Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 15 tháng 6 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Eo biển Đài Loan : Căng thẳng Mỹ - Trung về luật biển quốc tế

    15/6/2022 

    Ảnh tư liệu. Các chiến hạm của Mỹ băng qua eo biển Đài Loan ngày 27/08/2021. AP 

    Hôm qua, 14/06/2022, Washington khẳng định eo biển Đài Loan thuộc vùng biển quốc tế, bác bỏ lập luận của Bắc Kinh về chủ quyền đối với eo biển này.  

    Trong một bức thư gửi cho hãng tin Reuters, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Ned Price, bác bỏ lập luận của Bắc Kinh được đưa ra vào đầu tuần, khẳng định Trung Quốc có “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán với eo biển Đài Loan”. Washington khẳng định rằng eo biển Đài Loan là một tuyến đường biển quốc tế, tức là một khu vực tự do hàng hải và hàng không, được luật pháp quốc tế bảo vệ.

    Theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển(UNCLOS), một quốc gia có chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên biển trong vùng đặc quyền kinh tế, trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Tuy nhiên, lãnh hải của quốc gia đó không vượt quá 20 hải lý tính từ đường sơ sở. Vùng nước bề mặt trong khu vực đặc quyền kinh tế được coi là vùng biển quốc tế. Bắc Kinh cũng sử dụng UNCLOS và một luật khác của Trung Quốc để phủ nhận eo biển Đài Loan thuộc hải phận quốc tế.

    Những năm gần đây, căng thẳng trên eo biển Đài Loan gia tăng. Các tàu chiến nước ngoài, đặc biệt là tàu chiến Mỹ, đã nhiều lần đi qua khu vực, khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là thuộc lãnh thổ của mình và nếu cần sẽ dùng vũ lực để thống nhất hòn đảo với Hoa Lục.

    Eo biển Đài Loan là một khu vực quan trọng đối với cả Trung Quốc và Đài Loan, và cũng là tuyến đường trung chuyển hàng hóa, xuất khẩu năng lượng đối với Nhật Bản và Hàn Quốc.

    Ukraine tiếp tục chiến đấu khi tối hậu thư đòi ‘đầu hàng’ của Nga hết thời hạn 

    15/6/2022 

    Reuters 

    Ảnh chụp từ trên không cho thấy những ngôi nhà bị phá hủy sau cuộc giao tranh ở thị trấn Pryvillya, vùng Donbas, miền đông Ukraine, vào ngày 14/6/2022.

    Ảnh chụp từ trên không cho thấy những ngôi nhà bị phá hủy sau cuộc giao tranh ở thị trấn Pryvillya, vùng Donbas, miền đông Ukraine, vào ngày 14/6/2022. 

    Không có dấu hiệu Ukraine tuân theo tối hậu thư đòi đầu hàng của Nga tại thành phố Sievierodonetsk ở miền đông nước này vào hôm thứ Tư (15/6) giữa lúc các bộ trưởng quốc phòng NATO tập trung tại Brussels để thảo luận về việc gửi thêm vũ khí hạng nặng nhằm bổ sung cho kho vũ khí đang cạn kiệt của Kyiv.

    Nga đã yêu cầu các lực lượng Ukraine ẩn náu trong một nhà máy hóa chất ở thành phố đổ nát hãy ngừng “kháng cự vô nghĩa và hạ vũ khí” vào sáng thứ Tư, nhằm tạo lợi thế cho mình trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát miền đông Ukraine.

    Lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn cho biết các kế hoạch do Moscow thông báo về việc mở hành lang nhân đạo cho thường dân bị giam giữ trong nhà máy đã bị gián đoạn.

    Ukraine cho biết hơn 500 dân thường bị mắc kẹt cùng với binh lính bên trong nhà máy hóa chất Azot, nơi các lực lượng của họ đang chống lại các cuộc bắn phá và tấn công trong nhiều tuần lễ của Nga khiến phần lớn Sievierodonetsk trở thành đống đổ nát.

    Thị trưởng Sievierodonetsk, Oleksandr Stryuk, cho biết sau khi thời hạn vào sáng sớm trôi qua rằng các lực lượng Nga đang cố gắng tấn công thành phố từ nhiều hướng nhưng các lực lượng Ukraine vẫn tiếp tục bảo vệ nó và không bị cắt đứt hoàn toàn.

