Header Ads

  • Breaking News

    Võ Nhẫn – Nước mất – Mất theo nước


    (Bài viết vinh danh các CSVSQ xuất thân từ Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam đã
    Vị Quốc Vong Thân trong biến cố 30 tháng Tư, 1975.
    Chúng tôi xin được nghiêng mình tưởng nhớ đến những gương hy sinh can đảm ấy.)
    Võ Nhẫn, K20.

    (nguồn: Lê Thy đánh máy từ Tập san ĐA HIỆU 120 & 121)


    -I-

    Giữa Tháng 3/1975, khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I rút Sư Đoàn Dù từ Đà Nẵng vào Sài Gòn làm Tổng Trừ Bị và Sư Đoàn TQLC rút bớt lực lượng từ Huế vào Đà Nẵng thay thế Dù. Khi TQLC từ Huế di chuyển vào Đà Nẵng thì người dân cũng di tản theo từ Huế vào Đà Nẵng, khiến nơi đây thêm rối loạn.

    1- Ngày 28 tháng 3 năm 1975, Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến gồm 3 Tiểu Đoàn 2, 6, 9 TQLC do Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc K16, Lữ Đoàn Trưởng và Trung Tá Đỗ Hữu Tùng K16, Lữ Đoàn Phó đang phòng thủ tại bãi biển Non Nước. Lúc 7.00 giờ sáng, ngày 29 tháng 3 năm 1975, khi Trung Tâm Hành Quân của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến ở Non Nước được lệnh lên tàu, Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc và Trung Tá Đỗ Hữu Tùng ở lại để đón cho được Tiểu Đoàn 9/TQLC đang từ xa rút về. Khoảng 11.00 giờ trưa, Đại Úy Đoàn Văn Tịnh – K22, Ban 3 của Tiểu Đoàn 9, đang liên lạc với Trung Tá Tùng thì nghe một tiếng nổ lớn, mạnh, chát chúa vang lên trong máy truyền tin! Cuộc điện đàm bị cắt đứt! Từ đó, không ai thấy, biết chuyện gì đã xảy ra cho Bộ Chỉ Huy của Lữ Đoàn 369. Trung Tá Phúc và Trung Tá Tùng được coi như mất tích từ ngày ấy.

    a- Cũng cần biết thêm về cuộc đời binh nghiệp của Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc.


    Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc,
    Khóa 16, Lữ Đoàn Trưởng
    Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến

    Với chức vụ nhỏ nhất, nhưng mỗi quyết định của Ông đều góp phần chiến thắng của đơn vị – như chiến trận Đầm Dơi, chiến thắng cấp tiểu đoàn trong lúc Thiếu Úy Nguyễn Xuân Phúc còn là một trung đội trưởng! Ông đã cùng toàn trung đội quyết chiến làm mũi dùi xung phong chiếm được tuyến phòng thủ của địch làm đầu cầu cho các đơn vị bạn tiến vào khiến tuyến phòng thủ của địch bị vỡ, địch bỏ chạy

    Đầu năm 1966, Tiểu Đoàn 2 TQLC tấn công vào ấp An Quí, trong đó lực lượng địch đông với vũ khí cộng đồng phòng thủ vững chắc. Thiếu Tá Lê Hằng Minh đã điều động Đại Đội của ông Phúc làm mũi dùi, Đại đội của Ông Phúc đã vô cùng anh dũng, bất chấp mọi gian nguy, chiếm được đầu cầu giúp tiểu đoàn đánh tan một tiểu đoàn cơ động của Cộng quân ở Tam Quan, Bồng Sơn, Quảng Ngãi. Cuộc giáp chiến thật dữ dội, ác liệt gây nên những tổn thất nặng nề cho Cộng Sản. Sau trận chiến, Thiếu Tá Lê Hằng Minh đề nghị về BTL/LĐ cho TĐ.2 mang huy hiệu “Trâu Điên”. Từ đó, Tiểu Đoàn 2 TQLC nổi danh với biệt danh Trâu Điên.

    (Trích Quân Sử TQLC)

    Tháng 6 năm 1966, khi chuyển quân từ Huế tăng cường cho chiến trường Quảng Trị, đoàn xe của TĐ.2/TQLC đã bị một trung đoàn cộng quân phục kích độn thổ, trên Quốc Lộ 1, ở đoạn đường Phò Trạch – Phong Điền, Tiểu Đoàn Trâu Điên đã tức thời chống trả, phản công cuộc phục kích một cách tuyệt vời.. .Tuy nhiên Tiểu Đoàn Trưởng là Trung Tá Lê Hằng Minh bị tử trận và Đại Đội Trưởng là Ông Nguyễn Xuân Phúc bị đạn bắn xuyên từ trước ngực ra sau lưng.

    (Trích Tuyển Tập 21 Năm Chiến Trận của TQLC)

    Tháng 4 năm 1968 Mậu Thân, Cộng Sản đã làm chiếm đóng vùng Gia Định, đặc biệt là cầu Bình Lợi. Là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 6 TQLC, Thiếu Tá Phúc đã điều động đơn vị chiếm lại cầu Bình Lợi, chận đường rút lui của Cộng Quân. Vì thế, hàng trăm tên Việt Cộng đã bị quân ta bắt sống.

