Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 20 tháng 5 năm 2022

     Võ Thái Hà tổng hợp

    Tổng thống Mỹ Joe Biden mở chuyến công du châu Á đầu tiên

    Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin tiếp đón tổng thống Mỹ Joe Biden (P) tại căn cứ không quân Osan, ở Pyeongtaek, Hàn Quốc, ngày 20/05/2022. AP - Evan Vucci 

    Hôm nay, 20/05/2022, ông Joe Biden đến Seoul, bắt đầu chuyến công du châu Á đầu tiên với tư cách tổng thống Hoa Kỳ. Sau Hàn Quốc, tổng thống Mỹ đến thăm Nhật Bản vào Chủ nhật và tại Tokyo, ông sẽ dự cuộc họp của Bộ Tứ (QUAD), quy tụ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. 

    Theo hãng tin AFP, vài giờ trước khi ông Biden đến Seoul, trên mạng Twitter hôm nay, tân tổng thống của Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tuyên bố với báo chí rằng chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia Mỹ là dịp để làm cho quan hệ giữa Seoul với Washington trở nên “mạnh hơn và toàn diện hơn”. 

    Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca gởi về bài tường trình:

    “Chúng ta không nên chỉ tập trung vào vấn đề quan hệ với Bắc Triều Tiên, mà nên mở rộng tầm mức của chính sách ngoại giao sang Liên Hiệp Châu Âu và ra toàn bộ châu Á, với quan hệ Mỹ-Hàn là nền tảng. Đó là tuyên bố của tổng thống Yoon Suk Yeol, tóm tắt đường lối của chính quyền mới ở Hàn Quốc: ngả theo Washington về ngoại giao. 

    Về quốc phòng, Seoul muốn Hoa Kỳ tăng cường khả năng răn đe mở rộng, tức là triển khai các vũ khí quy ước, và có thể là cả vũ khí nguyên tử, để bảo vệ Hàn Quốc.

    Tổng thống Joe Biden cũng sẽ nói về kinh tế và đặc biệt là bàn về nguồn cung cấp chất bán dẫn, khi ông đi thăm nhà máy sản xuất chip điện tử lớn nhất của tập đoàn Samsung Electronics. Theo dự kiến, tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ thông báo việc Hàn Quốc tham gia vào Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương, sáng kiến do Washington đề ra nhằm giải quyết các vấn đề về các chuỗi cung ứng, mà Trung Quốc không được mời tham gia. 

    Bất chấp các chỉ trích của Bắc Kinh, đối tác thương mại chính của Seoul, tân tổng thống Hàn Quốc sẽ tham dự cuộc họp đầu tiên của cơ chế mới này. Cuộc họp sẽ diễn ra ở Nhật Bản, đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ trong khu vực cùng với Hàn Quốc. Đây là cũng là quốc gia mà tổng thống Yoon Suk Yeol muốn xích gần lại.” 

    Chuyến công du châu Á đầu tiên của tổng thống Hoa Kỳ diễn ra trong lúc có thông tin là Bắc Triều Tiên có thể sắp phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc thử nghiệm hạt nhân. Hôm qua, một dân biểu Quốc Hội Hàn Quốc cảnh báo là Bắc Triều Tiên đã hoàn tất việc chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm hạt nhân. Theo Nhà Trắng, cuộc thử nghiệm này có thể sẽ diễn ra đúng vào lúc tổng thống Joe Biden đang thăm Seoul.

    Joe Biden thăm châu Á, Trung Quốc cảnh báo Mỹ về Đài Loan

    Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì

    Nguồn hình ảnh, Reuters

    Chụp lại hình ảnh, 

    Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì

    Quan chức ngoại giao cao cấp của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì đã nêu lời cảnh báo trực tiếp đến Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Jake Sullivan về Đài Loan trước khi Tổng thống Joe Biden bắt đầu chuyến thăm châu Á vào tuần này.

    Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì nói trong điện đàm với ông Sullivan rằng quan hệ Mỹ-Trung có thể "rơi vào thế nguy hiểm nghiêm trọng" nếu ông Biden "dùng lá bài Đài Loan" trong chuyến thăm sang Đông Bắc Á, theo trang The Hill ở Hoa Kỳ (19/05).

    "Nếu Hoa Kỳ cứ tiếp tục chơi lá bài Đài Loan và dấn sâu vào con đường sai trái thì quan hệ hai bên sẽ bị đe dọa nghiêm trọng." 

