Header Ads

  • Breaking News

    Trần Huỳnh Châu – Những năm "cải tạo" ở Bắc Việt, Phần V



    V – KHỔ SAI

    Mỗi bước vào nhà tù Cộng sản, ai cũng được nghe thuyết ngay rằng “Lao Động là Vinh Quang”. Câu nầy thực ra chẳng mới mẻ gì. Vã lại chúng ta chẳng ai khinh lao động, dù là lao động chân tay hay trí óc. Có thể có một số người ở thành phố, giầu sang, ngại lao động chân tay. Nhưng đó chỉ là số ít và tất cả chúng ta đều biết rằng, nếu chúng ta ngại làm việc chân tay thì đó là vì chúng ta lười biếng, hoặc vì thấy lối làm việc đó không đem lại kết quả bằng những phương cách làm việc khác, chứ chúng ta không hề có ý khinh bỉ lao động chân tay. Quan niệm kẻ giàu sang không thèm động đến chân tay, cái gì cũng phải có kẻ hầu người hạ, là quan niệm đã qúa xưa mà chúng ta không cần phải nhắc đển để bàn cãi gì nữa.

    Nhưng Cộng sản thì cứ làm như là mọi người không ai chịu lao động, nên cứ hô hào “lao động là vinh quang” để bắt người ta làm khổ sai cho chúng. Người ta không muốn làm lao động trong chế độ Cộng sản không phải vì khinh lao động , nhưng vì người ta thấy rõ là chỉ làm khổ sai, làm dưới sự chỉ huy của những tên cán bộ dốt nát, và làm ra được cái gì thì Đảng và Nhà nước lấy đi chứ không phải mình hưởng. Mà Nhà nước lấy đi để xử dụng vào việc gì thì chỉ có Đảng và Nhà nước biết, chứ “nhân dận làm chủ” thì chỉ có quyền tiếp tục lao động khổ sai chứ không có quyền biết về sản phẩm của mình.

    Ở ngoài xã hội đã thế, trong trại giam tất nhiên phải tệ hơn nữa. Mỗi ngày chúng tôi phải làm lao động ít nhất tám giờ. Ngày thứ bảy cũng phải làm nguyên ngày. Ngày chủ nhật được nghỉ. Nhưng cứ vài tuần lại có một ngày chủ nhật làm “lao động xã hội chủ nghĩa”. Ngoài xã hội, “lao động xã hội chủ nghĩa” có nghĩa là làm việc ngày chủ nhật không được ăn lương. Trong trại giam, tất nhiên là không ăn lương rồi. Trong khi chế độ tự do buộc chính quyền và chủ nhân phải trả tiền phụ trội cho công nhân, viên chức khi làm việc trong ngày nghỉ hoặc giờ nghỉ, thì chế độ Cộng sản bắt làm không lương trong ngày nghỉ và gọi đó là “lao động xã hội chủ nghĩa”.

    Giờ làm việc được quy định tùy theo mùa. Mùa làm thông tầm (làm luôn trưa), có khi về trại nghỉ trưa, nhưng thời gian nghỉ trưa rất ngắn. Mùa hè thì nghỉ trưa lâu nhưng phải đi làm thật sớm trong buổi sáng và về rất trễ trong buổi chiều. Dù sao, tổng cộng cũng phải đủ 8 giờ.

    Tù nhân được tổ chức thành đội và tổ. Mỗi đội gồm chừng 40, 50 người. Ban Tư
    Quản do trại chỉ định, gồm có đội trưởng, tất cả mọi việc trong đội cho cán bộ quản giáo. Cán bộ quản giáo đội là người của ban Giám thị đưa đến để theo dõi đội hàng ngày. Mỗi buổi đi làm, ngoài cán bộ quản giáo, còn có hai cảnh vệ vác súng đi theo canh chừng. Muốn đi tiểu tiện, đại tiện, phải xin phép cảnh vệ. Đi xong, trở về chỗ làm việc, phải báo cáo.

