Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Văn Duyệt - Mười vụ Việt cộng sát hại nhân tài của đất nước Phần 2

    Phần 2. Hết

    Tháng 5 năm 2022

    6. TRƯƠNG TỬ ANH (1914 - 1946)

     http://www.hon-viet.co.uk/TruongTuAnh.jpg.jpg


    Theo tài liệu của Đại Việt Quốc Dân Đảng:

    1934 học Luật Khoa Đại Học Hà Nội. Ông từng viết: “những triết thuyết, những chủ nghĩa đương thời đều không thích hợp với dân tộc Việt  Nam”. Vì vậy mà năm 1938 Ông công bố chủ thuyết tư tưởng và chính trị: chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn. Ông khẳng định: “Vấn đề sinh tồn là trung tâm điểm của lịch sử. Mục đích thiêng liêng của mọi sự hành động của loài người từ xưa tới nay là mưu sự sinh tồn cho mình”.

     Trong bài “Đại Việt Quốc Dân Đảng và Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn của Chí Sĩ Yêu Nước Trương Tử Anh”, (onnguonsuviet.com) có đề cập đến quan điểm của Ông: Dân tộc ta phải tự giải quyết vấn đề sinh tồn của mình. Người nào không tin ở mình là người bỏ đi. Dân tộc ta muốn trở nên phú cường, phải nuôi lấy đức tự tin, tự cường. Phải suy xét cho ra sự hưng vong của mình và tìm phương tự cứu. Để làm được điều này cần có tinh thần quốc gia. Muốn đến đích, chúng ta phải phát triển cực độ tinh thần ấy. Tuy nhiên mục tiêu lâu dài là sự sinh tồn của dân tộc. Tập trung vào việc phát triển kinh tế và đời sống dân sinh.

    Trương Tử Anh cho rằng chủ nghĩa cộng sản là chủ thuyết không tưởng, phi thực tế. Ông nói: chúng ta phản đối các khuynh hướng siêu quốc giới, không mơ màng đến những việc không thể làm được. Chúng ta nhìn vào thực tế và chỉ lo toan cho sự sống còn và lợi quyền của dân tộc ta thôi.

    Chúng ta phải nhận thức rằng trên lập trường quốc tế, giữa các quốc gia chỉ có quyền và lợi. Mọi hành động của nước này đối với nước khác không ngoài mục đích ấy.

    Tóm lại, tôn chỉ của Đại Việt là “bài phong, đả thực, diệt cọng”.

    Tác giả Nguyễn Lộc Yên (“Trang Sử Việt: Trương Tử Anh”, Việt Báo 2.6. 2017) nhận định: nhờ tài lãnh đạo khôn khéo của Ông, chí trong thời gian ngắn, Đảng đã xây dựng các cơ sở khắp Việt, Miên, Lào.

    Ông Yên để lại bài thơ: Cảm Phục Trương Tử Anh:

    Trương Tử Anh tiết nghĩa sắt son!

    Miệt mài tranh đấu giữ giang sơn 

    Quốc gia độc lập lòng mong mỏi 

    Dân Tộc Sinh Tồn, vương vấn luôn 

    1943 bị Pháp bắt

    1944 kết hợp với Đại Việt Quốc Xã (Nguyễn Xuân Tiểu), Đại Việt Duy Dân (Lý Đông A), Đại Việt Dân Chính (Nguyễn Tường Tam) thành Mặt Trận chung, lấy tên là Đại Việt Quốc Gia Liên Minh 

    1945 đưa ra kế hoạch 4 điểm nhằm chống lại sự gian trá của cộng sản trong việc bầu cử quốc hội và thành lập chính phủ liên hiệp:

    1. Phát động phong trào toàn dân bất hợp tác với Việt Minh 

    2. Tách rời Cựu Hoàng Bảo Đại ra khỏi Việt Minh 

    3. Thành lập trung tâm chính trị hải ngoại để yếm trợ cho cuộc chiến đấu chống thực dân và cộng sản ở quốc nội 

    4. Củng cố các chiến khu, tăng cường khối Quốc Dân, mở rộng địa bàn hoạt động.

    Tháng 12.45, thành lập Mặt Trận Quốc Dân Đảng Việt  Nam, gọi tắt là Việt Quốc, bao gồm Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Dân Chính, với Trương Tử Anh làm Chủ Tịch, Vũ Hồng Khanh: Tổng Thư ký, Nguyễn Tường Tam: Bí Thư Trưởng.

     Trong năm 46 Ông vẫn bí mật hoạt động, điều khiển các cơ sở Đảng chiến đấu chống cộng và thực dân cho đến ngày Pháp tấn công Hà Nội  (19.12.46) thì bị công an cộng sản thủ tiêu. 

     Mặc dù mất đi nhưng tinh thần Trương Tử Anh bất diệt. Các đảng viên vẫn chiến đấu cho những mục tiêu cao cả đã đề ra là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, tự cường. Tuy nhiên qua thời gian, đã có những thay đổi về danh xưng cũng như thành phần lãnh đạo. 

    Suốt hơn 80 năm, Đảng Đại Việt có giai đoạn đóng góp vai trò đáng kể trên chính trường miền Nam. Đặc biệt là từ 1964, nhiều vị lãnh đạo tham chính như Hà Thúc Ký (Bộ Trưởng Nội vụ), Nguyễn Tôn Hoàn (Phó Thủ tướng), Phan Huy Quát (Thủ Tướng).

    Trong kỳ bầu cử Thượng Viện 1967, Liên danh Đại Việt đắc cử cùng 5 liên danh khác. Thời kỳ này Đảng phát triển mạnh, tổ chức hoạt động khắp 26 tỉnh thị bộ từ miền Trung đến Nam Phần. Tổng Thống Thiệu và Thủ Tướng Khiêm từng là đảng viên Đại Việt.

    Nhà Báo Việt Thái (Đài Phát Thanh Đáp Lời Sông Núi 28.10.17) nhận xét: Trương Tử Anh là thủ lãnh trẻ tuổi của một đảng có tầm vóc lớn, với chủ trương vận dụng sức mạnh của dân tộc và đạo sống Việt để cứu nước, thay vì dựa vào các chủ thuyết ngoại lai và sự giúp đỡ của ngoại bang. Ông cũng là một trong những nhà cách mạng đầu tiên nhận thức được hiếm họa của cộng sản đối với xã hội và đất nước. Thực tế hiện nay cho thấy là vị thủ lãnh Đại Việt ngay từ đầu đã có những nhận định rất đúng đắn, vì thế trở thành đối tượng mà cộng sản phải tiêu diệt bằng mọi giá, trong khi miệng lưỡi họ luôn hô hào đoàn kết để chống Pháp.

    Thể nhưng cái tên Trương Tử Anh vẫn mãi mãi được ngưỡng mộ trong lòng những người từng mang lý tưởng đấu tranh chống Pháp và chống cọng. Lịch sử Việt Nam mãi ghi tên Ông vào danh sách những trí thức lớn đã cống hiến đời mình cho việc khôi phục nền độc lập nước nhà, nhưng cuối cùng lại bị chính những kẻ tự xưng là “cách mạng” giết hại, chỉ vì không chấp nhận chủ thuyết cộng sản, một chủ thuyết “phản dân hại nước”!

