Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Lê – Việt Nam: Những biến chuyển đầu thế kỷ XX. Kỳ 3

    Kỳ III

    III) ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC ĐƯỢC THÀNH LẬP THEO MÔ HÌNH NÀO?

    Sau cuộc tham quan bất ngờ và thú vị hạm đội hùng hậu của Nga tại Cam Ranh, chuyến Nam du của ba cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp tiếp tục diễn ra, song khi đến Phan Thiết, mọi việc bị khựng lại. Cụ Phan Châu Trinh bị đau nặng, phải ở lại Phan Thiết 4 tháng để điều trị và tịnh dưỡng, hai cụ còn lại trở ra các tỉnh miền Trung.

    Nhân 4 tháng này, cụ Phan khuyến khích thanh niên Việt Nam đọc tác phẩm của nhà cách mạng Trung Quốc Lương Khải Siêu, mở trường Dục Thanh dạy theo chương trình mới, thành lập Tổ hợp Liên Thành để buôn bán cá khô và nước mắm. Ở Quảng Nam, cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng mở một trường học, một hội nông nghiệp, tổ chức buôn bán quế ở Hội An, đồng thời cổ xúy việc cắt tóc ngắn và ăn mặc theo phương Tây ( David Marr G. – sđd – trang 158-159).

    Trở lại Quảng Nam, sau khi tìm đọc những lá thư cùng tài liệu do cụ Phan Bội Châu gửi từ Nhật về, cụ Phan Châu Trinh quyết định tự mình sang Nhật gặp Phan Bội Châu và sống mấy tuần lễ ở hai thủ phủ Tokyo và Yokohama. Chính trong thời gian này, cụ Phan Châu Trinh được biết rõ về Khánh Ứng nghĩa thục (Keio Gijuku) ở thủ đô Tokyo, một mô hình giáo dục mới của Nhật Bản do nhà tư tưởng nổi tiếng Fukuzawa Yukichi (1835 - 1901) sáng lập, với những cải cách về đội ngũ giảng dạy, chương trình học và phong cách giáo dục mới mẻ. 

    Về Việt Nam, cụ Phan Châu Trinh trình bày với nhiều nhà cách mạng trong nước về mô hình giáo dục của Khánh Ứng nghĩa thục. Mô hình này thuyết phục được mọi người và trường Đông Kinh nghĩa thục Việt Nam ra đời vào tháng 3.1907, không thu học phí đúng theo danh xưng “nghĩa thục”, hoạt động với mục tiêu khai dân trí qua chương trình giáo dục lớp trẻ và tổ chức các buổi diễn thuyết trước đông đảo đồng bào về nếp sống duy tân.

    Trường dạy chủ yếu môn Việt văn ở bậc Tiểu học, dạy thêm Hán Văn và Pháp văn cho học sinh Trung và Đại học, từ bỏ lối học từ chương, khoa cử, chú trọng vào lãnh vực thường thức và thực nghiệp. Người thục trưởng đầu tiên của Đông Kinh nghĩa thục là cụ Lương Văn Can, sinh năm 1854, là một trong những bậc trưởng thượng lúc bấy giờ, cả về tuổi tác lẫn nhân cách (Nguyễn Hiến Lê – Đông Kinh nghĩa thục – NXB Văn hóa Thông tin – 2002, trang 50)

    Trụ sở đầu tiên của Đông Kinh nghĩa thục là căn gác rộng lớn trong ngôi nhà của cụ Lương Văn Can chứa được vài trăm học sinh. Trường hoạt động ngay khi vừa thành lập, trong thời gian chờ Phủ Thống sứ Bắc kỳ duyệt xét hồ sơ xin mở trường. Ngay những ngày đầu, đã có 6 -7 mươi học sinh theo học, phần đông là con em những người có liên quan đến việc thành lập trường, những người ủng hộ mục tiêu và tôn chỉ của trường. 

    Điểm đặc biệt của Đông Kinh nghĩa thục trong điều kiện xã hội lúc bấy giờ là tinh thần bài xích quan niệm trọng nam khinh nữ, nhất là về mặt học vấn. Trong hai lớp học đầu tiên, đã có một lớp dành cho nữ sinh! Việc tìm một nữ giáo viên cho nghĩa thục cũng không phải là điều dễ dàng. Cuối cùng, người em gái cụ Lương Trúc Đàm (một thành viên trong ban sáng lập nghĩa thục), vốn biết chữ quốc ngữ, đã tình nguyện phụ trách giảng dạy cho lớp nữ.

    Tháng 5.1907, giấy phép hoạt động đã được Phủ Thống sứ Bắc kỳ cấp cho Đông Kinh nghĩa thục. Trên nền tảng hợp pháp này, trường bắt đầu mở rộng cả về cơ sở vật chất lẫn hoạt động trong công chúng. Số học sinh lúc này đã lên đến khoảng 4-5 trăm người (số liệu này không thống nhất ở nhiều nguồn). 

