Header Ads

  • Breaking News

    Vương Kỳ Sơn đến Seoul mang theo thông điệp của Tập dành cho Mỹ



    Đàm phán đang âm thầm diễn ra để chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh với Biden

    Đầu tuần này, Washington đã tiến hành một loạt các hoạt động ngoại giao cấp cao nhất ở châu Á. Chủ đề cơ bản trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Bộ tứ, và việc ra mắt Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là cách đối phó với Trung Quốc.

    Trong khi đó, quan hệ Mỹ-Trung đang đứng bên bờ vực thẳm. Đây là một mối quan tâm lớn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi ông cố gắng nắm giữ vị trí lãnh đạo tối cao của đất nước trong Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu năm nay.

    Việc dư luận Trung Quốc đang chia rẽ trong vấn đề cuộc chiến ở Ukraine đã khiến Tập lo lắng.

    Trong hoàn cảnh đó, ông quyết định thực hiện một động thái chiến lược, âm thầm.

    Tập dường như đã nhờ cậy Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn, một đồng minh lâu năm của ông, tìm cách đưa quan hệ với Washington trở lại đúng hướng. Vương có mối liên hệ chặt chẽ với Phố Wall, nhờ nhiều năm đảm đương nhiệm vụ giám sát lĩnh vực tài chính và thương mại của Trung Quốc.

    Ngày 10/05, khi tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tổ chức lễ nhậm chức, Vương được cử đến như “đại diện đặc biệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.” Ông cũng trao cho vị tân tổng thống một bức thư riêng từ nhà lãnh đạo Trung Quốc.


    Yoon Suk-yeol trò chuyện cùng Vương Kỳ Sơn sau khi nhậm chức ở Seoul vào ngày 10/05. Chính xác thì Vương đã mang theo bao nhiêu thông điệp vào ngày hôm đó? © Reuters

    Phân tích phổ biến của sự kiện ngày hôm đó là, khi cử một quan chức cấp cao bất thường tới Hàn Quốc dự lễ nhậm chức tổng thống, Tập đang báo hiệu rằng ông coi trọng quan hệ với quốc gia láng giềng.

    Nhưng nếu Vương còn một nhiệm vụ quan trọng khác thì sao?

    Phái đoàn Mỹ đến Hàn Quốc hôm ấy do Douglas Emhoff, phu quân của Phó Tổng thống Kamala Harris, dẫn đầu. Thành viên đoàn đi cùng ông như Bộ trưởng Lao động Martin Walsh, các nhà lập pháp Ami Bera và Marilyn Strickland, Trợ lý Đặc biệt của Tổng thống về Các Vấn đề Nhân sự Linda Shim và Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Todd Kim.

    Các nguồn thạo tin cho biết, trong chuyến thăm ngắn này, Vương đã gửi tín hiệu tới phái đoàn Mỹ nhằm thể hiện rằng Trung Quốc đã sẵn sàng đối thoại. Ông đang tìm cách đánh giá xem liệu có khả năng diễn ra một cuộc gặp cấp cao nào đó giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai gần hay không.

    Thời cơ đang đứng về phía ông. Không khí lễ hội ở Seoul và nhịp sống hối hả của thành phố đã cho phép Vương hành động mà không thu hút sự chú ý.


    Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (bên phải), bắt tay Douglas Emhoff, phu quân của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, vào ngày 10/05 tại Seoul. Emhoff là một thành viên trong đoàn đại biểu lớn của Mỹ đến dự lễ nhậm chức của Yoon. © AP

    Danh hiệu khác thường – “đại diện đặc biệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình” – đã giúp Vương có thêm sức ảnh hưởng. Đó là một vai trò mà các quan chức khác của Trung Quốc, như nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị, sẽ không bao giờ có thể đảm đương được.

    Thông điệp được chuyển đi trong âm thầm ở Seoul đã đem lại thành quả chỉ một tuần sau đó, khi Dương Khiết Trì có cuộc trò chuyện qua điện thoại với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan.

    “Phía Mỹ đã nhiều lần nói rõ rằng họ tuân theo chính sách ‘một Trung Quốc’ và không ủng hộ ‘Đài Loan độc lập’. Tuy nhiên, các hành động và tuyên bố gần đây của Mỹ về vấn đề Đài Loan lại khác biệt hoàn toàn,” một dòng tin của Tân Hoa Xã trích lời Dương. “Nếu phía Mỹ vẫn tiếp tục dùng ‘quân cờ Đài Loan’ và dấn thân sâu hơn vào con đường sai lầm, hành động đó chắc chắn sẽ khiến tình hình trở nên cực kỳ nguy hiểm.”

    Nhưng điều có thể còn quan trọng hơn là câu nói nằm ở cuối bản tin, “Hai bên cũng trao đổi quan điểm về Ukraine, và tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, cùng một số vấn đề quốc tế và khu vực khác.”

    Ý nghĩa của câu này là Trung Quốc đang ra hiệu rằng, nếu Biden kiềm chế không đi xa hơn về vấn đề Đài Loan trong chuyến công du châu Á của mình, Trung Quốc có thể sẽ hợp tác ở một mức độ nhất định về tình hình Ukraine và trên Bán đảo Triều Tiên, trong lúc Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân khác.

