Võ Thái Hà tổng hợp
Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách đen buôn người
20/7/2022
Ngoại trưởng Antony Blinken công bố Phúc trình Buôn người hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Bộ Ngoại giao, ngày 19/7/2022.
Mỹ ngày 19/7 bổ sung tên Việt Nam, Campuchia, Brunei và Macau vào danh sách đen buôn người với cáo buộc nỗ lực yếu kém trong việc ngăn chặn hoạt động cưỡng ép mại dâm hay hỗ trợ lao động nhập cư.
Trong phúc trình thường niên, Hoa Kỳ cũng đã thêm Belarus vào danh sách đen và đưa Bulgaria vào danh sách theo dõi vì lo ngại rằng nước này không coi trọng nạn buôn người.
Phúc trình buôn người hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ từ trước đến nay không tha cho các đồng minh thân cận, thường gây xích mích, mặc dù các quan chức Hoa Kỳ nói rằng việc này đã khiến các chính phủ phải hành động.
Các quốc gia bị đưa vào danh sách đen - “Bậc 3” - phải chịu các chế tài của Hoa Kỳ, mặc dù chính quyền Mỹ thường miễn trừng phạt đối với các quốc gia thân thiện hứa hẹn sẽ cải thiện.
Việt Nam, quốc gia có mối quan hệ nồng ấm với Washington do cùng quan ngại về một Trung Quốc trỗi dậy, đã bị hạ cấp xuống Bậc 3.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói chính quyền Hà Nội đã giảm các vụ truy tố buôn người trong năm 2021.
Phúc trình đặc biệt nhận thấy Việt Nam sai trái khi không có hành động nào xử lý một nhà ngoại giao và nhân viên sứ quán Việt Nam tại Ả rập Xê út bị cáo buộc đồng lõa buôn bán một số công dân Việt ra nước ngoài.
Tại Campuchia, Bộ Ngoại giao nói “nạn tham nhũng phổ biến” đã cản trở nỗ lực giúp đỡ hàng nghìn trẻ em, bao gồm cả trẻ em bị buôn bán đến các cơ sở giải trí, lò gạch và các hoạt động lừa đảo trực tuyến.
Tại thành phố bán tự trị của Trung Quốc ở Macau, một lãnh thổ cũ của Bồ Đào Nha nổi tiếng với các sòng bạc và ngành công nghiệp tình dục nở rộ, phúc trình cho biết chính quyền đã không cung cấp dịch vụ cho một nạn nhân buôn người trong ba năm liên tiếp.
Cùng với Malaysia, các quốc gia vẫn kẹt trong danh sách đen từ năm trước là Afghanistan, Cuba, Eritrea, Guinea-Bissau, Iran, Myanmar, Triều Tiên, Nicaragua, Nga, Nam Sudan, Syria, Turkmenistan và Venezuela.
Các điều khoản của Luật Bảo vệ Nạn nhân Buôn người hạn chế một số loại viện trợ của Mỹ và một vài phạm vi khác trong tài trợ của Mỹ và tài trợ đa phương dành cho các nước Bậc 3 bắt đầu với Phúc trình Buôn người năm 2003.
Các khoản tài trợ bị hạn chế bao gồm viện trợ không vì mục đích nhân đạo, viện trợ nước ngoài không liên hệ đến thương mại được cho phép chiếu theo Luật Viện trợ Nước ngoài 1961, các hoạt động mua bán và tài trợ được cho phép chiếu theo Luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí, tài trợ trao đổi giáo dục-văn hóa, cũng như các khoản cho vay và nguồn quỹ do các ngân hàng phát triển đa phương và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cung cấp.
Tổng Giám đốc Điều hành World Bank thăm Việt Nam
20/7/2022
Ông Axel van Trotsenburg.
Ông Axel van Trotsenburg, Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới (World Bank), mới có chuyến thăm kéo dài hai ngày từ 18 tới 19/7 tới Việt Nam.
Tổ chức tài chính quốc tế này cho biết rằng mục đích chuyến thăm nhằm “trao đổi với lãnh đạo Việt Nam về tương lai quan hệ hợp tác giữa World Bank và Việt Nam cùng các chương trình hỗ trợ của World Bank tại Việt Nam trong giai đoạn 4-5 năm tới”.
Ông van Trotsenbur được dẫn lời nói trong một thông cáo của World Bank rằng ngân hàng này và chính phủ Việt Nam “có quan hệ hợp tác tốt đẹp và lâu dài”.