    Ban giảng huấn của trường cũng khá hùng hậu, phần Hán văn gồm các nhân sĩ trí thức Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Quyền, Lương Trúc Đàm; phần Việt và Pháp văn có các nhà tân học: Phạm Duy Tốn (thân phụ nhạc sĩ Phạm Duy), Nguyễn Văn Vĩnh (thân phụ các nhà thơ Nguyễn Giang, Nguyễn Nhược Pháp), Nguyễn Bá Học (người có câu nói nổi tiếng: đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông), Phạm Đình Đối…

    Song song với việc đào tạo một lớp thanh niên mới hấp thu một nền giáo dục phù hợp với xã hội đương thời, các nhà lãnh đạo của Đông Kinh nghĩa thục còn tổ chức nhiều buổi diễn thuyết trong công chúng để hiệu ứng của việc làm được lan tỏa rộng hơn. Trong cuộc diễn thuyết thu hút được nhiều người xem tại đền Ngọc Sơn, Hà Nội, hai thành viên của trường là Lương Trúc Đàm và Dương Bá Trạc đã bị cảnh binh dẫn giải về trụ sở tra hỏi, mấy ngày sau được mời lên phủ Thống sứ và gặp trực tiếp viên Thống sứ Pháp. Tính thẳng thắn, tinh thần tự trọng của hai cụ khiến viên Thống sứ nể trọng, không bắt tội làm “nhiễu loạn trị an” và để cho hai cụ trở về (Nguyễn Hiến Lê sđd, trang 87-89).

    Hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục phù hợp với chủ trương của những người theo phong trào Duy Tân, nâng cao dân trí, không những ở học đường mà cà trong môi trường xã hội. Đáng tiếc là nghĩa thục không tồn tại được tới một năm. Đầu năm 1908, thực dân Pháp lấy cớ là trường gây náo động trong dân, đã thu hồi giấy phép hoạt động. 

    Trong tình hình đó, những nhân sĩ yêu nước vẫn không chịu lùi bước, họ tiếp tục gây ra hai sự kiện quan trọng khác, trong cùng năm 1908 …. 

    IV) NHỮNG TỔN THẤT TO LỚN CỦA PHONG TRÀO CÁCH MẠNG

    Sau sự thu hồi giấy phép hoạt động của trường Đông Kinh nghĩa thục, năm 1908 là năm sôi sục những cuộc đấu tranh để phản đối chính sách khắc nghiệt của thực dân Pháp, tiêu biểu là gánh nặng thuế khóa ngày càng đè nặng lên đôi vai còm cõi của người dân nghèo. Tay không không thể chống lại súng đạn và dùi cui, những cuộc vùng lên đòi quyền sống bị giặc Pháp bóp nghẹt, song cảnh máy chém, tù đày diễn ra vẫn không làm chùn bước các nhân sĩ yêu nước, đồng thời cũng không làm mất đi lòng tin yêu của quần chúng dành cho họ.

    1) CUỘC KHÁNG THUẾ MIỀN TRUNG HAY “LOẠN ĐẦU BÀO”

    Trong quá trình thực dân Pháp thuộc địa hóa toàn bộ Việt Nam, Paul Doumer là một trong những viên Toàn quyền có công lớn nhất đối với chính quốc. Ngay khi vừa nhậm chức (1897), ông ta giải tán Cơ mật viện của triều đình và đặt Hội đồng thượng thư dưới sự chủ toạ của viên Khâm sứ Huế. Năm sau, ông ta tước đoạt luôn quyền hành thu thuế của triều đình, buộc nơi đây phải sống bằng nguồn tiền do ngân sách thuộc địa cung cấp. Khi vua Thành Thái thực hiện cuộc Bắc tuần vào năm 1907, kinh phí chuyến đi phải do Tòa Khâm sứ Huế duyệt cấp!

    Về phần công chúng, các công tác to lớn, tiêu biểu là việc làm đường xe lửa Đông Dương, đòi hỏi những khoản kinh phí khổng lồ, gánh nặng sưu thuế đè lên vai dân nghèo. Ngoài việc thay đổi thể thức thu thuế bằng tiền thay vì bằng lúa làm xáo trộn tập quán xã hội sẵn có, việc làm xâu (công sưu) bộc lộ rõ nét những mặt trái của một xã hội đầy áp bức bất công. Người đi làm xâu phải đem gạo nhà theo ăn, người giàu hay có quyền thế được bỏ qua, người nghèo có khi phải đi làm xâu đến 15 lần trong một năm (Marr David G.– Vietnamese Anticolonialism 1885-1925 –NXB Berkeley –1971, trang 186). 

    Trong tình hình đó, các phong trào dân tộc do giới nhân sĩ trí thức phát động đã bùng lên sôi nổi. Cuối năm 1907, nhiều buổi diễn thuyết bỏ túi được tổ chức tại các xóm làng, kêu gọi đấu tranh đòi giảm bớt gánh nặng thuế khóa và công bằng hóa việc công sưu.

    Tháng 3.1908, cuộc kháng sưu, kháng thuế bắt đầu nổ ra tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, vì nơi đây là trung tâm của gánh nặng công sưu nhằm phục vụ cho nhu cầu hoạt động của mỏ than Nông Sơn. Ngày 9.3.1908, hơn 300 người kéo lên huyện yêu cầu giảm sưu. Không đuợc giải quyết, họ kéo về Hội An gặp thẳng viên công sứ Pháp. Viên chức này ra lệnh cho đoàn biểu tình giải tán, đồng thời chịu tiếp 6 đại biểu, nhận đơn khiếu nại và hứa giải quyết thỏa đáng.

    Tin tức về phong trào kháng thuế nhanh chóng loan đi, các huyện khác của tỉnh Quảng Nam hưởng ứng ngay. Họ cũng ồ ạt kéo về Hội An, thủ sẵn kéo trong người và chặn đường cúp tóc những ai họ gặp. Các thân chủ bất đắc dĩ này phải trốn biệt trong nhà nhiều tháng, phần vì xấu hỗ, phần vì sợ bị chính quyền bắt giữ. Cụm từ “loạn đầu bào” được khai sinh từ đó.

    (còn tiếp)

    Lê Nguyễn

    7.6.2022

    https://www.facebook.com/lenguyenpd


    Không có nhận xét nào