    "Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu phía Mỹ có sự hiểu biết rõ ràng về tình, và nghiêm khắc tôn trọng cam kết, tuân thủ nguyên tắc Một nước Trung Hoa." 

    Trả lời báo chí hôm thứ Tư tuần qua, Cố vấn An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ chỉ nói thông điệp từ Mỹ với Trung Quốc là Hoa Kỳ "Vững vàng bảo vệ, xác tín viễn kiến (vision) về một thế giới dân chủ và các xã hội mở đứng cùng nhau".

    Quân đội Đài Loan

    Nguồn hình ảnh, Reuters

    Chụp lại hình ảnh, 

    Quân đội Đài Loan

    Theo CNN, Tổng thống Biden tới Seoul vào ngày thứ Sáu 20/05, và sẽ hội đàm với tân Tổng thống Yoon Seok-Youl, người muốn mở rộng phạm vi đối ngoại của Hàn Quốc ra khỏi vấn đề Triều Tiên.

    Các báo quốc tế ghi nhận sự hiện diện của ông Douglas Craig Emhoff, phu quân của nữ phó tổng thống Kamala Harris ngay cạnh Tổng thống Yoon Seok-Youl trong lễ tuyên thệ nhậm chức đầu tháng 5 ở Seoul. 

    Người ta gọi ông Emhoff là "đệ nhị phu quân" (second gentleman) của Hoa Kỳ, và dù chỉ là một luật sư, việc ông có mặt trong ngày lễ đó là dấu hiệu chính quyền của tân tổng thống Hàn Quốc tỏ rõ thái độ thân Mỹ.

    Sau khi tới Hàn Quốc, ông Biden sẽ tới Tokyo và hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida. Cũng tại Nhật, ông Biden sẽ họp với các lãnh đạo Nhật, Úc và Ấn Độ trong khuôn khổ Bộ tứ về an ninh khu vực (Quad).

    Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều trợ giúp Ukraine và công khai phản đối Nga.

    Hội đàm trực tuyến ngày 18/3 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

    Nguồn hình ảnh, Nhà Trắng

    Chụp lại hình ảnh, 

    Hội đàm trực tuyến ngày 18/3 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

    Mỹ đã trở lại?

    Chuyến thăm của ông Biden được cho là dấu hiệu sau một thời gian chú tâm vào cuộc chiến Nga gây ra ở Ukraine - Joe Biden có chuyến thăm Ba Lan và quân Mỹ đồn trú tại nước Đông Âu thuộc Nato và EU này tháng 3/2022 - Hoa Kỳ đã quay lại với các vấn đề lớn của châu Á-Thái Bình Dương. 

    Trong bài viết trên trang CNN, Kevin Liptak bình luận rằng ông Biden là tổng thống Hoa Kỳ thứ ba cố gắng chuyển trọng tâm của ngoại giao và quân sự Mỹ sang châu Á.

    Ngoài việc "làm hồi sinh Bộ tứ Kim cương, ông Biden đã chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân với Úc lần đầu tiên, và vừa tuần trước thì chủ trì hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Asean tại Nhà Trắng để bàn về thương mại và an ninh," ý kiến này đánh giá ba động thái của tổng thống Hoa Kỳ gần đây. 

    Giới chức Mỹ ý thức được rằng chiến tranh ở Ukraine "phủ bóng lên châu Á" với quan điểm, cách nhận thức về Nga, Nato, Ukraine khác nhau.

    Tuy nhiên, với Hoa Kỳ, điểm quan trọng hơn cả trong chính sách với châu Á là vấn đề Trung Quốc và Đài Loan.

    Họ không muốn để xảy ra "một Đài Loan bất ngờ rơi vào khủng hoảng như Ukraine", theo bài trên CNN.

    Trang Politico hôm 20/05 bình luận rằng phải mất 16 tháng sau khi nhậm chức ông Biden mới "đặt lại được ưu tiên cho vấn đề Trung Quốc".

    Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ 40 tỉ đô cho Ukraine 

    20/5/2022 

    Reuters 

    Lãnh đạo Khối Đa số Dân chủ ở Thượng viện Mỹ Chuck Schumer.

    Lãnh đạo Khối Đa số Dân chủ ở Thượng viện Mỹ Chuck Schumer. 

