Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 03 tháng 5 năm 2022

     Võ Thái Hà tổng hợp

    Ấn Độ giữ thế trung lập, nhưng kêu gọi đối thoại để chấm dứt chiến tranh Ukraina

    Thủ tướng Đức Olaf Scholz (T) và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi họp báo tại phủ thủ tướng Đức, Berlin, ngày 02/05/2022. AFP - JOHN MACDOUGALL 

    Trong chuyến công du châu Âu, hôm qua, 02/05/2022, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi các bên đối thoại để chấm dứt chiến tranh, nhưng khéo léo giữ lập trường “trung lập”, vẫn không lên án cuộc xâm lược của Nga.  

    Trong cuộc họp báo với đồng nhiệm Đức Olaf Scholz, tại Berlin, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định  “không bên nào có thể thắng trong cuộc chiến này, tất cả đều phải chịu những tổn thất lớn lao, do vậy chúng tôi ủng hộ hoà bình”.   

    Về phía Đức, trả lời trên báo Indian Express hôm qua, 02/05, thủ tướng Olaf Scholz cho biết “cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraina” đã là chủ đề thảo luận chính trong chương trình nghị sự. Lãnh đạo Đức cũng cho biết đã mời đồng nhiệm Ấn Độ tham dự hội nghị G7. Hành động này được cho là để “mở rộng liên minh chống Nga”. 

    AFP cho biết, Ấn Độ gặp khó khăn trong việc giữ mối quan hệ cân bằng giữa phương Tây và Nga, do phụ thuộc về vũ khí và năng lượng của Matxcơva. Cho đến nay, Ấn Độ vẫn từ chối đứng về một phe và vẫn không lên án Nga. Giống như Bắc Kinh, New Delhi cố giữ thế trung lập để có thể tiếp tục mua dầu giá rẻ từ Nga.

    Trước khi sang châu Âu, Modi cho biết chuyến công du của ông nhằm tăng cường hợp tác với các đối tác châu Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, năng lượng và phát triển bền vững. New Delhi đã nhận được 10 tỷ đô la viện trợ từ Berlin cho tăng trưởng xanh của Ấn Độ từ nay đến năm 2030.

    Hôm nay và ngày mai, 03-04/05, thủ tướng Ấn Độ sẽ đến Copenhagen, Đan Mạch, để dự hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - Bắc Âu cùng với các lãnh đạo của Đan Mạch, Iceland, Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy. 

    Mỹ và Anh : Putin rất có thể chính thức tuyên chiến với Ukraina ngày 09/05

    Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước Quốc Hội, Saint Petersburg, ngày 27/04/2022. via REUTERS - SPUTNIK 

    Giới chức Mỹ và phương Tây dự đoán có khả năng tổng thống Vladimir Putin sẽ chính thức tuyên chiến với Ukraina vào ngày 09/05, Ngày Chiến Thắng của Nga. Điều này sẽ cho phép Matxcơva huy động quân dự bị và tuyển dụng tân binh vào lúc quân đội Nga ra sức đánh chiếm phía Đông và Nam Ukraina.  

    Le Figaro ngày 02/05/2022 trích dẫn phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Anh, Ben Wallace, khi trả lời phỏng vấn đài phát thanh BBC tuần rồi cho rằng nguyên thủ Nga « sẽ tìm cách thoát ra khỏi chiến dịch quân sự đặc biệt ». Theo ông, Vladimir Putin « đã phơi bày kịch bản, chuẩn bị địa bàn để có thể nói là "Quý vị hãy nhìn đây, giờ mới chính là cuộc chiến chống phát xít và đây chính là điều tôi cần hơn là thế giới". » 

    Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, Ned Price, hôm qua 02/05 cũng nói rằng có « nhiều lý do để tin rằng Nga sẽ làm mọi điều mà họ có thể để sử dụng » ngày 09/05 vào mục tiêu tuyên truyền. Ông Price còn nói thêm là có nhiều suy đoán theo đó « Nga rất có thể chính thức tuyên chiến » với Ukraina vào ngày đó. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ nói tiếp : « Đây sẽ là một sự mỉa mai lớn nếu Matxcơva tận dụng cơ hội "Ngày Chiến Thắng" để tuyên chiến, cho phép họ tăng số quân nhập ngũ theo cách mà cho đến lúc này họ chưa thể làm được, nhưng lại tiết lộ cho thế giới thấy rằng các nỗ lực chiến tranh của Nga đã thất bại, rằng họ lúng túng trong chiến dịch và các mục tiêu quân sự ». 

