Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ năm 19 tháng 5 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Nhật và Mỹ chuẩn bị tuyên bố nhằm ‘răn đe’ Trung Quốc 

    17/05/2022 

    Quốc kỳ Mỹ và Nhật.

    Quốc kỳ Mỹ và Nhật. 

    Nhật Bản và Hoa Kỳ vừa bắt đầu chuẩn bị một tuyên bố hứa hẹn hai nước sẽ hợp tác để “răn đe” và đáp trả Trung Quốc, Reuters dẫn tin từ hãng tin Nikkei loan báo hôm 17/5.

    Hãng tin Nhật cho biết một tuyên bố đang được chuẩn bị trước hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Thủ tướng Nhật Fumio Kishida dự kiến diễn ra vào ngày 23/5.

    Chiến sự kết thúc ở Mariupol, lính Ukraina ở Azovstal đầu hàng

    Đăng ngày: 19/5/2022 

    Bộ Quốc Phòng Nga cung cấp hình ảnh về lính Ukraina ở nàh máy Azovstal, Mariupol, hạ vũ khí đầu hàng. 18/05/2022. AP 

    Bộ Quốc Phòng Nga cho biết, hôm 18/05, tổng cộng 959 lính Ukraina, bao gồm 80 người bị thương đã hạ vũ khí đầu hàng, rời khỏi nhà máy Azovstal. Ukraina chưa đưa thêm thông tin về tình hình cụ thể tại Azovstal nhưng bày tỏ mong muốn trao trả tù binh. 

    Bẩy xe buýt được huy động để chở lính Ukraina đến Olenivka ở gần vùng Donetsk do Nga kiểm soát. Những người bị thương sẽ được điều trị. Tuy nhiên, chỉ huy và nhiều sĩ quan cấp cao Ukraina vẫn cố thủ dưới nhà máy, theo thông tin từ một kênh truyền thông địa phương thân Nga. Trước đó, ngày 16/05, chỉ huy trưởng của trung đoàn Azov Denis Prokopenko cho biết đã hoàn thành nhiệm vụ :  

    “Có lẽ chiến tranh là nghệ thuật chứ không phải khoa học. Khi chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao và cứu được nhiều người nhất có thể, đó chính là nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên của chỉ huy một trung đoàn. Và nhất là quyết định này được chấp thuận bởi cơ quan quân sự cấp cao nhất. Vinh quang thay Ukraina !”   

    Chính quyền Ukraina chưa xác nhận thông tin về số lính Ukraina vẫn cố thủ dưới nhà máy. Ukraina bày tỏ mong muốn trao đổi tù binh nhưng Nga đe doạ sẽ đưa một số lính Ukraina ra xét xử vì tội ác chiến tranh. Theo chuyên gia phân tích về chiến lược quân sự, ông Phillips O'Brien, tại ĐH University of St. Andrew, việc lính Ukraina đầu hàng chỉ mang tính biểu tượng chứ không thay đổi cục diện chiến tranh giữa hai bên, hay sự kháng cự của Ukraina, vì lính Nga đã tuyên bố chiếm được Mariupol từ vài tuần trước. Ông cho biết thêm :

    “Quân đội Ukraina có chiến lược rõ ràng là buộc quân Nga chiến đấu ở trong các thành phố. Trong chiến dịch đầu tiên, họ đã thành công làm được điều này ở Sumy, Chernihiv và Kharkov. Ukraina tuyên bố với Nga rằng: “ được thôi, nếu thực sự muốn chiến đấu thì hãy vào thành phố”. Mariupol là thành phố quan trọng mà Nga phải chiếm được. Tôi cho rằng đây là một chiến lược rõ ràng của Ukraina.

    Hiện tại, lực lượng Ukraina đã không thể làm thêm gì được nữa. Đó là một cách khôn ngoan để nói với dân Ukraina rằng : “chúng tôi đã cố hết sức để đưa binh lính ra ngoài. Chúng tôi không bỏ rơi binh lính của mình và cố gắng giữ an toàn cho họ.” Nếu những binh lính này ra ngoài đầu hàng và còn sống, đúng là không rõ là họ thực sự đi đâu và số phận của họ ra sao. Nhưng nếu cuối cùng họ được trao trả cho Ukraina, tôi cho rằng đây là một chiến thắng lớn về mặt tuyên truyền của Ukraina.”  

    Các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn tại chiến tuyến miền đông Ukraina. Quân đội Nga cho biết đã tấn công ít nhất 400 cơ sở quân sự của Ukraina, bắn hạ nhiều chiến đấu cơ Su-24, kho vũ khí và hệ thống phòng không S-300 của Ukraina và một số vũ khí của Mỹ cung cấp. Về phần mình, tổng thống Ukraina Zelensky cho biết Nga đã bắn 2000 tên lửa vào Ukraina kể từ đầu cuộc chiến, tuy nhiên quân đội Ukraina sẽ tiếp tục “giành lại từng mảnh đất” bị Nga chiếm đóng.  

    Kháng quân Myanmar kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí 

    17/5/2022 

    Reuters 

    Người biểu tình ủng hộ Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) ở Myanmar.

    Người biểu tình ủng hộ Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) ở Myanmar. 

    Chỉ huy quốc phòng của chính phủ kháng chiến Myanmar kêu gọi quốc tế giúp trang bị vũ khí cho lực lượng kháng chiến của họ để họ chống lại quân đội cầm quyền, yêu cầu được hỗ trợ tương tự như những hỗ trợ cho người Ukraine đang chiến đấu chống quân xâm lược Nga, theo Reuters.

    Trong một văn bản viết tay gửi cho Reuters, ông Yee Mon, Bộ trưởng Quốc phòng của Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG), cho biết: “Lập trường của cộng đồng quốc tế đối với Myanmar là sự ủng hộ về mặt tinh thần đối với chúng tôi và chúng tôi biết ơn điều đó. Chúng tôi sẽ biết ơn nhiều hơn nếu nhận được sự hỗ trợ vật chất như vũ khí và tài trợ”.

    “Với sự hỗ trợ đó, cuộc cách mạng của chúng tôi sẽ có thể sớm giành thắng lợi hơn, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản”.

    Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính vào đầu năm ngoái và Liên hợp quốc cho biết hơn 560.000 người đã thất tán vì chiến tranh.

    NUG, một liên minh của các nhóm kháng chiến, đã tuyên bố một “cuộc tấn công của nhân dân” ở vùng nông thôn vào năm ngoái nhằm ngăn chặn quân đội củng cố quyền lực sau cuộc đàn áp kéo dài nhiều tháng đối với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ. Chính quyền quân quản Myanmar tuyên bố NUG là “những kẻ khủng bố”.

    Lực lượng dân quân chủ yếu được trang bị vũ khí nhẹ, sử dụng súng trường thô sơ và chất nổ tự chế để chống lại quân đội Myanmar được trang bị tốt hơn.

    Mỹ cảnh báo về khả năng Triều Tiên thử hạt nhân hoặc tên lửa trong chuyến đi châu Á của TT Biden 

    19/5/2022 

    Reuters 

    President Joe Biden speaks in the Rose Garden of the White House in Washington, May 17, 2022.

    President Joe Biden speaks in the Rose Garden of the White House in Washington, May 17, 2022. 

    Tình báo Hoa Kỳ cho thấy Triều Tiên có thể thử hạt nhân , hoặc thử tên lửa tầm xa, hoặc cả hai, trước, trong hoặc sau chuyến công du của Tổng thống Joe Biden tới Hàn Quốc và Nhật Bản bắt đầu trong tuần này, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan, cho biết hôm 18/5, theo Reuters.

    Nhà Trắng cho biết ông Biden sẽ không đến thăm Khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên trong chuyến thăm Hàn Quốc, bắt đầu vào ngày 20/5. Tuần trước ông cho biết đang cân nhắc một chuyến thăm khu DMZ.

    Ông Sullivan nói trong một cuộc họp ngắn của Nhà Trắng: “Thông tin tình báo của chúng tôi phản ánh khả năng xác thực rằng sẽ có một vụ thử tên lửa nữa, bao gồm thử tên lửa tầm xa, hoặc thử hạt nhân, hoặc là cả hai, trong những ngày trước, sau hoặc sau chuyến công du của tổng thống tới khu vực”.

    Ông nói: “Chúng tôi đang chuẩn bị cho tất cả các trường hợp”.

    Ông Sullivan cho biết Hoa Kỳ đang phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc và Nhật Bản và ông cũng đã thảo luận về vấn đề Triều Tiên với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì trong một cuộc điện đàm hôm 18/5.

    Chuyến công du từ ngày 20-24/5 của ông Biden sẽ là chuyến đi đầu tiên của ông đến châu Á trên cương vị tổng thống. Nghị trình sẽ bao gồm hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của ông với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người vừa nhậm chức vào ngày 10/5 và đã cam kết một đường lối cứng rắn hơn chống lại “các hành động khiêu khích” của Triều Tiên.

    Ông Sullivan cho biết Hoa Kỳ đã sẵn sàng thực hiện cả những điều chỉnh ngắn hạn và dài hạn đối với thế trận quân sự của mình khi cần thiết “để đảm bảo rằng chúng tôi đang cung cấp cả khả năng phòng thủ và răn đe cho các đồng minh của chúng tôi trong khu vực và rằng chúng tôi đang đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích nào của Triều Tiên ”. 

    Trước đó, các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết Triều Tiên dường như đang chuẩn bị thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trước chuyến đi của ông Biden tới Hàn Quốc, ngay cả khi nước này đang đối mặt với một đợt bùng phát COVID-19 lớn.

    Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo cho biết một cuộc thử nghiệm như vậy dường như sắp xảy ra và một quan chức Hoa Kỳ cho biết nó có thể xảy ra ngay vào ngày 19/5 hoặc 20/5.

    Covid-19 tăng lại, một phần ba dân Mỹ phải mang khẩu trang

    18 tháng 5, 2022

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1393876173.jpg

    Trong một cuộc họp báo vào cuối tháng Tư, bác sĩ Ashish Jha, điều phối viên Covid-19 của Tòa Bạch Ốc cảnh báo hiện Hoa Kỳ bị tụt lại sau các nước khác trong việc bảo đảm nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 thế hệ mới Ảnh Anna Moneymaker/Getty Images 

    Một phần ba số người Mỹ đang sống trong các cộng đồng có sự gia tăng các ca nhiễm coronavirus và số trường hợp nhập viện, bác sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng dịch (CDC), cảnh báo hôm thứ Tư 18 tháng Năm 2022. CDC cũng đồng thời kêu gọi họ tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân, bao gồm cả việc đeo khẩu trang, truyền thông Mỹ cho biết.

    Cảnh báo của bà Walensky hai quan chức y tế cao cấp khác – ông Ashish Jha, điều phối viên về Covid-19  của Tòa Bạch Ốc, và tiến sĩ Anthony S. Fauci, cố vấn y tế chính của Tổng thống Biden – đưa ra vào ngày mà Hoa Kỳ vượt qua cột mốc nghiệt ngã với 1 triệu người chết vì Covid-19, một con số mà vào thời điểm bắt đầu đại dịch năm 2020 ngay cả những dự đoán bi quan nhất cũng không lường trước được.

    Bà Walensky cho biết mức trung bình hàng ngày trong bảy ngày của các ca nhiễm mới đã tăng lên khoảng 94,000 ca, tăng 26% so với mức trung bình tuần trước và tăng ba lần trong tháng qua. Số người vào bệnh viện điều cũng bắt đầu tăng lên, tăng khoảng 19% so với tuần trước, lên khoảng 3,000 người mỗi ngày và tử vong bình quân khoảng 275 người mỗi ngày. Tuy nhiên, số trường hợp nhiễm bệnh ghi nhận được chắc chắn là quá thấp so với thực tế bởi vì hiện nay người dân tự xét nghiệm ở nhà và kết quả dương tính thường không được báo cáo cho các cơ quan y tế.

    Sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 cũng xảy ra khi cả nước sắp bước vào đợt nghỉ cuối tuần dài, nhân ngày lễ Memorial Day, thường có các cuộc tụ họp và đi du lịch.

