Header Ads

  • Breaking News

    Andrew Thornebrooke - Chiến lược của TT Biden nhằm thúc đẩy khả năng răn đe hạt nhân ‘vượt quá tính hữu ích’



    Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Hoa Kỳ, Đô đốc Charles Richard làm chứng trong một phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Vũ trang Thượng viện ở Hoa Thịnh Đốn hôm 08/03/2022. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

    Theo một số chuyên gia, các chính sách hạt nhân và ngân sách của chính phủ ông Biden quá mơ hồ hoặc có phạm vi rộng trong việc cung cấp các biện pháp ngăn chặn xung đột như mong đợi.

    “Quý vị sẽ kiềm chế Nga và Trung Quốc như thế nào?” ông Harlan Ullman, cố vấn cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết. “Các tuyên bố chính sách này không cho quý vị biết. Những quốc gia này đầy tham vọng.”

    Các bình luận của ông Ullman đã đề cập đến một vài tuyên bố của chính phủ Tổng thống (TT) Biden về Chiến lược Quốc phòng Quốc gia (NDS) và Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS), cả hai đều không được phát hành dưới dạng tài liệu không mật, và phần lớn hai chiến lược này được xây dựng dựa trên thông tin mật.

    Ông cũng lưu ý rằng Ngũ Giác Đài sẽ khó thực hiện bất kỳ nỗ lực hiện đại hóa chiến lược quy mô lớn nào, vì thực tế là quốc gia này đang có một khoản nợ kỷ lục trị giá 30 ngàn tỷ USD và đang phải đối mặt với căng thẳng kinh tế lớn do tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục trong 40 năm qua.

    Hơn nữa, ông Ullman nói rằng khái niệm răn đe hạt nhân của chính phủ đã bị vượt khỏi giới hạn của nó, và sẽ cho thấy gót chân Achilles trong chiến lược của chính phủ trừ khi có nhiều công việc hơn được thực hiện để cải thiện đáng kể các lực lượng phi hạt nhân, hoặc các lực lượng “thông thường” của quốc gia.

    “Quý vị định làm thế nào để ngăn chặn được Nga và Trung Quốc, và dựa vào đâu?” ông Ullman nói. “Khả năng răn đe hạt nhân đã được mở rộng vượt quá tính hữu ích của nó. Điều đó sẽ ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới lớn, nhưng đừng tin rằng nó có thể làm được nhiều việc khác.”

    Chiến lược phát triển và kế hoạch cắt giảm chi tiêu quân sự

    Ông Ullman đã đưa ra những bình luận trên trong bối cảnh một loạt các cuộc thảo luận về bản chất của chiến lược lớn của chính phủ TT Biden tại Viện Brookings, một cơ quan tư vấn về chính sách công.

    Các cuộc hội đàm này đã diễn ra đồng thời với một loạt các cuộc điều trần của Quốc hội trong tuần qua về việc kiểm tra đề nghị ngân sách quốc phòng của chính phủ cho năm tài khóa 2023, và vai trò của NDS và NSS trong việc hướng dẫn ngân sách đó.

    Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa đã chỉ trích ngân sách này là sự cắt giảm thực sự đối với chi tiêu quân sự bởi vì ngân sách này chỉ phân bổ với tỷ lệ lạm phát 2.2% thay vì 8.5% như thực tế, cũng như đề nghị cắt giảm số lượng chiến hạm và phi cơ trong quân đội trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nga.

    Thượng nghị sĩ Susan Collins (Cộng Hòa-Maine) nói rằng gói ngân sách được đề nghị này sẽ đặt Hoa Kỳ vào “rủi ro thực sự.” Trong khi đó, Dân biểu Mike Rogers (Cộng Hòa-Alabama) nói rằng ngân sách này không đáp ứng được nhu cầu của chiến lược riêng của Tổng thống Joe Biden.


    Các hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang hạt nhân DF-41 của Trung Quốc được nhìn thấy trong một cuộc diễn hành quân sự ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 01/10/2019. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

    Trung Quốc và những giới hạn của răn đe hạt nhân

    Tại sự kiện của Viện Brookings, một chuyên gia khác đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả của NDS và NSS trong việc ủng hộ ý tưởng cho rằng hỏa lực hạt nhân đơn thuần có thể ngăn chặn các địch thủ thực hiện các hành vi không mong muốn, đặc biệt là sự thất bại gần đây của một chiến lược như vậy trong việc ngăn chặn cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

    “Cả [NDS và NSS] đều đã nhìn nhận và tiếp tục coi Trung Quốc là mối đe dọa chính đối với an ninh của Hoa Kỳ,” bà Melanie Sisson, một thành viên của Viện Brookings, cho biết. “Đặc biệt, NDS xác định vai trò của quân đội trong việc cung cấp an ninh cho nước Mỹ ngày nay, và trong giai đoạn cạnh tranh mới này, bằng cách chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trong một cuộc chiến với Trung Quốc.”