    Không may, ông đã bị một mảnh đạn pháo kích làm rách mặt.

    Tháng 3 năm 1969, Thiếu Tá Phúc là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên, khi trở lại đơn vị tác chiến.

    Năm 1970, dưới quyền chỉ huy của ông, Tiểu Đoàn Trâu Điên đã tung hoành ngang dọc trên lãnh thổ Kampuchia từ Neak Luong đến Prey Veng. Đơn vị đã tiêu diệt hàng trăm Cộng quân, tịch thu hàng trăm vũ khí và phá hủy toàn bộ hậu cần của địch.

    Năm 1971, Tiểu Đoàn 2 TQLC tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719 vượt biên sang Tchépone của Lào, nhằm phá vỡ hậu cần và đường chuyển quân Cộng Sản Bắc Việt với ống dẫn dầu từ Bắc vào Nam.

    Trong một cuộc phỏng vấn của phóng viên đặc san Sóng Thần với Thiếu Tướng Bùi Thế Lân, Tư Lệnh TQLC, Ông đã nói về Trung Tá Phúc như sau: (trích ĐS/ST/TQLC)

    – Chọn một đại đội trưởng TQLC đã là một điều khó, cấp chỉ huy ở trên phải cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là về khả năng và tác phong, vì dưới quyền chỉ huy tác chiến của họ luôn luôn có trong tay hơn một trăm sinh mạng, vậy thì chọn tiểu đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng là một việc vô cùng hệ trọng.

    Tôi đã chọn Phúc làm tiểu đoàn phó, tiểu đoàn trưởng, lữ đoàn phó rồi lữ đoàn trưởng thì đủ biết Phúc có đầy đủ tư cách và khả năng, Phúc giỏi. Trong 7 ngày cuối cùng ở Hạ Lào, tôi chỉ còn làm việc trực tiếp với Phúc, và Phúc là người có công nhất trong giai đoạn rút quân khỏi Hạ Lào.

    Bố tôi và bố Phúc là bạn thân cùng trường, trong ngành kỹ sư, nhưng chưa bao giờ hai cụ đề cập với tôi về chuyện Phúc ở TQLC, và Phúc cũng chẳng bao giờ quan tâm tới điều này. Điều Phúc quan tâm là lính no hay đói, Phúc không biết gì về tiền bạc cả.

    Cuối tháng 5/1972, Trung Tá Phúc nhận chức Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 147. Trong giai đoạn này, Cộng Sản Bắc Việt đã xua quân xâm chiếm Quảng Trị, địa đầu giới tuyến, với những loạt tấn công ồ ạt bằng chiến xa T-54, PT-76, và đủ loại võ khí nặng của Nga Tàu cung cấp.

    b- Cuộc đời binh nghiệp của Trung Tá Đỗ Hữu Tùng – K16 vô cùng oanh liệt. Tất cả cấp bậc, chức vụ của ông đều do những chiến công lẫy lừng, oanh liệt mà đơn vị dưới quyền chỉ huy của ông đạt được.

    Trong trận tái chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng Quảng Trị:

    – Sau hơn năm tháng chiến đấu, ngày 16 tháng 9 năm 1972, Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến do Thiếu Tá Đỗ Hữu Tùng/ K16, Tiểu Đoàn Trưởng chỉ huy đã cắm được Quốc Kỳ VNCH trên thành phố Quảng Trị thân yêu. Thiếu Tá Đỗ Hữu Tùng được vinh thăng trung tá do công trạng này.

    – Ông đã được tưởng thưởng Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, 16 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, 2 chiến thương bội tinh… Chính phủ Hoa Kỳ cũng tặng thưởng cho Ông một Silver Star và 2 Bronze Star với huy hiệu chữ “V”.

    Ở đâu có Nguyễn Xuân Phúc thì ở đó Nguyễn Hữu Tùng. Hai người bạn cùng khóa sát cánh bên nhau. Đến cuối đời, họ đã cùng nhau đến một miền miên viễn an lành?

    2- Thảm họa xảy đến không thể tránh khỏi! Cuộc triệt thoái không thành công của Quân Đoàn 2 khỏi cao nguyên Trung Phần đã dẫn đến những thất bại to lớn sau này.


    Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông, Trung ĐoànTrưởng TrÐ42/ SÐ 22BB, tự sát vào cuối tháng 3, 1975 bị chôn trong nấm mộ tập thể tại Quy Nhơn

    3- Đại Tá Nguyễn Hữu Thông – K16, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 42 Bộ Binh được lệnh cho đơn vị lui đến Qui Nhơn để triệt thoái bằng tàu của Hải Quân. Trung Tá Lê Thành Uyển, Chỉ Huy Trưởng Hải Đội 3 Tuần Dương trên HQ08 đã nhiều lần thúc giục Đại Tá Thông lên tàu sớm, nhưng ông không chịu vì các đơn vị dưới quyền đang chiến đấu với Cộng Sản Bắc Việt. Nôn nóng, Trung Tá Uyển hỏi tại sao Đại Tá Thông không chịu lên tàu? Đại Tá Thông đã ôn tồn đáp:

    – Tôi không thể ra với anh được. Lính của tôi có lẽ ra cũng gần hết rồi. Cám ơn anh. Tôi đi về đây!