    Bà Giám đốc CDC kêu gọi những người sống trong các cộng đồng được xếp loại màu vàng hoặc da cam – tức là nơi có số lượng lớn các ca nhiễm trùng mới và nhập viện, tập trung ở vùng Đông Bắc và vùng Trung Tây – nên cân nhắc việc đeo khẩu trang ở các không gian công cộng và thực hiện các bước khác để bảo vệ bản thân. “Vì chúng tôi đang chứng kiến ​​sự gia tăng các ca bệnh ở các vùng của đất nước, chúng tôi khuyến khích mọi người sử dụng các công cụ hiện có để ngăn ngừa nhiễm trùng và bệnh nặng thêm, bao gồm mang khẩu trang, đi xét nghiệm, đi tiêm ngừa mũi tăng cường và tiếp cận các phương pháp điều trị sớm nếu bị nhiễm bệnh,” bà nói.

    Tuy cho rằng tình hình hiện tại không nghiêm trọng hơn mùa đông vừa qua, các quan chức chính phủ vẫn cảnh báo đất nước sẽ không chuẩn bị đối phó hiệu quả với Covid-19 trong những tháng tới nếu Quốc hội không sớm chi hàng tỷ đô la để mua thuốc kháng virus, vaccine và dụng cụ xét nghiệm.

    Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AP vào tuần trước, bác sĩ Ashish Jha nói rằng nếu Quốc Hội không cấp ngân sách mới để mua vaccine và thuốc điều trị thì có thể sẽ có “những cái chết không cần thiết” trong mùa thu và mùa đông năm nay. Ông Jha cho biết thêm rằng hiện Hoa Kỳ bị tụt lại sau các nước khác trong việc bảo đảm nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 thế hệ mới và các công ty sản xuất bộ xét nghiệm trong nước đã ngừng hoạt động do nhu cầu sút giảm.

    Tháng trước, chính quyền Biden đã yêu cầu Quốc Hội chuẩn chi $22.5 tỷ cho công cuộc phòng chống Covid-19 nhưng các nghị sĩ của hai đảng không thỏa thuận được với nhau nên chưa có khoản ngân sách nào được phê chuẩn.

    Về đâu số phận tù binh Ukraine ở Mariupol?


    Hiếu Chân
    18 tháng 5, 2022

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1240720743.jpg

    Lính Nga (quân phục xanh) xét các binh sĩ và thương binh Ukarine ra đầu hàng tại nhà máy thép Azovstal hôm qua 16 t7 tháng Năm. Bộ QP Ukraine nói có 264 binh sĩ được di tản trong đó có 53 người bị thương nặng; phía Nga hôm nay cho biết con số tù binh ra hàng đã lên đến gần 1,000 người. Ảnh trích từ video của Bộ QP Nga. Photo by Russian Defense Ministry/Handout/Anadolu Agency via Getty Images 

    Moscow cho biết gần 700 binh sĩ Ukraine đã đầu hàng ở Mariupol, đã được đưa về các bệnh viện hoặc nhà tù trong những thành phố do Nga kiểm soát, nhưng không xác nhận những tù binh chiến tranh này có được trao đổi với phía Ukraine hay không. Số phận của họ như thế nào vẫn chưa biết được.

    Tại sao phải đầu hàng?

    Như tin đã đưa, Bộ Quốc phòng Ukraine đã ra lệnh cho các lực lượng phòng thủ bên trong nhà máy thép khổng lồ Azovstal ở Mariupol ngừng chiến đấu và di tản – thực tế là đầu hàng quân Nga – nhưng truyền thông quốc tế cho biết kết quả cuối cùng của trận chiến đẫm máu nhất châu Âu trong nhiều thập kỷ vẫn chưa được rõ ràng. Theo Denis Pushilin, thủ lĩnh cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk ly khai và thân Nga đang kiểm soát khu vực, các chỉ huy hàng đầu của các lực lượng Ukraine phòng thủ vẫn còn ở bên trong nhà máy Azovstal, hãng tin địa phương DNA của Donetsk cho biết hôm thứ Tư 18 tháng Năm.

    Các quan chức cao cấp Ukraine từ chối bình luận công khai về số phận của các chiến binh. Người phát ngôn của quân đội Ukraine Oleksandr Motuzaynik nói trong một cuộc họp báo: “Chính phủ đang nỗ lực tối đa để thực hiện việc giải cứu các nhân viên. Bất kỳ thông tin nào cho công chúng đều có thể gây nguy hiểm cho quá trình đó.” Trong bài phát biểu qua video trong đêm thứ Tư, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói ông đã ký một sắc lệnh cung cấp “sự bảo vệ và hỗ trợ của nhà nước” cho các tù binh và thành viên gia đình họ ở Crimea và các khu vực bị Nga chiếm đóng ở vùng Donbass.

    Trước đó, hôm thứ Ba, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ có thể cứu sống những người của chúng tôi. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Ukraine cần những anh hùng Ukraine còn sống,” 

    Ukraine xác nhận hơn 250 chiến binh đã đầu hàng vào hôm thứ Ba nhưng không cho biết thêm còn bao nhiêu binh sĩ ở bên trong nhà máy. Các quan chức Ukraine cho biết, lệnh đầu hành ban ra vào tối thứ Hai là cách thức duy nhất để tránh cho các lực lượng phòng thủ bị tiêu diệt hoàn toàn trong hoàn cảnh bị bao vây kéo dài, không có tiếp viện và đó là bước mở đầu cho một cuộc trao đổi tù binh giữa Ukraine và Nga.

    Hôm thứ Tư, phía Nga cho biết có thêm 694 binh sĩ Ukraine đã đầu hàng, nâng tổng số lên 959 người. Bộ Quốc phòng nước này đã đăng video về những gì họ nói là các thương binh Ukraine đang được điều trị tại bệnh viện sau khi đầu hàng và rời khỏi nhà máy Azovstal.

