Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ năm 12 tháng 5 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Ngũ Giác Đài: Putin không muốn đối đầu quân sự với NATO 

    12/5/2022 

    Reuters 

    Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin.

    Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin. 

    Hoa Kỳ không tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn đối đầu quân sự với liên minh NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tuyên bố ngày 11/5, trong lúc Moscow vất vả đạt được các mục tiêu ở Ukraine sau ba tháng xâm lược.

    "Khi bạn nhìn vào tính toán của ông Putin, theo quan điểm của tôi - và tôi chắc rằng ông chủ tịch có quan điểm của riêng mình - nhưng quan điểm của tôi là Nga không muốn đối đầu với liên minh NATO", ông Austin nói trong một cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ.

    Cùng ngày 11/5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin nên tự soi gương nếu Phần Lan quyết định gia nhập NATO để tăng cường an ninh cho chính mình.

    Nhà lãnh đạo Phần Lan dự kiến vào ngày 13/5 sẽ xác nhận rằng Helsinki sẽ nộp đơn xin trở thành thành viên của liên minh quân sự phương Tây do Mỹ dẫn đầu để đáp trả cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

    Ông Niinisto đưa ra phát biểu này đáp câu hỏi của phóng viên khi gặp Thủ tướng Anh tại Helsinki để ký hiệp ước hợp tác quốc phòng hỗ tương rằng liệu Phần Lan có sợ Nga xâm lược hay không.

    Triển vọng ảm đạm của kinh tế Anh 

    Vào thứ Năm, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh sẽ công bố ước tính tăng trưởng GDP của họ cho quý đầu năm nay. Các nhà kinh tế cho rằng đà hồi phục sau covid đang chậm lại. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga làm rối loạn ngành chế tạo, trong khi việc kết thúc chương trình vắc-xin covid-19 làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành y tế.

    Cũng không có nhiều tin tốt ở phía trước. Hôm thứ Tư, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia đã dự đoán GDP của Anh sẽ giảm trong quý 3 và quý 4 năm 2022 – đồng nghĩa suy thoái. Kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách là người tiêu dùng sẽ dựa vào khoản tích lũy có được trong đại dịch để bù đắp chi tiêu. Nhưng niềm tin của người tiêu dùng đang ở mức thấp thứ hai kể từ năm 1974. Lạm phát cao và chi phí đắt đỏ khiến người dân nhiều khả năng sẽ phải thắt lưng buộc bụng.

    Ấn Độ cuối cùng cũng tăng lãi suất

    Chính sách tiền tệ ở Ấn Độ thường tuân theo một quy trình: cứ hai tháng một lần Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) họp và, bất kể áp lực lạm phát ra sao, vẫn giữ nguyên lãi suất. Vì vậy, vào tuần trước thị trường đã náo động khi RBI triệu tập một cuộc họp bất thường và lần đầu tiên tăng lãi suất sau hai năm. Thống đốc ngân hàng cho biết nguyên nhân là “sóng địa chấn” từ chiến tranh Ukraine.

    Vào tháng 3, lạm phát đã lên đến gần 7%, cao nhất trong 18 tháng qua và cao hơn nhiều so với mục tiêu dưới 6% của RBI. Dữ liệu tháng 4 được công bố vào thứ Năm thậm chí có thể cho thấy lạm phát đạt 7,5%. Thực phẩm và nhiên liệu là những yếu tố đóng góp lớn nhất. Vì chi phí xăng dầu được ấn định thông qua các công ty quốc doanh, chính phủ Ấn Độ trên thực tế đang đặt gánh nặng giá nhiên liệu tăng lên người tiêu dùng. Ngoài ra đồng rupee yếu cũng không giúp được gì. Nếu tình hình tiếp tục, việc tăng lãi suất có thể sẽ trở thành thông lệ.

    Cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kéo dài

    Chiến tranh Ukraine đang biến thành một cuộc đấu dài hơi và đẫm máu. Nga đã kéo quân về quanh khu vực Donbas ở miền đông, nhưng không thể tiến nhanh. Avril Haines, giám đốc tình báo quốc gia của Mỹ, cho biết tham vọng của Tổng thống Vladimir Putin còn lớn hơn nữa: ông muốn có một hành lang đất liền để liên kết các vùng đã chiếm với Transnistria, một vùng ly khai thân Nga ở Moldova giáp miền tây Ukraine.

