Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam

    Hoa Kỳ bàn giao thêm xưởng bảo dưỡng tàu cho Cảnh sát Biển Việt Nam 

    05/5/2022 

    VOA Tiếng Việt 

    Hoa Kỳ bàn giao một cơ sở sửa chữa bảo dưỡng tàu cho Cảnh sát biển Việt Nam tại một hải đoàn ở Hải Phòng. Photo: Facebook Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đăng ngày 4/5/2022.

    Hoa Kỳ bàn giao một cơ sở sửa chữa bảo dưỡng tàu cho Cảnh sát biển Việt Nam tại một hải đoàn ở Hải Phòng. Photo: Facebook Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đăng ngày 4/5/2022. 

    Cơ quan Giảm thiểu đe dọa quốc phòng Hoa Kỳ (DTRA) vừa bàn giao thêm một cơ sở sửa chữa bảo dưỡng tàu và hệ thống nâng hạ tàu cho Cảnh sát biển Việt Nam tại một hải đoàn ở Hải Phòng, trong nỗ lực hỗ trợ Việt Nam giám sát các vùng biển của mình để đảm bảo tự do hàng hải và thương mại.

    Tiến sỹ Robert Pope, Giám đốc Cục Hợp tác giảm thiểu đe dọa, thuộc DTRA và các quan chức khác từ thủ đô Washington DC và Bộ tư lệnh Ấn độ Dương- Thái Bình Dương cùng Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper đã tham dự lễ bàn giao này tại Vùng Cảnh sát Biển 1, theo tin từ Đại sứ quán.

    “Tại đây chúng tôi đã được tiếp đón bởi Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Viêt Nam và dự buổi bàn giao cơ sở bảo dưỡng tàu do DTRA tài trợ, tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc ủng hộ một nước Việt Nam hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng”, Đại sứ Knapper loan tin hôm 4/5.

    Truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Pope cho biết trung tâm này có thể bảo dưỡng các tàu lớn hơn, giúp chúng hoạt động trên biển thường xuyên và lâu hơn. Ông nói: “Điều đó sẽ hỗ trợ Việt Nam giám sát các vùng biển của mình để đảm bảo tự do hàng hải và thương mại.”

    Được biết trong thời gian qua, DTRA đã hỗ trợ xây dựng 4 cơ sở huấn luyện và bảo dưỡng cho 4 vùng Cảnh sát biển Việt Nam, theo đó phía Mỹ cung cấp mô hình mô phỏng tàu thuyền để thủy thủ Việt Nam có thể học cách điều khiển, nâng cao khả năng sử dụng tàu để phục vụ hoạt động tuần tra, bảo vệ chủ quyền tốt hơn.

    Vào tháng 4/2021, Mỹ bàn giao một trung tâm huấn luyện, xưởng bảo dưỡng và hạ tầng cảng biển cho Việt Nam tại Vùng Cảnh sát Biển 3 ở Khánh Hòa.

    Trang VNExpress dẫn lời Đại tá Thomas M. Stevenson, tùy viên quốc phòng Mỹ tại Việt Nam, tại một cuộc họp báo trước đó, cho biết từ trước đến nay Hoa Kỳ đã chuyển giao tổng cộng 24 xuồng tuần tra cao tốc Metal Shark, hai tàu tuần tra lớp Hamilton và đang xem xét chuyển giao tàu thứ ba.

    Đồng thời phía Mỹ cũng hỗ trợ Việt Nam máy bay không người lái (UAV) để giúp tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam mở rộng khả năng quan sát, vẫn theo đại tá Stevenson.

    Tiến sĩ Pope cho biết phía Mỹ và Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã thảo luận về khả năng xây dựng một trung tâm điều phối hàng hải, có thể kết nối dữ liệu thông qua các thiết bị mới như UAV ScanEagle hoặc các cảm biến tương lai.

    Ông Pope nói thêm: “Tất cả những điều này nhằm giúp Việt Nam có nhận thức toàn diện hơn về những gì diễn ra trên các vùng biển. Từ đó, Việt Nam có thể đưa ra những hành động cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình”.

    VNExpress dẫn lời đại tá Stevenson nói: “Những nỗ lực của chúng tôi không chỉ đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đảm bảo an ninh chủ quyền cho Việt Nam, mà còn mang tới một vùng biển an toàn cho ngư dân hoạt động, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển”.

    Nghiên cứu: Phần đông các hiệu thuốc ở Việt Nam bán thuốc kháng sinh vô tội vạ

    RFA
    05/5/2022

    Nghiên cứu: Phần đông các hiệu thuốc ở Việt Nam bán thuốc kháng sinh vô tội vạ

    Hình minh hoạ (không có liên quan trực tiếp đến bài): một nhà thuốc ở Việt Nam năm 2020 /AFP 

    Một nghiên cứu mới đây của trường Đại học Sydney ở Australia cho thấy phần đông các nhà thuốc ở Việt Nam bán thuốc kháng sinh cho người dân quá mức, gây lo ngại về tình trạng gia tăng vi khuẩn kháng thuốc, một vấn đề đáng lo ngại cho sức khoẻ cộng đồng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo.