    Liên lạc cuối cùng với Đại Tá Thông chấm dứt. Theo lời của Đại Tá Nguyễn Thiều K16, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 41 Bộ Binh thì Đại Tá Thông đã cùng vài binh sĩ của ông đã đi ngược về những ngọn đồi vô danh mà đơn vị đã từng chiến đấu với Cộng Sản Bắc Việt trước đây… Lúc đó, ông vừa tròn 38 tuổi đời.

    Phóng viên chiến trường Phạm Huấn đã viết:

    “Sự hy sinh của một anh hùng, một đại anh hùng vào sáng ngày 2 tháng 4 năm 1975, đã bị rơi vào quên lãng và cũng là một thiệt thòi lớn lao cho đất nước! Đó là trường hợp của Đại Tá Nguyễn Hữu Thông, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 42.”

    Ông viết tiếp:

    “Tôi có thể quả quyết rằng trong 20 năm sau cùng của chiến tranh Việt Nam, không có một tướng lãnh nào khi chỉ huy cấp trung đoàn hay lữ đoàn đã tạo dựng được những chiến công to lớn như anh hùng Nguyễn Hữu Thông. Những tướng Cộng Sản Bắc Việt chỉ huy Sư Đoàn 320 Điện Biên Phủ, Sư Đoàn 3 Sao Vàng trong những năm 73, 74, 75 cho đến bây giờ và mãi mãi sẽ phải cúi mặt khi nhớ đến thảm bại nhục nhã trước sức chiến đấu của Trung Đoàn 42 do Đại Tá Nguyễn Hữu Thông chỉ huy tại Pleime, Đèo Nhông, và những ngọn đồi vô danh (cao điểm chiến lược 82 và 174) ở Tây, Tây Nam Hoài Nhơn, Bình Định.” (Trích)

    Đưa những binh sĩ của mình còn lại về vùng an toàn rồi ông lững thững đi trở lại con đường cũ, về phía những ngọn đồi vô danh của chiến trường xưa… để cùng được nằm xuống bên cạnh những binh sĩ của mình đã Vị Quốc Vong Thân! Ôi! Con người và hình ảnh thật đẹp, thật phi thường, và cũng thật hào hùng biết bao! Công ơn ngàn trùng! Ngàn năm ghi nhớ! Chính khí sáng ngời! Để rồi, ông Phạm Huấn kết luận:

    “Nếu Hiệp Định Paris 27/1/1973 được ký kết trễ hơn khoảng 2 năm, miền Nam không bao giờ mất vào tay Cộng Sản. Bởi vì, đất nước và quân đội sẽ được lãnh đạo và chỉ huy bởi những tướng lãnh anh hùng, có khả năng với đầy đủ Trí, Đức, Dũng. Ngày 2/4/1975, nếu anh hùng Nguyễn Hữu Thông là Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Thông thì chắc chắn cái chết của ông sẽ tạo thành một trận cuồng phong. “Trận cuồng phong” từ vùng đất linh thiêng của Quang Trung Đại Đế, sẽ làm quân thù khiếp sợ và gây được lòng tin tưởng, phấn khởi cho toàn Quân, toàn Dân …” (Trích).

    4- Từ cao nguyên di tản về vùng duyên hải, Thiếu Tá Phạm Văn Thái – K20, Tiểu Đoàn Trưởng đã đưa đơn vị về đến Phan Rang. Trưa ngày 2 tháng 4 năm 1975, khi hay tin thành phố Nha Trang thất thủ, Thiếu Tá Thái đã tuẫn tiết tại tư gia.


    Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II, 1975

    5- Cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên đã bị thất bại. Thiếu Tướng Phạm Văn Phú phải chứng kiến những tang tóc đau thương dành cho đoàn người, di tản vô tận từ Phú Bổn đến sông Đà Rằng, phải gánh chịu.

    Trưa ngày 2 tháng 4, trên đồi “Lầu Ông Hoàng” thuộc tỉnh lỵ Phan Thiết, Tướng Phú chờ đợi bàn giao những phần đất còn lại của Quân Khu 2 cho Quân Khu 3. Bên cạnh ông chỉ còn có Đại Tá Đức, và các Thiếu Tá Huấn, Vinh, và Hoá.

    Hình ảnh bên ngoài của Tướng Phú giờ đây đã hiện rõ là hình ảnh của một ông già ốm yếu, tiều tụy!!! Thiếu Tá Hoá đến trình cho Tướng Phú rằng trực thăng của Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu K3, Tư Lệnh Phó của Quân Đoàn III sắp đáp xuống để nhận bàn giao. Khi nghe đến đây bất ngờ, Tướng Phú vội vã vứt điếu thuốc xuống đất rồi rút ngay khẩu súng ngắn nòng ra khỏi vỏ! Một tiếng thét kinh hoàng:

    – Thiếu Tướng.