    Sẽ không có gì lạ nếu Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh Biden-Tập. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đưa thêm một số yêu cầu khác, gồm việc loại bỏ, hoặc chí ít là cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, vốn được áp đặt từ thời Trump.


    Dương Khiết Trì của Trung Quốc và Jake Sullivan của Mỹ ngồi đối diện nhau tại Rome hồi tháng 3. Hai người đã nói chuyện qua điện thoại một tuần sau khi Vương Kỳ Sơn đến Seoul. © Tân Hoa Xã qua AP

    Đây là một tình huống thuận lợi cho Nhà Trắng trước chuyến thăm châu Á của Biden. Nếu Bắc Kinh quan tâm đến một hội nghị thượng đỉnh trong tương lai gần, thì nước này sẽ không thực hiện bất kỳ cuộc phiêu lưu quân sự bất ngờ nào trong suốt chuyến đi của Biden.

    Điều thú vị là một ngày sau, tức ngày 19/05, Sullivan đã ẩn ý rằng một cuộc đối thoại Biden-Tập có thể xảy ra trong tương lai không xa.

    “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu, trong những tuần tới, Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập nói chuyện lại với nhau,” Sullivan phát biểu trên chiếc chuyên cơ Không lực Một trên đường tới Hàn Quốc. Nhận xét của Sullivan cho thấy, ít nhất là đến ngày 19/05, liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn diễn ra suôn sẻ.

    Giữa các quan chức Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện đồn đoán rằng đàm phán Tập-Biden có thể được tổ chức vào cuối tháng 5, ngay sau hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ tứ ở Tokyo.

    Ngoài ra, còn có một tín hiệu quan trọng khác. Một lần nữa, chính Sullivan lại là người tiết lộ điều đó. Trong cuộc họp báo hôm Chủ nhật, cố vấn an ninh quốc gia của Biden cho biết Đài Loan sẽ không tham gia IPEF vào thời điểm này.

    Đây được xem là một cử chỉ thiện chí từ phía Mỹ đối với Bắc Kinh.

    Việc Vương Kỳ Sơn tới Hàn Quốc – đóng vai trò là cầu nối giữa Trung Quốc và Mỹ – cũng rất quan trọng đối với bối cảnh chính trị trong nước của Trung Quốc. Nó cho thấy rằng, bất chấp những tin đồn về sự rạn nứt giữa Tập và Vương, mối quan hệ giữa hai ông vẫn vững chắc.

    Sau cùng thì Tập vẫn nhờ đến Vương khi sóng gió chính trị ngày càng mạnh mẽ hơn. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái đột ngột, chí ít thì Tập cần quan hệ Trung-Mỹ phải ổn định.

    Nửa thế kỷ trước đây, Tập và Vương đã có thời gian cùng nhau đến Diên An, tỉnh Thiểm Tây, trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa. Cả hai đều là những “thanh niên trí thức” từ thành thị được đưa về sống và làm việc tại các làng quê. Đối với Tập, Vương giống như một người anh lớn.

    Khi Tập thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp vào tháng 03/2018, để chức vụ Chủ tịch nước không còn bị giới hạn trong hai nhiệm kỳ 5 năm, những ràng buộc tương tự đối với chức Phó Chủ tịch cũng được xóa bỏ. Về mặt kỹ thuật, Vương có thể giữ chức Phó Chủ tịch vô thời hạn, tùy thuộc vào cách nghĩ của Tập.


    Trưởng thành cùng nhau, Vương giống như một người anh lớn của Tập. Liệu rằng ông sẽ ở lại vị trí Phó Chủ tịch thêm bao lâu? © Reuters

    Giờ đây, khi các cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Mỹ và Bộ tứ đã kết thúc, câu hỏi đặt ra là liệu ý định thực hiện trao đổi cấp cao của Trung Quốc có thay đổi hay không.

    Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ở Tokyo hôm thứ Hai, Biden được hỏi liệu ông có sẵn sàng tham chiến để bảo vệ Đài Loan hay không, dù ông đã không làm thế ở Ukraine.

    “Có”, Biden trả lời và nói thêm rằng, “đó là một cam kết mà chúng tôi đã thực hiện.”

    Nhận xét của Biden về Đài Loan đã tạo ra phản ứng dữ dội từ Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc thực sự nhìn nhận và hành xử như thế nào trước lời khẳng định này.

    Cũng trong cuộc họp báo này, Biden cho biết ông đang “xem xét” hạ mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, và đây sẽ là một lợi ích cho Tập.

    Nếu một thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung diễn ra trong thời gian tới, Tập sẽ nói gì với Biden? Bên cạnh việc đề cập những điểm thường thấy về Đài Loan, ông chắc chắn sẽ thể hiện rằng mình không hề có ý định phá hoại quan hệ của Trung Quốc với Mỹ.

    Tập Cận Bình có rất ít lựa chọn. Một quan hệ Trung-Mỹ xấu đi sẽ chỉ giúp những thành viên lớn tuổi và các phe phái đối thủ trong đảng có thêm cái cớ để phản đối việc ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba.

    Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn do chính sách “zero-covid” cũng như các chính sách kinh tế đàn áp các công ty tư nhân do chính Tập đề xuất. Giờ đây, vị chủ tịch nước không còn khả năng tiếp tục một đường lối cứng rắn với Mỹ

    Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cao cấp của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

    Không có nhận xét nào