Header Ads

  • Breaking News

    Trần Huỳnh Châu – Những năm "cải tạo" ở Bắc Việt. Chương I

    Chương I - Từ Nam ra Bắc

    Posted on June 16, 2021 by Lê Thy 

    https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2021/06/bia_nnctobv-3.jpg?w=189&h=300

    Tháng 5 năm 1975, sau ngày sụp đổ, có mấy tên bộ đội vào chơi nhà một người bà con của tôi ở Sàigòn. Trong câu chuyên huênh hoang của chúng, nhân đề cập đến vấn đề nhà tù, chúng có nói rằng “Miền Bắc không có nhà tù”. Hồi đó mấy nguời bà con của tôi, vốn ở trong Nam, ở thành phố, chưa hề có kinh nghiệm gì về Cộng sản , tin lắm, và phụ họa với chúng “Miền Bắc không có nhà tù…” 

    Tôi được nếm mùi “cải tạo” ở Miền Bắc từ cuối năm 1976 đến đầu năm 1980 (không kể gần một năm rưởi ở trại giam Long Thành và Thủ Đức, miền Nam), và nhận ra rằng quả thật Miền Bắc không có nhà tù, theo nghĩa thông thường của Thế Giới Tự Do, là nơi giữ kẻ có tội, làm người ta mất tự do trong một thời gian có hạn định rõ rằng. Còn các trại “cải tạo” Miền Bắc đều là những trại khổ sai rất đểu cáng, mọi người đều phải làm khổ sai trong khi ăn rất đói. Phải, Miền Bắc không có nhà tù theo tiêu chuẩn thông thường; chỉ có những trại khổ sai. Mà đã vào trại khổ sai đó thì không biết bao giờ ra được, không có thời hạn nào cả. Cái gọi là “tập trung cải tạo 3 năm”, dân Miền Bắc gọi là “tù mù”, nghĩa là ở tù mù mịt, không biết bao giờ về. 

    Tôi đã ở 2 trại cải tạo ở Miền Bắc: trại Quảng Ninh (gần Hòn Gay) và trại số 5 Thanh Hóa. Trại Quảng Ninh (xả ThỐng Nhất, huyện Hoành Bồ) tương đối khá hơn. Trại số 5 Thanh Hóa, mà tên Thiếu tá Trại trưởng có nói chính là trại Lý Bá Sơ ngày trước, nay thuộc huyện Thiệu Yên (Thiệu Hóa + Yên Định), trên phần đất Yên Định cũ, tồi tệ hơn trại Quảng Ninh. Nhưng nói chung tất cả các trai cải-tạo Cộng sản đều giống nhau ở nhiều điểm, mà hai điểm nổi bật, đối với tôi, là tình trạng đói, đói về vật chất, đói về tinh thần. Về vật chất, là tình trạng đói ăn. Về tinh thần chúng bưng bít tin tức bên ngòai và tìm đủ mọi cách để ngăn cấm không cho người ta học văn hóa. Tự điển chúng cũng tìm cách tịch thu. Học mấy câu chữ nho để viết mấy câu thơ cổ, cũng bị chúng gọi lên kiểm điểm. 

    Tôi may mắn thóat được cảnh ngục tù, tìm được tự do. Nhưng còn biết bao nhiêu bạn bè thân thiết, bao nhiêu người bạn đã từng cùng nhau đổ mồ hôi trên núi đá trong mùa hè nóng bức, từng cùng nhau run lẩy bẩy vì rét, vì đói trong mùa đông lạnh giá, từng cùng nhau thì thầm một vài tin tức lạc quan, từng cùng nhau bỏ ăn để chống đối chế độ trại giam quá khắc nghiệt… Những người bạn bè ấy hiện nay vẫn còn trong các trại khổ sai, có người đã nằm xuống vì không chịu đựng nổi, những người còn sống thì ngày ngày làm khổ sai và ăn đói, và chịu đựng một sự kềm kẹp dã man về tinh thần và vật chất, và không biết đến bao giờ mới thoát được ngục tù.