“Tôi mong muốn tiếp tục các thảo luận về hỗ trợ của World Bank để Việt Nam có thể trở thành quốc gia thu nhập cao và có thể giải quyết các thách thức phát triển quan trọng như biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng”, ông nói, theo World Bank.
Theo Cổng thông tin chính phủ Việt Nam (VGP News), Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông van Trotsenburg, và trong cuộc gặp này, ông Phúc “đề nghị World Bank tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045 với tầm nhìn phát triển dài hạn, nhất là trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, tác động của dịch COVID-19 cũng như các mục tiêu phát triển của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045”.
Trước đó một ngày, quan chức cấp cao của World Bank đã có cuộc trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Minh Chính. Ông Chính được VGP News dẫn lời nói rằng “Việt Nam đang trách nhiệm, tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong ứng phó biến đổi khí hậu với cách tiếp cận bảo đảm công bằng, công lý, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và cũng là cơ hội để chuyển đổi mô hình phát triển, xây dựng nền công nghiệp chuyển đổi năng lượng, theo hướng xanh, bền vững, tuần hoàn, các-bon thấp”.
Tổng Giám đốc Điều hành World Bank từng có các buổi gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow vào tháng 11 năm 2021 và tại Washington DC vào tháng Năm năm 2022.
Ngoài các quan chức, tin cho hay, ông van Trotsenburg còn gặp gỡ đại diện khu vực tư nhân và các học giả Việt Nam.
Đệ nhất phu nhân Ukraine sẽ phát biểu trước Quốc hội Mỹ
Xuân Hoa
Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden và Đệ nhất phu nhân Ukraina Olena Zelenska trong cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc, ở Washington, DC, ngày 19/07/2022. (Ảnh: BRENDAN SMIALOWSKI / AFP qua Getty Images )
Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska bất ngờ có chuyến thăm Mỹ với một chuỗi các cuộc gặp. Bà sẽ có bài phát biểu trước các nhà lập pháp tại Quốc hội Mỹ vào ngày 20/07 theo giờ địa phương.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, thứ 2 (18/7), bà Zelenska đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Washington, mở đầu loạt sự kiện của bà trong chuyến thăm đầu tiên đến Mỹ với cương vị phu nhân của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Ngoại trưởng Blinken đã đảm bảo với bà Zelenska về cam kết của Washington với chính quyền Kiev. Ngoại trưởng Blinken cũng ca ngợi những nỗ lực của Đệ nhất phu nhân Ukraine trong hỗ trợ dân thường thương vong và chịu các tổn hại khác trong chiến tranh với Nga.
Cùng ngày, bà Zelenska cũng có cuộc gặp với người đứng đầu Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), bà Samantha Power. USAID đã chi hàng tỉ USD để hỗ trợ chính quyền Kiev và các nhu cầu nhân đạo.
Ngà 19/07, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden đã đích thân đón bà Zelenska đến thăm Tòa Bạch Ốc. Bà Zelenska đã ôm bà Jill Biden và nhận hoa từ ông Biden khi gặp mặt. Sau đó, hai phu nhân và phái đoàn hai nước đã có cuộc họp tại Phòng Xanh của Tòa Bạch Ốc.
Bà Zelenska sẽ có bài phát biểu trước các nhà lập pháp tại tòa nhà Quốc hội Mỹ vào ngày 20/7.
Ông Zelenskyy cho biết ông mong đợi một “kết quả đáng kể” từ các cuộc họp của vợ ông tại Washington.
Trước đó, vào tháng 5 năm nay, bà Jill Biden bất ngờ tới thăm Ukraine.
Xuân Hoa
Ngày phán quyết của Draghi
Thủ tướng Ý sẽ phải đối mặt với Nghị viện vào thứ Tư này để tìm kiếm lá phiếu tín nhiệm từ cả hai viện cho chính phủ đang chao đảo của ông. Mario Draghi đã cố gắng từ chức vào tuần trước, sau khi Phong trào Năm Sao (Five Star Movement, M5S), đảng lớn thứ hai trong liên minh của ông, không ủng hộ ông trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trước đó. Nhưng Tổng thống Ý, Sergio Mattarella, đã bác bỏ đơn từ chức và yêu cầu Thủ tướng kêu gọi sự ủng hộ tại Nghị viện.
