Header Ads

  • Breaking News

    Nam Phương - Kiếm cớ bỏ tù các tỷ phú và tịch thu tài sản, ĐCS Trung Quốc lộ bản chất ‘cướp’



    Ông Mike Pompeo (trái) và ông Dư Mậu Xuân (phải). (Ảnh từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ)

    Vào ngày 15/4/2021, ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), cựu cố vấn vấn đề Trung Quốc của cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, cho biết tại phiên điều trần do Ủy ban Đánh giá An ninh Kinh tế Mỹ – Trung tổ chức rằng, trong 15 năm qua, có ít nhất 27 tỷ phú Trung Quốc đã bị bắt giữ, các cáo buộc chống lại họ vô cùng kỳ quái và vô lý.

    Trong khoảng 15 năm qua, có ít nhất 27 tỷ phú Trung Quốc bị chính quyền nước này bỏ tù với các tội danh được cho là thêu dệt. Khối tài sản tư hữu trị giá hàng trăm tỷ nhân dân tệ chỉ trong một đêm biến thành “quốc hữu”. Một học giả bước ra từ chế độ này chỉ ra rằng, từ lịch sử của ĐCSTQ có thể thấy, cách làm của nó có thể gói gọn trong một từ, đó là “cướp”.

    Sau đây là ví dụ về một số tỷ phú đã bị ĐCSTQ bỏ tù:

    Tỷ phú Tôn Đại Ngọ bị kết tội vì phát ngôn

    Ông Tôn Đại Ngọ (Sun Dawu) là một doanh nhân nổi tiếng ở Trung Quốc. Năm 1985, ông thành lập Dawu Group (Tập đoàn Đại Ngọ) và giữ chức chủ tịch. Ông khởi nghiệp với 1.000 con gà và 50 con lợn. Trong 10 năm, ông đã đưa tập đoàn này thành một trong 500 doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn nhất Trung Quốc.

    Trong số các nhà doanh nghiệp, ông Tôn Đại Ngọ là một người khác biệt. Ông kiên quyết điều hành doanh nghiệp một cách độc lập để mang lại lợi ích cho người dân và nhân viên, tuyệt đối không câu kết với giới quyền lực. Tuy nhiên, vào sáng sớm ngày 11/11/2020, 28 giám đốc điều hành của Dawu Group đã bị cảnh sát bắt giữ, bao gồm bản thân ông Tôn và vợ, cùng hai người con trai và hai người con dâu. Toàn bộ 28 công ty con của tập đoàn chính thức bị chính quyền tiếp quản, gần như toàn bộ tài sản của công ty bị đóng băng.

    Vào ngày 28/7/2021, ông Tôn Đại Ngọ bị buộc tội 8 tội danh như huy động vốn trái phép, và bị kết án 18 năm tù. Con trai và hai người em trai của ông lần lượt bị kết án 12, 12 và 9 năm tù. Theo số liệu do luật sư công bố, Dawu Group bị phạt hơn 300 triệu nhân dân tệ (khoảng 1000 tỷ VNĐ), cưỡng chế truy thu 1,4 tỷ tệ (khoảng 4900 tỷ VNĐ).

    Ngày 15/4/2022, Dawu Group bị Tòa án thành phố Cao Bi Điếm của tỉnh Hà Bắc bán đấu giá cho “Công ty TNHH Công nghệ Baoding Ruixi” với mức giá thấp là 686,1 triệu tệ (khoảng 2400 tỷ VNĐ).


    Tỷ phú Tôn Đại Ngọ. (Phạm vi công cộng)

    Một nhà quản lý của Công ty Rượu Dawu, một công ty con của Dawu Group, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng, tập đoàn này có tài sản tự định giá hàng chục tỷ tệ, trong đó tài sản hữu hình là 5,1 tỷ tệ (khoảng 17000 tỷ VNĐ). Trong mức định giá 686,1 triệu tệ của chính quyền cũng đã bao gồm 340 triệu tệ (khoảng 1190 tỷ VNĐ) tiền mặt. Nói cách khác, tập đoàn này có tổng cộng 28 công ty con, nhưng phía chính quyền chỉ đánh giá trị giá 340 triệu tệ (khoảng 1190 tỷ VNĐ).