    Thị trưởng thành phố Mariupol Vadym Boichenko nói đích thân Tổng thống Zelenskiy, Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế và Liên Hiệp Quốc đã tham gia vào các cuộc đàm phán dẫn tới vụ đầu hàng của các chiến binh Nga, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1240718364.jpg

    Nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, nơi diễn ra trận chiến đẫm máu nhất châu Âu trong mấy chục năm nay. Ảnh chụp hôm 15 tháng Năm 2022 của Victor/Xinhua via Getty Images. 

    Tù binh hay tội phạm chiến tranh?

    Tuy nhiên từ Moscow không có thông tin nào về thỏa thuận trao đổi tù binh mà đến hôm nay thứ Tư đã có những dấu hiệu cho thấy Kremlin có ý định sử dụng tù binh Ukraine vào các mục đích khác.

    Trong số binh sĩ Ukraine đầu hàng có nhiều thành viên của Trung đoàn Azov thiện chiến, một lực lượng hiện thuộc biên chế của Bộ Quốc phòng Ukraine, nhưng trước đây là một đơn vị quân sự tự phát, cực hữu có chủ trương kỳ thị chủng tộc, chống lại sự chiếm đóng của Nga và các phần tử người Nga ly khai ở vùng Donbass. Phía Nga nói trong số 959 binh sĩ đầu hàng có tới 800 thành viên của Trung đoàn Azov. Ông Vladimir Putin đã khai thác sự sáp nhập Trung đoàn Azov vào quân đội Ukraine như là cái cớ để cáo buộc chính phủ Kyiv theo chủ nghĩa phát-xít và biện minh cho hành động xâm lược của Nga.   

    Tòa án Tối cao của Nga hôm nay cho biết tòa sẽ mở phiên họp trong tuần tới để tuyên bố Trung đoàn Azov là “tổ chức khủng bố”, tạo căn cứ pháp lý để Moscow tước bỏ tư cách tù binh của các chiến binh Ukraine. Chủ tịch Hạ Viện Nga Vyacheslav Volodin làm phức tạp thêm tình hình bằng tuyên bố các đại biểu Hạ Viện Nga đang xem xét thông qua một đạo luật “cấm trao đổi các tội phạm phát xít”.

    Theo The New York Times, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria V. Zakharova nói các chiến binh Azov đã phạm tội ác chiến tranh bằng việc sử dụng nhà trẻ và bệnh viện làm nơi cất giữ vũ khí, đạn dược và dùng thường dân làm lá chắn sống – những cáo buộc mà phương Tây tố cáo binh lính Nga ở các vùng tạm chiếm của Ukraine. Bà Zakharova nói phía Nga đã nhiều lần gửi tối hậu thư khuyến khích lực lượng Ukraine ở nhà máy thép Azovstal ra đầu hàng nhưng đổ lỗi cho chính phủ Ukraine ngăn cản hành động đầu hàng đó. Bà cũng cho biết bà không có thông tin gì về thỏa thuận trao đổi tù binh giữa hai nước.

    Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International – AI) cho rằng những binh lính Ukraine ra đầu hàng ở Mariupol và hiện bị Nga giam giữ là những tù binh thật sự, đáp ứng các điều kiện để được coi là tù binh chiến tranh theo Công ước Geneva, phải được chữa bệnh, cung cấp thực phẩm, chỗ ở, được Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế thăm viếng, được trao đổi mà không phải trải qua xét xử. Lãnh đạo AI thúc giục Nga tôn trọng quyền lợi của tù binh và phê phán truyền thông Nga đã “bôi nhọ họ” khi gán cho họ cái nhãn “tân phát-xít”, từ đó “gây lo ngại nghiêm trọng về số phận của họ với tư cách tù binh chiến tranh”.

    Hành vi của Nga đối xử với các tù binh như tội phạm chiến tranh diễn ra cùng lúc với sự kiện một binh sĩ Nga 21 tuổi nhận tội trước một tòa án ở Kyiv rằng anh ta đã vô cớ bắn chết một thường dân Ukraine 62 tuổi đang đi xe đạp – một hành vi có thể được coi là tội phạm chiến tranh.

    ***

    Mariupol là thành phố lớn nhất mà Nga chiếm được cho đến nay và điều đó mang lại cho Tổng thống Nga Vladimir Putin một chiến thắng hiếm hoi trong cuộc xâm lược kéo dài gần ba tháng, từ ngày 24 tháng Hai. Việc chiếm được Mariupol, cảng chính của Donbass, cũng đã trao cho Moscow toàn quyền kiểm soát Biển Azov và một vùng lãnh thổ không bị gián đoạn trên khắp miền đông và nam của Ukraine, nối lãnh thổ Nga với bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập năm 2014 bằng một hành lang đường bộ.

    Tại các vùng lãnh thổ mà Nga chiếm được, cuộc kháng chiến của người Ukraine vẫn tiếp tục. Tại thành phố Melitopol, miền nam Ukraine, Ukraine cho biết chiến binh của họ đã làm nổ tung một đoàn tàu bọc thép chở quân Nga. Reuters không thể xác minh thông tin này một cách độc lập. Bộ Quốc phòng Nga đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

    Luật cấm vận Nga của Mỹ được tuân thủ như thế nào?

    Lương Thái Sỹ
    18 tháng 5, 2022

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1238848314.jpg

    Nga đang thiếu chip nghiêm trọng, đặc biệt cho thiết bị quân sự (ảnh: Lino Mirgeler/picture alliance via Getty Images) 

    Những con số biết nói

    Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc sang Nga trong Tháng Ba đã giảm mạnh sau khi các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu có hiệu lực. Bà gọi đó là “Dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh không sẵn sàng vi phạm các lệnh cấm thương mại”. Trích dẫn số liệu xuất khẩu Trung Quốc có sẵn gần đây nhất, bà nói: “Cụ thể, lượng máy tính xách tay của Trung Quốc sang Nga giảm 40% so với Tháng Hai, trong khi xuất khẩu điện thoại thông minh giảm 2/3. Xuất khẩu thiết bị mạng viễn thông giảm 98%”.