Draghi là một nhà lãnh đạo có kinh nghiệm vững vàng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và quân sự đang nhấn chìm châu Âu. Những người ủng hộ hy vọng sẽ thấy ông lãnh đạo một chính phủ mới mà không có M5S đối lập. Tuy nhiên, cho đến nay, Draghi vẫn từ chối đứng đầu một nội các loại trừ Phong trào Năm Sao, nói rằng nếu không có đảng này thì “thỏa ước tin cậy” làm nền tảng cho liên minh rộng lớn của ông sẽ không còn. Trong khi đó, các đảng cực hữu trong liên minh của ông có thể cố gắng tìm kiếm một cuộc bầu cử trong tương lai gần, và sẽ thành lập liên minh với Đảng Anh em Ý (Brothers of Italy) cực hữu, hiện đang ở phe đối lập. Các cuộc thăm dò cho thấy đây có thể là một liên minh đi đến chiến thắng. Nhưng việc tổ chức bầu cử sẽ tạo ra sự trì hoãn và bất định vốn có thể làm rung chuyển thị trường – cũng như đồng euro.
Cuộc bầu cử tổng thống đáng thất vọng ở Sri Lanka
Lại một tuần lễ đầy biến động ở Sri Lanka. Ngày 13/07, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã bỏ trốn tới Maldives và tuyên bố từ chức một ngày sau đó, tại Singapore. Thứ Tư này, Nghị viện Sri Lanka sẽ bỏ phiếu để bầu ra người thay thế Rajapaksa. Nhưng không ai trong số ba ứng viên tổng thống là người đặc biệt truyền cảm hứng.
Ranil Wickremesinghe, người sáu lần làm Thủ tướng và hiện là Tổng thống lâm thời, được xem là đồng minh của Rajapaksa; ngôi nhà của ông đã bị thiêu rụi trong bối cảnh biểu tình bạo lực khiến cựu tổng thống phải chạy trốn. Dullas Alahapperuma thì từng phục vụ trong chính phủ của Rajapaksa cho đến gần đây. Còn Anura Kumara Dissanayake đứng đầu một đảng Marxist mà lập trường kinh tế hiện vẫn chưa rõ ràng.
Những ứng viên tổng thống không đạt chất lượng sẽ khiến Sri Lanka bị tổn thương. Rajapaksa rời đất nước trong tình trạng hỗn loạn. Sự quản lý kinh tế yếu kém của ông đã khiến người dân rơi vào cảnh thiếu thốn nhiên liệu, thực phẩm, và thuốc men. Với việc hầu như không có dự trữ ngoại tệ, và đàm phán về khoản cứu trợ khẩn cấp của IMF vẫn chưa hoàn tất, Sri Lanka đang tuyệt vọng trông chờ vào một lãnh đạo đích thực.
Các ứng viên cho ghế Thủ tướng Anh đối mặt với lạm phát
Vào thứ Tư, ba ứng viên cho chức vụ lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh Quốc sẽ bước vào vòng bỏ phiếu chọn ra hai người cuối cùng. Các thành viên của đảng sau đó sẽ chọn người kế nhiệm Boris Johnson làm Thủ tướng kiêm lãnh đạo đảng. Tuy nhiên, với việc số liệu lạm phát cũng được công bố vào thứ Tư, nhà lãnh đạo tiếp theo của Anh sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn. Các nhà dự báo dự đoán rằng giá cả sẽ tăng với tốc độ hàng năm là 9,3% vào tháng 6, tăng so với mức 9,1% trong tháng 5.
Các ứng viên đều có kế hoạch giúp xoa dịu căng thẳng. Ngoại trưởng Liz Truss muốn có sự giám sát chặt chẽ hơn đối với Ngân hàng Trung ương Anh, cũng như cắt giảm thuế. Penny Mordaunt cũng ủng hộ việc giảm hóa đơn thuế. Nhưng Rishi Sunak, cựu Bộ trưởng Tài chính, sẽ chỉ cắt giảm thuế một khi lạm phát đã giảm. Ông ví kế hoạch của các đối thủ của mình như “một câu chuyện cổ tích”.
Dù việc giúp đỡ những người khó khăn nhất là có cơ sở, nhưng cắt giảm thuế có lẽ không phải là câu trả lời. Nếu chi tiêu tiêu dùng cao hơn đẩy lạm phát lên cao hơn nữa, Ngân hàng Trung ương Anh sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ, kìm hãm những người đi vay. Thuế có thể là điều không được ưa thích, nhưng chống lạm phát là câu chuyện hiếm khi có kết cục có hậu.