    Tôi viết những dòng nầy cho những người bạn ấy, với niềm ước mong những người đã định cư được trên phần đất tư do đừng bao giờ quên những người ấy. Họ còn hi vọng là chúng ta, những thân nhân, những bạn bè của họ hiện ở trên phần đất tự do, sẽ làm một cái gì cho họ. Họ còn hi vong là nhân loại sẽ còn tiếp tục đặt vấn đề nhân quyền, vì không phải chỉ nói suông mà sẽ làm một cái gì cụ thể để cứu họ. Ho bị bưng bít, không biết tin tức gì bên ngoài, nhưng họ vẫn tìm một chút ánh sáng để hi vọng, qua những tin tức rất hạn chế mà họ biết được . Họ bám víu lấy hi vọng để chịu đựng đói khổ, nhục nhằn, cố sống để có một ngày mai.

    Ngày mai ấy có đến với họ không? Đó là vấn đề chúng ta sẽ trả lời trong tương lai. Bài này tôi hãy nói về quá khứ. Cơn ác mộng của tôi đã thuộc về quá khứ. Nhưng hàng trăm ngàn người hãy còn sống trong cơn ác mộng ấy. Và không biết cơn ác mộng còn kéo dài bao nhiêu năm nữa. Nhưng với tôi, nó đã là quá khứ mà tôi xin ôn lại nơi đây một cách rất trung thực. Trung thực, nhưng không thể đầy đủ, vì nhiều anh em còn ở trong tù, có nhiều chi tiết tôi chưa tiện nói ra.

    I – TỪ NAM RA BẮC 

    Cho đến đầu tháng 10-1976, tôi đã ở trại Long Thành được 16 tháng. Giữa trưa ngày 3-10, tôi đang bửa củi ở nhà bếp, bỗng có tiếng kẻng tập trung. Chúng tôi vội vã tập trung lại trong từng nhà, rồi nghe đọc tên. Chuyến ấy chỉ có 30 người, phần lớn là sĩ quan cấp Tá và một số viên chức hành chánh hàng Phó Tỉnh Trưởng trở lên. Thành phần Cảnh sát, Tình báo, và đảng phái đã được đi trước đó 1 tháng. Chúng cho 30 người chúng tôi đến trại Thủ Đức bằng một chiếc xe ca, xiềng hai người vào một cặp. Đường từ Long Thành về Thủ Đức giữa trưa vắng lặng, mặc dầu là đi trên xa lộ Biên Hòa Saigòn. Vừa đến trại Thủ Đức, chúng tôi nghe ngay tiếng hò hét của một tên cán bộ mà sau nầy chúng tôi mới biết có tên là Sáu Gô. Tên thật anh ta là gì không ai biết. Anh ta tự xưng là anh Sáu. Và anh em gọi là Sáu Gô. Anh em gọi như vậy, vì anh ta chuyên tịch thu các lon guigoz của anh em. 

    Chúng tôi xuống xe thì gặp ngay màn xét đồ đạc của Sáu Gô. Tất cả quần áo, đồ đạc, lon thùng, thức ăn… đều phải bày hết cả ra trên sân. Người nào có độ 3,4 lon guigoz trở lên (đây là lon đã hết sữa, dùng đựng các thứ nhà gủi lên như đường, tôm khô, bột vv…) thì thế nào cũng bị mất mấy lon. Sáu Gô trút các thứ đựng bên trong ra rồi tịch thu các lon guigoz, bảo là “cho đồ đạc các anh được gọn gàng vì phòng giam không đủ chỗ”. Một lon guigoz (lon trống, không có sữa) hồi ấy nghe nói bán được chừng 4 hay 5$ tiền mới, tức là 2000$ hay 2500$ tiền cũ. Cho nên Sáu Gô ham lắm. Nhưng màn khám xét này chỉ là sơ khởi. Trước khi ra Bắc, còn khám xét nhiều và còn tịch thu nhiều… 

    Chúng tôi vào trại Thủ Đức và ở đó 1 tháng. Chúng tôi gặp lại nhiều bạn bè quen từ Long Thành lên Thủ Đức trước đó. Có nhiều đợt chở ra Bắc trước rồi. Tôi gặp lại người anh ruột của tôi là Trần Ngọc Quế trước là giáo sư trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng, đi cải tạo vì có chân đảng phái. Một người anh ruột nữa là Trần Huỳnh Hội, trước là Trung Tá, thì đã đến Thủ Đức từ cuối năm 1975 và được chở ra Bắc từ tháng 8 năm 76. Về sau, anh Quế ra Bắc sau tôi, ở trại Hoàng Liên Sơn rồi qua đời trong trại tù ở Vĩnh Phú. Anh Hội tôi thì ở trại Hà Nam Ninh. 