    Trong khi đó, mục tiêu của chính phủ Ukraine giờ đây không còn là tồn tại đơn thuần mà là khôi phục toàn bộ lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả những vùng đất bị mất vào tay Nga từ năm 2014, chẳng hạn như Crimea. Mỹ dường như sẵn sàng giúp đỡ. Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu khoản tiền khổng lồ 33 tỷ đô la viện trợ cho Ukraine và các đồng minh NATO. Hạ viện thông qua cho ông 40 tỷ đô la, còn Thượng viện nhiều khả năng sẽ làm theo. Bà Haines nói Nga cho rằng phương Tây cuối cùng sẽ mất hứng thú với Ukraine. Tuy nhiên, quan điểm của Mỹ là các lệnh trừng phạt sẽ làm suy yếu Nga trước – đến mức ông Putin có thể cảm thấy bị dồn vào chân tường. Chắc chắn có một bên sai.

    P. Nguyễn Dũng - Chiến tranh và bánh mì

    Tháng 5/2022

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1239474720-1280x853.jpg

    Bánh mì trở thành một trong những thứ thiết yếu trong một quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá như Ukraine (ảnh: Leon Klein/Anadolu Agency via Getty Images) 

    Với lớp hàng rào lưới sắt cao mấy mét bao quanh và đội bảo vệ canh gác ngày đêm, nhà xưởng ấy khiến người lạ tưởng nó là một cơ sở quân sự hay an ninh tình báo trọng yếu của chính quyền thủ đô Kyiv…

    KHÔNG KHÁC GÌ CƠ SỞ TRỌNG YẾU

    Nhưng đó chỉ là lò bánh mì. Hơn một tháng bị quân Nga tấn công, bánh mì đang trở thành thứ thực phẩm vô cùng quan trọng. Các lò bánh bây giờ là những cơ sở chiến lược được bảo vệ nghiêm ngặt không thua kém các bộ chỉ huy tham mưu. Người qua đường hiếu kỳ dừng lại chụp ảnh chắc chắn sẽ bị chặn và mời về trạm để bị nhân viên an ninh truy hỏi. Nào ai biết được, có thể đó là một điệp viên Nga và đang âm mưu phá hoại?

    Thời bình thường, nhà máy bánh mì này thuê dụng 700 nhân viên, mỗi ngày sản xuất 120 tấn bánh. Từ khi bom đạn Nga bắt đầu nổ vang, nhà máy chỉ còn 45 người làm việc. Quần quật 24/24 tiếng, họ vẫn duy trì mức độ sản xuất như không hề có chuyện gì xảy ra. “Một số nhân viên nam đã khoác áo lính ra chiến trường; một số khác hộ tống vợ con, người thân lớn tuổi rời khỏi thủ đô, tìm đến các thị trấn, làng mạc nhỏ, yên tĩnh và an toàn hơn ở hướng Tây đất nước. Chúng tôi chỉ giữ lại những công nhân, kỹ sư chuyên nghiệp nhất, nhiều kinh nghiệm nhất” – nữ Giám đốc Natalia Babych cho biết. Bà cũng nói thêm, vì muốn giữ an toàn tối đa nên hệ thống chiếu sáng vòng ngoài và cả bên trong nhà máy đã được giảm thiểu. “Thà thao tác trong bóng tối còn hơn bị máy bay địch phát hiện”.

    Với những công nhân còn ở lại, việc nuôi sống cư dân thủ đô là một nhiệm vụ, một trách nhiệm lớn. Họ đa số là nữ, chia nhau thành từng ê-kíp thay nhau làm việc. Một ngày làm một ngày nghỉ. Thực ra ít khi nào ca trực kéo dài đúng 24 tiếng mà thường từ 36 đến 48 tiếng. Những người nghỉ chỉ có thể ăn hoặc nằm chợp mắt vài mươi phút. Khi ca trực kết thúc, nhiều người không về nhà riêng mà ở lại nhà máy, sẵn sàng ứng phó nếu chẳng may có biến động.

