Header Ads

  • Breaking News

    Chiếm đoạt nước trong lưu vực Mekong

    Phân tích kẻ thắng và người thua của việc phát triển Thủy điện của Thái Lan ở Lào PDR

    (Water Grabbing in the Mekong Basin – An Analysis of the Winners and Loosers of Thailand’s Hydropower Development in Lao PDR)

    Nathanial Matthews – Bình Yên Đông lược dịch

    Xayaburi dam-AFP

    Đập Xayaburi trên sông Mekong ở Lào PDR. [Ảnh: AFP]

    PHẦN GIỚI THIỆU

    Khi sông Mekong mở đường từ nguồn ở cao nguyên Tây Tạng đến Biển Đông, nó nuôi dưỡng một lưu vực là nơi cư trú của một dân số khoảng 70 triệu người và có đa dạng sinh học phong phú nhất (Grumbine and Xu, 2011).  Đa dạng sinh học nầy bao gồm nền thủy sản nội địa lớn nhất trên thế giới với trên 1.300 loại cá gồm nhiều loại bản xứ chẳng hạn như các tra dầu khổng lồ Mekong và cá heo sông Mekong (Barlow et al., 2008).  Tuy nhiên, hầu hết sinh thái đặc thù của lưu vực và sinh kế dựa vào nó đang bị đe dọa từ quan tâm toàn cầu được làm mới trong việc phát triển thủy điện, nếu được quy hoạch kém sẽ có những hậu quả môi trường và xã hội tàn khốc (Molle et al., 2009; Pearse-Smith, 2012).

    Sự sống lại của thủy điện toàn cầu nầy đang được thúc đẩy bởi nhu cầu gia tăng của năng lượng sạch, điện giá rẻ và lợi nhuận tiềm tàng (IEA, 2011; Hackney and Westhuizen, 2011).  Hầu hết tiềm năng phát triển thủy điện toàn cầu còn lại hiện diện ở Phi Châu, Á Châu và Mỹ La Tinh.  Theo phúc trình năm 2011 của Cơ quan năng lượng Quốc tế (International Energy Agency (IEA)), thủy điện toàn cầu có thể tăng đến 85% vào năm 2050, một mức gia tăng 150 đến 200 GW công suất mới (IEA, 2011).  Chỉ riêng các công ty quốc doanh của Trung Hoa, chẳng hạn như Nhóm Sinohydro và Tổ hợp Dongfang Electric; được tài trợ bởi các ngân hàng Trung Hoa, đang xây khoảng 300 dự án trong 78 quốc gia trên khắp thế giới (Hackney and Westhuizen, 2011).

    Qui mô của sự bùng nổ thủy điện ở Đông Nam Á (ĐNA) có lẽ được thấy tốt nhất ở Lào PDR.  Quốc gia nhỏ không có bờ biển nầy, đóng góp 35% nước cho sông Mekong, có trên 60 đập được quy hoạch hay đang xây cất gồm có các kế hoạch cho 9 đập trên dòng chánh (xem Hình 2) (Grumbine and Xu, 2011).  Thái Lan là 1 trong những nhà đầu tư chánh trong thủy điện ở Lào PDR.  Chánh phủ Lào PDR (GoL) đã cam kết để cung cấp 7.000 MW cho Thái Lan vào năm 2015 (GoL, 2010b). Đập Xayaburi trị giá 3,6 tỉ USD đầy tranh cãi ở Lào, nếu được xây cất, sẽ là đập trên dòng chánh đầu tiên ở hạ lưu Mekong, được tài trợ bởi các ngân hàng Thái và được phát triển bởi một công ty xây cất Thái.

    Thủy điện là một nguồn điện rẻ tiềm tàng với lượng phóng thích khí nhà kiếng thấp hơn so với việc đốt hydrocarbons (Barros et al., 2011; Chanudet et al., 2011).  Tuy nhiên, các đập cũng có thể có những ảnh hưởng tiêu cực đáng kể.  Chúng có thể dời cư dân số, phá hủy văn hóa, và thay đổi lưu lượng, nhiệt độ, phẩm chất nước, lượng phù sa và các hệ sinh thái dựa vào nước, làm cho nó không dùng được cho thủy nông, các dịch vụ môi trường, thủy sản và sinh kế.

    Việc chiếm đoạt nước xảy ra trong việc phát triển thủy điện khi một quốc gia mạnh và các diễn viên tư nhân có thể huy động sức mạnh để kiểm soát lợi ích của thủy điện trong khi sinh kế và hệ sinh thái dựa vào nguồn nước mà thủy điện gây xáo trộn chịu ảnh hưởng tiêu cực (xem phần giới thiệu cho số đặc biệt nầy).

    Bài viết nầy cho thấy rằng trong Mekong, một hội tụ của các động cơ và các yếu tố làm dễ dàng đã tạo nên những cơ hội để quốc gia mạnh và các diễn viên tư nhân từ Thái Lan và Lào PDR huy động sức mạnh chánh trị, tổ chức và kinh tế để kiểm soát lợi ích của thủy điện trong khi các ảnh hưởng xã hội và môi trường bị bỏ qua, vì thế hình thành một hình thức chiếm đoạt nước.

    Bằng cách sử dụng đường lối sinh thái chánh trị, những động cơ và yếu tố làm dễ dàng, và kẻ thắng và người thua của việc chiếm đoạt nước trong nghiên cứu trường hợp ở Thái Lan và Lào PDR được cứu xét.  Phần thứ nhất cung cấp bối cảnh của các diễn viên thủy điện then chốt của khu vực và phác họa khuôn khổ chiếm đoạt nước.  Phần tiếp theo xem xét những động cơ từ trong Thái Lan.  Rồi tôi thăm dò môi trường làm dễ dàng ở Lào, trước khi phân tích vai trò của hợp tác quốc gia trong khu vực trong việc chiếm đoạt nước.  Bài viết kết thúc bằng một số nhận xét về chiếm đoạt nước và phát triển thủy điện trong lưu vực và trên khắp thế giới.

    BỐI CẢNH, PHÁC HỌA VÀ KHUÔN KHỔ

    Thủy điện trong lưu vực Mekong đã được cứu xét từ thập niên 1950s, nhưng vì một số yếu tố gồm có xung đột, thiếu tài chánh, rủi ro chánh trị, địa dư khó khăn và lo ngại môi trường, rất ít đã thành hiện thực.  Trong một phúc trình chánh sách có ảnh hưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) (WB/ADB, 2006) ước tính rằng chỉ có 10% của tiềm năng thủy điện của lưu vực đang được sử dụng.  Những ước tính và phúc trình nầy trong đó chúng có vẻ ám chỉ rằng lưu vực có ‘sự uyển chuyển và sức chịu đựng’ để gia tăng việc phát triển thủy điện kể cả các đập trên dòng chánh (WB/ADB, 2006).

    Phúc trình 2006 WB/ADB cung cấp một khái niệm hóa nước cá biệt có giọng điệu ủng hộ thủy điện.  Bằng cách nói rằng 80% nước của lưu vực không được dùng cho thủy điện, diễn dịch nầy không đếm xỉa đến nhiều cách sử dụng nước tốt nhất bên trong lưu vực.  Nước trong Mekong được nối liền với văn hóa và sinh kế, và rất cần thiết cho các hệ sinh thái của lưu vực (Dugan et al., 2010; Matthews, 2011).  Một nghiên cứu của Costanza et al. (2011) cho thấy trong tình huống tệ nhất, tính toán mất mát các dịch vụ môi trường, nông nghiệp, thủy sản và du lịch vân vân; nếu tất cả 9 đập trên dòng chánh được xây cất ở Lào PDR, người dân và kinh tế trong lưu vực Mekong sẽ mất tổng cộng 307 tỉ USD của trị giá hiện tại ròng (net present value (NPV)).

    Sức mạnh của các nền kinh tế ĐNA và sự thúc đẩy năng lượng sạch toàn cầu đã khiến thủy điện trở lại với nghị trình phát triển trong Mekong (xem Hình 2).  Ở Lào, một quốc gia với lợi tức đầu người 1.177 USD và một vài tài nguyên thiên nhiên, thủy điện được xem như một nguồn lợi tức quan trọng (World Bank, 2012).  GoL đã chấp nhận một chiến lược mở cửa cho đầu tư và phát triển tài nguyên như một phần của kế hoạch bình điện – nguồn năng lượng – của ĐNA (Bardacke, 1998; AG-DFAT, 2011).  Thủy điện hiện nay đại diện một trong những động cơ chánh của kinh tế với thu nhập xuất cảng vượt quá 4,1 tỉ USD kể từ năm 2001 (Vientiane Times, 2010).  Nếu tất cả các đập được đề nghị trên dòng chánh ở Lào được xấy cất, chúng sẽ tạo nên khoảng 25 tỉ USD trong đầu tư ngoại quốc trực tiếp và 70% thu nhập từ điện xuất cảng, hay 2,6 tỉ USD hàng măn (Stone, 2011).  Hiện có 11 đập đang hoạt động với công suất tổng cộng là 1.914 MW, thêm 7 dự án đang được xây cất và 66 trong giai đoạn quy hoạch hay khả thi gồm có 9 đập trên dòng chánh tính đến 2010 (GoL, 2010a; Hình 2).

    Mặc dù những con số nầy gây ấn tượng về lợi ích tiềm tàng của chúng, cái làm cho những nhà bảo tồn và những nhóm dựa vào tài nguyên thiên nhiên lo ngại là mức độ xây cất nhanh chóng và thiếu cứu xét những ảnh hưởng môi trướng và xã hội.  Hirsch (2004), Lebel et al. (2005) và Molle et al. (2009) tất cả đã phê bình việc phát triển thủy điện trong lưu vực, lập luận rằng nếu không được quy hoạch thích đáng và cứu xét các chi phí môi trường, xã hội và kiến tạo, thủy điện  sẽ tàn khốc cho người dân địa phương và môi trường.  Những chỉ trích của việc phát triển đã cho thấy làm thế nào nhiều đập được xây mà không có đánh giá ảnh hưởng đầy đủ, đánh giá thủy học không đúng, kiến tạo không an toàn, bồi thường và hỗ trợ không đủ cho người dân tái định cư, và ít hay không cứu xét ảnh hưởng của chúng đối với thủy sản, đa dạng sinh học và sinh kế trong vùng (Molle et al., 2009; Foran et al., 2010a).  Trong lưu vực Mekong, thủy sản tự nhiên, chiếm khoảng 47-80% thức ăn chất đạm thú vật, đang lâm nguy vì thủy điện (Hortle, 2007).  Các đập được xây trên các phụ lưu Mekong và dòng chánh đe dọa làm xáo trộn lớn lao nguồn chất đạm động vật nầy và đa dạng sinh học của sông vì 40-70% cá trong lưu vực là di ngư (Barlow et al., 2008; Baran and Myschowoda, 2008).

    Sinh thái chánh trị đã được dùng như một đường lối hữu ích trong việc phân tích phê phán Phát triển Lưu vực Mekong (Bakker, 1999; Sneddon and Fox, 2006).  Sinh thái chánh trị chiếu sáng mối liên hệ giữa chánh trị, sức mạnh, sinh kế và thay đổi môi trường trong một lưu vực nơi đa số dân số dựa vào tài nguyên thiên nhiên.  Sneddon and Fox (2006) cho thấy rằng trong Mekong, như ở nhiều nơi trên thế giới, nước là một tài nguyên được quản lý bởi những diễn viên có sức mạnh.  Chúng nhắc chúng ta rằng hợp tác trong các lưu vực sông có thể đưa đến suy thoái tài nguyên thiên nhiên, do đó ảnh hưởng tai hại người dựa vào chúng.