    Nghiên cứu được tiến hành trên 949 nhà thuốc tư nhân được lựa chọn bất kỳ ở 40 quận/huyện ở hai miền bắc và nam của Việt Nam. Các nhà nghiên cứu sử dụng những người đóng giả là người tìm đến hiệu thuốc hỏi mua thuốc, bao gồm cả những người đến giả vờ hỏi mua thuốc cho người thân bị viêm họng hoặc bị tiêu chảy cấp, là hai loại bệnh thường gặp nhưng thường không phải sử dụng kháng sinh để điều trị.

    Tuy nhiên, kết quả cho thấy 92% số người lớn được các nhà thuốc bán kháng sinh để điều trị viêm họng, 84% số người lớn yêu cầu mua kháng sinh được nhà thuốc đáp ứng, 43% số người lớn yêu cầu mua kháng sinh trị tiêu chảy cho trẻ nhỏ được nhà thuốc đáp ứng.

    Chỉ có 49% các nhà thuốc có hướng dẫn về kháng sinh cho người bệnh, và chỉ có 11% khuyên người bệnh nên dừng dùng kháng sinh.

    Điểm đáng chú ý là rất nhiều các nhà thuốc bán loại kháng sinh phổ rộng cho bệnh nhân hoặc người đến hỏi mua bao gồm các loại như cephalosporins và fluoroquinolones là hai loại kháng sinh đã được WHO liệt kê là cực kỳ quan trọng và chỉ được dùng cho ác trường hợp nhiễm trùng nặng nhất định, đặc biệt phải cẩn trọng khi dùng cho trẻ nhỏ. Thuốc được khuyến cáo không bán trực tiếp qua quầy, tức không có đơn bác sĩ.

    Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân chính của tình trạng này là vấn đề chăm sóc y tế yếu kém ở các nước nghèo và trung bình, nơi người dân không được thường xuyên tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế. Cộng thêm vào đó là sự thiếu kiến thức của các nhân viên bán thuốc, nỗi lo mất khách hàng trong một thị trường có quá nhiều người bán và việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực này không tốt.

    Việt Nam khai mạc Hội nghị Trung Ương 5, tổng bí thư đề cập ngay đến ‘đất đai’ 

    04/5/2022

    VOA Tiếng Việt 

    Tổng bí thư Việt Nam - Nguyễn Phú Trọng.

    Tổng bí thư Việt Nam - Nguyễn Phú Trọng. 

    Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 4/5 đã đưa ra hàng loạt câu hỏi và yêu cầu liên quan đến vấn đề đất đai khi phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII.

    "Tập trung làm rõ: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?...", báo Thanh Niên dẫn hàng loạt câu hỏi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trong đặt ra trong bài phát biểu.

    Ông Trọng cũng yêu cầu các cơ quan hữu quan phải tìm ra những nguyên nhân về chủ trương, chính sách và bất cập trong Luật Đất đai năm 2013, đồng thời đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai.

    Tuy nhiên, người đứng đầu đảng Cộng sản cũng nhắc nhở các cơ quan chức năng phải chú ý đến những “vướng mắc” và “bức xúc” trong xã hội.

    “Chẳng hạn như: Nhận thức như thế nào cho thật đầy đủ, đúng đắn về sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu; quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước với vị trí, vai trò là đại diện chủ sở hữu, thực hiện chức năng, nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai và khi là chủ thể sử dụng đất”, ông Trọng đề cập đến Điều 4 Luật Đất đai 2013, một trong những vấn đề nổi cộm trong chính sách đất đai vốn bị các nhà phê bình phản đối mạnh mẽ và cho là nguồn gốc của những tranh chấp, xung đột liên quan đến đất đai tại Việt Nam.

    Hồi tháng 5/2021, khi ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã hứa hẹn sẽ trình Quốc hội khóa XV để nhanh chóng sửa đổi bộ luật này.

    “Sửa luật đất đai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ”, ông Phạm Bình Minh nói, và thêm rằng “Dự kiến, luật này sẽ trình ra Quốc hội khóa XV, trong cuối năm nay hay đầu năm sau”.

    Tranh chấp về đất đai giữa nhà nước và người dân đã trở thành một trong những vấn đề nóng của Việt Nam trong nhiều năm qua, dẫn đến những vụ cưỡng chế gây thương tích, thậm chí chết người như các vụ ở Thủ Thiêm, Đồng Tâm, Dương Nội…

    Trong báo cáo về tình hình nhân quyền tại Việt Nam năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói vấn đề tranh chấp liên quan đến việc thu hồi đất cho các dự án phát triển vẫn là nguyên nhân khiếu kiện lớn của công chúng Việt Nam.

    “Nhà cầm quyền đã bắt và kết án nhiều người biểu tình về quyền đất đai với tội danh ‘chống người thi hành công vụ’ hoặc ‘gây rối trật tự công cộng’”, báo cáo của Mỹ nêu.