    Điều kỳ lạ hơn nữa là thông tin công khai cho thấy, Công ty TNHH Công nghệ Baoding Ruixi, đơn vị thu mua thành công Dawu Group, mới được thành lập vào ngày 12/4/2022, chỉ ba ngày trước cuộc đấu giá. Ngoại giới cho rằng, công ty này chỉ đơn giản là một “găng tay trắng” của các quan chức.

    Vậy, lý do thực sự khiến ông Tôn Đại Ngọ bị bắt và bị cướp tài sản là gì? Có thể do ông Tôn là một người có sức ảnh hưởng lớn và có suy nghĩ độc lập. Ông đã đưa ra một số nhận xét khiến ĐCSTQ không hài lòng. Ví dụ, vào tháng 5/2020, ông bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với luật sư nhân quyền Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) và những người khác trên mạng Internet. Ông nói, họ đã cho các nạn nhân nhìn thấy ánh sáng, duy trì một chút niềm tin còn sót lại vào luật pháp và thắp lên hy vọng sống sót cho họ.

    Tỷ phú Tăng Thành Kiệt bị xử tử

    Tiếp đến là ông Tăng Thành Kiệt (Zeng Chengjie), Chủ tịch Hunan Sanguan Real Estate Development Group (Tập đoàn Khai phát Bất động sản Tam Quán Hồ Nam). Vào ngày 11/11/2008, ông bị cảnh sát địa phương bắt giữ vì tình nghi huy động vốn trái phép, sau đó bị kết án tử hình.

    Vào ngày 27/5/2013, khi ông Tăng gặp luật sư Vương Thiếu Quang (Wang Shaoguang) lần cuối tại trại tạm giam, ông nói: “Luật sư Vương, tôi cảm thấy sự việc có lẽ không ổn, phía sau có thế lực rất mạnh đang lèo lái, khống chế. Cho dù anh có cãi được hoãn thi hành án tử cho tôi, bọn họ cũng muốn tôi phải chết”.

    Tới ngày 12/7 cùng năm, ông Tăng Thành Kiệt bị hành quyết bí mật trong khi Luật sư Vương chưa nhận được giấy phán quyết phúc thẩm án tử hình, tòa án cũng không thông báo cho người nhà, không sắp xếp cho người nhà gặp mặt ông Tăng trước khi thi hành án.


    Tỷ phú Tăng Thành Kiệt. (Nguồn wikipedia)

    Ngày hôm sau, Luật sư Vương Thiếu Quang đã đưa ra một tuyên bố khẩn cấp. Ông viết:

    “Việc huy động vốn tư nhân ở [châu tự trị] Tương Tây được chính quyền địa phương ủng hộ, hầu như tất cả các dự án (bao gồm cả dự án ở thủ phủ của Tương Tây là thành phố Cát Thủ) đều dựa vào nguồn vốn tư nhân và 90% hộ gia đình đã tham gia đầu tư”.

    “Thỏa thuận huy động vốn (của công ty Hunan Sanguan) do sở công chứng xác nhận, được coi là hợp pháp”.

    “3,4 tỷ tệ (khoảng 11900 tỷ VNĐ) do công ty Hunan Sanguan huy động được là khoản tính gộp. Số vốn thực tế huy động được là 710 triệu tệ (khoảng 2400 tỷ VNĐ), đầu tư trực tiếp vào dự án là 770 triệu tệ (khoảng 2600 tỷ VNĐ), tức là khoản đầu tư vào dự án lớn hơn số vốn gốc là 60 triệu tệ (khoảng 200 tỷ VNĐ). Số vốn chưa hoàn lại thực tế là 202 triệu tệ (khoảng 700 tỷ VNĐ), tổng tài sản lúc đó (của Tăng Thành Kiệt) trị giá 2,38 tỷ tệ (khoảng 80000 tỷ VNĐ) … gấp 10 lần số vốn chưa hoàn lại. Nếu không phải chính quyền địa phương bán số tài sản trị giá 2,38 tỷ tệ (khoảng 80000 tỷ VNĐ) khi đó cho Công ty Caixin, một doanh nghiệp 100% vốn của chính quyền tỉnh Hồ Nam, với giá 380 triệu tệ (khoảng 1300 tỷ VNĐ), thì căn bản sẽ không có chuyện bị vỡ nợ, và những người đầu tư vốn có thể nhận lại được cả tiền gốc lẫn lãi”.