    Lợi nhuận, hay lợi ích từ thủy điện trong Mekong, đến dưới nhiều hình thức.  Chúng được cụ thể hóa như các hợp đồng xây cất, lợi nhuận từ gỗ, tiền bán điện, giá cổ phần gia tăng, sức mạnh và tham nhũng.  Việc xây cất những đập có qui mô lớn cũng cung cấp một phương tiện cho các quan liêu xây cất đại qui mô để xuất cảng tài chuyên môn, kỹ thuật và thiên vị đến các quốc gia kém phát triển hơn.  Chiếm đoạt nước được định nghĩa ở đây xảy ra khi lợi ích từ thủy điện được kiểm soát bởi các diễn viên có sức mạnh từ Thái Lan và Lào.  Trong nghiên cứu trường hợp nầy, những diễn viên có sức mạnh nầy là những người được lợi hay kẻ thắng từ các cơ hội chiếm đoạt nước, trong khi những hậu quả tiêu cực, gồm có ảnh hưởng môi trường và sinh kế được gánh bởi những nhóm dễ bị tổn thương, những người thua.


    Water grabbing 1

    Hình 1. Tóm tắt các điễn viên có sức mạnh và các yếu tố làm dễ dàng kết hợp để tạo nên cơ hội chiếm đoạt nước giữa Thái Lan và Lào PDR, và người thua của việc chiếm đoạt nước.

    Phân tích sinh thái chánh trị của kẻ thắng người thua của việc chiếm đoạt nước ở Lào PDR cho thấy rằng, ở Lào PDR, các đập thủy điện đang được tiến hành bởi sự can thiệp gia tăng của các diễn viên tư nhân có sức mạnh được nhà nước hậu thuẫn từ Thái Lan và Lào để tìm kiếm lợi nhuận và sức mạnh, trong khi ảnh hưởng tiêu cực của những đập nầy thường bị bỏ quên.  Các đập đang được xây bỏ qua việc quy hoạch nguồn nước lâu dài và bỏ những lợi ích đa dụng tiềm tàng (chẳng hạn như thủy nông và các hồ chứa hỗ trợ thủy sản và du lịch) vì thể đóng các vị trí cho 30-50 năm chỉ chú trọng đến sản xuất điện.  Phân tích trong bài viết nầy cho thấy làm thế nào một tập họp của các cấu trúc chánh trị, kinh tế và tổ chức giữa Thái Lan và Lào PDR cùng với việc thiếu hợp tác đối với quản lý nguồn nước bên trong khuôn khổ chiếm đoạt nước cung cấp một viễn cảnh thay thế cho giọng điệu chánh trị từ khu vực rằng “Thái Lan đang giúp láng giềng sử dụng tốt nhất tài nguyên của họ” (World Bank, 2007).  Hình 1 phác họa những lực lượng nầy và kẻ thắng, người thua, và các yếu tố làm dễ dàng của trường hợp chiếm đoạt nước nầy.

    Trong Hình 1, các phạm vi của các diễn viên chiếm đoạt nước ở Lào PDR và Thái Lan là những người tận dụng cơ hội chiếm đoạt nước qua việc tìm kiếm sức mạnh và lợi nhuận.  Những diễn viên có sức mạnh nầy được lợi hay thắng từ việc chiếm đoạt nước, qua sức mạnh gia tăng hay được lợi kinh tế.  Các yếu tố làm dễ dàng gồm có các điều kiện chánh trị, tổ chức và kinh tế bên trong Lào PDR và khu vực cho phép những diễn viên có sức mạnh kiểm soát lợi ích của việc phát triển thủy điện.  Các cơ hội chiếm đoạt nước được tạo nên khi huy động các diễn viên có sức mạnh cùng với các yếu tố làm dễ dàng cho phép lợi ích của thủy điện được kiểm soát.  Các diễn viên bị đe dọa từ việc chiếm đoạt nước, hay những người thua, bị ảnh hưởng bởi cái giá môi trường và xã hội của việc chiếm đoạt nước nầy, như được phác họa bởi mũi tên lớn, nhưng các mũi tên đứt đoạn cho thấy chúng có ảnh hưởng hạn chế vì sự kết hợp của các yếu tố làm dễ dàng và các diễn viên có sức mạnh quá lớn.

    Bên trong Thái Lan, có một số diễn viên có sức mạnh đang thúc đẩy hiện tượng chiếm đoạt nước.  Cơ quan Phát Điện Thái Lan (Electricity Generating Authority of Thailand (EGAT)) do nhà nước sở hữu liên quan đến việc tài trợ các đập và là cơ quan mua điện chánh và phân phối điện duy nhất bên trong quốc gia.  Phân tích sau đây cho thấy EGAT, cố thủ trong chánh trị Thái, là một cấu trúc tổ chức thích đầu tư hơn những lựa chọn thay thế và thách thức chánh trị chẳng hạn như tiết kiệm năng lượng.  Các nhà sản xuất điện độc lập bên trong Thái Lan và quan tâm gia tăng của thành phần tư nhân Thái, cả nhà đầu tư và các công ty xây cất, trong lợi nhuận tiềm tàng của việc phát triển thủy điện cũng là những diễn viên có sức mạnh thúc đẩy việc phát triển thủy điện cho lợi nhuận. Ch. Karnchang Public Company, công ty xây cất Thái là nhà phát triển chánh của đập trên dòng chánh Xayaburi, loan báo rằng việc xây cất đập sẽ tạo nên 30% tổng số thu nhập của công ty trong năm 2012 (Bangkok Post, 2012).

    Các động cơ từ việc hội tụ của Thái Lan với môi trường chánh trị, tổ chức và kinh tế ở Lào PDR làm dễ dàng việc chiếm đoạt nước.  Ở Lào PDR, việc chiếm đoạt nước được làm dễ dàng bởi việc thiếu khả năng kiểm soát phát triển, thi hành luật pháp yếu kém, tham nhũng, xem thủy điện như năng lượng sạch và hiện đại và một nhà nước bị kiểm soát chặt chẽ.  Điều nầy làm dễ dàng môi trường ở Lào hạn chế các NGOs quốc tế, xã hội dân sự và tự do thông tin, vì thế ngăn cản minh bạch và cung cấp cơ hội để bỏ qua những ảnh hưởng xã hội và môi trường.  Các diễn viên có sức mạnh ở trong nước bị lôi cuốn bởi thịnh vượng tiềm tàng rằng thủy điện cống hiến cho kinh tế và quyền lợi tư nhân (Simpson, 2007; Grumbine et al, 2012).


    Water grabbing 2

    Hình 2.  Các đập thủy điện đang hoạt động, đang xây cất hay đề nghị trong lưu vực Mekong (CPWF, 2010).

    Xã hội dân sự ở trong nước và khu vực cũng đóng một vai trò trong việc chiếm đoạt nước.  Xã hội dân sự là một nhóm diễn viên đa dạng với nhiều nghị trình thỉnh thoảng xung đột.  Theo mục đích của bài viết nầy, xã hội dân sự được xem xét qua ảnh hưởng của nó hay không có ảnh hưởng trong việc quản lý nước và chính xác hơn là thủy điện.  Ở Thái Lan, xã hội dân sự có sức mạnh và khả năng hạn chế đến nghị trình chánh sách và quốc gia, làm ngưng việc xây cất các đập ở trong nước trong lưu vực Mekong (Sneddon and Fox, 2007).  Trong khu vực, các xã hội dân sự từ Thái Lan, Cambodia và Việt Nam đã cùng nhau để chống đối việc xây cất các đập trên dòng chánh (SMH, 2011).  Tuy nhiên, ở Lào, vai trò của xã hội dân sự có ít ảnh hưởng hơn.  Xã hội dân sự căn bản bị cấm, và xã hội dân sự quốc tế chỉ được phép hoạt động trong các giới hạn do chánh phủ đặt ra.

    Sau cùng, phong cảnh của hợp tác khu vực được chú trọng trên cái lợi kinh tế ngắn hạn ngược với việc quản lý lâu dài nguồn nước chung của lưu vực đã ảnh hưởng cơ hội chiếm đoạt nước (Jetschke and Rϋland, 2009; Sneddon and Fox, 2012).  Thiếu hợp tác có ý nghĩa đối với quản lý nguồn nước của khu vực, giữa các quốc gia và trong tổ chức lưu vực khu vực, Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) làm dễ dàng việc chiếm đoạt nầy.  Các quốc gia đang thúc đẩy các nghị trình thủy điện phục vụ cho các nghị trình của nhà nước và tư nhân trong các quốc gia của họ.  MRC cũng có vẻ có hiệu năng hạn chế trong việc quản lý việc phát triển thủy điện vì sự chi phối của chánh trị khu vực, với các đập đang được xây hay đề nghị trên khắp lưu vực theo kiểu không có quy hoạch (xem Hình 2).

    CÁC ĐỘNG CƠ TỪ BÊN TRONG THÁI LAN

    Thái Lan là một quốc gia có lợi tức trên trung bình với lợi tức đầu người cao nhất trong lưu vực Mekong (World Bank, 2011).  Thái Lan đóng một vai trò bản lề trong mậu dịch khu vực ĐNA, với 17% dịch vụ thương mại, 20% nhập cảng và 15% xuất cảng của khu vực (UNESCAP, 2012).  Nhu cầu điện ở Thái Lan gia tăng khoảng 7% một năm là kết quả của tăng trưởng kinh tế quốc gia (Wisuttisak, 2012b).  Thành phần thương mại và kỹ nghệ là thành phần tiêu thụ điện lớn nhất ở Thái Lan, tiêu thụ 35,56% và 42,4%, theo thứ tự, vượt trội trong các vùng đô thị (Teansri et al., 2012).


    Ở Thái Lan, nhà nước và các công ty tư nhân có sức mạnh đang thúc đẩy việc phát triển thủy điện ở Lào PDR để kiểm soát lợi ích của những dự án nầy.  Nhà nước Thái, hành động qua EGAT quốc doanh, có độc quyền trong việc sản xuất và phân phối ở trong nước, và đầu tư tích cực trong các dự án thủy điện và khí đốt thiên nhiên trong các quốc gia láng giềng Lào PDR và Burma [Myanmar] (Wisuttisak, 2012a).  Mặc dù có những nỗ lực đổi mới và giải phóng, thành phần năng lượng Thái có luật cạnh tranh yếu ở trong nước, thiếu độc lập tổ chức và quy định yếu, đã cho phép EGAT nắm và sử dụng sức mạnh đáng kể và ảnh hưởng đầu tư của nhà nước và tư nhân (Wisuttisak, 2012a).

    Đầu tư thủy điện của EGAT và kiến trúc của thành phần năng lượng Thái cũng tạo nên một số cơ hội cho các diễn viên thành phần tư nhân ở Thái Lan.  Con số gia tăng của các ngân hàng Thái, công ty xây cất, và các nhà sản xuất điện độc lập đang đầu tư hay xây cất các dự án thủy điện với EGAT (Middleton et al., 2009).

    Ở Thái Lan, không giống như Lào, xã hội dân sự cũng đóng môt vai trò quan trọng trong việc kiểm soát những đầu tư của nhà nước trong năng lượng.  Từ 1960 đến 1990, các chánh sách năng lượng của nhà nước Thái chú trọng đến các dự án thủy điện ở trong nước (Hirschh, 1995).  Tuy nhiên, với sự chống đối mạnh mẽ của xã hội dân sự đối với đập Pak Mun và Rasi Salai trong thập niên 1990s, các dự án thủy điện ở trong nước ngưng lại.  Với thủy điện, một vấn đề nhạy cảm chánh trị ở Thái Lan, EGAT buộc phải nhìn sang các quốc gia láng giềng nơi thủy điện có thể được xây với ít ràng buộc (Hirsch, 1995).


    Vai trò kép của EGAT như là nhà cung cấp và phân phối điện có nghĩa là họ có quyền lợi được bảo đảm trong nhu cầu năng lượng cao, thúc đẩy việc phát triển thủy điện.  Quyền lợi được bảo đảm nầy có kết quả trong, cùng những vấn đề khác, những tiên đoán năng lượng không tin cậy.  Từ 1992 đến 2007, Kế hoạch Phát triển Điện của EGAT tiên đoán nhiều hơn nhu cầu 12 lần liên tục (Greacen and Paletu, 2007), các tính toán nhu cầu năng lượng của EGAT được hoạch định bằng cách lấy nhu cầu năng lượng đỉnh và cộng thêm 15%.  Việc tiên đoán quá mức nhu cầu nầy có thể được EGAT dùng để biện minh cho sự cần thiết của việc xây cất đập thủy điện gia tăng.

