Header Ads

  • Breaking News

    Thới Bình - Vì thể chế nên đã khiến cơ chế là nan đề của Việt Nam?


    ‘Cả 10 tỉnh đều xin cơ chế thì không thể gọi là đặc thù’…

    Theo một báo cáo của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, để có thể hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cải thiện rõ rệt năng lực trong phối hợp và triển khai những cải cách chính sách kinh tế và đầu tư công.


    Thể chế có thể là ‘trở ngại lớn’ để VN thành quốc gia thu nhập cao

    Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục cải cách và nhận định thể chế hiện đại là điều kiện cần để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển.

    Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết với thông điệp “Hiện đại hóa thể chế là chìa khóa để Việt Nam phát triển thành công trong tương lai”, WB khuyến nghị Việt Nam tiếp tục cải cách với quy mô và tốc độ như từng được triển khai trong thời kỳ đổi mới của thập kỷ 1980 và như triển khai mở cửa thương mại trong 2 thập kỷ qua.

    Bà Carolyn Turk mong rằng, mô hình cải cách mà WB khuyến nghị có thể sẽ giúp Việt Nam tiến nhanh hơn trên con đường gập ghềnh để trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế cũng như Chính phủ và người dân.

    Từ góc độ nghiên cứu, đại diện nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo, ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB nhận định thể chế hiện đại là điều kiện cần để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển.

    Ông Morisset nêu ví dụ, tại một hội nghị được tổ chức hồi tháng 4-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra rằng trong số 111 quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, vùng và tỉnh được luật hóa từ khi ban hành Luật Quy hoạch hồi cuối năm 2017 thì tới nay mới chỉ có 7 quy hoạch được chính thức phê duyệt.

    Điều đó cho thấy, kết quả thực thi cải cách của Việt Nam còn chưa đồng đều trên nhiều lĩnh vực và Việt Nam còn nhiều việc phải làm để tiến những bước xa hơn trên hành trình phát triển kinh tế tương xứng với các nước trong khu vực và trên thế giới.

    Theo đại diện của WB, hệ thống thể chế có tính thích ứng trong quá trình phát triển, dù có sự thống nhất về quan điểm trong lý thuyết kinh tế thế giới và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nhưng phạm vi và quy mô những cải cách thể chế cụ thể cần thực hiện.

    Do đó, cách tiếp cận cụ thể về cải cách thể chế cần phải dựa vào phương pháp luận 3 bước cơ bản nhưng trực quan. Đó là kết quả thực thi, các yếu tố mang tính quyết định đến thực thi và cải cách thể chế.

    Khuyến cáo từ WB

    Bà Trần Thị Lan Hương, Chuyên gia quản trị cao cấp WB cho hay có 5 nhóm cải cách thể chế cần ưu tiên. Đó là, hình thành nền tảng thể chế vững chắc để biến ưu tiên phát triển thành hành động cụ thể; hài hòa quy trình thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả thực thi của chính quyền các cấp, các ngành; sử dụng các công cụ thị trường để tạo động lực trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân; thực thi hiệu quả quy định và quy tắc nhằm nâng cao động lực, lòng tin và sự công bằng; áp dụng các quy trình có sự tham gia nhằm nâng cao sự minh bạch và trách nhiệm giải trình.

    Theo bà Hương, để tiến tới trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu thành công nhất trên thế giới, trước mắt cần hình thành Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập Kinh tế Quốc tế, tăng cường vai trò là cơ quan chủ trì triển khai của Bộ Công Thương.

    Song song đó, tạo cơ chế đặc thù cho các nhà đầu tư chiến lược, bao gồm về xuất khẩu và các khu công nghiệp; phân cấp các quy trình phê duyệt cho địa phương, hoàn thiện hệ thống thủ tục hải quan một cửa.