    Gặp mấy người bạn cũ, trên nguyên tắc thì không được hỏi nhau giữa những người ở khác phòng, nhưng chúng tôi vẫn nháy nhó, hỏi nhau vài câu ngắn. 

    – Đi đường có đeo Seiko không? 

    – Có! (Đeo Seiko tức là bị xiềng tay). 

    – Ở đây, thế nào? 

    – Ăn khá hơn Long Thành và không lao động. 

    Thủ Đức là trại chuyển tiếp, về tập trung tại đó để chờ ra Bắc. Chúng giữ rất kín chuyện ra Bắc nhưng một vài người được bà con đến thăm có nói riêng cho biết. Tôi gặp những người quen nhưng thuộc nhóm khác không ở Long Thành như nhóm Rạch Giá (chở từ Rạch Giá lên Thủ Đức) có anh Nguyễn Vạng Thọ (trước làm Tổng Thư Ký Bộ Tư Pháp), nhóm Chí Hoà có ông Nguyễn Mậu (Dân Biểu Quảng Tín), Đại Tá Trịnh Tiêu (Trưởng phòng 2 Quân Khu II), v.v…

    Trước khi ra Bắc độ một tuần lễ, chúng khám xét đồ đạc, chuyển phòng lung tung để tịch thu một mớ đồ đạc và làm xáo trộn tất cả các nhóm quen biết, có lẽ để đề phòng những sự liên kết có thể dẫn đến hành động gì trong khi di chuyển. Rồi trước khi ra Bắc độ 3 ngày, chúng cho phép chúng tôi ai có tiền thì được nhờ chúng mua giùm thức ăn ngoài chợ Thủ Đức với giá chợ đen. Tất nhiên những cán bộ đi mua giùm thế nào cũng có khấm khá trong chuyện mua bán nầy. Nhưng chuyện đểu cáng hơn là chúng khuyến khích chúng tôi mua nước mắm, nước tương để dành ăn, rồi 3 ngày sau, khi soạn đồ đạc ra Bắc thì chúng buộc phải bỏ tất cả những thứ ấy lại, viện cớ là đi đường dễ vỡ. Tất nhiên chúng sẽ đem bán tất cả những thứ chúng tôi bỏ lại. Ngòai ra, trước hôm ra Bắc, chúng khám xét đồ đạc chúng tôi hai lần, và tịch thu mọi thứ rất bừa bải để kiếm chác. Những đồ đạc này, trong một năm rưởi, sống ở trại Long Thành, gia đình chúng tôi đã gởi đến trong những đợt chúng cho tiếp tế nhân các ngày lễ như 1-5, 2-9 và dịp Tết. Bây giờ chúng kiếm cớ tịch thu. Chúng tôi ước lượng là trong dịp này, chúng kiếm được khoảng 10 triệu đồng tiền cũ trên số khoảng 800 người cho ra Băc chuyến đó. 

    Khuya 30-10-1976, chúng chở chúng tôi bằng xe đến Tân Cảng rồi xuống tàu Hồng Hà. Khi lên xe, chúng tôi bị xiềng tay từng cặp một như thường lệ. Đến bến, lên tàu rồi mới được mở xiềng. 

    BỐN NGÀY HÔI THỐI

    Chúng lùa chúng tôi xuống hầm tàu, đúng ra là nơi chứa hàng hoá. Tàu Hồng Hà đã cũ quá, nhiều nơi bị rỉ sét. Tàu có 3 hầm, tôi bị nhốt ở hầm giữa là hầm đông nhất. Ngoài số 800 người chúng tôi đi từ Thủ Đức, có thêm vài trăm người đi thẳng từ Long Thành đến . Những người nầy ở hầm sau đuôi tàu và khi đến Hải Phòng được chở đi Bắc Thái. 

