Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ tư 06 tháng 7 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Chiến tranh Ukraina : Quân Nga tiến vào Donbass, Sloviansk nằm trong tầm ngắm

    06/7/2022

    Khói bốc lên từ khu chợ trung tâm Sloviansk, miền đông Ukraina bị quân Nga oanh 

    Sau khi chiếm được toàn vùng Luhansk, Nga dồn lực lượng sang vùng Donetsk để tiếp tục kế hoạch chiếm toàn vùng Donbass, miền đông Ukraina. Mục tiêu của quân Nga là thành phố Sloviansk, nơi có khoảng 35.000 người cần được sơ tán, theo thống đốc Pavlo Kyrylenko. Ngày 05/07/2022, quân Nga đã oanh kích khu chợ trung tâm ở Sloviansk khiến 2 người bị chết và 7 người bị thương. 

    Theo nhiều quan chức cấp cao Ukraina, quân Nga dùng pháo hạng nặng để yểm trợ cho bộ binh tiến trên thực địa. Trên truyền hình, thống đốc vùng Luhansk Serhiy Gaidai cho biết, quân đội thường trực và quân dự bị của Nga đã được triển khai với mục đích vượt sông Donetsk. Còn theo ông Pavlo Kyrylenko, thống đốc Donetsk, hai thành phố Sloviansk và Kramatorsk bị oanh kích dữ dội suốt đêm, « không một nơi nào là không bị dội bom ở vùng Donetsk ».

    Trước lửa đạn của Nga, quân Ukraina có khả năng cầm cự đến đâu ở vùng Donbass ? Trả lời RFI ngày 06/07, chuyên gia Igor Delanoë, Viện Quan sát Pháp-Nga tại Matxcơva, phân tích :

    « Trước tiên phải nói là từ khá lâu, Ukraina đã xây dựng một lực lượng ở vùng Donbass này bởi vì về mặt kỹ thuật mà nói, Ukraina đợi một cuộc tấn công từ 8 năm nay. Tuy nhiên, người ta thấy là lực lượng này bắt đầu suy yếu từ nhiều tuần nay. Điều này đã xảy ra từ vài ngày qua ở Severodonetsk, và hiện giờ là Lysychanks thất thủ. Đây là sự thất bại của lực lượng quân sự này, đã không kháng cự được sức ép từ phía Nga.

    Về điểm thứ hai, Ukraina nói là xây dựng các tuyến phòng thủ lùi lại sau một chút. Nhưng liệu họ có thời gian để củng cố chúng để đối phó với một cuộc tấn công mới không ? Thật sự là không biết được điều này. Và cũng không rõ là khi họ tiến hành được các đợt luân chuyển quân ra mặt trận thì đó cũng chưa chắc là những quân nhân giầu kinh nghiệm và thiện nghệ. Có nghĩa là những đội quân chất lượng, những người lính tinh nhuệ đã bị kiệt sức trên chiến trường, trong khi những người đến hỗ trợ hoặc thay họ chưa hẳn là những quân nhân có kinh nghiệm ».

    Còn tại hai thành phố Severodonetsk và Lyschansk đã bị chiếm đóng ở vùng Luhansk, thống đốc vùng này tố cáo quân Nga hôi của, « truy đuổi người dân ủng hộ Ukraina, bắt tay với những kẻ cộng tác, xác định vị trí những căn hộ nơi sinh sống của quân nhân Ukraina, thâm nhập và lấy quần áo », « phá hủy tất cả », « như từng thấy vào năm 1939 dưới thời Đức quốc xã ». Tuy nhiên, Reuters chưa kiểm chứng được những thông tin này.

    Không có cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ-Nga tại G20 tuần này 

    06/7/2022 

    Reuters 

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken. 

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bên lề cuộc họp ngoại trưởng G20 tại Bali trong tuần này, nhưng dự kiến sẽ không có cuộc gặp với nhà ngoại giao Nga, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ngày 5/7.