    “Chúng tôi đang cố gắng đẩy kẻ thù về phía trung tâm thành phố”, ông nói trên truyền hình mà không đề cập đến tối hậu thư. “Đây là tình huống đang diễn ra với một phần thành công và rút lui chiến thuật”.

    Ông cho biết: “Các lối thoát hiểm rất nguy hiểm, nhưng vẫn có một số lối thoát”.

    Nhận xét của ông lặp lại những bình luận của thống đốc Serhiy Gaidai của vùng Luhansk, khu vực bao gồm Sievierodonetsk, được đăng trực tuyến ngay trước thời hạn 8 giờ sáng theo giờ Moscow của Nga.

    Ông cho biết quân đội đang bảo vệ Sievierodonetsk và Lysychansk, thành phố gần kề ở bờ đối diện của sông Siverskyi Donets.

    Luhansk là một trong hai tỉnh phía đông mà Moscow tuyên bố chủ quyền nhân danh phe ly khai. Chúng cùng nhau tạo nên Donbas, một khu vực công nghiệp của Ukraine, nơi Nga tập trung tấn công sau khi thất bại trong việc chiếm thủ đô Kyiv của Ukraine vào tháng 3.

    Tình báo Anh cho biết các chiến binh trong nhà máy hóa chất có thể sống sót dưới lòng đất và các lực lượng Nga có thể sẽ vẫn tập trung vào họ, ngăn họ tấn công nơi khác.

    Trận pháo kích Azot lặp lại cuộc bao vây máy thép Azovstal ở phía nam cảng Mariupol trước đó, nơi hàng trăm chiến binh và dân thường đã trú ẩn trước các cuộc pháo kích của Nga. Họ đã đầu hàng vào giữa tháng 5 và bị Nga giam giữ.

    Thị trưởng thành phố, Stryuk, cho biết những người còn lại ở Azot sống sót được là nhờ nước giếng, máy phát điện và nguồn cung cấp thực phẩm được đưa đến.

    Kyiv cho biết khoảng 100-200 binh sĩ của họ thiệt mạng mỗi ngày, với hàng trăm người khác bị thương trong các cuộc giao tranh đẫm máu nhất kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào ngày 24/2.

    Ukraine hôm thứ Ba cho biết họ vẫn đang cố gắng sơ tán thường dân sau khi lực lượng Nga phá hủy cây cầu cuối cùng nối Sievierodonetsk với Lysychansk, nằm trên vùng đất cao hơn trên bờ Tây sông Siverskyi Donets.

    Tổng thống Zelenskyy trong một bài phát biểu vào cuối ngày thứ Ba nói: “Chúng ta phải cố thủ mạnh mẽ... Kẻ thù càng chịu nhiều tổn thất, thì càng ít sức mạnh để theo đuổi cuộc xâm lược”.

    TT Biden thăm Saudi Arabia, Israel trong bối cảnh giá xăng của Mỹ cao kỷ lục 

    Jack Phillips

    15/6/2022

    https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-1236297378-1-700x420-2.jpg

    Tổng thống Joe Biden có bài diễn văn trên sân khấu trong một cuộc họp, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo Thế giới tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP26 ở Glasgow, Scotland, vào ngày 02/11/2021. (Ảnh: Evan Vucci/POOL/AFP qua Getty Images) 


    Hôm thứ Ba (14/06), Tòa Bạch Ốc đã xác nhận Tổng thống (TT) Joe Biden sẽ thăm Israel và Saudi Arabia trong một chuyến công du sắp tới. Sự thực này rõ là hoàn toàn trái ngược với lời hứa tranh cử của ông là cô lập vương quốc này. 

    “Tổng thống muốn đưa ra tầm nhìn khẳng định của mình về sự can dự của Hoa Kỳ trong khu vực này trong những năm tháng sắp tới,” Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết trong một tuyên bố. “Tổng thống đánh giá cao sự lãnh đạo của Vua Salman và lời mời của ông ấy. Ông ấy mong đợi chuyến thăm quan trọng tới Saudi Arabia, đối tác chiến lược của Hoa Kỳ trong gần tám thập niên qua.” 

    Chuyến đi dự kiến ​​vào giữa tháng Bảy này diễn ra khi giá xăng của Hoa Kỳ hiện đang ở mức trung bình 5 USD/gallon trên toàn quốc. Đầu năm nay, TT Biden được cho là đã yêu cầu vương quốc Saudi Arabia tăng sản lượng dầu nhằm bù đắp giá thành tăng cao. 

