Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ tư 22 tháng 6 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Hàn Quốc phóng thành công tên lửa nội địa lên không gian

    Tên lửa không gian Nuri cất cánh từ Trung tâm Vũ trụ Naro ở Goheung, Hàn Quốc, ngày 21/6/2021. © AP 

    Sau 30 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, Hàn Quốc đã chính thức gia nhập nhóm bảy cường quốc không gian hàng đầu thế giới, với việc phóng thành công tên lửa Nuri đặt các vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo Trái đất. Sự kiện này đánh dấu khả năng khám phá không gian một cách độc lập và tự chủ của nước này. 

    Thông tín viên Trần Công tường trình từ Seoul : 

    Ngày 21/06/2022, Hàn Quốc đã phóng thành công tên lửa Nuri được sản xuất nội địa mang theo vệ tinh nặng hơn 1 tấn lên quỹ đạo Trái đất. Lần đầu tiên một tên lửa được sản xuất, thử nghiệm, phóng và vận hành theo công nghệ của Hàn Quốc.

    Rạng sáng ngày 22/06, trạm vệ tinh Daejeon thông báo vệ tinh đã hoạt động, và việc kết nối hai chiều giữa vệ tinh và Trái đất đã được xác lập thành công. Lực lượng không quân Hàn Quốc đã ra lệnh cho vệ tinh đồng bộ hóa thời gian và kích hoạt bộ thu GPS gắn trên vệ tinh. Trong tương lai, Hàn Quốc sẽ chủ động tải xuống được các dữ liệu cơ bản và dữ liệu GPS ở chế độ truyền tốc độ cao (1 Mb/giây).

    Với hơn 300 công ty nội địa tham gia vào việc sản xuất tới gần 300 nghìn bộ phận của tên lửa Nuri, Hàn Quốc kỳ vọng sẽ thúc đẩy và hỗ trợ các công ty vũ trụ trong nước trở thành những “Space X” trong tương lai. 

    Về phía Bắc Triều Tiên, ngày hôm qua, Kim Jong Un cũng đã triệu tập một cuộc họp với Quân ủy Trung ương để quyết định các chính sách lớn liên quan đến quốc phòng. Hiện tại chưa có thông báo nào liên quan đến hoạt động quân sự của Bắc Triều Tiên, tuy nhiên rất có thể kế hoạch cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7 cũng được thảo luận tại buổi họp này. Bắc Triều Tiên cũng đã nỗ lực phóng vệ tinh từ cuối năm 1998. Mặc dù vệ tinh của Bắc Triều Tiên đã đi vào quỹ đạo thành công, nhưng lại không hoạt động bình thường và trọng lượng của vệ tinh cũng nhỏ hơn nhiều so với Hàn Quốc.

    Các quy định mới của Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ các luồng bình luận, dân nói ‘sắp thành Triều Tiên’

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2022/06/trung-quoc-kiem-soat-700x366.jpg

    Hình ảnh: Dailydot. 

    Gần đây, cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã ban hành quy định mới yêu cầu xác minh danh tính những người bình luận trực tuyến, đồng thời “xem xét trước khi đăng” các tin nhắn và các bức ảnh chụp màn hình. Các nhà bình luận tin rằng, đây là sự đàn áp hơn nữa của ĐCSTQ đối với không gian tự do ngôn luận.

    Hôm 17 tháng 6, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc đã ban hành dự thảo có tên “Quản lý dịch vụ bình luận bài đăng trên Internet (Bản dự thảo sửa đổi để lấy ý kiến)”, yêu cầu các nền tảng trang web cung cấp dịch vụ bình luận phải xác thực thông tin danh tính của cư dân mạng đã đăng ký, nếu không họ sẽ không thể đăng bình luận.

    Cùng ngày, báo Nhân dân điện tử Trung Quốc (People’s Daily Online) đã đăng bài viết với tiêu đề: “Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc dự định quy định người dùng sử dụng tên thật để bình luận về các bài đăng, và người dùng phải được quản lý ở các cấp độ khác nhau.”

