Võ Thái Hà tổng hợp
TQ nói Mỹ sẽ 'chịu hậu quả' nếu bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan
Sam Cabral
Phóng viên BBC News tại Washington
27/7/2022
Nguồn hình ảnh, Getty Images/Chụp lại hình ảnh,
Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi
Những đồn đoán về một kế hoạch thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã khiến Trung Quốc tức giận và khiến Nhà Trắng phải đau đầu về căng thẳng địa chính trị nghiêm trọng. Vấn đề này lớn tới mức nào?
Hôm 25/7, Trung Quốc cảnh báo về một "hậu quả nghiêm trọng" nếu bà Nancy Pelosi tiến hành chuyến thăm Đài Loan trong những tuần tới.
Là người thứ hai trong danh sách kế nhiệm tổng thống, bà Pelosi sẽ là chính trị gia cấp cao nhất của Mỹ đi đến hòn đảo dân chủ tự quản kể từ năm 1997.
Tuy nhiên, Trung Quốc coi Đài Loan tự trị là một tỉnh ly khai, một phần lãnh thổ mà cuối cùng sẽ hợp nhất với đại lục - và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để đạt được điều này.
Chuyến đi này nếu diễn ra sẽ không chỉ khiến Bắc Kinh tức giận, mà chính quyền Biden được cho là đã cố ngăn cản chính trị gia thuộc Đảng dân chủ bang California không thăm Đài Loan.
Tuần trước, Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên rằng "quân đội cho rằng đó không phải là một ý kiến hay", nhưng Nhà Trắng đã gọi những lời lẽ phản đối chuyến đi của Trung Quốc là "vô ích và không cần thiết".
Bộ ngoại giao Mỹ cho biết bà Pelosi không thông báo về bất kỳ chuyến đi nào và cách tiếp cận của Mỹ đối với Đài Loan vẫn không thay đổi.
Fed hé lộ một đợt tăng lãi suất lớn nữa giữa lúc kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy giảm
27/7/2022
Ông Jerome Powell, chủ tịch Fed.
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) dự kiến sẽ tăng lãi suất chính thêm 3/4 điểm phần trăm vào ngày 27/7 để chống lại lạm phát cao, theo Reuters.
Việc tăng lãi suất như đã dự báo, công cụ quan trọng của Fed trong việc cố gắng giảm lạm phát đang gia tăng ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua, sẽ đưa lãi suất chính của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ lên một mốc đáng kể là khoảng 2,4%. Lãi suất mới ở mức này được coi là không còn tác dụng khuyến khích các hoạt động kinh tế nữa.
Điều này cho thấy một trong những thay đổi nhanh nhất từ trước đến nay trong chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ. Chỉ hơn bốn tháng trước, lãi suất chính ở mức gần bằng 0% và Fed đã mua hàng tỷ đôla trái phiếu mỗi tháng để giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19 .
Nhưng trong khi có rất ít tiến bộ được ghi nhận trong cuộc chiến chống lạm phát, các dấu hiệu căng thẳng kinh tế đang tích tụ khiến các quan chức Fed cân nhắc xem xét chính sách tiền tệ cần thắt chặt hơn để làm chậm việc tăng giá tiêu dùng trước rủi ro xảy ra, nhằm tránh khả năng có thể xảy ra một cuộc suy thoái.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ dự kiến vào ngày 28/7 sẽ ra báo cáo về mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) với tốc độ bất ổn trong quý hai.
Ấn Độ chỉ trích Trung Quốc và Pakistan mời các nước khác tham gia vào những dự án hành lang kinh tế
Aldgra Fredly
27/7/2022
Một chiếc xe tải chở hàng đi qua một đường hầm mới được xây dựng ở Thung lũng Gojal phía bắc Pakistan vào ngày 29/09/2015. (Ảnh: Aamir Qureshi/AFP qua Getty Images)
Hôm 26/07, giới chức Ấn Độ đã lên án một hành động của Pakistan và Trung Quốc liên quan đến việc mời thêm các quốc gia khác tham gia vào các dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC). Ấn Độ không công nhận hành lang này là hợp pháp, khi tuyên bố rằng vùng lãnh thổ này thuộc về Ấn Độ và đã bị Pakistan chiếm đóng bất hợp pháp.
Phát ngôn viên đặc trách các vấn đề ngoại giao của Ấn Độ Arindam Bagchi nói rằng bất kỳ sự can dự nào của các bên thứ ba trong CPEC sẽ “xâm phạm trực tiếp đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ.”
Ông Bagchi cho biết chính phủ Ấn Độ “phản đối một cách mạnh mẽ và cứng rắn các dự án trong cái gọi là CPEC,” vốn đi qua vùng lãnh thổ tranh chấp là Jammu và Kashmir của nước này.
“Những hoạt động như vậy vốn dĩ là bất hợp pháp, không chính đáng và không thể chấp nhận được, và sẽ nhận được sự đáp trả tương ứng từ phía Ấn Độ,” ông nói trong một tuyên bố bằng văn bản.