    Năm 1986, Tiến Sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo Sư Đại Học George Mason (Mỹ), được sự bảo trợ của Social Science Research Council để thực hiện cuộc phỏng vấn nhiều đảng viên cao cấp của Đại Việt (Nguyễn Mạnh Hùng, “Phần Giới Thiệu Đại Việt Quốc Dân đảng”, http://usvietnam.uoregon.edu)

    Dưới đây là ý kiến của một số những vị ấy:

    * Đại Tá Phạm Văn Liễu: Tôi nhớ năm 46, Trường Quân Chính của Đại Việt nhấn mạnh rằng tư tưởng quốc gia là thuần túy dân tộc, còn cộng sản thì nó có vẻ quốc tế hơn, nó không có biên giới dân tộc, biên giới quốc gia nữa. Hồi đó chúng tôi nhận ra là với cái danh dự của dân tộc thì tôi thấy cái phần ấy là đúng. Tại sao dân tộc Việt Nam lại xóa bỏ ranh giới của mình đế chấp nhận cái ranh giới quốc tế ấy làm chi. Ngoài ra có một số gia đình nặng thù với cộng sản, sau khi Việt Minh cướp chính quyền, các địa phương nó làm sai lầm, để lộ cho người dân thấy là không đúng như nó nói nữa, có những sai lầm về cán bộ, nhân sự, hành chánh, chính sách, thái độ, cách đối xử của nó làm chúng tôi khó chịu. Thí dụ, ở quê chẳng hạn, những gia đình nông gia có ruộng đất thì không thể sống chung với cộng sản được vì chúng tôi không chấp nhận một cái người hồi xưa làm tá điền cho mình, giờ lên làm chủ tịch xã, đến nhà tôi họ chỉ trích, bảo rằng gia đình tôi hồi đó bóc lột hay làm hại dân chúng. Tôi thấy nhà tôi chỉ có làm phước thôi chứ chẳng hề bóc lột người nào cả. Phải công nhận trong những năm đói Ất Dậu, nếu gia đình tôi không giúp, thì tôi nghĩ nhiều người làm ruộng cho nhà tôi đã chết cả rồi. Thành ra khi nhìn vào đó tôi không chịu nỗi. Rồi tôi nhìn cái mà họ đưa những thành phần toàn là trộm cướp, du thủ, du thực, du đảng, bê bối nhậu nhẹt...lên làm ủy ban hành chánh, chủ tịch quận, huyện, tổng hay xã. Cái đó làm chúng tôi không chấp nhận chế độ với thành phần cán bộ hay chỉ huy như vậy. Đó cũng là duyên cớ chúng tôi không thích cộng sản.

    Thứ hai là những chính sách về: bóc lột, thu vàng, ruộng đất làm chúng tôi không chịu được. Ở nhà quê hồi đó các kỳ mục, kỳ hào, viên chức từ tổng, phủ, xã đều theo Quốc Dân Đảng là vì vậy. Họ không chấp nhận Việt Minh. 

    Hồi đó nói chung thanh niên không cần lý thuyết, chủ thuyết gì cả. Phần nhiều vì gia đình, anh em, bạn bè. Vì đủ thứ, nếu mà tiện chỗ nào thì mình ghé. Về sau khi hai bên Quốc-Cọng đánh nhau rồi, mình chịu đựng những vấn đề cộng sản nó làm đối với gia đình mình, anh em, làng mạc, với xã, với dân, với mình, thì bấy giờ Quốc-Cọng mới rõ ra. Rồi khi đi học, mình mới được học ở cái chủ trương của Quốc Dân Đảng là như thế này, chủ thuyết cộng sản là như thế kia, lúc đó mới nghĩ cái ảnh hưởng của lý thuyết hay chủ trương, chứ thuở đầu không để ý.

    Tới đây, Tiến Sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nêu thắc mắc: 

    - Tại sao hồi đó Việt Minh nó mới lên, nó yếu, thế mà về sau lại thành công?

    Đại Tá Liễu trả lời: - “có lẽ cái sự tuyên truyền ấy mà, tuyên truyền của nó khéo và cụ thể, thực tế hơn mình. Nó biết tạo ra trong dân chúng một cái huyền thoại: Việt Minh là cái thằng cứu nước”.

    Về vấn đề này, thiết tưởng cần hiểu rõ là có lắm trường hợp cộng sản vận dụng cả tuyên truyền dối trá, láo khoét, không đúng sự thật. Như bịa ra chuyện cậu bé Lê Văn Tám liều mình đốt kho xăng Pháp, Tổng Thống Thiệu mang 16 tấn vàng ra hải ngoại, rêu rao đi “học tập” 10 ngày nhưng nhiều người ở tù tới 15, 17 năm mới được thả về.

     

    Đại Tá Liễu nói tiếp: lãnh đạo quốc gia thì Ông nào cũng là cá nhân cả, lại chia rẽ quá. Nhiều Đảng phân ly thành bao nhiêu hệ phái, ít đoàn kết thống nhất với nhau, cùng nhau đánh cộng sản, đối phó với Việt Minh nhưng vẫn luôn dòm ngó nhau. Đó là cái yếu của phe quốc gia mình. Mà cái yếu đó cho đến bây giờ vẫn còn yếu. Thật tiếc. Vì người quốc gia có tinh thần dân tộc cao độ và rõ ràng hơn người cộng sản. Về kiến thức, khả năng tài giỏi cũng chẳng thua kém gì họ. Một ưu điểm nữa, sinh hoạt đảng phái quốc gia mang nặng tinh thần tự do dân chủ hơn, không độc tài quyết đoán như cộng sản.

    * Đào Nhật Tiến, đảng viên kỳ cựu: chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn đề cao dân tộc và coi cộng sản Việt Nam như một chi bộ của cộng sản Nga nên không bao giờ hợp tác với họ. Đại Việt chống Pháp lẫn cộng sản, nhưng tập trung đánh Pháp trước vì đó là nguy cơ hàng đầu. Cho nên, đảng viên được huấn luyện để chuẩn bị đánh Pháp, không chủ động tấn công việt minh, chỉ đáp trả khi bị gây hấn. 

    Sau năm 1944, Trương Tử Anh lại bị Pháp bắt giam. Lúc Ông ở trong tù, các tổ chức quốc gia gặp ngay sự phá phách, chống đối, thù hằn và những hành động bẩn thỉu của phía cộng sản. Tức là họ có hai mặt: một là đấu lý, hai là làm gián điệp ngay cho Pháp để trị lại mình. Thành ra người ta không lấy làm ngạc nhiên tại sao Đại Việt và cộng sản đối đầu nhau không phải như mặt trăng mặt trời mà còn hơn nước với lửa.

    Ông Tiến nói rằng, chủ trương của Đại Việt là để phục vụ cho dân, cho nước, cho sự phồn vinh và hùng mạnh của quê hương mình. Còn mục đích của cộng sản là cái chiêu bài thực dân mới của Nga”. Lê Duẩn từng nói: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Nga cho Tàu”. 

    * Nguyễn Văn Ngãi, Thượng Nghị Sĩ 

    Theo Giáo Sư Ngãi:

    - Khởi thủy, phần lớn đảng viên là sinh viên trường thuốc và trường luật. Đa số những người tham gia là giới trí thức.

    - Đại Việt khác cộng sản, vì việt cộng là công cụ của cộng sản quốc tế. Đại Việt đứng trên quan điểm dân tộc tranh đấu chứ không trên quan điểm giai cấp như cộng sản. 