    Ông Blinken sẽ khởi hành đến Châu Á vào ngày 6/7 trong một chuyến đi kéo dài đến ngày 11/7. Cuộc gặp với ông Vương, dự kiến vào ngày 9/7, sẽ là cuộc tiếp xúc cấp cao mới nhất giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc trong khi Tổng thống Joe Biden cân nhắc dỡ bỏ thuế quan đối với một số hàng hóa Trung Quốc để kiềm chế lạm phát.

    Bất chấp sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng giữa Washington và Bắc Kinh, ông Biden vẫn đang cân nhắc loại bỏ thuế quan đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc để kiềm chế lạm phát gia tăng của Mỹ trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 để giành quyền kiểm soát Quốc hội.

    Tòa Bạch Ốc cho biết không có thời hạn chót để quyết định, nhưng ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng dự kiến sẽ trao đổi trong những tuần tới.

    Các ngoại trưởng từ 20 nền kinh tế lớn nhất (G20) sẽ gặp nhau tại đảo Bali của Indonesia vào ngày 8/7 trước hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 vào tháng 11, cũng tại Indonesia.

    Ông Blinken cũng sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi và sẽ dừng chân tại Bangkok, gặp Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

    Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng sẽ tham dự cuộc họp cấp bộ trưởng ở Bali, nhưng cuộc gặp giữa ông và ông Blinken không được mong đợi. Cả hai đã không gặp nhau kể từ trước khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2. Mỹ và các đồng minh lên án hành động của Nga và hỗ trợ Kyiv bằng cách cung cấp vũ khí.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói trong một cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 5/7 rằng ông dự kiến các thành viên của Nhóm 20 sẽ lên tiếng chống lại cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.

    Trung Quốc đã từ chối lên án hành động của Nga ở Ukraine và chỉ trích các biện pháp chế tài sâu rộng của phương Tây đối với Moscow.

    Theo dự báo từ giới phân tích, sẽ có tranh cãi tại cuộc họp G20, trong đó Mỹ và các đồng minh dự kiến sẽ đổ lỗi cho Moscow về tình trạng thiếu lương thực toàn cầu kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, một nước xuất khẩu ngũ cốc lớn, trong khi Nga sẽ đổ lỗi cho các chế tài do Mỹ dẫn đầu.

    Dầu từ kho dự trữ của Mỹ đổ ra nước ngoài trong khi giá xăng vẫn phi mã 

    06/7/2022 

    Reuters 

    Một nhà máy lọc dầu của ExxonMobil

    Một nhà máy lọc dầu của ExxonMobil 

    Hơn 5 triệu thùng dầu nằm trong đợt xuất dầu dự trữ khẩn cấp lịch sử của Hoa Kỳ nhằm giảm giá nhiên liệu trong nước đã được xuất khẩu sang châu Âu và châu Á vào tháng trước dẫu giá xăng và dầu diesel tại Mỹ chạm mức cao kỷ lục.

    Ngày 2/7, Tổng thống Joe Biden tái kêu gọi các nhà cung cấp xăng dầu giảm giá.

    Khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày sẽ được xuất từ Quỹ dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) cho đến hết tháng 10. Việc này đang rút cạn quỹ SPR. Tháng trước mức dự trữ này đã sụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1986. Giá dầu thô CLc1 của Mỹ hiện trên 105 đô la/thùng và giá xăng và dầu diesel trên 5 đô la/gallon tại 1/5 nước Mỹ. Các quan chức Mỹ cho rằng giá dầu có thể cao hơn nếu không dùng tới SPR.

    Theo dữ liệu của Hải quan Hoa Kỳ, nhà lọc dầu lớn thứ tư của Mỹ, Phillips 66, đã vận chuyển khoảng 470.000 thùng dầu thô có mức lưu huỳnh cao từ kho chứa Big Hill SPR ở Texas đến Trieste, Ý. Trieste là nơi có đường ống dẫn dầu đến các nhà máy lọc dầu ở Trung Âu.