Nhận xét của ông Bagchi được đưa ra sau khi Pakistan và Trung Quốc tuyên bố hôm 22/07 rằng họ sẽ mời bất kỳ quốc gia thứ ba nào tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng CPEC trị giá hàng tỷ dollar này để “hợp tác đôi bên cùng có lợi.”
Trong một tuyên bố bằng văn bản, Bộ Ngoại giao Pakistan nói rằng CPEC là “phần quan trọng nhất trong Sáng kiến Vành đai và Con đường” và đã tạo ra một bước đột phá trong việc tăng cường kết nối quốc tế và khu vực, đặc biệt là liên quan đến việc mở rộng hành lang này sang Afghanistan.
Bẫy nợ của Trung Quốc
CPEC là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) được lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng hồi năm 2013. Các quốc gia khác, trong đó có Hoa Kỳ, đã chỉ trích chương trình cơ sở hạ tầng BRI là một “bẫy nợ” đối với các quốc gia nhỏ hơn.
Trung Quốc đã đầu tư hơn 62 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng theo chương trình CPEC, bao gồm một dự án cảng nước sâu ở Gwadar, châm ngòi cho các cuộc biểu tình lớn hồi tháng 11/2021.
Viện Nghiên cứu Chính sách Ngoại giao có trụ sở tại Hoa Kỳ tuyên bố trong báo cáo tháng Bảy của họ rằng “chỉ một số ít” các dự án cơ sở hạ tầng giao thông vận tải do BRI tài trợ ở Pakistan đã được hoàn thiện.
Ông Felix K. Chang, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách Ngoại giao cho biết, “Do đó, mặc dù thâm hụt thương mại của Pakistan với Trung Quốc tăng hơn 164% từ năm 2013 đến năm 2021, nhưng rất khó để quy sự suy giảm đó cho BRI.”
Pakistan đã tham gia một chương trình tài trợ trị giá 6 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 07/2019 sau khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán. Nhưng nguồn tài trợ này đã bị tạm ngưng do những vấn đề liên quan đến các cải tổ cần thiết.
Islamabad đang đàm phán với IMF để hồi sinh quỹ cứu trợ này. Hồi tháng Năm, Thủ tướng Shehbaz Sharif cho biết, nợ ngoại quốc của Pakistan đã đạt đến mức mà ngay cả các thế hệ sau này cũng không thể trả hết.
“Chính phủ của ông Imran Khan đã nhận những khoản vay lớn đến nỗi các thế hệ sau của chúng ta có thể không trả nổi,” ông Sharif nói trong một bài diễn văn trước công chúng, đề cập đến người tiền nhiệm của mình.
Các cuộc biểu tình lớn chống lại CPEC nổ ra vào tháng 11/2021 khi người dân địa phương phản đối việc chính phủ cấp giấy phép cho tàu đánh cá Trung Quốc đánh bắt gần thành phố cảng Gwadar.
Họ cũng phản đối tình trạng thiếu nước uống và thiếu điện trầm trọng, hạn chế đi lại, và hạn chế tiếp cận biển do mức độ an ninh cao của hành lang CPEC vốn chạy xuyên qua tỉnh [Balochistan].
Các cuộc biểu tình đã giảm bớt sau khi chính phủ đồng ý với hầu hết các yêu cầu của người biểu tình hồi tháng 12/2021.
Cô Aldgra Fredly là một cây bút tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Tổng thống Đài Loan thị sát cuộc tập trận đẩy lùi xâm lược Trung Quốc
27/7/2022
Ảnh do Văn phòng tổng thống Đài Loan cung cấp: Tổng thống Thái Anh Văn ( giữa ) chụp hình với lính hải quân Đài Loan khi thị sát cuộc tập trận Hán Quang ngày 26/07/2022. AP - Shioro Lee
Đài Loan tổ chức cuộc tập trận hàng năm quy mô lớn trong vòng năm ngày, từ ngày 25/07/2022. Đích thân tổng thống Thái Anh Văn thị sát một phần cuộc tập trận từ một tầu khu trục có tên lửa dẫn đường đóng vai trò soái hạm của hạm đội.
Trong ngày tập trận thứ hai, không quân và hải quân Đài Loan bắn đạn thật ở Thái Bình Dương, ngoài khơi cảng quân sự ở huyện Nghi Lan (Yilan, đông bắc Đài Loan) với kịch bản chống các cuộc tấn công trên không và trên biển của Trung Quốc. Theo đài truyền hình Nhật NHK, lực lượng hải cảnh Đài Loan cũng tham gia tập trận và sẽ được đặt dưới sự chỉ huy của hải quân nếu xảy ra xung đột.
Trước đó, ngày đầu của đợt tập trận dành cho việc ngăn chặn kẻ thù tiến vào thủ đô Đài Bắc. Người dân được kêu gọi ở nhà trong nhiều giờ, quân dự bị được trang bị súng trường tập dượt trong các chiến hào theo kiểu « chiến tranh đô thị ở Ukraina ». Thậm chí, nhiều tên lửa Stinger chống máy bay ở tầm thấp cũng được triển khai ở nhiều tòa nhà cao tầng trong vùng. Cùng lúc, nhiều khu phố tại các thành phố khác ở phía bắc cũng bị phong tỏa khoảng 30 phút trong khuôn khổ tập sơ tán vì không kích.
Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, được AFP trích dẫn, cuộc tập trận Hán Quang ( Han Kuang ) 2022 gồm cả những bài học từ chiến tranh Ukraina, mô phỏng « mọi hành động có thể » được Trung Quốc tiến hành để tấn công Đài Loan.
Phản ứng về đợt tập trận nói trên, Trung Quốc tái khẳng định không để Đài Loan độc lập. Họp báo ngày 26/07, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đe dọa Đài Bắc đừng ảo tưởng có thể đối đầu quân sự với Trung Quốc và mọi ý đồ sẽ bị thất bại.
Quan hệ giữa Đài Bắc và Bắc Kinh trở nên căng thẳng hơn từ khi bà Thái Anh Văn được bầu làm tổng thống năm 2016. Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh không thể tách rời. lãnh thổ Trung Quốc. Theo giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns, dường như Trung Quốc kiên quyết dùng vũ lực đối với Đài Loan. Kinh nghiệm từ việc Nga tấn công Ukraina chỉ ảnh hưởng đến tính toán của Bắc Kinh về thời điểm và phương thức, chứ không phải về khả năng tấn công Đài Loan.
Trung Quốc đã gia tăng các vụ xâm phạm vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Chỉ từ đầu năm 2022 đến nay đã có hơn 600 vụ, trong khi cả năm 2021 có 969 vụ.
Các nhà sản xuất súng Mỹ đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội
Chỉ riêng năm nay, ở Mỹ đã xảy ra hơn 300 vụ xả súng hàng loạt. Vào năm 2020, thanh niên Mỹ có nhiều khả năng chết vì súng đạn hơn bất kỳ nguyên nhân nào khác. Giờ đây, ngành công nghiệp vũ khí đang phải chịu sự giám sát chặt chẽ. Hôm thứ Tư, một Ủy ban Quốc hội sẽ xem xét vai trò của ngành này đối với bạo lực súng đạn ở Mỹ.
Người đứng đầu ba nhà sản xuất súng sẽ ra điều trần, bao gồm cả ông chủ của Daniel Defense, công ty sản xuất khẩu súng được sử dụng bởi tay súng giết chết 19 trẻ em và 2 giáo viên ở Uvalde, Texas hồi tháng 05. Ngày 15/07, Everytown for Gun Safety, một nhóm vận động hành lang về kiểm soát súng đạn, đã đệ đơn khiếu nại lên cơ quan quản lý, cáo buộc Daniel Defense vi phạm luật pháp khi tiếp thị sản phẩm của mình cho thiếu niên và nam thanh niên “có nguy cơ [sử dụng súng].”
Chủ tịch Ủy ban Carolyn Maloney đã cam kết buộc các nhà sản xuất súng phải chịu trách nhiệm về “những cuộc tàn sát mà họ tạo điều kiện, và thu lợi từ chúng.” Bà có thể sẽ sử dụng một lời khai đau lòng từ một phiên điều trần khác, khi Miah Cerrillo, một học sinh 11 tuổi sống sót sau vụ xả súng ở Uvalde, mô tả cách em bôi máu của một người bạn cùng lớp đã bị giết hại lên mình, và giả vờ chết để tự cứu lấy bản thân.
Tổng thống Pháp Macron công du ba nước châu Phi
Chuyến công du ba nước châu Phi của Emmanuel Macron trong tuần này đánh dấu chuyến đi đầu tiên ra bên ngoài châu Âu của ông kể từ khi tái đắc cử Tổng thống Pháp hồi tháng 04. Sau khi đến thăm Cameroon, Macron sẽ đến Benin vào thứ Tư và sau đó đến Guinea-Bissau. Chuyến đi được thiết kế để củng cố “sự đổi mới” mối quan hệ của Pháp với châu Phi, cũng như thảo luận về an ninh lương thực và chống khủng bố trong khu vực.
Mục tiêu thứ hai đặc biệt gây bức xúc, do sự lan tràn của bạo lực thánh chiến từ dải Sahel đến các quốc gia trong Vịnh Guinea. Tính đến cuối mùa hè này, Pháp sẽ chấm dứt hoàn toàn chiến dịch chống khủng bố gồm 2.400 quân và đóng cửa tất cả các căn cứ quân sự ở Mali. Quan hệ với chính quyền quân sự của đất nước này đã trở nên tồi tệ sau làn sóng biểu tình chống Pháp. Nhưng quân đội Pháp vẫn sẽ ở lại vùng Sahel rộng lớn. Macron hy vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ hoạt động chống khủng bố tại các quốc gia khác, nhưng theo những cách ít rõ ràng hơn – giúp nước Pháp tránh bị chỉ trích từ các nhóm chống thực dân hơn.
Sự phục hồi đáng kinh ngạc của ngành công nghiệp xe hơi Ấn Độ
Hôm thứ Tư, Maruti Suzuki và Tata Motors, hai công ty xe hơi lớn nhất của Ấn Độ, đã công bố thu nhập của quý 2 năm nay. Năng suất của họ sẽ tiết lộ nhiều điều về tình hình kinh tế nói chung của đất nước. Theo một cơ quan trong ngành, sản xuất xe hơi chiếm khoảng 7% GDP của Ấn Độ và gần một nửa sản lượng sản xuất của nước này; nó sử dụng trực tiếp và gián tiếp khoảng 37 triệu người, gần bằng dân số của Ba Lan. Và doanh số bán xe hơi là một chỉ báo mạnh mẽ về nhu cầu của người tiêu dùng.