    - Trương Tử Anh là mẫu người suy tư, có tư tưởng, có viễn kiến, biết tổ chức, đặc biệt là khả năng dung hòa với người khác. Anh ruột của Ngãi kể rằng Trương Tử Anh “làm thỏa hiệp” giỏi. Một lần anh em ở nhóm này chê người của nhóm kia thế này thế nọ, thì Ông bảo:

     ”Con người mình sinh ra, được nuôi dưỡng và giáo dục trong khung cảnh khác nhau. Thành ra có những dị biệt tư tưởng, cái nhìn về một vấn đề nhiều khi cũng không giống nhau. Nhưng mà mình phải có tinh thần cởi mở, chấp nhận, chịu đựng nhau, thì căn bản tổ chức mới tồn tại. Ở gia đình cũng vậy, cặp vợ chồng có 2 người thì do bản chất cấu tạo thể xác khác biệt (Trương Tử Anh là sinh viên trường thuốc mà), rồi thì do điều kiện môi trường sinh hoạt khác nhau, thành ra cái tư duy, suy nghĩ của mỗi người cũng có khi trái nghịch. Vì vậy mà cần khoan dung độ lượng, nhân nhượng, chín bỏ làm mười. Chứ còn nay cãi cọ, mai tranh chấp hơn thua, cái gia đình sẽ chóng tan vỡ”.

     - Phe quốc gia đánh mất nhiều cơ hội vì thiếu tin tức. Năm 45 khi cộng sản cướp chính quyền, do nó gian ngoan xảo quyệt hơn và có hậu thuẫn của Nga, nên nó có tin tức trước, còn phía quốc gia thì chẳng biết gì, u u minh minh, do đó không thể thích ứng hoặc lợi dụng thời cơ được. Chúng ta cũng không có đồng minh giúp đỡ, thiếu lãnh đạo liên tục, bản tính dễ dãi, tình cảm, nhân đạo, cả nể, do dự, không gian manh xảo quyệt hoặc dứt khoát tàn bạo. 

    Việt cộng bắt chước Lenin, áp dụng y chang khuôn mẫu Nga để đánh Pháp, nó tìm cách thỏa hiệp với một số người đối kháng, khai thác tình tự dân tộc, nhưng đó chỉ là bề ngoài có tính cách giai đoạn, còn chủ yếu là nó “thịt” anh em quốc gia. Rất nhiều người bị nó giết năm đó.

    * Đặng Văn Đệ, đảng viên kỳ cựu: “mấy chữ dân tộc sinh tồn hút tâm hồn tôi. Không sự gì bằng khi mà cái dân tộc bị diệt vong. Dân tộc còn sinh tồn thì dân tộc đó chắc chắn tới một ngày phải có chỗ đứng đường hoàng dưới ánh mặt trời, mà với vốn liếng thông minh của dân tộc thì tôi nghĩ rằng đường lối dân tộc sinh tồn đã là đúng trong cái nhu cầu lúc bấy giờ”.

    Sau ngày mất nước, hằng ngàn Đảng Viên bị bắt bớ tù đày. Không cấp hộ khẩu, không cho làm việc. Nhiều người bị đánh đập, sỉ nhục, quỳ gối  suốt ngày giữa chốn đông người qua lại, nhất là ở Huế và Quảng Trị, vốn là địa bàn hoạt động chính của Đại Việt, biết bao đảng viên phải ngậm đắng nuốt cay, có người uất ức không chịu nỗi, cũng đành gạt nước mắt vái lạy cha mẹ vợ con trước khi tìm đến cái chết, kết thúc những tháng ngày bi thương sầu hận. 

    7. KHÁI HƯNG (1896 - 1947)

    http://www.hon-viet.co.uk/KhaiHung.jpg.jpg

    Sau khi đỗ Tú Tài. Ông vào dạy học trường Thăng Long. Tại đây kết thân với Nhất Linh rồi cùng chủ trương Tự Lực Văn Đoàn năm 1932.

    Viết chừng 25 tác phẩm. Hầu hết đều được đón nhận nồng nhiệt.

    1940 theo Nhất Linh thành lập Đại Việt Dân Chính, là Đảng phái chống thực dân có khuynh hướng quốc gia 

    1942 bị Pháp bắt 

    1947 Việt Minh sát hại.

     Bên cạnh tiểu thuyết, Khái Hưng còn sáng tác loại Sách Hồng dành cho tuổi trẻ. Qua đó Ông đã góp phần giáo dục thanh thiếu niên trau dồi tiếng Việt, giúp họ thấu hiểu thêm những giá trị luân lý đạo đức truyền thống của dân tộc. 

    Hơn nửa thế kỷ rồi mà nhiều Ông Bà vẫn nhớ Cái Ấm Đất, Ông Đồ Bể, Bông Cúc Huyền, Cóc Tía, Ai Mua Hành Tôi...để kể lại cho cháu chắc nghe trong những dịp kỵ giỗ, sum họp gia đình. 

    Một điểm son nữa của Khái Hưng là biệt tài dịch thơ tình với bài Tình Tuyệt Vọng từ nguyên bản tiếng Pháp Sonnet D'arvers của Felix Arvers. Đã có tới 10 người làm công việc này nhưng không ai đủ tài lột tả tâm tư tình cảm sâu sắc của tác giả bằng Khái Hưng. Nhiều người ngợi khen bản dịch còn hay hơn cả nguyên tác. Chúng ta thử đọc mấy câu đầu:

    Lòng ta chôn một khối tình 

    Tình trong giây phút mà thành thiên thâu 

    Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu 

    Mà người gieo thảm như hầu không hay

    Khái Hưng là nhà văn chân chính yêu thương quê hương đất nước hết lòng. Cả cuộc đời văn chương ngắn ngủi của Ông cũng đủ minh chứng cho nhận xét xác thực đó. Ông ra đi để lại hàng chục tác phẩm gối đầu giường cho bao thế hệ. Văn dĩ tải đạo. Văn chương đã thế hiện con người Khái Hưng nồng nàn với non sông, đậm đà tình tự với dân tộc, với đồng bào.

     

    Ai có dịp đọc qua sách của Ông, đặc biệt là Hồn Bướm Mơ Tiên hay Nửa Chừng Xuân mà không khỏi kinh ngạc thiên tài xuất chúng của tác giả. Từ xây dựng bố cục đến tâm tư tình cảm Lan, Ngọc trong Hồn Bướm Mơ Tiên hay Mai, Lộc trong Nửa Chừng Xuân. Hấp dẫn tuyệt vời. Lôi cuốn từ đầu tới cuối. Ai cũng muốn biết câu chuyện sẽ đi về đâu? Nhiều người thổ lộ đã đọc đi đọc lại cả chục lần mà vẫn còn khâm phục văn tài Khái Hưng. Kỳ diệu là lắm chỗ không sao ngăn được dòng nước mắt xúc động ngậm ngùi trước cảnh đời đau thương bi lụy của các nhân vật chính.

    Cứ tự hỏi, trong buổi bình minh của nền văn học Việt Nam, lúc tiếng Việt hãy còn phôi thai, làm sao Ông có thế cho ra đời những tác phẩm về luận đề hay tình yêu lý tưởng mà mãi 90 năm sau còn có lắm người ham mê tìm kiếm.

    Nguyễn Vỹ trong “Văn Thi Sĩ Tiền Chiến” kể lại: Tôi có gặp Khái Hưng vài lần. Ông là nhà văn tôi yêu mến nhất trong Nhóm Phong Hóa.  Khái Hưng người gầy ốm, đôi má cóp và nước da hơi tái, nhưng nụ cười rất tươi, ngụ nét hóm hỉnh, khuôn mặt khá ái, chứ không hời hợt đãi bôi kiểu Thế Lữ, và không trào lộng như Nguyễn Tường Tam.