    Một vấn đề then chốt khác bên trong thành phần năng lượng Thái thúc đẩy việc phát triển thủy điện ở Lào PDR là trong cấu trúc lợi nhuận của EGAT.  Các lợi nhuận của EGAT hiện nay được giữ ở mức 8,4%.  Để nâng cao trị giá của công ty ra ngoài mức nầy, họ phải gia tăng mức hoàn trả trên vốn đầu tư (Return on Invested Capital (ROIC) (ibid).  ROIC là hoàn trả cho công ty kiếm được trên số tiền được đầu tư trong công ty.  Mô hình nầy có thể hữu hiệu trong một số trường hợp nhất định, nhưng thiếu quy định trong thành phần năng lượng Thái giúp EGAT đầu tư trong các dự án năng lượng tốn kém, nơi họ có thể được lợi từ việc mua, phân phối và bán điện, vì thế gia tăng lợi nhuận.  Các đầu tư tốn kém chẳng hạn như thủy điện được biện minh bởi nhu cầu năng lượng được tiên đoán thổi phồng và trong nền kinh tế đang tăng của Thái, nơi tài chánh càng ngày càng có sẵn và có nhiều nhà đầu tư tiềm tàng.

    Điện giá rẻ cho người tiêu thụ và kỹ nghệ rất quan trọng để thành công của các đảng chánh trị.  Ở Thái Lan, sức mạnh của điện ở trung tâm của chánh trị quốc gia trong 3 thập niên vừa qua và tiếp tục để đóng một vai trò nổi bật.  Trong 30 năm qua, nhu cầu điện của Thái Lan đã tăng 3-7% (Javis, 2010).  Hầu hết sự gia tăng nầy đã được khuyến khích của các chánh sách của chánh phủ để gia tăng đầu tư trong thành phần kỹ nghệ và bởi sự tiêu thụ hàng hóa điện tử gia tăng của nhiều gia đình giàu có ngày càng tăng.  Hiện nay Thái Lan dựa vào khí đốt thiên nhiên để cung cấp 70% nhu cầu điện của quốc gia (EPPO, 2007).  Với khoảng 30 năm cung cấp còn lại, thủy điện càng ngày càng được đề cử để nhận lấy nhu cầu nầy và cung cấp một nguồn năng lượng tái tạo sạch.

    Kể từ năm 1969, doanh nghiệp quốc doanh chịu trách nhiệm cho tất cả đường dây dẫn điện và đa số việc sản xuất điện ở Thái Lan là EGAT.  EGAT đã cố gắng để là tay chơi hàng đầu trong thành phần năng lượng Thái đang giữ việc kiểm soát quan liêu ưu thế mặc dù nhiều thập niên thách thức chánh trị và đổi mới tư nhân hóa.

    Trong thập niên 1970s và 1980s, EGAT, chật vật dưới chi phí khổng lồ và nợ nần đang phát triển, thực hiện một loạt đổi mới như một phần của các khoản nợ điều chỉnh cấu trúc có điều kiện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monaetary Fund (IMF)) và Ngân hàng Thế giới (WB).  Những đổi mới nầy kêu gọi tư nhân hóa EGAT và giới thiệu các nhà sản xuất điện độc lập do tư nhân điều hành (IPPs) (Wisuttisak, 2012b).

    Những đổi mới ban đầu nầy có rất ít thay đổi thật sự trong cấu trúc sức mạnh bên trong thành phần năng lượng Thái.  EGAT cố thủ vị thế của họ bằng cách mua những quyền lợi đáng kể trong nhiều IPPs vừa xuất hiện.  EGAT hiện sở hữu 45% cổ phần của Ratchaburi Electricity Generating Holding Public Company Limited (RATCH) (Công ty Cổ phần Công cộng Giới hạn Phát Điện Ratchathani) và 25,5% cổ phần trong Electricity Generating Public Company Limited (EGCO) (Công ty Phát Điện Công cộng Giới hạn), là 2 IPPs lớn nhất của quốc gia.  Hơn nữa, nhiều thành viên hội đồng IPP là cựu nhân viên của EGAT.  Mô hình IPP ở Thái Lan hiện hữu ở tên chứ không ở thực tế.  Trong thực tế, những diễn viên có sức mạnh nầy, EGAT và IPPs, thì gần hơn với hợp tác công tư với nhà nước Thái nắm ảnh hưởng đáng kể (Wisuttisak, 2012b).

    Được bắt đầu bởi khủng hoảng tài chánh Á Châu năm 1997, IMF, như một phần của gói bảo lãnh cho quốc gia, một lần nữa kêu gọi những đổi mới quan trọng cho thành phần điện Thái gồm có quy địn và đi nhanh hơn đến tư nhân hóa.  Những đổi mới nầy được đáp ứng với sự chống đối vững vàng của EGAT và hầu hết dân số Thái.  Người tiêu thụ lo sợ giá cả gia tăng, những người của nghiệp đoàn sợ mất việc và những người quốc gia lo sợ sở hữu ngoại quốc.  Tính không được quần chúng ưa chuộng của những đổi mới nầy và tình hình kinh tế đã lót đường cho thay đổi chánh trị.  Với việc bầu người theo phái dân kiểm, Thủ tướng Thaksin Shinawatra, các đổi mới tư nhân hóa được ngưng lại và EGAT trở thành một ‘vô địch quốc gia’, một công ty quốc doanh được bảo vệ, và lấy lại sự hậu thuẫn chánh trị hoàn toàn nó từng hưởng thụ, củng cố thêm vị thế hàng đầu của thành phần năng lượng (Chirarattananon and Nirukkanapon, 2006; Wattana et al., 2008).

    Lời kêu gọi đổi mới thành phần điện một lần nữa đứng đầu nghị trình chánh trị sau cuộc đảo chánh năm 2006 lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra.  EGAT mất tình trạng vô địch quốc gia và có vẻ quy định và gia tăng tư nhân hóa không thể tránh (Wisuttisak, 2012a).  Trong năm 2007, Luật Kỹ nghệ Năng lượng được thi hành và thiết lập Ủy hội Kiểm soát Năng lượng (Energy Regulatory Commission (ERC)) (ibid).  Nhiệm vụ của ERC là kiểm soát độc lập thành phần năng lượng và cung cấp một sự ngăn chận ưu thế của EGAT.  Trong thực tế, có rất ít thay đổi kể từ năm 2007, một phần do bất ổn chánh trị ở trong nước và cố thủ tổ chức của EGAT nắm giữ sức mạnh trong 30 năm (Wattana et al., 2008; Wisuttisak, 2012a,2012b).  Với việc bầu cử 2011 phái dân kiểm của Thủ tướng Yinluck Shinawatra (em của Thaksin), EGAT có thể tiếp tục kiểm soát việc phát triển năng lượng của quốc gia cho tương lai có thể thấy trước.

    Việc giới thiệu mô hình IPP và tư thế của EGAT như một nhà sản xuất, mua và cung cấp điện trong vùng có tiềm năng để ảnh hưởng số đập thủy điện đang được xây cất và cách chúng được xây cất.  EGAT đối mặt với xung đột quyền lợi trong đó nó muốn điện giá thấp, nhưng cũng nhắm nâng cao lợi nhuận của IPPs.  Vì EGAT có quyền lợi trong IPPs, nó có thể khuyến khích chúng sử dụng vốn của chúng như cánh tay phát triển của mình.  Nhiều IPPs ở Thái Lan đang ra dấu ý muốn của mình để được mua ở nước ngoài ở ĐNA (Wood, 2010).  Những đầu tư nầy gia tăng ảnh hưởng của chúng và nâng cao giá cổ phần vì thế gia tăng lợi nhuận của EGAT.  Bằng cách duy trì độc quyền cung cấp điện, EGAT bảo đảm rằng người tiêu thụ không có sự lựa chọn để mua điện từ nhà cung cấp khác có thành tích xanh (Wisuttisak, 2012b).  Cấu trúc hiện nay của EGAT là kết quả của việc kiểm soát giá ưu đãi EGAT với cái giá của người tiêu thụ Thái (Wisuttisak, 2012b).

    Như được phác họa ở trên, IPPs và EGAT được chú trọng trên điều khoản của điện giá rẻ và việc xây cất đập để gia tăng lợi nhuận.  Chú trọng trên đập nầy để cung cấp điện có thể đưa đến việc xây cất các đập thủy điện được tối ưu cho mục đích sản xuất điện duy nhất thay vì kết hợp các lợi ích đa dụng.  Các đập thủy điện có thể được xây cất để kết hợp một số lợi ích không phải điện gồm có thủy nông, chuyển phù sa, và hồ chứa nước cung cấp nơi cư trú cho cá và có thể được dùng như các hồ nhân tạo.  Tuy nhiên, nhà nước và các diễn viên có sức mạnh trong thành phần năng lượng Thái khuyến khích thủy điện được xây nhanh chóng và chỉ chú trọng đến sản xuất điện cho Thái Lan.  Điều nầy có thể khiến cho lợi ích tiềm tàng của đập bị bỏ quên.  Tối ưu cho điện không thôi trong thủy điện khóa chặt vị trí trong 30-50 năm vào một đường phát triển duy nhất và ngăn chận nước được dùng cho các hoạt động có giá trị cao hơn trong tương lai.  Điều chỉnh sau khi xây cất của thủy điện để cho phép thủy nông thường được xem là không khả khi.

    Các nhà đầu tư khu vực bị lôi kéo bởi hoàn trả tiềm tàng cao để đầu tư trong các dự án thủy điện.  Như sẽ được trình bày trong phân tích nầy, những hoàn trả được làm cao hơn bởi môi trường làm dễ dàng ở Lào PDR cho phép các nhà phát triển tối đa hóa lợi nhuận với tổn hại của đa số dân số Lào PDR và môi trường.  Các nhà đầu tư tư nhân cũng hấp dẫn hơn đối với các nhà phát triển vì đầu tư của họ không đến với những hướng dẫn xã hội và môi trường kiểm soát đầu tư của WB và ADB (Shankleman, 2009; Grumbine et al., 2012).

    Cấu trúc của thành phần năng lượng Thái, sức mạnh chánh trị cố thủ của EGAT, và lợi nhuận tiềm tàng đã khuyến khích EGAT và thành phần tư nhân để xây các đập thủy điện và thăm dò các lựa chọn điện giá rẻ đã góp phần vào các Biên bản Ghi nhờ (Memoranda of Understanding (MOUs)) để mua điện được ký kết với Lào PDR đến 7.000 MW vào năm 2015 với đa số nguồn cung cấp nầy đến từ thủy điện.  Hiện nay, khoảng 1.450 MW đang được cung cấp (Foran et al., 2010b; Cruz-del Rosario, 2011).

    Xã hội dân sự Thái đã đóng một vai trò trong việc hình thành chánh sách năng lượng bên trong và bên ngoài quốc gia.  Nó đã chống đối mạnh mẽ việc xây cất thủy điện ở Thái Lan và việc xây cất đập trên dòng chánh ở Lào PDR.  Theo Văn phòng Quy hoạch và Chánh sách Năng lượng Thái (Thai Energy Policy and Planning Office (EPPO)), tiềm năng thủy điện hiện hữu ở Thái Lan là 15.155 MW chỉ có 3.438 MW là công suất thiết trí (EPPO, 2010 trích trong Sawangphol and Pharino, 2011).  Mặc dù với tiềm năng thủy điện ngầm nầy, có sự thiếu vắng đầu tư đáng kể ở Thái Lan.  Thủy điện ở trong Thái Lan trở thành một vấn đề chánh trị hay sinh sự trong thập niên 1990s với việc phát triển đập Pak Mun và Rasi Salai và sự nổi dậy sau đó của Assembly of the Poor (Hội đồng của Người nghèo) (Missingham, 2003).  Tính không ưa chuộng thủy điện ở Thái Lan của xã hội dân sự Thái khiến cho không có thêm các dự án thủy điện đại qui mô được xây cất ở trong nước.  Xã hội dân sự Thái đã lớn tiếng trong việc bảo đảm rằng các chánh sách năng lượng của Thái Lan không ảnh hưởng tai hại đến tài nguyên thiên nhiên Thái và người dân địa phương (Sukkumnoed et al., 2006; Foran, 2006).  Điều nầy khiến cho EGAT và các nhà đầu tư tư nhân nhìn sang các láng giềng, Lào PDR và Burma để đầu tư thủy điện.