Lợi nhuận của Maruti Suzuki, công ty dẫn đầu thị trường về xe chở khách, dự kiến sẽ tăng lên, nhưng chỉ là so với sự sụt giảm do covid-19 của năm ngoái. Trong khi đó, Tata Motors sẽ lỗ vì chi phí tăng cao và sự thiếu hụt chất bán dẫn trong toàn ngành. Tuy nhiên, nhìn chung, doanh số bán xe hơi ở Ấn Độ đã tăng vượt mức trước đại dịch, một phần nhờ vào sự bùng nổ của dòng xe SUV cao cấp. Tuy nhiên, doanh số bán xe máy và các loại xe hai bánh khác, phương tiện đi lại của những người nghèo hơn ở Ấn Độ, vẫn chưa tăng trở lại. Điều đó cho thấy một sự phục hồi không cân bằng.
California lại đối mặt cháy rừng một lần nữa
Tình trạng bắt đầu muộn của mùa cháy rừng năm nay tại California đã kết thúc vào thứ Sáu, khi cái gọi là Đám cháy Oak thiêu rụi hạt Mariposa, gần Công viên Quốc gia Yosemite. Đến sáng thứ Ba, đám cháy đã lan rộng ra khoảng 7.300 ha và chỉ được kiểm soát 26%. Nó nhỏ hơn nhiều so với Đám cháy Dixie, đã thiêu rụi gần 405.000 ha đất vào năm ngoái, nhưng vẫn là đám cháy lớn nhất ở California trong năm nay.
Ảnh hưởng của các vụ cháy rừng ở California còn lan xa hơn nhiều so với những khu vực đã bị chúng phá hủy. Lửa đe dọa những cây hồng sam cổ đại, vốn là một trong những loài thực vật hấp thụ carbon hiệu quả nhất thế giới. Cơ quan Công viên Quốc gia Mỹ ước tính rằng cháy rừng đã giết chết 13% -19% số lượng hồng sam đại thụ trên thế giới trong hai năm qua. Dự luật Build Back Better (Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn) của Tổng thống Joe Biden, bị giáng một đòn chí mạng vào tuần trước, vốn dự kiến dành 27 tỷ đô la để phục hồi rừng. Hồng sam có thể trở thành những người lính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng với việc Quốc hội đình trệ thông qua đạo luật, những cây cổ thụ này sẽ phải chiến đấu mà không có quân tiếp viện.
Trận động đất 7.3 độ làm rung chuyển Philippines
27/7/2022
Một chiếc xe hơi bị phá hủy được nhìn thấy dọc theo con đường sau trận động đất mạnh xảy ra ở Bangued, tỉnh Abra, miền bắc Philippines hôm 27/07/2022. (Ảnh: AP Photo/Raphiel Alzate)
MANILA, Philippines—Hôm thứ Tư (27/07), một trận động đất mạnh đã làm rung chuyển miền bắc Philippines, khiến ít nhất một người bị thương, làm hư hại các tòa nhà, dẫn đến nhiều người dân ở thủ đô của nước này đã phải chạy ra ngoài đường.
Ông Renato Solidum, người đứng đầu Viện Núi lửa và Địa chấn Philippines, cho biết, trận động đất mạnh 7 độ này có tâm chấn tại tỉnh miền núi Abra.
Ông Michael Brillantes, một nhân viên phụ trách an toàn ở thị trấn Abra thuộc huyện Lagangilang, gần tâm chấn cho biết, “Mặt đất rung chuyển giống như tôi đang ngồi trên xích đu, sau đó đèn điện bất ngờ tắt phụt. Chúng tôi vội vã chạy ra khỏi văn phòng, tôi nghe thấy những tiếng la hét và một số bạn đồng nghiệp của tôi thì khóc.”
Ông Brillantes nói với The Associated Press qua điện thoại di động, “Đó là trận động đất mạnh nhất mà tôi từng cảm nhận được và tôi còn tưởng rằng mặt đất sắp nứt ra.”
Ông Brillantes cho biết, ít nhất một người cao tuổi trong làng đã bị đứt chân và đã được điều trị tại một phòng khám. Ông nói thêm rằng, tường của nhiều ngôi nhà và tòa nhà đã bị nứt, trong đó có một số tòa nhà bị đổ sập.
Giới chức trách đang kiểm tra liệu có thiệt hại hay sạt lở đất xảy ra tại các ngôi làng trên sườn núi ở các rìa phía bắc của tỉnh Abra, một tỉnh nông nghiệp không giáp biển, hay không.