    Cũng trong ngày hôm qua, đại sứ Mỹ bên cạnh Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), Michael Carpenter, phát biểu trước báo giới ở Washington, tố cáo Nga muốn sáp nhập hai vùng lãnh thổ ly khai thân Nga là Lugansk và Donetsk. Ông Michael Carpenter khẳng định Hoa Kỳ có những nguồn thông tin « đáng tin cậy » cho thấy « Nga đang ra sức dàn dựng một cuộc trưng cầu dân ý » vào trung tuần tháng 5/2022 theo hướng này.


    Đài Loan loan báo nguy cơ chậm nhận tên lửa Stinger, hối thúc Mỹ 

    03/5/2022 

    Reuters 

    Binh sĩ Đài Loan vận hành tên lửa Stinger.

    Binh sĩ Đài Loan vận hành tên lửa Stinger. 

    Hôm 3/5, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết việc giao tên lửa phòng không vác vai Stinger có thể bị trì hoãn, đồng thời cho biết họ đang thúc ép Hoa Kỳ giao hàng đúng tiến độ khi cuộc chiến ở Ukraine tăng áp lực lên nguồn cung, theo Reuters.

    Các tên lửa này đang có nhu cầu cao ở Ukraine, nơi họ đã thành công trong việc ngăn chặn máy bay Nga, nhưng nguồn cung của Mỹ đã bị thu hẹp và việc sản xuất các vũ khí phòng không gặp phải những trở ngại đáng kể.

    Hoa Kỳ thông qua việc bán 250 tên lửa Stinger của công ty Raytheon Technologies cho Đài Loan vào năm 2019. Truyền thông Đài Loan đưa tin Đài Loan dự kiến sẽ nhận đủ lô vũ khí này vào năm 2026.

    Ông Chu Wen-wu, Phó trưởng phòng kế hoạch quân đội của Đài Loan, cho biết những đợt giao hàng này có thể bị hoãn lại.

    Ông nói trong một cuộc họp báo: “Đúng là do những thay đổi của tình hình quốc tế, có thể có nguy cơ bị trì hoãn giao hàng tên lửa Stinger di động trong năm nay. Lục quân sẽ phối hợp với kế hoạch mua sắm đầy đủ và tiếp tục yêu cầu quân đội Hoa Kỳ thực hiện nó một cách bình thường theo hợp đồng”.

    Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đài Loan Sun Li-fang nói thêm rằng việc mua sắm xe tăng General Dynamics Corp GD.N M1A2 Abrams vẫn diễn ra “bình thường” - Đài Loan có kế hoạch mua 108 chiếc trong số đó với thời gian giao hàng vào năm 2027.

    Ông cho biết thêm rằng không quân Đài Loan cũng liên hệ với Hoa Kỳ để đảm bảo việc giao máy bay chiến đấu F-16 mới diễn ra đúng kế hoạch trước năm 2026.

    Đặc phái viên Trung Quốc quyết đóng ‘vai trò xây dựng’ giữa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 

    03/5/2022 

    Reuters 

    Ông Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming), Đại diện đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc về các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên, và người đồng cấp Hàn Quốc, Noh Kyu-duk, tại Seoul, ngày 3/5/2022.

    Ông Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming), Đại diện đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc về các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên, và người đồng cấp Hàn Quốc, Noh Kyu-duk, tại Seoul, ngày 3/5/2022. 