    Thượng viện Hoa Kỳ ngày 19/5 thông qua gần 40 tỉ đô la viện trợ cho Ukraine, đưa dự luật tới Tòa Bạch Ốc để Tổng thống Joe Biden ký thành luật trong lúc Washington tăng tốc duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine, gần ba tháng sau cuộc xâm lược của Nga.

    Thượng viện đã bỏ phiếu với tỉ lệ 86-11 ủng hộ gói hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo. Tới nay, đây là gói viện trợ lớn nhất của Mỹ dành cho Ukraine. Tất cả 11 phiếu chống là của đảng viên Đảng Cộng hòa.

    “Đây là một gói viện trợ lớn, sẽ đáp ứng nhu cầu lớn của người dân Ukraine khi họ chiến đấu vì sự sống còn của mình”, Lãnh đạo Khối Đa số Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer nói, đồng thời kêu gọi ủng hộ dự luật chi tiêu bổ sung khẩn cấp trước cuộc bỏ phiếu.

    Ông Schumer nói: “Bằng cách thông qua khoản viện trợ khẩn cấp này, Thượng viện có thể nói với người dân Ukraine rằng: sự giúp đỡ đang được tiến hành. Sự giúp đỡ thực sự. Sự giúp đỡ đáng kể.”

    Hạ viện đã thông qua dự luật chi tiêu vào ngày 10 tháng 5, những phiếu ‘không’ đều từ các đảng viên Cộng hòa. Dự luật bị đình trệ tại Thượng viện sau khi Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Rand Paul từ chối cho phép một cuộc bỏ phiếu nhanh chóng. Các thành viên Đảng Dân chủ của ông Biden kiểm soát sít sao cả Hạ viện lẫn Thượng viện, nhưng các quy tắc của Thượng viện yêu cầu sự nhất trí cao để nhanh chóng tiến tới cuộc bỏ phiếu cuối cùng về hầu hết các luật. 

    Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã thúc giục các nhà lập pháp làm việc nhanh chóng. Trong thư gửi các nhà lãnh đạo ở quốc hội, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng nói quân đội chỉ còn đủ kinh phí để gửi vũ khí đến Kyiv tới ngày 19 tháng 5.

    Khi ông Biden ký dự luật chi tiêu bổ sung thành luật, nó sẽ nâng tổng số tiền viện trợ của Hoa Kỳ đã chấp thuận cho Ukraine lên hơn 50 tỉ đô la kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào ngày 24 tháng 2.

    Gói này có 6 tỉ đô la hỗ trợ an ninh, bao gồm huấn luyện, trang thiết bị, vũ khí và hỗ trợ; 8,7 tỉ đô la để bổ sung kho thiết bị của Hoa Kỳ gửi đến Ukraine và 3,9 tỉ đô la cho các hoạt động của Bộ Chỉ huy châu Âu.

    Ngoài ra, luật cho phép thêm 11 tỉ đô la trong thẩm quyền rút tiền của Tổng thống, cho phép ông Biden chuyển các mặt hàng và dịch vụ từ kho của Hoa Kỳ mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội để đối phó với trường hợp khẩn cấp.

    Luật cũng bao gồm 5 tỉ đô la để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu do cuộc xung đột Ukraine và gần 9 tỉ đô la quỹ hỗ trợ kinh tế cho Ukraine.

    Cuộc chiến đã khiến hàng nghìn thường dân thiệt mạng, buộc hàng triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa, và các thành phố trở thành đống đổ nát. Moscow không đạt nhiều thắng lợi ngoài một dải lãnh thổ ở phía nam và các tiến bộ không đáng kể ở phía đông.

    Tin tặc Trung Quốc cố gắng tấn công công ty quốc phòng nhà nước của Nga

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2022/05/tin-tac-trung-quoc-700x366.jpg

    Ảnh minh hoạ: Pixabay. 

    Các tin tặc được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đã cố gắng đánh cắp thông tin bí mật từ các đối tác quốc phòng Nga của họ. Tờ New York Times (NYT) đưa tin, công ty an ninh mạng Checkpoint của Mỹ và Israel đã công bố một báo cáo về nội dung này vào ngày 19 (giờ địa phương).

    Theo Checkpoint, các nhà khoa học và kỹ sư làm việc tại nhiều cơ sở nghiên cứu và phát triển quốc phòng của Nga đã nhận được email vào ngày 23 tháng 3 từ người gửi có ghi “Bộ Y tế Nga”. Checkpoint cho biết phần mềm độc hại được ẩn trong một tệp tài liệu đính kèm với e-mail.