    Ai làm việc kém, bị coi là lơ là thì bị cắt bớt khẩu phần lương thực. Theo quy chế, khẩu phần tính chung là 15 ký gạo mỗi tháng. Ai làm việc kém, bị ăn 13,5 ký một tháng. Ai làm giỏi được ăn 18 kí. Nhưng Nhà nước không cho thêm lương thực, cho nên nếu có một người ăn 18 ký thì phải có hai người ăn 13 ký rưởi để bù lại chỗ thiếu. Ngược lại, nếu có nhiều người ăn 13 ký rưỏi, thì không bắt buộc phải có người ăn 18 kí. Cho nên người nào tỏ ra mình lao động giỏi, lấy điểm với cán bộ để được ăn 18 kí, là ăn trên khẩu phần của người khác.

    Như đã nói trong mục ĐÓI, khẩu phần 15 ký thực ra không bao giờ có đủ, mà chỉ độ 10 đến 12 ký thôi; cho nên khẩu phần 13 ký lại càng thê thảm. Ngoài việc ăn 13 kí, còn có thể bị nhốt vào phòng kỷ luật với lý do “lãng công”, “chống đối lao động”. Nhốt vào phòng kỷ luật, thì nhốt biệt giam, phòng tối, bị cùm một chân hoặc hai chân, và chỉ ăn khẩu phần 10 kí, nghĩa là mỗi bữa ăn một nắm cơm, nếu là bữa ăn cơm, hoặc 1 -2 khúc sắn nhỏ, nếu là bữa ăn sắn. Vào phòng kỷ luật, chỉ vài tuần là người xanh lướt, đi không nổi, rất dễ bị liệt. Cho nên mặc dầu biết lao động thực ra chỉ là khổ sai, chúng tôi vẫn phải đi làm hằng ngày để khỏi vào phòng kỷ luật, giữ lấy mạng sống hầu có ngày gặp lại vợ con, có ngày làm cái gì cho Tổ Quốc.

    Hồi ở trại Quảng Ninh, chúng chưa áp dụng việc cắt giảm khẩu phần đối với những người yếu lao động. Vào đến Thanh Hóa, ở phân trại B, chúng muốn áp dụng, nhưng gặp lúc chúng tôi đấu tranh, nhất định, không bình bầu ai 18 kí, ai 13 ký gì cả, và tuyên bố hẳn với cán bộ rằng dù có phân biệt khẩu phần thì về đến đội, chúng tôi sẽ chia đều ra mà ăn. Chúng tạm hoãn việc áp dụng qui chế này. Nhưng đến đầu năm 1979, tại phân trại C, chúng tự chỉ định người ăn 13 kí, 18 ký và cho biết nếu không ăn đúng như thế chúng sẽ nhốt vào phòng kỷ luật. Thực tế, chúng đã nhốt một số vào phòng kỷ luật nên chúng đã áp dụng được khẩu phần phân biệt. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn trao phần ăn cho nhau để luân phiên chịu phần ăn 13 kí.

    Năm 1979, tôi và Hoàng Xuân Hảo ăn chế độ 13 ký trong ba tháng liền. Cũng may là lúc đó chúng tôi đều đã được vợ ra thăm nuôi, nên chẳng ngại gì việc khẩu phần sút giảm. Chúng tôi ngồi ăn khẩu phần 13 kí, vui vẻ đua nhau “binh xập xám”. Thế mà cũng có người báo cáo, và tên cán bộ quản giáo lại xỉ vả chúng tôi.

    Công việc thì tùy từng đội. Có đội trồng rau, có đội đập đá, có đội làm gạch, có đội làm lò rèn, có đội đi xây nhà, sửa đưòng, có đội đi đào đá ong. Ngoài ra còn có đội làm bếp.

    Hồi ở Quảng Ninh, tôi ở đội 4, phụ trách phá núi để trồng chè. Đây là công việc nặng. Núi phần lớn là đá sỏi, khi cuốc phải dùng cuốc chim. Chúng tôi phải khai hoang trước, sau mới cuốc cho núi thành từng bậc tam cấp, trên mỗi bậc phải dùng cuốc chim đào mương rồi gánh đất thịt từ dưới chân núi lên đổ vào các mương cho đầy, xong mới trồng chè trên các mương đó. Phải chi đất đều đã tận dụng cả rồi mới khai thác đến núi đá bằng cách đó thì còn có lý. Đằng này đất ở dưới còn chưa khai thác hết, và khai thác rất cẩu thả, thế mà lên núi đá trồng chè theo kiểu phí sức như thế, thực chẳng hợp lý về kinh tế chút nào cả. Nhưng ”nước sông còng tù”, chúng cứ bắt chúng tôi làm như thế. Năm đầu chúng tôi trồng xong, năm sau đi làm việc khác, nhìn lại đồi chè thấy toàn cỏ dại vì chẳng có phân công cho đội nào chăm sóc cả.