    Ông không tự kiêu tự đắc. Tính điềm đạm tao nhã, thành thật và lịch sự, thỉnh thoảng khôi hài đôi chút, chẳng làm mích lòng ai. Còn Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại thì nhận định: “nhà văn mà được thanh niên yêu chuộng, được họ coi là người hiểu biết tâm hồn của họ hơn cả, có lẽ chỉ có Khái Hưng...Ông là văn sĩ của thanh niên Việt Nam, cũng như Alfred de Musset là thi sĩ của thanh niên Pháp thuở xưa.

     Khái Hưng là nhà tiểu thuyết có biệt tài. Ông lại để tâm đến việc cải cách  hủ tục trong gia đình Việt Nam, nên loạt tiểu thuyết phong tục của Ông đều là những tác phẩm giá trị. 

    Nhà Văn Vương Trùng Dương (“Khái Hưng: Hành Trình Nhân Bản”, online.fliphtml5.com) nói rằng: “tuy không ưa cộng sản nhưng Khái Hưng vốn mang tâm hồn nhân bản nên vẫn nghĩ chả lẽ nào họ lại nhẫn tâm, tàn ác tiêu diệt những người đối lập chân chính. Vì thế mà Ông không nghe lời ngăn cản của bạn bè thân hữu, rời Hà Nội, về quê vợ ở Nam Định vào tháng 12.46, để rồi bị thủ tiêu dã man.

    Vợ Ông sống lầm lũi trong nỗi khổ đau, mắc bệnh tim mạch và qua đời năm 54.

    “Khái Hưng chọn nghề văn, nghề báo như nguồn sống cao quý để dâng hiến cho tha nhân. Ông là nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà cách mạng...luôn mang tâm hồn nhân bản để xây dựng cái hay, cái đẹp, nhân cách con người, giá trị đạo đức trong từng cá nhân, gia đình và xã hội.

    “Ông vẫn còn khả năng cổng hiến cho đời những đứa con tinh thần quý giá.. Nhưng than ôi! Kẻ bạo tàn đã ra tay kết liễu cuộc đời đáng sống của cây bút đây lòng nhân ái đang dấn thân cho nghiệp dĩ”.

    Ông Bà Khái Hưng gặp cảnh hiếm muộn. Nhất Linh cho cậu con trai sang ăn ở và làm dưỡng tử của  người bạn tri kỷ, đặt tên là Trần Khánh Triệu. 

    Từng chứng kiến cảnh huống Khái Hưng bị Việt Minh bắt dẫn đi, Ông Triệu kể lại những ngày cuối cùng của người cha nuôi trước khi bị thủ tiêu, qua bài viết “Papa Tòa Báo”, đăng trong Thế Kỷ 21:

    “Vào hạ tuần tháng 12.1946, papa về quê Me, làng Lịch Diệp (Nam Định) để tránh bom đạn Pháp. Chỉ tạm cư mấy hôm thì một buổi chiều có hai thanh niên mặt lạ tới “mời” papa lên huyện. Cả nhà thất sắc nhưng papa chỉ vào cái phù hiệu của Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam do chính tay Trần Huy Liệu tặng còn gắn ở ve áo, bình tĩnh nói: “Chắc không có chuyện gì đâu, để tôi đi xem sao. Bây giờ kháng Pháp là lúc cần đoàn kết, đâu có thể bắt bớ bậy bạ!”

    Vài ngày sau, gia đình dò la tin tức, được biết papa đang bị giam giữ, sắp giải đi nơi khác.

    Khuôn mặt võ vàng, mắt như sâu lại dưới gò má. Trên ve áo cái phù hiệu Trần Huy Liệu tặng không còn nữa!

    Papa nhắn: “Triệu, con về đi. Me con cuốc đất trồng rau sống qua ngày. Papa đi lần này không biết ra sao!”

    Tôi run lẩy bẩy nắm lấy cánh tay gầy guộc của papa, nhưng viên công an sẳng giọng: “Đi ngay, đường còn dài” 

    Me lại cho người dò la tin tức papa, viết đơn lên ủy ban Hành Kháng tỉnh  xin cứu xét.

    Bất chợt papa trở về, có người mang phù hiệu “Công an Thành Nam Định” đi kèm. Papa cho biết “bị bắt lên Trực Ninh, giải qua Lạc Quần, giam ở đó sợ lắm vì mỗi lần báo động oanh tạc chúng chạy hết, còn tù thì xích chân lại cho ở trong đồn, có ý mượn tay thằng Tây giết mình”.

    Lúc papa ăn cơm vội vã, tên công an vẫn lảo đảo ngoài hiên lừ đừ nhìn mọi người. Me khóc nức nở, hẳn đến gần nói mấy câu: “cứ yên tâm, sẽ có ngày về, chính sách chính phủ bao giờ cũng đại đoàn kết để kháng Pháp”.

     Ăn xong lên đường, tên công an còn ngoảnh lại nói như máy: “Đến nơi sẽ có tin về nhà ngay, không sao cả, cứ yên tâm!”

    Tôi theo tới đầu làng, dáng papa thất thểu vác tay nải mệt nhọc đi trước, tên công an vạm vỡ theo sau. Đi mãi, đi mãi rồi khuất hẳn sau lũy tre...

    Từ cái ngày đó, tôi không còn được gặp lại “papa tòa báo” nữa”.

    Tác Giả Phạm Ngọc Lũy trong bài  “Trước Giờ Giao Thừa Khái Hưng Bị Giết” đưa ra vài chi tiết về cái chết của Nhà Văn đất Cổ Am: Sau khi Khái Hưng mất, Ông Lũy được Lê Văn Thoan, em chú bác ruột với Bà Khái Hưng cho hay: một tên em họ của Thoan làm công an, là người thi hành bản án vô cùng dã man tàn bạo ngoài sức tưởng tượng này. Hẳn hung hăng dùng dao đâm Khái Hưng nhiều nhát cho đến chết, rồi bỏ vào bao bố vất xuống ngay bãi giữa bến sông Cựa Gà. Lúc ấy khoảng trước giờ giao thừa sang năm mới Đinh Hợi 1947”.

    8. NHƯỢNG TỐNG (1906 - 49)

    http://www.hon-viet.co.uk/NhuongTong.jpg.jpg

     Tên Hoàng Phạm Trân. Nhà Văn, nhà báo, nhà cách mạng.

     Theo báo Tuổi trẻ ngày 5.6.21, (cuốn sách Bà Hoàng Lương Minh Viễn chờ đợi một đời người): 16 tuổi, Nhượng Tống đã có một sở học đáng nể. Bắt đầu viết báo cùng sáng tác. Tài năng văn chương và dịch thuật của Ông khiến nhà phê bình Vũ Ngọc Phan phải tấm tắc hạ chữ “tài tình”, nhiều câu thơ đạt trình độ tuyệt bút.

    Thế mà Tống vẫn mang số phận bí ẩn, hẩm hiu, ít người biết đến. Nhưng rồi “cái gì của Caesar hãy trả lại Caesar”. Gần đây, Nhà Văn Yên Ba đã hoàn thành cuốn sách khảo cứu “Nhượng Tống - Bi Kịch Con Người giữa Những Xung Đột của thế kỷ XX” nhằm đánh giá đúng tài năng học thuật và dich thuật của Ông. Cầm quyển sách viết về thân sinh, Bà Viễn hân hoan tự hào: “Cha ơi! Giờ đây Cha đã thành Người”!