    Tay của Đại Tá Đức gạt mạnh, khẩu súng rơi xuống đất!

    Về đến Sài Gòn, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú phải vào Bệnh Viện Cộng Hòa dưỡng bệnh! Trong những ngày Mỹ lập kế hoạch di tản, nhân viên của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ đến nhà và đề nghị Thiếu Tướng Phú và gia đình đến định cư tại Hoa Kỳ. Tướng Phú đã từ chối. Ngày 29 tháng 4, Thiếu Tướng Phú “mượn” một liều thuốc cực mạnh thay cho viên đạn cuối cùng! Được các bác sĩ cứu chữa tận tình, trưa 30 tháng 4 năm 1975, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú tỉnh dậy, thều thào với phu nhân:

    – Tình hình đến đâu rồi?

    Bà Phú buồn rầu, thổn thức:

    – Cộng Sản đã vào đến Sài Gòn!

    Ông từ từ nhắm mắt lại. Thiếu Tướng Phú đã giữ trọn lời hứa khi ông xin tử thủ Pleiku cho đến hơi thở cuối cùng!

    6- Khi được tin Thiếu Tướng Phú đã tuẫn tiết, Đại Tá Phạm Tường Chinh đã đến viếng linh cữu của Tướng Phú, quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm. Trở về nhà, ông cũng tuẫn tiết. Tuy nhiên, Cộng Sản đã bắt gia đình của ông phải nộp thuế chết mới cho an táng và giấy khai tử đề ngày chết là ngày 16 tháng 5 năm 1975.

    7- Trong những ngày cuối tháng Tư năm 1975 oan nghiệt còn rất nhiều cấp chỉ huy cùng đơn vị của mình tiếp tục chiến đấu:

    – Thiếu Tá Tôn Thất Trân – K20, là một tiểu đoàn trưởng của một đơn vị tác chiến, không chịu buông súng.

    Với tình cảm Võ Bị thân thiết, Thiếu Tá Tô Công Thất, K16 đã khuyên Thiếu Tá Trân bình tĩnh nhưng, “Trân không trả lời, chỉ bước tới, bước lui, mặt tái đi, mắt long lên, môi mím lại …”

    Rồi ông lại thố lộ với Thiếu Tá Thất về cuộc đấu khẩu với tên chỉ huy của Cộng Sản Bắc Việt.

    – “Tên này lập luận hồ đồ, mở miệng là em quạt liền… Nó tức em lắm, muốn bắn em cho hả dạ. Em cũng muốn nó bắn em đi. Nếu không, chúng còn làm nhục em nữa.”.

    Sau đó, khi tên chỉ huy khác của Cộng Sản đến, Thiếu Tá Trân đã bảo:

    – “Các anh không có chính nghĩa.”

    Thiếu Tá Tôn Thất Trân đã bị Cộng Sản thủ tiêu sau đó.

    – Thiếu Tá Huỳnh Túy Viên – K20, Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Đầm Dơi, đã rút quân về hướng Hòa Thành, tiếp tục chiến đấu. Đơn vị hết lương thực, đạn dược nên ông bị bắt… Cộng Sản đã lột hết quần, áo chỉ trừ chiếc quần lót rồi trói ông vào cột cờ của quận cho muỗi đốt suốt nhiều ngày đêm… Một tháng sau, chúng đã bắn ông tại sân vận động Cà Mau.


    Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh Sư Đoàn 7 BB, 1975.

    8- Lúc Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì Chuẩn Tướng Trần Văn Hai – K7 đang ở Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 BB. Trưa 30/4, ông đã tập họp quân nhân của Bộ Tư Lệnh tại Câu Lạc Bộ Sư Đoàn để ngỏ lời cám ơn, chào từ giã… và đề nghị mọi người về nhà thu xếp cho gia đình trong hoàn cảnh mới, tuyệt đối tránh đụng độ với quân địch, đổ máu vô ích …

    Đến 15 giờ, Trung Úy Hoa lên văn phòng thì thấy Tướng Hai ngồi trầm ngâm như một pho tượng. Thái độ yêu đời, nhiệt tình của ông không còn nữa, báo hiệu một điều chẳng lành sắp đến với ông. Ông ra dấu cho Trung Úy Hoa ngồi xuống ghế, rồi từ tốn nói:

    – Anh cám ơn em đã ở bên anh trong giờ phút này. Vận nước đã đến hồi như vậy, chúng ta không thể làm được gì khác hơn. Là quân nhân, chúng ta phải tuyệt đối chấp hành lệnh của thượng cấp!

    Ông mở ngăn kéo, lôi ra một gói đồ bọc bằng giấy báo rồi đưa cho Trung Úy Hoa và nhờ:

    – Đây là gói quà của anh gởi cho bà xã và bảo bà đừng lo gì

    Sau này, Trung Úy Hoa được biết trong gói có 70.000 đồng, là một tháng tiền lương và một số vật dụng cá nhân của ông.