    Các tin tặc Trung Quốc bị phát hiện đang nhắm mục tiêu vào các viện nghiên cứu quốc phòng của Nga chuyên nghiên cứu về liên lạc vệ tinh máy bay, radar và tác chiến điện tử. Các viện này trực thuộc công ty quốc phòng nhà nước Rostek Corporation, được thành lập năm 2007 dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Nga Putin. Rostech cũng đang phát triển một thiết bị gây nhiễu hệ thống nhận dạng và radar của đối phương.

    Hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc chống lại Nga bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái, nhưng sau cuộc xâm lược Ukraine vào cuối tháng 2, phương thức tấn công đã phát triển để tận dụng lợi ích cao trong chiến tranh, Checkpoint cho biết.

    Itai Cohen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu mạng tại Checkpoint, nói với The New York Times: “Đây là một cuộc tấn công mạng rất tinh vi”.

    Theo Checkpoint trường hợp này cho thấy sự phức tạp trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, hai nước đã thiết lập một mặt trận chung ra bên ngoài để chống lại những chỉ trích từ phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ, về cuộc xâm lược Ukraine. Điều này cho thấy, ngay cả Nga, nước mà tin tặc Trung Quốc coi là ‘bạn’, cũng là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng bừa bãi.

    Tờ báo đánh giá hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc ngày càng tinh vi hơn sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nâng cao năng lực khoa học và công nghệ là ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, cuộc tấn công vào lĩnh vực quốc phòng của Nga là “bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang sử dụng hoạt động gián điệp một cách có tổ chức và lâu dài để đạt được mục tiêu chiến lược là giành ưu thế về công nghệ và quân sự.

    Theo Google, Cisco Talos và Sentinel One, các nhóm hack khác ở Trung Quốc cũng đã cố gắng xâm nhập vào Ukraine và các tổ chức EU vào tháng 3 bằng cách ngụy trang bằng các email liên quan đến chiến tranh.

    Nguồn: News.v.daum

    Triều Tiên lâm vào khủng hoảng Covid

    Tại thời điểm ngày 8 tháng 5, nếu nhìn từ các con số chính thức – 168 ca nhiễm và một trường hợp tử vong – covid-19 dường như không quá nghiêm trọng ở Triều Tiên. Nhưng thông tin về 2 triệu ca “sốt” cho thấy sự thật có thể tồi tệ hơn nhiều.

    Triều Tiên không có đủ khả năng xét nghiệm, cơ sở y tế hay vật tư y tế. Hơn nữa, vì chưa được tiêm phòng hoặc tiếp xúc với virus, hầu như toàn bộ dân số nước này đều có nguy cơ mắc bệnh. Việc mở rộng phong tỏa, mà hiện chỉ giới hạn ở thủ đô Bình Nhưỡng và đi lại trong khu vực, có thể sẽ giúp ích. Nhưng làm vậy đồng nghĩa nông dân phải rời bỏ vụ thu hoạch, một bước đi vô cùng rủi ro khi đất nước còn đang có nạn đói.

    Hiện quân đội đã được huy động để phân phát thuốc. Và vào ngày 16 tháng 5, ba máy bay của Triều Tiên được cho là đã bay đến Trung Quốc để lấy hàng y tế. Song cho đến nay, chính quyền đã từ chối vắc-xin của thế giới để không bị xem là yếu ớt. Điều đáng buồn là các lãnh đạo Triều Tiên trước giờ luôn chơi trò chính trị trên mạng sống của thường dân.

    Khó có thể mở cảng Ukraine để xuất ngũ cốc

    Ukraine có nhiều hầm chứa ngũ cốc không thể bán được vì bị Nga phong tỏa cảng, đặc biệt vì xe lửa và xe tải chỉ có thể chuyển được một phần nhỏ lượng hàng. Với giá lương thực toàn cầu tăng chóng mặt và nền kinh tế Ukraine sụp đổ, việc mở cửa cảng Odessa trên biển Đen ngày càng trở nên cấp thiết.