    Chúng tôi xuống hầm tàu nằm kề vai nhau không còn một chỗ hở. Chúng để trong hầm tàu hai thùng gỗ nhỏ, là chỗ tiểu tiện cho 600 người trong hầm giữa (còn hầm phía mũi chứa độ 200 người)Vì không có chỗ, nhiều người phải nằm sát chỗ tiểu tiện. Bốn ngày đêm, 600 người tiểu tiện, thùng cứ đầy tràn ra, chảy khắp hầm tàu, thối um lên. Tháng mười biển động, nhiều người say sóng ói mửa. Mùi phân, mùi nước tiểu và mùi ói mửa trộn lẫn với nhau xông lên trong hầm tàu. Có hai lần chúng tôi kêu ca quá, chúng đứng trên boong tàu dòng dây xuống bảo cột thùng phân vào cho chúng kéo lên. Vì thùng quá đầy, khi kéo lên, phân rơi vung vãi , trúng ai nấy chịu, vì không còn chỗ tránh, và cũng vì say sóng quá mệt, cứ nằm mà chịu trận. 

    Bốn ngày đêm mà tưởng như 4 năm trong địa ngục. Tôi nằm trong hầm tàu hôi thối, thầm an ủi là mình hãy còn sưóng hơn Tôn Tẩn ngày xưa… Ngày xưa Tôn Tẩn bị Bàng Quyên chặt chân, rồi bị nhốt vào chuồng heo, Tôn Tẩn phải giả điên ăn phân heo, sau mới có cơ hội trốn thoát. Tôi ở trong hầm tàu Hồng Hà, kể ra thì hôi thối hơn trong chuồng heo, lại thêm say sóng nữa, nhưng sướng hơn Tôn Tẩn là chân không bị chặt. Thôi thế nầy cũng hãy còn phúc. Lại sắp có dịp xem tận mặt cái xứ Bắc Việt xã hội chủ nghĩa rồi. Ngày trước ở Miền Nam, nghĩ đến chuyện sống trong xã hội Miền Bắc cũng đã sợ rồi. Nay lại ra Miền Bắc mà ở tù, chứ chẳng phải ở ngoài xã hội. 

    TỪ HẢI PHÒNG ĐẾN TRẠI CẢI TẠO QUẢNG NINH

    Đêm chót, khoảng nửa đêm thì tàu vào sông, chúng tôi biết vì thấy tàu êm hẳn, tuy vẫn còn chạy. Rồi tàu đến bến, đậu lại, và chờ đến sáng. 

    Trời vừa sáng thì chúng tôi được lệnh xuống tàu. 

    Bác sĩ Văn văn Của (trước từng làm Đô trưởng Sai gòn) hỏi chúng tôi có ai không đi nổi, phải khiêng, thì cho biết để sắp xếp. Phần lớn chúng tôi mệt lả vì say sóng 4 ngày đêm không ăn gì được. Nhưng nghĩ đến chuyện bước ra khỏi cái hầm tầu hôi thối nầy thì ai cũng muốn vội vàng, nên ai cũng cố gắng, rồi cũng đi được cả. 

    Bước xuống bến Sáu Kho, thở không khí ban mai của một ngày đầu mùa đông Miền Bắc (hôm ấy, trời không lạnh), chúng tôi thấy người dễ chịu hẳn. Đây là một khu bến dường như vừa mới xây thêm, tiện nghi chẳng có gì. Chỉ có cầu tầu trơ ra đấy. Chúng tôi được lệnh ngồi sắp hàng theo từng đội để cán bộ đếm. Đếm đi, đếm lại, rất kỹ. Rồi đến màn “đeo Seiko” (xích tay). Rồi bắt đầu lên xe. 

    Xe là xe đò Miền Bắc. Chắc là xe của Công An chẳng có bao nhiêu nên phải thuê xe đò chở chúng tôi. Xe nào cũng cũ kỹ, ọp ep. Chúng ém chúng tôi lên xe, chật qua, nhiều người thở không nổi. Xe lại bị che kín bằng vải để chúng tôi không trông được bên ngoài nên càng bí hơi. Nhưng dù sao thì cũng không hôi thối như dưới hầm tàu. Nội cái màn đếm người và lên xe cũng mất đến 4 giờ đồng hồ. Lên xe xong, ngồi chật không có chỗ cựa, mà trước khi xe chạy còn phải nghe một tên cán bộ Cộng sản , hắn có thể nói hàng giờ về một vấn đề chỉ cần nói vài câu trong vài phút; và có thể nói hàng giờ về một câu chuyện mà ai cũng biết cả rồi. Về sau, càng ngày tôi càng thấm thía thấy chế độ Cộng sản Miền Bắc chẳng coi thời gian ra gì cả. Mặc dầu lúc nào cũng nói sản xuất, nói tiến bộ, nhưng thật ra họ đã mất rất nhiều thì giờ để nói những điều vô ích, và chẳng còn bao nhiêu thì giờ để làm việc. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm trì trệ kinh tế.