    Xã hội dân sự Thái cũng lớn tiếng chống lại các đập thủy điện dọc theo dòng chánh Mekong.  Trong năm 2011, trên 39 NGOs Thái Lan, Cambodia và Việt Nam với các đối tác quốc tế tham gia vào một chiến dịch khu vực chống lại việc xây cất đập Xayaburi (STM, 2011).  NGOs Thái Lan đã lên tiếng liên tục chống lại việc phát triển đập trên dòng chánh và thủy điện ở sân sau của họ; tuy nhiên, họ có ít ảnh hưởng đối với các quốc gia láng giềng phát triển thủy điện sâu trong biên giới.

    Mặc dù những động cơ từ bên trong Thái Lan để xây thủy điện trong các quốc gia láng giềng, vấn đề an ninh vẫn còn.  Nếu Thái Lan dựa vào các quốc gia láng giềng để có điện, điều nầy có vẻ gây thiệt hại cho an ninh năng lượng của quốc gia (Baumann, 2008).  Rất dễ để cắt đứt một đường dây dẫn điện nhưng khó hơn để dời 1 đập.  Dựa vào Lào PDR để có điện là một rủi ro an ninh tiềm tàng cho Thái Lan, nhưng thực tế là họ có ít chọn lựa cho quỹ đạo đã chọn.  Với một nguồn khí đốt sụt giảm, thành phần năng lương Thái được kiểm soát tập trung, được kiểm soát yếu kém và tìm lợi nhuận trong việc bành trướng thay vì tiết kiệm năng lượng (Wattana and Charma, 2011).  Ngoài ra, Thái Lan có lịch sử mậu dịch lâu dài với Lào PDR.  Mối quan hệ với Burma được thiết lập ít hơn.  Thái Lan đang nhập cảng điện từ Lào PDR trong 40 năm và GoL đươc xem là tương đối ổn định (Foran et al., 2010b).  Tuy nhiên, khuyến khích từ bên trong Thái Lan không thôi không sinh ra đập và chiếm đoạt nước; cần phải có những điều kiện thuận lợi để cho phép đầu tư và xây cất xảy ra.

    MÔI TRƯỜNG DỄ DÀNG Ở LÀO PDR

    Các cơ hội chiếm đoạt nước biểu lộ khi một môi trường dễ dàng cho phép các diễn viên có sức mạnh độc quyền lợi ích của thủy điện trong khi chi phí xã hội và môi trường bị bỏ quên.

    Như được ghi nhận ở trên, Lào PDR mở cửa cho đầu tư thủy điện vào năm 1991.  WB, ADB và UNDP (United Nations Development Programme (Chưng trình Phát triển Liên Hiệp Quốc)) và những quốc gia viện trợ Tây phương khuyến khích Lào PDR phát triển tiềm năng thủy điện lớn lao của họ qua đầu tư thành phần tư nhân (Middleton et al., 2009).  Hàng tỉ đô la trong thu nhập tiềm tàng từ thủy điện có khả năng cung cấp một nguồn thu nhập quan trọng cho Lào PDR và mang lại nhiều lợi ích tích cực.  Mặc dù GoL hoan nghênh đầu tư tư nhân, có nhiều câu hỏi nghiêm chỉnh như liệu khả năng và ý muốn để đáp ứng thích đáng với nhu cầu thủy điện của láng giềng.

    Lào PDR, một quốc gia cộng sản độc đảng, là một trong những quốc gia được kiểm soát cao nhất trên thế giới.  Mặc dù mức tăng trưởng cao trong những năm gần đây đến 7-8%, quốc gia có hạ tầng cơ sở phát triển kém và 27,6% dân số vẫn ở dưới mức nghèo khó (WB, 2012).  Về phát triển thủy điện, một số yếu tố chánh trị, tổ chức và kinh tế cho Lào PDR một ưu thế cạnh tranh đối với các diễn viên có sức mạnh tìm cách để tư bản hóa trên các cơ hội chiếm đoạt nước.

    Lào PDR có những chánh sách mạnh mẽ để kiểm soát việc phát triển thủy điện.  Chúng gồm có Luật Bảo vệ Môi trường (1996), Luật Nước và Nguồn Nước (1996), Luật Điện (1997), và Luật Lâm nghiệp (1996), tất cả đòi hỏi hoàn tất EIAs cho tất cả các dự án phát triển có tiềm năng ảnh hưởng môi trường.  Quyết định EIA (2010) xác định những thành phần và tiến trình của một EIA và đòi hỏi tất cả các dự án phát triển ở Lào PDR phải thực hiện một EIA (Campbell, 2011).  Mặc dù có những chánh sách nầy, một số vấn đề vẫn tồn tại với EIAs ở Lào PDR.

    Những thách thức trong tiến trình đánh giá ảnh hưởng ở Lào PDR không nằm trong việc kiểm soát, nhưng trong việc thực hiện không đồng nhất và việc thi hành các luật lệ hiện hữu và việc thực hiện EIA cùng với sự có mặt của tham nhũng và bản chất đóng cửa của quốc gia.  EIAs ở Lào PDR bắt buộc bởi luật; tuy nhiên, có vẻ như thiếu khả năng từ chánh phủ để theo dõi việc thực hiện và duyệt xét thích đáng số lớn EIAs do đầu tư gia tăng (Foran et al., 2010a).  Trong năm 2008,  Nha Đánh giá Ảnh hưởng Môi trường và Xã hội (Department of Environmental and Social Impact Assessment (DESIA) Lào được thiết lập bên trong Cơ quan Quản trị Nguồn Nước và Môi trường (Water Resources and Environment Administration (WREA)).  DESIA được hỗ trợ bởi WB, và có trách nhiệm duyệt xét EIAs ở Lào PDR; tuy nhiên, tổ chức chỉ được nới rộng gần đây để đáp ứng với nhu cầu hiện tại và có ít ảnh hưởng trong quyết định của chánh phủ (Campbell, 2011).  Đa số khoảng 80 cá nhân hiện làm việc trong Nha là những người vừa tốt nghiệp có ít kinh nghiệm.  Thiếu hợp tác giữa chánh quyền trung ương và địa phương trong tiến trình chấp nhận dự án, với nhiều dự án đầu tư bắt đầu xây cất trước khi được phép hay hoàn tất EIA (Foran et al., 2010a).  Mặc dù có những nỗ lực để cải thiện luật lệ, quy định, chánh sách và chiến lược, viêc cai quản thảo luận và đánh giá ảnh hưởng tổng thể vẫn còn xa lạ (Johnston, 2008; Foran et al, 2010a; Grumbine and Xu, 2011).

    Ở Lào PDR, đập Xayaburi, nếu được hoàn tất, sẽ là đập đầu tiên trên dòng chánh ở hạ lưu Mekong.  Đập nầy sẽ sản xuất 1.260 MW điện với 95% được xuất cảng sang Thái Lan.  Đập sẽ dời cư 2.130 người (ICEM, 2010).  Những vấn đề cố hửu của EIAs ở Lào PDR được biểu lộ trong trường hợp Xayaburi.  Chánh phủ chấp thuận EIA sơ khởi của đập Xayaburi, nhưng sau khi nó được công bố, nó cho thấy một sự thiếu hiểu biết hoàn toàn ảnh hưởng tiềm tàng của đập đầu tiên trên dòng chánh Mekong đối với thủy sản, sinh kế, nông nghiệp và đa dạng sinh học (Lanza, 2011).  Tiến trình Tham vấn Trước và Thỏa thuận (PNPCA) của MRC cung cấp một diễn đàn để nhấn mạnh nhiều lo ngại từ Cambodia, Việt Nam và các NGOs.  Những lo ngại nầy gồm có sự kiện là EIA không những nhìn vào ảnh hưởng trong 10 km ở hạ lưu, không có những nghiên cứu căn bản và có tiến trình tham vấn quần chúng chỉ bao gồm 8% của người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án (Lanza, 2011; Stone, 2011).

    Đập Houay Ho, hoàn tất vào năm 1998 (150 MW với 95% được xuất cảng sang Thái Lan) là một thí dụ khác của những vấn đề cố hữu trong tiến trình EIA ở Lào PDR.  EIA của Houay Ho được hoàn tất 2 năm sau khi xây cất (Khamin, 2008).  Như được trích trong Khamin (2008), một quan sát viên từ Bộ Kỹ nghệ và Thủ công nghệ trước đây của GoL, nói, “nó có mùi thối.  Chúng tôi chưa bao giờ thấy bất cứ nghiên cứu nào cho dự án.  Tôi nghĩ không có nghiên cứu nào được làm”.  Trong năm 2001, ADB gởi Electrowatt-PA Consulting đến vị trí Houay Ho để hoàn tất một đánh giá về tái định cư.  Phúc trình nói rằng “cải thiện trong việc thực hiện các chương trình tái định cư cho các dự án IPP [các nhà sản xuất điện độc lập] được đòi hỏi – một phần đáng kể của những đòi hỏi tái định cư căn bản được đồng ý từ các vị trí Houay Ho và Xe Pian Xe Namnoi vẫn chưa đạt được” (ADB, 2003).  Phúc trình cũng nhấn mạnh đến một số vấn đề của tái định cư, gồm có phẩm và lượng nước kém, không đủ đất cho gia súc gậm cỏ, trường học và bệnh xá được trang bị kém (ADB, 2003).  Đập, dời cư khoảng 4.000 người, chưa cung cấp bồi thường cho dân làng bị ảnh hưởng (Delang and Toro, 2011).  Lợi nhuận từ chi phí xây cất có vẻ đi trước các lo ngại kỹ thuật, xã hội và môi trường.

    Nam Mang 3 (50MW với 95% được xuất cảng sang Thái Lan) cũng được xây mà không có EIA (Mainusch et al., 2009).  Đập được xây dựa trên một bản vẽ tiền khả thi mà không có thiết kế kỹ thuật (RMR, 2002).  EIA cho đập, được hoàn tất sau khi xây cất, ước tính rằng 2.746 người sẽ bị ảnh hưởng và chi phí giảm nhẹ là 6,6 triệu USD, đặt những câu hỏi nghiêm trọng đến khả năng đứng vững tài chánh của đập (RMR, 2002).  Như được tuyên bố trong phúc trình tham vấn của RMR (2002) “chắc chắn là khả năng của Điện lực Lào (Électricité du Laos (EdL)) để quản lý các ảnh hưởng xã hội và môi trường của Dự án, và khả năng của GoL để theo dõi và thi hành các quy định môi trường quốc gia cần được nới rộng hơn”.  Không có tin tức về việc xây đập được cung cấp cho dân làng bị ảnh hưởng.  Điều nầy khiến cho 40 dân làng võ trang đi đến vị trí xây cất để yêu cầu tin tức về bồi thường và dời cư (International Rivers, 2003).  Điều nầy vẫn còn là một trong một vài thí dụ khi dân làng chống đối đập thủy điện ở Lào.

    EIA ở Lào PDR có nhiều vấn đề khác.  Có một vài EIAs đã được công bố mặc dù đây là một đòi hỏi của Luật Bảo vệ Môi trường (1999).  Nếu tài liệu EIA của các đập tủy điện không được công bố, người dân không thể tham gia thích đáng trong tiến trình.  Giá trị của sự tham gia của quần chúng trong EIAs đã được ghi nhận (xem Kersten, 2009; O’Faircheaallaigh, 2010).  Thế mà, những vấn đề tham gia trong EIAs vẫn hiện hữu ở Lào PDR.  Nam Theun 2 (1.070 MW với 95% được xuất cảng sang Thái Lan), được WB xem là việc phát triển đi đầu, đã bị chỉ trích mạnh mẽ bởi Sing (2009) vì thiếu sự tham gia có ý nghĩa.  Sing (2009) cũng thấy rằng dân làng do dự để chống lại dự án vì lo sợ chánh phủ phản ứng mạnh.  Johnston (2008) thấy rằng EIAs ở Lào PDR không đánh giá thích đáng ảnh hưởng của dự án đối với thủy sản và dữ kiện hiện có không được dùng hữu hiệu, trong khi đó, Foran et al. (2010a) thấy rằng những đánh giá ảnh hưởng xã hội và môi trường bị ảnh hưởng bởi tham nhũng và thiếu minh bạch và kiểm phẩm, nói rằng “các chuyển nhượng thủy điện có vẻ được giao cho những người được nhượng quyền trên căn bản xếp đặt trước bởi các viên chức của GoL, thay vì trên một tiến trình cạnh tranh hay thích đáng.”