    Việc trồng rau, mới nghe tưởng nhẹ, nhưng cũng không nhẹ đâu. Không có hệ thống tưới, chúng tôi phải gánh nước để tưới. Mỗi ngày, gánh hàng trăm đôi nước, đường đi phải lên dốc xuống gò trong khi bụng đói thân gầy, chẳng phải là chuyện dễ. Lại còn cái nạn tưới phân Bắc (phân người). Phân không kip ủ đã bắt lấy ra dùng. Dòi bọ và lải tùm lum trong đó. Lúc ở Quảng Ninh phải lấy phân cả những cầu tiêu khu nữ tù nhân thì có cả những “băng” vệ sinh trong ấy, gánh phân có khi đỏ lòm! Mà chúng tôi chẳng ai có găng tay, giày bốt gì cả. Cứ cởi trần ra, tay trần chân không, độc có cái quần đùi, nhảy xuống đống phân, vọc vào thùng phân, pha nước mà tưới. Làm xong thì tắm xà-phòng cũng là xà-phòng của nhà gửi ra chứ xà-phòng trại phát một năm chỉ dùng một tháng. Mùa nóng thì làm công việc này xong, tắm rửa không có gì trở ngại. Mùa rét mà làm công việc này, không tắm không được, mà tắm xong thì người xanh xám vì lạnh cóng.

    Mỗi năm cứ theo mùa mà trồng rau. Mùa hè rau muống, mùa thu cải thìa, mùa đông cải bắp và su hào. Ngoài ra có trồng thêm bí ngô. Trại Quảng Ninh hay Thanh Hóa thì thấy quanh đi quẩn lại cũng chi trồng có thế thôi.

    Ở Quảng Ninh, đầu năm 1978, thu hoạch được cải bắp và su hào rất khá, nhưng chúng tôi chẳng được ăn bao nhiêu. Cải bắp thì chúng tướt lá xanh bên ngoài (thứ lá thường vứt đi hoặc nấu cho heo ăn) cho chúng tôi ăn. Còn bắp cải thật sự thì cán bộ ăn hoặc chở đi bán. Su hào thì thỉnh thoảng mới được ăn quả su hào nấu với muối, còn thường thì chỉ ăn canh lá su hào mà thôi.

    Hồi ở trại số 5 Thanh Hóa, chúng tôi thấy những câu khẩu hiệu nhan nhản ở ngoài đồng, trong đó có câu:

    Hạt lúa là hạt lúa vàng,
    Phơi khô quạt sạch, sẵn sàng nhập kho.

    Câu này diễn tả có phần đúng. Phơi khô, quạt sạch lúa rồi để nhập kho Nhà nước, chứ không phải để mình ăn. Nhà nước quản lý mà. Hồi đó anh em tụi tôi vẫn thường cười câu nói của Cộng sản “Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Đảng lãnh đạo”. Công việc của người làm chủ, thực ra chỉ là việc lãnh đạo và quản lý, thế mà hai việc nầy Đảng và Nhà nước nắm cả rồi, thì Nhân dân còn công việc gì để làm chủ nữa? Nhân dân chỉ còn công việc lao động, sản phẩm của lao động thì được nhập kho Nhà nước, thế là xong.