    Chinanews cũng đưa tin nói rằng: “Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc dự định quy định rằng, những người dùng chưa xác thực thông tin danh tính thực của họ sẽ không được cung cấp dịch vụ đăng bình luận”.

    Bản dự thảo lấy ý kiến của Cơ quan quản lý không gian mạng cũng quy định nền tảng trang web cần “thiết lập hệ thống quản lý đánh giá người dùng”, để tiến hành “xếp hạng tín nhiệm” đối với các bình luận của người dùng, những người “vi phạm niềm tin nghiêm trọng” nên được đưa vào danh sách đen để ngăn chặn họ đăng ký lại tài khoản của mình.

    Dự thảo cũng yêu cầu nền tảng website phải thiết lập các hệ thống như quản lý rà soát và kiểm tra theo thời gian thực, đồng thời thực hiện “rà soát trước khi đăng” đối với các nội dung bình luận.

    Ngoài ra, những bên cung cấp dịch vụ bình luận bài viết theo phương thức “chặn” nên hợp nhất các nền tảng và trang, cung cấp phiên bản tĩnh tương ứng của nội dung thông tin.

    Theo NTDTV, tin tức này đã dấy lên những lời chỉ trích từ cư dân mạng đại lục, họ cho rằng: “Môi trường mạng sẽ là môi trường của Triều Tiên trong tương lai”, “Mã hóa thông tin ngoại tuyến, kiểm tra và chặn thông tin trực tuyến.”

    Kênh tin tức dẫn lời Lưu Thanh (Liu Qing), nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc trú tại Mỹ cho biết, mục đích của Cơ quan quản lý không gian mạng đối với hệ thống theo dõi tên thật của Trung Quốc là đe dọa những người theo dõi, và tất cả những lần theo dõi của bạn sẽ tiết lộ danh tính của bạn. Nó gây áp lực tâm lý để răn đe bạn. Cũng giống như một tên cướp, anh ta biết mình xấu, nhưng sẽ không để bạn nói rằng anh ta xấu, anh ta muốn kiểm soát bạn và khiến bạn sợ hãi.

    Lưu Thanh nói: “Không ai trong các bạn có thể có bất kỳ lời chỉ trích nào, cho dù đó là sự chỉ trích trực tiếp nhắm vào tôi, sự chỉ trích Đảng Cộng sản, hay sự chỉ trích những người thực thi nó phải được kiểm soát hoàn toàn, đó là mục tiêu cuối cùng của tổ chức.”

    Luật sư nhân quyền Trung Quốc tại Mỹ là ông Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping) cũng nói rằng, không có mạng Internet nào ở Trung Quốc có thể thoát khỏi sự kiểm soát của ĐCSTQ. Một vài năm trước, một số cổng thông tin lớn đã bị thanh trừng. Weibo đã bị thanh trừng, sau đó hệ thống tên thật trên Weibo và WeChat được triển khai. Những người vi phạm đã bị xóa, bị cấm và thậm chí bị bắt giữ. Bây giờ ngay cả các bài đăng và bình luận cũng bị kiểm soát chặt chẽ.

    Luật sư Ngô cho hay: “Tôi nghĩ một yếu tố khác là Tập Cận Bình muốn thu hút dư luận tích cực tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20, vì vậy ông ấy không muốn bất kỳ ồn ào nào can thiệp vào việc tái tranh cử của mình. Tôi nghĩ đây là nguyên nhân chính. “

    Quy định mới của Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm dư luận đang sôi sục vì vụ nhiều người đàn ông to khỏe đánh một người  phụ nữ và những người bạn của cô ấy tại một nhà hàng thịt nướng ở Đường Sơn.