Tesla đối mặt với khó khăn
Trong những năm gần đây, nhà sản xuất xe hơi điện tiên phong của Elon Musk, Tesla, đã trở thành con cưng của ngành. Kết quả vào tháng 4 cho thấy doanh thu của công ty này đã tăng khoảng 81% so với cùng kỳ năm ngoái, lên khoảng 18,8 tỷ USD. Nhưng những con số mới nhất của Tesla, sẽ được công bố vào thứ Tư, có lẽ không còn đáng mừng như thế.
Công ty chỉ giao được 254.000 xe trong quý 2 năm 2022, thấp hơn rất nhiều so với con số 310.000 xuất xưởng trong quý 1. Sự sụt giảm sản lượng phần lớn là do lệnh phong tỏa covid-19 ở Thượng Hải, buộc Tesla phải đóng cửa tạm thời nhà máy tại thành phố này, vốn là đơn vị hoạt động hiệu quả nhất.
Nhưng công ty cũng có những vấn đề khác. Nó có thể đã mất 360 triệu đô la khi đầu tư 1,5 tỷ đô la vào bitcoin, đồng tiền đang sụt giá. Và còn phải đối mặt với tăng trưởng doanh số nhanh chóng từ các đối thủ cạnh tranh như BYD, một công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào lĩnh vực xe hơi, Musk hiện đang bị phân tâm bởi các cuộc chiến pháp lý liên quan đến việc hủy bỏ thương vụ mua lại Twitter. Đối với Tesla, chặng đường phía trước có vẻ không suôn sẻ.
Nhật Bản, Nam Hàn tìm cách giải quyết tranh chấp về lao động cưỡng bức thời kỳ thuộc địa
Bà Kim Sung-joo (giữa-đằng trước), một nạn nhân bị cưỡng bức lao động dưới ách cai trị thực dân của Nhật Bản trên Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945, và thân nhân của các nạn nhân khác đến Tòa án Tối cao ở Seoul hôm 29/11/2018. (Ảnh: Jung Yeon-je/AFP/Getty Images)
Ngoại trưởng Nam Hàn và Nhật Bản đã đồng tình về sự cần thiết phải giải quyết tranh chấp về lao động cưỡng bức thời chiến vốn đã làm căng thẳng mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia trong nhiều thập niên.
Hôm 18/07, Ngoại trưởng Nam Hàn Park Jin đã gặp người đồng cấp Nhật Bản, ông Yoshimasa Hayashi, tại Tokyo để thảo luận về việc giải quyết mối thù truyền kiếp từ thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên làm thuộc địa từ năm 1910 đến năm 1945.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Park nói với ông Hayashi rằng ông sẽ nỗ lực để tìm ra “một giải pháp mong muốn” trước khi có phán quyết về các khoản bồi thường, và cả hai bên đều đồng ý tìm kiếm một giải pháp sớm cho tranh chấp.
Ngoại trưởng Hayashi cho biết: “Cần phải phát triển mối quan hệ Nhật Bản – Nam Hàn dựa trên nền tảng của tình hữu nghị và hợp tác giữa Nhật Bản và Nam Hàn đã được xây dựng kể từ khi bình thường hóa mối bang giao vào năm 1965.”
Hai nước này từ lâu đã có mâu thuẫn về việc bồi thường cho những người Nam Hàn bị buộc phải làm việc trong các công ty Nhật Bản và nhà thổ quân đội trong thời kỳ thuộc địa, phía Nhật Bản cho rằng vấn đề này đã được giải quyết theo một hiệp ước năm 1965.
Tòa án Tối cao của Nam Hàn dự kiến sẽ ra quyết định cuối cùng về việc thanh lý tài sản của hai công ty Nhật Bản vào tháng 08/2022 hoặc tháng 09/2022, nhưng Nhật Bản đã cảnh báo về hậu quả nếu việc thanh lý được thực thi.
Mối quan hệ với Hoa Kỳ
Ông Park và ông Hayashi cũng đồng ý tăng cường hợp tác ba bên cùng với Hoa Kỳ về việc chống lại các mối đe dọa hạt nhân của Bắc Hàn trong khi duy trì đối thoại ngoại giao với Bình Nhưỡng, Bộ Ngoại giao Nam Hàn cho biết.
