp đã thúc đẩy giá của đồng tiền của Nga, vốn đã giảm xuống mức thấp lịch sử sau cuộc xâm lược ngày 24 Tháng Hai. Đồng rúp đã phục hồi phần lớn giá trị bị mất.

    Thanh toán bằng đồng rúp cũng sẽ làm giảm tác động của các biện pháp cấm vận của phương Tây đối với khả năng tiếp cận dự trữ ngoại hối của Moscow.

    ***

    Một giải pháp được các nước châu Âu tính tới là tìm nguồn cung cấp khí đốt khác, ngoài Nga. Tuy nhiên, thị trường khí đốt toàn cầu đang rất chật vật, cung không đủ cầu nên việc tìm ra nguồn cung cấp thay thế sẽ không dễ dàng. Hoa Kỳ đã cam kết cung cấp cho châu Âu thêm 15 tỷ mét khối khí đốt trong năm nay, nhưng không đủ để thay thế Nga. Người ta hy vọng mùa Hè đang đến, nhu cầu sưởi ấm nhà cửa giảm mạnh, sẽ giúp làm dịu bớt sự căng thẳng về nguồn cung khí đốt.

    “Điều quan trọng đối với chúng tôi là không đưa ra tín hiệu rằng chúng tôi để cho Putin tống tiền”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói và cho biết thêm rằng Nga đã không thể chia rẽ châu Âu. Đức cho biết các khoản thanh toán hợp đồng khí đốt sẽ tiếp tục được thực hiện bằng đồng euro.

    Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt do căng thẳng với Nga gia tăng, làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế. Các công ty, bao gồm cả các nhà sản xuất thép và hóa chất, đã buộc phải cắt giảm sản xuất. Giá khí đốt của Anh và Hà Lan, đã tăng 4% đến 5% sau tuyên bố của Putin.

    Tổng thư ký NATO: Nga ‘không rút lui mà tái bố trí’ quân đội

    https://etviet.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1239213230-700x420-1.jpg

    Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trình bày trong một cuộc họp báo trước cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng của liên minh tại trụ sở NATO ở Brussels, hôm 15/03/2022. (Ảnh: Kenzo Tribouillard/AFP qua Getty Images) 

    Hôm 31/03, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết quân đội Nga sẽ không rút khỏi một số khu vực nhất định ở Ukraine mà thay vào đó đang tái tập hợp.

    Đầu tuần này (28/03-03/04), các quan chức Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ sẽ cắt giảm các lực lượng quân sự của mình xung quanh thủ đô Kyiv và Chernihiv về hướng bắc, một tuyên bố khiến các quan chức Hoa Kỳ và Ukraine hoài nghi. Và tuần trước (21-27/03), Moscow cho biết họ sẽ tập trung hoạt động của mình ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine.

    “Theo thông tin tình báo của chúng tôi, thì các đơn vị Nga không rút lui mà tái bố trí. Nga đang cố gắng tái tập hợp, tiếp tế, và củng cố cuộc tấn công của họ ở khu vực Donbas,” ông Stoltenberg nói với các phóng viên tại Bỉ. “Cùng lúc, Nga duy trì sức ép đối với Kyiv và các thành phố khác. Vì vậy, chúng ta có thể liệu trước sẽ có các hành động tấn công bổ sung, mang lại nhiều đau thương hơn nữa.”

    Ông Stoltenberg lặp lại bình luận của các quan chức Hoa Kỳ rằng Nga sẽ không thương lượng thiện chí với chính phủ của Kyiv và đang sử dụng các cuộc đàm phán chỉ để đơn thuần là tái tập hợp. Ông khẳng định rằng các thành viên NATO sẽ tiếp tục cung cấp cho quân đội Ukraine các loại vũ khí và trang thiết bị khác.

    “Chúng ta không có thay đổi thực sự nào trong mục tiêu thực sự của Nga. … Họ tiếp tục theo đuổi một kết quả quân sự,” ông nói.

    Hôm 29/03, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin thông báo rằng trong khi diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình Ukraine-Nga tại Istanbul, quân đội Nga sẽ giảm quy mô hiện diện gần Kyiv. Các nhà đàm phán Nga cũng tuyên bố “việc tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau” đã được phát triển sau khi Ukraine cho biết họ sẽ không cố gắng gia nhập NATO.

    Ngoại trưởng Lavrov hy vọng thương mại Nga-Ấn sẽ vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt 

    01/4/2022 

    Reuters 

    Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar (phải) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp nhau ở New Delhi, 1/4/2022.

    Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar (phải) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp nhau ở New Delhi, 1/4/2022. 

    Nga sẽ tăng cường sử dụng các đồng tiền không phải của phương Tây để giao dịch với các nước như Ấn Độ, ngoại trưởng Nga nói hôm thứ Sáu 1/4, khi ông ca ngợi Ấn Độ là một nước bạn không có "quan điểm một chiều" về cuộc chiến Ukraine.

    Ngoại trưởng Sergei Lavrov đến thăm Ấn Độ với sứ mệnh tăng cường sự ủng hộ từ một quốc gia mà Nga từ lâu vẫn coi là đồng minh, một ngày sau khi các quan chức Mỹ và Anh thúc ép Ấn Độ chớ có phá hoại hệ thống tài chính dựa trên đồng đô la và các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga vì cuộc xâm lược Ukraine nổ ra ngày 24/2.

