Header Ads

  • Breaking News

    Trần Huỳnh Châu – Những năm cải tạo ở Bắc Việt. Phần VI

    https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2021/06/bia_nnctobv-3.jpg?w=189&h=300

    VI.- KHAI BÁO, KIỂM ĐIỂM

    Trong nhà tù Cộng sản, chúng có đề ra 4 tiêu chuẩn mà chúng gọi là bốn tiêu chuẩn cải tạo: 

    1. Khai Báo 

    2. Lao động, nội quy 

    3. Thi hành nội quy 

    4. Tố giác lẫn nhau 

    Điều mà Cộng sản muốn chúng tôi làm trong trại giam là: (1) khai báo tất cả các hoạt động công khai hay bí mật của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước kia và nhất là các hoạt động của Mỹ. Về 3 tiêu chuẩn còn lại, thì (2) chúng muốn chúng tôi làm khổ sai cho chúng, thỉnh thoảng có sách báo Mác-xít thì đọc và nói như những con vẹt; (3) giữ trật tự trong trại; và (4) dòm ngó nhau trong anh em để báo cáo tất cả những lời nói hành động của anh em cho tên cán bộ quản giáo biết.. 

    Chúng bắt chúng tôi khai báo rất nhiều lần. Riêng thời gian đầu ở Long Thành đã phải khai báo hàng chục lần rồi. Khi ra Bắc, chúng lại bắt chúng tôi làm lại các bản tự khai. Trước mỗi lần khai báo, chúng soát xét đồ đạc của chúng tôi để tịch thu tất cả những bản thảo của những kỳ khai báo trước còn giữ lại. Mục đích là để chúng tôi mỗi lần khai đều phải dùng trí nhớ mà viết ra, và nếu khai dối thì các bản khai sẽ không phù hợp nhau được. 

    Trước khi khai báo, luôn luôn chúng hướng dẫn buộc chúng tôi phải nhận tội. Trong trại tù Cộng sản, tù nhân bị bắt buộc phải nhận tội, và nhận tội nhiều lần. Không nhận tội thì chúng ghép vào tội ngoan cố, trừng trị nặng hơn bằng các phương cách khác. Nhận tội thì chúng sẽ nói rằng chính các anh đã nhận tội, và như thế chúng tiếp tục giam giữ. 

    Thực ra, về sau nầy, chúng có vẻ không thiết tha lắm trong việc buộc chúng tôi nhận tội, vì dù nhận hay không thì chúng cũng cứ giam giữ dài dài, chúng chẳng cần có căn bản gì để kéo dài sự giam giữ. Nói về pháp lý, thì việc giam giữ chúng tôi, ngay từ đầu đã không có căn bản rồi. Nhưng chúng còn chống chế bằng việc ban hành chính sách cải tạo 3 năm cho đám chúng tôi. Tuy nhiên, đến khi qua hạn 3 năm, chúng cứ lì ra, khi thì đổ cho tại Trung quốc gây chiến (mà chúng tôi có trách nhiệm trong việc đó đâu, và có theo Trung Cộng bao giờ đâu), khi thì nói rằng chính quyền vô sản chuyên chính không cần gì căn bản pháp lý đối với kẻ thù giai cấp! Và nếu ai hỏi tới thì chúng cho vào nhà kỷ luật mà cùm chân lại, thế là xong. 

    Mục đích chính của những cuộc khai báo là chúng muốn moi tin tức. Nhóm chúng tôi từ Long Thành ra Quảng Ninh rồi vào Thanh Hóa gồm đủ thành phần: công chức cao cấp, sĩ quan quân đội, cảnh sát (phần lớn là cấp Tá), tình báo, đảng phái, dân biểu, nghị sĩ v.v… Trong các thành phần nầy, chúng chú trọng nhất là các nhân viên Phủ Đặc ủy Tình báo, và sĩ quan Cảnh sát quốc gia, nhất là ngành Cảnh sát đặc biệt. Mải đến đầu năm 1980, tôi vẫn thấy hai thành phần nầy còn bị gọi lên gọi xuống để hỏi mãi về những hoạt động tình báo trước kia. Việc thẩm vấn nầy do nhân viên của Bộ Nội-vụ đến phụ trách chứ không phải nhân viên trại giam. · 

    Đợt khai báo mà chúng tổ chức kỹ càng nhất, là đợt khai báo đầu năm 1978 ở trại Quảng Ninh. Chúng lợi dụng việc chúng tôi sắp hết hạn ba năm cải tạo để phỉnh gạt chúng tôi khai báo trong đợt đó. 