    Hôm 3/5, Đặc phái viên về Bán đảo Triều Tiên của Bắc Kinh cho biết Trung Quốc vẫn cam kết đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, theo Reuters. Đặc phái viên Trung Quốc nêu ý kiến này một tuần sau khi Triều Tiên tuyên bố phát triển lực lượng hạt nhân “với tốc độ nhanh nhất có thể”.

    Ông Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming), Đại diện đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc về các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên, đưa ra nhận định trên trong cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc, Noh Kyu-duk, tại Seoul, theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.

    Tuần trước, lãnh tụ Kim Jong Un cam kết tăng tốc độ phát triển kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong khi thị sát một cuộc đại duyệt binh giữa lúc các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ vẫn bị đình trệ.

    Ông Noh bày tỏ quan ngại về các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên và các hoạt động khôi phục bãi thử hạt nhân Punggye-ri, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh tích cực đưa Bình Nhưỡng trở lại đối thoại, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết.

    Bộ này cho biết trong một thông cáo báo chí: “Hai bên nhất trí tiếp tục liên lạc chiến lược chặt chẽ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc về các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên”.

    Hôm 1/5, ông Liu cho biết Bắc Kinh lo ngại về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nhưng nói thêm rằng chìa khóa để giải quyết vấn đề nằm trong tay của Triều Tiên và Hoa Kỳ.


    Trung Quốc nới lỏng kiểm soát ngành công nghệ

    Chính phủ Trung Quốc bất ngờ nới lỏng cho các tập đoàn công nghệ lớn. Vào ngày 29 tháng 4, họ cho biết có kế hoạch bình thường hóa các quy định và “thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của kinh tế nền tảng số,” một cách gọi những tập đoàn internet-tiêu dùng lớn, chẳng hạn như gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba hay tập đoàn trò chơi và mạng xã hội Tencent. Thông báo này khiến cổ phiếu của các công ty công nghệ tăng vọt, và là tin tốt nhất cho họ trong hơn một năm qua.

    Tuy nhiên mọi chuyện chưa hẳn đã ổn định. Cuộc đàn áp công nghệ đã gây thiệt hại lâu dài cho khả năng đổi mới của các công ty. Nhiều công ty giờ đây đặc biệt e ngại rủi ro. Dấn thân vào các ngành kinh doanh mới với sức tăng trưởng nhanh đã không còn nằm trong kế hoạch của họ. Hơn nữa, lập trường này có thể chỉ là tạm thời, và có thể sẽ thay đổi khi Trung Quốc vượt qua đợt bùng dịch Covid-19 hiện nay.

    Tự do báo chí suy giảm trên toàn cầu

    Báo chí tự do đang đứng trước thách thức lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, khi chủ nghĩa chuyên chế dân túy mạnh lên trên toàn cầu. Liên Hợp Quốc ước tính có tới 85% dân số thế giới sống ở các nước có tự do báo chí suy giảm trong 5 năm qua.

    Cách mà các chính phủ kiểm soát giới phóng viên đã thay đổi. Ngoài bạo lực, nhiều chế độ đang dựa vào nhiều phương pháp tinh vi hơn, như bắt nạt tài chính, kiện cáo vô lý hay tấn công công nghệ.

    Một số phóng viên đang chống trả. Một ví dụ là Lucy Kassa, nhà báo chuyên đưa tin về những vụ giết người hàng loạt của quân chính phủ ở vùng Tigray miền bắc Ethiopia. Kassa đã lập tức bỏ trốn sau khi nhân viên an ninh xuất hiện trước cửa nhà cô. Nhưng cô tiếp tục lần theo những diễn biến từ xa, với sự hỗ trợ của hình ảnh vệ tinh. Kassa nói: “Tôi có một niềm tin mạnh mẽ rằng sự thật tự nó sẽ tìm ra cách để lộ diện. Và tôi coi mình như một công cụ phục vụ quá trình đó.”