Viện Núi lửa và Địa chấn của nước này cho biết, cường độ của trận động đất này đã giảm cường độ xuống thấp hơn mức 7.3 độ ban đầu sau khi phân tích thêm. Viện này cho biết, trận động đất xảy ra do chuyển động ở một đứt gãy cục bộ ở độ sâu 25 km (15 dặm), nói thêm rằng dự kiến có thiệt hại và dư chấn hơn nữa.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ đã đo thấy cường độ của trận động đất này là 7.0 độ và độ sâu là 10 km (6 dặm). Các trận động đất nông hơn có xu hướng gây ra nhiều thiệt hại hơn.
Đất nước Philippines nằm dọc theo “Vành đai Lửa” của Thái Bình Dương, vòng cung của một dãy các đứt gãy xung quanh Thái Bình Dương, nơi xảy ra hầu hết các trận động đất trên thế giới này. Nước này cũng hứng chịu khoảng 20 cơn bão và bão nhiệt đới mỗi năm, nên họ được mệnh danh một trong những quốc gia dễ bị thiên tai nhất trên thế giới.
Vào năm 1990, một trận động đất mạnh 7.7 độ đã khiến gần 2,000 người thiệt mạng ở miền bắc Philippines.
Do The Associated Press thực hiện
Thanh Nhã biên dịch
Quốc hội Hoa Kỳ tuyên chiến với phần mềm gián điệp
Lương Thái Sỹ
26/7/2022
FBI phát lệnh truy nã sáu viên chức tình báo quân đội Nga bị cáo buộc tội thực hiện loạt hành động hacking tấn công nhiều nước trong đó có Mỹ (ảnh: Andrew Harnik – Pool/Getty Images)
Với một cuộc điều trần hiếm hoi của Ủy ban Tình báo Hạ viện trong tuần này, Quốc hội Hoa Kỳ bắt đầu tham gia tích cực hơn vào cuộc chiến chống phần mềm (nhu liệu) gián điệp nước ngoài.
Báo động đỏ!
Quốc hội Hoa Kỳ dường như ít quan tâm đến việc chống lại phần mềm gián điệp của nước ngoài dùng nghe trộm các quan chức, nhà hoạt động và nhà báo Mỹ. Nhưng điều đó đang thay đổi, với một cuộc điều trần trong tuần này. Họ xem xét loạt công ty, trong đó có NSO Group có trụ sở tại Israel bán phần mềm tự động theo dõi từ xa trên điện thoại di động. Dù NSO Group phân trần họ chỉ ủy quyền bán phần mềm Pegasus cho các chính phủ nào cần dùng để theo dõi khủng bố và tội phạm nhưng giới truyền thông Mỹ và các nhóm giám sát vẫn phát hiện phần mềm bị lạm dụng tràn lan.
Thực tế cho thấy phần mềm gián điệp nước ngoài ngày càng nhiều, ngoài những nạn nhân chính, tức chủ nhân thiết bị, còn có cả bạn bè và người thân của họ. Ví dụ, năm 2017, Phòng thí nghiệm Công dân (Citizen Lab) của Đại học Toronto phát hiện Pegasus đã nhắm mục tiêu vào cả đứa con trai tuổi teen của một nhà báo CNN làm việc tại Mexico.
“Tôi sợ sự lan tràn của phần mềm gián điệp này và khả năng các chế độ độc tài dễ dàng lạm dụng nó khiến không còn người Mỹ nào được an toàn!” – Carine Kanimba, một nạn nhân của Pegasus và là một trong những người sẽ ra làm chứng trước cuộc điều trần tại Hạ viện vào ngày 27 Tháng Bảy, nói. Cha bà là nhà hoạt động nổi tiếng Paul Rusesabagina bị giam cầm tại Rwanda mà câu chuyện của ông từng được dựa vào để người ta làm bộ phim nổi tiếng “Hotel Rwanda”.
Thành viên Dân chủ số 2 trong Ủy ban Tình báo Hạ viện, Dân biểu Jim Himes (Connecticut), nói với The Cybersecurity 202: “Tôi không chắc cách nay năm năm chúng ta có thể tưởng tượng một quốc gia nhỏ bé ở châu Phi lại có thể do thám đại sứ Hoa Kỳ tốt như Cơ quan An ninh Mỹ (NSA)!”. Một số phát triển công nghệ do thám trong những tháng gần đây đã làm tăng sự quan tâm của Quốc hội Hoa Kỳ. Công ty L3Harris của Mỹ suýt mua thành công NSO Group nếu Toà Bạch Ốc không bày tỏ sự lo ngại. Công ty an ninh mạng Avast cho biết tuần trước họ đã phát hiện một lỗ hổng an ninh chưa từng được biết đến trong trình duyệt Google Chrome được dùng để theo dõi các nhà báo Trung Đông.
Giải pháp
The Washington Post cho biết, một trong những hành động đầu tiên của Quốc hội Hoa Kỳ diễn ra vào năm ngoái, khi các nhà lập pháp thông qua một đạo luật yêu cầu Bộ Ngoại giao lập danh sách những nơi cung cấp phần mềm gián điệp tai tiếng. Bên cạnh phiên điều trần tuần này, cách nay hai tuần, Hạ viện đã đưa thêm một số điều khoản vào hai dự luật “các biện pháp chính sách quốc phòng” và “tình báo” thường niên để các công ty Mỹ khó mua lại các công ty trong “danh sách hạn chế” của Bộ Thương mại. NSO Group có tên trong danh sách này, cùng với công ty đồng hương Candiru.