    Theo NTDTV, một số nhà bình luận cho rằng, trong không gian mạng hạn chế, người đại lục thỉnh thoảng sẽ gây ra một số vụ việc khiến dư luận dậy sóng, chẳng hạn như vụ cô gái bị xích sắt quấn quanh cổ, và vụ đánh người ở Đường Sơn, điều này sẽ gây một số áp lực lên chính quyền. Các nhà chức trách hiện cũng muốn kiểm soát giới hạn không gian cuối cùng này.

    Kênh tin tức dẫn lời nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc Lưu Thanh cho hay: “Một chế độ độc tài tập quyền, có thể sử dụng quyền lực của mình một cách cực kỳ tàn nhẫn. Vậy thì trong trường hợp này, những người sống ở Triều Tiên là một ví dụ điển hình. Họ có thể kiểm soát người dân đến mức độ như vậy.”

    TẠI SAO GIÁ ĐỒNG BITCOIN LAO DỐC

    CON SỐ TRONG TUẦN. Sự phá sản của các loại tiền mã hóa đang ngày càng lớn: đồng tiền mã hóa nổi tiếng đã mất một phần ba giá trị chỉ trong một tuần.

    Le Point.fr


    Giá đồng Bitcoin đã giảm 33% trong một tuần và giảm 70% so với ngày 9 tháng 11 năm 2021. © Jean-Luc Flémal / MAXPPP / BELPRESS/MAXPPP

    Giá đồng bitcoin đã giảm vào sáng thứ Tư ngày 15 tháng 6 xuống còn 20,183 đô-la, tức giảm 33% trong một tuần và giảm 70% so với đỉnh điểm 68,925 đô-la đạt được vào ngày 9 tháng 11 năm 2021. Còn định giá toàn bộ hàng nghìn loại tiền mã hóa được thống kê đã bị chia hơn ba trong vòng chưa đầy bảy tháng, từ 3.000 đô-la tỷ xuống còn 900 tỷ đô-la.

    Thị trường tài sản tiền mã hóa là nạn nhân của việc Cục Dự trữ Liên bang MỹNgân hàng Trung ương Châu Âu quyết định tăng lãi suất, để chống lại tình trạng lạm phát, do đó cũng chấm dứt luôn một thời kỳ dài tồn tại của đồng tiền miễn phí, vốn có lợi cho các khoản đầu tư mang tính đầu cơ. Thị trường này cũng đang hứng chịu một làn sóng ngờ vực chung đối với một nền tài chính phi tập trung và phi điều tiết này, sự ngờ vực đã tăng cao bởi sự sụp đổ, cách đây một tháng, của đồng stablecoin TerraUSD (UST), vốn đã mất 99,8% giá trị trong vài giờ. Trong bối cảnh phá sản này và đối mặt với các động thái lớn bán ra, nền tảng cho vay tiền mã hóa Celsius Network đã buộc phải tuyên bố đóng băng các khoản rút tiền, vào hôm đầu tuần, một quyết định làm tăng thêm cảm giác hoảng loạn và củng cố thêm sự ngờ vực vốn đè nặng lên tính không giả mạo của các tài khoản và tính vững chắc về tài chính của nhiều tác nhân trong lĩnh vực này.


    Ngoài cáo buộc về tính thiếu minh bạch của thị trường tiền mã hóa, giới lãnh đạo các ngân hàng trung ương, gần đây, đã cảnh báo về tính chất rủi ro cao của việc đầu tư vào các loại tiền mã hóa này, thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp, François Villeroy de Galhau, đã không ngần ngại so sánh sự hâm mộ đối với đồng bitcoin với sự hâm mộ được quan sát thấy đối với sự kiện bong bóng hoa tulip ở Hà Lan vào thế kỷ XVII, bong bóng đầu cơ lớn đầu tiên trong lịch sử tài chính thời hiện đại. “Ý kiến ​​rất khiêm tốn của tôi là các tài sản tiền mã hóa không có giá trị gì hết, theo lời của bà Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde vào hôm cuối tháng 5. Các tài sản đó không dựa trên bất kỳ thứ gì, không gắn với bất kỳ tài sản cơ bản nào có thể mang lại sự an toàn.”

    Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi công ty KPMG đại diện cho tổ chức Adan (Hiệp hội phát triển các tài sản kỹ thuật số), có 8% người Pháp nắm giữ tiền mã hóa vào đầu năm 2022, tức một tỷ lệ cao hơn so với 6,7% sở hữu các tài sản chứng khoán trực tiếp, trong khi có 30% số người được hỏi dự kiến sẽ mua loại tiền mã hóa đó.

    Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

    Nguồn: Pourquoi le cours du bitcoin s’effondre, Le Point, ngày 15/06/2022.

    Pháo hạng nặng của Đức đến Ukraine

    Lô viện trợ vũ khí hạng nặng đầu tiên của Đức cho Ukraine đã cập bến. Hệ thống pháo Panzerhaubitze 2000, hay Pzh 2000, có thể bắn một quả đạn nặng bằng hai vali nhồi đi xa khoảng 40 km. Và với khả năng bắn ba phát trong vòng mười giây ở chế độ đặc biệt, chiếc xe bọc thép nặng 55 tấn này mang đến hỏa lực đáng sợ.

    Song món quà của Đức có thể đã đến quá muộn để ngăn đà tiến chậm rãi của Nga ở đông Ukraine. Các đội pháo binh Nga đang bắn số lượng đạn nhiều gấp 10 lần Ukraine, theo Tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny. Các nhà lãnh đạo Ukraine cũng nói quân đội của họ cần nhiều các loại pháo tối tân của phương Tây hơn nữa. Nhưng Đức chỉ gửi bảy chiếc Pzh 2000, còn Hà Lan bội ước lời hứa gửi thêm năm chiếc. Khi nguồn dự trữ pháo và đạn dược của phương Tây bắt đầu cạn kiệt, viện trợ sẽ ít đi.

    Những ngày khó khăn của tiền điện tử

    Vào thứ Tư, Iran sẽ cắt điện đối với 118 công ty khai thác tiền điện tử có cấp phép của họ, trong nỗ lực giải tỏa căng thẳng lưới điện. Đây là một động thái đúng thời điểm, khi thế giới tiền điện tử trở nên u ám. Giá bitcoin đã giảm gần 15% chỉ riêng trong ngày thứ Bảy, dẫn đến 1 tỷ USD bị thanh lý vì các nhà đầu tư dùng đòn bẩy không thể trình đủ tài sản thế chấp. Các đồng tiền điện tử khác cũng giảm, mặc dù hầu hết đã phục hồi và thị trường dường như ổn định. Nhưng bitcoin vẫn thấp hơn gần 70% so với mức đỉnh hồi tháng 11, tạo nên hoảng loạn trong toàn ngành.

    Các bên cho vay đã tạm ngừng cho rút tiền, các quỹ đầu cơ không đáp ứng được lệnh gọi ký quỹ, và một sàn đã cho tạm dừng giao dịch hoàn toàn vì sợ bị rút hết tiền. Ngay cả những công ty khổng lồ cũng bị ảnh hưởng. Nhiều trong số đó – đặc biệt là Coinbase – đã thông báo sa thải tới 20% lực lượng lao động. Mùa hè thất vọng này báo hiệu tương lai bất định của tiền điện tử.

    Ả Rập Saudi gia tăng ảnh hưởng

    Vào thứ Tư tuần này, thái tử và nhà lãnh đạo trên thực tế của Ả Rập Saudi, Muhammad bin Salman, ​​sẽ đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi bên trong lãnh sự quán tại Istanbul của vương quốc này vào năm 2018. Kể từ đó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã dành nhiều năm làm khó vị thái tử về vụ việc này. Nhưng khi nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn ông bỗng đổi ý: ông muốn có đầu tư từ Ả Rập Saudi.