    Chờ mãi đến 6 giờ chiều không nghe Tướng Hai gọi, Trung Úy Hoa tự ý chạy lên văn phòng. Nơi đây đèn vẫn sáng như mọi ngày nhưng không khí vô cùng lạnh lùng, ảm đạm. Đẩy mạnh cửa phòng vào, Trung Úy Hoa hoảng hốt, đau đớn lẫn xót xa, khi nhìn thấy khung cảnh trước mắt.

    Chuẩn Tướng vẫn ngồi trên ghế nhưng đầu thì đã gục xuống trên bàn… mê man, bất tỉnh cạnh một ly rượu lớn đã cạn… Trung Úy Hoa liền gọi xe cứu thương đến, chở ông về bệnh xá. Các bác sĩ cố cứu chữa, nhưng rất tiếc Tướng Hai đã trút hơi thở cuối cùng.

    9- Trong hoàn cảnh vô cùng hỗn loạn đầy tang thương, bi đát thì Thiếu Tá Nguyễn Văn Viên – K6 không lo cho bản thân và gia đình mà lại dấn thân cho một cuộc chiến mới với Cộng Sản. Sau ngày 30 tháng 4 tháng 1975 khi trở về Sài Gòn, ông lại chọn con đường đầy chông gai, nguy hiểm. Ông hợp tác với Linh Mục Nguyễn Văn Vàng cùng với các tôn giáo bí mật tổ chức, lãnh đạo lực lượng võ trang đứng lên chống bạo quyền Cộng Sản, hoạt động ngay trong khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn. Cuối năm 1976, Thiếu Tá Viên, linh mục Nguyễn Văn Vàng và một số thành viên của tổ chức đã bị Cộng Sản bắt.

    Cộng Sản đã “kết án” tử hình Thiếu Tá Nguyễn Văn Viên, Linh Mục Nguyễn Văn Vàng chung thân… Để đe dọa, khủng bố tinh thần người dân, cộng quân bắt dân chúng tham dự buổi xử bắn Thiếu Tá Viên tại Vườn Điều, Thủ Đức. Khi khi trói Thiếu Tá Viên vào cột, tên chỉ huy nói:

    – Ông còn có muốn nói điều gì không?

    Thiếu Tá Viên bình tĩnh, dõng dạc nói:

    – Tôi muốn nói với các anh rằng hôm nay, các anh bắn tôi cũng không dập tắt được ngọn lửa đấu tranh của người dân trong nước. Mai này, sẽ có hàng trăm, hàng ngàn Nguyễn Văn Viên khác nối gót…

    Thiếu Tá Viên quay sang hướng đồng bào nói lớn:

    – Xin chúc đồng bào ở lại mạnh giỏi.

    Khi một tên cầm miếng vải đen để bịt mắt, Thiếu Tá Viên nhìn nó rồi hiên ngang, dõng dạc bảo:

    – Không cần bịt mắt. Tôi sẵn sàng rồi, bắn tôi đi!

    Dòng máu đã chảy từ tim xuống tận chân rồi thấm vào mảnh đất mà ông hằng mến yêu.

    10- Cựu Thiếu Tá Thương Binh Phan Ngọc Lương – K17, là một tiểu đoàn trưởng nhiều mưu lược, anh dũng khi chiến đấu, tận tụy với trách nhiệm của mình. Với những thành tích đạt được trong chiến đấu, ông đã được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ tưởng thưởng nhiều huy chương cao quý. Bị thương vô cùng trầm trọng lúc hành quân ở Quảng Nam, ông phải giải ngũ. Khi cuộc chiến gần tàn ông không chịu di tản!

    Dưới chế độ Cộng Sản, ông đã bí mật tổ chức một lực lượng chiến đấu hầu tiến hành một cuộc đấu tranh mới! Ngoài lực lượng sẵn có, ông đã tuyển mộ thêm được một số thanh niên có đầy đủ khả năng và nhiệt tình cho công cuộc phục quốc. Tổ chức được thành hình với một lực lượng khá mạnh từ thành phố Huế cho đến các xóm làng hẻo tại các quận Phú Lộc, Hương Trà, Phú Vang. thuộc tỉnh Thừa Thiên. Bị bại lộ, ông bị Cộng Sản bắt, giam cầm, hành hạ. Sau cùng, ông bị chúng sát hại vào ngày 9 tháng 9 năm 1979 tại Chín Hầm, Huế.

    11- Trung Tá Võ Văn Đường – K11, Trưởng Ty Cảnh Sát, Tỉnh Chương Thiện tiếp tục chiến đấu khi có lệnh buông súng của Dương Văn Minh. Hôm sau, hết đạn dược, ông bị bắt. Ngày 14/ 08/ 1975, Cộng Sản đã xử bắn ông tại sân vận động Cần Thơ.