    1926 tham gia Nam Đồng Thư Xã, phổ biến sách báo phát động chủ nghĩa yêu nước.

    1927 cùng Nguyễn Thái Học và các lãnh tụ khác thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng.

    1929 - 36 Pháp đày ra Côn Đảo 

    1947 cùng một số đồng chí tái tổ chức hoạt động của Đảng.

    1949 do những mâu thuẫn trong nội bộ, Ông lặng lẽ trở về hành nghề thầy thuốc.

    Tác giả Nhị Linh “Vài Dật Sử về Nhượng Tống”: Nếu trước 1945 ở Việt Nam có một thiên tài văn chương đích thực, đúng nghĩa và trọn vẹn nhất, thì thiên tài ấy là Nhượng Tống.

    Không đâu như ở Việt Nam, một thiên tài văn chương đã hoàn toàn vắng bóng khỏi văn học sử chính thống. Sau nhiều thập kỷ, Nhượng Tống gần như bị quên hẳn. Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh với phân nửa là thơ ca tầm thường, từng có hơn một người phàn nàn về việc Hoài Thanh không đưa thơ Tống vào.

     Nhị Linh chẳng chút ngần ngại nói rằng: trước 1945 chỉ có 3 tiểu thuyết thực sự lớn, là Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách), Băn Khoăn (Khái Hưng) và Lan Hữu (Nhượng Tống).

    Tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy (Khoa Học Phát Triển 5.6.1921) nêu vài phản biện trong sách của Yên Ba:

    - Ngày 25.12.1927 tham gia hội nghị thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, với Nguyễn Thái Học - Chủ Tịch, Nhượng Tống - Trưởng Ban Tuyên Huấn. Ông đám trách dịch sách báo về phương pháp cách mạng Đông Tây để tìm đường lối cứu nước. Đồng thời là Trưởng Ban Tu Thư chuyên lo in ấn tài liệu.

    1929 - 33 tù Côn Đảo

    Trái với các nhà lãnh đạo khác trong đảng, Ông giữ quan điểm ôn hòa, tránh bạo lực.

    Theo Yên Ba: “Những ngày tháng lưu đày nhà tù khắc nghiệt, Tống chứng kiến mâu thuẫn giữa Đảng Ông với người cộng sản vốn có từ trước, càng dấy lên gay gắt. Khác biệt Quốc Cọng về chủ trương, chính sách và phương thức đấu tranh. Trong không gian nhà tù chật chội càng trở nên cực đoan, tạo thành hổ thẳm ngăn cách hai phe, ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến lich sử hoạt động chính trị sau này ở Việt Nam, cùng số phận của những cá nhân như Nhượng Tống.

    Hết quản chế vào cuối 1944, Ông trở lại Hà Nội, vẫn với vị trí then chốt trong Ban Chấp Hành Đảng.

     Đỗ Bá Thế thuật lại: vào thời gian đó, Tống thường xuyên tới nhà xuất bản Tân Việt để viết cuốn “Đời Cách Mạng của Nguyễn Thái Học”. Gặp bữa Tạ Thu Thâu từ Nam ra cũng ghé chỗ này đàm đạo với các nhà văn. Lần đầu gặp nhau, Tống không nhận ra Thâu.

    Lúc ấy Ông mặc chiếc áo the thâm bạc thếch, quần trắng đã ngã màu cháo lòng, đầu chụp khăn đóng đen, hai mắt mệt mỏi nhìn Thâu lấm la lấm lét . 

    Thấy tay Thâu run run, Tống bước tới bàn, rít một hơi thuốc, rồi thân mật hỏi: 

    - Xem chừng Ông bệnh nặng lắm thì phải...Nước da hắc ám, mắt lờ đờ, tròng trắng giã, hết cả máu, thế này để lâu có thể nguy đến tính mạng...

    Tân Việt nhanh nhẩu nói:

    - Hay là Tiên Sinh xem mạch, cắt cho anh tôi vài chén thuốc. Ở trong Nam Thầy chạy cả. Bệnh nặng tất phải có danh y mới mong cứu thoát được. Rồi Tống bắt mạch và biên bài thuốc cho Thâu.

    Yên Ba nói thêm: Sau khi Việt Minh chiếm chính quyền thì mâu thuẫn Quốc - Cọng trở thành sống còn.  Các đảng viên nổi trội của Quốc Dân Đảng lần lượt bị bắt giữ.

    Trong thời điểm 1946, Nhượng Tống vẫn siêng năng, hăng say gây dựng lại lực lượng Đảng. Nhưng rồi Ông nản, nhận thấy Đảng mình “chỉ còn là một nắm cát rời”. 

    Nhà Văn này lược trích một đoạn trên báo Tia Sáng năm 1948 tả chân dung Nhượng Tống, khi ấy đã chán ngán thế sự, chỉ tập trung nghề bốc thuốc.

    “Trán cao, rộng, cặp mắt  hiền từ, nụ cười lạc quan, tóc ít dùng lược, cổ sơ mi xoạc hai bên, quấn chiếc “phu la” bạc màu, áo quần lệch lạc bất chấp cả giặt ủi”.

     Theo Hoàng Văn Đào (Từ Yên Báy đến Các Ngục Thất Hỏa Lò, Côn Nôn, Guyan), ngày 8.9.49, một cậu bé đến hiệu thuốc xin Ông tới chữa bệnh cho bố. Vừa ra khỏi nhà 500 mét thì kẻ sát nhân là công an, bắn Ông xuyên gáy, chết tại chỗ đầy bi thảm.

     Nhượng Tống để lại nhiều thơ giá trị. Xin trích dẫn 3 bài tiêu biểu:

    - Khóc Nguyễn Thái Học 

    Nhục mấy trùng cao ách mấy trùng 

    Thương đời không lẽ đứng mà trông 

    Quyết quăng gươm bút xoay nghiên súng 

    Đâu chuyện râu mày thẹn núi sông 

    Người dẫu chết đi, lòng vẫn sống

    Việc đời hỏng nữa, tội là công 

    Nhớ anh, nhớ lúc khi lâm biệt 

    Cười khóc canh khuya chén rượu nồng 

    - Cảm Đề Lịch Sử 

    Ba xứ non sông một dãi liền 

    Máu đào xương trắng điểm tô nên 

    Cơ trời dù đổi trò tang hải 

    Mặt đất chưa tàn nghiệp tổ tiên 

    Có nước có dân đừng rẽ rúng 

    Muốn còn muốn sống phải đua chen 

    Giựt mình nhớ chuyện ngàn năm cũ 

    Chiêm, Lạp xưa kia vốn chẳng hèn 

    - Trong Ngục Mưa Gió 

    Một giọt mưa sa, một giọt sầu

    Tình Người cảnh vật xiết thương đau 

    Lưng trời vỡ tổ, chim kêu thảm 

    Dậy đất hờn thu, lá rụng mau

    Xa tít quê nhà mê chẳng tới 

    Buồn tình đêm tối thức càng lâu 

    Ba thu dồn lại năm canh vắng 

    Đừng trách chàng Phan chóng bạc đầu. 