    Những thách thức đối mặt với các đánh giá ảnh hưởng gồm có thiếu khả năng để kiểm soát, thi hành và theo dõi cũng như những vấn đề minh bạch và tham nhũng ở Lào PDR cung cấp thêm cơ hội để các diễn viên có sức mạnh hạ thấp chi phí xã hội và môi trường và tạo nên các cơ hội chiếm đoạt nước.

    Tham nhũng, mặc dù khó phát hiện, đã được nghiên cứu như một vấn đề quan trọng ở Lào PDR (Stuart-Fox, 2006,2011; Linter, 2008).  Lào PDR được xếp hạng 154th trong số 183 quốc gia trong Nhận thức Tham nhũng của Chỉ số Minh bạch Quốc tế (2011), cho thấy nước nầy là một trong những quốc gia tham nhũng nhất trên trái đất.  Như Stuart-Fox (2011) nói “tham nhũng là yêu tinh trong đống gỗ của chánh trị Lào.  Nó duỗi tay khắp giới quan liêu và các lực lượng cảnh sát và an ninh”.  Mặc dù có luật chống tham nhũng ở trong nước, không có một viên chức cao cấp nào bị buộc tội (ibid).  Một giải thích cho việc từ chức trong năm 2011 của Thủ tướng Bouasone Bouphavanh được cho là ý định của ông để chống tham nhũng ở trong nước (ibid).  Nếu đúng, nó được dùng làm thí dụ sắc bén của sự kềm kẹp mà tham nhũng đã thao túng quốc gia.

    Một vài nghiên cứu đã được thực hiện về tham nhũng trong việc phát triển thủy điện Mekong.  Tuy nhiên, với mức tham những cao ở Lào PDR và thủy điện đại diện cho các dự án nhiều triệu và thỉnh thoảng nhiều tỉ, các cơ hội cho những diễn viên có sức mạnh tham gia vào lề lối tham nhũng rất nhiều.  Tham nhũng có thể xuất hiện nhiều dạng khác nhau trên khắp tiến trình phát triển thủy điện.  Nó có thể xuất hiện trong các khoản nợ, các hợp đồng xây cất được thổi phồng, trong việc trả tiền trực tiếp để dự án được chấp thuận.  Phân tích an ninh năng lượng ở ĐNA của Simpson (2007) cho thấy rằng các diễn viên có sức mạnh từ thành phần năng lượng của Thái Lan dùng tham nhũng và việc kiểm soát chặt chẽ của nhà nước ở Lào PDR như một con đường để xuất ngoại chi phí xã hội và môi trường của việc sản xuất năng lượng.  Foran et al. (2010a) thấy rằng các quyết định thủy điện ở Lào PDR có thể được hướng dẫn bởi lợi nhuận mà không có minh bạch, tham gia hay quy hoạch.  Nghiên cứu của tác giả nầy đi vào các cấp của tham nhũng trong việc phát triển thủy điện qua các cuộc phỏng vấn với các cố vấn, NGOs, các đại diện kỹ nghệ và các học giả, đặt con số giữa 5-20% chi phí thủy điện, tùy theo kích thước của dự án, và tiền trả cho tham nhũng.  Đập Xayaburi được ước tính có trị giá 3,8 tỉ USD (Stone, 2011).  Làm một ước tính với 5% chi phí xây cất là tiền trả cho tham nhũng, đập nầy sẽ cộng thêm 190 triệu USD vào của cải cá nhân của các diễn viên có sức mạnh trên khắp khu vực.  Mặc dù khóa khăn trong việc thu thập bằng chứng trực tiếp của tham nhũng, cái lợi cá nhân khổng lồ tiềm tàng cho các diễn viên có sức mạnh ở các cấp lấy quyết định khiến có thể hiểu làm thế nào những lo ngại xã hội và môi trường, an ninh kỹ thuật và quy hoạch tài nguyên lưu vực có thể bị hạ ưu tiên.

    Sự hiện diện của tham nhũng và lạm dụng quyền hành tồi tệ thêm bởi thiếu minh bạch.  Lào PDR là một chế độ độc đoán được kiểm soát chặt chẽ gần như không có minh bạch trong các vấn đề chánh thức.  Trong Xếp hạng Tự do Kinh tế Thế giới 2011, Lào PDR đứng thứ 141th trong số 179 quốc gia.  Việc xếp hạng nầy xem xét 10 điểm chuẩn gồm có, tự do từ tham nhũng, chi tiêu của chánh phủ và quyền tài sản.  Xếp hạng của Lào PDR cung cấp một chỉ dấu của cơ hội hiện hữu cho các diễn viên có sức mạnh dùng tiền và ảnh hưởng để đẩy các dự án tới trước trong khi bỏ qua các ảnh hưởng tiềm tàng.  Việc thiếu minh bạch nầy cũng được thấy trong báo chị do nhà nước kiểm soát, hạn chế tin tức nào được đến với dân số của Lào PDR.  Việc lấy quyết định thủy điện ở Lào PDR nằm trong tay của các diễn viên nhà nước có sức mạnh với ít hay không có trách nhiệm.  Những yếu tố nầy đã nâng cao chánh quyền trung ương và tỉnh chú trọng đến cái lợi kinh tế ngắn hạn.  Lợi nhuận tiềm tàng từ thủy điện đang góp phần vào việc phát triển thủy điện nhanh chóng (xem Hình 2).  Việc làm dễ dàng môi trường nầy cũng có nghĩa là mặc dù có những luật môi trường mạnh mẽ ở Lào PDR, nhiều nhà phát triển có thể lách luật, vì thế tiết kiệm hàng triệu USD trong chi phí kỹ thuật và giảm nhẹ ảnh hưởng xã hội và môi trường (Simpson, 2007).

    Mặc dù chánh phủ đã khuyến khích thu nhập tiềm tàng của thủy điện như một bước tiến đến việc mang Lào PDR ra khỏi nghèo khó, có những lo ngại liệu tiền phát xuất từ việc bán thủy điện thật sự đến kinh tế địa phương và giải quyết ưu tiên xã hội.  Lào PDR có thành tích không dò được trong việc chi tiêu cho các chương trình xã hội.  Quốc gia được xếp vào một trong các quốc gia thấp nhất trên thế giới về chi tiêu cho giáo dục và y tế.  Trong năm 2010, ngân sách y tế của quốc gia vào khoảng 6 triệu USD (Thomé and Pholsena, 2008; Vostroknutova, 2010).  Có những lo ngại nghiêm trọng rằng thủy điện sẽ trở thành một tình huống tài nguyên tai họa ở Lào PDR (Simpson, 2007; Goto, 2011; Jusi, 2011).  Tài nguyên thiên nhiên theo đúng nghĩa, tuy nhiên, không chịu trách nhiệm cho ‘các tình huống tai hại’.  Như Kari (1997) cho thấy, nó là các cấu trúc tổ chức, kinh tế và chánh trị kiểm soát làm thế nào để những lợi ích của tài nguyên thiên nhiên được dùng tạo nên vấn đề.  Trong nhiều quốc gia khác trên khắp thế giới, xã hội dân sự có thể tạo áp lực lên nhà nước và các diễn viên tư nhân để ảnh hưởng đầu tư và chánh sách và lên tiếng cho môi trường; tuy nhiên, ở Lào PDR việc xoi mói nầy bị kiểm soát chặt chẽ.

    Mặc dù xã hội dân sự ở Thái Lan có hiệu quả trong việc ảnh hưởng đến nghị trình của chánh phủ và đầu tư của thành phần tư nhân, điều tương tự không thể xảy ra ở Lào PDR.  Đa số dân số nông thôn của Lào PDR, báo chí do nhà nước kiểm soát và chánh quyền độc đoán đã góp phàn làm suy yếu các phong trào xã hội dân sự gốc rễ trên khắp nước.  Xã hội dân sự ở trong nước hầu như không có.  Trong năm 2009, Lào PDR ký Hiệp ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chánh trị thiết lập khuôn khổ pháp lý để cho phép các NGOs được cấp phép (UNTC, 2012).  Mặc dù với hiệp ước nầy, GoL có những luật lệ trong đó các INGOs có thể hoạt động bên trong quốc gia, và không cho phép thành lập các xã hội dân sự của người dân (Case, 2011).  Địa thế của xã hội dân sự ở Lào PDR phần lớn được đại diện bởi hàng chục INGOs làm việc trong vùng.  Nhiều tổ chức như thế đang làm việc trong các vấn đề thủy điện và quản lý nước.  Tuy nhiên, hiệu quả của chúng trong việc ảnh hưởng việc lấy quyết định thủy điện bị giới hạn và phản ứng ngược lại vì nhiều quyết định được thực hiện ở phía sau các cửa đóng kín.

    INGOs được yêu cầu nộp tin tức họ công bố đến chánh phủ và họ bị cấm di chuyển tự do ở trong nước và nói chuyện với người dân tự do.  Như Heurlin (2009) tuyên bố, trong phân tích xã hội dân sự trong độc tài của ông, Lào PDR là một quốc gia xã hội chủ nghĩa không có phương tiện tài chánh để thực hiện các dự án phát triển và hạ tầng cơ sở và do đó họ cho phép các INGOs hoat động với một số kiểm soát và siết chặt các tổ chức của người dân.  INGOs dễ bị quy cho là đại diện người ngoài không có liên hệ trong việc phát triển kinh tế của quốc gia.  Bằng cách kiểm soát không gian trong đó các INGOs hoạt động, GoL có vẻ cộng tác chặt chẽ với các INGOs, nhưng tránh hầu hết áp lực và ảnh hưởng chánh sách ở trong nước của họ.  Có thể là việc kiểm soát các INGOs của GoL cùng với sự đàn áp các NGOs của người dân tạo nên một hình thức đồng ý được chế tạo.  Vấn đề tham nhũng cũng có thể đóng một phần quan trọng trong việc giới hạn hiệu quả của xã hội dân sự ảnh hưởng đến các chánh sách của nhà nước.  Khi hàng triệu USD tư lợi của các diễn viên có sức mạnh bị đe dọa từ việc phát triển thủy điện, rất khó cho tiếng nói của xã hội dân sự được lắng nghe hay tôn trọng.

    Khuyến khích đầu tư từ Thái Lan và môi trường ở Lào PDR có một khả năng yếu kém để kiểm soát phát triển, tham nhũng, và không có xã hội dân sự tận gốc rễ cung cấp cho các diễn viên có sức mạnh những cơ hội để tối đa hóa lợi nhuận bằng cách bỏ qua các chi phí xã hội, kỹ thuật và môi trường của thủy điện.  Như được thảo luận, những điều kiện nầy ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước của Lào PDR và người dân địa phương dựa vào chúng và vì thế tạo nên chiếm đoạt nước.  Việc chiếm đoạt nước nầy được làm dễ dàng thêm bởi nhiều loại hợp tác hiện hữu bên trong lưu vực.

    VAI TRÒ CỦA HỢP TÁC QUỐC GIA

    Có nhiều tài liệu khuyến khích giá trị của hợp tác và giá trị của các tổ chức hợp tác (thí dụ, Savenije and van der Zaag, 2000).  Wolf et al. (2003a) xác định rằng ảnh hưởng tiêu cực của phát triển đơn phương, chẳng hạn như đập qui mô lớn, có thể được giảm nhẹ bằng sự hiện diện của mối liên hệ khu vực tích cực hay một tổ chức xuyên biên giới hữu hiệu (xem Wolf et al., 2003b; Yoffe et al., 2004).  Vậy mà, nó có thể đươc lập luận rằng nhiều tổ chức nầy phục vụ quyền lợi phát triển chú trọng đến kinh tế không là đại diện đặc biệt của dân số rộng lớn hơn.  Và như Selby (2003) đã cho thấy trong liên hệ với các tổ chức xuyên biên giới dọc theo sông Jordan, ưu thế có thể được khoát áo hợp tác.