John Scott-Railton, nhà nghiên cứu cao cấp của Citizen Lab, đề nghị Hoa Kỳ nên áp dụng các chế tài đối với các cựu quan chức chính phủ làm việc cho các công ty phần mềm gián điệp và không để tiền thuế của dân lọt vào các công ty đó. Phiên điều trần tại Hạ viện là gửi một tín hiệu rõ ràng rằng phần mềm gián điệp đã nằm trong tầm ngắm của cộng đồng tình báo Mỹ và trên radar của Quốc hội.
Những quy tắc mới yêu cầu các chủ sở hữu và nhà khai thác những đường ống dẫn nhiên liệu phải được Cơ quan Quản lý An ninh Vận tải (Transportation Security Administration-TSA) chuẩn thuận các giải pháp an ninh mạng mà họ định áp dụng cho hệ thống. Các quy tắc mà TSA xem là một phần của “cách tiếp cận dựa trên hiệu suất, sáng tạo” được đưa ra sau những lời chỉ trích những quy tắc cũ được ban hành sau cuộc tấn công đòi tiền chuộc (ransomware) vào hệ thống đường ống Colonial Pipeline.
Cơ quan chức năng cũng đang điều tra xem liệu công nghệ của Huawei có thể giúp Trung Quốc theo dõi và phá hoại các cơ sở hạt nhân của Mỹ, sau khi FBI phát hiện thiết bị viễn thông Huawei trên các tháp di động gần các căn cứ quân sự Mỹ có thể nghe trộm và làm gián đoạn các thông tin liên lạc quân sự nhạy cảm. Chưa rõ liệu những thiết bị đó có thực sự được dùng để nghe lén hay không. Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang điều tra.
Nhật Bản lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận quân sự ‘Lá chắn Garuda’
27/7/2022
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) tiếp Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 27/7/2022 tại Tokyo, Nhật.
Hôm 27/7, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết sau cuộc hội đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo rằng Nhật sẽ lần đầu tiên tham gia các cuộc tập trận quân sự ở Indonesia vào tháng tới cùng với Hoa Kỳ và Úc, theo Reuters.
Sự tham gia của Nhật diễn ra khi Washington và các đồng minh trong khu vực tăng cường nỗ lực chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Nhật Bản gần đây đã đặt trọng tâm ngoại giao vào việc duy trì một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, và ông Kishida đã đến thăm khu vực này, bao gồm cả Indonesia, vào đầu năm nay.
Cuộc gặp giữa ông Kishida và ông Jokowi - tên thường gọi của Tổng thống Widodo - diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Indonesia có chuyến thăm hiếm hoi tới Trung Quốc để họp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó hai nhà lãnh đạo cam kết tăng quy mô thương mại và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp và an ninh lương thực.
Ông Kishida nói trong một cuộc họp báo sau cuộc họp với Tổng thống Jolowi: “Indonesia chia sẻ các giá trị cơ bản với chúng tôi cũng như các mục tiêu chiến lược, đó là một đối tác chiến lược”.
Ông cho biết Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ tham gia cuộc tập trận quân sự chung ‘Lá chắn Garuda’ dự kiến được tổ chức tại Indonesia từ ngày 1 tháng 8, cùng với Hoa Kỳ, Úc và các nước khác. Đây sẽ là lần đầu tiên Nhật Bản tham gia cuộc tập trận này.
Đây là cuộc tập trận hàng năm giữa Indonesia và Hoa Kỳ, mà Washington cho biết sẽ “lớn hơn đáng kể về quy mô và phạm vi” so với những năm trước.
Nghiên cứu mới: Dịch Covid-19 xuất phát từ chợ Vũ Hán, Trung Quốc
27/7/2022
Virus Cornona. Ảnh do WHO cung cấp. World Health Organization
Hai nghiên cứu, một về dịch tễ học và một về gien, khẳng định đại dịch Covid-19 đúng là đã xuất phát từ một chợ buôn bán động vật hoang dã tại thành phố Vũ Hán (Wuhan), tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đã từng nhiều lần bác bỏ khả năng này và thậm chí tuyên truyền rộng rãi về việc Trung Quốc là nạn nhân của virus đến từ nước ngoài.
Hai nghiên cứu được công bố ngày 26/07/2022, trên tạp chí khoa học uy tín Science kết luận: có xác suất rất cao là virus Sars-Cov-2 gây bệnh Covid-19 bắt nguồn từ các động vật được mua bán ở chợ Vũ Hán. Nghiên cứu thứ nhất dựa trên việc phân tích 155 ca nhiễm đầu tiên, được xác nhận vào tháng 12/2019, cho thấy các ca nhiễm phát hiện sớm nhất tập trung tại khu vực chợ, trái ngược với các ca được ghi nhận trong những tháng tiếp theo, chủ yếu tại một số khu dân cư có mật độ cao.