    Ông Erdogan không phải là nhà lãnh đạo duy nhất bất ngờ làm lành với Thái tử Muhammad. Với tư cách là ứng viên tổng thống, Joe Biden đã từng thề sẽ cô lập thái tử về vụ giết ông Khashoggi, cũng như sự tham gia của Ả Rập Saudi trong cuộc chiến ở Yemen. Nhưng giờ đây ông Biden lại muốn đến Jeddah thăm thái tử vào tháng tới. Với giá xăng dầu tăng cao – 5 đô la một gallon trong tháng này ở Mỹ – ông Biden muốn thuyết phục thái tử Muhammad đồng ý xuất khẩu thêm dầu. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu cho thấy vị thế ngoại giao không thể xem thường của Ả Rập Saudi.

    Nỗ lực tiêu chuẩn hóa metaverse

    Vào những năm 1990, các công ty đã cùng nhau xây dựng web mở — một nỗ lực giúp cho Internet bùng nổ. Bằng cách cho phép các trang web và trình duyệt giao tiếp với nhau, một nền kinh tế mở đã bùng nổ. Nhiều người đang đặt kỳ vọng khi ngành công nghệ hướng tới phiên bản tiếp theo của internet, “metaverse,” hay vũ trụ ảo.

    Vào thứ Ba, Diễn đàn Tiêu chuẩn Metaverse chính thức ra mắt với mục tiêu thúc đẩy thảo luận về các tiêu chuẩn cho khả năng tương tác (interoperability). Các tên tuổi lớn bao gồm Meta, vốn đổi tên từ Facebook như một phần của kế hoạch dài hạn cho metaverse, và Epic Games, công ty có tựa game proto-metaverse phổ biến “Fortnite.”

    Nhưng cũng có những ông lớn không tham gia, đặc biệt là Apple, và các nhà phát triển game khác, mà trên thực tế chính là bên sản xuất phần lớn nội dung của metaverse. Triển vọng là khá ảm đạm nếu những công ty như vậy không tham gia hệ thống tiêu chuẩn của diễn đàn. Bất kỳ tiêu chuẩn mới nào cũng sẽ phải cạnh tranh với các hướng dẫn hiện tại, từ đó làm tăng tính không tương thích của ngành. Song nếu cơ chế mới này có thể xây dựng được đồng thuận, metaverse sẽ đứng trước cơ hội đi vào thực tế.

    Điều tra mới: Ông Putin giàu hơn cả Elon Musk

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2022/06/putin-giau-700x366.jpg

    Ảnh: The Sun. 

    Cuộc đời tỷ phú của ông Putin đã được phơi bày một lần nữa! Các tài liệu rò rỉ mới nhất liên kết ông với một mạng lưới tài sản trị giá gần 4 tỷ bảng Anh bao gồm vườn nho và du thuyền, theo The Sun của Anh.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu đã được cho là sống một cuộc sống xa hoa trong bối cảnh tham nhũng trên khắp đất nước, và một số người tin rằng ông có thể là một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới, với giá trị tài sản ròng là 160 tỷ bảng Anh.

    Tài sản của ông được cho là ngang bằng với 170 tỷ bảng của Elon Musk và vượt qua 135 tỷ bảng và 120 tỷ bảng của Jeff Bezos và Bill Gates.

    Các quan chức Điện Kremlin luôn bác bỏ các báo cáo về sự giàu có đáng kinh ngạc của nhà lãnh đạo, thay vào đó nhấn mạnh rằng ông sống một cuộc sống khiêm tốn với mức lương ít ỏi 70.000 bảng Anh.

    Nhưng Dự án Báo cáo Tội phạm có Tổ chức và Tham nhũng ( Organised Crime and Corruption Reporting Project) và trang tin tức Nga Meduza hiện đã tiết lộ một tài liệu về sự giàu có được cho là đáng ngờ của ông Putin.

    Tất cả các hồ sơ sử dụng tên miền email chung – LLCInvest.ru – dường như cho thấy ông Putin đã che giấu một số công ty mua bất động sản xa xỉ trên khắp nước Nga.