    Đại sứ quán Saudi Arabia tại Hoa Thịnh Đốn cho biết ông Biden sẽ gặp Quốc vương Salman và Thái tử Mohammed tại Saudi Arabia và cho biết cuộc gặp sẽ cải thiện “mối bang giao song phương và liên kết đối tác chiến lược đặc biệt giữa hai quốc gia.” 

    “Vương quốc Saudi Arabia rất hoan nghênh đón tiếp Tổng thống Biden và mở ra các chương tiếp theo trong liên kết đối tác của chúng ta,” Đại sứ quán Saudi Arabia cho biết trong một tuyên bố trong tuần này. “Vào thời điểm có nhiều thách thức toàn cầu liên quan đến kinh tế toàn cầu, sức khỏe, khí hậu, và xung đột quốc tế, thì liên kết đối tác giữa hai nước chúng ta càng trở nên quan trọng đối với việc thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng, và ổn định trên toàn thế giới.” 

    Vào năm 2019, TT Biden nói rằng ông sẽ biến Saudi Arabia thành một quốc gia “bị bỏ rơi,” và cho biết thêm: “Tôi sẽ nói rất rõ ràng rằng trên thực tế, chúng tôi sẽ không bán thêm vũ khí cho họ.” Bình luận đó được đưa ra liên quan đến vụ sát hại cộng tác viên của tờ Washington Post, ông Jamal Khashoggi năm 2018. Câu chuyện này đã chiếm trọn mặt báo trong vài tuần trên CNN, Washington Post, New York Times, ABC, và các hãng thông tấn tương tự. 

    Đầu tháng này, OPEC+ đã công bố kế hoạch tăng sản lượng, mặc dù không rõ điều này có ảnh hưởng gì đến giá cả ở Hoa Kỳ hay không. TT Biden đã phải đối mặt với sự chỉ trích đáng kể từ Đảng Cộng Hòa và các quan chức ngành dầu mỏ, những người nói rằng một loạt các sắc lệnh hành pháp mà ông Biden ban hành ngay sau khi nhậm chức vào năm 2021 nhằm hạn chế việc khoan, cho thuê, và khai tử đường ống Keystone XL đã góp phần đẩy giá thành lên cao. 

    Theo dữ liệu do Hiệp hội Xe hơi AAA công bố, giá trung bình cho một gallon xăng thông thường tính đến sáng thứ Ba là 5.016 USD, trong đó dẫn đầu là California với 6.43 USD/gallon. 

    Trong khi ở Israel, ông Biden cũng sẽ thăm các quan chức cao cấp của Palestine ở Bờ Tây và sẽ nhắc lại cam kết của chính phủ ông đối với một giải pháp hai nhà nước, theo các quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc ẩn danh nói với một số hãng thông tấn trong một cuộc họp hội nghị. Các quan chức này cho biết, ông Biden cũng sẽ tham dự Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, nơi các nhà lãnh đạo của Saudi Arabia, Kuwait, Oman, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrain, Qatar, Iraq, Jordan, và Ai Cập tham dự. 

    Nga kiểm soát 80% thành phố trọng điểm trong khi Ukraine chỉ nhận được 10% vũ khí phương Tây viện trợ

    Lam Giang

    Nga kiểm soát 80% thành phố trọng điểm trong khi Ukraine chỉ nhận được 10% vũ khí phương Tây viện trợ

    Khói bẩn bốc lên từ thành phố Severodonetsk trong cuộc giao tranh giữa quân đội Ukraine và Nga tại khu vực Donbas, miền đông Ukraine, hôm 14/6/2022. (Ảnh: Aris Messinis/AFP/Getty Images) 

    Quân đội Nga đang kiểm soát khoảng 80% thành phố Sievierodonetsk ở miền đông Ukraine, nơi đang diễn ra trận giao tranh ác liệt và đã phá hủy cả ba cây cầu, cắt đứt tuyến đường kết nối cuối cùng để sơ tán người dân khỏi thành phố. Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết nước này chỉ nhận được “10% số vũ khí phương Tây hứa hẹn viện trợ”.