    Ngoài ra, đẩy mạnh cạnh tranh bằng cách hạ thấp rào cản gia nhập, giảm thuế quan để thay đổi giá cả tương quan giữa hàng hóa giao dịch thương mại và không giao dịch thương mại, tham gia các hiệp định quan hệ đối tác thương mại đa phương, khu vực.

    Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ việc các doanh nghiệp xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài tuân thủ các quy định về môi trường, lao động và xã hội. Cuối cùng là công khai dữ liệu và tham vấn định kỳ với các bên liên quan chính, như các hiệp hội doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, chia sẻ thông tin qua Cổng thông tin Thương mại và Cổng thông tin Hiệp định thương mại tự do Việt Nam.

    Cũng tại sự kiện, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cần làm lúc này là phải xây dựng mô hình thể chế cho mọi ưu tiên phát triển. Cụ thể có khung định chế vững chắc, thủ tục hành chính tinh giản, công cụ thị trường thông minh, tăng cường hiệu lực thực thi và quy trình có sự tham gia của đầy đủ các bên. Có như vậy cải cách thể chế mới thực sự có chất lượng và quyết định kết quả, hiệu quả thực thi trong thực tiễn.

    Hệ lụy của vướng thể chế là cơ chế?

    Liên quan loạt vấn đề trên, ghi nhận tại phiên thảo luận tổ ở kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, xoay quanh cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa chiều 24-5, cho thấy việc gọi là xây dựng cơ chế đặc thù nhưng làm sao để không trở thành phổ biến là vấn đề đáng suy ngẫm của nhà quản lý.

    Thủ tướng Phạm Minh Chính vấn đề đáng suy nghĩ, bởi nếu cả 10 tỉnh đều xin cơ chế chính sách, như vậy sẽ trở thành phổ biến, không thể gọi là đặc thù. Đơn cử như cơ chế tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án; phân cấp về quản lý đất đai, diện tích đất rừng, diện tích đất lúa, phân cấp liên quan đến khu công nghiệp là những cơ chế chung.

    “Tất cả các tỉnh thành đều đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, cùng là những nội dung này, thì cần xem xét. Việc phân cấp phải thực hiện nhiều hơn để làm sao Trung ương phát huy vai trò chủ đạo, còn địa phương mang tính chủ động nhiều hơn”, Thủ tướng nói.

    Thủ tướng cho hay Chính phủ đang phân công để quản lý từng lĩnh vực, để Trung ương thực hiện đúng vai trò quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách, thể chế, gắn với đó là tăng cường kiểm tra giám sát phân cấp phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, theo dõi đôn đốc, kiểm tra, tổng kết đánh giá, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt.

    Trước đó một tháng, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo về định hướng phát triển nguồn nhân lực của TP.HCM, ông Dương Anh Đức – phó chủ tịch UBND TP.HCM – đề xuất cho thành phố được thực hiện cơ chế đặc thù trong giáo dục.

    Theo đó, TP.HCM kiến nghị Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép các cơ sở giáo dục công lập được liên kết, chuyển giao và sử dụng bản quyền các chương trình giáo dục quốc tế với cơ sở giáo dục nước ngoài; học sinh tham gia và hoàn thành chương trình, đạt yêu cầu ở kỳ thi cuối cấp được cấp bằng Việt Nam và bằng quốc tế; phân cấp cho UBND TP được quy định cơ chế huy động nguồn lực phát triển các loại hình liên kết giáo dục, đào tạo trong nước – quốc tế trong các cơ sở giáo dục đào tạo công lập.

    Ngoài ra, TP.HCM cũng đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo giao cho UBND TP thẩm định nội dung và ban hành khung nội dung tài liệu giáo dục địa phương; việc biên soạn, in ấn và phát hành tài liệu này sẽ thực hiện theo phương pháp xã hội hóa; đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo giao quyền chủ động cho TP.HCM về chỉ tiêu lớp thường trong trường THPT chuyên, giúp TP thực hiện các cơ chế đặc thù phát triển các ngoại ngữ và thực hiện các đề án của TP.

    Không có nhận xét nào