    Nga xem ra sẽ từ chối đề xuất của Liên Hợp Quốc, qua đó nới lỏng một số trừng phạt với Nga để Nga cho phép các tàu buôn cập cảng Ukraine. Hơn nữa, cho dù họ có làm vậy thì các lối đường biển vào Ukraine cũng bị đặt thủy lôi dày đặc. James Stavridis, một cựu chỉ huy NATO, là một trong những người ủng hộ cho tàu quân sự hộ tống các tàu chở ngũ cốc, như phương Tây đã từng làm trong chiến tranh Iran-Iraq những năm 1980. Nhưng không như Iran, Nga là một cường quốc hạt nhân. Vì vậy, tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh sẽ không mạo hiểm đối đầu trực tiếp với Nga. Đang thực sự có một lựa chọn giữa chiến tranh và nạn đói.

    Các nhân vật cánh hữu Âu – Mỹ dự hội nghị ở Hungary

    Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ là cuộc họp chính trị cánh hữu quan trọng nhất ở Mỹ. Vào thứ Sáu, nhóm này sẽ bế mạc một hội nghị tổ chức cùng lúc kéo dài hai ngày tại một quốc gia rất được Donald Trump và những người ủng hộ ông cảm mến: Hungary.

    Các chuyên gia cánh hữu nổi tiếng của Mỹ như Tucker Carlson hay Candace Owens rất ngưỡng mộ Viktor Orban, vị thủ tướng có thiên hướng độc tài của Hungary, cũng như các chính sách chống nhập cư, chống đồng tính, chống EU, ủng hộ chủ nghĩa sinh sản tự nhiên và thân thiện với Nga của ông.

    Hội nghị lần này có mục đích hòa hợp cánh hữu châu Âu với cánh hữu Trump ở Mỹ. Ngoài Carson và Owens, cuộc gặp gỡ còn có Nigel Farage, cựu lãnh đạo Đảng Brexit của Anh; Jordan Bardella của Mặt trận Quốc gia Pháp; và Santiago Abascal của Vox ở Tây Ban Nha. Những người tham dự có thể sẽ lặp lại những cáo buộc của ông Orban là George Soros, tỷ phú người Hungary gốc Do Thái, có âm mưu làm châu Âu sụp đổ. Và chắc chắn họ sẽ không đề cập đến nạn tham nhũng mang tính hệ thống trong đảng Fidesz của ông Orban — hay việc người dân Budapest, nơi tổ chức hội nghị, bỏ phiếu phản đối Fidesz trong cuộc tổng tuyển cử ngày 4 tháng 4 vừa qua của Hungary.

    Canada cấm Huawei và ZTE khỏi mạng 5G vì lý do an ninh

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/05/Huawei-1200x801-1.jpg

    Khách mời đến tham dự bài diễn văn quan trọng của Huawei tại hội chợ thương mại thiết bị gia dụng và điện tử tiêu dùng IFA 2020 Special Edition vào ngày khai mạc hội chợ ở Berlin, Đức, hôm 03/09/2020. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images) 

    Hôm 19/05, Bộ trưởng An toàn Công cộng Marco Mendicino cho biết Canada đang cấm các công ty viễn thông Huawei và ZTE của Trung Quốc khỏi cơ sở hạ tầng mạng không dây 5G của họ.

    Theo chỉ thị mới, các công ty Canada sẽ không thể khai triển thiết bị do hai công ty này sản xuất trong mạng 4G và 5G của họ, đồng thời sẽ phải gỡ bỏ các thiết bị đã được lắp đặt.

    “Có rất nhiều tác nhân thù địch sẵn sàng khai thác các lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của chúng ta. Chúng ta phải nhân đôi nỗ lực của mình,” ông Mendicino nói trong một cuộc họp báo ở Ottawa.

    “Đó là lý do tại sao chính phủ của chúng ta đã tiến hành một cuộc kiểm tra bảo mật toàn diện và kỹ lưỡng đối với các công nghệ viễn thông không dây 5G, bao gồm cả những nhà cung cấp dịch vụ có rủi ro cao đối với tính toàn vẹn của lĩnh vực viễn thông của chúng ta.”

    Quyết định được chờ đợi từ lâu này sẽ giúp Canada tương hợp về mặt quan điểm với các đối tác tình báo trong Liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes), vốn đã cấm Huawei hoặc tuyên bố loại bỏ dần các thiết bị Huawei đã được các nhà mạng không dây trong nước sử dụng. Liên minh này bao gồm Úc, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ.

    Trong khi Canada đã dành nhiều năm để cân nhắc vấn đề này, các nhà mạng không dây lớn của Canada đã chuyển sang các công ty Âu Châu Ericsson và Nokia để được cung cấp thiết bị 5G.