Một số trường hợp được nghiên cứu cũng cho thấy nhiều người bị nhiễm sống gần khu chợ, hoặc có tiếp xúc với những người làm việc tại chợ, hoặc mới đến chợ gần đây. Cũng trong nghiên cứu nói trên, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều mẫu dương tính với virus Sars-Cov-2 tập trung tại khu vực phía tây nam của khu chợ, nơi bán nhiều động vật sống (như chồn hương, lửng, chó lửng…). Hiện tại động vật trung gian truyền virus Sars-Cov-2 từ loài dơi sang người vẫn chưa được xác định.
Đồng tác giả của nghiên cứu nói trên, nhà virus học Michael Worobey, Đại học Arizona, Hoa Kỳ, từng ký một lá thư năm 2021 kêu gọi xem xét nghiêm túc giả thuyết virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm sinh học ở Vũ Hán, nay chuyển hẳn sang nhấn mạnh kịch bản ổ dịch chợ Vũ Hán là điều gần như chắc chắn.
Nghiên cứu thứ hai, dựa trên việc phân tích gien virus của những người bị nhiễm đầu tiên, xác định hai dòng virus ‘‘A’’ và ‘‘B’’ đã tồn tại trước tháng 2/2020. Cả hai dòng virus này có thể là kết quả của hai tuyến lây truyền, và cùng xuất phát từ khu chợ Vũ Hán. Nghiên cứu thứ hai cũng cho thấy virus rất khó lưu hành rộng rãi ở người từ tháng 11/2019 trở về trước.
Đã khá đủ thông tin về giai đoạn đầu đại dịch tại Vũ Hán
Bà Maria Van Kerkhove, giám đốc kỹ thuật cơ quan quản lý dịch bệnh Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trên Twitter đã ngay lập tức hoan nghênh việc công bố các nghiên cứu này. Theo bà, việc nghiên cứu rõ về nguồn gốc của đại dịch giúp ‘‘chuẩn bị tốt hơn việc ngăn chặn và giảm thiểu các dịch và đại dịch trong tương lai”, cho phép cứu sống hàng triệu mạng người.
Chính quyền Trung Quốc thường xuyên bị cáo buộc làm sai lệch thông tin, hoặc không hợp tác đầy đủ với các cuộc điều tra quốc tế. Theo nhà vi sinh học và miễn dịch học Đan Mạch Kristian Andersen, đồng tác giả nghiên cứu thứ nhất, truy tìm nguồn gốc virus không phải để tìm ra một người chịu trách nhiệm, mà là để hiểu được diễn biến thực sự của dịch.
Hiện tại, tuy còn tồn tại một số mảng tối, trên thực tế, các thông tin mà giới khoa học thu thập được về giai đoạn đại dịch khởi phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đã rất chi tiết, ‘‘trái ngược hẳn với cảm nhận chung là không có đủ thông tin về khởi đầu’’ của đại dịch Covid-19, theo ghi nhận của chuyên gia Kristian Andersen.
Ba người Việt ra toà tại Nigeria vì buôn bán ngà voi và vảy tê tê
27/7/2022
Hải quan Malaysia trưng bày hiện vật là ngà voi bị bắt giữ trong một họp báo ở cảng Klang hôm 18/7/2022 sau vụ bắt giữ sáu tấn ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê và răng nanh động vật hôm 10/7/2022
AFP
Ba người Việt Nam vừa bị ra toà tại Lagos, Nigeria hôm 20/7 vừa qua với cáo buộc vận chuyển động vật hoang dã.
SEEJ-AFRICA – tổ chức bảo tồn có trụ sở ở Kenya- hồi tuần trước cho biết, có tổng cộng bảy người ra toà ở thành phố Lagos, Nigeria, bao gồm ba người Việt, hai người Nigeria, một người Guinea và một người Cameroon.
Những người Việt có tên là: Phan Viết Chí, Phan Hồng Q. và Dương Văn T.
Những người này bị cáo buộc đã buôn bán động vật hoang dã trái phép trong vòng khoảng bốn năm qua và bị bắt vào tháng 5 và tháng 6 năm nay tại thành phố Lagos.
SEEJ-AFRICA cho rằng những người này có thể liên quan đến vụ Malaysia tịch thu sáu tấn ngà voi, sừng tê giác, nanh động vật và vảy tê tê hôm 10/7 vừa qua tại cảng Klang.
Phan Viết Chí trước đó cũng bị Cơ quan Điều tra môi trường (EIA) xác định là người đứng đầu đường dây buôn bán động vật hoang dã trong một báo cáo của cơ quan này đưa ra hồi năm 2017.
Theo SEEJ-AFRICA, những người này hiện đều không nhận tội và đang xin tại ngoại.
Phiên toà được hoãn lại cho đến ngày 30/9.
Trong khi đó, theo Vietnam Plus, đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (WWF-Việt Nam) mới đây đã bày tỏ quan ngại về tình trạng mua bán các sản phẩm từ ngà voi phổ biến ở Việt Nam dù đã bị cấm.
Quan ngại này được đưa ra sau khi Vietnam Plus có loạt bài điều tra “Nhức nhối nạn buôn bán ngà ở Tây Nguyên: Không xử nghiêm, voi sẽ tuyệt chủng” được đăng tải hôm 19/7/2022.