    Đối với các nhà hoạch định chính sách phương Tây, một câu hỏi được lặp đi lặp lại: Liệu Trung Quốc có sẵn sàng giúp Nga chống lại sự trừng phạt không? Các số liệu thương mại quốc tế của Trung Quốc, được tờ The Wall Street Journal tiết lộ mới đây cũng cho thấy Bắc Kinh dù miễn cưỡng, vẫn không dám phá vỡ các lệnh cấm, có lẽ do sợ sự trả đũa của Mỹ, mà quan trọng nhất là hạn chế bán các công nghệ cần thiết cho các công ty Trung Quốc. Mỹ và phương Tây buộc các công ty trên toàn thế giới đang sử dụng thiết bị hoặc phần mềm do Mỹ sản xuất để chế tạo chip máy tính phải tuân thủ tuyệt đối lệnh cấm.

    Theo các nhà phân tích thị trường, hầu hết các nhà máy sản xuất chip trên khắp thế giới, cả tại Trung Quốc, đều sử dụng phần mềm hoặc thiết bị do Mỹ thiết kế. “Một câu hỏi thường đặt ra là các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã ban hành có được thực thi nghiêm túc không? Tôi nghĩ câu trả lời là có – Raimondo nói – Họ chọn thực thi vì đứng sau lệnh cấm là một liên minh mạnh mẽ các quốc gia trên thế giới”. Raimondo nhấn mạnh: “Thống kê cho thấy xuất khẩu sang Nga từ nhiều quốc gia khác nhau đã giảm mạnh. Các mặt hàng của Mỹ trong các danh mục công nghệ bị kiểm soát xuất khẩu đã giảm 86%.

    Washington Post cho biết, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Nga giảm 62%, của Phần Lan giảm 60%. Mỹ và nhóm 37 quốc gia đã đưa ra nhiều hạn chế thương mại để làm tê liệt nền kinh tế quân sự và công nghệ cao của Nga sau khi Putin xua quân xâm lược Ukraine, trong đó có cấm bán chip máy tính, thiết bị viễn thông, laser, điện tử hàng không và công nghệ hàng hải cho nhiều khách hàng Nga. Ngành công nghiệp chip máy tính đã ngừng giao hàng cho Nga. Có những dấu hiệu cho thấy lệnh cấm vận bắt đầu làm suy yếu khả năng của Nga trong việc sản xuất một số thiết bị quân sự do thiếu linh kiện.

    Tuần trước, trong cuộc điều trần trước một ủy ban của Thượng viện Mỹ, bà Raimondo cho biết các quan chức Ukraine nói đã tìm thấy chip máy tính dành cho các thiết bị gia đình khí tài quân sự Nga, kiểu “không có chó bắt mèo ăn cứt!”. Sau đó, người phát ngôn của Raimondo nói rõ thêm là các chip “tạm bợ” này được tìm thấy trong xe tăng! Douglas Fuller, một chuyên gia về chất bán dẫn tại Đại học Thành phố Hong Kong, nói: “Một số chip trong thiết bị gia đình cũng được sử dụng để điều khiển các chức năng khác nhau trong xe hơi và phương tiện cơ giới. Vì xe tăng về cơ bản là xe hơi bọc thép nên các chip này cũng có thể dùng điều khiển các chức năng tương tự, như như phanh và lái”.

    Phản ứng tích cực với lệnh cấm vận

    Các lệnh cấm xuất khẩu không buộc ngưng bán các mặt hàng tiêu dùng như điện thoại thông minh và máy tính xách tay sang Nga. Tuy nhiên, các nhà theo dõi xuất khẩu cho biết, để “chắc ăn”, một số công ty vẫn ngừng xuất hàng điện tử sang Nga, dù nó không vi phạm quy định cấm vận. Kevin Wolf, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Thương mại, hiện là đối tác của Akin Gump Strauss Hauer & Feld, khẳng định sự đề phòng “quá đà” này là có thực.

    Sự tích cực của các công ty hiện nay khác với lúc Mỹ cấm xuất khẩu công nghệ cho Huawei, công ty khổng lồ viễn thông Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia, khi các nhà sản xuất chip máy tính và các công ty khác yêu cầu luật sư của họ nghiên cứu kỹ lệnh cấm để tìm xem loại hàng nào vẫn được phép bán cho Huawei. Wolf giải thích: “Rõ ràng, xâm lược nước ngoài và giết người có tác động lớn đến quyết định của các công ty hơn là mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Sự tuân thủ nhanh và nhiều hơn cả danh sách cấm vận đã chứng minh điều này”.

    Một loạt công ty công nghệ lớn ở Mỹ, Hàn Quốc, thậm chí cả Trung Quốc cho biết sẽ ngừng bán sản phẩm hoặc tạm ngừng kinh doanh tại Nga. Tháng Tư qua, DJI, công ty sản xuất máy bay không người lái thương mại lớn nhất thế giới của Trung Quốc đã dừng hoạt động ở Ukraine và Nga. Đây là công ty lớn đầu tiên của Trung Quốc công khai rời bỏ thị trường Nga dù chính phủ Trung Quốc không chịu lên án cuộc xâm lược của Nga. Vào Tháng Ba, Apple cho biết đã tạm dừng bán sản phẩm tại Nga.

    Vài ngày sau, Samsung cũng ngưng bán điện thoại thông minh, chip máy tính và các mặt hàng điện tử khác. Apple, Samsung và Xiaomi là ba công ty điện thoại thông minh đạt doanh thu cao nhất ở Nga trong Quý I/2022, theo số liệu mới nhất của ​​International Data Corp. Nhưng Nabila Popal, Giám đốc nghiên cứu thị trường thiết bị toàn cầu tại IDC, lưu ý: “Ngay cả khi một số công ty công nghệ không bán hàng trực tiếp ở Nga nữa, sản phẩm của họ vẫn có sẵn trên thị trường chợ đen từ nhiều con đường khác nhau”.