    Chiến tranh Ukraine khiến các nhà thầu quốc phòng Mỹ mở hết công suất

    Tám mươi năm trước, Franklin Roosevelt đã gọi nước Mỹ là “kho vũ khí vĩ đại của nền dân chủ.” Giờ đây cách nói đó vẫn còn hiệu lực. Vào tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội chi 33 tỷ USD để ứng phó với cuộc khủng hoảng Ukraine, bao gồm 20 tỷ USD hỗ trợ quân sự. Hồi đầu năm Mỹ cũng đã duyệt 13,6 tỷ đô la.

    Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine, với nguồn hàng từ kho dự trữ của chính họ. Chẳng hạn như tên lửa chống tăng Javelin, kể từ năm 2018 Mỹ đã bán hoặc tặng 7.000 quả cho Ukraine, tương đương một phần ba số tên lửa trong kho.

    Vào thứ Ba, ông Biden sẽ đến thăm nhà máy sản xuất tên lửa Javelin ở Alabama. Nơi này làm ra được 2.100 hệ thống phóng một năm. Về lý thuyết Mỹ hoàn toàn có thể đẩy mạnh sản xuất, nhưng các nhà thầu quốc phòng còn có những vấn đề khác. Đại dịch Covid, thiếu lao động và tình trạng khan hiếm chip máy tính trên toàn cầu đều gây khó khăn, trong khi chiến tranh Ukraine chỉ là một cam kết hạn chế. Nếu ngành công nghiệp Mỹ không thể đáp ứng nhu cầu hiện tại, liệu nó có thể cung cấp cho một cuộc chiến lớn hơn không?

    Đảng Cộng hòa ở bang Ohio tìm ứng viên thượng nghị sĩ

    Trong số các cuộc bầu cử sơ bộ được theo dõi nhiều nhất ở Ohio vào thứ Ba là vòng sơ bộ của đảng Cộng hòa cho cuộc đua vào Thượng viện. Bảy ứng viên đang cạnh tranh để thay thế Rob Portman, thượng nghị sĩ Cộng hòa hiện tại, người sẽ nghỉ hưu trong năm nay.

    Hai nhân vật dẫn đầu là J.D. Vance, một nhà đầu tư mạo hiểm và tác giả sách, và Josh Mandel, một cựu thủ quỹ bang. Ông Vance từng là người chỉ trích Donald Trump vào năm 2016 trước khi trở thành nhân vật ủng hộ nhiệt thành cho cựu tổng thống. Đáp lại, Trump đã ủng hộ ông. Điều này chắc chắn làm cho ông Mandel thất vọng, nhất là khi ông luôn theo sát mọi thay đổi trong đảng Cộng hòa và giờ cũng ủng hộ Trump hết mình.

    Từng là một bang chiến trường, giờ đây Ohio ngày càng trở thành một bang Cộng hòa. Do đó, người chiến thắng trong vòng sơ bộ sẽ có cơ hội lớn để trở thành thượng nghị sĩ tiếp theo của Ohio tại cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11. Ngoài ra cuộc bầu cử cũng sẽ cho thấy ảnh hưởng của Trump lớn tới đâu.

    “Tổng thống Ukraine có một ngôi nhà trị giá $35 triệu ở Florida và…”

    SGN Fact Check
    2 tháng 5, 2022

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/Screenshot-2022-05-02-212438.jpg

    “Tổng thống Ukraine sở hữu một ngôi nhà trị giá $35 triệu ở Florida và có $1.2 tỷ  trong tài khoản ngân hàng ở nước ngoài”. Đó là nội dung một bài đăng trên Facebook. Bài đăng ngày 17 Tháng Tư trên trang cá nhân của Nicolas Tetrault, một cựu chính trị gia Canada, với video TikTok. Tin nhảm này vô căn cứ này còn nói Tổng thống Volodymyr Zelensky có 15 ngôi nhà, ba máy bay riêng và có thu nhập hàng tháng là $11 triệu.