    Các nhà điều tra tìm hiểu các bất động sản liên quan đến ông Putin phát hiện ra rằng một số công ty mua các bất động sản này được liên kết với nhau thông qua một tên miền chung.

    Các email từ LLCInvest.ru dường như có liên quan đến 86 công ty và tổ chức khác nhau, tất cả đều chạy trên máy chủ của công ty viễn thông Moskomsvyaz, có quan hệ mật thiết với các ngân hàng Nga.

    Thông qua tất cả các mối liên hệ chặt chẽ này, Dự án Báo cáo Tội phạm Có Tổ chức và Tham nhũng và các nhà báo đã cố gắng tạo ra mối liên hệ hai hướng giữa tài sản trị giá 3,7 tỷ bảng Anh và ông Putin.

    Điều này không có nghĩa là tất cả người dùng miền LLCInvest.ru đều tham gia vào việc quản lý các tài sản liên quan đến ông Putin. Nhưng một số cơ ngơi và tài sản có liên quan đến ông Putin trong cuộc điều tra đã gây bất ngờ!

    Những hồ sơ mới được phát hiện đã một lần nữa liên kết ông Putin với một cung điện trị giá 1 tỷ bảng Anh bên bờ Biển Đen. Nơi nghỉ này có hồ bơi, spa, phòng tắm hơi, quầy bar, nhà hát, rạp chiếu phim, hầm rượu và sòng bạc. Đó là một tài sản khổng lồ 18.000 mét vuông đáng kinh ngạc. Cung điện cũng bao gồm một biệt thự dành cho khách, trạm xăng riêng, một vườn ươm, sân bay trực thăng và được cho là thậm chí còn có một cột vũ nữ thoát y.

    Ông Putin cũng được cho là sở hữu những vườn nho rộng lớn quanh cung điện để thỏa mãn “sở thích” nấu rượu của mình.

    Tiếp tục từ bờ Biển Đen, ông Putin cũng được cho là sở hữu một số ngôi nhà nghỉ dưỡng gần Biển Baltic và Hồ Ladoga ở miền bắc nước Nga.

    Ông được liên kết với một bất động sản sang trọng có tên là Villa Sellgren, được người dân địa phương gọi là “biệt thự lớn của Putin”. Nó được cho là có một hồ bơi mạ vàng và spa dưới lòng đất, và tài sản được ốp bằng đá cẩm thạch đắt tiền.

    Ông cũng được cho là sở hữu một tòa nhà bằng gỗ được gọi là “Túp lều của người đánh cá” ở phía bắc St.Petersburg.

    Bất chấp tên gọi khiêm tốn đó, tài sản thực sự là một dinh thự hiện đại, là nơi nghỉ ngơi ở nông thôn trên bờ Hồ Ladoga. Nó cũng có cỏ mọc trên mái nhà để bảo vệ khỏi các vệ tinh do thám của phương Tây.

    Chỉ có thể tiếp cận bằng sân bay trực thăng vì có 8 dặm dây thép gai xung quanh ngôi nhà và có lính canh tuần tra. Chủ sở hữu chính thức của tài sản là tổ chức phi lợi nhuận có tên Sea Traditions Revival. Công ty gần đây đã bị Mỹ trừng phạt vì sở hữu hai du thuyền – Shellest và Nega – đều liên quan đến ông Putin.

    Shellest là một du thuyền dài 15 m cực kỳ sang trọng. Nega là một chiếc thuyền do Anh chế tạo. Ông Putin được cho là sử dụng Shellest khi ông đi nghỉ ở Biển Đen và ở trên Nega khi ông ở miền bắc nước Nga.

    Tài sản cuối cùng liên quan đến ông Putin được công bố trong hồ sơ mới là cổ phần tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Igola – nơi con gái ông kết hôn vào năm 2013.