    Luật sư Vương nói: “Những người đầu tư tin tưởng Tăng Thành Kiệt, họ đã lần lượt viết thư yêu cầu không định tội và phóng thích Tăng Thành Kiệt. Việc kết án Tăng Thành Kiệt tử hình là chặn đường cướp bóc, cướp của giết người, khiến cả công ty và nhà đầu tư mất trắng, còn doanh nghiệp 100% vốn của chính quyền tỉnh Hồ Nam ngồi không nuốt trọn miếng lời”.

    Ông cũng trực tiếp chỉ ra: “Vào thời điểm xảy ra vụ án, Chánh án Tòa án Tối cao Chu Cường là Tỉnh trưởng tỉnh Hồ Nam. Khi tòa án cấp cao Hồ Nam tuyên án tử hình Tăng Thành Kiệt, Chu Cường là Bí thư Tỉnh ủy. Tòa án cấp cao Hồ Nam đã ra phán quyết phúc thẩm vào ngày 19/2/2012, mãi cho đến trước tháng 3/2013 khi Chu Cường được bổ nhiệm làm Chánh án Tòa án Tối cao Trung Quốc, tòa án tối cao vẫn không thẩm duyệt [phán quyết đó], nhưng chưa đến 3 tháng sau khi Chu Cường thăng chức nó đã được phê chuẩn”.

    Luật sư Vương Thiếu Quang nói rằng, ông “sẵn sàng chịu trách nhiệm pháp lý nếu có bất kỳ gian dối nào” trong những gì ông viết.

    Từ bản tuyên bố này, có thể đánh giá vụ Tăng Thành Kiệt là một án oan lớn, và Chánh án Tòa án Tối cao Chu Cường là người chịu trách nhiệm chính về vụ mưu sát Tăng Thành Kiệt.

    Tỷ phú Lý Tuấn bị buộc phải chạy ra nước ngoài

    Chúng ta hãy xem trường hợp của ông Lý Tuấn (Li Jun), Chủ tịch Chongqing Junfeng Industrial Development Group (Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Tuấn Phong Trùng Khánh).

    Từ năm 2007 đến năm 2012, khi Bạc Hy Lai là Ủy viên Trung ương ĐCSTQ kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, ông đã phát động phong trào “hát nhạc đỏ, đánh xã hội đen” rầm rộ ở Trùng Khánh. Nhân danh đánh đổ các tội phạm bị tình nghi có liên quan đến xã hội đen, ông ta đã bắt giữ một nhóm các nhà doanh nghiệp tư nhân, và tịch thu khối tài sản hàng trăm tỷ nhân dân tệ của họ, tỷ phú Lý Tuấn là một trong số đó.

    Junfeng Group của ông Lý có hơn 10 công ty con với số tài sản ròng là hơn 4 tỷ tệ (khoảng 14000 tỷ VNĐ). Vào ngày 9/12/2011, 20 người của tập đoàn này và các công ty con đã bị kết án: Anh trai của ông Lý Tuấn là Lý Tu Võ (Li Xiuwu), một cổ đông của tập đoàn, bị buộc 5 tội danh bao gồm tổ chức và cầm đầu một tổ chức mang tính chất xã hội đen… Ông này bị kết án 18 năm tù và bị phạt 201,35 triệu tệ (khoảng 700 tỷ VNĐ). Ông Đài Sĩ Hoa (Tai Shihua), đại diện pháp nhân của Junfeng Group, bị kết án 13 năm. Còn 18 người khác bị kết án từ 1 năm 2 tháng tù đến 5 năm rưỡi.

    Bản án nêu rõ: “Tài sản và số tiền tích lũy được của tổ chức này và của các tội phạm cầm đầu, tham gia tổ chức, cũng như công cụ phạm tội, đã bị thu hồi, tịch thu, nộp kho bạc nhà nước”. Điều này có nghĩa là, tập đoàn Junfeng mà ông Lý Tuấn mất hơn 20 năm để gây dựng đã bị tước đoạt trên danh nghĩa “đánh xã hội đen”.