    Chỉ có Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước lớn chưa lên án cái mà Nga gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt". Sau khi Ngoại trưởng Lavrov thăm Trung Quốc trong tuần này, Bắc Kinh cho biết họ "quyết tâm hơn" trong việc phát triển quan hệ song phương với Nga.

    "Chúng tôi là bạn bè", ông Lavrov nói trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar, đồng thời cho biết thêm Ấn Độ nhìn nhận cuộc khủng hoảng Ukraine trên cơ sở "toàn bộ các dữ liệu chứ không chỉ một chiều".

    Ngoại trưởng Lavrov cho biết ngân hàng trung ương Nga đã thiết lập một hệ thống trao đổi thông tin tài chính vài năm trước và Ấn Độ cũng có một hệ thống tương tự.

    Ông nói: “Rõ ràng là ngày càng có nhiều giao dịch được thực hiện thông qua hệ thống này bằng cách sử dụng các đồng tiền tệ quốc gia, bỏ qua đồng đô la, đồng euro và các loại tiền tệ khác”.

    Nga là nhà cung cấp thiết bị quốc phòng lớn nhất cho Ấn Độ và Ngoại trưởng Lavrov cho biết hai nước sẽ sử dụng cơ chế trao đổi đồng rupee-đồng rúp để thực hiện giao dịch mua bán dầu mỏ, khí tài quân sự và các hàng hóa khác.

    Ông nói: “Chúng tôi sẽ sẵn sàng cung cấp bất kỳ hàng hóa nào mà Ấn Độ muốn mua”.

    "Tôi không nghi ngờ gì rằng sẽ có cách để vượt qua những trở ngại phi tự nhiên mà các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp của phương Tây tạo ra. Điều này cũng liên quan đến lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự".

    Ngoại trưởng Lavrov cho biết đã có một số chuyển động trong các cuộc đàm phán với Ukraine.

    Ông nói: "Phi hạt nhân, không tham gia khối nào, tình trạng trung lập – đó là những điều đang được công nhận là hoàn toàn cần thiết".

    Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng Ấn Độ khó mà xa lánh Nga vì nước này phụ thuộc vào các hàng hóa vật chất của Nga và nhập khẩu dầu của Nga.

    Ấn Độ đã mua hàng triệu thùng dầu thô của Nga với giá hời kể từ khi chiến tranh nổ ra, Ấn Độ biện minh rằng việc mua bán này là có lợi cho người dân của mình và ngay cả các nước châu Âu cũng đang làm như vậy.

    (Reuters)

    Moscow nói Ukraine tấn công một kho nhiên liệu bên trong nước Nga 

    01/4/2022 

    Reuters 

    Kho nhiên liệu bị cháy ở Belgorod, Nga, hôm 1/4.

    Kho nhiên liệu bị cháy ở Belgorod, Nga, hôm 1/4. 

    Nga cáo buộc Ukraine thực hiện một cuộc không kích vào một kho nhiên liệu ở thành phố Belgorod của Nga hôm thứ Sáu 1/4, và Điện Kremlin cho rằng vụ việc này gây bất lợi cho cuộc hòa đàm giữa Moscow và Kyiv.

    Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nói ông không thể xác nhận hay phủ nhận về tin tức nói Ukraine có liên quan đến cuộc tấn công vì ông không có thông tin quân sự. Bộ Quốc phòng Ukraine và bộ tổng tham mưu không đáp lại lời đề nghị đưa ra bình luận.

    Một đoạn video ghi lại cuộc tấn công cho thấy dường như đã có những quả rocket phóng đi ở tầm thấp, sau đó là một vụ nổ. Đây là cáo buộc đầu tiên về việc Ukraine thực hiện một cuộc không kích của trên đất Nga kể từ khi Moscow tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2. Reuters không thể kiểm chứng ngay về đoạn video.

    Thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng hai máy bay trực thăng của Ukraine đã tấn công cơ sở xăng dầu ở Belgorod, cách biên giới với Ukraine khoảng 35 km, sau khi thâm nhập vào Nga ở tầm bay thấp.

    Ông Gladkov cho biết thêm là hỏa hoạn do vụ tấn công đã khiến hai công nhân bị thương, trong khi một số khu vực của thành phố được sơ tán.

    Tuy nhiên, công ty dầu mỏ Rosneft của Nga, chủ sở hữu kho nhiên liệu, cho biết trong một tuyên bố riêng rẽ rằng không có ai bị thương trong vụ hỏa hoạn. Công ty không đưa ra thông tin về nguyên nhân vụ cháy.

    Một nhân chứng nói với Reuters rằng người ta nghe thấy một vụ nổ khác trong thành phố vào khoảng 10h20, giờ GMT. Hiện chưa rõ nguyên nhân của vụ nổ là gì.

    Phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp báo qua điện thoại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã được báo cáo tóm tắt về vụ việc. Ông Peskov nói rằng cuộc tấn công có thể gây hại đến cuộc đàm phán hòa bình của Moscow với Kyiv.

    "Tất nhiên điều này không thể được xem là tạo điều kiện dễ chịu để tiếp tục các cuộc đàm phán", ông Peskov nhận xét và nói thêm rằng mọi việc đang được thực hiện để tránh tình trạng bị gián đoạn nguồn cung cấp nhiên liệu trong thành phố.

    Một kho đạn gần Belgorod bốc cháy hôm 30/3, gây ra một loạt vụ nổ. Vào thời điểm đó, ông Gladkov cho biết nhà chức trách chờ Bộ Quốc phòng Nga xác minh nguyên nhân.

    (Reuters)


    Không có nhận xét nào