    Việt Nam: Giá xăng tiếp tục tăng, thuế môi trường sẽ giảm 

    21/6/2022 

    VOA Tiếng Việt 

    Xăng dầu ở Việt Nam là mặt hàng được Nhà nước kiểm soát giá

    Xăng dầu ở Việt Nam là mặt hàng được Nhà nước kiểm soát giá 

    Giá xăng dầu Việt Nam tiếp tục tăng lần thứ 7 liên tiếp để đạt mức giá kỷ lục mới trong lúc nhà chức trách chuẩn bị giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát đang bủa vây đời sống người dân.

    Sau cuộc họp điều hành giá xăng hôm 21/6, liên Bộ Công thương-Tài chính đã thông báo giá xăng RON 95-III, loại xăng chiếm tỷ lệ gần 70% trên thị trường Việt Nam, tăng thêm 500 đồng lên 32.870 đồng một lít.

    Trong khi đó, giá xăng E5 RON 92 cũng tăng thêm 190 đồng lên 31.300 đồng một lít kể từ 15h ngày 21/6, báo chí trong nước đưa tin.

    Giá dầu còn tăng mạnh hơn giá xăng. Dầu diesel tăng mạnh nhất – với mức tăng 990 đồng – lên 30.010 đồng một lít, còn dầu hỏa lên mức 28.780 đồng một lít, tăng 950 đồng.

    Như vậy, sau bảy lần tăng giá liên tiếp kể từ ngày 21/4, mỗi lít xăng RON 95-III ở Việt Nam đã tăng thêm 5.560, tương đương gần 17%; trong khi mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 4.830 đồng, tương đương trên 15%.

    Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng Việt Nam đã trải qua 16 lần được liên Bộ Công thương-Tài chính điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng, 3 lần giảm giá.

    Giảm thuế

    Trong lúc này, Bộ Tài chính vừa loan báo họ đã hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra tại kỳ họp Quốc hội vừa qua.

    Theo đó, mức thuế môi trường đối với xăng từ 2.000 đồng giảm xuống còn1.000 đồng/lít; mức thuế đối với dầu diesel giảm từ 1.000 đồng xuống 500 đồng/lít, còn dầu hỏa vẫn tiếp tục bị đánh thuế môi trường ở mức 300 đồng/lít.

    Tuy nhiên, nghị quyết này còn phải chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và phải đến tháng 8 mới có hiệu lực. Từ giờ đến lúc đó, người dân Việt Nam vẫn phải gánh mức thuế môi trường cao đè nặng lên giá xăng.

    Theo tính toán của Bộ Tài chính do báo Sức khoẻ và Đời sống dẫn lại, việc giảm thuế này sẽ khiến ngân sách Việt Nam sẽ thất thu khoảng 1.400 tỉ đồng mỗi tháng, và nếu tính cả năm 2022 Việt Nam sẽ thu thuế ít hơn khoảng 7.000 tỷ đồng nếu việc giảm thuế bắt đầu từ tháng 8.

    Ngoài thuế bảo vệ môi trường, xăng dầu ở Việt Nam còn chịu ba loại thuế khác là thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt. Tổng cộng, các loại thuế, phí hiện đang chiếm khoảng 30% giá thành xăng dầu.

    Trong một phỏng vấn mới đây, bà Phạm Chi Lan, cựu thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nói với VOA rằng chính phủ nên tiếp tục giảm hơn nữa thuế, phí các loại đánh vào xăng dầu và cho rằng việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường ‘chỉ đỡ được một phần’ trong bối cảnh Việt Nam đang chịu áp lực lạm phát rất cao.

    Bà Lan cũng kêu gọi xem lại cách tính thuế, phí xăng dầu vì cách tính theo tỷ lệ hiện nay, tức là giá xăng dầu tăng thì thuế, phí thu được từ xăng dầu cũng tăng lên, ‘rất bất lợi cho người tiêu dùng’. Bà nói thay vì đặt tỷ lệ, chính phủ nên đặt ra một con số thuế, phí cố định.

    Bà bày tỏ lo ngại về việc ‘một số ngành không có động lực nhiều lắm để giảm giá xăng dầu bởi vì đối với họ nếu giá xăng dầu cao thì thuế, phí họ thu được càng cao’.