    12- Đại Úy Hoàng Trọng Khuê – K21 không chấp nhận đầu hàng mà lại cùng nhiều những chiến binh cùng chí hướng tham gia vào phong trào phục quốc, hoạt động trong khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng. Đến năm 1978, ông mới bị bắt. Sau 2 năm bị giam cầm, tra tấn, hành hạ, ngày 14 tháng 6 năm 1980, ông bị Cộng Sản giết ông tại Gò Cà, Quảng Nam.


    -II-

    Cộng Sản Việt Nam lại mở ra hàng trăm nhà tù khổ sai từ Bắc chí Nam dưới chiêu bài “cải tạo” để giam giữ, tù đày những viên chức chính quyền, sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với một chính sách vô cùng tàn ác, dã man. Các tù nhân đã phản ứng một cách dữ dội dù bị Cộng Sản đàn áp vô cùng dã man, tàn bạo. Dưới đây là vài trường hợp phản kháng điển hình:

    1- Thiếu Tá Trần Văn Bé – K19 và Thiếu Tá Phạm Văn Tư – K19 đều bị tập trung vào trại Tân Hiệp, Suối Máu, Biên Hòa. Ngày 22 tháng 2 năm 1976, cả hai đã cùng vượt ngục.

    – Thiếu Tá Trần Văn Bé thoát qua được khỏi hàng rào kẽm gai nhưng một tuần sau thì bị bắt. Cộng Sản tổ chức “tòa án Kangoroo” để giết Thiếu Tá Bé vào ngày 9 tháng 4 năm 1976 tại Suối Máu, Biên Hòa.

    – Thiếu Tá Phạm Văn Tư bò theo sau Thiếu Tá Bé, bị phát giác, bắn trọng thương. Thiếu Tá Tư bị mang vào trại cho nằm trên nền đất. Một tên chỉ huy của Cộng Sản đã rút súng K54 bắn vào tay, chân của nạn nhân, máu chảy lai láng cho đến lúc nạn nhân chết.

    2- Thiếu Úy Trần Hữu Sơn – K28, lớn lên trên đất thần kinh Huế. Anh đã tình nguyện gia nhập Khóa 28 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Sau hơn 3 năm được tôi luyện trong “môi trường thép”, nay anh đã trở thành một trong, “Những sinh viên sĩ quan trẻ từ 18 đến 22 tuổi đầu. Họ thật sạch sẽ, gọn ghẽ và bóng loáng như những chú lính trong tủ kính. Trên ba lô của họ, đặt dưới đất là chiếc mũ cát-kết truyền thống của sinh viên sĩ quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.” (Như bài viết của ký giả Jean Lartéguy, người Pháp).

    Trong lần mãn khóa vào những ngày cuối cùng, một sinh viên sĩ quan đã nói với ký giả Jean Lartéguy một cách trịnh trọng:

    – Chúng tôi sẽ đội chiếc mũ sinh viên sĩ quan lên khi thấy mình phải chết.

    Ký giả này nhận định: “… trong những bộ đồng phục mới, giày chùi xi bóng loáng, các sinh viên sĩ quan anh dũng của Trường Võ Bị Đà Lạt đã đi vào chỗ chết. Họ ra đi thật hào hùng, đi như diễn binh, chỉ thiếu cái mũ… và đôi bao tay trắng.”

    Một ký giả người Pháp khác là Raoul Coutard đã thu được cảnh xuất quân đầy bi tráng này vào máy quay phim, cố nén xúc động để hỏi các sinh viên sĩ quan:

    – Các anh có biết các anh sắp bị giết chết không?

    Một tân thiếu úy nhanh nhẹn đáp:

    – Chúng tôi biết chứ!

    – Vì sao?

    – Tại vì chúng tôi không chấp nhận chủ nghĩa Cộng Sản.

    Ngay sau khi tốt nghiệp, Khóa 28 và 29, trong đó có tân Thiếu Úy Sơn, lên xe và được chuyển ngay ra các mặt trận sôi động.

    Ngày Quốc Hận ập đến, Thiếu Úy Sơn đành phải giã từ vũ khí. Trong lao tù, Cộng Sản giam cầm, ngược đãi, không làm cho anh phải khuất phục. Anh đã tích cực tham dự ngay khi tập thể tù nhân Bình Điền bắt đầu tranh đấu với bọn cai ngục khiến anh trở thành mục tiêu hàng đầu trong cuộc đàn áp của “bọn mặt người, dạ thú”. Anh bị bắt, giam vào nhà cùm ngay sau ngày 20 tháng 4 năm 1979, ngày mà toàn thể trại viên đồng lòng chống lại chính sách dã man của Cộng Sản đối với Quân Cán Chính VNCH. Hằng ngày, các bạn tù đã phải chứng kiến những nhục hình mà Thiếu Úy Sơn can đảm hứng chịu. Anh nhận lãnh hết trách nhiệm về tất cả những hành động trong cuộc đấu tranh. Anh bảo anh chỉ hành động theo lương tâm lẫn trách nhiệm của anh mà thôi, không làm theo sự chỉ huy của bất cứ người nào khác!!!