    Atlantic Trading & Marketing, một chi nhánh của tập đoàn dầu khí Total Energies của Pháp, đã xuất khẩu 2 chuyến hàng trị giá 560.000 thùng mỗi chuyến, theo dữ liệu.

    Chưa có bình luận từ hai công ty này.

    Một nguồn tin trong ngành cho biết, các chuyến dầu thô SPR cũng được chuyển đến Hà Lan và đến nhà máy lọc dầu Reliance ở Ấn Độ. Một chuyến hàng thứ ba đến Trung Quốc, một nguồn tin khác cho biết.

    Một nguồn tin trong ngành vận tải tàu biển cho biết thêm, ít nhất một lô hàng dầu thô từ khu West Hackberry SPR ở Louisiana sắp được xuất khẩu trong tháng Bảy này.

    Ông Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu tại Kpler, cho biết: “Giá dầu thô và nhiên liệu có thể sẽ cao hơn nếu (đợt xuất dầu SPR) không xảy ra, nhưng đồng thời, nó không thực sự có tác động như đã được giả định”.

    Các chuyến xuất khẩu mới nhất theo sau ba tàu chở dầu thô SPR đến châu Âu vào tháng 4, giúp thay thế nguồn cung dầu thô của Nga.

    Tồn kho dầu thô của Mỹ thấp nhất kể từ năm 2004 trong khi các nhà máy lọc dầu hoạt động gần như ở mức cao nhất. Các nhà máy lọc dầu ở vùng duyên hải vùng Vịnh Hoa Kỳ đạt hiệu suất sử dụng 97,9%, tức cao nhất trong ba năm rưỡi.

    Arab Saudi công bố chia hàng tỷ USD trực tiếp cho dân để giảm bớt gánh nặng lạm phát

    Quang Nhật

    Arab Saudi công bố chia hàng tỷ USD trực tiếp cho dân để giảm bớt gánh nặng lạm phát

    Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman tại Jeddah, Arab Saudi, vào ngày 18/9/2019. (Mandel Ngân / AFP qua Getty Images) 

    Arab Saudi hôm thứ Hai thông báo họ cung cấp trực tiếp 20 tỷ SR (5,3 tỷ USD) cho người dân nhằm giảm thiểu tác động của lạm phát và giá cả tăng cao.

    Cơ quan Báo chí Arab Saudi (SPA) đưa tin, Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud thông qua sắc lệnh hoàng gia đã phê duyệt việc phân bổ 20 tỷ SR hỗ trợ tài chính “để bảo vệ các hộ gia đình khỏi những tác động của việc tăng giá toàn cầu”.  

    Sắc lệnh được đưa ra dựa trên một nghiên cứu của Hội đồng các vấn đề kinh tế, do Thái tử Mohammed bin Salman bin Abdulaziz làm chủ tịch.

    Khoảng một nửa trong số đó sẽ được phân phối dưới dạng chuyển tiền trực tiếp cho người dân, phân bổ qua Chương trình tài khoản công dân (Citizen Account Program) và Chương trình hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ (Small Livestock Breeders Support Program).

    Sắc lệnh hoàng gia được đưa ra cùng ngày Thái tử Mohammed chủ trì cuộc họp của Hội đồng các vấn đề kinh tế tại Cung điện Al-Salam ở Jeddah.

    Hoàng tử “nhấn mạnh sự cần thiết phải tính đến những công dân cần thiết nhất khi đối mặt với những phát triển quốc tế dẫn đến việc tăng chi phí cho một số nhu cầu cơ bản”, SPA báo cáo.

    Ông cũng thảo luận về sự cần thiết của các bộ chính phủ theo dõi sự phát triển trong các vấn đề chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến thị trường trong nước và mức giá để chống lại các hành vi không công bằng.

    Giá tiêu dùng tăng

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất của Arab Saudi cho tháng 5 cho thấy mức tăng 2,2% so với tháng 5 năm 2021. Con số này thấp hơn một chút so với tỷ lệ lạm phát của tháng 4 là 2,3%, theo số liệu chính thức.

