Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam

    TAND Bến Tre sắp xử Facebooker với cáo buộc hành vi "phỉ báng chính quyền nhân dân"

    RFA
    31/5/2022

    TAND Bến Tre sắp xử Facebooker với cáo buộc hành vi "phỉ báng chính quyền nhân dân"

    Ông Nguyễn Duy Linh khi bị bắt tháng 9 năm 2021 

    Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre sẽ tổ chức phiên tòa sơ thẩm vào ngày 9 tháng 6 để xét xử ông Nguyễn Duy Linh với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

    Bà Nguyễn Ngọc Tuyết, vợ của ông Linh cho biết vào ngày 30/5 bà nhận được giấy triệu tập của tòa án để tham dự phiên toà với tư cách là nhân chứng.

    Nói với phóng viên của Đài Á Châu Tự Do, bà Tuyết cho biết:

    “Em được mời tham dự phiên toà với tư cách người làm chứng… Anh Linh từ chối luật sư… Hôm em gặp trực tiếp anh Linh (trong trại giam-PV) thì anh nói sẽ tự bào chữa cho ảnh và không nhờ luật sư.”

    Ông Linh, sinh năm 1976 và ngụ tại xã Tiên Thủy (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) bị bắt ngày 14/9/2021.

    Báo Đồng Khởi - Tiếng nói của Đảng bộ tỉnh Bến Tre dẫn kết quả điều tra ban đầu nói rằng "từ năm 2017 đến nay, Nguyễn Duy Linh đã sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook thường xuyên đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, xúc phạm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước."

    Trên trang Facebook Duy Linh được cho là của ông này có đăng tải một số video clips mà chủ tài khoản chia sẻ về hành xử của viên chức nhà nước khi thi hành công vụ cũng như đưa ra bình luận phê phán biện pháp chống dịch COVID-19 của chính phủ trung ương và chính quyền các địa phương.

    Phóng viên Đài Á Châu Tự Do gọi điện thoại cho Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bến Tre để tìm hiểu thông tin về cáo trạng vụ án, tuy nhiên người nhấc máy giải thích là "làm việc ở văn phòng" và "để hỏi lại" rồi tắt máy.

    Một người đàn ông trực điện thoại ở Tòa án tỉnh Bến Tre thì đề nghị phóng viên gọi cho Tòa án hình sự tỉnh và cho số điện thoại, tuy nhiên chúng tôi gọi nhiều lần theo số này nhưng không có người nhấc máy.

    Bà Nguyễn Ngọc Tuyết cho biết bà được gặp chồng hai lần trong trại tạm giam, và ở lần gặp gần đây, ông Linh nói sẽ tự bào chữa trong phiên tòa sắp tới mà không đồng ý để vợ thuê luật sư bào chữa.

    Khi được hỏi ông Linh tự nguyện từ chối luật sư hay chịu áp lực nào đó, bà nói:

    “Điều đó thì em không biết nhưng mà em có trực tiếp hỏi anh có cần luật sư không thì em sẽ mướn luật sư cho anh thì anh nói không cần. Em hỏi lại hai ba lần thì ảnh nói thôi để tự anh bào chữa.” 

    Bà cũng cho biết ông Linh có bệnh dạ dày rất nặng và được trại giam đưa đi chữa trị ở bệnh viện dân sự từ đầu năm nay. Hiện tại, sức khoẻ của ông đã được cải thiện nhiều.

    Ông Linh là lao động chính trong nhà, từ khi ông bị bắt, người vợ của ông phải cáng đáng nuôi hai con còn đang đi học.

    Bà Tuyết cũng cho biết do chồng mình chỉ trích chính quyền trên mạng xã hội nên gia đình bà bị phân biệt đối xử. Trong đợt dịch vừa qua, chỉ riêng gia đình bà không được hưởng chính sách trợ cấp của chính quyền địa phương cho người dân.

    Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, ông Linh là một trong số 12 người bị bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” năm 2021. Ông phải đối mặt với án tù từ 5 năm đến 12 năm nếu bị kết tội.

    Từ đầu năm đến nay, có ít nhất bốn nhà hoạt động bị kết án từ 5 năm đến 8 năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 hay "phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự mới năm 2015.


    Người dân Hà Nội chỉ trích phát ngôn của Bộ trưởng TN&MT về việc thành phố bị ngập

    RFA
    31/5/2022

    Người dân Hà Nội chỉ trích phát ngôn của Bộ trưởng TN&MT về việc thành phố bị ngập

    Mưa lớn gây ngập đường Hà Nội 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngFB Nguyễn Đình Hà 

    Lời giải thích của Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà về tình trạng ngập lụt ở Hà Nội sau cơn mưa lớn không được người dân đón nhận một cách tích cực.