“[Họ] chia sẻ quan điểm rằng Nam Hàn và Nhật Bản nên hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực khác nhau vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực và toàn cầu trong bối cảnh tình hình quốc tế đang thay đổi nhanh chóng,” Bộ Ngoại giao Nam Hàn tuyên bố.
Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol cho biết sau khi nhậm chức vào tháng 05/2022 rằng ông có ý định cải thiện mối quan hệ song phương với Nhật Bản trong bối cảnh Bắc Hàn đưa ra các mối đe dọa hạt nhân.
Ông Yoon nói: “Do trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang bị đe dọa, hợp tác chiến lược giữa Nhật Bản và Nam Hàn, cũng như Nhật Bản, Hoa Kỳ, và Nam Hàn là cần thiết hơn bao giờ hết.”
Ông Yoon cũng đã gặp Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào tháng Sáu và thảo luận về “hợp tác ba bên” chống lại Bắc Hàn.
Nam Hàn đã và đang thúc đẩy tuyên bố chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950–1953, vốn đã kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, nhằm xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Nhưng phía Bắc Hàn nói rằng bất kỳ hiệp ước chính thức nào nhằm chấm dứt cuộc chiến trước hết phải đặt việc chấm dứt “các hành động thù địch” của Hoa Kỳ đối với Bình Nhưỡng lên trước.
Việt Nam ‘hoan nghênh’ EU đề xuất tổ chức hội nghị cấp cao với ASEAN
20/7/2022
Cờ ASEAN - EU.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng mới lên tiếng bày tỏ sự “hoan nghênh” khi được hỏi về thông tin Liên minh châu Âu (EU) đề xuất tổ chức Hội nghị Cấp cao EU – ASEAN.
Trang web của Bộ hôm 18/7 dẫn lời bà Hằng nói rằng “Việt Nam cùng ASEAN hoan nghênh việc Liên minh châu Âu đề xuất tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN -EU nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ đối thoại”.
Bà Hằng được trích lời nói thêm rằng “trong thời gian qua, quan hệ Việt Nam - EU đang phát triển rất tốt đẹp trên mọi khía cạnh, có cả bề rộng lẫn chiều sâu”.
“Do đó, chúng tôi tin rằng nội dung trao đổi tại Hội nghị này sẽ rất sâu sắc và toàn diện, cùng hướng tới tương lai, thúc đẩy trao đổi xây dựng, hợp tác chân thành trên mọi lĩnh vực”, bà Hằng nói, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Bà cũng bày tỏ hy vọng rằng “sự kiện này sẽ là dịp tốt để hai bên cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được và tạo thêm động lực mới cho quan hệ Đối tác Chiến lược vừa được thành lập trong thời gian tới đây, đóng góp xây dựng một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và hoạt động dựa trên luật lệ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, phấn đấu vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới”.
Reuters hôm 14/7 dẫn lời các quan chức nói rằng EU và các nước Đông Nam Á sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh toàn diện đầu tiên vào tháng 12, và nhận định rằng đây là “một dấu hiệu cho thấy hai khối đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn trong bối cảnh lo ngại về các mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc và Nga”.
Một quan chức EU cho hãng tin này biết rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức tại Brussels vào ngày 14/12 nhưng chưa được công bố rộng rãi, và đây được coi là dấu hiệu của "mối quan hệ ngày càng chặt chẽ trong bối cảnh địa chính trị hiện nay".
Sri Lanka : Quyền tổng thống được Quốc Hội bầu làm tổng thống
20/7/2022
Dân Sri Lanka tham gia một cuộc tọa kháng bên ngoài văn phòng tổng thống ở Colombo đòi thủ tướng và quyền tổng thống Ranil Wickremesinghe từ chức ngày 20/07/2022. AP - Eranga Jayawardena
Theo AFP, hôm nay, 20/07/2022, ông Ranil Wickremesinghe, tổng thống tạm quyền đã được bầu làm tổng thống với đa số phiếu áp đảo tại Quốc Hội để thay thế cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã từ chức sau khi bỏ chạy ra nước ngoài, để lại đất nước khánh kiệt và hỗn loạn.
Theo kết quả chính thức, ông Ranil Wickremesinghe, mới được chỉ định làm tổng thống tạm quyền, đã giành được 134 phiếu, trước đối thủ chính là ông Dullas Alahapperuma, thu được 82 phiếu và ứng cử viên cánh tả Anura Dissanayake, chỉ được 3 phiếu.