    Chúng tôi ngồi trên xe, quá mệt mỏi, bụng đói miệng khát, chỉ mong cho xe chạy đi để đỡ mệt một chút mà cứ phải nghe giảng nội qui đi đường. Nhưng rồi cũng đến lúc xe chạy.

    Xe có chạy ngang một khu phố của Hải Phòng. Mấy tấm vải che trên cửa là vải mỏng, nên chúng tôi cố nhìn ra quan sát, mặc dầu nhìn ra như thế trái nội quy đi đường đấy. Chúng tôi thấy một mớ người đi xe đạp và đi bộ. Có nhiều nhà sụp đổ, có lẽ là sụp đổ trong thời kỳ ném bom, vẫn còn để lôi thôi, chưa dọn dẹp xây dựng lại. Đường phố tồi tàn, người đi quần áo lôi thôi. Nhưng chúng tôi chỉ đi thoáng qua một khu phố của Hải Phòng, nên chưa dám kết luận điều gì. Rồi xe đến một bến phà. Qua phà, chạy một lát, lại đến một bến phà nữa. Trên xe tôi, có mấy anh người Bắc trước 1954 đã ở Hải Phòng, quen thuộc vùng này, cho biết bến phà thứ hai này chính là sông Bạch Đằng và đây là đường đi đến Quảng Yên (nay là Quảng Ninh)

    Tôi nghe nói sông Bạch Đằng thì chợt nhổm dậy. Tay tôi bị xích chung với tay Đỗ Kế Cầu(trước làm Phó Tổng Thư-ký Phủ Thủ tướng) và tôi nhổm dậy, làm giật tay anh Cầu. Tôi nói với anh Cầu: “Này, sông Bạch Đằng!”. Trí óc bỗng miên man về những trang sử ngày xua. Ngô Quyền phá quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo dẹp quân Nguyên ở nơi đây. Tôi thàm ca mấy câu trong bài Trên Sông Bạch Đằng của thời trước 1945: 

    “… Cờ bay chiêng trống khua quân dần lên
    Làm cho lui tan hết quân Nguyên
    Đến bây giờ mỗi khi đi trên sông Bạch Đằng…”

    Nhưng chiếc xe đã xuống phà. Phà rất tồi, xe cũng tồi. Khi xuống phà, xe nhảy cái rầm, suýt nữa thì tụt xuống sông. Anh em ngồi trên xe hoảng vía vì nếu tụt xuống sông trong tình trạng xe chật và xích xiềng thế này thì chắc chắn chỉ ngồi yên chịu chết thôi. Sinh mạng của chúng tôi nào có ai coi ra gì. 

    Nhưng phà đã chạy. Trên dòng sông, gió mát thổi lộng vào xe làm tôi thấy dễ chịu, thấy lòng lại khoan khóai. Và lại lẩm nhẩm hát “Trên sông Bạch Đằng, quân Nam ầm reo…” Và nghĩ đến thân phận của tôi, thân phận một thằng tù, tay bị xiềng, ngồi trên chiế xe bít bùng, vẫn cố nhoài người ra để nhìn cho được dòng sông Bạch Đằng, vẫn tưởng như đâu đây còn vang tiếng loa xưa của vị anh hùng Trần Hưng Đạo, vẫn thấy mình là một người Việt Nam, một người yêu nước, cũng như cha tôi, một đảng viên VN Quốc Dân Đảng, rất yêu nước, và nhất định không chấp nhận chủ nghiã Cộng sản , và cho dù Cộng sản có nói gì, có bảo là chúng tôị bán nước hay có bảo là phải “kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa xã hội”, tôi thấy tôi vẫn một lòng yêu nước và yêu tự do, và Hồ Chí Minh là kẻ có tội nặng nhất trong lịch sử nước nhà, và dòng sông Bạch Đằng vẫn làm cho tôi xúc động, và chiếc xiềng trong tay vẫn không làm cho tôi xấu hổ, và tôi vẫn miên man nghĩ đến lịch sử oai hùng của dân tộc và nghĩ đến một tương lai tươi sáng trong tự do. 