    9. TRẦN VĂN TUYÊN (1913 - 1976)

    http://www.hon-viet.co.uk/TranVanTuyen.jpg

    “Thân Thể và Sự Nghiệp của Nhà Cách Mạng Trần Văn Tuyên”, (Trần Vỹ và Nguyễn Quốc Khải, anhdao.org):

    Trước 75, Luật sư Tuyên có nhiều phương tiện để xuất ngoại nhưng Ông chọn ở lại.

    Tuyên đã trải qua một đời tranh đấu cho dân tộc trong suốt giai đoạn lịch sử đầy máu và nước mắt của đất nước.

    Tuyên là học sinh xuất sắc, thi đậu hai bằng trung học và tú tài trong cùng một năm. Đoạt giải nhất cuộc thi hùng biện tiếng Pháp khắp toàn quốc.

    Đỗ Cử Nhân Luật 1943. Thành lập Thiếu Đoàn Hướng Đạo năm 1934. Là một trong những sáng lập viên phong trào truyền bá quốc ngữ thập niên 30 để nâng cao trình độ văn hóa, ý thức dân chủ, hiểu biết quyền công dân, chống lại nền giáo dục nô lệ mà thực dân muốn giới hạn tối đa cho thành phần ân sủng.

     

    Vào Nam, Ông là đồng sáng lập hội Bách Khoa Từ Điển, hành nghề luật, và giảng dạy nhiều trường đại học. Xuất bản chừng 10 sách. Chủ xướng báo Sao Trắng của Việt Nam Quốc Dân Đảng từ 1942. Thông thạo Anh Pháp ngữ, tiếng Quảng Đông và Quan Thoại.

    Học Giả Thái Văn Kiểm viết trong “Đất Nước Gấm Hoa”: 

    “Luật Sư Tuyên đã nêu cao tinh thần bất khuất của Nguyễn Thái Học và hiên ngang đi vào lịch sử bằng cửa lớn. 

    Từ kinh nghiệm bản thân, Ông thấu hiểu thế nào là nghèo khổ, đói khát, bất công, áp bức, ngục tù. Chính những lý lẽ đó mà Ông đã hy sinh cả đời tranh đấu vì tự do, dân chủ, công bằng xã hội và an sinh cho toàn dân tộc”. 

    Theo Nguyễn Quốc Khải, con đường chính trị của Tuyên bắt đầu bằng việc gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1929 lúc mới 16 tuổi. Tham chính đầu tiên trong chức vụ Tri Huyện Hải Dương năm 1944. Chính cán bộ Việt Minh mật báo cho Ông biết mà thoát chết vụ mưu sát của cộng sản nhờ dân chúng huyện Thanh Miên thương mến khâm phục tài đức của Ông.

    Năm 1947, cùng Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh trốn sang Trung Hoa, tránh Việt Minh liên kết cùng chính quyền Pháp diệt trừ các phần tử quốc gia.

    Bác Sĩ Nguyễn Tường Bá kể “Vài Kỷ Niệm với Anh Trần Văn Tuyên”, (Khởi Hành, 24.10.98): tầm thước, nhanh nhẹn, tóc húi cao, mắt sáng tinh anh sau cặp kính dày cộm, luôn tươi cười cởi mở. Anh Tuyên là mẫu người trí thức thông minh, rõ rệt là một hiền nhân. Rất uyên bác, đọc nhiều sách khảo cứu, có cả một thư viện trong nhà. GiỏiHán Tự. Viết báo, làm luật sư, ở tù nhiều lần, Phó Thủ Tướng, dân biểu, Thủ lãnh luật sư đoàn”.

    Ngày 29.4.75, con gái Trần Đạm Phương đang ở Mỹ điện thoại về thuyết phục Cha ra đi, nhưng Ông trả lời: thà chết vì bàn tay kẻ thù còn hơn sống yên thân trong sự khinh thường của đồng bào, bạn bè, đồng chí và đồng minh”.

    Khi hai con trai Trần Tử Thanh và Trần Vọng Quốc trao công điện của Bộ Ngoại Giao Mỹ xác nhận đã dành đủ chỗ cho cả gia đình di tản. Luật Sư khẳng định: “...mình không phải là người đi làm bồi cho Mỹ, sinh ở đây thì chết cũng ở đây...”, dù Ông cho phép con cái quyết định theo ý mỗi người.

    Lúc bị bắt vào tù, phải viết bản kiểm thảo. Luật Sư ghi: “Tôi không có tội gì với tổ quốc và đồng bào tôi cả. Nếu có thì đó chỉ là tội chống cộng sản, thực dân, độc tài và bất công”.  

    Khi những dòng chữ này lọt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam và xuất hiện trên báo chí ngoại quốc. Trang nhất tờ New York Times gọi Luật Sư Tuyên là Solzhenitsyn of Vietnam's Gulag Archipelago (Solzhenitsyn của Quần Đảo Ngục Tù Việt Nam).

    Viên Linh (Khởi Hành, 10.98) chép lại bài thơ “Giao Thừa Trong Ngục Tù” của Trần Văn Tuyên:

    Thân già tuổi tác trời cho sống 

    Ta vẫn yêu đời thỏa chí trai 

    Cùm xích nung sôi hồn cách mạng 

    Giao thừa chóng đến đợi sao mai 

    1976, Tuyên bị giam tại Hà Tây. Bạn tù Trần Vỹ, Bác sĩ Thạc Sĩ Y Khoa viết cuốn sách “Chết trong Lao Tù Cộng sản” bằng tiếng Pháp, kể lại lần đi về miền miên viễn của Tuyên. Bác sĩ Phụng Hồng, học trò cả hai Ông đã dịch lại:

    Vào khoảng 20.10.76, bạn tù đề cử Tuyên đại diện anh em trong một buổi báo cáo. Tuyên mong có cơ hội chứng minh cho người cộng sản thấy rằng trí thức miền Nam không bao giờ phản bội tổ quốc, tất cả tranh đấu giành độc lập cho Việt Nam theo quan niệm về dân chủ tự do của họ.

    Từ 8 giờ sáng, hết thảy tù nhân đã vào chỗ. Vài phút sau, nhiều cán bộ tới dự. Ngay lúc đó, tôi thấy đám đông tụ tập bên kia lối đi nơi Tuyên ngồi. Tôi nghĩ chắc có người nào vừa té ngất xỉu, bạn bè đang xúm lại tiếp cứu. Tôi liền tới xem xét, mới hay người ấy chính là Tuyên, đang nằm  duỗi thẳng, nhịp thở hơi đều, nhưng lại không phải là cơn ngất xỉu. Tuyên  đang hôn mê trầm trọng. Vì tôi biết Tuyên bị chứng cao huyết áp ở Thủ Đức, từng nhờ tôi đo áp huyết nhiều lần. Tôi liền làm chấn đoán bệnh ngay là “kích xúc thuyên tắc mạch”. Tôi yêu cầu mọi người đừng thoa bóp nữa mà vực Ông ta đến cuối phòng. Họ liền làm tức khắc và tôi ngồi cạnh Tuyên để canh chừng: nhịp thở đều nhưng đã thấy bán thân bất toại và phản xạ duỗi thẳng những ngón chân được ghi nhận rõ rệt. Bọn cán bộ hỏi vì sao lại xảy ra như thế. Tôi trả lời là Tuyên vừa bị vỡ một động mạch nhỏ trong não. Quản giáo hỏi xem tôi có lầm lẫn khi chẩn đoán không. Tôi xác nhận lại lần nữa rằng tôi quả quyết là đúng chắc, rồi nói hắn đưa Tuyên đi bệnh viện. Trong lúc chờ đợi, tôi yêu cầu cho tôi mượn máy đo huyết áp. Y không nói gì. Một giờ sau trở lại với ống chích đựng đầy chất lỏng trong veo và bảo tôi chích cho Tuyên.