    Ngoài vấn đề đất đai, hội nghị Trung ương của Việt Nam cũng sẽ bàn thảo về các đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; Đề án thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư…

    Quân đội Nhật Bản, Đài Loan trong tình trạng báo động khi đội tàu Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương

    04/5/2022

    Quân đội Nhật Bản, Đài Loan trong tình trạng báo động khi đội tàu Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương

    Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập quân sự của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ở tây Thái Bình Dương. Ảnh chụp ngày 18/4/ 2018. / Reuters 

    Quân đội Nhật Bản và Đài Loan đã được đặt trong tình trạng báo động sau khi phát hiện một đội tàu hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) dẫn đầu bởi tàu sân bay Liêu Ninh đang trên đường từ Biển Hoa Đông đến Thái Bình Dương.

    Văn phòng Tham mưu liên hợp của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hôm thứ Hai (2/5) ra tuyên bố cho biết tàu sân bay Liêu Ninh cùng với 7 tàu khu trục và tàu tiếp tế, đã rời Biển Hoa Đông và đi qua vùng biển giữa các đảo Okinawa và Miyako của Nhật Bản trước khi tiến vào Tây Thái Bình Dương.

    Tuyên bố cho biết: Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã điều động tàu sân bay hạng nhẹ Izumo, máy bay tuần tra hàng hải P-1 và máy bay chống ngầm P-3C giám sát hoạt động của các tàu Trung Quốc.

    Trong khi đó, hôm thứ Ba (3/5), người phát ngôn quân đội Đài Loan Tôn Lập Phương (Sun Li-fang) nói với các phóng viên rằng quân đội Đài Loan theo dõi chặt chẽ các hoạt động diễn tập quân sự của Trung Quốc trong vùng biển và không phận xung quanh Đài Loan và có thể có “các biện pháp đáp trả thích hợp”.

    Theo tuyên bố của Nhật Bản, trong số 7 tàu chiến thuộc nhóm tàu sân bay Liêu Ninh có tàu khu trục tên lửa dẫn đường cỡ lớn Type 055 Nam Xương (Nanchang), tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 052D Thành Đô (Chengdu) và tàu tiếp vận Type 901 Hulunhu.

    Với tổng cộng tám tàu, đây là nhóm tàu sân bay Liêu Ninh lớn nhất trong các chuyến đi gần đây, tờ Thời báo Hoàn Cầu của nhà nước Trung Quốc cho biết.

    Tờ báo này cho biết nhiều khả năng tàu Liêu Ninh và các tàu chiến đồng hành sẽ tham gia “một cuộc tập trận biển xa thường kỳ của Hải quân PLA”.

    Tờ báo dẫn lời một nhà phân tích quân sự giấu tên dự đoán rằng các tàu Trung Quốc “có thể đi xa hơn về phía đông vào Thái Bình Dương, hoặc có thể quá cảnh qua eo Bashi ở phía nam đảo Đài Loan và tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông”.

    Huấn luyện chiến đấu

    Một trong những bức ảnh được quân đội Nhật Bản công bố cho thấy tàu sân bay Liêu Ninh - hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc - chở một số máy bay chiến đấu J-15 cũng như trực thăng Z-8 và Z-9.

    Đây là lần đầu tiên trong năm nay nhóm tàu sân bay Liêu Ninh đi qua cái gọi là “Chuỗi đảo thứ nhất” trong đó có Đài Loan và Nhật Bản để tiến vào Thái Bình Dương.

    Tháng 12 năm ngoái, tàu sân bay và 5 tàu khác đã tiến hành các cuộc tập trận ở biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương trong 21 ngày nhằm tăng cường khả năng tác chiến.

    Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết các hoạt động di chuyển của hải quân Trung Quốc trong khu vực gần Đài Loan luôn được quân đội nước này theo dõi chặt chẽ.

    Phát ngôn viên Tôn Lập Phương cho biết Đài Loan “có các kế hoạch đáp trả dựa trên các hành động có thể Trung Quốc".

    Tàu Liêu Ninh thường xuyên tuần tra eo biển Đài Loan và có thể được triển khai trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang với hòn đảo tự trị này. Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai sẽ phải được hợp nhất với đại lục.

    Gordon Arthur, nhà phân tích quân sự và biên tập viên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của cổng thông tin quốc phòng Shepherd cho biết: “Không có gì bí mật khi Hải quân Đài Loan hoàn toàn lép vế so với Hải quân PLA".

     “Ví dụ, năm ngoái, Trung Quốc đã đưa vào biên chế một số tàu chiến mới có tổng trọng tải 170.000 tấn - con số này nhiều hơn tất cả hạm đội của Đài Loan cộng lại và đó chỉ là sự phát triển của Trung Quốc trong vòng một năm”.

    “Đài Loan không thể hy vọng cạnh tranh được [với sự phát triển này], do đó họ đang tập trung đầu tư vào các tàu sẽ mang lại cho họ một số lợi thế phi đối xứng" - ông Arthur nói và đưa các ví dụ về tàu hộ tống tự chế lớp Tuo Chiang và tàu ngầm Phòng thủ bản địa của Đài Loan.

    Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, vẫn cần một số năm nữa hải quân của Đài Loan mới có đủ khả năng chống lại bất kỳ nỗ lực phong tỏa hoặc xâm lược nào của Trung Quốc.


    Không có nhận xét nào