    Bà Sisson cũng nói thêm: “[Nhưng] chúng ta không thể cho rằng việc có thể thắng trong một cuộc chiến với Trung Quốc sẽ tạo ra khả năng răn đe chung, [hoặc] là điều này sẽ ngăn cản Trung Quốc không chỉ bắt đầu một cuộc chiến, mà còn cả việc cư xử tệ dưới những hình thức khác.”

    Giống như ông Ullman, bà Sisson tin rằng chính phủ đã sai lầm khi tin rằng họ có thể răn đe Trung Quốc chỉ bằng cách thiết lập các khả năng có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh giả định. Do đó, bà nói rằng Ngũ Giác Đài sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để minh họa chiến lược “răn đe tích hợp” bằng hành động thay vì chỉ diễn đạt ý tưởng bằng các từ ngữ thông dụng và khẩu hiệu.

    “Khả năng răn đe không phải là thứ mà người ta có được,” bà Sisson nói. “Đó là một hiệu ứng mà chúng ta có thể tạo ra. Đó là kết quả của một chiến lược.”

    “Tôi thực sự muốn biết thêm về việc chính phủ có ý gì khi đề cập đến ‘răn đe tích hợp’ và không muốn chỉ có khẩu hiệu dán trên xe hơi về việc “chúng ta sẽ làm việc trên tất cả các lĩnh vực,” bà Sisson cho biết thêm.

    Vì vậy, bà Sisson nói rằng chính phủ có thể mang lại giá trị thực bằng cách tham gia vào các sáng kiến nhằm mục đích hạn chế khả năng xảy ra xung đột thảm khốc với Trung Quốc, chẳng hạn như tham gia vào các cuộc đàm phán với lãnh đạo Trung Quốc để đạt được một thỏa thuận loại bỏ các hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân dùng cho các cuộc tấn công mạng.

    Trung Quốc tiếp tục phát triển hạt nhân trong khi nhắm tới Đài Loan

    Những nỗ lực như vậy ngày càng được coi là cần thiết khi mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục chạm đáy lịch sử trong bối cảnh căng thẳng về thương mại, trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ, cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine, và việc Đài Loan tiếp tục độc lập trên thực tế.

    Khi căng thẳng gia tăng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiếp tục công cuộc bành trướng mang tính lịch sử và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, đặt trọng tâm mới vào khả năng của kho dự trữ hạt nhân già cỗi của Hoa Kỳ.

    Bộ trưởng Không quân Frank Kendall nói rằng mục đích cuối cùng của Trung Quốc trong việc xây dựng một kho vũ khí như vậy là phát triển một quân đội có khả năng đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương, và rằng chế độ này đang cố tình theo đuổi các công nghệ quân sự có khả năng phá hoại hoặc phá vỡ các hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ.

    Ông nói, vụ thử nghiệm vũ khí siêu thanh của quân đội Trung Quốc vào tháng 07/2021 là một ví dụ điển hình cho nỗ lực này trên thực tế, và ít nhất một quan chức Hoa Kỳ khác đã nói rằng Hoa Kỳ không thể chống lại công nghệ như vậy.

    Những căng thẳng này cũng làm nổi bật sự chênh lệch rõ ràng về tốc độ tăng trưởng giữa quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc, đồng thời khiến một số chuyên gia đặt câu hỏi liệu Hoa Kỳ thực sự có sẵn một chiến lược dành cho cuộc xung đột tiềm tàng với chế độ cộng sản Trung Quốc vì vấn đề Đài Loan hay không.


    Hàng không mẫu hạm duy nhất đang hoạt động của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh (dẫn đầu), ra khơi cùng các chiến hạm khác trong một cuộc tập trận trên biển hồi tháng 04/2018. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

    Cuối cùng, hồi tháng Tư, Dân biểu Ann Wagner (Cộng Hòa-Missouri) đã nói rằng thực chất là Hoa Kỳ đang “nhượng lại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” cho Trung Quốc.

    Trong các bình luận liên quan đến sự việc này, Đô đốc Charles Richard, chỉ huy hiện tại của kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ, trong một cuộc điều trần của Tiểu ban Lực lượng Chiến lược Thượng viện hôm 04/05, cho rằng giới lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ không chắc chắn về quỹ đạo chính xác của các vũ khí quân sự của Trung Quốc.

    Ông Richard nói: “Chúng tôi không biết Trung Quốc sẽ đi đến đâu về các loại vũ khí và năng lực.”

    Ông Richard cũng lưu ý rằng Trung Quốc đang trong quá trình của một cuộc “đột phá chiến lược” điều mà sẽ thách thức trật tự thế giới và rằng Hoa Kỳ sẽ cần phải theo đuổi mạnh mẽ “khả năng cạnh tranh vượt trội,” hoặc áp đảo về lực lượng, để ngăn chặn ĐCSTQ khỏi các hành vi bành trướng hoặc hung hăng.