    Tetraul đề cập đến Hồ sơ Panama và trích dẫn một nguồn giấu tên về việc Zelensky sử dụng các công ty nước ngoài. Hồ sơ Panama là một loạt tài liệu được công khai vào năm 2016 từ công ty luật nước ngoài Mossack Fonseca. Hồ sơ phanh phui chi tiết cách những người giàu có và quyền lực có thể che giấu tiền của họ và trốn thuế. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky không hề có tên trong Hồ sơ Panama và “nguồn giấu tên” mà Tetrault sử dụng là lấy từ một cuộc điều tra được thực hiện bởi Dự án Báo cáo Tội phạm và Tham nhũng có Tổ chức (Organized Crime and Corruption Reporting Project – OCCRP), trên Pandora Papers.

    Tương tự Hồ sơ Panama nhưng có phạm vi rộng hơn, Hồ sơ Pandora là tập hợp các tài liệu tài chính được công khai vào năm 2021, nêu rõ cách các cá nhân giàu có sử dụng các thiên đường thuế ở nước ngoài; và trong một số trường hợp, rửa tiền để che giấu tài sản của họ. Ban kiểm tin của PolitiFact cho biết, Tổng thống Volodymyr Zelensky chẳng có tài sản nào ở Florida. Kết luận, đây là tin nhảm. Tuy nhiên, dù Nicolas Tetrault đã xóa tin trên nhưng việc đồn nhảm Zelensky có ngôi nhà triệu đô ở Florida thì vẫn còn tràn lan trên mạng.

    Thủ tướng Nhật đồng ý thỏa thuận quốc phòng với Thái Lan 

    03/5/2022 

    Reuters 

    Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, trái, và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Bangkok, ngày 2/5/2022. (AP Photo/Sakchai Lalit)

    Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, trái, và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Bangkok, ngày 2/5/2022. (AP Photo/Sakchai Lalit) 

    Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Thái Lan vừa công bố một thỏa thuận quốc phòng mới hôm 2/5 cũng như kế hoạch nâng cấp quan hệ kinh tế của hai nước, khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida kết thúc chặng cuối cùng của chuyến công du ba nước Đông Nam Á, theo Reuters.

    Thỏa thuận quốc phòng này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao phần cứng và công nghệ quốc phòng từ Nhật Bản sang Thái Lan, quốc gia có một trong những quân đội lớn nhất và được trang bị tốt nhất trong khu vực và có lịch sử quan hệ lâu dài với quân đội Hoa Kỳ. Các chi tiết khác của thỏa thuận không được tiết lộ.

    Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết trong một tuyên bố chung khi ông đọc tuyên bố này với sự hiện diện của ông Kishida: “Điều này sẽ giúp cải thiện quốc phòng và hỗ trợ đầu tư từ Nhật Bản trong hoạt động này, vốn là mục tiêu quan trọng của Thái Lan”.

    Ông Prayuth cho biết ông đã thảo luận về những cải tiến trong chuỗi cung ứng và việc soạn thảo quan hệ đối tác kinh tế kéo dài 5 năm với Nhật Bản, nhà đầu tư lớn nhất của Thái Lan.

    Với tư cách là nhà lãnh đạo của thành viên duy nhất của Châu Á trong Nhóm 7 nước (G7), ông Kishida thảo luận về việc Nga xâm lược Ukraine trong chuyến công du Đông Nam Á, khu vực chỉ có một quốc gia duy nhất là Singapore tham gia các lệnh trừng phạt chống lại Moscow.

    Tuy nhiên, có 9 quốc gia Đông Nam Á đã ủng hộ một nghị quyết của LHQ vào tháng 3 lên án cuộc xâm lược của Nga và ông Kishida cảm ơn ông Prayuth vì sự ủng hộ của Thái Lan cho nghị quyết này.

    Ông nói: “Tôi nhất trí với Thủ tướng Prayuth rằng ở bất kỳ khu vực nào, việc vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, hoặc đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực đều không được dung thứ”.


    Không có nhận xét nào