    Động lực chính kéo lạm phát CPI trong tháng 5 là giá thực phẩm và đồ uống (tăng 4,2%) và phương tiện giao thông (tăng 4%) cao hơn.

    Giá thịt là yếu tố lớn nhất khiến giá lương thực tăng trong tháng Năm. Thực phẩm và đồ uống có tầm quan trọng tương đối cao trong giỏ hàng tiêu dùng của người Ả Rập Xê Út với tỷ trọng 18,8%.

    Chi phí giao thông, giáo dục, khách sạn và nhà hàng cũng tăng. Hầu hết giá cao hơn là do chi phí thực phẩm tăng.

    Hàng hóa và dịch vụ cá nhân tăng 2,1% chủ yếu là do giá dịch vụ cho thuê phòng cưới tăng 17,2%.

    Thái tử Mohammed cho biết cần phải điều tra thị trường, sự sẵn có của sản phẩm và mức giá, cũng như để bảo vệ cạnh tranh công bằng và chống lại “các hành vi độc quyền ảnh hưởng đến cạnh tranh hợp pháp hoặc lợi ích của người tiêu dùng”.

    Minh Đăng

    Thảm họa lương thực toàn cầu vẫn đang tiếp diễn

    Bên cạnh chiến tranh, bệnh tật, và nghèo khổ, nạn đói đang ám ảnh thế giới. Báo cáo “Tình trạng An ninh Lương thực và Dinh dưỡng trên thế giới” hàng năm của Liên Hiệp Quốc, được công bố vào thứ Tư, có chứa những phát hiện đáng lưu ý. Covid-19 đã làm biến dạng chuỗi cung ứng và làm giảm thu nhập của các hộ gia đình, trong khi thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến sản lượng của nhiều loại lúa mì. Kết quả là số người bị thiếu hụt dinh dưỡng đã tăng vọt trong năm 2021.

    Thế nhưng, dự báo cho năm nay còn tồi tệ hơn. Giá ngũ cốc quốc tế, vốn tăng vọt sau khi Nga xâm lược Ukraine, chí ít cũng đã giảm xuống mức trước chiến tranh. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán của Liên Hiệp Quốc với Nga nhằm chấm dứt lệnh phong tỏa vận chuyển ngũ cốc của Ukraine đã không đạt kết quả. Nhiều rủi ro vẫn còn đó, từ chủ nghĩa bảo hộ và các hiện tượng thời tiết bất lợi hơn, đến chi phí năng lượng và phân bón tăng cao. Vào tháng 5, Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo rằng số người phải đối mặt với nạn đói khẩn cấp có thể tăng lên 47 triệu vào năm 2022, nâng tổng số người bị đói lên gần 250 triệu. Buồn thay, dự báo ấy đến nay vẫn là đáng tin cậy.

    Biden cân nhắc cắt giảm thuế đối với Trung Quốc

    Ngày 06/07/2018, danh sách dài các khoản thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc đầu tiên của Donald Trump đã chính thức có hiệu lực. Đây là một vấn đề quan trọng, bởi vì người Mỹ sẽ phải xem xét lại các khoản thuế sau bốn năm. Với lạm phát đang ở mức cao, Joe Biden, người kế nhiệm Trump trên cương vị tổng thống, đang tìm mọi cách để giảm bớt áp lực giá cả. Theo một số ước tính, việc loại bỏ thuế quan đối với Trung Quốc – mà về cơ bản là thuế đánh vào người tiêu dùng Mỹ – có thể làm giảm lạm phát khoảng nửa điểm phần trăm.

    Nhưng Biden cũng tuyên bố sẽ cứng rắn với Trung Quốc và sẽ không làm bất cứ điều gì mà Đảng Cộng hòa mô tả là hành động đầu hàng. Ngay cả trong chính quyền của ông, cũng có những người coi thuế quan là lợi thế quý giá. Kết quả có thể là việc đình chỉ thuế đối với đồ dùng học tập và những thứ tương tự, vốn được mua rất nhiều vào mùa hè, trong khi thuế áp lên các sản phẩm khác vẫn được giữ nguyên. Đối với Biden, đây có thể là kịch bản tồi tệ nhất: ông có nguy cơ bị chỉ trích vì nhượng bộ, trong khi lạm phát vẫn chưa được khắc phục.

