Header Ads

  • Breaking News

    Chính sách 'zero-COVID' phá vỡ giấc mơ công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc

    Một dây chuyền sản xuất chip điện tử cho Renesas Electronics tại Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 14/05/2020. AP - Mark Schiefelbein 

    Cách đối phó của Trung Quốc với đại dịch Covid-19 đang cản trở các nỗ lực nhằm trẻ hóa ngành công nghiệp vi mạch. Đó là nội dung một bài viết đăng trên trang mạng The Diplomat của Nhật ngày 18/07/2022. 

    Tuy Thượng Hải đã giảm bớt các biện pháp phong tỏa cứng nhắc vào đầu tháng 6, thị trường thành phố vẫn bị ám ảnh bởi những dự báo u ám và thậm chí nền kinh tế quốc gia của Trung Quốc cũng có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là chuỗi cung ứng của các lĩnh vực công nghiệp chính, chẳng hạn như vi mạch tích hợp (IC). Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đang có rất nhiều tham vọng trong việc hồi sinh ngành công nghiệp vi mạch thông qua “hệ thống toàn quốc” để đối phó với cuộc cạnh tranh công nghệ gay gắt từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh theo đuổi chính sách “không khoan nhượng” với các đợt bùng phát dịch ở cấp địa phương cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của các ngành công nghiệp cao.

    Trước hai ưu tiên cấp bách, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ cần phải đưa ra lựa chọn chiến lược.

    "Hệ thống toàn quốc" và cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc-Hoa Kỳ

    Được áp dụng từ thời Liên Xô, “hệ thống toàn quốc” là một cơ chế tập trung để các ngành đang phát triển đạt được mục tiêu chiến lược bằng cách huy động tất cả các nguồn lực có thể. Một trong những ví dụ điển hình nhất là “Kế hoạch 5 năm”, sáng kiến phát triển kinh tế và xã hội toàn diện do ĐCSTQ ban hành từ năm 1953, vạch ra các chiến lược quốc gia cho tầm nhìn của chế độ về công nghiệp hóa và cải tạo xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, mô hình chính sách huy động vốn lớn này thể hiện phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh nhằm bù đắp những khiếm khuyết của họ trong một lĩnh vực nhất định và dường như nó có hiệu quả. Ở một mức độ nào đó, vị trí hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực thể thao là kết quả của hệ thống huy động toàn quốc này.

    Rõ ràng việc quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ xấu đi là yếu tố quan trọng nhất đằng sau kế hoạch chi tiết của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch. Kể từ tháng 3/2018, khi chính quyền Trump liên tiếp khởi xướng các cuộc điều tra nhắm vào Trung Quốc và áp thuế quan trả đũa với thép và nhôm của Trung Quốc, xung đột song phương dần lan sang lĩnh vực công nghệ. Washington và các đồng minh đã trấn áp kịch liệt và gạt ra ngoài lề các công ty công nghệ cao của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu. Vào tháng 12 năm 2021, Cục Công nghiệp và An ninh Hoa Kỳ đã đưa vào danh sách đen 611 công ty và tổ chức của Trung Quốc, hầu hết đều thuộc lĩnh vực công nghiệp cao cấp, chẳng hạn như thiết kế và sản xuất chip. Hơn nữa, sự khác biệt giữa hai nước trong các vấn đề nhân quyền và chính trị được phản ánh trong các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vào các đại tập đoàn công nghệ Trung Quốc được cho là có quan hệ khăng khít với ĐCSTQ đã làm phức tạp thêm sự cạnh tranh về kỹ thuật.

    Cạnh tranh công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thúc đẩy nước này nỗ lực tự thiết kế và sản xuất thiết bị vi mạch. Vào tháng 12 năm 2020, thiết kế và sản xuất chíp đóng một vai trò ưu tiên chưa từng có trong việc nâng cao năng lực của nhà nước về đổi mới công nghệ và đột phá, chuyển đổi công nghiệp và mở rộng nền kinh tế kỹ thuật số trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Kết quả là Bắc Kinh một lần nữa phải sử dụng hệ thống toàn quốc để thực hiện mục tiêu chiến lược trong ngành vi mạch.

