Header Ads

  • Breaking News

    Các công ty công nghệ chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam có thể sản xuất Apple Watch




    Do các yếu tố địa chính trị và chính sách Zero Covid của ĐCSTQ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến các gã khổng lồ công nghệ bắt đầu chuyển nhiều chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn trên toàn cầu ngày càng tập trung vào Việt Nam.

    Tờ Nikkei Asia ngày 17/8 đưa tin, Apple đang đàm phán để lần đầu tiên sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam, trong bối cảnh hãng này đang tìm cách đa dạng hóa lĩnh vực sản xuất một số sản phẩm của mình ra khỏi Trung Quốc.

    Ba người am hiểu về vấn đề này nói với Nikkei Asia, các nhà cung cấp của Apple là Luxshare Precision Industry và Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch ở miền Bắc Việt Nam, lần đầu tiên sản xuất thiết bị này bên ngoài Trung Quốc.

    Việt Nam đã là cơ sở sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc, nơi hãng sản xuất một loạt sản phẩm chủ lực, bao gồm máy tính bảng iPad và tai nghe AirPods.

    Digitimes đưa tin, Google đang xem xét chuyển đơn đặt hàng điện thoại thông minh thế hệ tiếp theo sang nhà máy của các đối tác sản xuất tại Việt Nam. Google sẽ chuyển một số lượng nhỏ đơn đặt hàng Pixel 7 sang Việt Nam để thử nghiệm và “đào tạo nhân viên”. Digitimes cho biết, dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh mới của Google tại Việt Nam sẽ được hoàn thành sau năm 2023. Tới đây, thế hệ điện thoại thông minh mới nhất của hãng sẽ được sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này.

    Nhiều nhà sản xuất điện tử lớn khác như Dell và Amazon cũng đã đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam để đa dạng hóa bên ngoài Trung Quốc.

    Các công ty Hoa Kỳ nhằm mục đích tránh những rủi ro do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và lệnh phong toả do dịch bệnh của Trung Quốc.

    Vào tháng 2 năm nay, tập đoàn điện tử khổng lồ Samsung của Hàn Quốc thông báo sẽ đầu tư thêm 920 triệu USD vào Việt Nam. Tạp chí thương mại điện tử Elektronik Praxis của Đức đưa tin, các công ty điện tử Trung Quốc như Lixin Precision, Goertek và Pegatron cũng đang chuyển cơ sở sang Việt Nam.


    Việc Việt Nam sản xuất Apple Watch sẽ là một cột mốc quan trọng

    Theo các chuyên gia trong ngành, quy trình sản xuất một chiếc Apple Watch phức tạp hơn, và cần rất nhiều kỹ năng để ghép nhiều bộ phận vào một chiếc đồng hồ nhỏ như vậy. Việc sản xuất sản phẩm này sẽ là một cột mốc quan trọng đối với Việt Nam khi nước này cố gắng đẩy mạnh hơn nữa lĩnh vực sản xuất công nghệ.

    Apple tiếp tục chuyển hoạt động sản xuất iPad sang Việt Nam sau khi việc phong toả liên quan đến dịch bệnh ở Thượng Hải đã gây ra sự gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng. BYD của Trung Quốc là đơn vị đầu tiên hỗ trợ quá trình chuyển đổi, mặc dù các nguồn tin nói với Nikkei Asia rằng Foxconn hiện cũng đang giúp sản xuất nhiều iPad hơn tại Việt Nam. Những người này cho biết Apple cũng đang đàm phán với các nhà cung cấp để xây dựng và thử nghiệm dây chuyền sản xuất cho loa thông minh HomePod của mình tại Việt Nam.

    Hai nguồn tin cho biết, trong quá trình sản xuất MacBook, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp thiết lập một dây chuyền sản xuất thử nghiệm tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho biết, tiến độ chuyển dây chuyền sản xuất quy mô lớn sang Việt Nam diễn ra rất chậm, một phần do gián đoạn liên quan đến đại dịch, nhưng cũng vì sản xuất máy tính xách tay liên quan đến chuỗi cung ứng lớn hơn.