    Vụ kiện xoay quanh Chương trình Hành động dành cho Người Nhập cư là Trẻ em 

    Mười năm trước, Mỹ đã thiết lập một chương trình ngăn chặn việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp vào nước này khi còn là trẻ em. Chương trình Hành động dành cho Người Nhập cư là Trẻ em (Deferred Action for Childhood Arrivals, DACA) cho phép những người thuộc phạm vi điều chỉnh của nó được nộp đơn xin cấp phép làm việc, có thể gia hạn hai năm một lần. DACA được cho là một biện pháp miễn trừ tạm thời, trong lúc chờ Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cung cấp cho những người nhập cư không có giấy tờ một con đường để trở thành công dân chính thức. Nhưng cơ quan này đã không bao giờ làm vậy.

    Dù rất được lòng dân chúng – ba phần tư người Mỹ ủng hộ nó – DACA từ lâu đã luôn bị tấn công. Dù Tối cao Pháp viện đã ngăn cản nỗ lực chấm dứt đạo luật này của Donald Trump, vào năm 2018, Texas và các bang khác do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã nộp đơn kiện để ngăn chính phủ liên bang phê duyệt những người đăng ký mới. Năm ngoái, một thẩm phán đã đứng về phía Texas. Vào thứ Tư, Tòa Phúc thẩm Khu vực 5 (Fifth Circuit Court of Appeals) sẽ lắng nghe đơn kháng cáo của chính quyền Biden đối với quyết định đó. Khoảng 650.000 người hiện đang được hưởng lợi từ DACA, và mỗi năm sẽ có thêm 100.000 người khác có thể đăng ký tham gia chương trình, nếu được cho phép. Thay vào đó, những người trẻ tuổi này đang phải đối mặt với việc bị trục xuất khỏi đất nước duy nhất mà họ biết.

    Việt Nam, Hoa Kỳ hợp tác nông nghiệp và ứng phó biến đổi khí hậu 

    06/7/2022 

    Ông Jason Hafemeister trong chuyến thăm Việt Nam.

    Ông Jason Hafemeister trong chuyến thăm Việt Nam. 

    Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNT) Lê Quốc Doanh mới đây đã có buổi hội đàm với ông Jason Hafemeister, Quyền Thứ trưởng phụ trách Thương mại và Đối ngoại, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

    Trang web của Bộ NN & PTNT dẫn lời ông Doanh nói trong cuộc họp ở Hà Nội hôm 30/6 rằng “Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp”.

    Ông Doanh cũng bày tỏ “tin tưởng rằng với nỗ lực của cả hai phía, thương mại nông sản hai nước sẽ tiếp tục tăng trưởng, mang lại những lợi ích rõ ràng cho hai nước”.

    Bản tin của Bộ NN & PTNT dẫn lời ông Doanh “đề nghị” quan chức nông nghiệp Hoa Kỳ “quan tâm hỗ trợ các nguồn lực về tài chính và kỹ thuật thông qua các sáng kiến và hành động cụ thể để Việt Nam có thể tăng cường năng lực và thực hiện thành công các sáng kiến toàn cầu, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam” liên quan tới vấn đề biến đổi khí hậu. 

    Trang web của Bộ NN & PTNT cũng dẫn lời ông Hafemeister bày tỏ “mong muốn tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới”.

    Theo phía Việt Nam, ông Hafemeister nói rằng “Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục những hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp để giảm chi phí sản xuất và giảm tác động đến môi trường”.

    Cục Nông nghiệp Nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) hôm 1/7 viết trên Twitter rằng sau chặng dừng chân ở Nhật Bản, ông Hafemeister tới Việt Nam để “tiếp tục củng cố quan hệ thương mại của Mỹ ở Đông Á”.