    Ở ĐNA, hợp tác khu vực được khuyến khích trong đàm luận chánh trị của Hiệp hội các Quốc gia ĐNA (Association of Southeast Asian Nations (ASEAN)) và trong việc quản lý nguồn nước.  Mặc dù khuyến khích hợp tác, phân tích cho thấy các quốc gia đang chú trọng đến tăng trưởng kinh tế của họ thay vì cố gằng để cùng quản lý nguồn nước chung trong lưu vực.  Trong một môi trường phát triển được kinh tế hướng dẫn, các diễn viên nhà nước, chẳng hạn như EGAT và các nhà lấy quyết định bên trong GoL, có thể khai thác nguồn nước được biện minh bởi đòi hỏi năng lượng và tăng trưởng kinh tế, trong khi đặt ra ngoài chi phí của việc khai thác nầy.

    Hình thức bên ngoài của hợp tác khu vực nầy dọn đường cho chiếm đoạt nước xảy ra bằng cách cản trở các cơ hội để hợp tác mạnh mẽ và đối thoại có ý nghĩa đối với việc cai quản hay chia sẻ nguồn nước.  Biên giới của hợp tác quốc gia ở ĐNA được thấy trước nhất trong chánh trị khu vực.  Phân tích các giới hạn văn hóa của hợp tác trong các quốc gia thành viên ASEAN của Jetschke and Rϋland (2009) cho thấy giọng điệu và thực tế của hợp tác rất khác nhau.  Các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục xác nhận cam kết hợp tác khu vực của họ nhưng “họ tiếp tục bám lấy những chánh sách tư lợi làm tổn hại quyền lợi tập thể của ASEAN” (ibid).  Trong trường hợp của thủy điện, các chánh sách tư lợi được chú trọng đến tăng trưởng kinh tế, an ninh năng lượng và kiếm lợi nhuận cho nhà nước và các diễn viên tư nhân có sức mạnh; và làm tổn hại quyền lợi tập thể là nguồn nước chung và đa dạng sinh học trong lưu vực và người dân dựa vào đó.

    Bên trong mối liên hệ nước-năng lượng trong Mekong, chương trình Phân vùng Mekong và Phụ cận (Greater Mekong Sub-region (GMS)) của WB và ADB rất quan trọng trong việc hình thành chánh sách năng lương và quản lý nước trong khu vực (Nakhooda, 2011).  Được khởi động trong năm 1992, chương trình GMS là một chương trình kinh tế do tư nhân cầm đầu với mục tiêu lâu dài để phát triển mối liên hệ kinh tế giữa các quốc gia trong lưu vực (ADB, 2012).  Một khía cạnh then chốt của chương trình GMS là liên kết các quốc gia thành viên để làm dễ dàng mậu dịch.  Lưới Điện Mekong được thiết kế để phát triển một thị trường điện khu vực bằng cách khuyến khích hợp tác trong thủy điện và những đường dây dẫn điện cao thế xuyên biên giới (ADB, 2012).  Sứ mạng của GMS để khuyến khích liên kết và thủy điện gồm có đầu tư thành phần tư nhân trong các đập trên dòng chánh và phụ lưu xung đột với những điều được tìm thấy của Đánh giá Môi trường Chiến lược của MRC, kêu gọi ngưng xây đập trên dòng chánh.  Chương trình GMS chú trọng đến tăng trưởng kinh tế hơn là những lo ngại xã hội và môi trường đã đặt ra ngoài lề vai trò của MRC trong việc cai quản nước xuyên biên giới (Suhardiman et al., 2012).

    MRC là một tổ chức lưu vực sông chánh yếu trong lưu vực Mekong.  Cấu trúc hiện nay của MRC bắt đầu vào năm 1995, với việc ký kết giữa các chánh phủ Thái Lan, Cambodia, lào ODR và Việt Nam.  Trung Hoa và Burma được mời tham gia vào MRC; tuy nhiên, họ quyết định ở bên lề và chỉ tham gia như thành viên đối thoại không ràng buộc.  Trách nhiệm của MRC nói rằng tổ chức sẽ “ hợp tác trong tất cả lãnh vực phát triển khả chấp, sử dụng, quản lý và bảo tồn nước và các tài nguyên liên hệ của lưu vực sông Mekong” và “bảo đảm việc sử dụng công bằng và hợp lý” Hệ thống Sông Mekong (MRC, 2009).  MRC phần lớn dựa vào tài trợ của người cho.  Các người cho then chốt là các chánh phủ Australia, Belgium, Denmark, Finland, Pháp, The Netherlands, và Sweden (KPMG, 2009).

    Mặc dù MRC có trách nhiệm để hợp tác về phát triển gồm có các đập trên dòng chánh và phụ lưu, tính đến nay, phần lớn chỉ quản lý để đạt được hợp tác từ các quốc gia thành viên trên các vấn đề không chánh trị.  MRC đã thiết lập một số chương trình theo dõi sông, thu thập những số lớn dữ kiện có hiệu quả giới hạn trong việc phân tích trao đổi để cung cấp tin tức cho những nhà lấy quyết định và tạo nên một diễn đàn thảo luận (Dore and Lazarus, 2009).

    Phân tích việc cai quản nước xuyên biên giới trong Mekong của Suhardiman et al. (2012) cho thấy có một đứt khúc lớn gữa các mục đích chương trình của MRC và của các chánh phủ khu vực.  Các ưu tiên của MRC được người cho thúc đẩy, phần lớn chú trọng đến việc tham gia và IWRM [Integrated Water Resources Management (Quản lý Nguồn Nước Kết hợp)], hoạt động bất chấp các kế hoạch phát triển của các chánh phủ quốc gia và quyền lợi của họ trong các chương trình của MRC.  Đứt khúc nầy cho phép các chánh phủ thực hiện các chánh sách phát triển theo tư lợi “vì MRC thiếu quyền hướng dẫn các vấn đề cai quản nước xuyên biên giới trong vùng” (ibid).

    Các thí dụ thêm của đứt khúc vô hướng giữa MRC và các chánh phủ khu vực được thấy trong trường hợp của đập Xayaburi, đập đầu tiên trên dòng chánh ở hạ lưu Mekong.  Trách nhiệm của MRC gồm có một tiến trình cho việc phát triển đập trên dòng chánh.  Bước đầu là Hướng dẫn Thiết kế Sơ khởi (Preliminary Design Guidance) đòi hỏi tất cả nhà phát triển phải theo một “loạt các tiêu chuẩn tối thiểu, mục tiêu hoạt động và cách tốt nhất để làm giảm rủi ro xã hội và môi trường do các kế hoạch thủy điện gây ra” (MRC, 2009).  Những tiêu chuẩn nầy được đi theo bởi tiến trình Thủ tục Thông báo, Tham vấn Trước và Thỏa thuận (Procedure fro Notification, Orior Consultation and Agreement (PNPCA)).  Tiến trình PNPCA bắt đầu khi các quốc gia thành viên thông báo với MRC ý định xây đập trên dòng chánh của họ.  Trong trường hợp của đập Xayaburi, phiên họp cuối của Ủy ban Hỗn hợp MRC chuyển quyết định chấp thuận đập đến cấp bộ trưởng.  Vào ngày 8 tháng 12 năm 2011, các thành viên của Hội đồng MRC kết luận rằng cần phải nghiên cứu thêm trước khi xây một đập trên dòng chánh (MRC, 2011).  Theo MRC, không có quốc gia duy nhất nào có thể xác định liệu tiến trình PNPCA được hoàn tất.  Mặc dù có tuyên bố nầy, GoL và chánh phủ Thái tuyên bố rằng tiến trình PNPCA đã hoàn tất và tiến hành với việc xây đập (Pöyry, 2011; Kozlovski, 2010; The Economist, 2012).  Trong năm 2012, vì sự chống đối mạnh mẽ từ Cambodia và Việt Nam và áp lực của xã hội dân sự và chánh trị quốc tế, việc xây cất đập Xayaburi có vẻ được tạm ngưng cho đến khi các nghiên cứu ảnh hưởng thêm được thực hiện (Ganjanakhundee, 2012).  Mặc dù ngưng xây cất, các câu hỏi vẫn là hiệu năng của MRC trong việc đối phó với các vấn đề trái ngược với mục tiêu được lợi kinh tế ngắn hạn của các chánh phủ khu vực.

    Trách nhiệm của MRC, giới hạn tiến trình tham vấn đối với các đập trên dòng chánh, cho phép các diễn viên có sức mạnh khai thác các cơ hội chiếm đoạt nước liên quan đến nước từ các phụ lưu Mekong mà không thu hút sự chú ý và tranh luận của các đập trên dòng chánh.  Các dự án chẳng hạn như Lưới Nước Thái, là một đề nghị để mang nước từ các phụ lưu Mekong bằng đường hầm dưới sông Mekong qua Đông-Bắc Thái Lan, có thể tiến hành mà chỉ cần thông báo (Molle and Floch, 2008; Hirsch, 2012).  MRC có vẻ không có thẩm quyền đối với Lưới Nước Thái vì nó là một vấn đề song phương ngoài khuôn khổ (Hirsch, 2012).  Các đập trên phụ lưu cũng có vẻ nằm ngoài thẩm quyền của MRC.  Mặc dù nằm ngoài trách nhiệm của MRC, các đập trên phụ lưu có tiềm năng ảnh hưởng toàn thể lưu vực.  Phân tích của Ziv et al. (2012) nói rằng ảnh hưởng kết hợp của các đập trên phụ lưu ở Lào PDR có thể tổn hại hơn các đập được đề nghị trên dòng chánh.

    Mặc dù MRC có vẻ bị kẹt giữa kinh tế ngắn hạn chú trọng đến nghị trình quản lý nguồn nước của các quốc gia Mekong, giá trị của nó trong viêc cung cấp một diễn đàn cho các vấn đề chẳng hạn như các đập trên dòng chánh được thảo luận không thể bị bỏ qua (Suhardiman et al., 2012).  MRC tạo nên một khung cửa cho xã hội dân sự, học giả và truyền thông để tham gia với một số nghị trình phát triển quốc gia.  Các nỗ lực của MRC trong việc cung cấp một không gian để đàm

    luận tranh luận đã chúng tỏ hữu ích, nhưng các đập thủy điện và cơ hội chiếm đoạt nước ở Lào PDR vẫn xảy ra nhanh chóng.

    KẾT LUẬN

    Chiếm đoạt nước ở Lào PDR đang được làm vì các diễn viên có sức mạnh ở trong Thái Lan và Lào PDR (kẻ thắng) đang kiểm soát lợi ích của các đập thủy điện trong khi các chi phí của việc phát triển nầy được gánh chịu bởi các nhóm tùy thuộc vào môi trường và tài nguyên thiên nhiên (người thua).  Phân tích cho thấy các động cơ then chốt từ Thái Lan phát xuất từ nhà nước và thành phần tư nhân.  EGAT, Thai IPPs và thành phần tư nhân được thúc đẩy để xây thủy điện do lợi nhuận và sức mạnh.  Các dự án thủy điện đại qui mô được khuyến khích thêm bởi cấu trúc của thành phần năng lượng của Thái Lan khích lệ đầu tư lớn và chánh phủ Thái thiếu khả năng để phát triển các đập lớn ở sân sau vì xã hội dân sự mạnh mẽ.

    Các diễn viên có sức mạnh và các động cơ từ Thái Lan kết hợp với các yếu tố làm dễ dàng từ bên trong Lào PDR.  Việc mở cửa của chánh phủ Lào để đầu tư, thiếu khả năng kiểm soát phát triển, và sự hiện diện của tham nhũng và một nhà nước đóng kín kiểm soát các INGOs và cấm xã hội dân sự từ gốc rễ cung cấp một môi trường làm dễ dàng cho những diễn viên có sức mạnh nầy nắm lấy lợi nhuận của việc phát triển thủy điện trong khi bỏ qua chi phí xã hội và môi trường.  Bao gồm những động cơ từ Thái Lan và các yếu tố làm dễ dàng từ Lào PDR, chánh trị khu vực có vẻ chú trọng đến lợi nhuận và lợi ích kinh tế ngắn hạn.  Nghị trình của MRC đã hạn chế ảnh hưởng đối chánh trị khu vực vì thế làm dễ dàng thêm cơ hội chiếm đoạt nước.