    Công nhân và kỹ sư tự nguyện giảm khẩu phần hàng ngày. “Lúc bình thường, chúng tôi sản xuất đến 70 loại bánh mì và bánh ngọt nhưng bây giờ chỉ làm ra bảy loại chính yếu,” kỹ sư trưởng Viktor Kostryin cho biết. Bản thân bà Giám đốc Natalia Babych chưa về nhà ngày nào kể từ ngày định mệnh 24 Tháng Hai 2022. “Tôi ăn ngủ, vệ sinh ngay tại nhà máy này, chỉ còn giữ liên lạc với chồng ở nhà qua điện thoại”. Kỹ sư trưởng Viktor Kostrykin cũng vậy, những đêm đầu tiên ở lại nhà máy, “giường” của ông là tấm trải lên sàn hầm tránh bom. “Phía ngoài bom, phi đạn nổ ầm ầm, ai cũng sợ”, ông kể. “Nhưng nay thì khác, chúng tôi đã quen với âm thanh bom đạn nên vẫn bình tĩnh làm việc. Đây là một trách nhiệm, chúng tôi tham gia cuộc chiến chống ngoại xâm theo cách của mình. Chúng tôi là những người lính của bánh mì!”.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1239493479-scaled.jpg

    Lò ‘Người thiện lương’ ở Kyiv đang sản xuất và phát miễn phí bánh mì cho người dân; Kyiv, ngày 25 Tháng Ba 2022 (ảnh: Anastasia Vlasova/Getty Images) 

    MỘT MẶT TRẬN KHÁC

    Khi tiếng bom tạm lặng im thì âm thanh dàn máy kéo, máy cày lại vang lên. Giữa hai lần báo động tránh bom, Jan Ostrowskyy, một nhà nông 33 tuổi ở khu vực Mikolaiev, phía Nam Ukraine, lại ra khỏi hầm trú ẩn lái máy kéo ra đồng. “Hôm nay đã có 10 lần báo động, lần dài, lần ngắn nhưng rồi chúng tôi vẫn làm việc. Mọi người cố gắng dọn ruộng để kịp gieo giống cho vụ mùa mới,” ông cho biết. Quân Nga bắt đầu nổ súng sáng ngày 24 Tháng Hai 2022 dọc theo bờ Biển Đen rồi quẹt về hướng Bắc, xẻ ngang vùng quê đến Voznesenk, gần với Pervomaisk là nơi có khu canh tác rộng trên 100 ha của gia đình Ostrowskyy. Đến giữa Tháng Ba, binh lính Ukraine phản công và lính Nga rút lui. Đất để trồng lúa mì, hướng dương và rau trái trở về với các nhà nông như Jan Ostrowskyy.

    Họ được khuyến khích nhanh chóng trở lại với việc đồng áng vì đó là cách đóng góp cho đất nước. Bộ Nông nghiệp đã cung cấp dầu chạy máy kéo, máy cày, phân bón với lãi suất bằng không. Cản trở quan trọng nhất là tiếp vận, làm sao vận chuyển nhanh những thứ cần thiết đến các nhà nông. “Đúng ra năm nay chúng tôi có thể lập kỷ lục xuất khẩu lúa mì và rau trái nhưng các cảng đã bị phong tỏa, nhất là Odesssa. Cũng khó tìm được xe tải nào dám chạy đến tận đây chở hàng. Chi phí đã tăng gấp đôi. Một số trái cây chúng tôi thường xuất sang Đức có thể hư thối trong các nhà kho ở bến cảng,” Jan Ostrowskyy cho biết.

    Ở phía Đông, trong khu vực gần Pavlohrad, giới nhà nông đang lo lắng cho vụ mùa tới. Những ruộng đồng màu mỡ của ông Clément Coussens, một nhà công nghiệp Pháp đến Ukraine lập nghiệp từ hơn chục năm qua, nằm cách ba mặt chiến tuyến khoảng 100km: Kharkiv ở phía Bắc; Zaporijia phía Nam và Donbass phía Đông. Tất cả đều đang bị quân Nga bao vây. Công ty do ông thành lập, Agro KMR với 21,000 ha đất, là một trong 100 công ty sản xuất nông nghiệp lớn nhất Ukraine.

    Ông chủ đến từ Normandie bên Pháp này đã quyết định ở lại với đất của mình cùng với khoảng 100 công nhân. “Tuần trước, nhờ một đoàn công-voa nhân đạo, chúng tôi đã gửi được vợ và con cái của công nhân sang Ba Lan lánh nạn, chỉ đàn ông ở lại. Chúng tôi gắn bó với nhau và khi còn có thể làm việc thì cứ làm, không hề có chuyện chấp nhận thua, để đất cho kẻ xâm lược”, ông kể với báo Le Point (Pháp) qua điện thoại. Với số phân bón dự trữ được nhập kho an toàn, khu canh tác Agro RMK có thể trụ được khoảng ba tháng. Công nhân viên cũng được trả lương trước. Và dù hiểm nguy vẫn rình rập, ngày 27 Tháng Ba qua, họ đã lái xe ra ruộng gieo giống cho vụ thu hoạch vào mùa Hè tới đây, nếu như các đoàn xe tăng Nga không mò tới phá tan mọi thứ!