    Nhiều con đường ở thủ đô Hà Nội bị ngập sâu chiều ngày 29 tháng 5 sau một trận mưa lớn. 

    Hàng loạt hình ảnh do người dân đăng tải trên mạng xã hội cho thấy những con phố bị biến thành sông, và khiến người đi đường, phải bì bõm dưới dòng nước đục ngầu, cả những ô tô hạng sang cũng chung số phận chết máy. 

    Tuy nhiên, đối với người dân sống ở thủ đô của quốc gia Đông Nam Á này thì đây không phải chuyện gì mới. 

    Trên thực tế tình trạng đường phố bị ngập nặng sau mỗi cơn mưa lớn đã xuất hiện ở Hà Nội nhiều năm trở lại đây, khi tốc độ đô thị hóa ngày càng càng gia tăng nhưng hạ tầng thoát nước lại không phát triển đồng bộ. 

    Dù vậy, điều đó không có nghĩa là người dân chấp nhận một thực tế mà nhiều người cho là đáng xấu hổ này. 

    Bằng chứng là khi Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà, trong một cuộc phỏng vấn với báo giới nhà nước sáng ngày 30 tháng 5, cho rằng tình trạng ngập lụt ở Hà Nội là do “thời tiết cực đoan”. 

    Ông cũng cho rằng mưa lớn và dồn lại một điểm như vậy thì đến cả những nơi có cơ sở hạ tầng tốt như Mỹ và Châu Âu cũng không tránh được việc bị ngập. 

    Phát biểu trên của vị quan chức cấp cao đã lập tức vấp phải nhiều chỉ trích từ phía người dân. 

    Untitled-102.jpg

    Trao đổi với Đài Á Châu Tự do, ông Nguyễn Đình Hà, một người dân Hà Nội cho biết:

    “Từ ngày xưa vẫn có một cái câu là tiên trách kỷ hậu trách nhân, tức là khi xảy ra một vấn đề thì anh phải nhìn nhận lại bản thân anh, và anh phải nhìn nhận lại cái công việc của ngành, của chính quyền các anh, chứ không phải là anh đi so sánh với nước nọ nước kia. 

    Bây giờ anh so sánh như vậy thì nếu cùng một logic, cùng một kiểu suy luận như thế, thì có nghĩa rằng ở nước ngoài có tham nhũng thì Việt Nam được phép tồn tại tham nhũng hay sao? Cũng như là ở nước ngoài có ngập lụt thì ở Việt Nam cũng để ngập lụt như thế à? Thế là điều không được!“

    Một cư dân Hà Nội khác là ông Nguyễn Sơn thì thậm chí gọi phát biểu của quan chức đầu ngành môi trường là “trò hề”, và cho rằng ông này đang cố gắng che giấu sự yếu kém của chính quyền:

    “Một quan chức mà phát biểu cảm tính, không dựa trên cơ sở nào như vậy thì giống như một trò hề thôi. Thứ hai thì nó cũng là một cách để né tránh vấn đề, né tránh sự yếu kém của chính quyền thành phố. 

    Những người hiểu biết thì sẽ không thể chấp nhận một lời giải thích như vậy.”

    Là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bà Đặng Bích Phượng, 62 tuổi, cho biết theo quan sát của bà thì tình trạng ngập lụt sau mưa ở Hà Nội càng ngày càng nghiêm trọng. 

    Chính vì vậy mà bà không thể hiểu được phát biểu của lãnh đạo ngành, bà nói:

    “Có một điều không thể hiểu được là họ không hiểu hay là họ cố tình bất chấp, chẳng nhẽ họ không có chút danh dự gì hay sao? Thế nhưng mà cuối cùng ta vẫn phải chấp nhận một thực tế, là càng ngày các phát ngôn của quan chức rất có vấn đề về trí tuệ, ngoài ra còn vấn đề liêm sỉ nữa. 

    Một là họ coi thường người dân, hai là họ có một sự bất chấp mà họ không còn đếm xỉa gì đến cái logic, lý lẽ của những câu nói của họ.”

    Ngoài đổ cho thời tiết và khẳng định rằng các nước phát triển như Mỹ và Châu Âu cũng sẽ bị ngập nếu gặp phải trận mưa lớn như trận mưa ở Hà Nội ra, thì Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng gợi ý việc biến trường học, sân vận động, và các cánh đồng thành nơi chứa nước để “tránh ngập các nơi xung yếu”. 


    Không có nhận xét nào