    Cán bộ Bộ Nội-vụ về trại giam thuyết rằng đến đúng 3 năm là chúng tôi về cả, chỉ trừ một số rất ít mà thôi. Tuy nhiên hãy còn tùy thuộc đợt khai báo nầy. Ai khai báo lập công, cung cấp được những tin tức quý giá có lợi cho Cộng sản sẽ được về trước, ai dấu diếm sẽ bị “lưu ban” (lưu ban nghĩa là ở lại, không được về ). Chúng chia chúng tôi ra từng tổ khai báo, mỗi tổ chừng mươi người, có một tên cán bộ theo dõi hàng ngày. Đợt khai báo nầy kéo dài đến ba tháng. Mỗi người chúng tôi phải viết một tập, có người viết đến hơn 500 trang, viết ngắn cũng phải 100 trang. 

    Trước khi viết, phải thảo luận trong từng tổ về cách viết, và các đề tài liên quan đến việc viết tự khai. Tôi còn nhớ trong một cuộc thảo luận tổ, anh Nguyễn Ngọc Xuân có đặt vấn đề quy chế của chúng tôi trong trại giam là quy chế gì, có phải là tù binh không, và hiệp định Paris có còn giá trị không. Anh cũng nêu lên rằng chính phủ (Cộng sản) vẫn còn đòi Mỹ thi hành điều 21của hiệp định Paris, thế thì chắc hiệp định Paris vẫn còn giá trị chứ. Mấy tên cán bộ hướng dẫn thảo luận chú ý ngay anh Xuân, và sau đợt khai báo, chúng cho anh Xuân vào nhà kỷ luật cùng với 5 vị Linh mục, rồi sau đó, di chuyển những người nầy đi trại khác. Trong số 5 vị Linh mục, có Linh mục Phạm Hữu Nam, Dòng Chúa Cứu Thế, có lần được chúng gọi lên phát biểu ý kiến trong buổi thảo luận chung, Linh-mục đã tỏ ý coi thường chúng bằng câu nói “đối với tôi, tu sĩ Nhà Dòng, thì trại giam hay Dòng tu cũng thế thôi”. 

    Đến tháng 5 năm 1978, chúng kết thúc các đợt khai báo nầy, và tỏ ý thất vọng; nhiều tên cán bộ nói “các anh chỉ làm tốn giấy mực, tốn thì giờ, viết lung tung mà chẳng có gì cả”.

    Không biết thực ra kết quả ra sao, nhưng điều rõ ràng là đến tháng 6-1978, đúng hạn 3 năm của chúng tôi, chẳng có người nào được thả về. Sau đó, chúng vẫn tiếp tục các cuộc thẩm vấn đối với thành phần Tình báo và Cảnh sát.

    Thực ra chúng tôi đã ở tù lâu năm, dù có biết chuyện gì thì cũng mất thời gian tính cả rồi. Những điều chúng muốn hỏi nhất đó là việc cài người vào trong hàng ngũ của chúng. Trong đợt khai báo, chúng khuyến khích chúng tôi tố giác những người trong hàng ngũ của chúng mà có hoạt động cho Việt Nam Cộng Hòa hoặc cho Mỹ, coi đó là ưu tiên 1. Chúng liệt kê từ Phó Chủ tịch Nhà nước trở xuống, cứ việc tố cáo. Khi nghe vậy chúng tôi nghĩ ngay đến Nguyễn Hữu Thọ, và chắc rằng cái ông “Mặt Trận Giải Phóng” nầy mặc dầu được chúng dựng lên, nhưng lúc nào chúng cũng nghi ngờ. Khi những tên Công an cấp thấp mà cũng dám đề cập đến việc tố giác Phó Chủ tịch Nhà nước, thì chắc rằng quyền hành thực sự của ông nầy chẳng có gì. 