    Năm 2019, bộ Tài chính đã lập một quỹ đặc biệt với 30,5 tỷ đô la để đầu tư vào ngành vi mạch. Các doanh nghiệp vi mạch cùng với các dự án của họ được giảm thuế từ 10% đến 25%, tùy thuộc vào thời gian hoạt động và tiêu chí kỹ thuật. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng thực hiện nhiều chính sách công nghiệp khác nhau, theo hướng dẫn của những người ra quyết định ở cấp cao. Tỉnh Thiểm Tây đặt mục tiêu vượt quá tỷ trọng của nền kinh tế kỹ thuật số lên hơn 10% GDP vào năm 2025. Tại Quảng Châu, chính quyền địa phương cam kết tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chip thông qua những dự luật.

    Đào tạo nhân tài sản xuất chip là một sự thúc đẩy khác nhằm củng cố ngành công nghiệp vi mạch. Cho đến năm 2021, các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm đại học Thanh Hoa, đại học Bắc Kinh và đại học Phúc Đán, đã khánh thành các trường hoặc khoa vi mạch để đào tạo các chuyên gia. Số lượng các cơ sở nghiên cứu vẫn đang tăng lên. Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghệ cao là một vườn ươm khác cho các nhân tài sản xuất chíp. Dựa trên danh sách chính thức, nhu cầu về nhân tài trong thị trường vi mạch trong nước sẽ tăng lên khoảng 745.000 người vào năm 2022. Chỉ riêng điều đó đã giúp chứng minh quy mô và động lực tuyệt đối của các công ty bán dẫn trên thị trường công nghệ của Trung Quốc.

    Chính phủ, các tổ chức giáo dục, các đại học và các doanh nghiệp về công nghệ đã thực sự tạo thành một “tam giác sắt” cho chiến lược đầu tư vào ngành vi mạch của Trung Quốc. Mô hình này ủng hộ tham vọng của Bắc Kinh trở thành một trong những đất nước đi đầu trên thị trường toàn cầu.

    Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2021, dữ liệu trong nước cho thấy tốc độ sản xuất chip của Trung Quốc đã tăng nhanh với doanh thu 108,4 tỷ đô la, tăng 16,1% hàng năm. Trong khi đó, Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất cho các sản phẩm bán dẫn, khi đơn đặt hàng thiết bị sản xuất chip từ các nhà cung cấp nước ngoài tăng 58%.

    Tuy nhiên, với thái độ kiên quyết của Bắc Kinh trong việc thực hiện chính sách zero-Covid để đối phó với các đợt bùng phát dịch ở cấp địa phương, chiến lược trẻ hóa ngành vi mạch của Trung Quốc đang đối mặt với thách thức nội địa.

    Tác động của chính sách “zero-COVID” đến chuỗi cung ứng vi mạch của Trung Quốc 

    Cùng với sự suy thoái quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với thế giới phương Tây, đại dịch toàn cầu đã buộc chính quyền Bắc Kinh chuyển chính sách kinh tế của họ thành “lưu thông kép”, ưu tiên cho tiêu dùng trong nước, trong khi vẫn mở cửa cho thương mại quốc tế. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng vi mạch vẫn đang gặp khó khăn cùng với phản ứng triệt để của chính quyền địa phương đối với sự bùng phát của biến thể Omicron kể từ tháng 3 ở Thượng Hải. Siêu đô thị này có nhiều nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc và thế giới, chẳng hạn như SMIC và TSMC.

    Bất chấp cách tiếp cận quản lý chuỗi cung ứng của Trung Quốc có phần thận trọng hơn, với việc ưu tiên khả năng phục hồi thay vì mở rộng, các biện pháp phong tỏa vẫn gây ra một làn sóng khủng hoảng mới trong chuỗi cung ứng ở khu vực Đồng bằng sông Dương Tử. Theo dữ liệu chính thức do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố, sản lượng vi mạch của Trung Quốc giảm 4,2% trong ba tháng đầu năm, khi các nhà sản xuất chip báo cáo mức giảm mạnh hơn vào tháng Ba. Đó là hiệu suất hàng quý tệ nhất kể từ quý 1 năm 2019 với mức giảm 8,7%. Ngoài chuyện kinh doanh chip gặp khó khăn do thiếu chất bán dẫn, việc phong tỏa đất nước nhằm chống Covid là một đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp vi mạch của Trung Quốc.