    Cứ 2 hoặc 3 ngày, cai tù bắt anh đi “làm việc” để tra tấn, đánh đập. Đầu tháng 10 năm 1979, sau một lần bị cai ngục tra tấn dã man, cơ thể đầy thương tích trầm trọng, với mặt mày hốc hác, da mặt tái xanh, Thiếu Úy Sơn quyết định tuyệt thực để phản đối các hành động dã man của bọn cai tù.

    Ban đầu, Sơn tuyệt thực đứng như cây thông giữa trời Đà Lạt cả ngày lẫn đêm. Tất cả anh em trong buồng giam đều khuyên Sơn nên bỏ ý định tuyệt thực, hãy nghĩ đến cha mẹ và gia đình. Sơn chỉ trả lời:

    – Cám ơn các anh.

    Càng ngày, cơ thể của anh càng trở nên hốc hác, tiều tụy. Hai chân của anh sưng vù lên nên vòng cùm sắt lại càng siết chặt… Lớp da thịt ở cổ chân chạm vào cùm sắt, bung ra thành một vết thương đỏ loét, nhức nhối. Qua ngày thứ sáu, hai chân của anh sưng to, lớn như chân voi. Đôi cùm sắt trên cổ chân đã lún sâu vào lớp da, thịt phù thủng của nạn nhân. Các vết thương bắt đầu chảy nước màu vàng, nhầy nhụa có đậm mùi tanh. Da mặt trở nên nhợt nhạt, tái dần, nhưng tinh thần của anh càng trở nên cương quyết vô song! Anh không bao giờ than van hay rên siết!

    Ngày thứ bảy, sức khỏe của anh đã kiệt lực, anh đã vĩnh viễn ra đi. Khi bốn người tù khiêng thi thể anh ra khỏi nhà kiên giam và đưa vào chiếc quan tài thì tất cả tù nhân trong phòng đồng loạt đứng dậy, chào tay.

    Vĩnh Biệt Anh Hùng Trần Hữu Sơn.


    -III-

    Khi vận nước đổi thay vào những ngày cuối tháng 4 năm 1075, đã có những sĩ quan xuất thân từ TVBQGVN tự sát để giữ toàn khí tiết. Chúng ta có thể kể đến:

    – Thiếu Tá Nguyễn Văn Chúc, Khóa 6 – Tổng Cục Tiếp Vận.

    – Trung Tá Nguyễn Xuân Tiêu, Khóa 8.

    – Trung Tá Nguyễn Định Chi, Khóa 10 – Phụ tá Chánh Sở 3 An Ninh Quân Đội.

    -Trung Tá Nguyễn Văn Đức, Khóa 11 – Trưởng Ty Cảnh Sát Giao Thông Công Lộ Sài Gòn.

    – Thiếu Tá Lê Vĩnh Xuân, Khóa 13 – Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Quân Báo/ Biệt Khu Thủ Đô, cùng vợ và các con.

    – Đại Úy Trịnh Lan Phương, Khóa 21.

    – Trung Úy Vy Văn Đạt Khóa 25.

    – Trung Úy Nguyễn Đình Giang, Khóa 25 – Đại Đội Trưởng Đại Đội 50 Trinh Sát.

    – Trung Úy Lê Văn Cao, Khóa 26.

    – Trung Úy Phạm Đức Loan, Khóa 26 thuộc Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù.


    Trung Úy Nguyễn Ngọc Trụ, giáo sư Văn Hóa Vụ của Trường VBQGVN vừa tốt nghiệp cao học Luật thì nhận được lệnh nhập ngũ. Được thuyên chuyển về Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, ông được phân công về Khoa Luật, mà Trung Úy Nguyễn Phước Vĩnh Đương là Trưởng Phân Khoa, và giảng dạy về môn Chính Thể Đối Chiếu.

    Sau ngày mất nước, Trung Úy Trụ bị giam tại trại lao động khổ sai Trảng Lớn, Tây Ninh. Những ngày đầu, Cộng Sản bắt các tù nhân sửa lại hàng rào dây kẽm gai quanh trại. Trong lúc lao động có nhiều người huýt gió bản nhạc “Cờ Ta Bay Trên Thành Phố Quảng Trị Thân Yêu”. Bỗng nhiên, có tiếng khuyến khích của ông Trụ vang lên:

    – Hay lắm! Chúng ta cùng hát.

    Trong không khí đầy uất hận, mọi người cùng huýt gió bài hát này. Tiếp theo sau là tiếng hát của ông Trụ:

    – Sài Gòn ơi! Chờ quê hương giải phóng…

    Theo tiếng hát, mọi người đều hướng về ông Nguyễn Ngọc Trụ, một người có nước da trắng, đeo cặp kính cận dầy cộm.