    Hai nhân vật kể trên là đại diện cho giới nhà nông Ukraine đang kiên trì lo việc đồng áng, bất chấp bom rơi, đạn nổ. Cần nói thêm, Ukraine là một “siêu cường” nông nghiệp. Năm 2021 họ phá đủ các kỷ lục về sản lượng lúa mì, bắp ngô, khoai tây, hướng dương, củ cải… Cánh đồng bao la, phủ rộng khắp hai bên bờ sông Dniepr đã từng nuôi cả nước Hy Lạp thời cổ đại rồi là vựa lúa nước Nga, trước khi là kho lương thực của Liên bang Xô Viết lẫn của châu Âu và của cả một phần không nhỏ châu Phi hôm nay. Mới đây, Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết tuy chiến tranh tàn phá nhưng Ukraine vẫn có thể cứu được đến 70% sản lượng nông nghiệp trong năm nay.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1239114040-scaled.jpg

    Phát bánh mì cho người dân tại làng Anadol ở Donetsk; ngày 10 Tháng Ba 2022 (ảnh: Victor/Xinhua via Getty Images) 

    BÓNG ĐEN HOLODOMOR

    Tuy nhiên, những dự báo bi quan vẫn lo ngại rằng nếu nguồn cung ứng lúa mì số một thế giới từ Ukraine bị thiệt hại lớn thì không thể tránh khỏi một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, đặc biệt đối với các nước lâu nay vẫn mua nông sản Ukraine. “Hệ quả sẽ lan tràn như thác đổ,” cảnh báo của ông Alex Lissita, Tổng giám đốc IMC, một trong 10 tập đoàn nông sản hàng đầu Ukraine với diện tích đất 120,000 ha ở phía Bắc và phía Đông. Chiến tranh do Putin gây ra đã khiến 2/3 diện tích trên trở thành nơi không thể trồng trọt trong tương lai gần.

    Vài tuần nay, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ra lệnh “tổng động viên” giới nhà nông. Trước tình hình chiến tranh có thể kéo dài, dù quân Nga sa lầy trước sự kháng cự gan lì của binh lính Ukraine, “mặt trận nông nghiệp” trở nên quan trọng về chiến lược hệt như việc bảo vệ Kyiv, Odessa… Nhiệm vụ ưu tiên trước mắt là bảo đảm cho vụ mùa 2022. “Làm sao gieo giống dưới đại pháo Nga? Làm sao canh tác khi quân thù đã rải mìn vào đất? Làm sao cày xới khi quân thù phóng hỏa các trạm nhiên liệu?” – Tổng thống Volodymyr Zelensky nói vào ngày 22 Tháng Ba. Ngày 23 Tháng Ba, Bộ Nông nghiệp Ukraine công bố: Diện tích đất canh tác Hè 2022 có thể bị giảm 50%. Những cánh đồng gần tuyến đầu mặt trận đã bị xe tăng Nga cày nát và lính Nga gài mìn khắp nơi. Ukraine đã tạm đóng băng các lô lúa mì chờ xuất khẩu đồng thời thu gom lương thực…

    Sự thiếu hụt lương thực ở thành thị và nông thôn khiến những người Ukraine lớn tuổi nhớ lại chuyện kinh hoàng thời Staline khi Liên Xô tịch thu lúa mì và bất cứ thứ gì ăn được làm ra tại Ukraine để nuôi Hồng quân, dẫn đến “cuộc diệt chủng” bởi nạn đói (Holodomor) hồi đầu thập niên 1930. Sách sử ghi rằng có từ 3 đến 4 triệu nông dân Ukraine chết vì đói khát (có sách nhắc đến con số 6 triệu)… Trong căn bếp trang trại gia đình, bà Lilya Chevtchuk nhắc đến kỷ niệm buồn mà ông nội của bà rất ít khi kể. Ông là đứa trẻ sống sót của một gia đình đều chết vì đói. Ông đã được cứu từ một hố chôn tập thể. “Những người lớn tuổi gần đất xa trời như ông nội tôi chẳng muốn nhắc lại chuyện kinh hoàng, nhưng nay lính Nga đến gần, kỷ niệm muốn quên kia bỗng ập đến ngột ngạt!”.