    Ông Serhiy Haidai, thống đốc khu vực phía đông Luhansk, thừa nhận rằng việc sơ tán hàng loạt dân thường khỏi Sievierodonetsk lúc này “đơn giản là không thể” do các cuộc pháo kích và giao tranh không ngừng. Lực lượng Ukraine đã bị đẩy ra vùng ngoại ô của thành phố công nghiệp vì “hoả lực áp đảo và các đợt nã pháo hạng nặng từ phía Nga”, ông nói.

    “Vẫn còn cơ hội để sơ tán những người bị thương, liên lạc với quân đội Ukraine và cư dân địa phương”, ông nói với hãng tin AP qua điện thoại, đồng thời cho biết thêm rằng binh lính Nga vẫn chưa hoàn toàn phong tỏa thành phố chiến lược này.

    Khoảng 12.000 người vẫn đang ở Sievierodonetsk, từ một thành phố với khoảng 100.000 người trước chiến tranh. Theo ông Haidai, hơn 500 thường dân đang trú ẩn trong nhà máy hóa chất Azot, nơi đang bị người Nga tấn công.

    Thống đốc cho biết, tổng cộng có 70 thường dân đã được sơ tán khỏi vùng Luhansk trong ngày qua.

    Trong khi đó, một tướng Nga cho biết sẽ mở một hành lang nhân đạo vào thứ Tư (15/6) để sơ tán dân thường khỏi nhà máy Azot. Trung tướng Mikhail Mizintsev cho biết những người sơ tán sẽ được đưa đến thị trấn Svatovo, cách 60 km (35 dặm) về phía bắc trong lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai thân Nga.

    Là một trong những nhà máy hóa chất lớn nhất ở Ukraine, Azot có rất nhiều hầm trú ẩn phòng không dưới lòng đất và các chuyên gia ước tính nó có thể chứa được hơn 2.000 người. Một đại biểu của Luhansk nói, trong khu công nghiệp này có khoảng 2.500 binh sĩ Ukraine, bao gồm cả người nước ngoài, trước đó, con số được truyền thông Nga đưa tin là có 300-500 “lính đánh thuê nước ngoài” ở đây; những con số này vẫn chưa được kiểm chứng. Giới quan sát cho rằng tại Azot rất có thể sẽ tái diễn tình cảnh giống như ở Nhà máy thép Azovstal mới đây, theo Interfax.

    Ông cho biết kế hoạch này được đưa ra sau khi Ukraine kêu gọi xây dựng một hành lang sơ tán dẫn đến vùng lãnh thổ mà nước này kiểm soát.

    Ông Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm Quản lý Quốc phòng Nga, bị Ukraine cáo buộc vi phạm nhân quyền khi chỉ huy quân đội trong cuộc bao vây kéo dài ở Mariupol, cảng quan trọng của Ukraine trên Biển Azov, đã bị Nga tiếp quản.

    Các lực lượng Nga trong vài tuần qua đã cố gắng đánh chiếm khu vực công nghiệp phía đông Donbas của Ukraine, giáp biên giới với Nga, được tạo thành từ các khu vực Luhansk và Donetsk.

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết vào cuối ngày thứ Ba (14/6) trong bài phát biểu qua video hàng đêm: “Thật không may, những mất mát là rất đau đớn, nhưng chúng tôi phải cố gắng cầm cự”. “Kẻ thù càng chịu nhiều tổn thất thì sức mạnh của họ càng suy giảm nếu tiếp tục gây hấn. Do đó, Donbas là chìa khóa để xác định xem ai sẽ giành chiến thắng trong những tuần tới”. 

    Ông Zelenskyy kêu gọi phương Tây tăng tốc chuyển giao vũ khí nhiều hơn và nhanh hơn, lần này đặc biệt yêu cầu các hệ thống phòng thủ chống tên lửa.

    Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar hôm thứ Ba (14/6) cho biết, quân đội chỉ nhận được 10% số vũ khí phương Tây hứa hẹn viện trợ “để tạo ra sự ngang bằng với quân đội Nga”, đồng thời kêu gọi các nước phương Tây hãy đẩy nhanh tiến độ giao hàng, “Chúng tôi không thể đợi quá lâu được”.

    Bà Malyar phát biểu trong một cuộc họp báo trên truyền hình: “Dù Ukraine có nỗ lực đến đâu, dù quân đội của chúng tôi chuyên nghiệp đến đâu, nếu không có sự giúp đỡ của các đối tác phương Tây, chúng tôi sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này”.