    Chuyện phải đến đã đến. Ban chỉ huy trại tù của Cộng Sản đã liên tiếp tổ chức các buổi “học tập” nhằm mục đích tẩy não mọi người, trong đó phải “tự kiểm điểm” và “tự khai báo”… Ông chỉ ghi lý lịch cá nhân còn phần kiểm điểm thì để trống. Dù bị bọn cai tù hăm dọa nhiều lần, ông vẫn cương quyết khẳng định:

    – Nhiệm vụ của tôi là đào tạo một lớp trẻ có đầy đủ khả năng xây dựng Tổ Quốc Việt Nam độc lập, dân chủ, nhân bản để mọi người dân đều được hưởng ấm no, tự do và hạnh phúc. Tôi không có tội!

    Trong một buổi thảo luận tại hội trường có đến 1000 tù nhân và bọn Cộng Sản cao cấp tham dự, ông vẫn bình tĩnh, dõng dạc phát biểu:

    – …Cộng Sản đã lợi dụng xương, máu của dân Việt để phục vụ quyền lợi phe nhóm. Chủ thuyết Cộng Sản là hoang tưởng, lỗi thời, không thuyết phục được con người trong các xã hội văn minh…

    Trung Úy Trụ lại ví con ngựa đã bị bịt mắt với người dân Xã Hội Chủ Nghĩa, rồi hùng hồn nói:

    – Con ngựa phóng trên đồng cỏ, dưới chân là một thảm cỏ xanh mịn như nhung nên nó không biết phía trước là một vực thẳm đang chờ sẵn. Con ngựa đã lao đầu xuống vực sâu vì mắt đã bị bịt. Người dân Xã Hội Chủ Nghĩa chính là những con ngựa đó.

    Khi có 2 tù nhân vượt ngục bị bắt, trại tổ chức một cuộc học tập chính trị, một tên trung tá Cộng Sản từ quân khu đến, nói rằng trong trại có một người cầm đầu một tổ chức phản động. Trung Úy Trụ liền đứng dậy rồi nói:

    – Tôi biết người mà ông định nói là ai? Là tôi chứ gì? Tôi không cầm đầu ai cả? Tôi chỉ bày tỏ chính kiến của tôi. Tôi không thích chế độ Cộng Sản. Ông có muốn nói chuyện với tôi về lý thuyết Cộng Sản không?

    Cả hội trường im phăng phắc! Lúng túng, khựng lại trước hành động đầy bất khuất, anh dũng của Trung Úy Trụ, tên cán bộ chính trị vội vã tránh né lời thách thức đầy khí khái, anh hùng đó, nói:

    – Tôi sẽ nói chuyện với anh sau!

    Cộng Sản đã tổ chức ba buổi học tập chính trị nhằm khuất phục Trung Úy Trụ. Trước những lý luận đanh thép, hùng hồn và bén nhạy của ông, Cộng Sản đã quyết định giết ông. Trước hết, chúng biệt giam ông. Giữa tháng 5 năm 1976, ông bị chuyển về Trung Tâm An Dưỡng Biên Hòa rồi bị nhốt vào trong một thùng sắt (conex).

    Cuối tháng 10 năm 1976, Cộng Sản mở “phiên tòa xét xử” Trung Úy Nguyễn Ngọc Trụ tại khu An Dưỡng Biên Hòa do một tên trung tá dẫn đầu và một tên làm công tố viên. Cũng như bao nhiêu phiên tòa khác của Cộng Sản, phiên toà không có tang chứng, nhân chứng, cũng không có luật sư. Trung Úy Trụ khẳng khái phủ nhận hết những cáo buộc vô căn cứ của chúng và lại đưa ra những sự kiện chứng minh rằng Cộng Sản mới chính là những kẻ có tội với dân tộc. Ông dõng dạc, can trường nói tiếp:

    – “Công lý luôn luôn chiến thắng. Tôi tuyệt đối tin tưởng vào công lý và chấp nhận mọi hậu quả cho niềm tin đó.”

    Sau lời phát biểu của Trung Úy Trụ, chỉ sau 10 phút tên trung tá chánh án đọc hai trang giấy được đánh máy sẵn từ những ngày trước, rồi vội vã tuyên án tử hình… Trung Úy Trụ biết trước kết quả của “phiên tòa Kangaroo” nên rất bình thản, nói lớn:

    – Đừng bịt mắt tôi. Chào các anh em ở lại. Tôi đi!

    Sợ Trung Úy Trụ phát biểu tiếp, một tên bộ đội Cộng Sản vội vã chạy đến, nhét giẻ vào miệng của ông.


    -IV-

    Những chiến sĩ can trường nói trên, từng là những người xuất thân từ Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam hoặc đã phục vụ tại đây, đã về với hư vô; nhưng gương hy sinh cũng như lòng kiên cường, bất khuất của họ đã nêu cao chính khí sáng ngời của Lý Tưởng Quốc Gia Dân Tộc mà người chiến sĩ luôn tận tụy cống hiến cho đất nước. Những gương hy sinh đó đã in sâu vào tâm khảm mọi người và luôn là những gương sáng ngời cho những ai đang kiên trì đấu tranh chống bạo quyền Cộng Sản, tay sai của kẻ thù phương Bắc, hầu đem lại một nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ và phú cường.

    Võ Nhẫn – K20.

    Không có nhận xét nào