Header Ads

  • Breaking News

    Aldgra Fredly - Tổng thống Sri Lanka đào thoát sang Maldives



    Một người biểu tình đeo mặt nạ Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa tham gia một cuộc biểu tình về cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm tê liệt đất nước này, gần tòa nhà quốc hội ở Colombo hôm 06/05/2022. (Ảnh: Ishara S. Kodikara/AFP qua Getty Images)

    Tổng thống Sri Lanka được cho là đã chạy trốn khỏi đảo quốc trên một phi cơ phản lực quân sự hôm thứ Tư (13/07) trong bối cảnh hàng loạt các cuộc biểu tình yêu cầu ông từ chức, chấm dứt triều đại gia tộc thống trị nền chính trị quốc gia trong nhiều thập niên.

    Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, cùng với phu nhân và hai vệ sĩ, đã đào thoát đến Male — thành phố thủ đô của Maldives — sau khi hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ xông vào tư gia của ông hôm thứ Bảy (09/07).

    Hãng thông tấn Reuters đưa tin, một quan chức nhập cảnh ẩn danh cho biết giới chức trách không thể ngăn ông Rajapaksa đào thoát khỏi Sri Lanka vì ông vẫn là tổng thống của quốc gia.

    Hôm thứ Bảy, hàng ngàn người biểu tình đã xông vào dinh thự chính thức của ông và tuyên bố sẽ ở đó cho đến khi ông Rajapaksa từ chức. Những người biểu tình cũng chiếm giữ và phóng hỏa tư dinh của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe.


    Người biểu tình phản đối bên trong Tư dinh của Tổng thống, sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bỏ trốn, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế của đất nước, ở Colombo, Sri Lanka, hôm 09/07/2022. (Ảnh: Dinuka Liyanawatte/Reuters)

    Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Yapa Abeywardena thông báo rằng ông Rajapaksa sẽ từ chức tổng thống vào thứ Tư (13/07), trong khi ông Wickremesinghe nói rằng ông sẽ từ chức sau khi một chính phủ mới được thành lập.

    Ông Basil Rajapaksa, anh trai của tổng thống và là cựu bộ trưởng tài chính, cũng đã cố gắng chạy trốn khỏi Sri Lanka qua nhà ga VIP tại phi trường quốc tế Colombo nhưng bị các quan chức nhập cảnh chặn lại.

    Gia tộc Rajapaksa đã cai trị Sri Lanka, quốc gia có dân số 22 triệu người, trong hai thập niên. Ông Mahinda Rajapaksa giữ chức vụ tổng thống từ năm 2005 đến năm 2015, và được ông Gotabaya tái bổ nhiệm làm thủ tướng vào năm 2019.


    Cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa, chờ tuyên thệ nhậm chức thủ tướng tại ngôi chùa Phật giáo Hoàng gia Kelaniya ở Colombo, Sri Lanka vào ngày 09/08/2020. (Ảnh: AP Photo/Eranga Jayawardena)

    Các bộ trưởng trong nội các Sri Lanka, bao gồm cả ông Basil và bộ trưởng đương thời là Chamal Rajapaksa, đã từ chức ngay trong tháng Tư sau các cuộc biểu tình phản đối sự yếu kém của chính phủ trong cuộc khủng hoảng kinh tế.

    Ngày 09/05, ông Mahinda từ chức thủ tướng sau khi các cuộc biểu tình kéo dài trở thành bạo lực dẫn đến thương vong, và kể từ đó ông đã ẩn náu tại một căn cứ quân sự. Người thay thế ông Mahinda là ông Ranil Wickremesinghe, tuyên thệ nhậm chức hôm 12/05.

    Cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka

    Sri Lanka lần đầu tiên vỡ nợ hồi tháng Năm. Nước này đã tìm kiếm các gói cứu trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các gói cho vay từ các đối tác cho vay lớn, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, và Ấn Độ.

    Vấn đề trả nợ không phải là vấn đề mới đối với quốc gia này, và việc không đưa ra được bất kỳ giải pháp lâu dài, nhất quán nào đã khiến xếp hạng tín dụng của quốc gia này bị hạ cấp vào năm 2021.

    Sự khan hiếm ngoại tệ do các ngành công nghiệp ngừng hoạt động trong thời kỳ đại dịch, tiếp theo là việc in thêm tiền đã khiến các vấn đề hiện có trở nên phức tạp.

    Trước đây, chính phủ của ông Rajapaksa đã ứng phó bằng cách tìm kiếm các hỗ trợ tài chính ngoại quốc từ trái phiếu chính phủ quốc tế và các khoản vay “bẫy nợ” từ quốc gia đang phát triển đầy tai tiếng là Trung Quốc.

    Sri Lanka hiện có khoản nợ ngoại quốc 51 tỷ USD, trong đó 6.5 tỷ USD là nợ Trung Quốc. Nước này đã không thể thanh toán cho các mặt hàng nhập cảng thiết yếu, buộc hàng triệu người dân phải hạn chế tiêu thụ thực phẩm.

    Hôm 05/07, ông Wickremesinghe tuyên bố Sri Lanka phá sản và cho biết chính phủ sẽ cần hoàn thiện và đệ trình kế hoạch tái cơ cấu nợ và phát triển bền vững lên IMF vào tháng Tám.

    Ngân hàng Trung ương Sri Lanka cũng đã tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản do lạm phát gia tăng. Lãi suất cơ sở cho vay bình thường được nâng lên 15.50% và lãi suất cơ sở tiền gửi bình thường tăng lên 14.50%.

    Ông Wickremesinghe nói rằng tổng số nợ của Sri Lanka đã tăng từ 1.7 ngàn tỷ rupee (4.66 tỷ USD) vào năm 2021 lên 21.6 ngàn tỷ rupee (59 tỷ USD) vào tháng Ba năm nay, với 3.4 tỷ USD nợ đáo hạn từ tháng Sáu đến tháng Mười Hai.

    Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.

    Bản tin có sự đóng góp của Autumn Spredemann.

    Không có nhận xét nào