    Các diễn viên ảnh hưởng bởi chiếm đoạt nước trong Mekong là môi trường và hàng triệu người dựa vào tài nguyên thiên nhiên.  Đa dạng sinh học đặc thù của lưu vực và người dân dựa vào đó để sinh sống và có thực phẩm sẽ tàn khốc nếu các diễn viên có sức mạnh được phép tiếp tục chiếm đoạt nước không có kiểm soát.

    Sự bùng nổ thủy điện toàn cầu hiện nay, như ở Mekong, có tiềm năng mang lợi ích tích cực cho người dân và môi trường toàn cầu.  Thủy điện chắc chắn sẽ là một thành phần của năng lượng trong tương lai.  Tuy nhiên, vốn phát triển đã được nâng lên.  Tiềm năng thủy điện toàn cầu còn lại hiện hữu trong một xã hội và môi trường khác biệt hơn nhiều đập đại qui mô được xây trước đây.  Các dự án thủy điện ở Phi Châu, Á Châu và Mỹ La Tinh đang được đề nghị trong một số nơi có đa dạng sinh học nhất trên thế giới.  Những nơi nầy cũng là nơi cư trú của dân số dựa vào tài nguyên thiên nhiên, dân tộc thiểu số và những người dễ bị tổn thương.  Cái quan trọng cho Mekong và phần còn lại của thế giới là tiến bộ được thực hiện để bảo đảm rằng lợi ích được chia sẻ công bằng và có sự cân bằng tốt hơn giữa kẻ thắng và người thua.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    ADB (Asian Development Bank). 2012. GMS program overview. www.adb.org/countries/gms/overview (accessed 08 April 12) 

    ADB (Asian Development Bank). 2003. LAO PDR Power sector strategy study. Electrowatt-PA Consulting 1: 60. 

    AG-DFAT (Australian Government – Department of Foreign Affairs and Trade). 2011. Laos country brief. January 2011. www.dfat.gov.au/geo/laos/laos_brief.html (accessed 28 March 2012) 

    Bakker, K. 1999. The politics of hydropower: Developing the Mekong. Political Geography 18(2): 209-232. 

    Bangkok Post. 2012. CK targets 15% growth as Xayaburi progresses. www.bangkokpost.com/business/economics/290316/ (accessed 10 March 2012) 

    Bangkok Post. 2011. Xayaburi dam work begins on sly Thai construction giant, Laos ignore Mekong concerns. www.bangkokpost.com/news/local/232239/xayaburi-dam-work-begins-on-sly (accessed 23 December 2011) 

    Baran, E. and Myschowoda, C. 2008. Dams and fisheries in the Mekong basin. Aquatic Ecosystem Health and Management 12(3): 227-234. 

    Bardacke, T. 1998. 'Battery of Asia' may run flat: Thailand’s economic crisis is raising questions over the energy exporting hopes of neighbouring Laos. Financial Times, 6 April 1998. 

    Barlow, C.; Baran, E.; Halls, A.S. and Kshatriya, M. 2008. How much of the Mekong fish catch is at risk from mainstream dam development? Catch and Culture 143, December 2008. Vientiane, Lao PDR: Mekong River Commission. 

    Barros, N.; Cole, J.; Tranvik, L.; Prairie, Y.; Bastviken, D.; Huszar, V.; del Giorgio, P. and Roland, F. 2011. Carbon emission from hydroelectric reservoirs linked to reservoir age and latitude. Nature Geoscience 4(9): 593-596. 

    Baumann, F. 2008. Energy security as multidimensional concept. CAP Policy Analysis 1:16. 

    Campbell, L. 2011. The use of environmental impact assessment in Laos and its implications for the Mekong river hydropower debate. MSc thesis. Duke University. http://dukespace.lib.duke.edu/dspace/bitstream/handle/10161/3655/Final%20MP_LCampbell.pdf?sequence=1 (accessed 1 March 2012) 

    Case, W. 2011. Laos in 2010. Asian Survey 51(1): 202-207. 

    CPWF (Challenge Program on Water and Food). 2010. Mekong Basin Hydropower Map. http://mekong.waterandfood.org/cpwf-in-the-mekong/45 (accessed 10 November 2011) 

    Chanudet, V.; Descloux, S.; Harby, A.; Sundt, H.; Hansen, H.; Henrik, B.; Brakstad, O.; Serça, D. and Guerin, F. 2011. Gross CO2 and CH4 emissions from the Nam Ngum and Nam Leuk sub-tropical reservoirs in Lao PDR. Science of the Total Environment 409(24): 5382-5391. 

    Chirarattananon, S. and Nirukkanaporn, S. 2006. Deregulation of ESI and privatization of state electric utilities in Thailand. Energy Policy 34(16): 2521-2531. 

    Costanza, R.; Kubiszewski, I.; Paquet, R.; King, J.; Halimi, S.; Sanguanngoi, H.; Luong Bach, N.; Frankel, R.; Ganaseni, J.; Intralawan, A. and Morell, D. 2011. Planning approaches for water resources development in the lower Mekong basin. Portland State University and Mae Fah Luang University. http://web.pdx.edu/~kub/publicfiles/Mekong/LMB_Report_FullReport.pdf  (accessed 11 January 2012) 

    Cruz-del Rosario, T. 2011. Opening Laos: The Nam Theun 2 Hydropower Project. Singapore: Lee Kuan Yew School of Public Policy. Working Paper No. LKYSPP11-05. www.spp.nus.edu.sg/docs/wp/2011/WP1105.pdf (25 March 2012) 

    Delang, C. and Toro, M. 2011. Hydropower-induced displacement and resettlement in the Lao PDR. South East Asia Research 19(3): 567-594. 

    Dore, J. and Lazarus, K. 2009. Demarginalising the Mekong River Commission. In Molle, F.; Foran, T. and Käkönen, M. (Eds), Contested waterscapes in the Mekong region: Hydropower, livelihoods and governance, pp. 357382. London: Earthscan. 

    Dugan, P.; Barlow, C.; Agostinho, A.; Baran, E.; Cada, G.; Chen, D.; Cowx, I.; Ferguson, J.; Jutagate, T.; MallenCooper, M.; Marmulla, G.; Nestler, J.; Petrere, M.; Welcomme, R. and Winemiller, K. 2010. Fish migration, dams, and loss of ecosystem service in the Mekong basin. Ambio 39(4): 244-248. 

    EGAT (Electricity Generation Authority). 2009. Annual report 2008. Bangkok, Thailand: Electricity Generation Authority of Thailand. 

    EPPO (Energy Policy & Planning Office, Ministry of Energy). 2007. Power development plan 2007. Strategic Seminar on Thai Power Development Plan (in Thai). Bangkok, Thailand: Ministry of Energy. www.eppo.go.th/power/pdp2007/index.html (accessed 19 April 2012) 

    Foran, T. 2006. Thailand’s politics of power system planning and reform. M-POWER Working Paper. www.sea-user.org/download_pubdoc.php?doc=3366 (accessed 10 November 2011) 

    Foran, T.; Wong T. and Kelley S. 2010a. Mekong hydropower development: A review of governance and sustainability challenges. Working Paper. M-POWER Research Network. Chiang Mai, Thailand. http://splash-era.net/downloads/mekong_report_part3.pdf (accessed 14 February 2012) 

    Foran, T.; Bernadette, P.; Kansantisukmongkul, C.; Wirutskulshai, U.; Leeruttanawisut, K. and Lazarus, K. 2010b. Sustainability assessment of Thailand’s electricity planning. M-Power, CPWF Mekong, and Australian Government Aid Program. http://results.waterandfood.org/bitstream/handle/10568/3765/HSAP%20Rapid%20Assessment%20Thailand_17Nov10.pdf?sequence=1 (accessed 10 December 2011) 

    Ganjanakhundee, S. 2012. Laos: No work on Xayaburi dam until green concerns solved. The Nation, 4 May 2012. www.nationmultimedia.com/politics/Laos-no-work-on-Xayaburi-dam-until-green-concerns–30181251.html (accessed 15 May 2012) 

    GoL (Government of Lao PDR). 2010a. Electric power plants in Laos. Vientiane: Department of Energy Promotion and Development, Ministry of Energy and Mines. www.poweringprogress.com/index.php?option=com_jotloader&task=files.download&cid=352 (accessed 25 November 2011) 

    GoL. 2010b. History of hydropower in Lao PDR. Department of Energy Promotion and Development, Ministry of Energy and Mines. Website. www.poweringprogress.org/index.php?option=com_content&view=article&id=88&Itemid=126 (accessed 14 November 2011) 

    Goto, K. 2011. Implications for Laos’ development of its increasing regional integration and Chinese influence. Asian-Pacific Economic Literature 25(2): 68-88. 

    Greacen, C. and Palettu, A. 2007. Electricity sector planning and hydropower in the Mekong region. In Lebel, L.; Dore, J.; Daniel, R. and Koma, Y. (Eds), Democratizing water governance in the Mekong region, pp. 93-125. Chapter 5. Mekong Press www.palangthai.org/docs/ElectricitySectorPlanning&HydropowerInMekongFull (accessed 25 March 2012) 

    Grumbine, R.; Dore, J. and Xu, K. 2012. Mekong hydropower: Drivers of change and governance challenges. Frontiers in Ecology and the Environment 10(2): 91-98. 

    Grumbine, R. and Xu, J. 2011. Mekong hydropower development. Science 332(6026): 178-179. 

    Hackley, R. and Westhuizen, L. 2011. Africa’s friend China finances $9.3 billion of hydropower. Bloomberg. www.bloomberg.com/news/2011-09-09/africa-s-new-friend-china-finances-9-3-billion-of-hydropower.html  (accessed 10 May 2012) 

    Heurlin, C. 2009. Governing civil society: The political logic of NGO – State relations under dictatorship. Voluntas International Journal of Voluntary and Nonprofit Organizations 21(2): 220-239. 

    Hirsch, P. 2012. River hardware and software: Perspectives on national interest and water governance in the Mekong river basin. In Higgit, D. (Ed), Perspectives on environmental management and technology in Asian river basins, pp. 31-43. The Netherlands: Springer. 

    Hirsch, P. 2004. Negotiating local livelihoods: Scales of conflict in the Se San river basin. Asia Pacific Viewpoint 45(1): 51-68. 

    Hirsch, P. 1995. Thailand and the new geopolitics of Southeast Asia: Resource and environmental issues. In Rigg, J. (Ed), Counting the costs: Economic growth and environmental change in Thailand, pp. 235-259. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies. 

    Hortle, G. 2007. Consumption and yield of fish and other aquatic animals from the lower Mekong basin. MRC Technical Paper No. 16. Vientiane: MRC. www.mrcmekong.org/assets/Publications/technical/tech-No16- consumption-n-yield-of-fish.pdf (accessed 4 April 2012) 

    IEA (International Energy Agency). 2011. Clean Energy Progress Report. Washington, DC: US Department of Energy, Energy Information Administration. www.iea.org/publications/freepublications/publication/CEM_Progress_Report.pdf (accessed 10 May 2012) 

    ICEM (International Centre for Environmental Management). 2010. Strategic environmental assessment of hydropower on the Mekong mainstream: Final Report for the Mekong River Commission. Australia: ICEM. www.mrcmekong.org/assets/Publications/Consultations/SEA-Hydropower/SEA-FR-summary-13oct.pdf (accessed 10 February 2012) 

    International Rivers. 2003. New Lao dam embroiled in controversy: Report from a fact-finding mission to the Nam Mang 3 hydropower project. www.internationalrivers.org/southeast-asia/laos/laos-other-projects/new-lao-dam-embroiled-controversy-report-fact-finding-missio (accessed 25 January 2012) 

    Jarvis, D. 2010. Institutional processes and regulatory risk: A case study of the Thai energy sector. Regulation & Governance 4(2): 175-202. 

