Header Ads

  • Breaking News

    Thế nào là “chiến tranh uỷ nhiệm”?

    Phân tích một ví dụ thực tế: cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine

    Chuyên mục Vén màn huyền thoại tuần này được phụ trách bởi TS. Vân Phạm, thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, với câu hỏi được đưa ra thảo luận là “Liệu cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine có phải là chiến tranh uỷ nhiệm?”

    Khái niệm “Chiến tranh uỷ nhiệm”

    “Chiến tranh uỷ nhiệm” thường được hiểu, và đây cũng là cách hiểu ở Việt Nam, là cuộc chiến mà lực lượng địa phương nhỏ hơn (có thể là quân đội của một quốc gia hoặc chỉ là một nhóm dân quân) chiến đấu trực tiếp vì mục đích của nước khác (thường là một quốc gia hùng mạnh muốn đạt mục tiêu chiến trường của riêng mình mà không trực tiếp tiến hành chiến tranh). Ở Việt Nam, chiến tranh uỷ nhiệm còn có thể được hiểu là chiến đấu bởi sự kích động của quốc gia khác.

    NATO và Mỹ muốn đánh Nga đến người Ukraine cuối cùng?

    Quan chức Nga nhiều lần nói rằng Ukraine đã bị Mỹ và NATO lợi dụng để đánh Nga đến người Ukraine cuối cùng. Trên diễn đàn quốc tế, cũng như ở Việt Nam, cũng có một cuộc tranh luận, những người tuy không đi xa đến mức ủng hộ hành động xâm lược của Nga chống lại Ukraine, nhưng đồng thời cho rằng/phải tìm lý do tại sao đó cũng là lỗi của phương Tây, rằng đây thực sự là một cuộc chiến giữa NATO/Mỹ và Nga, trong đó người Ukraine là nạn nhân của cả hai.[1]

    Những quan điểm kiểu này đã xa rời một thực tế có tính then chốt, đó là quyền tự quyết và toàn vẹn lãnh thổ của người Ukraine, và người Ukraine đã liên tục thực thi quyền tự quyết và toàn vẹn lãnh thổ trước và xuyên suốt cuộc chiến. Ukraine đang chiến đấu để bảo vệ các quyền chính đáng của mình. Ukraine không tấn công vào lãnh thổ Nga với mục đích làm suy yếu Nga, mà thực tế là ngược lại. 

    Trước cuộc chiến, Ukraine không phải là ứng viên tiềm năng có thể trở thành thành viên NATO và điều này sẽ còn kéo dài. Để được nhận là thành viên NATO, Ukraine phải được sự chấp thuận của tất cả các nước thành viên NATO.[2] Tuy nhiên, kể từ năm 2008 tới nay, có ít nhất Đức và Pháp đã liên tục không chấp thuận để Ukraine gia nhập NATO.[3] Năm 2021, Mỹ cũng bộc lộ quan điểm không ủng hộ sự gia nhập của Ukraine.[4] Bởi vậy không thể nói NATO kích động Nga, hoặc Nga bị kích động bởi một “mối đe dọa an ninh” không có thực. 

    Việc gia nhập NATO của Ukraine chưa được đồng ý, ông Biden nói vào tháng 6/2021. “Điều đó phụ thuộc vào việc họ có đáp ứng các tiêu chí hay không. Thực tế là họ vẫn phải giải quyết tệ nạn tham nhũng và thực tế là họ phải đáp ứng các tiêu chí khác để được đưa vào kế hoạch hành động” trở thành thành viên NATO.[5]

    Điều Nga muốn là Ukraine phải đi vào thoả thuận với Nga rằng vĩnh viễn không gia nhập NATO. Đây thực chất là tước đi quyền tự quyết không chỉ thế hệ này mà các thế hệ con cháu tiếp sau của Ukraine. Ukraine đã từ chối điều này, bất chấp sự thuyết phục của thành viên NATO như Đức. Chúng ta có thể tranh cãi về việc Ukraine có khôn khéo hay không, nhưng rõ ràng rằng Ukraine có quyền tự quyết định lựa chọn an ninh của mình, cũng như có quyền quyết định đi theo các giá trị EU vì sự thịnh vượng lâu dài cho người dân nước họ. Và Ukraine đã thực hiện quyền tự quyết này. 