    _________

    VỰA LÚA MÌ THẾ GIỚI LÂM NGUY

    Rổ bánh mì của địa cầu đang ít nhiều lâm nguy. Lúc bình yên, Nga và Ukraine cung ứng khoảng 1/3 nguồn xuất khẩu lúa mì cho thế giới. Lúa mì là nguồn lương thực chủ yếu của nhân loại từ thời Cổ đại và đến nay vẫn vậy. Trong 60 năm trở lại đây, thị trường lúa mì thế giới đã tăng hơn ba lần, từ 222.4 triệu tấn năm 1961 lên 775 triệu tấn năm 2021. Nga và Ukraine nắm khoảng 30% tổng lượng mua bán lúa mì quốc tế.

    *Hiện có 26 nước (chủ yếu ở châu Phi và Trung Đông, vài nước châu Á) lệ thuộc vào lúa mì từ Nga và Ukraine.

    *10 nước xuất khẩu lúa mì nhiều nhất thế giới (đơn vị triệu tấn, số liệu FAO, năm 2020):

    Nga (37.3); Canada (26.1); Mỹ (26.1); Pháp (19.1); Ukraine (18.1); Úc (10.4); Argentina (10.2); Đức (9.3); Kazakstan (5.2); Ba Lan (4.7).

    *10 nước nhập lúa mì nhiều nhất thế giới (đơn vị triệu tấn, số liệu FAO, năm 2020):

    Indonesia (10.3); Thổ Nhĩ Kỳ (9.7); Trung Quốc (9.6); Ai Cập (9); Ý (8); Algeria (7.1); Philippines (6.2); Brazil (6.2); Bangladesh (6); Nigeria (5.9).

    https://saigonnhonews.com

    Tình hình kinh doanh của SoftBank 

    Vào thứ Năm, tập đoàn đầu tư khổng lồ SoftBank Group của Nhật Bản sẽ công bố kết quả kinh doanh ba tháng đầu năm 2022, qua đó làm sáng tỏ tác động của các thương vụ gần đây của Son Masayoshi, nhà sáng lập công ty. Một số nhà phân tích cho rằng SoftBank sẽ báo lỗ lớn nhất từ trước đến nay.

    Tại thời điểm cuối năm 2021, hai Quỹ Tầm nhìn của SoftBank — tức danh mục đầu tư chủ động vào các công ty khởi nghiệp mạo hiểm —chiếm hơn 40% trong tổng số 24,7 nghìn tỷ yên (215 tỷ đô la) cổ phần nắm giữ của công ty. Nhưng những công ty khởi nghiệp đó, chẳng hạn như hãng thương mại điện tử Coupang của Hàn Quốc, đã gặp khó khăn trong năm nay vì các rắc rối quy định trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Cuối năm 2021, SoftBank cũng nắm giữ số cổ phần trị giá khoảng 6 nghìn tỷ yên trong tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba. Con số đó chưa bằng một nửa so với một năm trước đó, và Alibaba vẫn chưa giải được hạn: giá cổ phiếu của họ đã giảm hơn 25% trong năm nay.

    Jill Biden: Những bà mẹ Ukraine đã dạy tôi điều gì về cuộc chiến này

    Jill Biden: What Ukrainian mothers taught me about this war

    Opinion by Jill Biden

    Updated 7:18 AM ET, Wed May 11, 2022

    Nhã Duy, chuyển ngữ

    11-5-2022

    Trong cuối tuần ngày lễ Hiền Mẫu vừa qua, Đệ Nhất Phu Nhân Jill Biden đã bất ngờ viếng thăm Romania, Slovakia và Ukraine, gặp gỡ cùng Đệ Nhất Phu Nhân của Ukraine là bà Olena Zelenska. Phu nhân Biden đã chia sẻ vài tâm tình của mình sau chuyến đi này qua một tản văn vừa đăng trên CNN.

    ***

    Bạn không thể đến một vùng chiến sự và rời đi mà mình chẳng bị thay đổi gì. Bạn không cần phải dùng mắt để thấy được nỗi buồn vì bạn có thể cảm nhận được nó bằng con tim.