    Các công ty Canada hiện được yêu cầu loại bỏ mọi thiết bị Huawei hoặc ZTE 5G hiện có trước tháng 06/2024 và thiết bị 4G trước tháng 12/2027. Việc cấm mua sắm thiết bị 4G hoặc 5G mới từ Huawei hoặc ZTE sẽ có hiệu lực từ tháng 09/2022.

    Ông Mendicino cũng thông báo rằng chính phủ của ông sắp tới sẽ đệ trình luật lên Thượng viện trong thời gian ngắn để bảo vệ hệ thống viễn thông và cơ sở hạ tầng quan trọng của Canada.

    Bộ đổi mới, khoa học, và phát triển kinh tế cho biết trong một tuyên bố rằng công nghệ của hai công ty Trung Quốc này sẽ “gây ra những lo ngại mới về bảo mật mà những kẻ xấu có thể khai thác.”

    “Trong các hệ thống 5G, các chức năng nhạy cảm sẽ ngày càng được phân cấp và ảo hóa để giảm độ trễ, và số lượng thiết bị mà những hệ thống này sẽ kết nối cũng sẽ tăng theo cấp số nhân,” tuyên bố cho biết.

    “Xét đến tầng tầng tác động kinh tế và an ninh tiềm tàng mà sự xâm phạm chuỗi cung ứng viễn thông có thể gây ra, các đồng minh đã đưa ra những hành động nhằm cho phép họ cấm khai triển các sản phẩm và dịch vụ của Huawei và ZTE trong mạng viễn thông 5G của mình.”

    [Hành động này là do] lo ngại về Huawei xung quanh mối liên hệ của họ với quân đội Trung Quốc, điều mà công ty này đã phủ nhận. Các nhà phê bình cũng đã chỉ ra rằng luật tình báo quốc gia Trung Quốc yêu cầu các tổ chức Trung Quốc hỗ trợ thu thập thông tin tình báo cho nhà nước.

    Các quan chức Hoa Kỳ nói với Wall Street Journal hồi năm 2020 rằng Huawei có thể bí mật truy cập các mạng không dây trên khắp thế giới qua các cửa hậu và đã làm như vậy trong hơn một thập niên, điều mà Huawei phủ nhận.

    Canada đã trì hoãn việc đưa ra quyết định về việc có cho phép cơ sở hạ tầng của Huawei trong mạng 5G của họ hay không. Hoa Kỳ đã nhiều lần cảnh báo công khai rằng việc không cấm công ty này có thể ảnh hưởng đến sự sẵn sàng chia sẻ thông tin tình báo của Hoa Thịnh Đốn, vì lo ngại dữ liệu có thể bị xâm phạm.

    Trung Quốc đã tung ra một loạt các biện pháp trả đũa nhằm vào Canada sau khi chính quyền Canada bắt giữ giám đốc tài chính của Huawei — bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), con gái của người sáng lập công ty này — theo một yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ hồi tháng 12/2018.

    Trong số các biện pháp mà Bắc Kinh đã thực hiện có hành động bắt giữ tùy tiện hai công dân người Canada, ông Michael Kovrig và ông Michael Spavor ở Trung Quốc.

    Hai người này đã được trả tự do hồi tháng Chín năm ngoái sau khi bà Mạnh đạt được thỏa thuận hoãn truy tố với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và sau đó được Canada trả tự do.

    An Nhiên biên dịch

    Bộ trưởng Ngân khố Yellen bác bỏ khả năng Hoa Kỳ rơi vào suy thoái kinh tế

    https://etviet.com/wp-content/uploads/2022/05/1.tagreuters.com2022binary_LYNXNPEI480U1-FILEDIMAGE-700x420-1.jpg

    ẢNH TƯ LIỆU: Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen làm chứng trước một phiên điều trần của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện về “Tình trạng của Hệ thống Tài chính Quốc tế,” tại Đồi Capitol ở Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, hôm 06/04/2022 (Ảnh: REUTERS/Tom Brenner) 

    Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã bác bỏ khả năng Hoa Kỳ có thể sớm rơi vào suy thoái trong khi nói chuyện tại một cuộc họp báo trước thềm cuộc họp giữa các Bộ trưởng tài chính Nhóm G7 (Group of Seven) diễn ra ở Đức.