    Đường đi trải đá, gồ ghề. Nhà cửa hai bên đường thấp thoáng sau làn vải che, trông cũ kỹ. Đến một ngã ba đường, thấy có mũi tên chỉ đường ghi Hồng Gai. Nhưng chúng tôi không đi Hòn Gay. Chúng tôi đi đến trại giam Quảng Ninh, xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ. 

    TRẠI QUẢNG NINH TRONG NHỮNG THÁNG ĐẦU 

    Tay chúng tôi chỉ được đeo thứ “đồng hồ Seiko Bắc Việt” tức là loại xiềng chung làm bằng dây xích sắt, rồi dùng ống khóa thường mà khóa lại, chứ không được đeo thứ đồng hồ gì khác, vì tất cả các thứ đồng hồ, nhẫn v.v.,. đều phải nộp lưu ký chứ không được giữ, nên chúng tôi không biết là đã di chuyển trên xe trong bao lâu và đến trại Quang Ninh lúc mấy giờ. Trên xe, chúng có phát cho mọi người một mẩu bánh mì và một quả cam nhỏ. 

    Khúc bánh mì tròn, không có thịt cá gì hết, nhưng sau mấy ngày nhịn đói, ăn thấy ngon vô kể. Khi đến trại Quảng Ninh, mặt trời đã xế bóng.

    Buổi tiếp xúc đầu tiên với một trại cải tạo Miền Bắc đã được sắp xếp, trình diện để chúng tôi có cảm tưởng tốt. Xe vào sân trại, có ngay cán bộ phụ trách từng đội gọi tên, nhận lãnh, hướng dẫn về phòng giam. Về đến phòng giam là nhà bếp gánh nước uống đến. Phòng giam được sắp xếp sẵn chiếu, mền, màn, trông có vẻ tươm tất. Bữa cơm đầu tiên được kể là “thịnh soạn” so với những bữa cơm tù khác. Cơm ăn dư thừa, với 2 món ăn: một món canh, một món kho. Cả hai món đều là thịt trâu. Thịt trâu cũng dư thừa, nói cho đúng ra là vì thịt trâu quá dai, nhai không nổi. Nhưng sau nầy thì thịt trâu dù dai đến đâu cũng không thể dư được, khi chúng tôi đã ở trong tình trạng quá đói. Còn đây là tuần trăng mật. Còn đang ở giai đoạn trình diện, chúng tôi ăn được hai bữa thịt, thì bắt đầu vào bữa cơm bình thường, tức là cơm độn, ăn với chút canh thôi. Canh rau cải nấu với muối. Nhưng giai đoạn nầy vẫn còn khá. Mỗi tuần có 2 bữa thịt. Mỗi tháng có một bữa ăn chè ngọt. Thỉnh thoảng lại có phát bánh biscuits ăn thêm. Tình trạng nầy kéo dài được vài tháng. Mùa đông năm đó (năm 76) được kể là mùa đông rét nhất trong mấy chục năm. Nhưng dù rét, chúng tôi vẫn thấy đây là “tuần trăng mật” với trại cải tạo Miền Bắc. Chúng tôi chưa phải đi làm lao động. Cán cư xử cũng khá. Mấy anh tù hình sự phụ trách nhà bếp khi đưa cơm nước đến phòng tìm cách nói riêng vài câu: “Mấy chú thế nầy là sướng lắm đấy. Không dễ gì không lao động mà lại được ăn uống khá thế nầy đâu. Tụi cháu thì khổ lắm.” 

    Lễ Noël năm đó chúng tôi được ăn một bữa ngon, có thịt trâu. Họ cho ăn vào ngày 25-12 chứ không phải tối 24, chúng tôi chẳng hiểu có phải chúng cho ăn Noël hay không. Chúng tôi lấy làm lạ lắm vì chế độ Cộng sản làm gì có cho ăn Noël. Những năm sau này, năm 1978, 1979, đêm Noël, chúng tìm đủ mọi cách ngăn cản không cho chúng tôi tưởng niệm ngày Chúa Giáng Sinh, có người chỉ hát thánh ca trong đêm 24-12 mà bị cùm chân trong phòng kỷ luật. Vậy không lẽ gì chúng lại cho ăn Noël trong năm 1976. Nhưng điều chắc chắn là tối 25-12-76 chúng tôi có được ăn một bữa ăn ngon, khác ngày thường. 