    Chuyện đau buồn thì cứ lộ trên mặt người. Tựa như một đám mây mờ đã phủ xuống. Những giọt nước mắt của những bà mẹ cứ thường trực trên khóe mắt, như thể họ khó cầm được nỗi buồn. Họ nắm tay con hoặc vuốt tóc con mình như thể họ không thể kham nổi sự chia lìa thể lý. Họ mang những bộ mặt cương nghị nhưng cảm xúc của họ hiện rõ trên đôi vai trĩu nặng cùng nỗi bất an gánh trong mình.

    Thiếu vắng một điều gì đó. Tiếng cười, ngôn ngữ chung của phụ nữ.

    Các bà mẹ Ukraine tại các trường học Romania và Slovakia mà tôi đến thăm đã kể cho tôi nghe về nỗi kinh hoàng trong cuộc di tản về phía Tây dưới những quả bom rơi từng mỗi đêm. Nhiều người đã phải trải qua những ngày không có thức ăn và ánh sáng mặt trời khi phải trốn dưới hầm trú bom.

    Một người mẹ trẻ mà tôi gặp ở Uzhhorod, Ukraine đã kể với tôi rằng khi cô và gia đình của cô đánh liều ra ngoài tìm thức ăn thì những lính Nga sẽ bắn vào hàng người đang chờ một mẩu bánh mì. Những bà mẹ Ukraine này rất biết ơn người dân Romania và Slovakia đã giúp đỡ họ. Còn một người mẹ khác là Anna đã nói với tôi rằng, “không có ranh giới nào giữa những con tim chúng ta“.


    Ảnh: Phu Nhân Biden và Phu Nhân Zelenska (trên) cùng với mẹ con một người tị nạn Ukraine. Nguồn: AP 

    Những người lính biên phòng đã kể cho tôi nghe những câu chuyện về hàng ngàn người mang theo chút ít hành lý băng vào Slovakia. Một biển người tuyệt vọng, những người mà cuộc sống của họ đã vĩnh viễn bị đổi thay vào ngày 24 tháng 2, cái ngày mà Nga đi xa hơn trong một cuộc chiến xâm lược phi nghĩa đã bắt đầu từ nhiều năm trước.

    Trong cái lạnh của tháng Hai, nhiều người đến bằng chân không, vượt bộ nhiều dặm đường. Họ chạy trốn trong cơn sợ hãi, mang theo khát khao có thể được trở về nhà. Một cậu bé 11 tuổi đã tự mình đến với số điện thoại liên lạc gia đình được ghi vào tay. Rồi có cả những chú chó, mèo cũng chạy giặc cùng với chủ. Những người lính bảo tôi: “Chúng tôi chưa chuẩn bị cho những điều như vậy”.

    Olena Zelenska, phu nhân của Tổng thống Ukraine, đã rời nơi trú ẩn và các con để đến thăm tôi và kêu gọi sự giúp đỡ cho người dân quê hương cô. Cô ta không cầu xin thực phẩm, áo quần hay vũ khí. Cô ấy xin tôi giúp cô lo cho sự đau khổ của tất cả những người đang bị ảnh hưởng từ cuộc chiến vô nghĩa và bạo tàn của Vladimir Putin.

    Cô ấy kể cho tôi nghe về những vụ hãm hiếp phụ nữ và trẻ em. Nhiều trẻ em đã chứng kiến ​​cảnh người ta bị bắn và sát hại, nhà mình bị đốt cháy. Cô nói với tôi: “Tôi muốn mau trở về nhà, tôi chỉ muốn nắm tay các con“.

    Chúng tôi đã chúc lành nhau trong ngày lễ Mẹ. Tôi bảo với cô ta rằng tôi đang có mặt ngay tại Ukraine để những bà mẹ Ukraine thấy rằng chúng ta đang ở cùng họ và tôi đang mang theo những con tim của người dân Mỹ trong người. “Xin cảm ơn. Người dân Ukraine rất biết ơn sự trợ giúp của người dân Mỹ”, Zelenska trả lời.

    Kahlil Gibran đã từng viết rằng: “Nỗi sầu càng đậm, niềm vui càng đầy“. Sự hy vọng của tôi là điều này đúng với những bà mẹ mà tôi đã gặp. Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra một khi cuộc chiến này chấm dứt.

    Ông Putin, xin hãy chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa và tàn bạo này.

    https://baotiengdan.com/2022/05/12


    Không có nhận xét nào