     

    - Thuốc gì vậy?

    - Sinh tố B1. Hãy chích cho nó!

    - Nhưng không có tác dụng gì công hiệu cả!

    - Thì hãy cứ chích cho nó! 

    Tôi chích xong nói với y:

    - Cán bộ chính trị! Hãy đưa người này đi bệnh viện ngay. Ở đây chúng ta đành chịu bó tay không làm được gì.

    - Chúng tôi không có quyền cho Ông ta ra khỏi trại!

    - Hãy đưa lên bệnh xá!

    - Lại không thể được. Vì không đủ  chỗ! (sự thực thì trại chưa hề có bệnh xá).

    - Ở bệnh xá hay bất cứ phòng nào. Đang còn có những bạn hữu của chúng tôi ở đây. Anh không thể để họ nhìn thấy Ông ta chết. Viên y tá bỏ đi.

    Buổi học tập chấm dứt. Hội trường giải tán. Chỉ còn lại mình tôi cùng 6, 7 cựu đảng viên Quốc Dân Đảng. Hơn 1 giờ sau, y tá cùng 2 tù nhân lo việc chung sự khiêng cánh cửa thế cái cán.

    - “Chúng tôi di chuyển Ông ta đi bệnh viện”. Họ nói thế.

     Tên cán bộ cho biết y và y tá đã gặp giám đốc trại để trình báo bệnh tình của Tuyên. Họ điện thoại Bộ Nội Vụ xin chỉ thị, nhưng Bộ chỉ cho đi bệnh viện Hà Đông mới cách nửa giờ. Hắn yêu cầu chúng tôi lập tổ 3 người kiểm kê tài sản cá nhân của Tuyên.

    Một người bạn tiết lộ Tuyên có con gái ở lại Hà Nội trước 54. Hôm sau y tá báo với chúng tôi, Tuyên ở trong tình trạng hôn mê. Tôi đề nghị hắn cho cô ta về trực cạnh đầu giường Tuyên nhưng hắn không trả lời!

    Ngày kế tiếp, quản giáo thông báo Tuyên từ trần hồi 4 giờ sáng, thi hài sẽ đem về trại vào buổi chiều. Hắn nói thêm là giám đốc cho phép chúng tôi cứ phải đoàn 8 người để lo tấm liệm và chôn cất.

    Anh em dành vinh dự ấy cho những đảng viên kỳ cựu của Đảng Tuyên. Thi hài đặt trong cỗ quan tài bằng gỗ tạp. Thân hình Tuyên quấn tấm “vải mùng tuyn”. Bạn bè ngậm ngùi rơm rớm nước mất, quanh quẩn bên Tuyên lần cuối. Rồi toán chung sự đậy nắp và đóng đinh. 10 phút sau, chiếc xe vận tải đưa Tuyên băng qua những ruộng lúa, hạ xuống huyệt và lấp lại làm thành mô đất nhỏ. Những người bạn đại diện kính cẩn nghiêng mình một cách đầy thương tiếc vị lãnh tụ can trường. 

    10. KHA TƯ GIÁO (1942 - 78)

     

    http://www.hon-viet.co.uk/KhaTuGiao.jpg

    Tốt nghiệp Khóa 1, Đại Học Chính Trị Kinh Doanh Dalat và 7/68 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Thiếu Úy Biệt Phái làm việc ở Kỹ Thương Ngân Hàng Saigon.

    Duy Nhân, chuyên viên cùng ngành và bạn tù, kể lại chuỗi ngày Giáo bị giam giữ sau 75 (“Người Không Nhận Tội”, Duy Nhân, aihuuluatkhoa.com):

    Người cộng sản quan niệm biệt phái là làm công tác đặc biệt. Biệt phải ngân hàng là được đưa về ngân hàng, kiếm thu nhập cho người lính để có thêm sức cầm súng. Do đó sĩ quan biệt phái là người có tội rất nặng với cách mạng và nhân dân hơn những thành phần khác. 

    Giáo thì cho rằng anh và các bạn không ai có tội. Chiến sĩ Việt Nam Cọng Hòa chiến đấu chống lại bộ đội Bắc Việt và quân nằm vùng là để tự vệ chứ không hề chống lại nhân dân, đồng bào ruột thịt trong Nam cũng như ngoài Bắc. Riêng bản thân anh, sinh

    ra ở miền Nam, học hành và làm công tác chuyên môn ngân hàng để sống và phục vụ đất nước thì sao gọi là có tội.

    Với lập trường như vậy, anh bị làm kiếm điểm liên tục. Còn những bạn khác cũng phải “giúp đỡ” anh nhìn thấy tội lỗi của mình để được nhân dân và cách mạng khoan hồng. 

    Càng kiểm điểm anh càng thấy mình là người vô tội. Bài viết lúc đầu dài. Về sau chỉ còn 4 chữ thật to chiếm hết trang giấy: “TÔI KHÔNG CÓ TỘI”!

    Cán bộ trại đành bó tay. Cấp cao cử hai chính ủy từ Saigon xuống.

    Anh Giáo đã chứng tỏ trình độ và bản lãnh của mình. Đặt ra những câu hỏi mà họ không trả lời được. Thêm nữa, anh còn vạch trần tội ác của họ. Từ vai tội nhân, anh trở thành công tố viên trước tòa, luận tội việt cộng. Anh trầm tĩnh nói:

    - Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam. Nhờ hạt gạo của đồng bào nuôi lớn, trưởng thành từ nền văn hóa, giáo dục, khoa học nhân bản và khai phóng. Chúng tôi có lý tưởng của chúng tôi, cũng như các anh có lý tưởng của các anh. Lý tưởng của các anh là dùng bạo lực lật đổ chính phủ hợp hiến hợp pháp của Việt Nam Cọng Hòa để bành trướng chủ nghĩa  cộng sản. Lý tưởng của chúng tôi là bảo vệ tự do dân chủ. Các anh từ miền Bắc vào xâm lăng, buộc lòng dân quân miền Nam phải chiến đấu tự vệ. “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh”. Chẳng lẽ một công dân cầm súng, bảo vệ tổ quốc, gia đình, bà con, bạn bè là có tội hay sao?

    Viên đại tá lên tiếng:Các anh chỉ là tay sai đế quốc Mỹ. Người cộng sản làm cách mạng là  để giải phóng các dân tộc khỏi áp bức, bóc lột, mang lại công bằng xã hội, ấm no hạnh phúc cho mọi người.

     

    Anh Giáo đáp: Tôi thiết nghĩ người cần được giải phóng là nhân dân miền Bắc đang thiếu tự do, dân chủ, sống đời lầm than cơ cực.

    Trở nên giận dữ, viên Sư trưởng đập mạnh tay xuống bàn. Ly nước trước mặt văng đổ tung tóe.

    - Quân phản động!

    Các anh ôm chân đế quốc, bị đầu độc bởi vật chất xa hoa và văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa tư bản thối tha, nên không nhận thấy tội lỗi của mình.