    Môt bữa khác cũng làm chúng tôi ngạc nhiên là bữa ăn ngày 20-1-1977. Bữa ăn này có vừa thịt trâu vừa thịt heo, đó là điều rất đặc biệt. Trong năm, chỉ có những dịp lễ 1-5, 2-9 và Tết Nguyên Đán là có thể có vừa thịt trâu vừa thịt heo. Tôi nói “có thể” thôi, chứ không phải là chắc chắn đâu. Vậy mà ngày 20-1-1977, chúng cho ăn một bữa “thịnh soạn”. Khác với hồi ở trại Long Thành mỗi lần có một chút thịt trong bữa ăn nhân dịp lễ gì đó, là chúng tuyên bố trước, nói dài dòng về ý nghĩa bữa ăn, nhắc đến “ơn Bác ơn Đảng” tùm lum mà chỉ được ăn có tí xíu. Và 20-1-1977, chúng giữ hoàn toàn im lặng, chỉ tự nhiên thấy có bữa ăn đặc biệt thì chúng tôi cứ ăn mà thôi. 

    Nhưng ở trong tù, chúng tôi rất nhạy cảm. Một hiện tượng nhỏ gì cũng để ý, phân tích. Và thường thì sự phân tích rất chủ quan. Chẳng hạn, có người lưu ý rằng ngày 20-1-1977 là ngày ông Carter lên nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ (chính có sự lưu ý nầy mà tôi nhớ bữa ăn 20-1-1977). Chúng tôi có cười nhau về nhận xét nầy. Chẳng lẽ Cộng sản Bắc Việt lại cho,chúng tôi ăn ngon nhân ngày ông Carter nhậm chức. Nhưng mặc kệ, hãy cứ biết được một bữa ngon đã. Ở tù Cộng sản , dễ gì kiếm được một bữa ăn có vừa thịt trâu vừa thịt heo. Những năm sau nầy, chúng tôi mong đỏ mắt, nằm ngủ mơ tưởng miếng thịt trâu thịt heo như thế bao nhiêu lần mà không có đấy. Có lẽ những người ăn uống no đủ nghe nói chuyện nằm mơ tưởng miếng thịt trâu thì lấy làm lạ lắm. Có thể cho là tôi phóng đại câu chuyện, hoặc cho là chúng tôi hèn kém, có đói thì đói chứ lạm gì đến nỗi nằm mơ miếng thịt. Nhưng khi đã đói, đói tháng nầy qua tháng khác, năm nầy qua năm khác, mới có thể hiểu được “tâm sự” nầy. 

    Nhưng món ăn vật chất không làm chúng tôi phấn khởi bằng món ăn tinh thần mà sau đó chúng tôi có được. Đó là bài báo trong tờ Nhân Dân chửi bài diễn văn của Tổng Thống Carter, và sau đó, bài báo chống đỡ vấn đề nhân quyền. Hồi đó, vấn đề nhân quyền chưa được rầm rộ như sau này, nhưng với chúng tôi, đó là lần đầu tiên chúng tôi được biết chắc rằng thế giới có nhắc đến chúng tôi, những kẻ ở trong ngục tù Cộng sản . Phải có ở trong hoàn cảnh tăm tối, tin tức bị hạn chế, bưng bít, cuộc sống ngục tù không biết kéo dài đến bao giờ, không biết bên ngoài có chuyện gì xảy ra, không biết có ai còn nhớ đến mình, mà bỗng đọc được trên báọ của chính Cộng sản vì phải chống đỡ dư luận thế giới, hé lộ cho thấy một chút tin tức bên ngoài, khiến chúng tôi như kẻ nằm trong đêm tối chợt nhìn thấy một chút ánh sáng le lói đầu xa. Chắc là Tổng Thống Carter, khi đọc bài diễn văn nhậm chức năm 1977, có vài câu nói về nhân quyền, nói đến những người đang bị áp bức “ở bất cứ nơi đâu”, không ngờ rằng những câu đó lai có tác dụng thắp lên trong lòng những kẻ ở trong ngục tù núi rừng Bắc Việt một tia hi vọng. Mà chúng tôi có được đọc bài diễn văn ấy đâu. Chúng tôi chỉ đựọc đọc vài dòng trích dẫn mà báo Nhân Dân trích ra khi công kích nội dung bài diễn văn ấy mà thôi. Có lẽ khi đọc đến đoạn này nhiều người sẽ cho là chúng tôi ngây thơ . Ai lại nằm trong tù mà tin tưởng vào diễn văn của những ông chính khách! Tất nhiên lúc đó chúng tôi chẳng phải ngây thơ mà cho rằng chúng tôi sẽ được trả tự do khi thế giới đặt vấn đề nhân quyền. Nhưng sống trong tình trạng mù mịt, tối tăm trong ngục tù Cộng sản , chúng tôi cần có những chỗ bám víu về tinh thần, như người sắp chết đuối thấy một mảnh gỗ nhỏ không đủ làm phao cũng cứ bám lấy. Thực ra, trong mấy năm qua, chúng tôi có những hi vọng thật, chứ không phải giả tạo. Chúng tôi đã nhìn thấy sự ruỗng nát và thế bí của Cộng sản Việt Nam, và chúng tôi tin rằng chúng sẽ sụp đổ. Đây là một vấn đề mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong những đoạn khác. Dù sao, vấn đề nhân quyền nêu lên đầu năm 1977 là tia sáng đầu tiên trong những ngày ở tù xứ Bắc. 