    Cơ quan đảm trách vấn đề đối ngoại về nông nghiệp của USDA viết thêm rằng Hoa Kỳ là “nhà cung cấp nông nghiệp và các sản phẩm liên quan lớn thứ hai của Việt Nam”.

    Theo Cổng thông tin chính phủ Việt Nam, hồi giữa tháng Năm năm nay, khi tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Minh Hoan có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong đó quan chức này nói rằng “Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp” và hai phía “đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác thực chất và hiệu quả”.

    Anh : Chính phủ lao đao vì nhiều bộ trưởng từ chức

    Thủ tướng Boris Johnson đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng nghiêm trọng. Chỉ trong chưa đầy 24 giờ, ba bộ trưởng lần lượt thông báo từ chức, hai bộ trưởng Y Tế Sajid Javid và Tài Chính Rishi Sunak vào tối 05/07/2022 và bộ trưởng bộ Trẻ Em và Gia Đình Will Quince sáng 06/07. Ngoài ra, còn có ít nhất 8 quan chức khác cũng thông báo rời chính phủ. 

    Dù bị suy yếu về những tai tiếng làm rung chuyển chính phủ trong nhiều tháng gần đây nhưng ông Boris Johnson kiên quyết bám trụ vị trí thủ tướng. Trưa 06/07, thủ tướng Anh sẽ bị chất vấn ở Nghị Viện trong phiên họp hàng tuần, sau đó phải ra điều trần với chủ tịch của nhiều Ủy Ban Hạ Viện, trong đó có nhiều nhân vật vẫn gay gắt chỉ trích ông trong nội bộ đảng Bảo Thủ.

    Theo thông tín viên RFI Emeline Vin, thế bấp bênh của « Bojo », tên thân mật của thủ tướng Boris Johnson, trở thành đề tài bình luận của báo chí Anh ngày 06/07 :

    « Johnson bên bờ vực ». Báo Times dành trọn trang nhất cho thủ tướng với bức ảnh ông Johnson vẻ mặt lo âu. Còn nếu không phải là chân dung của Boris Johnson thì đó là gương mặt của hai bộ trưởng từ chức, Sajid Javid và Rishi Sunak cười rạng rỡ, làm minh họa cho các nhật báo ra sáng thứ Tư này. 

    Tờ Telegraph, ủng hộ nhiệt tình đảng Bảo Thủ, nhắc lại những lý do khiến hai bộ trưởng từ chức (không thanh liêm, thiếu lòng tin vào chính phủ, theo hai bộ trưởng). Nhưng những cây bút xã luận lại tỏ ra bi quan cho tương lai của chủ nhân số 10 phố Downing, người bị báo Mail so sánh như một « con heo sữa mỡ màng » và thường vẫn « có khả năng lách khỏi ngõ cụt ». Nhưng lần này, theo báo Mail : « Ngay cả ông ấy không thể tiếp tục », « đã đến lúc ông ấy phải ra đi », « ai có thể thay thế Boris Johnson đứng đầu đảng Bảo Thủ ? ».

    Đối với tờ báo cánh tả Guardian, giờ không cần biết là thủ tướng có từ chức hay không mà là khi nào và như thế nào !

    Cuối cùng, trang nhất sáng tạo nhất là của tờ Daily Star, dùng cách chơi chữ thông báo « Hạ màn cho Bozo » (Bozo là chàng hề trong truyện tranh), « bị đánh bật khỏi chức chủ rạp xiếc vì đó là một kẻ ngu xuẩn ».

    Lạm phát ở châu Á: Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines ghi nhận mức cao kỷ lục

    06/7/2022

    Hàn Quốc đang đối mặt với lạm phát cao nhất trong 24 năm

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Hàn Quốc đang đối mặt với lạm phát cao nhất trong 24 năm

    Tháng 6/2022, Hàn Quốc ghi nhận lạm phát cao nhất trong 24 năm qua, Thái Lan lạm phát vượt dự báo, ở mức cao nhất trong vòng 14 năm, Philippines lạm phát lên mức cao nhất trong gần 4 năm, theo Reuters.