    Bà cho biết Ukraine sử dụng 5.000 đến 6.000 viên đạn pháo mỗi ngày, trong khi Nga sử dụng gấp 10 lần.

    Bà Malyar hy vọng các nước phương Tây nên đẩy nhanh tiến độ giao hàng và hãy đặt ra “thời gian biểu rõ ràng” cho việc giao vũ khí, vì mọi sự chậm trễ không chỉ khiến Ukraine phải trả giá đắt mà còn có nguy cơ khiến nhiều lãnh thổ Ukraine rơi vào tay Nga. Bà nói: “Chúng ta cần biết thời hạn rõ ràng bởi vì ngày nào cũng đều có sự chậm trễ … chúng ta không thể chờ đợi quá lâu vì tình hình rất phức tạp”, theo Interfax.

    Cụm từ “tình hình phức tạp” là bà Malyar dùng ám chỉ cục diện chiến sự hiện nay ở vùng Donbass. Hiện tại, Nga và Ukraine tiếp tục giằng co ở khu vực Donbass. Ngày 14/6 theo giờ địa phương, ông Serhiy Gaidai Thống đốc vùng Luhansk của Ukraine cho biết, quân đội Nga đã kiểm soát khoảng 80% khu vực đô thị ở Severodonetsk và phá hủy cả ba cây cầu nối thành phố này với khu vực do Ukraine kiểm soát. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 13/6 cho biết thương vong của Ukraine trong chiến dịch này là “rất cao và đơn giản là khủng khiếp”.

    Trong những ngày gần đây, các quan chức Ukraine đã nói về cái giá phải trả về nhân lực trong cuộc chiến, với cuộc giao tranh ác liệt diễn ra ở phía đông đã trở thành trận địa pháo khiến lực lượng của Kyiv bị thiệt hại nặng nề.

    Cuộc xung đột bước sang tháng thứ tư, và trận chiến Donbas sẽ quyết định tiến trình của cuộc chiến.

    Nếu Nga thắng, Ukraine sẽ không chỉ mất đi lãnh thổ mà còn có thể mất phần lớn lực lượng quân sự có năng lực nhất, mở đường cho Moscow chiếm thêm lãnh thổ và áp đặt các điều khoản của mình với Kyiv.

    Tuy nhiên, một thất bại của Nga có thể tạo cơ sở cho một cuộc phản công của Ukraine – và có thể gây ra biến động chính trị đối với Điện Kremlin.

    Ông Jan Egeland, tổng thư ký của Hội đồng Người tị nạn Na Uy, một trong những tổ chức viện trợ cung cấp lương thực cho dân thường ở Donbas, cho biết giao tranh trong vài tuần qua đã khiến việc phân phát lương thực thường xuyên là không thể. Giờ đây, ông nói, những thường dân còn lại ở Sievierodonetsk “gần như hoàn toàn bị cắt nguồn viện trợ sau khi cây cầu cuối cùng bị phá huỷ”.

    Tại khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Nga đang cố gắng củng cố các vị trí chiến lược và các lực lượng Ukraine ở đó cũng đang phải gánh chịu những tổn thất đau đớn. Ông Zelenskyy nói. “Chúng tôi vẫn cần phải chiến đấu, chiến đấu hết mình vì sự an toàn của Kharkiv và khu vực”, ông nói.

    Theo cập nhật tình báo hôm thứ Ba của Bộ Quốc phòng Anh, các lực lượng Nga dường như đã đạt được những bước tiến nhỏ ở khu vực Kharkiv lần đầu tiên sau vài tuần.

    Trong một diễn biến khác, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 13/6 cho biết, quân đội Nga đã sử dụng tên lửa không đối đất chính xác cao ở khu vực Donetsk để phá hủy một số lượng lớn vũ khí và thiết bị mà Mỹ và các nước châu Âu gửi tới Ukraine. Quân đội Nga cũng đánh trúng một điểm triển khai tạm thời “các lính đánh thuê nước ngoài” ở Fedorovka, thuộc vùng Luhansk.