    Kể từ năm 2009, ông Lý Tuấn đã bị bắt, được phóng thích vô tội, rồi lại bị bắt lại. Chỉ một ngày trước khi bị bắt lần thứ hai, ông đã đào thoát. Ngày 23/10/2010, ông bay đến Hong Kong bằng máy bay rồi chạy ra nước ngoài.


    Tỷ phú Lý Tuấn, người đứng phía trước, khi bị bắt. (Ảnh Lý Tuấn cung cấp cho Epochtimes)

    Ông Khương Duy Bình (Jiang Weiping), một nhà bình luận thời sự sống ở Canada, cho biết, ông Lý Tuấn “đã tìm kiếm trên Internet, không chỉ liên lạc với tôi qua điện thoại, mà còn gửi cho tôi tất cả các bản sao tài liệu chứng cứ của ông ấy qua đường chuyển phát nhanh. Sau khi tôi và những người bạn luật sư Canada nghiên cứu và xác định, tôi tin chắc rằng đây là một vụ án oan được Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân lên kế hoạch tỉ mỉ”. Vương Lập Quân khi đó là Giám đốc Công an Trùng Khánh và Tổng chỉ huy Đội “đánh xã hội đen” của Trùng Khánh.

    Các tỷ phú khác bị bỏ tù

    Kể từ khi ĐCSTQ nới lỏng các chính sách kinh tế vào năm 1978, nó không ngừng bắt giam các tỷ phú và cướp tài sản của họ theo nhiều cách khác nhau. Ba trường hợp nêu trên là các ví dụ điển hình. Có thể kể đến các trường hợp khác như:

    Ông Cố Sồ Quân (Gu Chujun), nguyên Chủ tịch Công ty Điện Quảng Đông Hisense Kelon, đã bị tòa án ĐCSTQ kết án 10 năm tù vào tháng 1/2008 vì ba tội danh gồm gian dối báo cáo vốn đăng ký… Số tài sản đứng tên ông trị giá hàng chục tỷ tệ cùng vài công ty niêm yết trên sàn chứng khoán đều bị tước đoạt. Luật sư Trần Hữu Tây (Chen Youxi) của ông Cố phân tích rằng, cái gọi là ba tội danh trên đều vô căn cứ.

    Ông Lan Thế Lập (Lan Shili), Chủ tịch East Star Group (Tập đoàn Đông Tinh Trung Quốc), được tạp chí Forbes xếp hạng là người giàu thứ 70 ở Trung Quốc vào năm 2005. Vào ngày 8/4/2010, ông Lan bị kết án 4 năm tù vì tội trốn truy nộp thuế. ĐCSTQ đã cướp công ty trị giá 2 tỷ tệ (khoảng 7000 tỷ VNĐ) của ông Lan với mức giá cực thấp chỉ 85,5 triệu tệ (khoảng 299 tỷ VNĐ).

    Ông Bành Trị Dân (Peng Zhimin), nguyên Chủ tịch Chongqing Kingrun Real Estate Development Co. Ltd. (Công ty Phát triển Địa ốc Khánh Long Trùng Khánh), bị kết án tù chung thân vào ngày 4/5/2011, với các tội danh như “tổ chức và cầm đầu một tổ chức mang tính chất xã hội đen”, v.v. Ông Vương Trí (Wang Zhi), một quan chức của Sở Công an Trùng Khánh có liên quan đến vụ án, tiết lộ với truyền thông Trung Quốc rằng, tài sản của ông Bành lên tới 4,67 tỷ tệ (khoảng 1600 tỷ VNĐ), do đất đai lên giá nên giá trị thực tế trên thị trường bất động sản là trên 10 tỷ tệ (khoảng 35000 tỷ VNĐ). Những thứ này cũng bị ĐCSTQ cướp đi.

    Tại sao tỷ phú Trung Quốc liên tục bị bỏ tù?

    Tiến sĩ Vương Hữu Quần (Wang Youqun) từng làm việc dưới trướng ông Úy Kiện Hành (Wei Jianxing), cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ kiêm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Theo ông phân tích, có bốn lý do, cũng là 4 nguy cơ lớn mà những người giàu ở Trung Quốc phải đối mặt.