    Để đối phó với những thách thức của ngành, Bắc Kinh đã thực hiện một số bước để giải cứu chuỗi cung ứng. Vào ngày 18/04, một hội nghị quốc gia, do phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tổ chức, đã đề xuất việc chính phủ rót 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (157 tỷ đô la) tài trợ từ các dự án thoái vốn của ngân hàng trung ương để tăng cường chuỗi cung ứng. Thực hiện chỉ đạo, bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin đã công bố danh sách trắng bao gồm 666 doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch, ô tô, sản xuất thiết bị và dược phẩm, cho phép các doanh nghiệp này hoạt động trở lại. Ít nhất 62 công ty bán dẫn được hưởng lợi từ chính sách mới này.

    Sau khi được phép hoạt động trở lại, các nhà máy vi mạch phải hoạt động theo quy trình quản lý “khép kín”, hệ thống cho phép những người có liên quan di chuyển và làm việc trong khu vực được chỉ định, bảo đảm hoạt động của một cơ chế cụ thể, đồng thời ngăn chặn sự lây lan của Covid. Nhà máy chip địa phương TSMC, một trong những công ty bán dẫn hàng đầu thế giới có trụ sở tại Đài Loan, đã được phép tiếp tục hoạt động để sản xuất đĩa bán dẫn 8 inch theo “hệ thống vòng kín”. Nhà quản lý cho biết, 70% nhân lực có thể duy trì toàn bộ năng lực sản xuất.

    Nhờ gói cứu trợ của chính phủ và việc nới lỏng các hạn chế Covid-19, sản lượng bán dẫn của Trung Quốc trong tháng 5 đã tăng nhẹ hơn 6% lên 27,5 tỷ chip so với 25,9 tỷ chíp trong tháng 4, theo dữ liệu của NBS. Nhưng con số này vẫn ít hơn con số 28,5 tỷ chip được sản xuất vào tháng 3, trước khi Thượng Hải phong tỏa. Hơn nữa, với sự gia tăng của các ca nhiễm mới được xác nhận trong tháng Bảy, không chắc rằng các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt của chính quyền địa phương có ảnh hưởng đến sản xuất của ngành vi mạch hay không. Do đó, chiến lược bán dẫn của Trung Quốc phải đối mặt với thách thức trong nước lớn hơn ngoài nước.

    Con dao hai lưỡi của “Hệ thống toàn quốc” của Trung Quốc

    Nghiên cứu so sánh của Geoffrey Gertz và Miles M. Evers về mối quan hệ giữa chính phủ-doanh nghiệp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ chỉ ra thế mạnh của Bắc Kinh trong việc giải quyết cạnh tranh địa kinh tế với Washington. Bản chất của chủ nghĩa tư bản đảng và nhà nước, kết hợp với các yếu tố của nền kinh tế thị trường với sự can thiệp đáng kể của chính phủ vào các lĩnh vực then chốt, cho thấy khả năng phục hồi của Trung Quốc hơn khối Liên Xô. Trong ngắn hạn, khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trong ngành công nghệ sẽ bị giảm sút, nhưng lợi thế về thể chế sẽ nâng cao năng lực của nhà nước để bảo đảm an ninh của chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp quan trọng.

    Rõ ràng là những chính sách nội bộ của đất nước về cách chống dịch đã khiến Bắc Kinh phải hứng chịu những tổn thất đáng kể trong ngành công nghiệp vi mạch. Mặc dù cách tiếp cận “không khoan nhượng” đối với dịch bệnh ở cấp địa phương đã ngăn chặn sự lây lan của Covid, nhưng đổi lại, chính sách này cũng cản trở kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc trong việc tăng cường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Vậy việc nào được ưu tiên hơn ? Rõ ràng là mâu thuẫn giữa hai chiến lược quốc gia gần như không thể hòa giải.

    Như Gertz và Evers lập luận, cả các doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân đều được khuyến khích tuân thủ các chỉ thị của ĐCSTQ. Điều này đã cho thấy sự bế tắc mà các công ty vi mạch Trung Quốc phải đối mặt. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của nền kinh tế Trung Quốc trong lúc đại dịch toàn cầu chưa chấm dứt. Theo nghĩa đó, “hệ thống toàn quốc” đã trở thành “con dao hai lưỡi” đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt chiến lược đối với giới tinh hoa cầm quyền của Bắc Kinh.

    https://www.rfi.fr/vi


    Không có nhận xét nào