    Ông cho biết, sứ mệnh đó càng trở nên phức tạp hơn bởi mối liên hệ đối tác ngày càng sâu sắc giữa ĐCSTQ và Điện Kremlin, đã đặt Hoa Kỳ vào tình thế chưa từng có khi cần phải đồng thời ngăn chặn cả hai đối thủ hạt nhân gần như ngang hàng.

    Ông Richard nói: “Ngay bây giờ, chúng ta đang đối mặt với các động lực ngăn chặn khủng hoảng điều mà chúng ta mới chỉ thấy một vài lần trong lịch sử quốc gia của chúng ta.”

    Ông Richard cũng nói thêm rằng ĐCSTQ “có thể sẽ sử dụng biện pháp cưỡng ép bằng vũ khí hạt nhân để có lợi cho họ trong tương lai” do quan sát thấy Nga đã thành công trong việc ngăn chặn sự can thiệp của phương Tây vào cuộc xâm lược Ukraine bằng cách đe dọa hành động hạt nhân.

    Tuyên bố này đã lặp lại những bình luận tương tự của các chuyên gia rằng kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc có thể sẽ dễ dàng được sử dụng để che đậy cho những hành động gây hấn thông thường hơn bằng cách cho phép Trung Quốc đe dọa Hoa Kỳ không can thiệp vào bất kỳ hoạt động mở rộng nào một cách hiệu quả, chẳng hạn như xâm lược Đài Loan. Ông Richard cho biết ĐCSTQ đã lên kế hoạch thực hiện việc này vào năm 2027.

    Bị mắc kẹt ở giữa bởi vũ khí hạt nhân

    Bà Caitlin Talmadge, một thành viên tại Viện Brookings, nói rằng Hoa Kỳ sẽ cần phát triển một “cách mạch lạc hơn” để sử dụng các phương tiện phi hạt nhân hóa nhằm đạt được sự răn đe trên các lĩnh vực, khi mà Trung Quốc đã phát triển đủ sức mạnh hạt nhân để chống lại các lực lượng hạt nhân của Hoa Kỳ. Vì vậy, bà nói rằng hạt nhân sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chiến lược quân sự và ngoại giao.

    Bà Talmadge nói, “Chúng ta đang trở lại thế giới nơi mà vũ khí hạt nhân đang thực sự phủ bóng đen lên cuộc xung đột thông thường và xung đột dưới ngưỡng chiến tranh.”

    Mặc dù vậy, đã có rất ít sự thay đổi trong chính sách hoặc chiến lược hạt nhân của Hoa Kỳ trong một thập niên rưỡi qua, theo ông Robert Einhorn, một thành viên cao cấp tại Viện Brookings, người đã nói rằng, trừ một số thông tin chưa rõ đang được bảo mật, thì đã có một sự tiếp nối trên diện rộng trong chính sách hạt nhân thông qua các chính phủ Tổng thống Obama, Trump, và Biden.

    “Tổng thống Obama đã bác bỏ chính sách không là bên đầu tiên sử dụng (no first use), và ông ấy đã khăng khăng giữ lại lựa chọn sử dụng vũ khí hạt nhân để ứng phó với hành động xâm lược phi hạt nhân hóa,” ông Einhorn nói. “Ông Trump đã làm như vậy và ông Biden cũng sẽ làm như vậy trong [đánh giá về vị thế hạt nhân] của ông ấy.”

    Do đó, ông Einhorn nói rằng công chúng Mỹ có thể mong đợi một phương pháp tiếp cận trung lập để hiện đại hóa vũ khí hạt nhân mà không hiện đại hóa quá mức cũng như không thu hẹp kho vũ khí chiến lược của Hoa Kỳ. Theo ông, cách tiếp cận đó sẽ tính đến thực tế là chính phủ này không có khả năng đạt được sự hỗ trợ cho việc mở rộng năng lực hạt nhân của Mỹ trước những lo ngại về tài chính hiện tại và nguy cơ kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang thậm chí còn tốn kém hơn. Tương tự như vậy, ông nói, có rất ít khả năng chính phủ sẽ không theo đuổi một số nỗ lực hiện đại hóa trong bối cảnh quốc gia này đang phải đối mặt với môi trường có nhiều mối đe dọa.

    Ông Einhorn cho biết: “Trong bối cảnh môi trường chiến lược ngày nay mang tính đe dọa cao với các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Nga, Trung Quốc, và Bắc Hàn, tôi không nghĩ rằng sẽ có nhiều hỗ trợ cho việc hạn chế các loại vũ khí và lựa chọn hạt nhân của Hoa Kỳ.”

    Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.

    Thanh Tâm biên dịch

    Không có nhận xét nào