    “AirPods, Apple Watch, HomePod và hơn thế nữa … Ngoài việc sản xuất iPhone, Apple còn có những kế hoạch lớn tại Việt Nam”, một trong những người am hiểu về tình hình cho biết. “So với trước đây, các bộ phận của máy tính MacBook đã được module hóa nhiều hơn so với trước đây, điều này giúp cho việc sản xuất máy tính xách tay bên ngoài Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn. Nhưng làm thế nào để chúng có giá thành cạnh tranh lại là một thách thức khác”.
    Thuận lợi và khó khăn của sản xuất tại Việt Nam

    Sự đa dạng hóa của Apple tại Việt Nam bắt đầu với AirPods, được đưa vào sản xuất hàng loạt tại Việt Nam vào năm 2020. Tai nghe này là một trong những sản phẩm đầu tiên của Apple chuyển việc lắp ráp ra khỏi Trung Quốc khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung xảy ra dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

    Động thái này đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận của Apple, công ty trong nhiều thập niên đã phụ thuộc vào Trung Quốc trong gần như tất cả các nhu cầu sản xuất.

    AirPods là một dây chuyền sản xuất tương đối đơn giản trong các sản phẩm của Apple. Một số nhà cung cấp của Apple bắt đầu từ OEM AirPods, thiết lập quan hệ hợp tác với Apple, và tiếp tục nhận đơn đặt hàng cho các sản phẩm có yêu cầu quy trình cao hơn như Macbook và iPhone mà Luxshare Precision là đại diện.

    Chi phí sản xuất thấp của Việt Nam không chỉ thể hiện ở giá đất và giá nhân công, mà còn có các chính sách thuế quan thuận lợi hơn, đây là một lợi thế quan trọng trong môi trường xung đột thương mại Trung-Mỹ. Tuy nhiên, một số người trong cuộc chỉ ra rằng mức độ tự động hóa công nghiệp, công nhân lành nghề và dây chuyền công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam chưa cao.

    Chính phủ Việt Nam cũng đang cố gắng thu hút sự hợp tác của các gã khổng lồ công nghệ. Vào tháng 5 năm nay, Thủ tướng Việt Nam ông Phạm Minh Chính đã đến thăm một số công ty công nghệ khổng lồ của Hoa Kỳ với ý định thu hút đầu tư. Ông đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành Apple Tim Cook tại trụ sở Apple ở Hoa Kỳ và nhấn mạnh rằng Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư và tài chính với Apple. Ông Cook cũng trả lời rằng Apple quan tâm đến việc hợp tác với các nhà sản xuất Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn của công ty.
    Chiến tranh thương mại và chính sách Zero Covid thúc đẩy sự đa dạng hóa của các gã khổng lồ công nghệ

    Đối với Việt Nam, sự thay đổi của Apple, cùng với căng thẳng Mỹ -Trung nói chung là một lợi ích. Tại Việt Nam, số lượng nhà cung cấp thiết bị sản xuất của Apple đã tăng từ 14 trong năm 2018 lên ít nhất 22 hiện nay, theo phân tích của Nikkei Asia về danh sách nhà cung cấp mới nhất của Apple và các cuộc phỏng vấn với các nguồn tin.


    Ông Raphael Mok của công ty tư vấn Fitch Solutions nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn: “Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi chính từ việc chuyển đổi chuỗi cung ứng”.

    Ông Eddie Han, nhà phân tích cấp cao tại Isaiah Research, nói với Nikkei Asia rằng các nhà sản xuất điện tử đang cố gắng cân bằng giữa căng thẳng Mỹ-Trung.

    Ông Han cho biết: “Vai trò nhà máy sản xuất quan trọng nhất thế giới của Trung Quốc đã bị thách thức kể từ sau chiến tranh thương mại, và sau đó các chính sách năng lượng và chính sách Zero Covid của nước này cũng đặt ra nhiều thách thức”.

    Oxford Economics đã dự đoán vào tháng 6 rằng đến năm 2025, khoảng 4% xuất khẩu hàng điện tử toàn cầu sẽ đến từ Việt Nam. Theo chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á của Oxford Economics, Việt Nam là “điểm đến hấp dẫn nhất trong khu vực đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất”.

    Không có nhận xét nào