    Tại Hàn Quốc, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 cao hơn 6,0% so với cùng kì năm ngoái. Đây cũng là mức lạm phát cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1998, giữa cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. 

    Nguyên nhân là do giá dầu, thuế gas và điện cũng như nhu cầu tiêu dùng tăng, trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội dần được dỡ bỏ.

    Đồng won trượt giá 4,7% so với đồng USD trong tháng 6, giảm 6,7% trong quý II và trở thành đồng tiền hoạt động kém nhất ở châu Á sau đồng yên của Nhật.

    Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đang xem xét tăng lãi suất cơ bản trong tuần tới, nhằm kiềm chế lạm phát.

    Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc Rhee Chang-yong và Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho hôm 4/7 cho biết họ muốn hành động trước để tránh rủi ro cho nền kinh tế, tờ Bloomberg đưa tin.

    Chỉ số giá tiêu dùng của Thái Lan trong tháng 6/2022 cao hơn 7,66% so với một năm trước đó, vượt dự kiến và đạt mức kỷ lục trong 14 năm.

    Trong tháng 5/2022, giá năng lượng ở Thái Lan đã tăng 37,2% so cùng kỳ năm ngoái do giá dầu toàn cầu tăng, việc chấm dứt trợ cấp đối với khí đốt và sự gia tăng giá trị thuế nhiên liệu.

    Bộ Thương mại Thái Lan cảnh báo áp lực về giá sẽ kéo dài sang quý III/2022, Reuters cho biết.

    Nguyên nhân đến từ nhu cầu ngày càng tăng khi nền kinh tế có sự phục hồi, nguồn cung bị thắt chặt, cùng các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại đối với Nga.

    Trong một bài viết hối cuối tháng 5 của Jonathan Head, phóng viên BBC khu vực Đông Nam Á cho biết xuất khẩu ở Thái Lan bị đe dọa bởi giá phân bón. 

    Tháng 4 năm ngoái, phân bón có giá 550 baht (khoảng 350.000 VNĐ), nhưng năm nay giá cao gấp ba lần. Thái Lan nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu làm phân bón.

    Tuy nhiên, Ronnarong Phoolpipat, một quan chức bộ Thương mại Thái Lan dự đoán giá cả sẽ giảm mạnh trong quý cuối cùng của năm, nhờ sự mở rộng về du lịch và xuất khẩu. Ông cũng đưa ra con số lạm phát trung bình năm 2022 dự kiến ở mức 4,5%, thấp hơn mốc 5,5% vào năm 2008. 

    Giá phân bón đe dọa xuất khẩu gạo Thái Lan

    Trong khi đó, giá tiêu dùng của Philippines trong tháng 6/2022 cao hơn 6,1% so với năm 2021, mốc cao nhất trong gần 4 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu do giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt. 

    Khoảng cách thu hẹp giữa lãi suất của Philippines và Mỹ đã đè nặng lên đồng peso, đang giao dịch gần mức thấp nhất trong 17 năm so với đồng USD.

    Theo Nikkei Asia, đồng peso mất giá cũng có thể đẩy lạm phát lên, đồng thời kiềm chế sức mua của người tiêu dùng. 

    Đồng baht và peso cũng suy yếu như những đồng tiền châu Á khác so với đồng USD, trong bối cảnh Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ tăng mạnh lãi suất.

    Trong phiên giao dịch sáng 5/7, các sàn chứng khoán châu Á tăng điểm sau khi có thông tin rằng dự kiến trong tuần này, chính quyền Joe Biden sẽ công bố quyết định dỡ bỏ một phần thuế trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá hàng trăm tỷ USD từ thời cựu Tổng thống Donald Trump, trong bối cảnh Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đàm phán với Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He. 

    Đây được coi là một trong nỗ lực nhằm khống chế lạm phát tại Mỹ, hiện đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua.


    Không có nhận xét nào