    Chúng bắt chúng tôi tố giác cả bà con ruột thịt của mình. Nhưng phần lớn chúng tôi đều viết dài dòng về những điều mà ai cũng biết, chẳng có hại cho ai. Đám hành chánh chúng tôi viết thật dài về công việc thường ngày của người công chức hành chánh, về kế toán lương bổng, kế toán vật liệu, quản trị nhân viên, v.v.. là những vấn đề mà giấy tờ hồ sơ hãy còn đầy tại các công sở sau ngày sụp đổ. Chúng chỉ chú trọng hạch hỏi về tình báo, còn đám công chức, sĩ quan quân đội thì thường chúng chỉ hỏi lấy lệ, nhưng cũng có hỏi, để tỏ ra chúng khỏi phải chỉ nhằm vào tin tức tình báo, mà nhằm vào việc “cải tạo con người”. Nhưng chúng tôi cũng chẳng quá ngu mà không nhận xét được. 

    Trong những đợt khai báo, chúng tôi có cảm tưỏng rằng chúng không được vững về hàng ngũ của chúng. Có lẽ chúng nghi ngờ nhất là những thành phần Saigòn chống đối chính quyền Việt Nam Cộng Hoà và nay hợp tác với chúng. Anh em thuộc Phủ Đặc ủy Tình Báo bị hỏi nhiều nhất là về những thành phần nầy. Trong con mắt của chúng, người nào cũng có thể là CIA. Vã lại, chúng cho rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa là một chế độ kìm kẹp, làm sao những người như bà Ngô Bá Thành, Huỳnh Tấn Mẫm.. lại có thể hoạt động chống đối công khai như thế nếu không có cái gì bên trong. Chúng vẫn lợi dụng những người nầy, vẫn cho họ vào đoàn thể của chúng, có thể ngay từ trước 1975, nhưng nghi ngờ thì chúng vẫn nghi ngờ. Một đặc điểm của chế độ độc tài là tính đa nghi. 

    Trong đợt khai báo, cũng có người khai báo rất hăng. Không tù nhân nao được biết nội dung khai báo của người khác, nhưng nhìn sự lo lắng chăm chỉ, nhìn cách thảo luận, cách hỏi han, cách xum xoe với cán bộ, ta có thể biết những kẻ cố gắng muốn nhờ đợt khai báo nầy mà được về. Kết quả là dù khai thế nào thì cũng chẳng có ai về cả. 

    Ngoài việc khai báo, mỗi 3 tháng, 6 tháng, 1 năm đều có làm kiểm điểm tam cá nguyệt, lục cá nguyệt, và kiểm điểm hằng năm. Mục đầu tiên kiểm điểm bao giờ cũng là về tư tưỏng, kế đó là lao động, hoc tập, thi hành nội quy, đấu tranh tố giác lẫn nhau. Càng những năm về sau, chúng tôi càng coi thường những phiên họp kiểm điểm, và những bản kiểm điểm nầy. Mặc cho bọn cán bộ nói ba hoa, chúng tôi cứ lẵng lặng viết vắn tắt trong bản kiểm điểm. Về tư tưởng, lúc nào chúng cũng muốn chúng tôi viết về “tin tưởng, yên tâm cải tạo”. Giam giữ người ta, ban đầu nói là học tập 1 tháng, sau thành cải tạo 3 năm, sau thành ở tù không biết bao giờ về, mà cứ bắt người ta yên tâm, tin tưởng! Quả thật bọn Cộng sản chẳng phải là con người nữa. Cho nên chúng tôi cũng có cách viết của chúng tôi. Thấy tình hình bế tắc của Cộng sản , chúng tôi viết “Rất yên tâm, tin tưởng vào tương lai dân tộc”. Thấy rõ tình hình kinh tế suy sụp, lạc hậu của Miền Bắc, chúng tôi viết “Nay chúng tôi đã được hiểu rõ thế nào là xã hội chủ nghĩa. Phải, cái thứ “xã hội chủ nghĩa” mà người Sàigòn bảo là “xếp hàng cả ngày, xiết họng công nhân, xạo hết chỗ nói”. Chúng tôi cứ viết vắn tắt với những ý nghĩ thầm kín trong lòng, mà bọn cán bộ thì thấy có đủ các chữ “yên tâm, tin tưởng”. “xã hội chủ nghĩa”. .. thế là được rồi. 