    Lam Giang

    https://vietluan.com.au

    Nhật Bản sẽ tăng cường khả năng răn đe vì các nước láng giềng ‘vi phạm luật lệ’

    Nhật Bản sẽ tăng cường khả năng răn đe vì các nước láng giềng ‘vi phạm luật lệ’

    Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi trình bày tại hội nghị thượng đỉnh Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 11/06/2022. (Ảnh: Roslan Rahman/AFP/Getty Images) 

    Hôm 11/06, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố sẽ tăng cường khả năng răn đe của nước này và tăng cường liên minh với Hoa Kỳ, với lý do vị thế của Nhật Bản là một đối thủ hàng đầu của “những kẻ vi phạm luật lệ”.

    Trình bày tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cho biết Nhật Bản đang ở tuyến đầu của “một cuộc cạnh tranh” giữa các nước bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ và những nước đang cố gắng thay đổi nó bằng vũ lực.

    Ông nói: “Hiện tại, không chỉ có Nhật Bản đang bị vây quanh bởi các bên sở hữu hoặc đang phát triển vũ khí hạt nhân và phớt lờ các quy tắc, mà theo năm tháng, họ ngày càng trở nên công khai hơn trong việc coi thường chúng”.

    Ông Kishi nói rằng Nga đã tăng cường các hoạt động quân sự ở Viễn Đông và Thái Bình Dương, trong khi Trung Quốc tiếp tục nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

    Ông nói, các hoạt động quân sự chung giữa hai cường quốc quân sự này đang “ngày càng gây lo ngại”, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ sự ổn định của Eo biển Đài Loan, nơi Bắc Kinh đang tăng cường hiện diện quân sự.

    Ông Kishi cho biết Nhật Bản sẽ bảo đảm ngân sách quốc phòng cần thiết và đẩy nhanh việc tăng cường khả năng phòng ngự.

    Thủ tướng Fumio Kishida đã lên kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng của đất nước lên 2% tổng sản phẩm quốc nội trong vòng 5 năm tới, theo lộ trình chính sách được chính phủ của ông công bố hôm 07/06.

    Ông Kishi nói, “Chúng tôi cũng sẽ nâng cao hơn nữa liên minh Nhật Bản–Hoa Kỳ, vốn là một nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương, đồng thời sẽ tăng cường khả năng răn đe và phản ứng của liên minh này”.

    Ông Kishi cũng đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) bên lề hội nghị thượng đỉnh Đối thoại Shangri-La, trong đó ông đã nêu mối lo ngại về việc tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cho tiến hành các cuộc tập trận gần các đảo của Nhật Bản.

    Ông đã kêu gọi Trung Quốc thực hiện “sự kiềm chế” trong việc đơn phương nỗ lực thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông, gần quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, nơi mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư.

    Trong cuộc họp này, ông Kishi đã nhắc lại rằng an ninh của Đài Loan là quan trọng đối với Nhật Bản và cộng đồng quốc tế. Hai bộ trưởng cũng đồng ý thúc đẩy đối thoại quốc phòng, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

    Sự leo thang của các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Đông Á đã làm tăng thêm lo ngại của Tokyo về hòn đảo tự trị này. Đài Loan, cùng với khu vực láng giềng, đảo Okinawa do Nhật Bản kiểm soát, đều có lực lượng của Bắc Kinh.

    Tám tàu ​​hải quân Trung Quốc, bao gồm cả tàu sân bay Liêu Ninh, đã đi qua giữa các hòn đảo trong chuỗi đảo phía nam Okinawa của Nhật Bản hôm 02/05. Nhật Bản tuyên bố rằng các chiến đấu cơ của Trung Quốc đã cất cánh và hạ cánh trên một tàu sân bay gần Okinawa hơn 100 lần từ hôm 03/05 đến hôm 07/05.

    Vào tháng 12/2021, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cảnh báo rằng một cuộc xâm lược có vũ trang vào Đài Loan sẽ gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nhật Bản, bởi vì quần đảo Senkaku, quần đảo Sakishima, và đảo Yonaguni của Nhật Bản chỉ cách Đài Loan có 100 km (62 dặm).

    “Trường hợp khẩn cấp ở Đài Loan là trường hợp khẩn cấp của Nhật Bản, và do đó cũng là trường hợp khẩn cấp của liên minh Nhật Bản–Hoa Kỳ”, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng Nhật Bản và Đài Loan phải làm việc cùng nhau để bảo vệ tự do và dân chủ.

    Huyền Anh


    Không có nhận xét nào