    Tiến sĩ Vương Hữu Quần. (Ảnh NTD)

    Thứ nhất, ĐCSTQ chưa bao giờ thực sự muốn bảo hộ tài sản tư nhân.

    Marx, ông tổ của ĐCSTQ, vô cùng ghét bỏ chế độ tư hữu, và tuyên bố ủng hộ chế độ công hữu. Lý luận của Marx được coi là lý luận của giai cấp vô sản. Giai cấp vô sản chính là giai cấp không có tài sản. Giai cấp vô sản muốn cướp đoạt chính quyền, muốn nắm chính quyền, nhưng không có tiền thì phải làm sao? Từ lịch sử của ĐCSTQ, cách làm của nó có thể được gói gọn trong một từ, đó là “cướp”.

    Ngày nay, bản thân ĐCSTQ cũng thừa nhận rằng, hơn 50% doanh thu thuế của Trung Quốc, hơn 60% GDP của Trung Quốc, hơn 70% thành tựu đổi mới công nghệ, hơn 80% việc làm lao động thành thị và hơn 90% số lượng doanh nghiệp đều là nhờ kinh tế tư nhân đóng góp. Tuy nhiên, hệ tư tưởng của ĐCSTQ vẫn không thay đổi. Khi thiếu tiền, nó có thể biến tài sản riêng của cá nhân thành tài sản “quốc hữu” bất cứ lúc nào.

    Thứ hai, nền kinh tế của ĐCSTQ là nền kinh tế quyền lực.

    Đặc điểm nổi bật của kinh tế quyền lực là quyền lực can dự vào tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, tất cả những nơi có thể kiếm ra tiền đều do quyền lực kiểm soát. Nếu các nhà doanh nghiệp tư nhân không nghe lời ĐCSTQ, họ sẽ không thể vay tiền, không được cấp đất, thậm chí bị cắt điện nước.

    Nền kinh tế của ĐCSTQ dựa trên việc nắm vững “nòng súng” (quân đội) và “cán dao” (hệ thống chính trị pháp luật). Đối mặt với kẻ một tay cầm “súng” và một tay cầm “dao”, các doanh nhân tư nhân vẫn là “nhóm dễ bị tổn thương”, cho dù họ có giàu đến đâu. Khi ĐCSTQ dùng “dao” và “súng” làm hậu thuẫn để “cướp” tiền, các doanh nghiệp tư nhân sẽ không có sức chống trả.

    Thứ ba, sự hủ bại tham nhũng của ĐCSTQ đã đẩy mạnh quá trình “cướp” tiền.

    Quy tắc bất thành văn trong chính quyền ĐCSTQ ngày nay là, để được thăng chức và phát tài, bắt buộc phải tặng tiền cho các quan chức cấp cao hơn. Vậy tiền ở đâu ra? “Cướp” từ doanh nghiệp tư nhân là cách dễ dàng nhất. Giáo sư Đồng Chi Vĩ (Tong Zhiwei) tại Đại học Sư phạm Hoa Đông chỉ ra trong “Báo cáo Đánh xã hội đen ở Trùng Khánh” rằng, mục tiêu của “đánh xã hội đen” là tất cả các doanh nhân tư nhân. Ông Lý Trang (Li Zhuang), một luật sư ở Bắc Kinh, từng nói với truyền thông nước này rằng, khi xem xét cẩn thận nhiều bản án chống băng đảng ở Trùng Khánh, ông nhận thấy rằng, trang cuối cùng của hầu hết các bản án đều có sáu chữ giống nhau – “tịch thu toàn bộ tài sản”.

    Thứ tư, ĐCSTQ lo sợ các doanh nhân tư nhân.

    ĐCSTQ luôn dựa vào việc gây áp lực mạnh và lừa dối để duy trì sự cai trị, nó luôn sợ ai đó sẽ “lật đổ” chế độ. Khi các doanh nhân tư nhân có thực lực hùng mạnh, ĐCSTQ sợ rằng những người này sẽ trở thành thế lực gây nguy hiểm cho chế độ của nó.

    Nam Phương

    Không có nhận xét nào