Header Ads

  • Breaking News

    Trung Quốc tập trận ở Biển Đông trong lúc tổng thống Biden công du châu Á

    Theo như thông tin của Mỹ, cùng lúc với chuyến công du của tổng thống Joe Biden, tầu sân bay USS Ronald Reagan và đội tầu tấn công đã rời cảng Yokosuka (Nhật Bản) hôm 20/05 để tiến hành “một đợt hải hành thường kỳ”, thì Trung Quốc cũng đang tập trận ở Biển Đông từ ngày 19 đến 23/05/2022, trùng với thời điểm chuyến công du châu Á đầu tiên của tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm khống chế những mối đe dọa từ Bắc Kinh.

    Các máy bay chiến đấu J15 trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh chụp ngày 24/04/2018. AFP
    Cục Hải sự Hải Nam thông báo cấm máy bay và tầu thuyền đi vào khu vực tập trận tại Biển Đông, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

    Theo hãng tin AP, Trung Quốc cũng liên tục tổ chức nhiều hoạt động quân sự trong khu vực trước chuyến công du Hàn Quốc và Nhật Bản của tổng thống Mỹ. Hôm 18/05, hai ngày trước khi tổng thống Joe Biden đến Seoul, Trung Quốc điều hai máy bay ném bom H-6 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bay qua khu vực. Đầu tháng 5, tầu sân bay Liêu Ninh (Liaoning) cũng tiến hành “một đợt tập huấn thông thường”, theo bộ Quốc Phòng Trung Quốc được AP trích dẫn, để cải thiện năng lực, hoàn toàn “phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, không nhắm vào bất kỳ bên nào”.

    Về phía Mỹ, cùng lúc với chuyến công du của tổng thống Joe Biden, tầu sân bay USS Ronald Reagan và đội tầu tấn công đã rời cảng Yokosuka (Nhật Bản) hôm 20/05 để tiến hành “một đợt hải hành thường kỳ”. Theo Hải Quân Hoa Kỳ, các chiến hạm và đội chiến đấu cơ của tầu sân bay “sẽ phối hợp với các đồng minh và đối tác, cổ vũ cho việc tôn trọng trật tự thế giới dựa trên luật pháp, cũng như việc duy trì sự hiện diện và khả năng phản ứng linh hoạt”.

    Tokyo phản đối Bắc Kinh “đơn phương” dựng 17 giàn khoan dầu

    Cũng trong ngày 20/05, Tokyo cho biết đã gửi kiến nghị đến đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo, cáo buộc Trung Quốc “đơn phương” dựng 17 giàn khoan dầu ở vùng quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Bộ Ngoại Giao Nhật Bản nhắc lại “đường ranh giới giữa các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chưa được xác định ở biển Hoa Đông”, đồng thời “thúc giục sớm nối lại các cuộc đàm phán về việc thi hành” một thỏa thuận song phương năm 2008 liên quan đến việc khai thác dầu khí trong vùng biển này.

    Bắc Kinh thường xuyên đưa ra những quyết định đơn phương ở biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi Trung Quốc đòi hầu hết chủ quyền. Tại Biển Đông, trước những hành động lấn át của Trung Quốc, hôm 20/05, tuần duyên Philippines thông báo đã lập nhiều tiền đồn trên ba hòn đảo Bến Lạc (West York), đảo Vĩnh Viễn (Nanshan), đảo Song Tử Đông (Northeast Cay), thuộc quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông. Theo đô đốc tuần duyên Artemio Abu, nhiệm vụ của những trạm quan sát này là nhằm “nâng cao năng lực và thúc đẩy an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ môi trường biển”. Việt Nam chưa lên tiếng về quyết định của Manila.

    Không có nhận xét nào