Ngay sau khi có kết quả bầu ông làm lãnh đạo đất nước giữa lúc đang có cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị chưa từng có trong lịch sử Sri Lanka, trước Quốc Hội, ông Ranil Wickremesinghe đã tuyên bố mọi sự chia rẽ đất nước « đã kết thúc ».
Xuất thân từ một gia đình giàu có, từng 6 lần được bổ nhiệm làm thủ tướng, ông Ranil Wickremesinghe đã trở thành nguyên thủ quốc gia của Sri lanka ở tuổi 73. Hôm 15/07, do là thủ tướng, theo hiến pháp Sri Lanka, ông được chỉ định làm quyền tổng thống sau khi tổng thống Gotabaya Rajapaksa trốn khỏi Sri Lanka và từ chức trước làn sóng phẫn nộ của dân chúng.
Ông Wickremesinghe sẽ lãnh đạo đất nước cho đến hết nhiệm kỳ hiện tại của cựu tổng thống Rajapaksa, tức là đến tháng 11/2024.
Ông Wickremesinghe đắc cử tổng thống là do được sự ủng hộ của phe cựu tổng thống Rajapaksa, chiếm đa số tuyệt đối ở Quốc Hội. Tuy nhiên, phong trào dân chúng chống chính phủ đã lật đổ tổng thống cũ cũng không chấp nhận vị thủ tướng của chính quyền cũ này. Trong làn sóng nổi dậy của dân chúng, hôm 09/07, người biểu tình đã chiếm dinh tổng thống và phóng hỏa tư dinh của thủ tướng, đốt 2500 cuốn sách quý trong thư viện riêng của ông.
Ông Ranil Wickremesinghe được giới quan sát chính trị tại Sri Lanka đánh giá là người có đầu óc cải cách thân phương Tây, ủng hộ tự do thương mại, nên ở Colombo, người ta hy vọng ông có thể sẽ dễ thương lượng với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và các chủ nợ nước ngoài để đưa đất nước ra khỏi tình trạng kiệt quệ kinh tế hiện nay. Từ tháng Tư, Sri Lanka đã mất khả năng thanh toán khoản nợ nước ngoài 51 tỷ đô la. Đất nước 22 triệu dân này rơi vào tình trạng khan hiếm nhiên liệu, lương thực thực phẩm, thuốc men chưa từng có.
Tuy nhiên, tân tổng thống Sri Lanka đã cảnh báo trước là sẽ không có giải pháp nào nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế, tài chính. Hồi đầu tháng này, trước Quốc Hội, ông đã tuyên bố « chúng ta đang phá sản » và « điều tồi tệ nhật đang đến ».
Mitsubishi trả giá cao mua dầu thô của Việt Nam
20/7/2022
Giàn khoan dầu ở mỏ Bạch Hổ ngoài khơi Vũng Tàu
Reuters
Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản vừa mua một tàu dầu thô của Việt Nam cho tháng chín tới với mức giá cao kỷ lục. Hãng tin Reuters trích các nguồn tin giấu tên cho biết.
Ngay trước đó, hãng Nippon Steel cũng vừa mua một tàu khí hóa lỏng với mức giá cao nhất từ trước tới nay ở Nhật. Công ty nhập khẩu khí hóa lỏng nhiều thứ hai thế giới hiện đang tìm kiếm nguồn nhiên liệu vào khi đợt nắng nóng toàn cầu đang khiến nhu cầu dùng điện tăng cao trong mùa hè này.
Một nguồn tin cho Reuters biết Nhật Bản đang thiếu điện và các nước khác cũng đang phải đối mặt với cùng vấn đề, nhất là ở Châu Âu.
Mitsubishi đã mua dầu loại Brent của Việt Nam với mức giá cơ bản là 21 đô la cho tàu chở 300.000 thùng dầu thô mỏ Chim Sáo. Như vậy, giá của một thùng dầu loại Brent mà tập đoàn này mua của Việt Nam sẽ là 127 đô la, tương đương với tổng số tiền là 38.1 triệu đô la.
Trước đó, vào các tháng hai và tháng tư, Nhật bản cũng nhập dầu thô từ mỏ Chim Sáo, Reuters trích dữ liệu từ Refinitiv.
Không có nhận xét nào