    Jetschke, A. and Rüland, J. 2009. Decoupling rhetoric and practice: The cultural limits of ASEAN cooperation. The Pacific Review 22(2): 179-203. 

    Johnston, L. 2008. Lower Mekong river basin hydropower report. Washington, DC, US: USAID, Electricity Generation Authority /Environment and Science Policy. 

    Jusi, S. 2011. Challenges in developing sustainable hydropower in Lao PDR. International Journal of Development Issues 10(3): 251-267. 

    Karl, T. 1997. The paradox of plenty: Oil boom and petro-States. Berkeley: University of California 

    Press. Kersten, C. 2009. Rethinking transboundary environmental impact assessment. The Yale Journal of Environmental Law 34: 173-206. 

    Khamin, N. 2008. Case study nine: Houay Ho hydropower project. In Lawrence, S. (Ed), Power surge: The impacts of rapid dam development in Laos, pp. 73-75. Berkeley, CA: International Rivers. 

    Kozlovski, M. 2012. Thais accused of dam deceit. Phnom Penh Post, 1 March 2012. www.phnompenhpost.com/index.php/2012030154795/National-news/thais-accused-of-dam-deceit.html (accessed 9 April 2012) 

    KPMG (Klynveld Peat Marwick Main Goerdeler). 2009. Income and expenditure report 2009. MRC. www.mrcmekong.org/download/finance/Income&Expenditure2009.pdf (accessed 10 March 2012) 

    Lanza. 2010. Review of the Ch. Karnchang Public Company Limited Environmental Impact Assessment EIA. International Rivers. www.internationalrivers.org/files/Lanza%20water%20quality%20FINAL.pdf (accessed 15 March 2012) 

    Lebel, L.; Garden, P. and Imamura, M. 2005. The politics of scale, position, and place in the governance of water resources in the Mekong region. Ecology and Society 10(2): 18. 

    Lintner, B. 2008. Laos: At the crossroads. In Singh, D. (Ed), Southeast Asian Affairs 2008, pp. 171-183. Singapore: ISEAS Publishing. 

    Mainusch, J.; Tauszig, J. and Visian, D. 2009. Watershed management in Laos PDR: A case study of the opportunities for hydropower and forestry. National University of Laos, VITRI/University of Helsinki, Kasetsart University, Bangkok. http://wiki.helsinki.fi/download/attachments/55837219/Group+05_Watershed+Management.pdf (accessed 28 March 2012) 

    Matthews, N. 2011. Drowning under progress: Water and culture in the Mekong subregion. In Johnson, B.R. (Ed), Water, cultural diversity and global environmental change: Emerging trends, sustainable futures, pp. 349-366. The Netherlands: UNESCO-IHP and Springer. 

    Middleton, C.; Garcia, J. and Foran, T. 2009. Old and new hydropower players in the Mekong region: Agendas and strategies. In Molle, F.; Foran, T. and Käkönen, M. (Eds), Contested waterscapes in the Mekong region: Hydropower, livelihoods and governance, pp. 23-45. London: Earthscan. 

    Missingham, B. 2003. The assembly of the poor: From local struggles to national protest movement. Chiang Mai: Silkworm Books. 

    Molle, F.; Foran, T. and Käkönen, M. (Eds). 2009. Contested waterscapes in the Mekong region: Hydropower, livelihoods and governance. London: Earthscan. 

    Molle, F. and Floch, P. 2008. The 'desert bloom’ syndrome: Irrigation development, politics and ideology in the northeast of Thailand. Working Paper. Chiang Mai, Thailand: Mekong Program on Water, Environment and Resilience. 

    MRC (Mekong River Commission). 2011. Further study on impact of Mekong mainstream development to be conducted, say Lower Mekong countries. www.mrcmekong.org/news-and-events/news/further-study-on-impact-of-mekong-mainstream-development-to-be-conducted-say-lower-mekong-countries/ (accessed 1 April 2012) 

    MRC. 2009. The Mekong program. www.mrcmekong.org/mekong_program_ceo.htm (accessed 5 April 2012) 

    Nakhooda, S. 2011. Asia, the multilateral development banks and energy governance. Global Policy 2(S1): 120- 132. 

    Pearce-Smith, S. 2012. The impact of continued Mekong basin hydropower development on local livelihoods. Consilience: The Journal of Sustainable Development 7(1): 73-86. 

    Pöyry. 2011. Government of Laos Xayaburi hydropower compliance report. Zurich, Switzerland: Pöyry Energy AG. 

    RMR (Resources Management and Research). 2002. Nam Mang 3 hydropower project, environmental impact analysis and outline social action plan & environmental management plan, resource management and research. Draft August 2002. 

    Savenije, H.G. and van der Zaag, P. 2000. Conceptual framework for the management of shared river basins with special reference to the SADC and EU. Water Policy 2(1-2): 9-45. 

    Sawangphol, N. and Pharino, C. 2010. Status and outlook for Thailand’s low carbon electricity development. Renewable and Sustainable Energy Reviews 15(1): 564-573. 

    Selby, J. 2003. Dressing up domination as 'cooperation': The case of Israeli-Palestinian water relations. Review of International Studies 291(1): 121-138. 

    Shankleman, J. 2009. Going global: Chinese oil and mining companies and the governance of resource wealth. Washington, DC: Woodrow Wilson International Center for Scholars. wwww.wilsoncenter.org/topics/pubs/DUSS_09323Shnkl_rpt0626.pdf    (accessed 12 February 2012) 

    Simpson, A. 2007. The environment-energy security nexus: Critical analysis of an energy 'love triangle' in Southeast Asia. Third World Quarterly 28(3): 539-554. 

    Singh, S. 2009. World Bank-directed development? Negotiating participation in the Nam Theun 2 Hydropower Project, Laos. Development and Change 40(3): 487-507. 

    SMH (Sydney Morning Herald). 2011. Mekong countries delay Laos dam decision. 9 December 2011. http://news.smh.com.au/breaking-news-world/mekong-countries-delay-laos-dam-decision-20111209-1oltm.html (accessed 15 April 2012) 

    Sneddon, C. and Fox, C. 2012. Water, geopolitics, and economic development in the conceptualization of a region. Eurasian Geography and Economics 53(1): 143-160. 

    Sneddon, C. and Fox, C. 2007. Power, development, and institutional change: Participatory governance in the lower Mekong basin. World Development 35(12): 2161-2181. 

    Sneddon, C. and Fox, C. 2006. Rethinking transboundary waters: A critical hydropolitics of the Mekong basin. Political Geography 25(2): 181-202. 

    STM (Save the Mekong). 2011. Open letter to Mekong River Commission. www.savethemekong.org/admin_controls/js/tiny_mce/plugins/imagemanager/files/StM_MRCCouncil_6.12.1 1.pdf (accessed 28 March 2012) 

    Stone, R. 2011. Mayhem on the Mekong. Science 333(6044): 814-818. 

    Stuart-Fox, M. 2006. The political culture of corruption in the Lao PDR. Asian Studies Review 30(1): 59-75. 

    Stuart-Fox, M. 2011. Family problems. World briefing. http://inside.org.au/family-problems/ (accessed 18 March 2012) 

    Suhardiman, D.; Giordano, M. and Molle, F. 2012. Scalar disconnect: The logic of transboundary water governance in the Mekong. Society and Natural Resources: An International Journal 25(6): 572-586. 

    Sukkumnoed, D.; Greacen, C.; Bureekul, T.; Thongplon, S. and Nuntavorakarn, S. 2006. Governing the power sector: An assessment of electricity governance in Thailand. Washington, DC: World Resources Institute. http://electricitygovernance.wri.org/files/egi/egi_thailand_report_0.pdf  (accessed 8 May 2012) 

    Teansri, P.; Pairindra, W.; Uthathip, N.; Bhasaputra, P. and Pattaraprakorn, W. 2012. The costs of power quality disturbances for industries related fabricated metal, machines and equipment in Thailand. GMSARN International Journal 6 (2012): 1-10. 

    The Economist. 2012. Damming the Mekong in suspension. www.economist.com/node/21542480 (accessed 25 March 2012) 

    Thomé, J.-M. and Pholsena, S. 2008. Lao People’s Democratic Republic: Health financing reform and challenges in expanding the current social protection schemes. Promoting sustainable strategies to improve access to health care in the Asian and Pacific Region. New York: United Nations Economic and Social Commission for Asia and the Pacific (UNESCAP). 

    Transparency International. 2011. Corruption perceptions. http://cpi.transparency.org (accessed 15 May 2012) 

    UNESCAP (United Nations Economic and Social Commission for Asia and the Pacific). 2012. Trade facilitation in Asia and the Pacific: An analysis of import and export processes. Study in Trade and Investment No. 71. 

    UNTC (United Nations Treaty Collection). 2012. International covenant on civil and political rights. http://treaties.un.org/pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-4&chapter=4&lang=en (accessed 19 March 2012) 

    Vientiane Times. 2010. Battery of ASEAN unable to power domestic growth. 19 April 2010. 

    Vostroknutova, E.; Li, Y.; Davading, S. and Suri, V. 2010. Lao PDR development report 2010. Natural resource management for sustainable development. World Bank Background Paper Fiscal Policy Options for ResourceRich Laos. http://siteresources.worldbank.org/LAOPRDEXTN/Resources/2936831301084874098/LDR2010_Fiscal_Policy_ Options.pdf (accessed 7 January 2012) 

    Wattana, S. and Sharma, D. 2011. Electricity industry reforms in Thailand: An analysis of productivity. International Journal of Energy Sector Management 5(4): 494-521. 

    Wattana, S.; Sharma D. and Vaiyavuth, R. 2008. Electricity industry reforms in Thailand: A historical review. GMSARN International Journal 2(2): 41-52. 

    WB/ADB (World Bank/Asian Development Bank). 2006. Future directions for water resources management in the Mekong river basin. Mekong Water Resources Assistance Strategy. Manila: Asian Development Bank. www.adb.org/water/operations/partnerships/mwrasJune2006.pdf  (accessed 20 January 2012) 

    Wisuttisak, P. 2012a. Liberalisation of the Thai energy sector: A consideration of competition law and sectoral regulation. Journal of World Energy Law and Business 5(1): 60-77. 

    Wisuttisak, P. 2012b. Regulation and competition issues in Thai electricity sector. Energy Policy 44: 185-198. 

    Wolf, A.; Yoffe, S. and Giordano, M. 2003a. International waters: Identifying basins at risk. Water Policy 5(1): 29- 60. 

    Wolf, A.; Stahl, K. and Macomber, M. 2003b. Conflict and cooperation within international river basins: The importance of institutional capacity. Water Resources Update, Issue No. 125. Universities Council on Water Resources. http://www.ucowr.org/updates/125/index.html 

    Wood, A. 2010. Understanding and investing in Thailand’s energy sector. Bangkok Post. www.bangkokpost.com/business/economics/35850/understanding-and-investing-in-thailand-energy-sector (accessed 10 May 2012) 

    World Bank. 2012. Country profile Laos. http://data.worldbank.org/country/lao-pdr (accessed 3 April 2012) World Bank. 2011. Thailand economic monitor. http://documents.worldbank.org/curated/en/2011/04/14237925/thailand-economic-monitor-april-2011 (accessed 3 April 2011) 

    World Bank. 2007. Sustainable hydropower can benefit us all. http://go.worldbank.org/3TAAPF9A90 (accessed 25 March 12) 

    Yoffe, B.; Fiske, G.; Giordano, M.; Giordano, M.; Larson, K.; Stahl, K. and Wolf, A. 2004. Geography of international water conflict and cooperation: Data sets and applications. Water Resources Research 40(5): 1-12. 

    Ziv, G.; Baranb, E.; Namc, S.; Rodríguez-Iturbed, I. and Levina, S. 2012. Trading-off fish biodiversity, food security, and hydropower in the Mekong River Basin. Proceedings of the National Academy of Sciences 109(15): 5609- 5614.

    https://mekong-cuulong.blogspot.com


    Không có nhận xét nào