    Thỉnh thoảng chúng có cho chúng tôi đọc báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, nghe Đài Phát Thanh Hà-nội. Hồi mới ra Quảng Ninh, cuối năm ’76, đầu năm ’77 thì chúng cho đọc báo rất đều, hầu như ngày nào cũng có. Đến khi nổ ra vụ biên giới Campuchia thì chúng ngừng báo vài tháng. Rồi lâu quá không dấu được, chúng cho cán bộ tiết lộ từ từ, sau mới cho đọc báo lại nhưng rất hạn chế, chúng chọn kỹ từng tờ báo, thường một tuần chỉ được đọc một hai tờ thôi. Kế đó đến tháng 5-1978, chúng lại ngưng báo nữa. 

    Chúng tôi đã có kinh nghiệm, cứ mỗi lần chúng ngưng không cho đọc báo là có việc quan trọng bất lợi cho chúng đây. Quả vậy, anh em tù hình sự (người địa phương Miền Bắc) tuy bị ngăn cách nhưng cũng có tìm cách thông báo cho chúng tôi một cách vắn tắt, mỗi khi đi lao động bên ngoài, gặp nhau giữa đường:

    “Trung quốc sắp đánh rồi”‘ 

    “Chiến tranh đến nơi rồi”. 

    “Người Hoa quanh vùng nầy (hồi đó chúng tôi ở trại Quảng Ninh) bỏ về Tàu cả rồi….”

    Chúng tôi từng nhóm nhỏ tin cẩn nhau, thì thầm bàn tán, cố nhận định tình hình, ước đoán các biến chuyển qua những tin tức vắn tắt hạn chế như thế. 

    Đến tháng 7-1978 (sau khi nổ ra vụ xích mích với Trung Cộng hai tháng) chúng mới tập họp chúng tôi lại mà phổ biến các sự việc, dĩ nhiên là trình bày theo quan điểm của chúng. Sau đó, trong khi nói chuyện riêng với một vài anh em chúng tôi, một cán bộ Bộ Nội-vụ có tiết lộ rằng, trước khi nổ ra vụ xích mích công khai nầy, Lê Duẫn đã sang Trung quốc ba lần (chúng chỉ công bố có một lần) để cố gắng dàn xếp nhưng thất bại. Bắt đầu từ đấy không bao giờ được nói “Trung quốc vĩ đại”, ‘Trung quốc Việt Nam môi hở răng lạnh, núi liền núi sông liền sông”, “nhân dân Việt Nam đời đời nhớ ơn Trung quốc”…, mà đã xuất hiện những vở kịch chửi bới Mạo Trạch Đông, và khi chửi thì chửi từ cuộc Vạn lý trường chinh chửi đi, chửi từ lý thuyết Mao đến thực tế Trung quốc, chửi cả sự viện trợ của Trung quốc “để cho Việt Nam chống Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”… 

    Chúng tôi cười với nhau. Không biết tòa soạn báo Nhân Dân khi chửi như thế có giở ra xem lại những số báo cũ trong những năm trước đã ca tụng Mao, ca tụng Trung quốc như thế nào không. Ôi, “ba dòng thác cách mạng” của chúng! Ôi, thế giới ở “thời kỳ sau Việt Nam”! Sau ba dòng thác cách mạng lại có dòng thác một tỉ người chảy đâm họng như thế nầy. Sao “thời kỳ sau Việt Nam”, tưởng đế quốc ”tan rã từng mãng lớn”, mà hóa ra khối xã hội chủ nghĩa lại có một tỉ người nhảy sang làm “Nato phương đông” thế nầy! 

    Ở trong tù Cộng sản , đói khát, khổ sai, và không biết bao giờ về, nhưng chúng tôi còn sống được là nhờ ở những tin tức, những lời bàn như thế đấy. Mà những tin tức, lời bàn đó đều rút ra từ báo Nhân Dân chứ không phải chúng tôi phịa ra. 

    https://baovecovang2012.wordpress.com/2021/06/16


    Không có nhận xét nào