    Dow Jones giảm 1,100 điểm khi lợi nhuận của các nhà bán lẻ sụt giảm do lạm phát mạnh 

    Jack Phillips

    Thứ năm, 19/05/2022

    https://etviet.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1388592608-700x420-1.jpg

    Các nhà giao dịch làm việc trên sàn của Sở Giao dịch Chứng khoán New York ở Thành phố New York hôm 30/03/2022. (Ảnh: Michael M. Santiago/Getty Images) 

    Chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones đã giảm 1,164 điểm vào giữa ngày thứ Tư (18/05) trong bối cảnh có những lo ngại về lạm phát và suy thoái kinh tế sắp diễn ra. 

    Cổ phiếu của tập đoàn bán lẻ Target giảm sau khi tập đoàn này tiết lộ rằng chi phí cao hơn do lạm phát gây ra sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ trong những tháng còn lại của năm nay. Một ngày trước đó, Walmart đã phát hành một báo cáo lợi nhuận tương tự mà họ cũng đổ lỗi là do lạm phát. 

    Hôm thứ Tư (18/05), các nhà bán lẻ đã chứng kiến ​​một số khoản lỗ lớn nhất: Target giảm hơn 27%, Walmart giảm 7%, Dollar Tree giảm khoảng 16%, cổ phiếu Dollar General giảm hơn 11%, Amazon giảm gần 7%, Best Buy giảm gần như 12%, Home Depot giảm 6%, Kroger giảm 6%, và Lowe’s cũng giảm khoảng 6%. 

    Đặc biệt, Target đã chứng kiến ​​sự sụt giảm tỷ lệ phần trăm cổ phiếu lớn nhất hôm thứ Tư (18/05) kể từ khi cổ phiếu của họ giảm mạnh gần 33% vào ngày 19/10/1987, còn được gọi là sự cố “Thứ Hai Đen Tối”. 

    Các công ty công nghệ như Microsoft, Alphabet Inc., Meta Platforms, Apple Inc. và Tesla đã giảm từ 3% đến 6% sau khi dẫn đầu phục hồi trong phiên giao dịch trước đó. 

    Lạm phát gia tăng, cuộc xung đột ở Ukraine, các nút thắt chuỗi cung ứng kéo dài, các đợt phong tỏa liên quan đến đại dịch do Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện vì theo đuổi chính sách “zero COVID” và triển vọng về chính sách tích cực thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương đã đè nặng lên thị trường gần đây, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. 

    Tính đến nay, chỉ số S&P 500 đã giảm 16.8% trong năm 2022 và Nasdaq đã giảm hơn 26%, do bị các cổ phiếu tăng trưởng ảnh hưởng. Định giá cổ phiếu được đo bằng tỷ lệ giá trên thu nhập tương lai (chỉ số P/E) đã giảm mạnh trong những tuần gần đây và điều đó đã làm tăng sức hấp dẫn của cổ phiếu đối với một số nhà đầu tư. 

    Trong tuần này (16-22/05), Liên Hiệp Quốc cho biết họ đang điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 4% xuống 3.1%, khi nói rằng điều này sẽ tác động đến các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, và Trung Quốc. 

    Trong khi đó, các nhà đầu tư và thậm chí một số giám đốc điều hành đã bày tỏ lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể gây ra một cuộc suy thoái nếu cơ quan này tăng lãi suất quá cao hoặc quá nhanh để kiềm chế lạm phát, vốn đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua. 

    Giám đốc điều hành Wells Fargo Charles Scharf cho biết trong một sự kiện của Wall Street Journal hôm thứ Ba (17/05) rằng, “Sẽ khó tránh khỏi một kiểu suy thoái nào đó,” mặc dù ông nhấn mạnh rằng ông tin suy thoái sẽ nhẹ và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Ông giải thích, “Hy vọng là thực tế rằng tất cả mọi người đều rất mạnh mẽ khi lâm vào tình huống này sẽ tạo ra một bước đệm để khi bất kỳ cuộc suy thoái nào xảy ra, nếu có, thì sẽ đều ngắn và không sâu như vậy.” 

    Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong các cuộc phỏng vấn gần đây rằng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất cao đến mức cần thiết để bù đắp việc tăng giá. Các số liệu công bố hồi tháng 04/2022 cho thấy lạm phát hàng năm đã tăng 8.3%. 

    Trình bày với Marketplace, ông Powell cho biết áp lực lạm phát là do các vấn đề về chuỗi cung ứng gây ra, chứ không phải do nhu cầu. 

    “Điều này sẽ rất khó khăn, không dễ dàng. Không ai ở đây nghĩ rằng sẽ dễ dàng. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng vẫn có những giải pháp … để chúng ta đạt được điều đó,” ông Powell nói hồi tuần trước. “Câu hỏi về việc chúng ta có thể thực hiện một cú ‘hạ cánh mềm’ hay không, thì thực ra lại có thể thực sự phụ thuộc vào các yếu tố mà chúng ta không kiểm soát được.” 

    Bản tin có sự đóng góp của Reuters
    Nhật Thăng biên dịch

    Nga trục xuất 85 nhà ngoại giao Pháp, Tây Ban Nha, Ý

    Lam Giang

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/05/ntdvn_1-149.jpeg

    Cờ Liên hiệp châu Âu (EU) và cờ Ukraine bên ngoài Nghị viện châu Âu tại Brussels, Bỉ, ngày 28/2/2022. (Ảnh: François Walschaerts/Getty Images) 

    Nga cho biết hôm 18/5 rằng họ đã trục xuất tổng cộng 85 nhân viên đại sứ quán của Pháp, Tây Ban Nha và Ý để đáp trả hành động tương tự của những nước này, nêu rõ những thiệt hại trong quan hệ với các thành viên hàng đầu của EU kể từ khi họ xua quân vào xâm lăng Ukraine.

    Bộ Ngoại giao Nga cho biết, cụ thể có 34 nhân viên ngoại giao của Pháp, 27 nhân viên của Tây Ban Nha và 24 nhân viên của Ý bị trục xuất.

    Ba quốc gia này nằm trong số các quốc gia châu Âu đã trục xuất hơn 300 nhân viên ngoại giao Nga kể từ cuộc xâm lược ngày 24/2. Họ cáo buộc nhiều nhà ngoại giao Nga trong số này là gián điệp, điều mà Moscow bác bỏ.