    “Chúng ta đang ở trong một môi trường toàn cầu, nơi có những rủi ro và áp lực đáng kể, nhưng tôi thực sự không nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ rơi vào suy thoái. Tôi nghĩ rằng có lẽ Châu Âu dễ bị tổn thương hơn một chút và tất nhiên là dễ bị tổn thương hơn trên lĩnh vực năng lượng so với Hoa Kỳ,” bà Yellen nói trong cuộc họp báo hôm 18/05 để trả lời cho câu hỏi liệu Hoa Kỳ, Châu Âu, và Trung Quốc có thể rơi vào một cuộc suy thoái đồng bộ nào đó hay không.

    Bà Yellen từ chối đưa ra một dự báo chắc chắn nhưng bà cảnh báo rằng môi trường kinh tế đầy những rủi ro về khả năng tăng trưởng chậm lại và lạm phát. Bà cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu là “bất ổn” và “đầy thách thức.” Giá lương thực và năng lượng đang tăng, tạo ra “những hiệu ứng vô hình về lạm phát đình trệ” chẳng hạn như làm giảm chi tiêu và sản lượng đồng thời làm tăng lạm phát trên toàn thế giới.

    Bà nói thêm rằng, trong những hoàn cảnh như vậy, Hoa Kỳ ở “vị thế tốt nhất” với thị trường lao động và nền kinh tế mạnh mẽ của quốc gia này. Hoa Thịnh Đốn đang làm “mọi thứ chúng tôi có thể” để bảo đảm ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến của Nga với Ukraine trên toàn cầu được giữ ở mức tối thiểu.

    Bà nói: “Rõ ràng lạm phát là một mối lo ngại ở nhiều nơi trên thế giới, ở Hoa Kỳ, ở Vương quốc Anh, và cả phần còn lại của Châu Âu.”

    Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ trong tháng Tư, được đo lường bởi Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) của Cục Thống kê Lao động, là 8.3%. Con số này chỉ thấp hơn một chút so với mức cao nhất trong 40 năm là 8.5% được ghi nhận hồi tháng Ba.

    Hơn nữa, Chỉ số Giá Sản xuất (PPI), đo lường lạm phát trước khi ảnh hưởng tới người tiêu dùng, đã tăng 11% hàng năm trong tháng Tư. Điều này cho thấy lạm phát tiêu dùng nhiều hơn trong ngắn hạn.

    Giám đốc Phân tích Tài chính của Bankrate, ông Greg McBride, nói với The Epoch Times rằng, “Với việc tỷ lệ lạm phát hàng năm giảm từ 8.5% xuống 8.3%, có thể dễ dàng đi đến kết luận rằng chúng ta đã nhìn thấy mức lạm phát cao nhất, nhưng chúng ta cũng đã từng thấy một tình huống gây nhầm lẫn trước đây như trường hợp xảy ra hồi tháng Tám năm ngoái.”

    Bà Yellen bác bỏ một khả năng suy thoái ở Hoa Kỳ sau khi một báo cáo của Bộ Thương mại được công bố hồi tháng trước cho biết GDP của Hoa Kỳ đã giảm với tốc độ hàng năm là 1.4% trong quý đầu tiên của năm 2022. Trong quý 4/2021, tăng trưởng GDP ở mức 6.9%.

    Về mặt tích cực, sản lượng sản xuất tăng 5% trong quý đầu tiên trong khi tạo ra 1.7 triệu việc làm.

    Hãng thông tấn Reuters đưa tin cho hay ông Sal Guatieri, một nhà kinh tế cao cấp tại BMO Capital Markets ở Toronto, cho biết: “Nền kinh tế vẫn đang cho thấy một số khả năng phục hồi, nhưng báo cáo GDP trong quý đầu tiên báo hiệu sự khởi đầu của mức tăng trưởng vừa phải hơn trong năm nay và năm tới, phần lớn là do lãi suất cao hơn.”

    Theo hãng thông tấn này, ngân hàng Wells Fargo đang dự đoán về một cuộc suy thoái nhẹ ở Hoa Kỳ vào cuối năm nay và đầu năm 2023. Hãng thông tấn này cho hay ngân hàng Wells Fargo ước tính có 25% khả năng xảy ra một cuộc suy thoái trong vòng 12 tháng tới.

    Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự đoán rủi ro xảy ra suy thoái là 15% trong năm tới và 35% trong hai năm tới.

    Nhật Thăng biên dịch


    Không có nhận xét nào