    Trại Quảng Ninh, với bộ mặt trình diện ban đầu không đến nỗi đáng ghét, vốn là một trại nhà binh cũ của Pháp hồi trước 1954. Trại nầy không cách xa Vạt Cháy lắm, có lẽ chỉ chừng năm ba chục cạy số gì đó. Có một số anh từng học khóa Vạt Cháy, từng là quân nhân ngoài Bắc trước 1954 biết vùng nầy. Trại nằm trong một thung lũng nhỏ, chung quanh toàn là núi rừng. Mùa đông năm 76, có lúc trời lạnh đến 4o bách phân mà chúng tôi không có áo ấm, có tất cả baọ nhiêu áo quần đem theo đều mặc hết cả vào, kể cả áo mưa; khăn quàng quấn đầy đầu đầy cổ mà vẫn rét. 

    Tết năm đó, chúng tôi ăn Tết cũng khá. Mỗi người được phát 2 cái bánh chưng nhỏ, một ít bánh ngọt và kẹo. Thịt trâu thịt heo trong mấy ngày Tết cũng khá. 

    Trước Tết chúng tôi được phép viết thư về nhà xin quà tiếp tế gửi ra, nhưng được lệnh tuyệt đối không được viết câu gì tỏ ra mình đang ở miền Bắc, nếu trong thư có câu gì lộ ra như thế thì thư sẽ không được chuyển đi. Mùng 2 Tết, chúng tôi nhận được quà gia đình. 

    Nhưng đến sau Tết Nguyên Đán, tình hình bắt đầu xuống dần. Mức ăn hạ xuống từ từ. Bắt đầu sắp xếp làm lao động, khởi sự là đập đá. Lúc đó, trên báo Nhân Dân, chúng tôi thấy Cộng sản Việt Nam cứ lải nhải đòi Mỹ thi hành điều 21 hiệp định Paris, đòi 3 tỷ 2 đô la. Một bữa kia có tên cán bộ ngồi nói chuyện với chúng tôi, có nói nếu không có 3 tỷ 2 thì các anh đi “tuốt” hết. Chúng tôi không hiểu việc chúng tôi được cho ăn uống khá khi mới ra Quảng Ninh có liên hệ gì đến việc 3 tỷ 2 đô la không, nhưng quả thật là sau đó, tình trạng chúng tôi ngày càng tồi tệ. Dù thế nào, chúng tôi cũng chẳng muốn Cộng sản Bắc Việt có 3 tỷ 2. Chẳng ai muốn cho kẻ cướp đã xé hiệp định Paris chiếm Sàigon, huênh hoang tuyên bố “chiến thắng hoàn toàn, triệt để, toàn diện và vĩnh viễn” rồi lại được đối phương đưa tiền để tiếp tục đi ăn cướp chỗ khác! 

    https://baovecovang2012.wordpress.com/2021/06/16


    Không có nhận xét nào