Theo loạt bài này, dù Việt Nam đã có “Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam” đồng thời tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép ngà và các bộ phận dẫn xuất của voi – thế nhưng, thời gian qua, vấn nạn này vẫn diễn ra bằng nhiều hình thức khác nhau, từ lén lút đến công khai.
Hải quan Đài Loan tiêu hủy mì gói VN vì tồn dư chất cấm
27/7/2022
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Mỳ, phở, là món ăn yêu thích của nhiều người Việt Nam
Một số lô hàng mì ăn liền từ Việt Nam vừa bị quan chức hải quan Đài Loan bắt giữ và tiêu hủy sau khi bị phát hiện có chứa hóa chất bị cấm, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho biết trong một tuyên bố hôm 26/7, theo Focustaiwan.
Các quan chức hải quan đã bắt giữ lô hàng do Công ty bán lẻ Simple Mart nhập khẩu từ Việt Nam, tổng trọng lượng 1.116 kg, sau khi phát hiện dư lượng Ethylene Oxide (EO), một loại hóa chất bị cấm ở Đài Loan.
Dư lượng EO được phát hiện trong một gói gia vị của một gói JINRO RAMENJ INRO, một loại mì ăn liền có hương vị thịt bò kiểu Hàn Quốc, vào khoảng 63,729 phần triệu (ppm), FDA cho biết.
Bên cạnh đó, hải quan Đài Loan cũng tịch thu và tiêu hủy một số lô hàng đầu cá đông lạnh mà một nhà nhập khẩu khác mua từ Singapore, sau khi phát hiện tồn dư quá mức metyl thủy ngân, một kim loại nặng, theo FDA.
Đồng thời, hải quan Đài Loan tiêu hủy một lô mặt hàng máy đựng gạo từ Trung Quốc do chúng không qua được bài kiểm tra đánh giá các chất độc hại.
Từ các kết quả này, Cơ quan Hải quan Đài Loan cho hay sẽ tăng cường tần suất kiểm tra các sản phẩm cùng loại được nhập khẩu vào hòn đảo này từ mức 2% đến 10% lên 20% đến 50%.
Cơ quan quản lý Việt Nam nói gì?
Từ ngày 6/1/2022, một số sản phẩm mỳ ăn liền của Việt Nam phải chịu tần suất kiểm tra là 20% với dư lượng EO, theo công báo ra ngày 17/2/2021 của Ủy ban châu Âu.
Mặt hàng mỳ ăn liền, phở, miến ăn liền của Việt Nam từng vài lần bị cảnh báo vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU).
Mới đây, Đức cảnh báo mì ăn liền hương vị gà và hương vị cà ri của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu (TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) bị phát hiện dư lượng EO vượt ngưỡng quy định của EU.
Ba Lan cảnh báo mì ăn liền vị gà của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon, quận Tân Phú, TP.HCM) có dư lượng EO vượt quy định. Hiện Ba Lan đã trả lại lô hàng này.
Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia sản xuất từ gạo biến đổi gene trái phép và cho thu hồi sản phẩm.
Trước đó, hồi tháng 8/2021, mì Hảo Hảo, miến Good của Acecook Việt Nam và lô phở khô vị bò gà của Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Hương xuất khẩu sang EU bị Ireland và Na-uy cảnh báo và thu hồi do chứa EO.
Trước tình hình này, hôm 22/7, Vụ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã cho rà soát lại các trường hợp bị cảnh báo. Theo vụ này, trong ba trường hợp bị cảnh báo chỉ có một trường hợp được xác định có chỉ tiêu EO vượt ngưỡng quy định của EU.
Vụ này cũng yêu cầu doanh nghiệp sản xuất bánh phở hiệu Nguyễn Gia 'có trách nhiệm đáp ứng các quy định về các sản phẩm theo các tiêu chuẩn mà nước nhập khẩu đưa ra', theo Vietnamnet.
Với các sản phẩm khác, Vụ cho biết lý do bị trả hàng là do 'hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp chưa đầy đủ', hoặc 'khả năng lô hàng xuất khẩu từ năm 2021. Theo quy định của EU, thời điểm này các lô hàng chưa bị kiểm soát chỉ tiêu EO khi xuất khẩu.'
Trong khi đó, Bộ Công thương Việt Nam thành lập Tổ kiểm tra dây chuyền sản xuất với ba nhóm sản phẩm mì ăn liền tại Việt Nam, đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp tuân thủ yêu cầu kỹ thuật của từng thị trường trước khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa, theo Vietnamnet.
Theo Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI), EO là một hóa chất được sử dụng làm thuốc trừ sâu, khử khuẩn hoặc khử trùng. Ở EU, việc sử dụng ethylene oxide làm thuốc trừ sâu hoặc khử trùng thực phẩm là không được phép.
Ethylene oxide được Cơ quan Hóa chất Châu Âu (ECHA) xếp vào loại chất gây đột biến và ung thư. Việc tiêu thụ thực phẩm có chứa EO không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng sẽ làm tăng nguy cơ đối với sức khỏe nếu tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm EO trong một thời gian dài. Do đó, cần giảm thiểu việc tiếp xúc với EO.
Không có nhận xét nào