Header Ads

  • Breaking News

    Tranh cãi vì thí sinh Miss Grand Cambodia 2022 bị gọi là “Việt-Khmer Kampuchea Krom”

     


    Nguồn hình ảnh, Getty Images/ Chụp lại hình ảnh, Phnom Penh, thủ đô Campuchia

    Giám đốc Miss Grand Cambodia 2022 gây tranh cãi khi gần đây gọi một thí sinh là người dân tộc “Việt-Khmer Kampuchea Krom” trong một chương trình phát thanh, theo tờ Khmer Times.

    Đây là cuộc thi sắc đẹp của Campuchia để từ đó chọn ra thí sinh tham gia Miss Grand International, và ông In Sophin là tổng giám đốc Công ty Mohahang, đơn vị tổ chức cuộc thi.

    Ông In định nhấn mạnh sự độc đáo của Miss Grand Cambodia, có ứng cử viên tới từ nhiều thành phố và quốc gia khác nhau có người Campuchia sinh sống.

    Ông sau đó nói thí sinh Hang Soryan là người “Việt lai Khmer Kampuchea Krom” và cô tự giới thiệu mình bằng tiếng Tong của Khmer Kampuchea Krom.

    Vì sao gây tranh cãi?

    Theo tờ Khmer Times, cô Chhorn Sreneth lên tiếng phản đối cách dùng từ của ông In Sophin vì người Khmer Krom không phải là người gốc Việt. Cô cho rằng cụm từ “Việt lai Khmer Krom” sẽ gây đau đớn cho cộng đồng Khmer Krom vì họ là người Campuchia—không phải người Việt hay lai Việt.

    Bản thân cô là người Khmer Krom.

    Người Khmer Krom, cô Chhorn nói thêm, là người Khmer thuần túy, yêu dân tộc Khmer, và cố gắng duy trì bản sắc cho dân tộc Khmer.

    Tuy nhiên, cô cũng cảm ơn ông In đã tạo cơ hội cho người Khmer Krom có mặt trong chương trình.

    Kampuchea Krom và những vấn đề quá khứ

    Theo tài liệu của Cộng đồng Khmer Krom phổ biến trên mạng, Kampuchea Krom “nguyên là một phần của Vương quốc Kampuchea ở phía đông”, trước đây “được gọi là Kampuchea Ngập Nước hay Kampuchea Krom (Kampuchea Hạ), và còn được gọi là Đồng bằng Châu thổ sông Mekong (Mekong Delta).”

    Năm 2014, ông Thach Setha, Chủ tịch Cộng đồng Khmer Krom ở Campuchia, nói “Đất đai Kampuchea Krom là của chúng tôi, và bị người Pháp giao cho người Việt Nam.”

    Ông muốn “phía Việt Nam chính thức công khai xin lỗi người Khmer Krom và công nhận lịch sử của chúng tôi bằng văn bản” và yêu cầu Việt Nam “không can thiệp vào chính trị của các quốc gia khác”.

    Các nhà hoạt động từ cộng đồng này từng có cuộc họp để nêu yêu sách của họ (xem video: Họp mặt của người Khmer Krom).

    Tuy thế, có ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy từ Pháp nói với BBC Tiếng Việt cũng trong năm 2014 là những yêu cầu của người Khmer Krom thực ra là vô lý, chủ yếu nổi lên vì nhu cầu chính trị nội bộ Vương quốc Campuchia:

    "Có một sự thật các triều vương Khmer không hề quan tâm đến vùng đất sình lầy đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, khi có cơ hội là sẵn sàng trao tặng cho những người đã giúp họ giữ được ngôi báu. Dựa vào yếu tố này, có thể nói người Khmer chưa bao giờ làm chủ đồng bằng châu thổ sông Cửu Long mặc dù đã hiện diện trước đó," theo TS Nguyễn Văn Huy từ Paris, Pháp (xem bài đã đăng).


    Nguồn hình ảnh, Getty Images/Chụp lại hình ảnh,

    Biểu tình ở Phnom Penh ngày 21/7/2014, kêu gọi VN trả lại vùng lãnh thổ Kampuchea Krom cho Campuchia

    "Đế quốc Angkor thiết lập các trung tâm chính trị và tôn giáo “về phía tây, quanh khu vực phía bắc hồ Tonlé Sap (Battambang, Siem Reap), sông Chao Phraya và lưu vực hai sông Menam và Irrawaddy” và “về phía đông, từ vùng trung lưu sông Mekong (Kompong Cham) tới khu vực phía nam hồ Tonlé Sap (Biển Hồ), Longvek, Udong, Kampong Cham và Banteay Prey Nokor (Gia Định).”

    “Vùng phía nam (đồng bằng châu thổ sông Cửu Long), cho đến nay chưa tìm thấy dấu ấn cai trị của vuơng triều Khmer”, ông Nguyễn Văn Huy viết.

    “Không có tư liệu nào trong Văn khố hoàng gia Khmer (Chroniques royales khmères) nhắc đến sự triều cống của những nhóm dân cư sinh sống trên đồng bằng châu thổ sông Cửu Long (Mekong).”

    Tuy thế, các vấn đề như vậy vẫn còn nảy sinh, chẳng hạn theo một trang báo của ngành Biên phòng VN hồi 2018 thì đã có các vụ việc như "khiếu kiện tranh chấp đất tại chùa Mỹ Văn, chùa Rùm Sóc (Trà Vinh); vụ việc phức tạp liên quan đến việc một số chùa tại An Giang không nhận con dấu khắc không có chữ Pali; vụ việc liên quan đến tượng Phật cổ".

    Trang báo này nói các vụ việc trên bị một số đối tượng có tư tưởng cực đoan lợi dụng xuyên tạc “Việt Nam đã chiếm vùng đất Tây Nam bộ của người Khmer Krom, nay lại muốn chiếm luôn tượng Phật cổ của người Khmer” và cho là hoạt động của các nhóm Khmer Krom có liên quan đến chính trị gia Sam Rainsy của Campuchia, hiện sống lưu vong ở châu Âu.

    https://www.bbc.com

    Không có nhận xét nào