    Chúng tôi là thân phận thằng tù, đâu dám bì với nhân dân. Thế mà nhân dân còn vậy, huống gì chúng tôi. Chúng tôi có kêu ca cũng chẳng được, đành cứ làm lao động sản xuất, và được bao nhiêu gạch, bao nhiêu lúa (tại trại số 5 Thanh Hóa, có trồng lúa nhiều nhưng do các đội tù hình sự làm), bao nhiêu rau, bao nhiêu đá dăm, bao nhiêu đá ong v.v.. thì những sản phẩm nầy được chở đi đâu, được xử dụng như thế nào, chúng tôi không có quyền hỏi đến. Truớc kia, trong chế độ Cải Huấn của ta, có các Trung Tâm dạy nghề, và sản phẩm làm ra, sau khi trừ vốn và bỏ một phần nhỏ vào quỹ điều hành, được kể là của phạm nhân có công sản xuất. Tiền bán được sẽ ghi vào sổ cho phạm nhân đó để họ tiêu dùng. Còn chi phi ăn uống của phạm nhân thì hoàn toàn do ngân sách quốc gia đài thọ. Chính quyền Cộng sản miệng chửi người khác bóc lột, nhưng chúng bắt tù làm khổ sai và tiền bán sản phẩm được nhập quỹ Nhà nước. Tất cả tù đều phải làm khổ sai. Cho nên Cộng sản có thể giam giữ rất nhiều tù mà không sợ tốn. Có lẽ Nhà nước còn có lợi khi giam giữ tù chứ chẳng phải chi tiêu gì.

    Cộng sản chửi địa chủ, nhưng chúng tôi thấy không có người địa chủ nào có thể bắt tá điền làm việc cực nhọc như chúng tôi (cuốc núi đá, đào đá ong, hốt phân người…) mà lại cho ăn bằng thức ăn dành cho súc vật, và ăn quá đói.

    Qua mấy trại giam, chúng tôi thấy thời gian ở phân trại C, trại số 5 Thanh Hóa là cực khổ nhất về phương diện lao động. Sau cuộc đấu tranh cuối năm ’78 và đầu năm ’79, chúng đàn áp tàn bạo, và bắt chúng tôi làm khổ sai thật nặng. Mùa hè năm ’79, đội chúng tôi phụ trách trồng sen trong một khu hồ rất rộng. Muốn trồng sen, trước hết phải dọn hồ. Hồ toan là gai góc, cỏ rậm, ở gần khu gia đình cán bộ, phân người tùm lum dưới hố. Và đỉa, chao ôi là đỉa. Nhất là lúc hết xuân sang hè, sao mà đỉa ra lắm thế. Hồ này rộng phải đến có mấy chục mẫu. Đội chúng tôi chỉ có 30 người, cũng có lúc được các đội khác tăng cường, phái xuống hồ, hụp lặn mà gỡ cho hết gai góc, dọn cho sạch cỏ và cây dại, rồi mới đi nhổ sen giống về trồng. Buổi nào làm lao động xong, người chúng tôi cũng đầy máu vì đỉa. Anh Nguyễn Thành Danh (trước là Thiếu tá , con trai ông Nguyễn văn Vàng cựu Bộ trưởng tại Phủ Thủ Tưóng), có lần bị hai con đỉa chui vào dương vật, may mà chúng nó vào một lát rồi theo đường nước tiểu chui trở ra, vì không chịu được nhiệt độ nóng trong cơ thể con người. Nhưng chúng nó đã cắn hút máu bên trong rồi và anh Danh thuộc loại máu khó đông đặc nên không cầm máu được. Cứ thế máu chảy qua đến ngày hôm sau, quần đỏ lòm, chúng tôi đùa là “lâu lắm mới thấy một người có kinh nguyệt”. Sau, phải kiếm Vitamine K trong anh em cho anh ấy mới cầm được máu. Tiến sĩ Hoàng Xuân Hảo thì người thấp mà không biết bơi, gặp có chỗ hồ sâu lút đầu, mấy lần suýt chết đuối.

    Chúng tôi vừa ngâm mình dưới hồ, vừa nhắc cho nhau lịch sử Việt Nam. Việt sử chép rằng khi quân Tàu sang đô hộ, chúng rất tàn bạo, bắt dân ta lên núi tìm sừng tê giác, xuống biển mò ngọc trai.. Xuống biển mò trai thì nước biển còn sạch mà không có đỉa. Còn nay Cộng sản bắt dân ta xuống hồ trồng sen cho cán bộ chúng ngồi chơi hồ sen với nhau, mà hồ nước thì dơ bẩn đầy những cứt đái, gai góc và đầy đỉa. Và người làm dưới hồ thì toàn là thành phần trí thức của dân tộc Việt Nam . Hòa giải hòa hợp dân tộc của Cộng sản là thế đấy.

    Không có nhận xét nào