    Cũng không có bằng chứng nào cho thấy ý tưởng rằng người Ukraine chỉ chiến đấu vì các nước NATO đang thúc giục họ làm như vậy. Một quan điểm nổi lên ở các nước phương Tây và đã được thực hành triệt để trong nhiều năm qua qua mối quan hệ thương mại giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc, đó là giao thương trao đổi thương mại có thể tránh khỏi chiến tranh khi giữa các nước đều bị ràng buộc bởi lợi ích kinh tế.[6] Các thành viên NATO hầu hết là các nước Châu Âu, đã đặt an ninh năng lượng của mình vào Nga mấy chục năm nay. Nhiều nước như nước Đức, Lithuania có tới trên 50% hoặc 90% năng lượng phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Nga. Giữa Nga và Đức đang có một dự án đường ống dẫn Nord Stream 2, Nga cũng có một dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho Phần Lan trị giá 7,8 tỷ USD. Bởi vậy chiến tranh xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế nhiều nước có nguy cơ rơi vào suy thoái do đại dịch COVID-19, là điều không có lợi cho Châu Âu. Sự vật lộn trong thời gian qua của các nước Châu Âu phải chọn lựa giữa trách nhiệm đạo đức và lợi ích kinh tế trước những hành động tàn bạo của Nga ở Ukraine là dẫn chứng cho thấy Châu Âu không sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc chiến nổ ra với Nga. 

    NATO đã không xâm lược Ukraine. Nga là nước chủ động xâm lược Ukraine bất chấp việc Tổng thống Mỹ Joe Biden phá bỏ trình tự xử lý thông tin tình báo thông thường, đã cảnh báo ra công luận trước đó. Ukraine đã phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ phương Tây. Bền bỉ mỗi ngày, Tổng thống Zelensky đều có một bài phát biểu, khi thì với các nhà lãnh đạo các nước phương Tây, khi thì với Quốc hội các nước, nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của họ, và đã nhiều lần phàn nàn khi khi yêu cầu đưa ra không được đáp ứng. Đức đã từng định không gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine cho tới khi chịu áp lực mạnh mẽ từ công luận và Quốc hội Đức.[7] Ông nói rằng nhiệm vụ của ông là phải làm cho thế giới tự do hiểu rằng cuộc chiến ở Ukraine cũng là vấn đề sống còn của họ.[8]

    NATO thậm chí đã không thực hiện vùng cấm bay hoặc cung cấp lực lượng không quân hỗ trợ (đó là điều mà Zelensky đã yêu cầu từ rất sớm). Mặc dù Zelensky nói rằng Ukraine đang phải trả giá đắt cho lợi ích của NATO, bởi vì nếu Nga thắng, các nước NATO sẽ tiếp theo trong danh sách. Nhưng đó chỉ là lập luận để Ukraine được các nước NATO ủng hộ nhiều hơn. Không có bằng chứng nào cho thấy ông có suy nghĩ rằng nếu NATO ngừng hỗ trợ thì mọi việc trở nên tốt đẹp với Ukraine và người dân Ukraine sẽ không còn chết chóc và đau khổ.[9]

    Khi Zelensky chọn ở lại Ukraine, thay vì di tản theo lời đề nghị của các lực lượng Anh và Mỹ, đó là lúc rõ ràng rằng người Ukraine sẽ chiến đấu bảo vệ đất nước mình bất kể Mỹ/NATO có ủng hộ họ hay không.[10] 

    Bảy mươi ngày vừa qua, thế giới đã kinh ngạc và ngưỡng mộ lòng quả cảm, quyết tâm bảo vệ đất nước của người dân Ukraine. Ở Châu Âu, có những người muốn Ukraine đầu hàng cho yên chuyện, trách Tổng thống không biết nghĩ đến tính mạng người dân. Vấn đề là Zelensky có muốn cũng không được vì người dân Ukraine không chấp nhận. Họ nói nếu Nga ngừng chiến thì thế giới sẽ có hoà bình. Nhưng nếu Ukraine ngừng chiến đấu thì sẽ không còn đất nước Ukraine nữa.