    Anh Giáo: - “Chúng tôi là người quốc gia, không theo chủ nghĩa nào cả. Chủ nghĩa chỉ là lý thuyết, giáo điều do con người đặt ra để phục vụ cho những mục tiêu chính trị nhất thời. Đến giai đoạn nào đó nó sẽ bị đào thải do không còn theo kịp đà tiến hóa của xã hội. Chủ nghĩa cộng sản chỉ là chủ nghĩa ngoại lai, duy vật và sai lầm khi chủ trương vô gia đình, vô tôn giáo, vô tổ quốc, đi ngược bản chất con người, truyền thống duy tâm trọng đạo của dân tộc Việt. Nó quá tàn nhẫn khi chủ trương đấu tranh giai cấp bằng chuyên chính vô sản”. 

    Bấy giờ hai tên Việt cộng giận run, nét mặt đanh lại, xám ngắt, đuổi anh ra khỏi phòng.

    Khi ở trại Phú Quốc, tù nhân phải lên rừng đốn củi. Nhiều anh em nghe lời cán bộ trại, đi tìm những cây to để chứng tỏ mình là người “tiến bộ”. Riêng anh thì ung dung, chỉ vác những khúc vừa sức mình. Khi cần nghỉ thì anh đừng lại nghỉ. Một buổi chiều vừa đến đầu con dốc, anh đặt thân cây xuống, ngồi nghỉ mệt. Tên chỉ huy bắt phải đứng lên đi tiếp. Anh vẫn nghỉ. Y liền rút súng K54 rồi nghiêm sắc mặt:

     

    - Anh có đứng lên không?

    - Tôi còn mệt. Bao giờ hết mệt tôi sẽ đi.

    - Anh không đứng lên tôi bắn.

    - Anh cứ bắn đi.

    Tên cán bộ bóp cò. Hai tiếng nổ chát chúa vang động cả khu rừng. Một bầy chim bay lên tán loạn, kêu quang quác.

    Không biết sợ hãi hay run tay mà đường đạn nhắm vào anh đi trượt một bên tai, bể nát phần thân cây anh đang ngồi trên đó.  

    Rồi việt cộng nhốt anh vào cũi sắt để giữa rừng, không có mái che mưa nắng. Anh tuyệt thực phản đối chính sách dã man và trả thù hèn hạ của chúng. Anh thường ca bài Đêm Nguyện Cầu (Lê Minh Bằng) trong những giờ khuya khoắt thanh vắng: 

    “Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối 

    Nghẹn ngào nghe đất nước tôi trăm nghìn ưu sầu...”

    Tác giả Trần Văn Giang (“Kha Tư Giáo - Người Chiến Sĩ Bất Khuất của Tự Do”) thuật lời một đồng môn: Anh Giáo người cao ráo, qua cặp kính trắng lộ ra dáng trí thức. Toàn trại  đều biết anh vì dứt khoát không bao giờ nhận có tội với “cách mạng” và “nếu thấy tôi có tội thì đem bắn bỏ, còn không phải trả tôi ra tự do”.

     

    Trong giờ học tập, một cán bộ đang thao thao bất tuyệt những ưu việt của xã hội chủ nghĩa thì Giáo đưa tay xin phát biểu:

    - Cán bộ đề cao xã hội chủ nghĩa, nghe thấy khó hiểu và cao xa quá. Thật ra chúng tôi không cần biết mà cũng không cần hiểu làm gì. Dân miền Nam chỉ đơn giản hiểu cái chủ nghĩa nào mang lại cơm no áo ấm, hạnh phúc cho nhân dân, đó mới là chủ nghĩa ưu việt mà thôi.

    Có lần tên cán bộ nói: các anh rán học tập tốt về sớm chứ nhà nước đâu có cơm gạo nhiều để nuôi các anh.

    Anh Giáo nêu thắc mắc: cách mạng bảo đi học 10 ngày mà đã mấy tháng rồi vẫn giam giữ chúng tôi chưa cho về, nay lại nói không cơm gạo nuôi là làm sao?

    Ai nói với các anh là chỉ đi học tập 10 ngày?

    - Một lời nói của cách mạng để 99% người hiểu lầm, vậy thì đó là lỗi của dân hay của cách mạng?

    Một hôm cán bộ nói với Giáo: “Bây giờ tôi trò chuyện với anh như hai người ngang hàng. Anh định nghĩa cho tôi biết thế nào là tự do”

     - Anh là kẻ chiến thắng, tôi là người thua trận, không bao giờ có chuyện “nói ngang hàng” với nhau được.

    Còn anh hỏi tôi định nghĩa thế nào là tự do thì tôi không định nghĩa được vì nghĩa của chữ đó quá rộng. Nhưng mà khi tôi bị mất tự do là tôi biết liền.

     

    Chẳng làm gì được Giáo, cán bộ bắt bạn tù “giúp đỡ” anh nhận tội. Nhưng Giáo chỉ trả lời: cái tội của tôi là “tôi đã không thể nói cho các bạn hiểu là là Tôi Không Có Tội”.

    Cuối cùng, bọn quản giáo nhốt anh trong chuồng kẽm gai trống trải. Cát, gió, kiến lửa tha hồ ùa vào. Trên đường bị chuyển về đất liền, còng sắt hoen rỉ đã cắt da thịt anh sát tận xương trắng. Đến Long Giao Anh trút hơi thở cuối cùng vì hoàn toàn kiệt sức.

    Một độc giả xót xa cho quãng đời bi thương trong ngục tù của Kha Tư Giáo. Để rồi cảm tác những dòng thơ:

    - Người Tù Không Có Tội 

    Kha Tư Giáo, ngươi là người có tội 

    Hãy nhận đi, rồi sẽ được về nhà 

    Hãy nhận mình theo Mỹ, hại quốc gia 

    Hứa ăn năn, đảng sẽ tha, ân xá 

    Tôi, Thiếu Úy, tuổi 30, vất vã 

    Đem đời mình, để bảo vệ quê hương

    Chặn xâm lăng từ cõi Bắc phương,

    Nơi sa trường, súng gươm không nhân nhượng 

    Vận nước đổi, nuốt hờn thân bại tướng. 

    Làm tù nhân, nào dám tưởng mai sau,

    Đảng khăng khăng, nợ máu với đồng bào,

    Tôi cương quyết: lương tâm nào có tội!

    Đảng cứ buộc thì bắn cho đáng tội, 

    Còn nếu không thì phải thả tôi ra

    Đừng hỏi tự do, ý nghĩa nôm na?

    - Bao la lắm, nhưng biết liền khi mất 

    Những trù dập, biệt giam, học tập,

    Đảng giúp tôi, tìm tội của tôi 

    Dù đời tôi khốn khổ, xác tả tơi 

    Tôi có tội: nói không ra cái tội!

    Cát, gió, kiến hành hạ, ôi nhức nhối 

    Suốt cả đêm chỉ gào thét nguyện cầu: 

    Thượng Đế hỡi, ở đâu? Người có thấu?

    Tim chân chính không gian dối điêu ngoa

    Còng sắt đen đã cắt hết thịt da 

    Trơ xương trắng vẫn không làm nhụt chí 

    Mắt rực sáng lộ anh hùng hào khí 

    Địa ngục này chỉ giữ được xác phàm 

    Đất Long Giao u uất mộ sơ sài 

    Nhưng khí phách oai hùng luôn bất  khuất 

    Hồn linh thiêng xin về phù hộ nước 

    Thoát lầm than và thoát nạn cộng nô

    Kha Tư Giáo, người tù không có tội! 

    Phạm Văn Duyệt

    http://www.hon-viet.co.uk


    Không có nhận xét nào