Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam chống tham nhũng, mong thành điểm đầu tư thay Trung Quốc ?



    Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid tại Hà Nội ngày 06/01/2022. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh đã bị bắt liên quan đến vụ bộ xét nghiệm của Việt Á. AP - Hau Dinh

    Le Monde hôm nay có bài viết về công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam, hiện đang được đẩy mạnh. Các đại gia trong lãnh vực tư nhân cũng như cán bộ cao cấp của đảng Cộng Sản đều có thể nằm trong tầm ngắm.

    Từ « quả bom » Việt Á

    Công ty cổ phần công nghệ Việt Á vào tháng 2/2020 đã nhận được tài trợ của Nhà nước để cùng với Học viện Quân y sản xuất ra một bộ xét nghiệm Covid « made in Vietnam ». Bộ Khoa học và Công nghệ, nơi đã tài trợ, hai tháng sau loan báo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận bộ kit xét nghiệm này. Báo chí Việt Nam ca ngợi Việt Á, và năm 2021 công ty này còn được chủ tịch nước tặng thưởng huân chương lao động. Cho dù có nhiều sản phẩm nhập khẩu cạnh tranh, nhất là từ Trung Quốc, Việt Á thu lợi rất lớn vì đất nước 100 triệu dân xét nghiệm ồ ạt.

    Nhưng đến cuối 2021, tổng giám đốc Việt Á bị bắt vì đã nâng giá giả tạo 35 % và chi hoa hồng cho giám đốc trung tâm phòng chống dịch bệnh (CDC) các tỉnh. Hơn nữa, WHO chưa hề công nhận các bộ xét nghiệm trên. Từ đó đến nay cuộc điều tra do cơ quan chống tham nhũng - được gọi là Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam - tiến hành, đã khiến gần 60 người mất chức.

    Trong số đó có cả các viên chức cấp cao, quân nhân, nhà nghiên cứu, doanh nhân. Đặc biệt là bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, và chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh do những vi phạm của ông này lúc còn là bộ trưởng Khoa học Công nghệ (đến 2020). Cả hai đều bị bắt sau khi bị khai trừ đảng.

    Xì-căng-đan được báo chí trong nước mệnh danh là « quả bom Việt Á » là vụ mới nhất trong một loạt điều tra gây chấn động, đã đưa ra ánh sáng những cách thức tham nhũng, và nói chung là mối quan hệ độc hại giữa giới kinh doanh và Nhà nước đảng trị, hoặc các cơ quan quản lý.

    …Đến những chuyến bay « giải cứu », thao túng chứng khoán

    Đến giữa tháng Tư, thứ trưởng Ngoại giao bị bắt do nhận hối lộ của những người Việt bị kẹt ở nước ngoài trong đại dịch muốn được bay về nước. Tháng Năm, một thứ trưởng Y tế bị lãnh án bốn năm tù vì cấp phép cho dược phẩm giả. Trong quân đội, cựu tư lệnh và chính ủy Cảnh sát biển bị bắt hồi tháng Tư vì tham ô. Trong lãnh vực tư nhân, nhiều lãnh đạo tập đoàn bị bắt vì thao túng chứng khoán, trong đó có nhà sáng lập tập đoàn FLC, người sở hữu công ty hàng không Bamboo Airways, và chủ tịch tập đoàn địa ốc Tân Hoàng Minh.

    Chiến dịch chống tham nhũng được đẩy nhanh trong bối cảnh Việt Nam tìm cách được coi là chọn lựa hàng đầu đối với những tập đoàn phương Tây hoặc châu Á muốn dịch chuyển toàn bộ hoặc một phần khỏi Trung Quốc. Trong ý nghĩa đó, các nhà đầu tư ngoại quốc đánh giá cao nỗ lực này.

    Cuộc chiến chống tham nhũng không thể tách rời khỏi nhân vật quyền lực nhất của chế độ là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhậm chức từ năm 2011, ông đã mở rộng quy mô chống tệ nạn tham nhũng từ 2013 và nhất là từ 2016, vào đầu nhiệm kỳ năm năm thứ hai của ông.

    « Củi » vào « lò » ông Trọng ngày càng nhiều

    Nhà nghiên cứu chuyên về Việt Nam, Thaveeporn Vasavakul của trung tâm Mỹ Governance Support Facility Initiatives giải thích : « Khác với thời kỳ trước, tổng bí thư chính thức nhìn nhận các quan chức đảng chính là nguồn gốc của vấn đề, hoặc họ trực tiếp tham nhũng, hoặc giúp những người khác tham nhũng. Trước năm 2013, đấu tranh chống tham nhũng chủ yếu tập trung vào những vụ nho nhỏ trong chính quyền, hiếm khi đụng đến các viên chức cấp cao của đảng ».

    Năm 2020, bản tổng kết của cơ quan chống tham nhũng cho thấy kể từ 2013, hàng ngàn cán bộ đã bị trừng phạt hoặc khởi tố, trong đó có 27 đương kim hay cựu ủy viên trung ương, bốn ủy viên Bộ Chính trị, 30 tướng lãnh. Năm 2021, trong số 1.011 người bị kỷ luật có cả một bí thư tỉnh ủy, một thứ trưởng và 10 tướng lãnh.

    Tuy vậy, chiến dịch được mệnh danh là « đốt lò » của ông Nguyễn Phú Trọng, từ khi ông gọi các quan tham nhũng là « củi », cũng như bên Trung Quốc, còn nhằm đánh bại các phe phái đối địch và đối thủ tiềm năng đang dòm ngó các chức vụ cao nhất. Ông Trọng, 78 tuổi, được cho là thân Trung Quốc, hồi năm 2016 đã hất cẳng ông Nguyễn Tấn Dũng, được coi là thân phương Tây, và thành công trong việc vượt qua giới hạn quy định hai nhiệm kỳ. Ông được bầu lại nhiệm kỳ thứ ba trong Đại hội Đảng tháng Giêng 2021.

    Trong một bài diễn văn năm ngoái, ông Nguyễn Phú Trọng nêu ra vấn đề « đạo đức » khoảng bốn chục lần, và hứa hẹn sẽ có những biện pháp « nghiêm khắc, nhanh chóng » hơn trong đấu tranh chống tham nhũng. Tháng 5/2022, các Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng được thành lập theo hướng này. Giờ đây là lúc tăng cường chiến dịch, một dấu hiệu mà theo bà Vasavakul là « đấu tranh quyền lực » trong đảng.

    Không có nhận xét nào