    Tháng trước, Nga cũng trục xuất 45 nhân viên của Ba Lan và 40 công dân Đức về nước. Moscow cũng đã công bố các động thái ăn miếng trả miếng chống lại Phần Lan, Romania, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Nhật Bản và các nước khác.

    Thủ tướng Ý Mario Draghi gọi thông báo hôm 18/5 của Moscow là một “hành động thù địch” và nói rằng không được phép gián đoạn các kênh ngoại giao.

    Ông Draghi nói: “Điều này tuyệt đối không được phép dẫn đến gián đoạn các kênh ngoại giao. Bởi vì thông qua các kênh đó, nếu thành công, chúng ta sẽ đạt đươc hòa bình. Đó chính là điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn”, hãng tin RIA Novosti cho hay.

    Pháp cho biết, họ coi động thái này của Nga là một phản ứng phi lý đối với quyết định của họ hồi tháng 4 là trục xuất “vài chục điệp viên Nga hoạt động trên lãnh thổ của chúng tôi với tư cách ngoại giao và làm việc chống lại các lợi ích an ninh của chúng tôi”, theo Reuters.

    Tây Ban Nha bác bỏ quyết định của Nga là không dựa trên nguyên tắc có đi có lại, viện dẫn “lý do an ninh chính đáng” cho việc trục xuất nhân viên đại sứ quán Nga khỏi Madrid vào tháng trước, “không phải như bây giờ”, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cho biết trong một tuyên bố.

    Ý cho biết các nhân viên của họ luôn hành động theo Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao.

    “Ý lặp lại sự lên án kiên quyết đối với hành động xâm lược Ukraine của Liên bang Nga. Chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu một lệnh ngừng bắn ngay lập tức để chấm dứt mọi đau khổ của người dân và đảm bảo bắt đầu các cuộc đàm phán cụ thể để đạt được một giải pháp chính trị và bền vững cho cuộc xung đột”, Reuters dẫn lời Bộ ngoại giao Ý.

    Nga trả đũa, trục xuất 18 nhà ngoại giao EU

    Reuters đưa tin, ngày 15/4 trục xuất 18 nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) để trả đũa việc Brussels trong tháng tuyên bố 19 người Nga là những nhân vật không được hoan nghênh.

    Hôm 5/4, EU nói 19 nhà ngoại giao Nga đã “tham gia vào các hoạt động trái với quy chế ngoại giao” và yêu cầu họ rời khỏi Bỉ.

    Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã triệu tập đại sứ EU tại Nga, ông Markus Ederer, và trao kháng thư.

    Bộ nói “Phía Nga tuyên bố rằng EU phải chịu trách nhiệm về sự phá hủy nhất quán cấu trúc hợp tác và đối thoại song phương vốn mất nhiều thập niên để hình thành”.

    Các nhà ngoại giao EU phải rời khỏi Nga càng sớm càng tốt, Bộ Ngoại giao Nga nói.

    Phái bộ EU tại Nga cho biết họ lấy làm tiếc về điều mà họ gọi là hành động vô căn cứ. “Quyết định của nhà cầm quyền Nga công bố ngày 15/4 là vô căn cứ và không có gì khác hơn là một bước trả đũa”, phái bộ nói trong một tuyên bố trên Telegram.

    Vẫn theo phái bộ ngoại giao của EU tại Nga, “phương thức hành động mà Nga lựa chọn sẽ làm tăng thêm sự cô lập” của Nga với quốc tế.

    Nga trục xuất các nhà ngoại giao Đan Mạch

    Bộ Ngoại giao Nga hôm 5/5 cho biết họ đã liệt 7 nhân viên của đại sứ quán Đan Mạch ở Moscow là những “cá nhân không được hoan nghênh” nhằm đáp lại một động thái tương tự của Copenhagen vào tháng trước, và Moscow cũng phản đối việc Đan Mạch hỗ trợ quân sự cho Ukraine, theo Reuters.

    Bộ Ngoại giao Nga nói chính sách công khai chống Nga của Đan Mạch đang gây tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ song phương, và Nga có quyền thực hiện các bước bổ sung để đáp trả.

    Bộ Ngoại giao Đan Mạch xác nhận trong một tuyên bố gửi qua email rằng họ đã được thông báo 4 nhà ngoại giao và 3 nhân viên tại đại sứ quán của họ ở Moscow sẽ bị trục xuất.

    “Đó là một quyết định hoàn toàn phi lý và có vấn đề sâu sắc, điều này nhấn mạnh rằng Nga không còn muốn đối thoại và ngoại giao thực sự”, Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod nói.

    Cùng với các nước Liên minh châu Âu khác, Đan Mạch đã trục xuất 15 nhân viên Nga tại đại sứ quán ở Copenhagen một tháng trước, sau khi có báo cáo về việc phát hiện những ngôi mộ tập thể và các vụ giết thường dân ở thị trấn Bucha của Ukraine.

    Ngoại trưởng Kofod hôm 5/5 cho biết 15 nhân viên bị trục xuất là nhân viên tình báo Nga chứ không phải là nhà ngoại giao.

    Moscow nói hành động của Đan Mạch vào tháng trước là “vô lý”, và tuyên bố rằng hình ảnh các thường dân bị hành quyết ở Bucha là sản phẩm nguỵ tạo tuyên truyền của Ukraine và phương Tây nhằm làm mất uy tín của Nga.

    Lam Giang

    Theo Reuters

    TT Biden họp với lãnh đạo Phần Lan, Thụy Điển về việc mở rộng NATO 

    19/5/2022 

    Reuters 

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ gặp các nhà lãnh đạo của Thụy Điển và Phần Lan vào ngày 19/5/2022.

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ gặp các nhà lãnh đạo của Thụy Điển và Phần Lan vào ngày 19/5/2022. 

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ gặp các nhà lãnh đạo của Thụy Điển và Phần Lan vào ngày 19/5 sau khi hai nước này bỏ tư thế trung lập lâu nay để chuyển sang gia nhập liên minh NATO tiếp theo sau việc Nga xua quân xâm lược Ukraine, theo Reuters.