    Hẳn sẽ không có những người dân bình thường nào, vì lợi ích của nước ngoài mà chấp nhận chiến đấu và tử thủ ở lại bảo vệ thành phố dù thảm sát, dù bị khủng bố tinh thần, dù đã được phía Nga kêu gọi đầu hàng.[11]

    Hẳn sẽ không có dân tộc nào, vì lợi ích của nước ngoài, mà hàng chục ngàn người đang bình yên ở khắp các nơi trên thế giới đều trở về để bảo vệ đất nước.[12] Những nhà khoa học, những kiện tướng thể thao, những nghệ sĩ.[13] Họ là những nhân tài mà có thể dễ dàng tìm việc tốt ở bất kỳ đâu trên thế giới, nhưng họ đã từ bỏ công việc của họ, ra chiến trường cầm súng. Có kiện tướng thể thao đã hy sinh trong chiến trận. Có nhà khoa học nữ, là tiến sĩ, bị cưỡng bức rồi bị giết chết.

    Hẳn sẽ không có dân tộc nào, vì lợi ích của nước ngoài, mà có những đứa trẻ bình thản hát trong những hầm tránh bom, và sau này khi được an toàn ở Ba Lan, lại tiếp tục đi khắp nơi gây quỹ cho Ukraine, với ánh mắt trong veo sáng ngời, hát quốc ca Ukraine trước sự khâm phục và ngưỡng mộ của hàng chục ngàn khán giả trưởng thành. Có cậu bé tự một mình vượt cả ngàn cây số với sự cưu mang của dòng người tị nạn trên đường, vì bố mẹ cậu bé ở lại Kyiv để chiến đấu.[14]

    Ý tưởng rằng Ukraine chỉ đang chiến đấu vì bị xúi giục bởi phương Tây hay vì lợi ích của phương Tây (NATO/Mỹ) là hoàn toàn không đúng thực tế. 

    Bởi vậy có thể chắc chắn rằng đối với Ukraine, đây không phải là cuộc chiến uỷ nhiệm. Họ đang chiến đấu bảo vệ chủ quyền và quyền tự quyết cho quốc gia mình. Và khởi điểm cuộc chiến này không phải là một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm, khi Nga là bên xâm lược trước và cũng là bên hoàn toàn có thể dừng cuộc chiến.  

    Thế còn việc các nước Mỹ và Châu Âu ủng hộ vũ khí cho Ukraine có thể nói lên điều gì?

    Không thể phủ nhận rằng việc Ukraine giành chiến thắng sẽ mang lại lợi ích cho Châu Âu và Mỹ. Sự kiện Nga xâm lược Ukraine đã gây chấn động Châu Âu và khiến cho nhiều nước lo sợ khi nhận ra Nga là mối đe dọa đối với hoà bình và an ninh ở Châu Âu. Các nước Baltic lo lắng nếu Nga thành công ở Ukraine, Nga sẽ không dừng ở đó và tiếp tục kịch bản kích động ly khai và vẽ lại bản đồ các nước Đông Âu cũ. Phần Lan và Thuỵ Điển ngày càng tiến gần tới việc chính thức xin gia nhập NATO vì tin rằng khi họ ở trong NATO, Nga sẽ không dám làm gì. Bởi vậy có một quan điểm phổ biến ở Châu Âu rằng Ukraine chiến đấu không chỉ cho Ukraine mà còn đang chiến đấu cho cả Châu Âu. Điều tối thiểu các quốc gia ở Châu Âu có thể làm được, mà không để chiến tranh lan rộng hơn, là không đưa quân vào, nhưng hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. 

    Nghi ngờ bùng lên đối với Mỹ sau hai sự kiện xảy ra vào cuối tháng Tư. Thứ nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong cuộc họp báo sau chuyến thăm tới Kyiv đã nói rằng Mỹ sẽ giúp Ukraine chiến đấu cho tới khi giành được chiến thắng bảo vệ chủ quyền đất nước, và cho tới khi quân đội Nga bị suy yếu để không thể tiếp tục làm những việc như đã làm với Ukraine. Tiếp đó, Austin đã thành lập một nhóm tư vấn hàng tháng gồm các quan chức quốc phòng từ 40 “quốc gia có thiện chí” trong và ngoài NATO để chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ Ukraine lâu dài.

    Nếu như ưu tiên hàng đầu, mục tiêu chính của Mỹ để hỗ trợ Ukraine là để tổn thương Nga thì có thể nói rằng đối với Mỹ đây giống như cuộc chiến uỷ nhiệm. 