    Gia hạn xem xét đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế đối với ống thép Việt Nam nhập vào Hoa Kỳ

    RFA
    22/6/2022 

    Gia hạn xem xét đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế đối với ống thép Việt Nam nhập vào Hoa Kỳ

    Ảnh minh họa: ống thép 

    Reuters 

    Bộ Thương Mại Hoa Kỳ cho biết gia hạn thêm 15 ngày thời hạn xem xét các đơn đề nghị điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép nhập từ Việt Nam vào thị trường Mỹ.

    Thông báo của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đưa ra vào trung tuần tháng sáu và được Cục Phòng vệ Thương Mại Bộ Công thương Việt Nam truyền đạt lại.

    Thông báo nêu rõ nguyên đơn tại Hoa Kỳ gồm các doanh nghiệp sản xuất ống thép lớn cáo buộc các nhà sản xuất ống thép Việt Nam nhập thép cán nóng từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ về rồi gia công, chế biến đơn giản thành ống thép để xuất vào thị trường Mỹ. Cách làm này nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại tương ứng mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với các nước vừa nêu ra.

    Thời hạn để Bộ Thương Mại Hoa Kỳ quyết định có khởi xướng điều tra các vụ việc liên quan hay không sẽ được kéo dài cho đến ngày 1/7 tới đây.

    Ngư dân Campuchia bắt được cá đuối 'lớn nhất thế giới' trên sông Mekong

    22/6/2022

    Một ngư dân địa phương ở khu vực sông Mekong ở Campuchia bắt được con cá nước ngọt lớn nhất từng được ghi nhận hồi tuần trước.

    Con cá đuối nước ngọt này nặng trên 300kg, dài 4 mét từ mũi tới đuôi, được bắt ở phía nam tỉnh Stung Treng, đông bắc Campuchia. 

    Ngư dân báo tin cho một nhóm nhà khoa học của dự án Wonders of the Mekong ở gần đó.

    "Thật là bất ngờ. Chúng tôi không định gắn thiết bị theo dõi lên con cá đuối nhưng tôi chưa bao giờ thấy chuyện như vậy," ông Dana Lee, nhà sinh vật học về cá thuộc Dự án Wonders of the Mekong nói. "

    "Đây là con cá lớn nhất mà tôi thấy trong thời gian dài. Một sinh vật rất ấn tượng. Tôi nghĩ nó muốn nói điều gì với dự án Wonders of the Mekong."

    Các nhà khoa học cho biết đây là con cá đuối khổng lồ thứ 4 được ghi nhận ở cùng khu vực trong 2 tháng qua. Có vẻ như khu vực này là điểm nóng sinh sản của loài vật.

    "Thiết bị theo dõi sẽ hoạt động được hơn một năm. Chúng tôi sẽ có thiết bị nhận tín hiệu ở làng Koh Preah đây. 

    "Chúng tôi có 4 điểm nhận tín hiệu, ở khu vực này, và cứ 20 km ở thượng nguồn hay hạ nguồn lại có một điểm. 

    "Có được những thông tin về các con cá này là rất quan trọng để thúc đẩy việc bảo tồn loài này trong tương lai." 

    Hơn 1000 loài cá sinh sống trên sông Mekong, con sông bắt nguồn từ Trung Quốc, và chảy qua Thái Lan, Lào, Myanmar, Cambodia và Việt Nam.

    Các nhà khoa học cảnh báo chất thải nhựa đe dọa các loài sinh vật, ngay cả ở những đoạn sông sâu nhất. "Lưới ma" - lưới đánh cá mà ngư dân bỏ lại trên sông cũng là một mối nguy. 

    Các nhà hoạt động môi trường từ lâu cũng bày tỏ lo ngại việc xây đập dọc sông Mekong sẽ hủy hoại nguồn cá. 


    Không có nhận xét nào