    Vài giờ trước chuyến công du đầu tiên tới châu Á trên cương vị tổng thống, ông Biden sẽ họp với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö tại Nhà Trắng để thảo luận về việc họ muốn gia nhập NATO.

    Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết: “Đây là một sự kiện lịch sử, một thời điểm quan trọng của an ninh châu Âu. Hai quốc gia có truyền thống trung lập lâu đời sẽ gia nhập liên minh phòng thủ mạnh nhất thế giới”.

    Ông Biden coi việc thống nhất châu Âu chống lại sự xâm lược của Nga vào Ukraine là ưu tiên hàng đầu. 

    Cuộc họp diễn ra giữa lúc Tổng thống Biden đang trông chờ Quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận khoản viện trợ 40 tỷ đôla để cung cấp vũ khí và hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine cho đến tháng 9.

    Sri Lanka, lần đầu tiên trong lịch sử, bị vỡ nợ

    Peter Hoskins

    People queue at a fuel station in Colombo, amid the country's economic crisis.

    Nguồn hình ảnh, Reuters

    Sri Lanka đã không đáp ứng được nghĩa vụ thanh toán của mình, lần đầu tiên trong lịch sử nước này, giữa lúc đất nước đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ hơn 70 năm trở lại đây.

    Thời gian ân hạn 30 ngày để hoàn trả khoản nợ lãi 78 triệu USD đã hết vào hôm thứ Tư.

    Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka cho biết nước này hiện trong tình trạng "chủ động vỡ nợ".

    Tình trạng vỡ nợ xảy ra khi chính phủ không thể thực hiện được một số hoặc tất cả các nghĩa vụ thanh toán của mình đối với các chủ nợ.

    Nó có thể gây tổn hại đến danh tiếng của một quốc gia, khiến quốc gia đó gặp nhiều khó khăn hơn trong việc vay những khoản tiền cần thiết trên thị trường quốc tế trở nên khó khăn hơn, và điều này sẽ có thể gây tổn hại thêm nữa đến niềm tin vào tiền tệ và nền kinh tế của quốc gia đó.

    Khi được hỏi liệu quốc gia này có phải đang rơi vào tình trạng vỡ nợ hay không, Thống đốc Ngân hàng Trung ương P Nandalal Weerasinghe cho biết: 

    "Quan điểm của chúng tôi là rất rõ ràng, chúng tôi đã nói rằng cho đến khi họ tiến hành việc tái cơ cấu, chúng tôi sẽ không thể trả tiền. Vì vậy, đó là điều mà ta gọi là 'chủ động vỡ nợ'."

    "Có thể có những định nghĩa về mặt kỹ thuật... từ phía họ thì họ có thể coi đó là vỡ nợ. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, khi chưa có việc tái cơ cấu nợ thì chúng tôi chưa thể trả được," ông nói thêm.

    Nền kinh tế Sri Lanka đã bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, do giá năng lượng tăng và do áp dụng các bước cắt giảm thuế nhằm đáp ứng chủ nghĩa dân túy. 

    Tình trạng thiếu ngoại tệ triền miên và lạm phát tăng cao đã dẫn đến tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng thuốc men, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác.

    Trong những tuần gần đây, đã có nhiều cuộc biểu tình lớn, đôi khi bạo lực, phản đối Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và gia đình ông do cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng.

    Nước này đã bắt đầu đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế về một gói cứu trợ và cần phải đàm phán lại các thỏa thuận nợ của mình với các chủ nợ.

    Trước đây, chính phủ từng nói họ cần tới 4 tỷ USD trong năm nay.

    Ông Weerasinghe cũng cảnh báo rằng tỷ lệ lạm phát vốn đã rất cao của Sri Lanka có khả năng còn tăng nữa.

    "Lạm phát rõ ràng là khoảng 30%. Nó sẽ thậm chí còn cao hơn, lạm phát sẽ vào khoảng 40% trong vài tháng tới," ông nói.

    Ông phát biểu sau khi ngân hàng trung ương Sri Lanka giữ ổn định hai mức lãi suất then chốt sau khi tăng lãi suất thêm 0,7% trong cuộc họp mới nhất.

    Lãi suất cho vay chính của nước này vẫn ở mức 14,5%, trong khi lãi suất huy động tiền gửi được giữ ở mức 13,5%.

    Tháng trước, hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới cảnh báo rằng Sri Lanka sắp vỡ nợ.

    Fitch Ratings đã hạ mức đánh giá của mình đối với quốc gia Nam Á, nói rằng "một quá trình vỡ nợ ở cấp quốc gia đã bắt đầu".

    S&P Global Ratings cũng đưa ra một thông báo tương tự và cho biết rằng một vụ vỡ nợ hiện là "hầu như chắc chắn sẽ xảy ra".

    Các mức xếp hạng tín dụng nhằm giúp các nhà đầu tư hiểu mức độ rủi ro mà họ phải đối mặt khi mua một loại công cụ tài chính nào đó, mà trong trường hợp này là nợ quốc gia - hoặc trái phiếu chính phủ.

    Sau khi BBC liên hệ vào hôm thứ Năm, các cơ quan xếp hạng tín dụng lớn là Moody's và Fitch cho biết họ chưa có thêm bất kỳ cập nhật nào vào thời điểm này.

    S&P Global Ratings đã không ngay lập tức hồi âm yêu cầu bình luận từ BBC.

    Tuần trước, anh trai của Tổng thống Rajapaksa là Mahinda đã từ chức thủ tướng sau khi những người ủng hộ chính phủ đụng độ với người biểu tình. Chín người chết và hơn 300 người bị thương trong vụ bạo lực này.

    Hôm thứ Sáu, tân Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe nói với BBC rằng cuộc khủng hoảng kinh tế "sẽ còn tồi tệ đi hơn trước khi nó trở nên khá lên".

    Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi nhậm chức, ông cũng cam kết đảm bảo các gia đình sẽ được ăn ba bữa mỗi ngày.

    Kêu gọi thế giới giúp đỡ nhiều hơn về tài chính, ông nói "sẽ không có khủng hoảng đói, chúng tôi sẽ tìm được thực phẩm".


    Không có nhận xét nào