    Tuy nhiên, vài ngày sau, Tổng thống Biden đã bác bỏ phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, cho biết cáo buộc chiến tranh uỷ nhiệm là “không đúng sự thật”, và việc sử dụng ngôn ngữ của Lavrov cho thấy “sự tuyệt vọng mà Nga đang cảm thấy về sự thất bại thảm hại của họ” trong việc khuất phục Ukraine. “Vì vậy, thay vì nói rằng ‘người Ukraine đang làm điều này và được trang bị một số năng lực lực chống lại các lực lượng Nga’ họ phải nói với người dân của họ rằng Hoa Kỳ và toàn bộ NATO đang tham gia vào việc tiêu diệt quân đội và xe tăng của Nga, v.v..” ông Biden nói.

    Một số chuyên gia nhìn nhận phát biểu của Austin “muốn Nga suy yếu để không lặp lại hành động xâm lược” ở góc độ này: đó là chính quyền Hoa Kỳ đang tìm kiếm lý do để duy trì sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với Ukraine, bằng cách cho thấy họ có những lợi ích liên quan. Điều này không có nghĩa đây là một cuộc chiến uỷ nhiệm. Nó có thể là lợi ích phát sinh nếu Ukraine chiến thắng, nhưng không phải mà mục đích chính của cuộc chiến.[15] 

    Và dù lợi ích các bên thế nào, mấu chốt là Ukraine nắm quyền tự quyết trong cuộc chiến này, cũng như Nga hoàn toàn có thể quyết định dừng chiến bất kỳ lúc nào. Cuộc chiến dài hay ngắn, Nga có tiếp tục bị suy yếu hay không là do Nga quyết định. Một cuộc chiến chỉ có thể là ủy nhiệm nếu là cuộc chiến mà ở đó, bên thứ ba và lợi ích của bên thứ ba đóng vai trò quyết định và chủ động. Trong cuộc chiến này, ít nhất là cho đến nay, cả Ukraina và Nga đều đóng vai trò quyết định và chủ động chứ không phải là Mỹ và đồng minh. 

    Chú thích

    [1]  Lawrence Freedman ngày 24/4/2022: A thread on proxy wars

    [2] NATO tháng 7/2016: NATO Enlargement & Open Door 

    [3]  The New York Times ngày 3/4/2008: NATO Allies Oppose Bush on Georgia and Ukraine. Một bản PDF được lưu trữ ở đây

    Vào năm 2014, với tư cách là Phó Tổng thống, ông Biden đã nói với các quan chức ở Ukraine rằng bất kỳ sự hỗ trợ quân sự nào của Hoa Kỳ sẽ là nhỏ: Book review of Joe Biden: The Life, the Run, and What Matters Now by Evan Osnos. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

    [4]  White House 14/6/2021: Remarks by President Biden in Press Conference

    NBC News ngày 14/7/2021: Biden says it ‘remains to be seen’ whether Ukraine will be admitted to NATO 

    [5]  Đã dẫn.

    [6]  DW ngày 5/4/2022: German President Steinmeier admits ′mistakes′ over Russia policy 

    [7]  Hạ viện Đức thông qua Kiến nghị “Bảo vệ hoà bình và tự do ở Châu Âu – Hỗ trợ toàn diện cho Ukraine” có tính bước ngoặt đối với chính sách và quan hệ quốc tế của Đức trong tương lai

    [8]  Time ngày 28/4/2022: Inside Volodymyr Zelensky’s World 

    [9] Đã dẫn, xem ghi chú số 1.

    [10]  Đã dẫn, xem ghi chú số 8.

     [11] The Wall Street Journal ngày 8/5/2022: Embattled Ukraine soldiers in Mariupol say they will fight to the end 

    [12] NPR ngày 25/2/2022: Thousands rush to enlist in Ukraine’s army to fight the Russian invasion 

    ABC News ngày 27/2/2022: Ukrainians return from abroad to fight Russian invasion

    Reuters ngày 5/3/2022: Over 66,200 Ukrainian Men Have Returned From Abroad to Fight, Says Defence Minister

    [13]  Pink Floyd – Hey Hey Rise Up (feat. Andriy Khlyvnyuk of Boombox). Và dựa trên quan sát của người viết trực tiếp từ những đồng nghiệp người Ukraine, qua nhiều bài báo và câu chuyện đọc được trong những tháng vừa rồi.

    [14]  Amelka wykonała Hymn Ukrainy. UWAGA – WZRUSZA DO ŁEZ! 

    [15]  The Washington Post ngày 3/5/2022: Why Ukraine isn’t a ‘proxy war’ (yet?) 

    https://dskbd.org/2022/05/11


    Không có nhận xét nào